Trang Đài Glassey-Trần Nguyễn: Du Ca – Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ: Con Chim Đội Lửa

Tôi chưa bao giờ coi mình là người quen thân với Chú Tuệ, vì tôi sinh hoạt với vợ của Chú là Cô Vĩnh, nhiều hơn. Vả lại, vợ chồng Cô Vĩnh Chú Tuệ vốn có quan hệ rộng rãi từ Việt Nam ra tới hải ngoại, nên tôi chỉ coi mình là một trong số đông – rất đông – quen biết Cô Chú. Tôi lại sinh sau đẻ muộn, nên chỉ biết về huyền thoại Du Ca qua những dự án nghiên cứu mà tôi thực hiện về người Việt hải ngoại, và qua những sinh hoạt Du Ca tại Quận Cam mà tôi đưa chồng con đến tham dự trong ba mươi năm qua, chứ tôi chưa bao giờ được làm một Du Ca chính thức. Nhưng tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Chú – những kỷ niệm vẫn làm tôi ấm lòng và rơi lệ khi tiễn Chú về bên kia thế giới.

Lần đầu tiên tôi gặp Chú là tại nhà riêng của Cô Chú ở đường Jacinta, thành phố Santa Ana, đôi ba chục năm trước. Tôi đến để cùng Cô Vĩnh đi họp Ban Truyền Thông cho Năm Gia Đình. Cô đảm đang cả chương trình truyền hình và Bản tin, nên Cô dắt tôi theo để tôi giúp viết bài vở. Bên cạnh những bài viết về các mẫu gương gia đình Công Giáo, Cô chọn những câu chuyện hay trong Chicken Soup for the Soul để tôi chuyển ngữ đưa vào Bản tin. Cô Vĩnh luôn luôn lo cơm nước tươm tất trước khi đi họp. Chú Tuệ đi làm ở nhà thuốc về, ngồi xuống khoan thai ăn bữa cơm đơn sơ của vợ nấu cách ngon lành. Hôm đó, Cô làm món cá kho tộ và rau luộc. Cô vẫn nói với tôi, trước khi lo việc công, thì Cô phải chu toàn việc nhà trước, và chăm lo cho bữa cơm hằng ngày của gia đình là một công việc ưu tiên. Chú Tuệ là người may mắn vì Cô Vĩnh luôn đặt việc chăm sóc gia đình làm đầu.


Trong tất cả các sinh hoạt Du Ca, Cô Vĩnh đều chu đáo lo phần ẩm thực, từ những ngày Du Ca còn sinh hoạt ở căn nhà của gia đình Cô Chú trên đường Sương Nguyệt Ánh ở Sài Gòn ngày nào, cho đến mấy chục năm nay ở Quận Cam. Nên nếu xét về mặt ẩm thực, thì Chú Tuệ là “siêu Du Ca” vì các thành viên Du Ca chỉ được thưởng thức tài nấu ăn của Cô mỗi năm vài lần, chứ Chú Tuệ thì được tận hưởng món ngon mỗi ngày từ bếp nhà, mà tôi gọi là “Vicky’s Kitchen” vì Cô Vĩnh chọn tên tiếng Anh là Vicky. Nhớ những lần sinh hoạt Du Ca ở Quận Cam, đã 11giờ 30 đêm, mà Cô Vĩnh còn đứng rửa những cái bát cuối cùng úp lên sóng. Các chị, các cô, và cả các chú giúp chuẩn bị bữa ăn tối đã về. Cái bồn nước nhỏ xíu trong bếp của tòa soạn báo Người Việt đã cật lực làm việc từ chiều. Mấy cái bếp ga cũng làm việc phụ trội, giờ nằm xoãi bên mấy cái nồi to đã cạn. Cháo gà, ăn cái lớp khét ở đáy nồi, thơm không xiết! Một Du Ca có tuổi đã nói với Cô Vĩnh trong giờ giải lao, “Không có Chị, thì chúng tôi đói!” Câu nói này có lẽ làm ấm lòng người điều hành tổng quát chương trình, nhất là lúc Cô đứng rửa những cái bát cuối cùng sau khi mọi người đã ra về. Mà không chỉ một buổi sinh hoạt này. Du Ca đã sinh hoạt bao nhiêu lần như thế này ở tiệm thuốc tây của Cô Chú ở đường Sương Nguyệt Ánh hồi xưa?

