Triều Hoa Đại: Nhà văn Ngự Thuyết – Đến với văn chương trễ nhưng không chậm
Cùng với nhà văn Ngự Thuyết chúng tôi ngồi nhìn buổi chiều trôi di qua những tiếng chim gọi về một mùa xuân nơi quê xa mà nghe lòng mình chìm xuống mênh mang, hỏi ông một vài câu chuyện của buổi xa bầy, những truân chuyên sau cuộc đổi đời vì chính ông là một trong số những người còn ở lại để làm chứng nhân cho biết bao hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, của hận thù. Chúng tôi hỏi ông về nguyên nhân của sự cầm bút và trở thành nhà văn giữa khi “chợ “chiều đã vãn, văn chương chữ nghĩa ở hải ngoại lúc gần đây được coi như lão hoá”, v.v…
Dù rằng góp mặt với sinh hoạt thơ, văn có chút muộn màng nhưng không vì thế mà ngòi bút của ông chậm lại vì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nhà văn Ngự Thuyết đã gửi đến những người yêu thích văn chương những: Sông Trôi, Đào Thoát, Lưu Đày và Quê Nhà, Dấu Chân, Dấu Chân II, Tuyển Tập Ngự Thuyềt, Bắc Hành, Về Đâu, và Mẹ. Ông đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn chương hàng đầu ở hải ngoại như: Văn, Văn Học, v.v …
Hôm nay mượn chút thời gian còn sót lại của buổi chiều ngày xuân chúng tôi trò chuyện cùng nhà văn Ngự Thuyết.
***
Triều hoa Đại: Chào nhà văn Ngự Thuyết.
Ngự Thuyết: Chào anh Triều Hoa Đại.
Triều Hoa Đại: Thưa anh, cùng với những văn nghệ sĩ sống xa lìa tổ quốc chỉ trong một thời gian ngắn anh đã gửi đến độc giả chín (09) tác phẩm mà theo tôi nghĩ đó là một sự “chạy đua” với thời gian hoàn hảo.
Ngự Thuyết: Rời bỏ quê hương, qua tới Mỹ tôi mới bắt đầu viết. Những năm đầu hoang mang, bàng hoàng, và còn phải lo kiếm sống. Khi đã có việc làm, dù cuộc sống chưa ổn định, tôi cảm thấy một tiếng gọi, một thôi thúc gần như cấp bách rằng phải viết cái gì đây. Rồi loay hoay viết vào những ngày rảnh, giờ lẻ, nên không viết được bao nhiêu. Khi về hưu mới có nhiều thì giờ để viết hơn. Dù 4 cuốn cuối cùng khá dày, trên dưới 450 trang mỗi cuốn, nhưng số sách được in như thế, theo tôi nghĩ, vẫn còn ít ỏi lắm. Trong khi đó thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”. Mới đấy tóc xanh, nay đã tóc bạc. Chẳng biết sẽ còn viết lách được bao lâu nữa. Cho nên “chạy đua” với thời gian? Tôi xin thua. Nếu quay ngược được thời gian, chắc chắn tôi sẽ cố gắng và quyết tâm viết nhiều hơn. Đúng là một mơ ước viển vông và tội nghiệp.
Triều Hoa Đại: Đã từng có nhiều tác phẩm được gửi tới người đọc vậy, thì với anh là nhà văn, khi viết có cần nhiều đến kỹ thuật để tạo thành tác phẩm?
Ngự Thuyết: Kỹ thuật rất quan trọng. Trước cảnh biệt ly chẳng hạn, hai người viết khác nhau có thể có những phản ứng, đáp ứng gần giống như nhau, và cũng gần như có chừng ấy vui, buồn, mừng, giận … Nhưng khi viết xuống, mỗi người viết vận dụng kỹ thuật riêng và sáng tạo ra tác phẩm riêng biệt. Hoặc hay, hoặc dở, và chắc chắn khác nhau. Kỹ thuật vững vàng, bài viết mới có giá trị.
