Trùng Dương: Thăm chị Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy

Chúng tôi tới thăm chị vào một ngày mưa to gió lớn ở Quận Cam. Vì đã hẹn từ nhiều ngày trước nên không thể hoãn, một phần tại thời gian tôi ở nam Cali cũng giới hạn. Nên chỉ gọi chị cho biết sẽ tới trễ một chút vì cũng còn phải tìm đường, mà đường xá nhiều chỗ đang bị ngập lụt. 

Nhân chuyến đi nam Cali hồi đầu năm, tôi gửi điện thư xin tới thăm chị sau khi đọc cuốn hồi ký “Đời Tù Một Thiên Nga” ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, một cậu em đã mua tặng tôi một cuốn. Lúc ấy tôi chưa có dịp đọc, song tự nhủ sẽ tìm đọc cuốn đầu của chị về Biệt đội Tình báo Thiên Nga, xuất bản trước đó mấy năm, đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2020, và đã dịch ra tiếng Anh. Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết về biệt đội gồm toàn phụ nữ của Miền Nam này đã khiến Việt Cộng đặc biệt quan tâm theo dõi, và đã khiến người cầm đầu phải trả giá bằng 13 năm tù sau khi Miền Nam sụp đổ.

Biệt đội Tình báo Thiên Nga do cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa thành lập và do chị Nguyễn Thanh Thủy điều khiển, bắt đầu hoạt động vào các năm từ sau biến cố Tết Mậu Thân. Biến cố này, dù đã thay đổi bất lợi cho cục diện cuộc chiến dành tự do của Miền Nam, thực tế là một thất bại thê thảm làm tiêu diệt tới 70 phần trăm lực lượng tay sai, tức Mặt trận Giải phóng Miền Nam, tắt là Việt Cộng, của chế độ Hà Nội. Do đấy, Hà Nội càng gia tăng hoạt động của Việt Cộng nằm vùng len lỏi vào các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội dân sự của VNCH, để lũng đoạn, gây hoang mang, nhằm làm suy yếu chính thể Cộng hòa và làm nản lòng dân quân cán chính trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do. Đấy là một thời kỳ đầy xáo trộn trong sinh hoạt chính trị của Miền Nam, đặc biệt tại Sài Gòn, với những cuộc biểu tình như cơm bữa của nhiều tổ chức sinh viên, tôn giáo, hội, nhóm, phần lớn do Việt Cộng tổ chức và giật dây. Biệt đội Thiên Nga ra đời trong bối cảnh đó, nhằm huấn luyện và gài người len lỏi vào hàng ngũ của các tổ chức này để theo dõi.

Thời kỳ cuối thập niên 1960 cũng là thời kỳ cá nhân tôi, ở tuổi ngoài 20, bắt đầu tạm gọi là trưởng thành, biết phóng cái nhìn ra ngoại cảnh, với một ý thức chính trị rõ rệt hơn bao giờ hết, đó là Miền Nam là mảnh đất tự do cuối cùng với một nền dân chủ tuy còn vô cùng non nớt, cần gìn giữ vun sới trước làn sóng cộng sản hung bạo. Tôi không đồng ý với một số bằng hữu của tôi hồi đó, và nơi một vài người bạn ngay cả bây giờ, vì một số lý do cá nhân nào đó, cho rằng quân đội VNCH chỉ là đánh thuê cho Hoa Kỳ, như Việt Cộng đã từng tuyên truyền huyễn hoặc nhiều người. Tôi tin là Miền Nam là thành trì cuối cùng để ngăn chặn làn sóng đỏ, và tôi đã đặt tựa đó cho một truyện dài đăng thành nhiều kỳ cho một tờ nhật báo dạo ấy, nay đã thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu ngọai quốc cũng như nhiều người Việt đã nói thuyết domino—cho là VNCH đổ thì những quốc gia vùng Đông Nam Á cũng sẽ đổ theo, như cỗ bài domino—đã không xẩy ra sau 1975. Với tôi, đó là cái nhìn nông cạn. Sở dĩ các quốc gia vùng Đông Nam Á không bị nhuộm đỏ sau 1975 là bởi vì họ đã nhờ chiến tranh Việt Nam và những dịch vụ thương mại do cuộc chiến này mang lại để củng cố nền kinh tế của họ, do đấy, cộng sản không có cơ hội nhờ nước đục thả câu để phát triển và bành trướng tại các quốc gia này. 

