Trùng Dương: Bhutan: Từ vương quốc ẩn sĩ tới thị trấn quốc tế
Tôi chưa tới Bhutan, một vương quốc nằm trên sườn đông của rặng Hy Mã Lạp Sơn, kẹp giữa hai cường quốc Trung Hoa ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam, nổi tiếng là biệt lập với thế giới bên ngoài cho tới vài ba thập niên trở lại đây.
Gần đây theo dõi thông tin về dự án xây dựng một thành phố tân lập đầu tiên có tên rất Thiền, là Mindfulness City (tạm dịch là Thành phố Chánh niệm, bạn đọc nào có tên hạp hơn thì xin đóng góp), ở thị trấn Gelephu, một địa danh cực nam sát biên giới với Ấn Độ. Đồ án thiết kế đô thị độc đáo này do một hãng kiến trúc Đan Mạch thực hiện.
Tôi không khỏi tò mò. Do đấy, đây không phải là một bài du ký, mà là một bài tìm hiểu về dự án độc đáo này trong một bối cảnh đất nước cũng độc đáo không kém.
Bhutan, với chính sách Tổng Hạnh phúc Quốc gia–Gross National Happiness (GNH)–đặt hạnh phúc của người dân lên hàng quốc sách thay vì là thành đạt kinh tế, và đã từng được mệnh danh là Shangri-La, một thứ Vườn Địa đàng, cuối cùng. Du lịch Bhutan được biết cũng không dễ và cũng không rẻ, vì chủ trương hạn chế du khách để bảo vệ nền văn hóa theo truyền thống Phật giáo rất đặc thù và môi trường thiên nhiên tinh khiết của một đất nước dân số chưa tới một triệu này.
Dự án Gelephu Mindfulness City (GMC) được đề ra nhằm phát triển kinh tế, và một trong những mục tiêu có lẽ là quan trọng hơn cả, đó là nhằm ngăn chặn tình trạng “chẩy máu chất xám”—brain drain—và đồng thời để lôi kéo sự trở về của những người trẻ đã bỏ nước ra đi tìm cơ hội kinh tế ở nước ngoài, đặc biệt ở Úc, từ nhiều năm qua, nhất là từ sau đại dịch COVID-19. Mục tiêu này đã được chính vị vua trẻ Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, 44 tuổi, tuyên bố trong buổi mít tinh năm ngoái khi thông báo với toàn dân về dự án GMC này.
“Các bạn [những người đã bỏ nước ra đi] luôn ở trong tâm trí Ta,” vị vua trẻ nói, giọng chân thành. “Các bạn là một trong những lý do chúng ta hình thành dự án Gelephu. Mặc dù các bạn ở xa nhưng Ta biết trái tim các bạn vẫn ở với chúng ta tại Bhutan, vẫn mong mỏi hồi hương về với gia đình và bằng hữu. Nếu các bạn có thể chọn lựa, các bạn chắc sẽ chọn nơi đây. Dự án Gelephu sẽ tạo cơ hội cho các bạn trở về.”
Vài nét về Vương Quốc Bhutan
Bhutan, tên chính thức là Vương quốc Bhutan, là một quốc gia nhỏ không giáp biển (landlocked), nằm trên dãy núi Himalaya ở Nam Á. Bhutan, tiếng bản địa là Druk Yul, có nghĩa là “Đất của Rồng Gầm” (Land of the Thunder Dragon), được thành lập từ năm 1644. Bhutan hiện theo thể chế quân chủ lập hiến, với vua đứng đầu nước, và một nội các do một thủ tướng cầm đầu điều hành việc quốc gia.
Hiện Bhutan do vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, người đã lên ngôi từ năm 2006. Cha của ông, Vua Jigme Singye Wangchuck, là người đã dân chủ hóa đất nước và chuyển đổi Bhutan từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến với cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào năm 2007. Thay vì phải đợi cha qua đời, vị vua hiện tại lên kế vị khi mới 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học bên Anh, vì cha ông quyết định thoái vị nhường ngai vàng lại cho con.