Trong văn học Việt Nam, cảnh biệt ly được đề cập đến nhiều. Cùng đề tài ấy, Nguyễn Du đã viết nên những câu thơ lục bát tuyệt tác. Nguyễn Đình Thư, một thi sĩ được Hoài Thanh đưa vào cuốn Thi Nhân Việt Nam có một bài thơ nhan đề là Tống Biệt cũng làm theo thể lục bát. Các chi tiết như nơi chia tay, kẻ ở người đi, nỗi buồn ly biệt … đều được hai tác giả nói đến. Thế nhưng nhờ vào kỹ thuật, nghệ thuật, đoạn thơ của Nguyễn Du hay hơn nhiều. Mời anh đọc bài thơ Tống Biệt của Nguyễn Đình Thư, và đoạn thơ trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du để tiện so sánh:
Tống biệt
Mênh mông muôn lớp sóng dồn
Vẻ lau trăng gió bãi cồn khói sương
Nước non đây chỗ chia đường
Tương tư mở lối đoạn trường cũng đây
Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa nỏ sum vầy làm chi
Để giờ lủi thủi người đi
Mai chiều quạnh quẽ tà huy tôi buồn
Võ vàng đứng bến giang thôn
Thuyền người nắng bể mây nguồn biết đâu
Cầm tay chừ hẹn chi nhau
Sầu chia nước chảy bên nào xa hơn
Và dưới đây là biệt ly giữa nàng Kiều và Thúc Sinh:
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Đến đây, tôi xin nêu thêm một nhận xét. Một tác phẩm văn chương thường được nhìn trên hai bình diện: nội dung và hình thức, và trong hình thức có kỹ thuật. Làm như thế là nhằm mục đích đơn giản hoá việc phân tích, giảng giải. Thật ra, nội dung và hình thức tương tác nhau, quấn quýt nhau thành một thể nhất quán khó tách rời.
Triều Hoa Đại: Trong bốn thứ giải trí của người xưa là: Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ thì THI được xếp vào loại thứ ba(03) trong bốn (04) loại kể trên. Là nhà văn anh có thấy sự sắp xếp đó ổn thoả không?
Ngự Thuyết: Theo tôi, cách nói Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ của Tàu chẳng qua để cho thuận tai. Được đề cập trước không nhất thiết được xem là có giá trị hơn. Theo truyền thuyết Tàu, Đế Thích là tay cao cờ đệ nhất nhưng đâu được tôn kính và nhắc nhở đến nhiều như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy v.v… Đâu có ảnh hưởng đến đời sống tình cảm, tinh thần của con người như những nhà thơ nói trên. Trong hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
thì thứ tự là Hoạ, Thi, Cầm, Kỳ.
Trong cách nói Tuyết, Nguyệt, Phong, Hoa cũng thế, không nhất thiết Tuyết là đẹp nhất, Hoa là xấu nhất. Cũng trong thơ của Nguyễn Du:
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu
Phong, Hoa đi trước Tuyết, Nguyệt.
Triều Hoa Đại: Đã từng có những tác phẩm ngắn, dài, anh có gì phản biện lại khi nhà văn, hoạ sĩ Võ Đình có lần đã nói: “Truyện ngắn là hình thức thực tại của sự đời, truyện dài là một chuỗi dài lóng lánh, nối kết do sự giả tạo của con người”?
Ngự Thuyết: Tôi không đồng ý với những nhận xét nói trên. Theo tôi, truyện ngắn là sự chụp bắt những mảng rời, nhỏ của cuộc sống, thường mang một chủ đề, và có thể được viết bằng lối văn cô đọng gần gũi với thơ. Trong khi đó truyện dài cố gắng phản ảnh thực tại của cuộc sống đa dạng, cố gắng “chạm” vào con người. Tôi thích viết loại truyện “vừa” (novella).