Mùa hè 2004, trước khi tôi đi Stockholm, Chú Tuệ nói, Cô Chú muốn làm bữa tiệc mừng tôi được học bổng Fulbright. Khi đó, gia đình Cô Chú ở miền đồi Orange Hill, có vườn hoa lan rất đẹp do Cô đam mê chăm sóc mỗi ngày. (Bây giờ thì Cô vẫn mê lan nhưng đã mê thêm succulent nữa!) Tôi tham việc và ngại tiệc nên đã không hẹn ngày để Cô Chú soạn tiệc. Hè ba năm trước đó, khi tôi đi thực tập cho Bộ Y Tế và Phục Vụ Dân Sinh (Department of Health & Human Services) ở Hoa Thịnh Đốn, Cô cũng chăm chút mua vài món cần thiết tặng tôi đi xa, có cả hộp patê rất ngon.

Chú Tuệ rất quan tâm đến giới trẻ và đời sống người Việt hải ngoại. Trước khi tôi đi Stockholm, Chú Tuệ dặn tôi gặp Xướng ngôn viên Hoàng Trọng Thụy để mỗi tuần tôi gọi về làm phần tường trình về nghiên cứu về người Việt của tôi ở Châu Âu. Tôi có nói chuyện với anh Thụy nhưng vì cách trở giờ giấc (Châu Âu ngày thì Mỹ lại đêm) và công việc nghiên cứu khó lường trước được thời khóa biểu, tôi đã không thực hiện chương trình như Chú Tuệ đã đề ra. Dù vậy, tôi vẫn cảm kích nhã ý và sự quan tâm của Chú.

Trước khi đi xa, tôi có ra mắt hai tập thơ song ngữ mùa hè 2004. Cô có việc làm ăn ở xa không dự được. Chú Tuệ mắng yêu vợ:

  • Cô của con không chịu đi nghe đọc thơ, mà lại đi trồng bơ chi cho vất vả.

Năm 2005, tôi đang ở Stockholm làm nghiên cứu thì có người nhờ tôi một việc gấp khá quan trọng, mà hạn chót lại ngay ngày hôm sau. Tôi nghĩ đến Chú Tuệ. Tôi gọi điện thoại. Đã nửa đêm giờ California, Cô Chú vẫn nhận điện thoại và dặn tôi, cứ nói người đó đến gặp Chú ngày hôm sau. Tôi thật sự biết ơn, vì dù không phải Cô Chú giúp cho tôi, nhưng tôi là người đứng ra nhờ vả Cô Chú, nên tôi luôn giữ ân tình đó trong lòng. Cho nên, sau một năm miệt mài nghiên cứu ở trời Âu, trên đường hồi hương về Quận Cam, tôi chọn mua vài món quà đặc biệt để biếu Cô Chú. Đến mùa Giáng Sinh, hay dịp Tết, tôi cũng đến thăm Chú ở nhà thuốc hoặc thăm Cô ở văn phòng Tòa soạn. Những lần nhà có thanh long ngon, Mẹ cũng bảo tôi mang đến biếu Cô Chú. Chú bình dị hỏi, “Sao trồng được trái ngon và nhiều vậy?” Đó là mười mấy năm trước. Bây giờ, thì Chú sẽ không cần thắc mắc nữa, vì mấy năm nay, Cô đã trồng một vườn cây sum xuê hoa củ quả ngay sau nhà, mà chính Mẹ tôi cũng rất muốn tìm hiểu bí quyết.

Có người nói Chú khó. Tôi thì chưa có dịp biết cái khó của Chú. Tôi lại thấy Chú hiền. Chú là thế hệ trưởng thành khi Nho học và Tây học đang giao thoa trên quê hương. Một thế hệ đầy ắp tinh thần dân tộc và cũng khéo léo kết hợp được những tư tưởng mới của thế giới. Chú Tuệ lại dẫn dắt một phong trào yêu nước của giới trẻ ưu tú tại miền Nam, nên phong cách lãnh đạo luôn được thể hiện qua trang phục và phong cách. Tại Little Saigon, lúc nào gặp Chú, tôi cũng thấy sự ân cần, nhẹ nhàng, cẩn thận, vui vẻ, và bao dung. Tôi chưa thấy Chú lớn tiếng, ngay cả khi Chú phát biểu trong các chương trình Du Ca và khảng khái chống đối những bất công, độc tài, tàn ác của Cộng Sản. Sau những buổi sinh hoạt Du Ca tại Nhật báo Người Việt, Chú Tuệ đều đến thăm hỏi mọi người xung quanh một cách thân thiện.

Cô Vĩnh chú Tuệ trong ngày cưới của tác giả.

