Trịnh Khải Nguyên-Chương: Trung Quốc: thừa nước đục thả câu
Trong bài phát biểu kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày giữa Chủ tịch nhà nước Trung quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm tháng Ba vừa qua, Tập bảo Putin: “Ngay lúc này đây, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng thấy trong suốt trăm năm qua, và chúng ta cùng nhau đẩy mạnh sự thay đổi ấy.”
Hiển nhiên, không ai kỳ vọng Tập sang Moskva gặp Putin để thuyết phục Putin chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược phi chính nghĩa ở Ukraine, hầu trả lại hòa bình cho xứ sở đó. Không, không ai ngây thơ đến độ cả tin như thế. Ngược lại là đằng khác, vì Nga càng có mặt lâu dài ở Ukraine, Trung quốc càng có lợi, càng “thừa nước đục thả câu.”
Chỉ cần nhìn tổng quát những gì Trung quốc đang cố thực hiện trên bàn cờ thế giới ngày nay là đủ cho người ta thấy rõ mưu đồ và dã tâm của đế quốc này trong cố gắng thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới.
Một trong những thành tựu Trung quốc đạt được trong lúc Mỹ và Liên Âu đang bận đối phó với tình hình chiến tranh bên Ukraine là đứng ra làm xúc tác trung gian hòa giải việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran. Hai quốc gia này trước đây có nhiều mâu thuẫn. Mặc dù cả hai đều lấy Hồi giáo làm quốc giáo nhưng lại chống nhau kịch liệt trên mặt ý thức hệ. Hệ phái Hồi giáo ở Iran là Shia, còn Saudi Arabia là Sunny. Khi chiến tranh Iran-Iraq xảy ra (1980-1988), Saudi Arabia ủng hộ Iraq đánh Iran, và gần đây hơn, cuộc nội chiến dai dẳng ở Yemen cũng tạo mối hiềm khích lớn giữa hai quốc gia.
Iran trong vòng vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng guồng máy quân sự, kể cả vũ khí hạt nhân. Trong cuộc chiến Ukraine hiện tại, chính Iran cung cấp cho Nga máy bay không người lái, đạn dược, và có thể hỏa tiễn xuyên lục địa. Quan ngại về một nước Iran hùng mạnh và hiếu chiến ở ngay sát biên giới mình, Saudi Arabia luôn luôn tìm phương cách chống đỡ, và thông thường họ tìm đến Hoa Kỳ. Nhưng nay Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đang rối bù về cuộc chiến Ukraine, không ai còn lòng dạ nào quan tâm đến miền đất Trung Đông lúc nào cũng sôi sục máu lửa, nên Riyadh bắt buộc phải ngả vào tay Trung quốc. Thế là Trung quốc chụp ngay lấy cơ hội bằng vàng.
Kỳ thực, Washington đã bị sốc khi thấy Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị đứng giữa hai Ngoại trưởng Saudi Arabia và Iran tại bàn hội nghị hôm mùng 10 tháng Ba vừa qua. Với Nga đứng đằng xa vỗ tay tán thưởng, Iran sẽ được Nga cung cấp phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư, hệ thống tên lửa phòng thủ tối tân, và sẽ là nhân tố quan trọng trong khối Trục – The Axis of Evil – chống lại thế giới tự do. Quyết sách của Trung quốc ở Trung Đông là thiết lập các cơ chế năng lượng, ngoại thương và tài chính do Trung quốc đứng đằng sau yểm trợ và tách thoát ra khỏi Hoa Kỳ.