Triều Hoa Đại: Tóc Trắng là một truyện ngắn mà nhiều độc giả ưa thích, không những thế khi còn sinh tiền cố nhà văn Võ Phiến cũng rất thích truyện này. Vậy thì nhân đây anh có thể nói thêm về TÓC TRẮNG, hoàn cảnh nào, động lực thúc đẩy anh viết lên truyện ngắn này? Anh xây dựng tác phẩm ấy như thế nào?
Ngự Thuyết: Có truyện bắt tôi phải suy nghĩ nhiều về cốt truyện, bố cục, nhân vật, khung cảnh v.v… trước khi viết. Nhưng thường thì không thế. Câu trước nẩy sinh ra câu sau, ý nghĩ này kéo theo ý nghĩ khác, dồn dập mỗi lúc một nhiều thêm, chẳng khác gì một sinh vật tự nó lớn dần khi có đầy đủ dưỡng chất quanh nó. Truyện Tóc Trắng cũng được thành hình một cách ngẫu nhiên như thế.
Tôi xin được nêu lên vài chi tiết có liên quan đến Tóc Trắng. Trong một chuyến đi Big Bear, một khu du lịch miền núi nổi tiếng ở Nam Cali, đứa cháu gái của tôi trong một lúc vui miệng “thành thật khai báo”: “Chắc chú biết cháu đã tuyệt giao với cái anh chàng đáng ghét đó. Trước kia cháu có đi Big Bear với hắn. Nay trở lại đây, dù ghét hắn, cháu vẫn thấy lòng bồi hồi.” Câu nói ngắn ngủi không đâu ấy luẩn quẩn mãi trong tôi. Rồi nó biến thành một đòn bẫy, một khai mào, một thúc giục, khiến tôi nghĩ lan man hết chuyện này đến chuyên khác. Cả một quá khứ ngổn ngang, hoang mang, đau đớn, rối rắm, vui quá ít, buồn quá nhiều, trong đó có bạn bè của tôi, người thân của tôi, và bản thân tôi, lũ lượt kéo về xôn xao, dồn dập cùng với những cảm nghĩ, xúc động, chen lẫn với tưởng tượng, hư cấu. Tôi ghi lại thật nhanh những gì nổi bật nhất lên computer. Xem lại, sửa chữa, thêm bớt, sắp xếp … Tóc Trắng thành hình.
Vâng, có một số bạn đọc thích truyện Tóc Trắng. Nhà văn Võ Phiến cũng thế, và có viết những dòng nhận xét.
Khi truyện được in ra, nó trở thành một “sinh vật” hoặc có sức sống lâu dài, hoặc chết yểu mau chóng, tuỳ theo sự đón nhận, tiếp thu, và cả đóng góp về mặt “sáng tạo” của người đọc nữa. Nói cách khác, “đứa con tinh thần” đó, lúc ấy, hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của tác giả. Nhưng, nếu tôi nhớ không lầm, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, đại khái nói rằng tác giả cũng là người đọc trước tiên tác phẩm của hắn. Vậy tôi thử làm một độc giả đọc truyện Tóc Trắng, nêu lên vài nhận xét. Độc giả khác có thể đồng ý hoặc không, hoặc có nhận xét khác.
Người ta sống thường trực trong ám ảnh. Ám ảnh có khi nằm sâu trong tiềm thức, và cả trong vô thức. Ám ảnh càng dai dẳng khi chấn động càng to lớn. Trong truyện, đấy là hình ảnh mái tóc trắng loà xòa của người vợ đau khổ trên làn nước xanh trước khi chìm sâu xuống đáy biển trên đường vượt biển. Hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong lòng người chồng.
Ngoài chủ đề vừa nói, có mấy mệnh đề phụ. Chẳng hạn sự khác biệt của những nếp sống trước và sau khi Miền Nam thất thủ, rồi tiếp theo là nếp sống lưu vong. Mệnh đề phụ thứ hai: Hai anh chàng có quan hệ đến một nhân vật nữ. Người thì mang nặng quá khứ, khốn đốn, khắc khổ; người thì đã nhập vào dòng chính của cuộc đời mới, tự tin, thực tế. Và mệnh đề phụ thứ ba: Con đường. Con đường êm đềm của quê hương cũ đầy thương yêu, không chém giết hận thù; con đường vong thân chứa chất những cạm bẫy, hầm hố, đau thương sau 1975; và con đường không thiếu những đe doạ của súng đạn, sắt thép, và của cả con người, trên đất lưu vong.
Triều Hoa Đại: Chúng ta vẫn chưa có tác phẩm đủ “LỚN” cả ở bên trong lẫn bên ngoài tổ quốc. Có phải vì theo người đọc thì: “những nhà văn An Nam ta vẫn còn quanh quẩn ở cái ao làng, vẫn viết những đề tài: “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, nói gọn lại thì toàn là những thứ vớ vẩn. Là nhà văn tôi chắc là anh hiểu rõ chuyện này. Thế thì ý kiến của anh ra sao?
Ngự Thuyết: Mark Twain là nhà văn lớn của Mỹ dù ông chỉ viết về quê hương của ông. Đặc biệt là trong hai cuốn nổi tiếng, The Adventures of Tom Sawyer (1876) và The Adventures of Huckleberry Finn (1884), khung cảnh, bối cảnh của những vùng ông đã sống suốt thời thơ ấu và niên thiếu được ghi lại đầy đủ và cảm động. Nhà văn William Faulkner, giải Nobel văn học năm 1949 gọi Mark Twain là “Người cha của văn học Mỹ” (The Father of American Literature). Hầu hết tác phẩm của Faulkner cũng đều lấy vùng hư cấu Yoknapatawpha dựa vào La Fayette County, Mississippi, làm bối cảnh (setting). La Fayette County là nơi Faulkner đã sống gần như suốt đời. Một nhà văn Mỹ khác, cũng đoạt giải Nobel văn học năm 1954 là Ernest Hemingway còn ca tụng rằng “Tất cả văn học hiện đại của Mỹ đều bắt nguồn từ cuốn Huckleberry Finn của Mark Twain” (All modern American literature comes from a book by Mark Twain called Huckleberry Finn). Gần đây, Alice Munro, nhà văn nữ Canada giải Nobel văn học năm 2013 cũng lấy quê hương của mình vùng Southern Ontario làm bối cảnh cho rất nhiều truyện ngắn nổi tiếng của bà.
Tóm lại, theo tôi, “xa quê hương nhớ mẹ hiền” không phải là chuyện “ao làng”, “vớ vẩn”. Vấn đề là tác phẩm viết ra có đạt được một giá trị đòi hỏi nào đó không. Ngoài ra, nước ta chưa phải là một nước lớn, tiếng Việt chưa được phổ biến rộng rãi trên thế giới, vì vậy những tác phẩm giá trị chưa được biết đến chăng? Lại nữa văn học trong nước bị gò bó dưới chế độ độc tài toàn trị nên không thể phát triển mạnh, trong khi đó văn học ngoài nước không có những thế hệ tiếp nối, tàn tạ dần. Những cây viết sung sức, phong phú nay hầu hết đều đã trọng tuổi, hoặc đã vĩnh viễn ra đi. Cho nên tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện.
Triều Hoa Đại: Ngôn ngữ của người Việt chúng ta ngày nay ở trong nước (theo tôi) những lúc sau này hình như mất đi ít nhiều (hương đồng cỏ nội) cái tinh tuý của “chữ” và “ nghĩa” đã hao hụt đi rất nhiều. Vậy thì là một nhà văn với tuổi đời đầy đủ truân chuyên, anh có nhận ra những mất mát ấy không. Và, nếu cần sửa đổi với cương vị một nhà văn, một nhà giáo như anh thì phải bắt đầu từ chỗ nào?