Một kỷ niệm riêng rất đáng kể là hồi đám cưới của vợ chồng tôi mười mấy năm trước, Chú đưa Cô đến dự tiệc. Chú tình tứ gắp thức ăn cho Cô, làm mọi người xung quanh trêu Chú là lãng mạn. Rồi khi có con, vợ chồng tôi lại bế con đến nghe Du Ca hát kỷ niệm 30-4. Nếu trong tất cả các kỷ niệm với Chú Tuệ, thì dấu ấn sâu đậm nhất là những lời phát biểu của Chú trong các chương trình Du Ca kỷ niệm Tháng Tư Đen, với thái độ dứt khoát không chấp nhận bất công, độc tài, và một tình yêu nước không lay chuyển. Chú luôn là ngọn lửa sắt son, chừng mực, bền bỉ.

Chú Tuệ gắp thức ăn cho vợ.

Tôi vẫn còn nhớ những đêm Bolsa nổi lửa, họp mặt Du Ca, mà có Chú Tuệ. Mỗi khi nhận được thông báo Họp Mặt Du Ca, tôi đều khấp khởi trả lời, “Vợ chồng con sẽ đưa hai cu tí đến để nghe hát và học hát.” Lần đầu tiên, tôi đã giải thích với chồng về lý do tham dự, “Đây là phong trào sinh hoạt thanh niên, với những ca khúc lành mạnh, trong sáng, đầy lý tưởng, và vui tươi. Thích hợp cho cả gia đình.” Vợ chồng tôi gặp nhau trong ca đoàn của nhà thờ tại trường đại học, nên nghe tới hát thì chồng tôi chịu liền.

Du Ca tưởng niệm tháng Tư Đen

Hòa Lan. San Diego. Quận Cam. Bắc Calif. Ngọn lửa Du Ca được thắp lên bởi bao trái tim về từ khắp nơi, nhưng đập chung một nhịp: yêu nước, yêu người, yêu phục vụ. Bất cứ ai đến với một chương trình Du Ca lần đầu chắc cũng sẽ nhận xét như chồng tôi, “Hình như ai cũng biết nhau, mọi người đối với nhau rất thân tình.” Các thành viên Du Ca hít thở một tinh thần hiệp nhất – dù một năm gặp nhau một lần. Cái tình thân từ Sài Gòn sáu mươi năm trước, giờ còn tươi rói.

Tôi mường tượng bối cảnh ra đời của Du Ca. Tuy Du Ca chào đời và lớn mạnh trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của quê hương hơn nửa thế kỷ trước, nhưng tinh thần Du Ca luôn thích hợp ở mọi nơi mọi lúc, vì lý tưởng dấn thân và yêu nước luôn là những nhu yếu phẩm quan trọng nhất ở mọi thời đại cho bất cứ dân tộc nào. Vài chục năm sau, lời hiệu triệu yêu nước và giữ nước càng trở nên cấp thiết hơn khi Trung Quốc đang lăm le xâm lược hải phận Việt Nam.

Du Ca và tuổi trẻ hải ngoại

Khi “Mẹ Việt Nam đau” (Triệu Con Tim của Trúc Hồ), thì ở thời nào, ở nơi nào, con dân Việt cũng cần cái hào khí và dũng khí được nuôi nấng, hun đúc trong dòng nhạc Du Ca. Nên khi cùng hát “Về Với Mẹ Cha” (Nguyễn Đức Quang), hay gọi “Triệu Con Tim” (Trúc Hồ), nhắc nhau “Đừng Quên” (Nguyễn Quyết Thắng), và cảm “Tình Hoài Hương” (Phạm Duy) v.v…, thì đêm càng khuya, lời hát càng say, càng vang. Tiếng hát tiếng cười làm rực cả trời đêm Bolsa.

Lần đó, tôi đến bàn tiếp tân để mua sách nhạc của Du Ca Nguyễn Quyết Thắng. Cô thiếu nữ duyên dáng và hiền lành Nam Phương theo cha đi sinh hoạt Du Ca, vừa hát vừa giúp bán sách. “Ba em là người Gò Công hay sao mà đặt tên em giống Hoàng hậu Nam Phương?” tôi hỏi. “Em sinh ở Đà Nẵng, nhưng Ba em muốn đi càng xa Cộng Sản càng tốt, nghĩa là phải đi về miền Nam, nên đặt tên em là Nam Phương. Anh của em tên là Phương Nam.” Cám ơn những bậc cha mẹ Du Ca như thế – đã cho con mình một dấu ấn lịch sử trong tên gọi, như một nhắc nhở cần thiết và một tuyên ngôn vì tự do.

