Hoàng Đình Tạo: NATO và WARSAW: Mỗi khối có một bất kham

A. NATO VÀ PHÁP 

Trong thế chiến thứ hai, hội nghị Yalta chỉ có ba vị lãnh đạo khối đồng minh là: Churchill, Rosevelt và Staline. De Gaulle chỉ là hàng thứ yếu không đáng để mời ngồi chung bàn để vẽ lại bản đồ thế giới. 

Ngày đổ bộ Normandy, quân đồng minh dưới sự chỉ huy của tướng Eisenhower, quyết định để quân đội Hoa Kỳ đặt chân đầu tiên cho việc giải phóng Âu Châu. De Gaulle có xin Eisenhower cho lính Pháp đặt chân lên trước, vì là đất Pháp. Nhưng tướng Eisenhower đã hỏi một câu nhói tim: Ông có bao nhiêu sư đoàn? 

Những kinh nghiệm đầy mặc cảm ấy, đã khiến De Gaulle uất ức và đã đi đến hình thành chính sách đối ngoại khi gia nhập NATO, cũng như chơi khăm Hoa Kỳ trên vấn đề  quốc tế tài chánh. Và tham vọng lẫn cao ngạo cá tính mong mang Pháp trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới tự do.

Ngày 4 tháng 4 năm 1949, Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết tại thủ đô Hoa Kỳ. Ban đầu chỉ có 12 quốc gia ký kết. Và cho đến nay (2024) thêm 20 quốc gia nữa.

Vào năm 1958, De Gaulle gởi thơ cho Tổng Thống Eisenhower và Thủ Tướng Anh McMillan, nhấn mạnh hai điều:

–  Hệ thống hội nhập của NATO cần cải cách;

–  Và làm sao để cho Pháp có thể kết hợp với Mỹ Anh lãnh đạo thế giới tự do.

Tuy nhiên các cuộc họp tay ba đã không đi đến kết quả trên 4 vấn đề:

  • Võ khí nguyên tử 
  •  Hội nhập hệ thống 
  • Vai trò của Pháp 
  • Viễn kiến khác biệt về một Âu Châu trong tương lai.

Pháp khẳng định là phải có vũ khí nguyên tử, vì nó nâng thể diện và sức mạnh của mình trên trường thế giới.

Hoa Kỳ thì e sợ triển khai vũ khí hạt nhân, nên muốn ngăn chặn bằng cách từ chối cung cấp tài chánh cho Pháp. Hơn nữa, Pháp chú tâm vào chiến tranh thuộc địa (Algérie), cho nên rút quân từ Trung Âu về.

Pháp là quốc gia thứ 4 có võ khí nguyên tử. Do đó, De Gaulle muốn Pháp có một chính sách đối ngoại độc lập tự chủ. Pháp không muốn vướng mắc với NATO, Cộng đồng chung Âu Châu, hay bất cứ tổ chức nào.

Pháp đã 2 lần phủ quyết Anh gia nhập Thị trường chung Châu Âu vì sợ Anh quốc phủ bóng Pháp trong các vấn đề châu Âu. 

Tháng 3,1959 Pháp rút khỏi bộ chỉ huy NATO. Sau đó, 1963 rút hạm đội Địa Trung Hải khỏi NATO, Vài tháng sau, De Gaulle yêu cầu Hoa Kỳ dời tất cả võ khí nguyên tử trên đất Pháp. 1966 Pháp rút không quân và lục quân ra khỏi Tây Đức. Tuy nhiên, Pháp không chính thức ra khỏi hội viên NATO. Mặt khác,  De Gaulle cảm nhận rằng Hoa Kỳ sẽ không dùng võ khí nguyên tử dưới bất cứ trường hợp nào nên không cần thiết phải có căn cứ quân sự ở Pháp.

1964 De Gaulle thăm Liên Xô, hy vọng đặt Pháp vào vị trí thay thế để ảnh hưởng đến chiến tranh lạnh. Ông cho rằng Cộng sản chỉ là hiện tượng. Ông không bao giờ dùng Liên Bang Xô Viết, mà chỉ dùng Nga (Russia). Vì ông cho rằng Russia là quyền lợi quốc gia, còn Xô Viết chỉ là những quyết định ở Điện Kremlin. Ông hy vọng nếu phá được thế lưỡng cực thì Pháp sẽ lãnh đạo thế giới. 