Ngự Thuyết: Ngôn ngữ là một sinh vật – sinh ngữ. Trong ngôn ngữ, những gì thiếu sức sống, lố bịch, thô bỉ, vô nghĩa, xấu xa, sẽ bị thời gian đào thải; những gì tươi mát, đầy sinh khí, đầy ý nghĩa, tốt đẹp (nhưng thế nào là tốt đẹp, đấy là vấn đề), sẽ tiếp tục sống lâu dài. Chữ nghĩa trong những tác phẩm của những nhà văn trong nước như Phạm Thị Hoài (nay sống ở hải ngoại), Nguyễn Huy Thiệp (đã qua đời), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh Đồng Bất Tận), Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, vân vân, vẫn phong phú, sắc bén, hàm súc, hoặc chan chứa tình ý. Người đọc trong nước hay ngoài nước đều không gặp trở ngại trong tiếp thu hay lãnh hội khi đọc những tác giả nói trên. Cho nên, theo tôi, chữ Việt ngày nay không bị “mất mát”, hay “hao hụt”. Cố nhiên những chữ như “xưởng đẻ”, “nhà đái gái”, “cự li”, “máy bay lên thẳng”, cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, “múa đôi”, đồng hồ “không người lái”, vân vân … đã và sẽ bị thay thế.
Triều Hoa Đại: Có bao giờ anh nhìn lại những gì mà mình đã viết và rồi sau đó đồng ý với một nhà văn khi cho rằng : “nhà văn là kẻ bất công với chính mình, bất công với những gì hắn đã viết ra” và : “hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mắt nghi ngờ, không toại nguyện”
Ngự Thuyết: Câu anh trích dẫn: “Nhà văn là kẻ bất công với chính mình, bất công với những gì hắn viết ra”, theo tôi, đây cũng chỉ là một cách nói có phần bi kịch hoá. Là vì cũng có kẻ rất chủ quan, tự cao tự đại, hoặc quá tự tin, cho rằng văn của mình mới đáng kể, rằng người đồng thời chưa hiểu nổi mình, phải chờ vài ba trăm năm nữa mới có người khám phá ra giá trị của mình. Câu nói “Văn mình, vợ người” vẫn có người nhắc đến một cách sảng khoái. Quả là “bá nhân bá tính.” Câu kế tiếp, “hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mặt nghi ngờ, không toại nguyện” đáng được suy ngẫm hơn. Đọc lại những gì mình viết, tôi vẫn thường không hài lòng. Không khuyết điểm này thì nhược điểm khác. Cho nên khá nhiều tác phẩm của tôi trước khi gom lại in thành sách đều được sửa chữa, thêm bớt, không nhiều thì ít. Thế mà khi sách đã in, đọc lại, vẫn muốn sửa nữa. Tất nhiên cũng có ngoại lệ.
Triều Hoa Đại: Thưa anh, mải vui câu chuyện tôi quên chưa giới thiệu về anh, vậy thì bây giờ xin mời anh giúp tôi làm cái công việc ấy nhé?
Ngự Thuyết: Xin được vắn tắt. Tôi viết trễ. Có làm việc cho hãng dầu hoả Esso, và dạy học. Tù cải tạo hơn 3 năm. Qua Mỹ theo diện HO, làm việc hơn 10 năm, bắt đầu viết sau một thời gian loay hoay. Về hưu, có thì giờ, viết đều đặn hơn. Đã xuất bản 9 tác phẩm.
Triều Hoa Đại: “Làm văn nghệ không phải để giải trí, “làm văn nghệ rất khổ” nhà văn, hoạ sĩ Võ Đình có lần đã bảo thế; còn theo Nguyễn Đình Thi quan niệm làm văn chương là một sự “ nhọc nhằn”. Anh có bao giờ thấy “khổ” và thấy “nhọc nhằn” khi viết?
Ngự Thuyết: “Làm văn nghệ không phải để giải trí”, tôi đồng ý. Nhưng để rước lấy cái “Khổ”, cái “nhọc nhằn”? Đấy là cảm nghĩ riêng của cá nhân Võ Đình hay Nguyễn Đình Thi. Với tôi, lúc ban đầu, tôi viết là viết cho tôi do một thúc bách nào đó, có khi mơ hồ, có khi rõ ràng. Khi có người tri kỷ, tri âm, tôi viết để san sẻ với những người ấy, và nếu có bạn đọc mới khác nữa, càng tốt. Viết xong một tác phẩm, cảm thấy nhẹ nhõm như vừa vượt qua một thử thách. Lâu ngày thành thói quen như đói thì ăn, bứt rứt thì viết. Ăn xong bớt đói, viết xong bớt băn khoăn. Tóm lại, không vì viết mà phải nhọc nhằn, khổ sở.
Triều Hoa Đại: Những người làm văn chương nghệ thuật với tôi là những người đã “hy sinh” rất nhiếu để làm cho, làm nên cuộc đời này có ý nghĩa hơn đáng sống hơn và làm cho hận thù vơi đi, làm đổ vỡ được hàn gắn và từ đó chân, thiện, mỹ được bắt đầu. Người Bungari có một câu ngạn ngữ rất hay: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, đấy có lẽ là một sự đền bù?
Ngự Thuyết: Văn chương có ảnh hưởng đến đời sống, nhất là đời sống tinh thần, tình cảm, của con người. Mặt khác, văn chương còn có tham vọng phản ảnh sinh hoạt xã hội loài người, và tìm kiếm câu trả lời, “Con người, anh là ai, chị là ai?” Nhưng tôi không nghĩ rằng văn chương được hân hạnh mang quá nhiều trọng trách như anh nêu trên. Và như tôi đã thú nhận, tôi không cảm thấy nhọc nhằn, khổ sở khi viết. Nhất là ở hải ngoại, người viết không bị những ràng buộc lôi thôi. Tôi xin kể lại cái giai thoại này. Trong một lần chuyện trò giữa André Gide và Paul Valéry, hai cây viết hàng đầu cuả Pháp trước Thế Chiến thứ nhất, Gide bảo nếu bị cấm viết, ông không sống nổi; thì Valéry lại nói nếu bị bắt buộc viết, ông cũng chết luôn. Tôi đồng ý. Ở hải ngoại không ai cấm ta viết, cũng không ai bắt ta viết. Thế là đủ và đáng quý rồi. Nếu cảm thấy nhọc nhằn, khổ sở, thì gác bút. Nếu gác bút, cảm thấy bị “lương tâm cắt rứt”, thì lại mở computer ra, viết.
Xin nói thêm, thế hệ người Việt Nam đầu tiên tỵ nạn ở hải ngoại – những người còn hiểu biết và quan tâm đến tiếng Việt – nay cũng đã trên dưới 80 tuổi. Và không phải ai ai cũng thích đọc sách, nhất là sách tiếng Việt. Người ta còn có nhiều mối bận tâm khác cấp bách hơn. Thế hệ thứ hai, thứ ba phải sử dụng ngôn ngữ của nước bản địa trong giao tiếp hàng ngày hay trong học đường, lại càng xao nhãng tiếng Việt. Do đó độc giả tiếng Việt ở hải ngoại ngày càng hiếm hoi. Cho nên, đối với tôi, cho đến bây giờ mà vẫn còn có người đọc tiếng Việt trong đó có tác phẩm của mình thì quả là một nguồn khích lệ lớn lao, quý giá.
Triều Hoa Đại: Xin chân thành cám ơn nhà văn. Cầu chúc anh cùng gia quyến mọi điều tốt đẹp, thân tâm thường an lạc.
3/2023