Dòng nhạc Du Ca là điểm hội tụ, cũng như điểm tựa, cho bao tầng lớp thanh niên trong thời chiến tại miền Nam. Sau bao thế hệ, Du Ca vẫn còn là một niềm háo hức, một nỗi mong chờ, một trời hào khí. Thanh niên tìm đến Du Ca để cùng ‘gầy’ lửa, và nhiệt huyết chung đã ‘gây’ cho ngọn lửa Du Ca cháy bùng thêm. Trong mỗi buổi sinh hoạt Du Ca, tôi nhận ra rất nhiều những tâm hồn dấn thân: những cô giáo Việt ngữ, những trưởng hướng đạo, những nhà truyền thông, những người gìn giữ nhạc dân tộc, những bác sĩ quán xuyến các tổ chức bất vụ lợi cho cộng đồng, những trái tim rực lửa. Mắt họ lấp lánh sáng. Môi hân hoan. Mặt toát lên sức sống. Đây là những củ gừng rất cay của dân tộc.

Lần đầu đi dự sinh hoạt Du Ca, về tới nhà các con đã lăn ra ngủ khò. Một giờ sáng mới leo lên giường, đã mệt nhừ, chồng tôi còn hỏi níu, “Bao lâu thì Du Ca họp mặt một lần?” “Hằng năm, nhưng vẫn có nhiều chương trình Du Ca khác quanh năm. Cưng hỏi chi vậy?” “Tại anh thích sinh họat này.” Du Ca – với âm nhạc là tâm điểm – đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với những người đang học tiếng Việt như chồng tôi.

Du Ca thắp lên những ngọn lửa lòng – thứ lửa không bao giờ tắt, thứ lửa cần nhất cho nhân loại. Nhạc Du Ca và tinh thần Du Ca, ngọn lửa giữ cho đời ấm áp, mạnh mẽ, công bằng, nhân ái. Tôi rất thích nhạc Du Ca, nhưng khổ nỗi không hát lúc ru con được, nhất là hồi xưa, lúc các con tôi còn nhỏ hay ngủ mà tôi phải hát ru cả ngày cả đêm. Ru con mà hát nhạc Du Ca thì hai mẹ con (và có lẽ mọi người khác trong nhà) sẽ thức trắng đêm.

Tôi mong dòng nhạc Du Ca được nối dài, nhất là ở hải ngoại. Tuy Du Ca khởi đi là một phong trào thanh niên, nhưng sau khi ‘di dân’ đi khắp nơi trên thế giới, Du Ca cần ‘regenerate’ – cần gieo đợt giống mới, để có ‘Du Ca Nhí.’ Mạ non sẽ là những bài hát thích hợp cho tuổi thiếu nhi, để các cháu có thể ê a hát Du Ca từ nhỏ. Tuy các bài hát Du Ca vẫn được sử dụng rộng rãi trong phong trào Hướng Đạo, nhưng đa số vẫn còn cho người lớn, nên cần có những bài với ca từ và làn điệu thật đơn giản. Dần dần, khi lớn hơn, các cháu có thể hát những bài Du Ca được truyền lại từ mấy chục năm nay. Để những thế hệ gốc Việt ngoại biên lại đến với nhau, lại hát lại nói, lại vui lại cười, lại rực rỡ những tia lửa từ ánh mắt và con tim qua dòng nhạc Du Ca. Một mơ ước như thế. Thật đáng có!

Du Ca nổi lửa lên cho đời này. Du Ca nối lửa tiếp cho đời sau. Vì “Chúng ta là bước người xông pha, Chúng ta là những lớp phù sa, Chúng ta là ngọn đuốc bừng to, Chúng ta là Tự Do!!! Bạn hỡi…! Hành trang ta đem trong ta, Một khối ốc, một tấm lòng, một giấc mơ…” (“Bài Ca Tuổi Trẻ,” Phan Văn Hưng).

Luôn luôn là một giấc mơ cho Mẹ Việt Nam… Và chính nhờ những con chim đầu đàn như Chú Tuệ mà ngọn lửa Du Ca vẫn còn rực cháy ở thế kỷ 21. Chú Tuệ là con chim đội lửa, đã về bên kia thế giới, nhưng tâm huyết và di sản của một đời cống hiến và phục vụ của Chú vẫn ở lại trong ngọn lửa thiêng cho dân tộc và quê hương Việt Nam qua phong trào Du Ca bất hủ.

Tạm biệt Chú Tuệ! Xin hẹn gặp Chú ở Quê Trời.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

* Hình ảnh trong bài do tác giả cung cấp.