Sau đó, Kossygin thăm Paris. Liên Xô không xem Pháp là siêu cường, và biết Pháp sẽ trung lập khi có chiến tranh.

Pháp cũng từ chối ký thỏa ước chống thử nghiệm nguyên tử dưới lòng đất.

1964, De Gaulle nói với Tây Đức trước sự lựa chọn: Hoặc là theo ủng hộ chính sách Hoa Kỳ, hay chấp nhận chính sách độc lập với Hoa Kỳ, nhưng không chống lại nó. 

Và Pháp cũng thiết lập bang giao với Trung Cộng trong năm 1964.

Tây Đức bác bỏ tối hậu thư của Pháp và trả lời rằng: Tây Đức luôn trung thành với Hoa Kỳ, và nói với Pháp nên chấm dứt huyễn mộng lãnh đạo Châu Âu.

Năm 1965 Pháp từ chối gia nhập SEATO, cũng như những liên minh quân sự nào đó Hoa Kỳ thiết lập.

1966-1967 De Gaulle rút tất cả quân đội Pháp ra khỏi tổ chức NATO; và trục xuất bộ chỉ huy NATO rời khỏi Pháp. Vì thế nhiều sư đoàn không quân chiến lược cũng rút khỏi đất Pháp. Và NATO dời bộ chỉ huy sang Bruxelles (Bỉ).

De Gaulle cho rằng quân đội Pháp bị phụ thuộc nếu đặt trong tay NATO. Và có thể bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh ngoài ý muốn. (như chiến tranh Việt Nam). De Gaulle chỉ muốn quân đội Pháp ở vào vị trí “dự bị“,  chứ không phải “tuyến đầu“ trong công việc chống Cộng sản.

De Gaulle biết thế giới cần hoà hoãn. Liên Xô  gặp nhiều khó khăn về kinh tế và bất đồng trong khối Cộng sản.

Ông ta gởi giới ngoại giao mở ra những cuộc gặp gỡ Rumania, Bulgaria, Poland… Nhưng Liên Xô  đã cảnh cáo Pháp hãy để yên những vệ tinh của mình. Cho nên 1968, khi Tiệp Khắc nổi dậy, Liên Xô và khối Warsaw đưa quân dập tắt ngay.(1,2)

KHỦNG HOẢNG VÀNG

Sau thế chiến thứ hai, đại diện 44 quốc gia, khoảng 700 đại biểu; họp tại Bretton Woods, New Hampshire. Theo Hiệp Ước Bretton Woods,  quy  định đồng dollar có thể đổi thành vàng, song hành với hệ thống tài chính. Vì các quốc gia đồng ý giữ giá tiền cố định theo đồng dollar; và đồng dollar cố định theo giá vàng.

Kim bản vị, có thể cung cấp chỉ số quốc tế cố định giữa những quốc gia tham gia hiệp ước, làm giảm sự bất định trong giao dịch thương mại quốc tế.

Do đó, trong nền mậu dịch giữa các quốc gia, nếu xuất cảng nhiều hơn nhập cảng thì số vàng dự trữ tăng lên. Và nếu nhập cảng nhiều hơn xuất cảng thì số dự trữ vàng vơi đi.

Dựa vào điều khoản này, De Gaulle chơi khăm Hoa Kỳ. Tháng 8/1971,  Pháp muốn đổi dự trữ đồng dollars của mình ra vàng,  theo giá chính thức. De Gaulle đã gởi hải quân vượt Đại Tây Dương để chở vàng về mà Hoa Kỳ kiếm được từ 2 thế chiến. Hải quân Pháp theo lời chỉ dẫn,  tàu chiến cập bến New York, chuyển vàng từ Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang  ở New York xuống tàu.

Việc hoán đổi này đã khiến số lượng dự trữ vàng của Hoa Kỳ bị giảm sút đáng kể,  và ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon đã ban hành sắc lệnh hành pháp ngừng không cho đổi tiền ra vàng vào tháng 8/1971. Đến tháng 10/1976 thì QH mới biểu quyết chính thức đạo luật đổi định nghĩa tiền đổi ra vàng, và không cho phép hoán đổi nữa. (4)

B.  WARSAW VÀ RUMANIA

Là vệ tinh của đảng cộng sản Liên Xô; cho nên các chính sách đối ngoại và kinh tế được mang về từ Liên Xô để được đảng cộng sản địa phương thi hành.