Người dân Bhutan tự hào vì mình luôn là một đất nước độc lập, một phần cũng nhờ địa thế hiểm trở, chủ trương tự cô lập hóa của giới hữu trách để bảo vệ truyền thống văn hóa và môi trường thiên nhiên, với một chính sách đối ngoại qua sự liên kết chặt chẽ với quốc gia dân chủ Ấn Độ ở phía nam. Khoảng trên 760.000 người sống ở Bhutan. Người dân và chính phủ Bhutan tự hào về nền văn hóa dựa trên Phật giáo Tây Tạng của họ. Có tới 97% dân Bhutan theo đạo Phật.
Thủ đô của Bhutan là Thimphu, với dân số 80,000 người và không một trụ đèn giao thông, và vẫn do cảnh sát chỉ đường từ một cái chòi đặt giữa các bùng binh. Ngôn ngữ chính là tiếng Dzongkha. Nhưng Anh ngữ là ngoại ngữ chính trong chương trình giáo dục, như Ấn Độ, do đấy hầu như ai trong giới trẻ của quốc gia này cũng nói thông thạo tiếng Anh.
Cho đến năm 1974, Bhutan đóng cửa với thế giới bên ngoài. Bây giờ mọi người có thể đến thăm đất nước này, nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Tuyền hình mới hiện hữu từ năm 1991, và Internet từ năm 1999. Để tới thủ đô Thimphu, du khách chỉ có thể bay tới sân bay quốc tế duy nhất ở quận Paro, cách thủ đô Thimphu có 50 km, tức 31 miles, nhưng phải mất trên một tiếng xe hơi vì đường vòng vèo qua nhiều chỗ núi non hiểm trở.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Bhutan là thủy điện được bán cho Ấn Độ. Nền kinh tế của Bhutan dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, cung cấp sinh kế chính cho hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn. Nông nghiệp bao gồm chủ yếu là trồng trọt tự cung tự cấp, không dùng phân hóa học, và chăn nuôi. Những ngọn núi trùng điệp khiến việc xây dựng đường sá cũng như các cơ sở hạ tầng khác trở nên khó khăn. Lợi tức trung bình của dân Bhutan là 3,491 Mỹ kim vào năm 2022, đứng thứ 153 và nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội chỉ là 2,653 triệu Mỹ kim và đứng thứ 178, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Hiến pháp Bhutan duy trì 70% đất nước bao phủ bởi cây rừng, vây quanh bởi những ngọn núi cao tuyết phủ, và theo tuyền thuyết đấy là nơi các thần linh ngự trị, không ai được phép leo núi trừ vài chuyên viên có nhiệm vụ đo đạc băng tuyết. Cây rừng muốn chặt cho công cuộc xây cất cũng phải có phép của nhà vua mới được chặt. Với một hệ thống đường xá ít được phát triển, do đấy ít xe cộ, và ít hay không bị kỹ nghệ hóa, Bhutan là quốc gia trung hòa carbon, với tổng lượng khí carbon dioxide (CO2) thải ra môi trường cân bằng với lượng CO2 được hấp thụ bởi cây rừng. Nhờ đó, Bhutan là quốc gia có carbon âm duy nhất trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Bhutan hiện lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu làm băng trên núi tan rã thành thác nước chảy siết kéo theo nạn đất đá sạt lở nhiều nơi, tàn phá nhà cửa ruộng đồng ở vùng dưới thấp.
Tổng Hạnh phúc Quốc gia là gì?
Tuy thuộc thành phần quốc gia chậm phát triển về kinh tế, phần lớn là do chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường, dân Bhutan lâu nay lại được coi là một dân tộc hạnh phúc nhất thế giới, theo tiêu chuẩn của quốc sách Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness—GNH) đã được ghi trong Hiến pháp vào năm 1972. Quan điểm về hạnh phúc này bắt nguồn từ một triết lý Phật giáo, theo đó, “việc vun trồng hạnh phúc cá nhân hoặc tập thể là trọng tâm của triết học Phật giáo thực tiễn. Hạnh phúc là một phẩm chất của tâm trí phát xuất từ một thái độ tích cực trong đó gồm có ý định không bao giờ làm hại người khác, mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ những người xung quanh và luôn hài lòng với cuộc sống của mình,” theo một tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc của chính sách Tổng Hạnh phúc Quốc gia. Trong bài này, người viết sẽ dùng GNH chỉ chính sách Tổng Hạnh phúc Quốc gia.