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người ta cũng còn tin là khối Cộng sản đoàn kết chặt chẽ. Thế nhưng sau 1975 cho thấy nội bộ cộng sản quốc tế đã không chỉ là một khối thuần nhất như người ta tưởng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do đấy đã xẩy ra cuộc chiến Việt Cộng xâm lăng Căm Bốt năm 1978, khiến Trung Cộng phải mang quân sang để dậy cho Việt Nam một bài học vào năm 1979. Rồi bức tường Bá Linh sụp đổ và Đông Đức cộng sản tan rã và hội nhập thống nhất với Tây Đức năm 1989. Rồi khối cộng sản Đông Âu rã đám, kéo theo Nga Sô vào năm 1991. Các biến cố đó mới thực sự là thuyết domino tới thời kỳ ứng dụng vậy.

Chúng tôi thăm chị Thủy vì mối cảm mến sau khi đọc hồi ký 13 năm tù của chị, và trân trọng chị ở chỗ chị vẫn kiên quyết không nhận được trả tự do nếu chịu ký giấy cộng tác hoặc ít ra không chống đối chế độ, kể cả khi kẻ giam giữ chị đem việc đoàn tụ với các con nhỏ của chị ra làm mồi nhử. Tôi cũng thú nhận là tôi còn có một câu hỏi dành cho chị nữa.

Chị Thủy, vừa đi đâu đó về, mở cửa niềm nở mời hai chị em tôi vào nhà. Nơi chị Thủy và gia đình ở là một căn nhà bình dị xây từ giữa thế kỷ trước, trên một lô đất khá rộng, cây cối nhờ mưa càng thêm xanh tươi, mát mắt. Trên tường phòng khách đối diện với một bộ bàn ăn dài là bức hình lồng khung chụp bìa tạp chí Thế Giới Tự Do, trên đó có hình bán thân chị Thủy trong bộ quân phục cảnh sát, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu của một cô gái gốc Mỹ Tho của một Miền Nam chân chất. Tại một góc phòng là bàn làm việc với giấy tờ ngổn ngang bên một bàn đánh chữ và một màn hình lớn loại xem TV hơn là màn hình cho máy điện toán. Cô bạn cùng đi không khỏi buột miệng nhận xét về màn hình lớn khác thường này. Phía trên là chân dung gia đình đóng khung lớn gồm anh chị và hai cháu áo quần tề chỉnh, hẳn là do nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp. Tôi hình dung cảnh chị căm cụi trong nhiều tháng năm ngồi tại bàn viết này và viết hai cuốn sách để đời, “Biệt đội Thiên Nga” và “Một Đời Tù Thiên Nga,” cho những người, như tôi mặc dù cùng thế hệ và cùng thời với chị, nhưng hoàn toàn không biết gì về các hoạt động trong bóng tối của một đội tình báo gồm toàn phụ nữ này. Và còn cho cả những thế hệ trẻ Việt sau nữa.

Tôi nói với chị là tôi gần ứa nước mắt khi đọc tới lá thư chị viết tạ lỗi với ông cụ thân sinh đã mất trong thời gian chị ở tù, in ở cuối cuốn hồi ký tù của chị. Tôi nhớ cảnh chị biết được hung tin là khi thấy cô em vào thăm tù có gắn một mảnh vải đen trên nẹp áo. Chị chỉ hỏi gọn “Ai?” Và cô em trả lời, cũng một chữ, “Ba.” 

Thay đổi không khí, tôi hỏi chị làm thế nào mà chị nhớ mọi chi tiết, kể cả tên và chức vụ của những người chị chỉ thoáng gặp qua, chẳng hạn như cái ông kỹ sư canh nông đi lao động về ngang chỗ chị và các bạn tù đang làm dàn cho cây dưa leo và đã nhắc phải xoay dàn về hướng khác thì cây mới ra trái; và vô số các chi tiết khác, như thể chị có ghi nhật ký, một việc tất nhiên là không thể có. Chị cười nói thì ở tù đâu còn gì khác để nhớ ngoài những chi tiết đó, nhất là những gì mình đã khai trong các bản kiểm thảo để không khai khác đi ở lần tới.

Điều đặc biệt trong tập hồi ký của chị là chị chỉ ghi phần lớn sự kiện và ngày tháng năm, bằng một văn phong đơn giản, dung dị. Nhưng người đọc cũng vẫn cảm thấy đâu đó một nỗi nhớ thương các con còn nhỏ ở với ông bà ngoại bữa đói bữa no, ngoài người chồng sĩ quan cũng tù đầy đó đây. Thế nhưng chị vẫn mấy lần khước từ ký kết giấy tờ cộng tác hoặc hứa sẽ không làm gì chống đối chế độ thì sẽ được trả tự do về với con cái do quản trại đưa ra nhử. Lần nào chị cũng nói giam chị tới chừng nào thì giam chứ chị không ký kết gì hết. 


