Hoàng Kim Oanh: Nguyễn Thị Hoàng. Thơ. Những giới hạn giữa vòng vây định mệnh

Giữa vòng vây định mệnh
Tôi sa lưới cuộc đời
Con thuyền mơ vô định
Không bao giờ ra khơi

                             (Giới hạn, Nguyễn Thị Hoàng)

  1. Nơi Đến của Trời Mây…

Trong Lời mở đầu tập Mây bay qua trời xưa (MBQTX) – một tuyển thơ chọn lọc từ những sáng tác rải rác hơn nửa thế kỷ (từ năm 1960 đến 2018) của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, gần như gói trọn những cung bậc gập ghềnh nhiều buồn hơn vui của cuộc đời người nữ sĩ tài hoa đa đoan bậc nhất của văn chương miền Nam 54-75 ấy, qua 137 bài thơ nhiều thể loại tràn đầy cảm xúc, tác giả đã đưa ra một định nghĩa về thơ đầy ấn tượng: “Thơ là tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ. Là tiếng vọng thiết tha của yêu thương, bâng khuâng của tưởng tiếc những vẻ đẹp, nguồn vui đã đến rồi đi mất hút suốt đời. Đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận, hay tiếng vang lừng ca ngợi hân hoan…” (tr.5). Tác giả còn nhấn mạnh đặc điểm bản chất của thơ theo quan niệm của mình, đó là: “nguồn xúc động, phản chấn bên trong từ một hiện tượng, sự kiện, tình thế bên ngoài, hoặc một bất ngờ hiện tại vang dội từ đáy thẳm hồi ức và hoài niệm”, là “tiếp điểm của cảm ứng giữa con người và thiên nhiên, mối nối êm đềm giữa nội tâm cùng ngoại giới. Là nguồn xúc động ngắn ngủi hay dài lâu của chủ thể và tha nhân, khi tình cờ bắt gặp hay tìm kiếm được đáp số trên hành trình thao thức chờ mong”. Có thể thấy, nhà thơ đã đề cao vai trò quan trọng của cảm xúc trong thi ca, đặc biệt là những cảm xúc chân thành tạo nên giá trị cho thơ như Alfred de Musset từng cho rằng thơ là tiếng nói của trái tim: “Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đó” (Ah ! Frappe-toi le coeur, c’est là qu’est le génie.)

Cũng từ quan niệm đó, Nguyễn Thị Hoàng đã chọn cách thể hiện cho thơ mình: “Nếu tiểu thuyết giới hạn trong mô hình của chủ đề thì thơ mông lung vô tận như mây trời, vì là cuộc vỡ tràn của uẩn thức nương theo vay mượn ngôn từ của ý thức bốc thoát ra cõi hữu hình xa lạ và đôi khi đối nghịch. Vì thế thơ phải hoàn toàn được tự do về ý tứ diễn tả, trừ những thể loại tất yếu chìu theo âm luật của thơ”[1]. Tuân theo cảm xúc, thơ đã cùng cô gái Huế tuổi mộng mơ mười chín đôi mươi ngày ấy, không kể bài Chi lạ rứa chép tay truyền miệng từ lớp 7, tính theo bài thơ bâng khuâng tiếng thở dài được coi là tác phẩm đầu tiên trình làng đăng trên tạp chí Bách Khoa [2], qua những khúc đời lưu chuyển, tuy tác giả nói thơ đến đi không lưu giữ, không ước hẹn “như con dã tràng trên bãi cát, chụp bắt nhanh hay biến mất vào những lỗ sóng xoi mòn” nhưng cứ thế, thơ đã trở thành hơi thở, là những dồn nén câm lặng, là “chứng tích tan tành của những khúc đoạn thác ghềnh trôi chảy không êm đềm của vượt thoát. Chỉ là những mảnh gương vỡ tan tành chẳng đủ soi thấy gì dưới kính hiển vi đã mờ đục của trần gian”. 

  1. Giữa vòng vây định mệnh

Tôi đi tìm giới hạn

Trong khung cửa cuộc đời

Bít bưng vùng tội lỗi

Con đường về tương lai

                     (Giới hạn, MBQTX, tr.26)

Đời người có bao nhiêu giới hạn? Đời người trải bao nhiêu vòng vây? Đời người gặp bao nhiêu định mệnh? Đời một nguời đàn bà-đẹp- sắc sảo-tài hoa lại càng có những giới hạn bất công phi lý nào và càng có bao nhiêu vòng vây, bao nhiêu định mệnh trớ trêu? Ranh giới mong manh tốt – xấu, đúng- sai, được – mất, hoạ-phúc, có- không, v.v… thật sự quá mơ hồ chỉ một tích tắc trong suy nghĩ loé lên đã có thể đổi thay định mệnh một con người. 

Vương Thuý Kiều của Nguyễn Du há chẳng từng là ví dụ điển hình minh hoạ cho quan niệm “tài hoa bạc mệnh”? Đẹp đã là một Định mệnh. Đàng này còn “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”. Nguyễn Thị Hoàng, người đàn bà viết văn-người đàn bà bếp núc-người đàn bà yêu có đủ cả sắc-tài. Và bà cũng đã tự vượt thoát tất cả để đi vào chuyến du hành cùng con thuyền mơ của mình. Sống. Yêu. Làm việc. Đam mê. Hạnh phúc. Và khổ đau. Và những ám ảnh về cái Chết.

Một cô gái Huế sinh ra trên đất thần kinh cổ tích điện ngọc ngai vàng với bao nhiêu nếp quý tộc đài các kiêu sa ngay từ trong định mệnh đã phải nằm trong những giới hạn tâm thức vùng miền: công ngôn dung hạnh, kín đáo, dịu dàng, khép nép từng bước chân, thuỳ mị từng lời nói, ngay cả sắc áo, dáng đi đều phải theo khuôn phép. Có một chi tiết liên tưởng thú vị khi đọc truyện ngắn của Tuý Hồng Ngày xuân đêm xuân, đăng trên Bách khoa số 170 [3] cùng lúc với Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng đăng kỳ thứ 2: Chuyện Công chúa Như Mai bị Thái Hậu quở trách vì bước chân còn nặng nề và hay kiếm cung võ nghệ. Theo Thái hậu, “một người con gái đúng đắn thì không bao giờ kéo guốc, một tiểu thư khuê các không bao giờ lê mạnh đôi hài, một Công chúa khi bước tuyệt nhiên không để cho người ta nghe tiếng gót sen”, còn đeo chuỗi hạt ngọc trai thì không đuợc quá dài. “Phải đeo cao, thật xa bộ ngực để dứ cái nhìn của kẻ khác, đeo chuỗi ngọc để thiên hạ mải ngắm nhìn ngọc quý mà quên đưa mắt hạ thấp xuống (…) dứ cho người ta không nhìn xoi mói thân thể mình” (tr.71). Một cô gái con nhà quan Tổng Giám thị trường Quốc học Huế những năm 1930-1945 như Nguyễn Thị Hoàng tất yếu lại càng phải chấp nhận khuôn phép gia giáo một gia đình trí thức khoa bảng trong cách ăn nếp ở, cách đứng cách đi, cách giao tiếp, cách yêu cách cảm.

Rộng hơn, xã hội Việt Nam ngàn năm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “phu xướng phụ tuỳ” người con gái chỉ biết giữ việc trong nhà, “khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”, bao nhiêu là khuôn khổ, phép tắc chu toàn mới phải đạo. Đời một người đàn bà con gáí dường như chỉ có bổn phận và nghĩa vụ với gia đình. Tình yêu, tình dục có một thời còn bị coi là cấm kỵ, thuộc vào phạm trù đức hạnh, lễ giáo buộc ràng tinh thần và thể xác. Hoàn toàn ý thức và nhận thức những giới hạn trong gia đình cũng như xã hội ấy, từ những ngày rất trẻ, Nguyễn Thị Hoàng hẳn không ít phen tự cật vấn, truy tìm một lối thoát sau vấp ngã trong đời:

Linh hồn hay thể xác

Trong mỗi lần yêu đương

Thiên thần hay quỷ ác

Trên những làn môi hương

(Giới hạn, MBQTX, tr.26)

Nhưng thơ là Người. Là Thiên đường – Địa ngục, Thiên thần – Ác quỷ song song. Bằng bản lĩnh, tài hoa và trái tim nồng nàn khát sống đến tận cùng ý nghĩa cuộc đời, chấp nhận mọi khổ nạn, Nguyễn Thị Hoàng như chính trong cuộc sống mình chưa bao giờ cam chịu đầu hàng, còn táo bạo mạo hiểm chấp nhận đi vào con đường thác ghềnh và vượt qua tất cả, dám yêu và yêu bằng tất cả tâm hồn lẫn thể xác, sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ, khát khao hết sức đời thường không hề né tránh cho dẫu rã rời, xác xơ thân phận và gọi đó là định mệnh.

Tháng 1 năm 1968, trong bài viết tổng kết về Sinh hoạt tiểu thuyết một năm qua đăng trên báo Xuân Bách Khoa, nhà văn Nhật Tiến đã nhận định về văn của Nguyễn Thị Hoàng: “Dù khen hay chê, dù chấp nhận hay từ chối nội dung táo bạo đó (chỉ Vòng tay học trò-HKO), người ta cũng phải công nhận ngòi bút của Nguyễn Thị Hoàng là một ngòi bút lý tưởng viết về tình yêu. (…) Nguyễn Thị Hoàng đã diễn tả được qua ngòi bút tài tình của cô tất cả cảm giác của kẻ vì yêu mà sung sướng, mà phiền luỵ, mà đớn đau, mà dằn vặt, mà trống rỗng, mà hời tủi, mà v.v… , nghĩa là, có thể nói tiếng nói của Nguyễn Thị Hoàng là tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ bây giờ, với đầy đủ ngọn lửa nhiệt tình bốc cháy cao độ nhất, si mê nhất, diễn tả bằng một thứ kỹ thuật bay bướm, hào hoa, xen vào một chút hương vị triết lý hợp thời trang, do đó tác giả đã được giới trẻ tiếp đón nồng nhiệt”[4]. Nhận định này cũng hoàn toàn có thể vận dụng khi đọc Mây bay qua trời xưa của Nguyễn Thị Hoàng, bởi toàn bộ tập thơ chỉ đi vào cái tôi-tình yêu với tất cả những cung bậc cảm xúc nồng nàn, băn khoăn, thương nhớ lẫn đớn đau, oán, hận, xót xa, nuối tiếc. 

Nhân vật trữ tình em/ta/tôi/chúng ta hay có lúc phiếm chỉ, ẩn trong hình ảnh, ngôn từ đều bước vào tình yêu bằng tất cả tâm tình hiến dâng thiêng liêng thánh thiện vô cùng nữ tính:

Hồn ta khi ấy cao như núi

Dâng cả niềm yêu tới chốn người

(Thức dậy, tr.53)

Ứớc mơ trao đi một tình yêu trong trẻo trinh nguyên trọn vẹn thuỷ chung duy nhất, một lần thôi, cho dù… chỉ trong chiêm bao:

Bẻ khóa đào nguyên lướt dặm trời. 
Hồn xa dương thế một lần thôi 
Mênh mông bốn phiá trời mây nước 
Chỉ một người yêu với một người. 
                                  (Chiêm bao, Bách Khoa 64, 1959)

Rất thật với mình và với người, tâm tình khát khao yêu trong tuyệt vọng rã rời, đam mê còn đó một vòng tay, một đôi môi đắm đuối, một hình ảnh nhiều ám dụ “gối chăn mùa lạnh rã rời” cũng là điều làm cho thơ Nguyễn Thị Hoàng mang sức cuốn hút rất riêng của nỗi đau rợn ngợp ngay từ những ngày thanh xuân yêu giữa trái ngang: 

“Không ai về thăm chiều nay

Cho tôi chết giữa vòng tay một người

Tiếng hôn khép kín môi cười

Gối chăn mùa lạnh rã rời thú xưa” 

                                                   (Nhớ, Bách khoa 161, 1963)

Không hiểu định mệnh ám ảnh thế nào mà ngôn tử hình ảnh biểu tượng cho Tình yêu trong thế giới nghệ thuật của Mây bay qua trời xưa được Nguyễn Thị Hoàng kiến tạo toàn bằng nước mắt. Lớp từ ngữ xuất hiện nhiều nhất, lặp đi lặp lại nhiều nhất trong tập thơ là: lệ, dòng lệ, nước mắt, mưa, mưa sầu, sương, mơ, giấc mơ, chiêm bao, cơn mơ… đến mức tên em đã thành nước mắt, cả mộng, cả thực, khi nhớ, khi quên.

Ta chép lại tên em làm nước mắt

Xin thời gian làm nhớ cũng làm quên

(Ảo cảm, tr.55)

Thời gian tâm thức, suy tưởng trải ngập trong chiều đêm,bóng tối. Không gian xa vắng, biển rừng lãng đãng mơ hồ giữa mộng và thực, “thời hồng hoang chim bướm cũng yêu người”, giữa “hoang vu ốc đảo linh hồn”, giữa “gió người” vá khâu hạnh phúc, từng ngày sống trên ‘nấm mồ tôi”, “trả lại lời cầu hôn của gió”, “trả lại từng dấu chân của cỏ” trong “đêm sơ khai trăng vỡ nát môi cười” (Đồi chết, tr.174-5). Càng đọc càng quay cuồng trong thế giới thơ đầy hình ảnh và ngôn từ lung linh ảo diệu này, càng không thể nào không lạc bước trong thi giới vô biên mênh mông không còn giới hạn của suy tưởng và hồi ức lẫn lộn, đồng hiện như giấc mộng liêu trai. 

Nhận lấy là bài thơ tự bạch nao lòng. Tự nhận những oan nghiệt, đổ vỡ đời mình. “Ta đi theo oan nghiệt/Ta đi theo khổ hình/Vết thương này bất tuyệt/cơn đau này tái sinh” (tr.59). Những đam mê cuống quýt dại khờ. Có khi đời chỉ là cuộc tỉnh say. Người đàn bà yêu bằng tất cả hồn xác băng sơ hiến dâng ấy cuối cùng được gì hay phải đối mặt với phũ phàng, rã rời thân phận. Tuy nói “Hận” nhưng cũng thêm lần nữa em chấp nhận tự “khâm liệm” đời “giữa bình yên”. Lời trách cứ nhẹ tênh mà sao tôi không thể không nức nở nghẹn ngào thương, không thể không ngậm ngùi yêu quý cái Đẹp thứ tha cao vời trong tâm hồn “em”: 

Em đã vì anh em đã quên

Nửa đời khâm liệm giữa bình yên

Tháng năm dù gắn hàn thương tích

Anh chẳng vì em anh chẳng quên

(Hận, MBQTX, 2019, tr.35)

Hoang mang. Giữa đường. Xót xa. Mất. Oán. Hận. Rã tàn, Vết thương, Đổ vỡ, Vùi chôn, Hoá thân… là một loạt nhan đề các bài thơ lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tự do, đa số ngắn thật ngắn (4 câu) mà cũng có một số bài dài thật dài (Ngày ấy Kowloon: 279 câu, Mặt trời vĩnh biệt: 151 câu, Ác mộng: 124 câu, Cổ tích: 130 câu, v.v…) tự do tung hứng trong tập MBQTX góp phần mở ra cảm thức đổ vỡ, bất hạnh, chia lìa, ngang trái, thương đau…cho người đọc để đi vào thế giới yêu đương đắm đuối đến điên say nhưng quá nghiệt ngã buồn đau, tiếc nuối, đành ngoảnh mặt quay lưng cùng hạnh phúc:

Chỉ còn lại mình ta xin tự cứu

(…)

Bằng im lặng và cũng bằng che đậy

Bằng điên say ấp ủ lấy trong lòng

Bằng tiếng kêu gào thét mãi trong không

Bằng say đắm điên cuồng không hối tiếc

(…)

Bằng ngoảnh mặt xoay lưng cùng hạnh phúc

(Ác mộng, MBQTX, 2019, tr.77)

Cổ tích trong văn hoá dân gian vốn là thế giới huyền ảo diệu kỳ ban phát điềm lành và những ước mơ nhân quả đổi đời, hoá kiếp cho những kiếp người hẩm hiu bất hạnh trở nên tốt đẹp vẹn toàn thì hỡi ơi, với em, lại bắt đầu bằng “một lời vĩnh biệt” cho dù em vẫn tin, em vẫn mong, em vẫn nhủ mình tin “mùa hè vẫn còn rực rỡ”, “và đời hãy còn rực rỡ”, “những ngón tay em vá khâu hạnh phúc”, rồi em sẽ phục sinh trở lại với đời, cho dù:

Hỡi em

Rồi em sẽ trở lại trần gian nô lệ

Đắm chìm trong tro bụi lụi tàn

(Cổ tích. MBQTX, 2019, tr.102)

Anh chỉ là trăng tan trong đêm em

Sao bóng sáng ngã về phương nào khác

Nên em chỉ là đêm trong đêm…

(Sau Phục Sinh, MBQTX, tr.112)

Thôi đành thôi, chấp nhận lãng quên chấm dứt cuộc yêu đương vô vọng:

Đành khép lại từ nay thôi trang sử

Ngày tháng xưa em cũng lãng quên rồi

(Tiếng im, MBQTX, tr.126)

Nhưng không thể không dồn nén bao vật vã trách móc ai oán đớn đau tột cùng của cái cô đơn rợn ngợp qua những câu hỏi không lời đáp:

Sao ta sống sót như oan khí

Trên bãi hành tinh nhẵn bóng người

Đâu biết thần linh hay ác quỷ

Trong trái tim trời đã vỡ đôi

(Nửa mảnh, MBQTX, tr.140)

Để rồi: Áo khuya cuống quýt vầng hương nhớ/Phủ kín bờ đêm nửa dáng ngồi (tr.128). Và tự tiếc trách trong bất lực cà trời xanh định mệnh, sao cứ là nghịch cảnh trớ trêu:

Sao bóng nắng cứ làm tan nước mắt

Khóc đời ta và tiếc cả đời người

Sao đất trời cứ muôn thuở xanh tươi

Mà sự sống chỉ bừng khơi ánh chớp

(Tiếc, MBQTX, tr.132)

  1. Thi pháp tình yêu và đam mê [5]

Nguyễn Đình Tuyến trong Những nhà thơ hôm nay (1967) [6] cho rằng thơ Nguyễn Thị Hoàng là tiếng thơ tha thiết xao xuyến, phản ảnh sự giàu sang của một tâm hồn nhiều đam mê cảm xúc, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng… Và đều chứa đựng cái triêt lý bi đát biểu trưng định mệnh đau thương của người con gái đẹp đi tìm yêu, một tình yêu thiêng liêng và vĩnh cữu:

                         nhìn lên thành phố không đèn
                         âm u còn một màn đêm cuối cùng
                         mắt sâu dòng lệ ngập ngừng
                         mình xa nhau đến muôn trùng thời gian

(Giữa đường, MBQTX, tr.15)

Nhà phê bình Thuỵ Khuê lấy trường hợp Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng để nhận định: “Tình yêu là nội dung sáng tác và đam mê hướng dẫn ngòi bút. Tình yêu ở đây trở thành đối tượng nghệ thuật, giống như một bức tranh, một bài thơ, tức là tình yêu đã trở thành một vật thể.” Và gọi đó là Thi pháp tình yêu và đam mê . Thi pháp này đã “dẫn ta tới nguồn cội của cảm giác: chỉ cần sự va chạm của mấy ngón tay đã đủ đánh thức tất cả hệ thống thần kinh, đã khơi dậy một trời đam mê, đã thoả mãn cả núi đồi nhục cảm. Giá trị tác phẩm nằm ở chỗ đó.”[7]  Thơ có đặc trưng ngôn ngữ của nó. Toàn tập thơ chỉ tập trung một chủ đề xoay quanh những cung bậc tình yêu trắc trở. Từ ngữ và hình ảnh ngập tràn tiếng kêu thương thống thiết của hồn đau. Thi pháp thơ Nguyễn Thị Hoàng là dòng ý thức nội tâm không nguôi yêu thương thiết tha say đắm trộn lẫn những cay đắng mất mát do chấn thương trong tình yêu quá lớn thành những ám ảnh cô đơn, rã rời đầy màu sắc hiện sinh. Soi chiếu thi pháp tình yêu và đam mê này vào MBQTX, chỉ một dòng nước mắr, một vòng ôm xa vắng, một làn hương kỷ niệm, một gió mưa chăn gối lạnh lùng, một đêm hoang lạnh lẽo cũng đủ đánh thức đam mê cồn cào thân xác trong giấc chiêm bao – ác mộng ái ân vô vọng lỡ làng.  

Cao Huy Thuần cho rằng “Cuộc đời, thân phận, tình yêu… tất cả trong Nguyễn Thị Hoàng là nửa này giằng xé với nửa kia, trong giằng xé có hòa điệu, trong hòa điệu có giằng xé, về là đi, hy vọng là tuyệt vọng, lời nói là tịch liêu, im lặng là vỡ bờ” [8] Có lẽ đúng vậy. Tập thơ quá hiếm những nụ vui mà chỉ toàn nước mắt. Tập thơ le lói chút mặt trời còn tất cả phủ đầy mưa mù mây lạnh gió sương. Ừ thì định mệnh. Ừ thì đa đoan. Càng tài hoa sắc sảo càng lắm gian truân trắc trở.

Nguyễn Thị Hoàng nổi tiếng và trở thành một hiện tượng trên văn đàn văn chương miền Nam 54-75 ở giai đoạn náo nhiệt chưa từng có với những thành tựu đặc sắc về tiểu thuyết và truyện ngắn gây nhiều hiệu ứng đa nhiều trong độc giả Sài Gòn trước 1975. Nhưng, qua những chấn thương đổ vỡ chán chường yêu mà không thể yêu, chân thành mà không thể thành, đọc lại những quan niệm máu lệ về thơ “từ vô hình vô ảnh, những thấp thoáng âm vang thành cuộc hoà âm triền miên trong cõi tâm tình” [9] của một tiểu thuyết gia, một người đàn bà đã đi qua hành trình sống-viết-chiêm nghiệm tiếng nói bên trong chính mình, tôi chợt nhận ra, trong lặng lẽ, thẳm sâu, “Cuộc bốc thoát và trôi lướt hồn nhiên của ý trên dòng êm vô thức ấy, dấu lặng mà không tịnh vì huyên náo âm vang khắp thần trí và tâm can người cảm niệm” (MBQTX, tr.5), qua đi, qua đi “những cơn đau trong ác mộng” ((MBQTX, tr.11), thơ mới là những trải nghiệm đam mê viết lách đầu tiên, là hơi thở, là nốt lặng của tâm hồn, là khát khao trở về bản thể chính mình để tìm về Tĩnh Lặng sau ngàn giông bão tơi bời, là cách vượt thoát độc đáo Nơi Đến của Trời Mây mà nhà văn lựa chọn để đi qua những giới hạn và thách thức của định mệnh. 

Khép lại bài viết này, tôi vẫn nhớ trong hai lần chuyện trò trước, quan niệm về phê bình còn đầy hoài nghi, không tin có thể có người phê bình đích thực và đòi hỏi cách ứng xử đẹp của người phê bình đáng suy ngẫm của chị khi nhận diện 5 kiểu người phê bình [10] và đòi hỏi phê bình là hiểu được, là tương thông được với nhau. Phải đọc tác phẩm. Phải hiểu. Không cần lý thuyết này, triết lý nọ… Phê bình là “cảm nhận được một chút gì đó, do tiếp xúc, do gần gũi, do nhìn ngắm được nhau” giữa bao nhiêu ràng buộc đan xen trong cuộc sống phong phú, giàu có đủ mọi phương tiện hôm nay… Hành trình sống và viết của Nguyễn Thị Hoàng phản ánh chính phần nào đời sống và tâm hồn tác giả, do vậy, thơ là tiếng nói nội tâm sâu sắc nhất, chân thành nhất. Bài viết này tôi thực sự không muốn áp vào đây bất kỳ lý thuyết nào dù phong cách sáng tác văn xuôi cũng như thơ Nguyễn Thị Hoàng đầy màu sắc nữ quyền và hiện sinh, lẫn chấn thương và mạnh mẽ vượt thoát chữa lành. Xin đọc thơ Nguyễn Thị Hoàng bằng tất cả đồng cảm, mến yêu trân trọng dù giữa hai thế hệ trước sau có khoảng cách nửa thế kỷ bể dâu tan tác. Cũng có thể người viết chưa đủ khả năng thấu hiểu hết tâm tình nhà thơ gửi trao qua những vần thơ tinh tế góp nhặt buồn đau bơ vơ nước mắt cuộc đời trong Mây bay qua trời xưa, nhưng xin coi như những phút lắng đọng trải lòng cùng con đường vượt thoát những chông gai giới hạn và cả định mệnh nghiệt ngã của một nhà văn nữ mạnh mẽ tài hoa, nhan sắc, trí tuệ, bút lực sáng tạo độc đáo của văn chương miền Nam một thời lộng lẫy mà những ai thật sự biết yêu và dám yêu, biết say đắm cuộc đời này đều trân trọng cả những mật ngọt hạnh phúc, những số phận nghiệt ngã, đớn đau và cả những mê lầm một thuở thanh xuân trong từng phút từng giây ta hiện hữu dưới Mặt Trời.

Hoàng Kim Oanh

—————–

[1] Nguyễn Thị Hoàng, 2019, Lời Mở đầu tập thơ Mây bay qua trời xưa , Nxb Hội Nhà văn.tr.5-7

[2] Nắng trưa, Bách Khoa số 63, số ra ngày 15.8.1959, tr.87 và Chiều, Bách Khoa số 64, số ra ngày 1.9.1959

[3] Tuý Hồng, Ngày xuân đêm xuân, Bách khoa số 169, ngày 15.1.1964, tr.67-81

[4] Nhật Tiến, 1968, “Sinh hoạt tiểu thuyết một năm qua”, Bách Khoa thời đại số 265-266 số ra ngày 15.1.1969, tr.26                                                                                                                                                                                                                  

[5] Thụy Khuê, 2018, Nguyễn Thị Hoàng- người yêu muôn thuở. Nguồn: thuykhue.free.fr

[6] Nguyễn Đình Tuyến, 1967, Những nhà thơ hôm nay. Nxb Nhà văn VN.

[7] Thuỵ Khuê, Sđd ở [5]

[8] Cao Huy Thuần, 01/06/2021, Thì Hoàng uống cà phê. Nguồn: https://www.tcs-home.org/ban-be/articles/thi-hoang-uong-ca-phe

[9] Nguyễn Thị Hoàng, 2019, Lời Mở đầu tập thơ Mây bay qua trời xưa , Nxb Hội Nhà văn.tr.6

[10] Xem bài Nhuệ Hương (lược ghi), 1971, Nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng: Cuộc đời và tác phẩm”, NCVH số 5, tr.58