Trước đó, lấy lý do là đưa thêm lính vào Rumania để bảo vệ đường ống dẫn dầu từ Liên Xô sang Áo. Nhưng Rumania từ chối. 

Khi biến động ở Hungaria nổi dậy, năm 1956, Rumania đã phải đồng ý để Liên Xô duy trì việc đóng quân. 

Tuy nhiên vụ bắt Imre Nagy được đưa từ Hung sang Rumania, do nhân viên chống phản động của KGB thẩm vấn chứ không phải là nhân viên của Liên Hiệp Quốc điều tra như thoả thuận ban đầu. Rồi bí mật đưa trở lại Hung bằng máy bay của Rumania. Sự kiện này làm Rumania tức giận 

Chủ tịch đảng cộng sản Rumania là Gheorghe Georghiu-Dej yêu cầu quân đội Liên Xô rút ra khỏi Rumania, ngày 25/7/1958. Thời gian đó, Krushchev lên nắm quyền ở Liên Xô còn yếu kém và lơ là, và tìm kiếm mối bang giao với phương Tây để vực nền nông nghiệp trì trệ, nên Rumania tiến đến chính sách mang tính chất độc lập hơn. Và nhờ đảng cộng sản Rumania không từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, còn giữ chân trong khối Warsaw, và khối kinh tế Comecon.

Một năm sau, cái chết đột ngột của lãnh tụ đảng cộng sản Rumania; làm người kế vị, là Nicholas Ceaucescu áp dụng chính sách đối ngoại càng độc lập hơn với khối cộng sản Đông Âu.

Liên Xô rút từ đầu tháng 7 đến 25/7 thì xong. Đây là bước giải trừ ra khỏi vệ tinh của Xô Viết rất quan trọng mà sẽ không bao giờ trở lại. 

Ngay từ đầu, Mông Cổ, Bắc Việt Nam và Trung Cộng, Bắc Hàn theo chế độ quan sát viên. 1961 thì Trung Cộng rút ra, Albania cũng không còn là hội viên đắc lực nữa, cho đến 1968, khi Liên Xô tấn công Tiệp Khắc thì rút lui hẳn hội viên. Còn Mông Cổ, năm 1963 xin gia nhập khối Warsaw, nhưng Rumania đã bỏ phiếu chống.

Mùa thu năm 1963, bộ trưởng ngoại giao của Rumania là Manescu đến tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và muốn gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ là D. Rusk. Ngoại trưởng Rumania nói rằng, việc Liên Xô đặt hoả tiễn ở Cuba là do tự ý làm, không có ý kiến gì của Rumania. Rumania đứng trung lập. Ngoại trưởng Rusk trả lời, chúng tôi chỉ phản pháo những quốc gia nào có đặt hoả tiễn mà thôi.

Tháng 4/1964 Rumania rút ra khỏi khối Warsaw. Sau này, Hungaria cũng muốn rút khỏi khối Warsaw, bị Liên Xô tràn quân sang làm chết khoảng 2,500 người, năm 1956.

Đến 22/4/1964, đảng cộng sản Rumania tuyên bố rằng tất cả mọi đảng Mác Lê có toàn quyền giải thích, lựa chọn, hay thay đổi hình thức hay phương pháp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không có đảng cha mẹ hay con cái. Hay thựơng đẳng, hạ đẳng. Mà chúng ta chỉ có một đại gia đình cộng sản và công nhân với sự bình đẳng.

Chữ “cộng hòa nhân dân“, thường ám chỉ vệ tinh của Liên Xô, nên hiến pháp Rumania 1965 đã sửa đổi là “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa“. 

Trong bài quốc ca, 1960, tuyên dương người giải phóng Xô Viết, thì nay được bỏ ra.

Tháng 5/1964, Rumania ra lệnh cho tất cả nhân viên tình báo, cố vấn quân sự rút ra khỏi lãnh thổ và lập đội tình báo chống lại KGB. Lợi dụng lúc thay đổi lãnh đạo của Liên Xô, Ceaucescu đã mời đại sứ Liên Xô đến để nhận lệnh gởi về tất cả nhân viên KGB.

Kể từ 1965, dưới thời Ceaucescu, quyền lực chính trị được cá nhân hoá và quốc gia hoá. Trước đó, Ceaucescu nói với Duceck rằng, coi chừng Liên Xô  đưa quân vào Tiệp Khắc. Duceck trả lời: Họ mà vào tôi sẽ mang hoa ra đón. Và Liên Xô đã vào thật. Tiệp Khắc không mang hoa ra đón mà mang lửa thắp lên ngọn đuốc ái quốc. Năm 1968, Rumania từ chối đứng chung liên quân Warsaw tấn công Tiệp Khắc. Cũng tại vì thế Albania đã rút ra khỏi khối Warsaw. Và trước đó Hungaria muốn Liên Xô rút quân về mà bị Liên Xô xâm chiếm.

Rumania đã chuẩn bị.  Võ trang hoá sinh viên học sinh, nam cũng như nữ; và cho huấn luyện quân sự. Liên Xô cũng đã chuẩn bị dàn quân ở biên giới Rumania. Cùng chuẩn bị các đường trốn thoát của lãnh đạo.

Nhưng Tổng thống Johnson đã gởi thư cho Brezhnev, với giọng điệu cứng rắn: Nếu Liên Xô tấn công bất cứ quốc gia nào nữa thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Và Liên Xô vẫn tập trung quân ở biên giới Rumania cho đến 1973 vẫn chưa ra lệnh tấn công. Sau đó Liên Xô đã rút quân về lại đơn vị cũ.

Đến năm 1969 thì Rumania mời Tổng thống Nixon sang thăm. Là nước đầu tiên trong khối Warsaw tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ.

Rumania tiếp cận với tất cả các nền kinh tế Tây Âu, và giao dịch thương mại. Thường xuyên đứng độc lập trên diễn đàn thế giới, như tại Liên Hiệp Quốc .

Rumania cũng là hội viên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, World Bank.

Năm 1974, Liên Xô muốn làm đường sắt đi từ Odessa qua Bulgaria để chuyển lính, thì phải qua đất của Rumania. Rumania bác bỏ, không cho phép. Ngược lại, Bulgaria cũng không cho phép lính ngoại nhập đóng trên lãnh thổ của mình.

Rumania cũng chấm dứt Liên Xô huấn luyện quân đội Rumania, phòng ngừa việc xen vào chỉ huy hay cài người.

Rumania cũng chống lại Liên Xô xâm lăng Afghanistan. Và là quốc gia cộng sản duy nhất tham dự Olympic Los Angeles 1984 vì phương Tây đã tẩy chay Olympic Moscow 1980 do vụ Afghanistan.

Trước kia, khi Rumania còn là hội viên Comecon, trao đổi thương mại với Liên Xô  chỉ 0,5 tỷ mỹ kim ( kể cả thuế ). Trong khi đó từ 1968 – 1978 thương mại với Bulgaria 4,6 tỷ. Với Đông Đức 23, 7 tỷ.

Liên Xô và Rumania ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác năm 1970, nhưng Rumania vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

–  Đứng trung lập trong cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Trung Cộng. Vẫn giữ bang giao tốt đẹp với Trung Cộng.

– Sau cuộc chiến 6 ngày ở Trung Đông, chính Rumania đứng trung gian hoà giải cho Do Thái và Ai Cập. Dẫn đến hoà ước Camp Davis mà Liên Xô phản đối.

– Đông Âu đều lên án Pinochet sau cú đảo chánh Allende. Nhưng Rumania không lên án và vẫn tiếp tục giao hảo. 1973.

– SOV/ROMs: là hiệp ước miễn thuế với Liên Xô để giúp nền kinh tế Rumania tái cấu trúc. Nhưng bị Liên Xô bòn rút tài lực và tài nguyên như uranium. Tuy hiệp ước này đã bỏ từ lâu, 1956, nhưng cho đến 1975 mới chấm dứt.

– 1976, Brezhnev thăm Rumania, trong bản thông cáo chung không có lên án Trung Cộng.(5,6)

– 1979 Liên Xô  ủng hộ Việt Nam tấn công sang Campuchia lật đổ chính quyền Pon Pot; nhưng Rumania là quốc gia đầu tiên bỏ phiếu chống.

– 1983 Rumania chống lại chạy đua vũ trang hạt nhân, cùng giải trừ quân bị.

Chính sách đối ngoại của Rumania từ 1990 được thành hình bởi địa chính trị hơn là kinh tế. Cho nên, khi Liên Xô sụp đổ, bang giao giữa Rumania và Nga ngày càng căng thẳng vì Moldova 

C. CUỘC GẶP GỠ CHUNG CHO PHÁP VÀ RUMANIA SAU KHI KHỐI WARSAW TAN VỠ, 1991.

1/ TRƯỜNG HỢP CỦA PHÁP 

Sau khi khối Cộng sản sụp đổ, Hoa Kỳ  ũng rút một số lượng quân đội về, và Pháp không bị ràng buộc bởi khối đối đầu, nên nhiều tự do hơn.

Vào năm 2008, tháng 6, trong “Sách Trắng Nói Về Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia“,  Tổng thống Pháp là Sarkozy,  nói rằng, không có lý do gì mà chúng ta không phải là thành viên của NATO,  mà Pháp đã ra đi 43 năm trước kia. 

Năm 2009 có hội nghị thượng đỉnh Strasbourg – Kehl giữa NATO và Pháp để mở rộng cửa các hoạt động khuyến khích Pháp tham gia vào các nhiệm vụ và chức vụ của NATO.

Thật ra, từ năm 1995, Pháp đã bắt đầu đóng góp tài chính và binh sĩ.

  •  1993 đến 2004 Pháp đưa quân theo NATO vào Bosnia.
  •  1999 đưa quân vào Kosovo
  •  2001 chiến đấu chung trong chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan.
  • 2011 đưa quân vào Lybia dưới cờ Liên Hiệp Quốc .
  • 2016 hỗ trợ võ khí cho ba quốc gia vùng Baltic, Ba Lan cùng huấn luyện quân sự.
  • 2018 hỗ trợ hải quân chống khủng bố Houthis ở Biển Đỏ. Và huấn luyện quân sự cho Iraq
  • 2022 đưa cố vấn vào Rumania sau khi nước này gia nhập NATO.

Hiện nay là nước đứng thứ ba, đóng góp ngân sách cho NATO.

  • Hoa Kỳ  : 22,14%
  • Đức       : 14,65%
  • Pháp     : 10,63%
  • Anh       :  9,85%
  • Ý           :  8,45%

Chính thức Pháp trở lại là thành viên tích cực của NATO, vào tháng 6/ 2008, Tổng thống Pháp là Sarkozy tuyên bố trong “Sách Trắng Về Quốc Phòng Và An Ninh Quốc Gia “ rằng:  “Không có lý do gì mà chúng ta không phải là thành viên NATO,  mà Pháp đã ra đi 43 năm trước kia “. 

Đến 2009 Pháp đã gia nhập vào cơ cấu bộ chỉ huy của NATO, và bộ chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh tại Âu châu, được điều hành bởi viên tướng Hoa Kỳ.

2/ TRƯỜNG HỢP CỦA RUMANIA

Sau khi Liên Xô sụp đổ, kéo theo khối Warsaw tan vỡ. Tuy nhiên, bang giao giữa 2 quốc gia vẫn tiếp tục căng thẳng.

Sau khi Ceaucescu bị giết, Rumania đã mở cửa biên giới cho Moldova, ngày 6/9/1990, với hy vọng kết hợp 2 mảnh đất này thành một quốc gia như trong quá khứ của lịch sử. Cùng chung Vương Quốc Rumania. Nhưng Nga phản đối vì dân Nga sống ở vùng này rất đông. Và ngược lại họ đòi sáp nhập với Nga. Chính phủ Moldova đã phải chiến đấu với kiều dân Nga, được Nga yểm trợ võ khí, đạn dược và cả tin tức tình báo. Và Rumania cũng ủng hộ dân mình chiến đấu cho Moldova.

Năm 1993, Rumania chính thức là hội viên NATO và EU. Và Rumania lên tiếng ca ngợi các tổ chức quốc tế Tây Âu rất bình đẳng và dân chủ. Thấy vậy, bộ trưởng ngoại giao Nga dịu giọng ký hiệp ước bang giao láng giềng tốt.

Ba năm sau, 4/1996, bộ trưởng ngoại giao Nga sang thăm đã không ra được bản thông cáo chung vì Rumania đòi hỏi phải có điều khoản là Nga phải trả lại tài sản mà Nga đã cướp qua Hiệp Ước Molotov – Ribbentrop 1939. Đặt nền tảng cho việc đòi lại tài sản sau này. 

Nhưng Nga cho rằng Rumania muốn đòi lại Moldova và một phần Ukraine. Và Rumania ký hiệp ước liên minh quân sự nước này để chống nước kia.

Sau đó mọi cuộc gặp gỡ ngoại giao của 2 bên đều bị huỷ bỏ.

Đến năm 2000, đảng Dân Chủ Xã Hội nắm chính quyền ở Rumania, thì thân với Moscow hơn. 2003, hai bên ký hiệp ước láng giềng tốt, nhưng không đề cập gì đến hiệp ước Molotov – Ribbentrop. Đến 2005, Tổng thống Rumania thăm Nga, xoá tan những thành kiến của 15 năm trước.

Nhưng ngày 10/2/2015, Vladimir Evseev, Giám Đốc Trung Tâm Moscow vì Chính trị và Quân sự đã cảnh cáo Rumania rằng: Nếu dấn thân vào sự xung đột giữa NATO và Nga thì nhiều căn cứ quân sự của Rumania nằm trong mục tiêu của nhiều loại võ khí khác nhau của Nga.

Tuyên bố này, khiến Tổng thống Klaus Iohannir chuẩn thuận cho 250 lính Mỹ vào đóng ở căn cứ phía Đông. Và cho Hoa Kỳ sử dụng sân bay lớn nhất ở Otopeni để vận chuyển.

26/4/2021 có vụ gián điệp ở Czeck Republic, Rumania để tỏ tình đoàn kết đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga.

Khi Nga xâm lược Ukraine, Rumania và các quốc gia tây phương cùng cấm vận và chế tài Nga. Và cho Nga vào danh sách “không phải là bạn hữu“.

Mùa Xuân 2022 Rumania đã tuyên bố nhiều nhà ngoại giao Nga “không được tiếp đón”.

Và lập trường của Nga về vấn đề tài sản không có gì thay đổi, mặc dù có nhiều cuộc gặp gỡ nhưng không có tiến bộ gì thêm.

C.  TỔNG KẾT 

1/ Biết sức mình, khả năng mình liệu có đủ yếu tố cần và đủ để làm lãnh đạo thế giới hay không. 

Cần có một nền kinh tế phát triển, nhân tài vật lực dồi dào để cáng đáng mọi việc xảy ra trên thế giới.

Cần có một quân đội hùng mạnh cùng võ khí tối tân. Có thể chiến đấu trên mọi địa hình trên thế giới. Phản ứng nhanh, kịp thời. 

Đủ là người lãnh đạo đủ hấp lực toàn dân, và thế giới. Uy tín của một thể chế dân chủ, lãnh đạo được sản sinh từ ý chí toàn dân. Tính chính đáng của chế độ, được toàn dân tin tưởng.

Không phải mình muốn to bằng con bò là mình thành bò. Qua phần đóng góp vào ngân sách thì ta thấy nước Pháp ngày nay hiểu được vị trí mình ở đâu. Và làm tròn trách nhiệm mình là đẹp nhất.

2/ Kể ra các nhà lãnh đạo của Rumania đã sáng suốt. Về đối ngoại và đối nội được tách ra rõ ràng, đi trước Trung Cộng 20 – 30 năm. Đối ngoại thì độc lập, theo quyền lợi của quốc gia. Cũng có điểm hay là lãnh đạo Rumania khai thác thời điểm ở Liên Xô rất là đúng lúc cho những việc tách rời dần dần. Còn đối nội thì vẫn bạo lực trấn áp bằng cánh tay sắt. Tuy nhiên cái không may của kẻ độc tài vẫn luôn chờ đợi họ. Đó cũng là cái gương bắt cá hai tay của những nhà độc tài toàn trị cộng sản.

Hoàng Đình Tạo 

—————–

Tham khảo: 

  1. Foreign policy of Charles de Gaulle
  2. France and NATO: An History
  3. The operation and demise of the  Bretton Woods system: 1958 to 1971
  4. Warsaw Pact
  5.  New Evidence on Romania and the Warsaw Pact, 1955-1989