Chị Nguyễn Thanh Thủy tiếp chúng tôi tại tư gia. Thoạt đầu chị có hơi dè dặt, có lẽ vì nghĩ chúng tôi tới phỏng vấn; nhưng chẳng mấy chốc, một không khí ấm cúng thân mật bao trùm chủ và khách, và chị đề nghị làm nước gừng đãi chúng tôi, nhưng chúng tôi xin mỗi người một chai nước lọc cho tiện. Và chị dần mở rộng lòng tâm sự cùng chúng tôi, khiến tôi có cảm tưởng một bông hoa đang dần nở trước mắt, phô bầy hương sắc thật đẹp và cảm động. (Ảnh Trùng Dương, 2024/02)

Một trong những điều tôi nghĩ cũng đã giúp chị vượt qua những khó khăn, bệnh hoạn và đói khát của đời tù là khả năng may thêu mà chị đã học ở những lớp tối tại Hội Việt Mỹ khi đang đi làm. Trong nhà tù, chị căm cụi may thêu, kể cả thêu áo gối cho cán bộ trẻ đặt để mang về quê lập gia đình. Chị không tỏ vẻ oán hận hay căm thù, mà chỉ lặng lẽ quan sát và ghi nhận, trong khi phấn đấu với những tra vấn hạch hỏi nhằm khủng bố tinh thần chị, và với đói khát và bệnh tật, đặc biệt là bệnh sột rét tưởng chết, của đời tù. Một bữa, chị viết, chị thức khuya may thêu cho xong một món đồ cho cán bộ đã tới lúc giao hàng, một bạn tù của chị nằm gần bên còn thao thức, nói nhỏ đủ chị nghe là có một người thanh niên trẻ đang đứng sau lưng chị chăm chú xem chị thêu, nhưng dặn chị đừng sợ. Hôm sau chị tìm hiểu và biết được người thanh niên đó là một người tù còn trẻ mới chết vì bệnh ở một lán khác, hồn ma còn nán lại xem chị thêu may, như một niềm an ủi mang theo về bên kia thế giới.

Trong tù, chị không chỉ lo cho chị, mà còn đùm bọc chia sẻ với các bạn tù khi có thể; cùng bảo ban nâng đỡ các em thường phạm của một xã hội đã không cho chúng chút hy vọng nào ở tương lai, và bị đưa vào giam chung với tù chính trị.

Thành ra sau khi đọc chị, tôi phải xin ghé thăm chị. Và để cám ơn chị nữa.

Ngoài ra, tôi còn muốn hỏi chị, và tôi đã hỏi chị, rằng thì là tôi đọc đâu đó có người viết là “Ngày ký giả đi ăn mày” cũng là một trong những mục tiêu theo dõi của Thiên Nga. 

Đang ký sách tặng, chị Thủy ngửng đầu lên, nói: “Có một anh nhà báo cũng hỏi tôi câu đó, và tôi đã trả lời là không, biệt đội không theo dõi và cũng không có thông tin nào về ‘Ngày ký giả đi ăn mày.’” 

Tưởng cũng nên nhắc qua, “Ngày Ký giả đi ăn mày” là ngày biểu tình có lẽ là lớn nhất ở Sài Gòn, diễn ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1974 của giới báo chí Miền Nam để phản đối luật báo chí 007/72 của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Viện lý do để đối phó với tình trạng chiến sự khẩn trương sau cuộc tấn công của quân Bắc Việt vào Quảng Trị vào mùa xuân và hè 1972, luật này được ban hành nhằm hạn chế số báo xuất bản, buộc nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, tương đương với gần 50,000 Mỹ kim, và báo định kỳ đóng 10 triệu đồng, mới được tiếp tục xuất bản. Nhiều báo phải đóng cửa vì không có tiền để ký quỹ, khiến nhiều ký giả, thợ sắp chữ và nhà in, giới phát hành, anh chị em bán báo bị ảnh hưởng và thất nghiệp, gia đình nheo nhóc. Trong một số tới, với tư cách một nhân chứng của thời kỳ này, người viết sẽ có bài về “Ngày Ký giả đi ăn mày,” một biến cố tượng trưng và hoàn toàn do giới báo chí Miền Nam chủ động, với sự tham dự đông đảo của nhiều lớp quần chúng, không phải “dưới sự lãnh đạo của Đảng [CSVN]” như một bài báo trong nước đã viết.

[TD2024/03]

—–

Xem thêm:

Lịch sử truyền khẩu (oral history) của chị Nguyễn Thanh Thủy do Vietnamese Heritage Museum thực hiện: Cựu Thiếu Tá Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy – Người Sống Sót Từ Lao Tù Cộng Sản | LSQCK FULL https://www.youtube.com/watch?v=dLg3_zzkAQY 

Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam

Quyết định lớn trong đời Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy

Sách đã xuất bản: