Trần Trung Đạo: Việt Nam “không cần tủ lạnh” mà cần tự do
Trong suốt dòng lịch sử, trí thức luôn đóng một vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của dân tộc. Câu “sĩ, nông, công, thương” trong đó sĩ đứng hàng đầu không phải tự nhiên mà có. Sự kính trọng bắt nguồn từ những gắn bó của giới trí thức với đại đa số dân chúng và những giá trị mà họ dùng để dẫn dắt dân chúng.
Trong thời kỳ Pháp thuộc dù máy chém đang đợi, Côn Đảo đang chờ, nhiều trí thức Việt Nam bằng trí tuệ và lòng yêu nước đã dấy lên Phong trào Duy Tân lịch sử.
Miền Trung, năm 1905, Phó bảng Phan Châu Trinh đã cùng với hai tân tiến sĩ khoa 1904, Tiến sĩ Trần Quý Cáp và Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, khăn gói lên đường đi khắp nước để vừa tìm bạn cùng chí hướng và vừa phổ biến tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Miền Nam có Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng hưởng ứng và lập ra các cơ sở Liên Thành.
Miền Bắc có Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc đồng lòng và cùng dấy lên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Những trí thức đó, phần lớn chỉ mới ngoài 30 tuổi, đã sống và đã ngã xuống một cách tuyệt vời như bông lúa Việt Nam.
Dưới chế độ độc tài Cộng sản ngày nay, hàng trăm trí thức trẻ đã tiếp nối con đường của cha ông dấn thân vào hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng thật sự.
Những tiếng chuông của Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang v.v.. nối tiếp nhau gióng lên để đánh thức tâm hồn Việt Nam khao khát tự do vẫn còn vang vọng khắp ba miền.
Hẳn nhiên, trong hành trình còn đầy gian nan, tại mỗi sân ga có người đã bước xuống vì lý do riêng nhưng cũng có nhiều người khác bước lên, chuyến tàu lịch sử lại tiếp tục băng về phía trước.
Bên cạnh đó không ít người có học, tốt nghiệp từ nhiều trường đại học nước ngoài, khi về nước bị cuốn hút sâu vào bộ máy quyền lực để làm mất đi tác phong và tư cách của một người trí thức.
Nhiều người đã về hưu, không còn phải chật vật vì nhu cầu tiền bạc, cơm áo nhưng lại thích về quê để khoe khoang thành tích và được nghe những lời tôn vinh, ca tụng, vuốt ve.
Trước đây người viết cũng đã có dịp bàn đến những “trí thức” này khi so sánh họ với một anh nông dân nước Cộng Hòa Sierra Leone.
Ngày 5 tháng 3, 2014, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm viếng Cộng Hòa Sierra Leone nhân dịp các lực lượng Liên Hiệp Quốc làm lễ chính thức chấm dứt các hoạt động bảo vệ hòa bình ở quốc gia này.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng “Sierra Leone đại diện một trong những trường hợp phục hồi sau chiến tranh thành công nhất trong thế giới về bảo vệ và kiến tạo hòa bình”. Ông cũng ca ngợi nhân dân Sierra Leone đã can đảm vươn lên từ điêu tàn đổ nát để có một quốc gia ổn định như hôm nay và nhắc nhở các quốc gia đã từng bị chiến tranh tàn phá nên học bài học Sierra Leone.
Lời phát biểu của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon làm sáng lên trong hình ảnh một anh nông dân Sierra Leone với nụ cười chiến thắng của anh và thiên anh hùng ca dân chủ anh viết lên bằng đôi tay đẫm máu của mình. Tấm hình anh dùng chân phải để kẹp lá phiếu bỏ vào thùng trong buổi sáng đẹp trời ngày 14 tháng 2 năm 2002 trên quê hương Sierra Leone chưa phai mùi súng đạn của anh sẽ không bao giờ phai.
Anh tên là Ismail Darramy.
Anh không phải là Nelson Mandela mà chỉ là một nông dân bình thường nhưng nụ cười của anh, hai cánh tay cụt của anh, bàn chân trái kẹp lá phiếu của anh xuất hiện trên mặt báo đã trở thành biểu tượng cho khát vọng tự do dân chủ của những ai đang tranh đấu cho một trong những quyền căn bản của con người: quyền tự do.
Anh Ismail Darramy tươi cười là phải. Hôm đó là ngày anh đi bỏ phiếu để bầu nên một chính phủ dân chủ đầu tiên cho quê hương anh sau một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt 11 năm. Nụ cười của anh đúng nghĩa là nụ cười chiến thắng. Vâng, anh Darramy cuối cùng đã chiến thắng trước súng đạn của quân phản loạn được mệnh danh là Mặt trận Đoàn kết Cách mạng Sierra Leone (RUF).
Không có chiến thắng nào mà không phải hy sinh. Anh Ismail Darramy đã hy sinh cả hai bàn tay, không phải ngoài mặt trận mà trong phòng bỏ phiếu. Trong cuộc bầu phiếu cưỡng bách và gian lận lần trước, anh đã nhất định không bỏ phiếu cho quân phiến loạn RUF. Chúng đã trả thù bằng cách chặt đứt cả hai bàn tay của anh. Vì không có hai tay, anh đã phải dùng chân để bỏ phiếu.
Anh chịu đựng đớn đau, vợ con anh đói khổ khi anh không còn tay để canh tác cũng chỉ vì một lá phiếu. Tự do dân chủ đối với anh Ismail Darramy là những quyền tự nhiên mà bất cứ một con người cũng phải có, như con nai được uống nước bên bờ suối, con cá được lội tung tăng dưới sông, con sâu đo mình trên cọng lá xanh, con chim hót trên cành. Bình thường và đơn giản như thế.
Những nước cách đây không lâu còn rên xiết dưới gót độc tài như Congo, Botswana, Nigeria, Zambia, Ethiopia, Nicaragua, Guinea và Serria Leone trong mức độ khác nhau là những nước dân chủ. Nhưng cũng buồn thay, trong bản liệt kê, có một góc nhỏ tách rời khỏi cộng đồng nhân loại, ghi tên những quốc gia đang bị cai trị bởi một đảng độc tài, trong đó có Bắc Hàn, Trung Cộng và Việt Nam.
Sierra Leone giống Việt Nam vi đều chịu đựng 100 năm dưới ách thực dân và nhiều năm trong chiến tranh tàn phá.
Trong gần 100 năm dưới ách thực dân, hàng ngàn người Việt Nam không phải chỉ bị mất hai tay nhưng còn bị mất cả đầu chỉ vì dám nói lên tiếng nói thật của lương tâm họ. Cho đến nay, sau nhiều thế kỷ đấu tranh bằng xương máu, người dân Việt vẫn chưa có cái quyền tối thiểu mà anh Ismail Darramy và phần lớn nhân loại đang có. Ước mơ độc lập tự do của bao thế hệ Việt Nam vẫn còn là mơ ước.
Sierra Leone khác Việt Nam vì Sierra Leone đang cố gắng xây dựng căn nhà dân chủ và Việt Nam vẫn còn chìm đắm dưới chế độ độc tài.
Tại Sierra Leone, báo chí có khuynh hướng phê bình các chính sách của nhà nước nhưng không có báo nào bị đóng cửa vì lý do chống đối nhà nước. Các cuộc biểu tình do các đảng phái đối lập tổ chức để phản đối một số chính sách của chính phủ thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng không phải vì thế mà họ bị chính phủ bỏ tù.
Sierra Leone còn rất lâu để trở thành một nước cường thịnh hay xây dựng một căn nhà dân chủ ổn định nhưng ít nhất đã đặt được những viên đá cần thiết làm nền móng cho một cơ chế chính trị nơi đó quyền của con người được luật pháp bảo vệ, một nền kinh tế có khả năng kích thích sản xuất, nâng cao đời sống, và một xã hội nơi các thế hệ măng non của Sierra Leone sẽ trưởng thành trong hy vọng. Họ có được điều đó nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nước dân chủ qua trung gian của Liên Hiệp Quốc về kinh tế cũng như về quân sự nhưng chắc chắn phần chính vẫn nhờ vào những người như anh Ismail Darramy.
Sierra Leone không có bốn ngàn năm văn hiến, không có những thời đại hiển hách Lý Trần, phá Tống bình Chiêm, Rạch Gầm Xoài Mút. Người dân xứ Sierra Leone không có nhiều quá khứ. Lịch sử của đất nước họ là một chuỗi ngày buồn. Tổ tiên họ là những nô lệ được trả tự do nhưng không có một nơi để trở về. Thậm chí, trong số 400 người đầu tiên đến Sierra Leone vào năm 1787, có 70 người là gái bán dâm lưu lạc. Theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới, trong số 6 triệu người dân Sierra Leone chỉ có 29% dân số trên 15 tuổi là biết đọc biết viết và chỉ có 44% trẻ em trong tuổi đi học đã có cơ hội đến trường.
Thế nhưng tại sao Sierra Leone có dân chủ mà Việt Nam thì chưa?
Nhiều lý do nhưng một trong những lý do Việt Nam chưa có dân chủ, không phải vì tỉ lệ người dân biết đọc và viết tại Việt Nam thấp hơn Sierra Leone mà trái lại vì thành phần trí thức, định nghĩa một cách tổng quá là thành phần khoa bảng, có trình độ học vấn cao, ưu tú về các lãnh vực thuộc khoa học nhân văn, trong xã hội Việt Nam quá đông.
Việt Nam ngày nay không còn là đất nước ra ngõ gặp anh hùng mà ra ngõ nếu không chạm mặt tiến sĩ thì cũng đụng đầu thạc sĩ.
Trước khi viết về thành phần trí thức này người viết xin dừng lại ở đây để xin lỗi và cám ơn những trí thức chân chính, những văn nghệ sĩ Việt Nam chân chính, bằng trí tuệ của mình đang công khai hay âm thầm truyền bá các giá trị tốt đẹp của tự do, dân chủ, nhân bản và văn minh nhân loại trong điều kiện và hoàn cảnh riêng của họ. Trong giờ phút này, người viết thật sự tin, ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, trái tim của những trí thức, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo chân chính đó vẫn nhịp chung nhau một nhịp khát khao, vẫn nghĩ đến nhau dù đang đi trên nhiều ngả đường khác nhau và tuy không nói ra, trong tâm thức, họ vẫn hẹn nhau chung một nẻo về cũng như cùng hướng đến một bình minh dân tộc.
Tuy nhiên, thành thật mà nói lực lượng trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam chân chính còn quá ít để kéo nổi con tàu cách mạng với những toa sét rỉ và chất đầy quá khứ. Trong khi đó, đại đa số “trí thức” Việt Nam vẫn còn cong lưng phục vụ cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản, vẫn còn nặng ơn mưa móc của Đảng mà thờ ơ trước những chịu đựng của đất nước. Thành phần này, chẳng những không đóng góp được gì vào việc làm thăng tiến xã hội, thúc đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng tự do và nhân bản, giúp đưa dân tộc chúng ta vượt qua những bế tắc tư tưởng và chính trị để hội nhập vào dòng thác tiến bộ của nhân loại, mà với khả năng bồi bút họ đã trở thành bức tường chắn ngang tiến hình đó. Họ thích nói những về những điều lẽ ra họ không nên nói nhưng lại im lặng trước những sự kiện đáng nói.
Mới đây lại có thêm một “trí thức” khác, kỹ sư cầu đường Phan Văn Trường, về Việt Nam rao giảng thế nào là “văn minh” “hạnh phúc”. Ông Trường phát biểu: “Phải nói với thằng Mỹ rằng, tôi không cho phép bạn đo chúng tôi bằng tiêu chuẩn của các bạn. Và chúng ta đừng có nhất thiết phải chọn những cái tiêu chuẩn của những nước mà nó tự gọi là những nước văn minh. Hãy chọn tiêu chuẩn của những nước hạnh phúc”.
Thế nào là một nước “văn minh” và “hạnh phúc”?
Trong lúc chúng ta có thể tranh luận suốt ngày về những khái niệm này tùy thuộc góc đứng của mỗi người, một quyền căn bản nhất con người cần phải đó và được hầu hết các hiến pháp, công ước quốc tế và mọi người có nhận thức căn bản công nhận đó là quyền tự do.
Tự do là nền tảng trên đó các khái niệm “văn minh” và “hạnh phúc” được xây dựng nên. Không có tự do, mọi giá trị “văn minh”, “hạnh phúc”, “độc lập”, “hòa bình”, “tự chủ” đều rỗng tuếch.
Sau Cách Mạng Pháp 1789, Tuyên Ngôn Về Quyền Con Người được Quốc Hội Pháp thông qua ngày 26 tháng 8 năm 1789 (Declaration of the Rights of Man – 1789) trong điều khoản đầu tiên đã khẳng định: “Con người sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Điều khoản này được hầu hết các hiến pháp các quốc gia, công ước quốc tế , tổ chức quốc tế sao chép và công nhận.
Nhưng đó cũng là quyền mà tuyệt đại đa số người Việt Nam chưa có.
Lẽ ra những người đã dày công ăn học phải có tinh thần phê phán, khao khát mở mang trí tuệ, nâng cao nhận thức, biết đau cái đau của đồng bào mình, biết nhục cái nhục của dân tộc mình.
Không. Họ lại giống như những con ngựa Gò Vấp chở rau ra chợ Bến Thành, chấp nhận bị bịt tai, che mắt để rao giảng những điều vô cùng lạc hậu so với đà tiến của nhân loại chỉ nhằm phục vụ cho tầng lớp lãnh đạo độc tài vừa thối nát mà cũng vừa dốt nát.
Việt Nam hiện có 24 ngàn tiến sĩ và hơn 100 ngàn thạc sĩ. Với một đội ngũ trí thức đông như thế mà đất nước vẫn chìm đắm trong độc tài đảng trị thì đội ngũ đó không phải là niềm hãnh diện mà là một nỗi bất hạnh cho đất nước Việt Nam.
Trần Trung Đạo