Cùng một sách lược ấy, Trung quốc đem ra áp dụng ở Âu châu. Trung quốc không mong chiến tranh Ukraine sớm chấm dứt. Đó là sự thật. Những gì các nhà lãnh đạo Liên Âu mong đợi đều chỉ là ảo tưởng. Khi cuộc chiến mới bùng nổ hôm 24/2/2022, chính ông sếp ngoại giao của Liên Âu Josep Borrell đã đặt kỳ vọng rất nhiều vào Trung quốc để giải quyết vấn đề. Người ta không quên lời ông ta tuyên bố: “Không có con đường nào khác. Chúng ta không thể là kẻ đứng ra hòa giải cuộc xung đột này, Hoa Kỳ cũng không làm nổi. Vậy thì còn ai vào đây nữa, chỉ có Trung quốc thôi. Phải là Trung quốc, tôi tin tưởng vào điều đó.” Chẳng hiểu ông Borrell còn nhớ câu phát biểu lạc quan “tếu” của mình? Chẳng hiểu ông ta nghĩ gì khi thấy Tập Cận Bình sang Moskva bắt tay Putin, không hề nói một câu gì về cuộc chiến mà chỉ hứa hẹn với Putin một cơ hội cả “trăm năm mới có” để hai quốc gia đứng lên lãnh đạo thế giới tương lai.
Trung quốc tin tưởng là một khi hệ thống đồng minh liên đới của Liên Âu bị tấn công, họ sẽ nhìn lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa họ và Hoa Kỳ. Nếu Nga cố thủ được ở Ukraine, không cần phải chiếm trọn lãnh thổ mà chỉ cần giữ vững từ 15 đến 20% đất đai, thêm bán đảo Crimea nữa, là đủ cho Liên Âu rúng động rồi. Lúc đó Trung quốc mới nhảy vào cùng Liên Âu và Nga thiết lập một trật tự mới ở Âu châu không có Hoa Kỳ.
Viễn ảnh đó có thể bị nhiều người xem là mơ hồ, không thực tế, nhưng nó chắc chắn là một trong những khả thể nằm trong quyết sách của Bắc Kinh. Nó có thể không xảy ra nếu Nga thất bại ở Ukraine và, quan trọng hơn, Liên Âu vẫn đoàn kết với Hoa Kỳ. Nhưng nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc đối đầu với chính sách xâm lược hung hãn của Nga vì bất cứ lý do nào (dân Mỹ chán nản, đòi cúp viện trợ quân sự hàng tỉ Mỹ kim cho Ukraine chẳng hạn) thì cái ngày viễn ảnh đó trở thành hiện thực là không xa lắm. Bắc Kinh có đủ kiên nhẫn chờ đợi.
Đó là lý do vì sao Trung quốc vẫn tiếp tục đầu tư kinh tế càng lúc càng nhiều vào Tây phương, và mặt khác, vẫn khai thác các biến chuyển ở Nga và các nơi khác hầu thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của mình.
Cuộc chiến ở Ukraine càng kéo dài, Nga càng lệ thuộc vào Trung quốc, và nương theo đó, vai trò của Trung quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình càng gia tăng. Trung quốc không những không áp lực Nga phải tìm giải pháp hòa bình mà còn tăng cấp viện trợ và ngoại thương để kinh tế Nga không bị sụp đổ do những biện pháp trừng phạt của Tây phương. Gần đây, mặc dù bị Tây phương gay gắt phản đối, Trung quốc còn gửi súng và áo giáp sang Nga. Để “nắn gân” và thử “lằn ranh đỏ” của Tây phương, Trung quốc có lẽ sẽ gửi vũ khí, đạn dược cho Nga qua ngả một quốc gia thứ ba thân Nga (như Iran). Hiện thời Nga là đồng minh quan trọng của Trung quốc trên khán trường quốc tế, Trung quốc sẽ chứng tỏ cho Nga và thế giới thấy rằng, đã là đồng minh thì không bao giờ “tháo chạy.”
Binh pháp Tôn Tử từ trên hai nghìn năm trước có nói: Trong phép dụng binh, có thể khiến cho toàn bộ nước địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành nước ấy chỉ là thứ sách…” Mưu công, dùng mưu để chiến thắng, Tập Cận Bình hẳn thuộc nằm lòng. Và ta chẳng ngạc nhiên chút nào khi thấy Trung quốc ngày nay đang lợi dụng tình thế rối ren trên thế giới mà “thừa nước đục thả câu.”
– Trịnh Khải Nguyên-Chương