Theo đó, GNH bầy ra một thước đo trực tiếp hơn cho hạnh phúc tập thể thông qua việc nhấn mạnh sự hòa hợp với thiên nhiên và chọn lọc các giá trị văn hóa, như được thể hiện trong chín lĩnh vực hạnh phúc và bốn trụ cột của chính sách GNH. Chín lãnh vực của hạnh phúc là sức khỏe tâm lý, sức khỏe thể chất, việc sử dụng thời gian, giáo dục, đa dạng văn hóa và khả năng phục hồi, quản trị tốt, sức sống cộng đồng, đa dạng sinh thái và khả năng phục hồi, và mức sống. Và bốn trụ cột của Tổng Hạnh phúc Quốc gia gồm: 1) Phát triển kinh tế trong chiều hướng tạo một xã hội bền vững và công bằng; 2) Bảo tồn môi trường, 3) Bảo tồn và phát huy văn hóa; và 4) Quản trị tốt.
Được xây dựng trên bốn trụ cột trên–phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa, bảo tồn môi trường và quản trị tốt—chính quyền Bhutan đã nỗ lực đảm bảo rằng sự tiến bộ là mang lại lợi ích cho mọi khía cạnh của cuộc sống, từ phúc lợi xã hội và kinh tế đến sức khỏe văn hóa và môi trường. Bhutan đã tạo ra một xã hội cân bằng và hài hòa, đặt ưu tiên trên hạnh phúc hơn là của cải vật chất qua việc tập trung vào hạnh phúc và phúc lợi chung của mọi người dân.
Dân Bhutan có thực sự sung sướng không? Giữa năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Tổng Hạnh phúc Quốc gia thông báo việc hoàn tất bản tường trình cho năm 2022. Theo một bản phân tích, mặc dù trải qua đại dịch COVID, hạnh phúc quốc gia của Bhutan đã không giảm mà còn gia tăng so với mấy năm trước, với tổng số cảm thấy hạnh phúc là 93.6%, từ rất hạnh phúc (9.5%) tới khá hạnh phúc (38.6%), tới hạnh phúc vừa phải (45.5%). Chỉ có 6.4% là không cảm thấy hạnh phúc.
Vậy tại sao Bhutan bị ‘chẩy máu chất xám’?
Trước cả khi xẩy ra đại dịch COVID, nhiều người trẻ đã bỏ nước ra đi, phần lớn là sinh viên đi tìm cơ hội học hành. Nhưng kể từ khi xẩy ra đại dịch, số người ra đi có phần gia tăng và không chỉ gồm toàn sinh viên mà cả nhiều công chức và chuyên gia, phần lớn tới Úc, nơi mà khả năng Anh ngữ của họ giúp họ thích ứng dễ dàng. Theo Cục Thống kê Úc, khoảng 13,270 người Bhutan di cư đến Úc trong năm 2022-2023, tương đương 1.7% dân số Bhutan năm 2021.
Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và GNH lần đầu tiên đã làm một cuộc thăm dò ý kiến qua cuộc khảo sát 181 người Bhutan để tìm hiểu lý do tại sao người Bhutan bỏ đi nước ngoài hoặc có dự tính như vậy trong tương lai. Đây là cuộc khảo sát lớn nhất cho đến nay, theo tờ The Bhutanese. Trong số nhưng người được thăm dò ý kiến, 35 người đã di cư, 46 người đang có dự định di cư, 69 người có thể làm như vậy trong tương lai và 24 người không có ý định làm như vậy. Họ bao gồm 120 công chức, 23 người từ lãnh vực tư nhân, 16 thanh niên thất nghiệp, chín người từ các tập đoàn, năm sinh viên, bốn Desuups (tức Gardians of Peace, các tình nguyện viên giữ hòa bình), hai nông dân và hai người từ lực lượng vũ trang. Hai câu hỏi chính được đặt ra: trước hết là về lý do đi du lịch hoặc dự tính du lịch của họ, và thứ hai là nhận thức của họ về lý do tại sao những người khác lại ra đi.
Các câu trả lời cho thấy các lý do ra đi chủ yếu là vì lợi tức, cơ hội tốt hơn, vì lạm phát, việc làm và tương lai tốt đẹp hơn, và một số lý do khác ít quan trọng hơn.
Về cơ hội kinh tế, nhiều người trẻ Bhutan tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn ở nước ngoài. Triển vọng kinh tế ở các quốc gia như Úc thường được coi là hấp dẫn hơn so với Bhutan. Về giáo dục, nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học và các chương trình đào tạo chuyên ngành ở nước ngoài là một yếu tố quan trọng khác. Nhiều sinh viên đến Úc vì các trường đại học danh tiếng và cơ hội giáo dục. Về phẩm chất cuộc sống, một số người Bhutan nhận thấy cuộc sống, bao gồm chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và lối sống tốt hơn ở các quốc gia như Úc. Ngoài ra, lạm phát và chi phí sinh hoạt cao ở Bhutan, cũng như tại các nước kể từ đại dịch COVID, cũng thúc đẩy nhiều người tìm kiếm sự ổn định tài chính tốt hơn ở nước ngoài.
Với một quốc gia dân số chưa tới một triệu, dù số người ra đi chỉ đôi ba chục ngàn, song lại là thành phần ưu tú, đây phải là một quan tâm đáng kể. Do đấy mà giới hữu trách ở Bhutan cảm thấy phải làm một cái gì để ngăn tình trạng “chẩy máu chất xám” và lôi kéo những người đã ra đi trở về, qua dự án Mindfulness City.
Thế nào là một Thành phố Chánh niệm?
Thú thật là người viết không biết phải dịch chữ “mindfulness” ra sao cho thích hợp ngoài chữ “chánh niệm” do Google Translator dịch từ chữ trong tiếng Anh. Chỉ xin mô tả bên dưới để độc già nào đó giỏi khoa ngôn ngữ có thể nêu ra một cụm từ thích hợp và chính xác hơn. Tạm thời xin dùng chữ GMC, viết tắt của Gelephu Mindfulness City.
Dự án GMC do hãng kiến trúc Đan Mạch Bjarke Ingels Group, tắt là BIG, có trụ sở tại Copenhagen và New York, vẽ kiểu, đặt căn bản trên nguồn gốc sâu xa từ văn hóa Phật giáo của Bhutan, các nguyên tắc Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) và di sản tinh thần của đất nước này. Quy hoạch tổng thể (master plan) nhằm mục đích tạo ra một môi trường cân bằng giữa thiên nhiên và nhu cầu của người dân, nhằm thúc đẩy phúc lợi, sức khỏe, giáo dục và đa dạng văn hóa.
Thành phố tân lập này sẽ nằm ở thị trấn hiện hữu Gelephu ở miền nam Bhutan, gần biên giới với Ấn Độ. Đây là một khu vực bao quanh bởi núi, rừng và sông, và một môi sinh đa dạng. Đồ án bao gồm cảnh quan thiên nhiên, với 35 sông suối chảy qua vùng đất được chọn vì đó là khu bằng phẳng nhất của vương quốc.
Bố cục đô thị trên một diện tích 1,000 km2, tức 386 square miles, gồm một chuỗi các hệ sinh thái liên kết với nhau và các khu dân cư sống động, gợi hứng từ dòng chảy của sông và suối. Thành phố sẽ gồm: một sân bay quốc tế; hệ thống đường sắt; một đập thủy điện kết hợp với một ngôi đền; quảng trường cho các sinh hoạt cộng đồng và đa dạng; công nghệ xanh; cơ sở giáo dục gồm trường đại học và các cơ sở giáo dục khác; trung tâm y tế; trung tâm văn hóa trưng bầy hàng dệt may và truyền thống của Bhutan; và hệ thống cầu vừa cho giao thông vừa chứa các sinh họat văn hóa.
Vị trí của thành phố tương lai Gelephu được bao bọc bởi 35 con sông. Khi sông băng ở dãy Himalaya tan chảy, dòng sông mở rộng và sâu hơn. Bhutan cũng còn có mùa gió mùa (monsoon). Và với sự thay đổi khí hậu, hệ thống sông lạch sẽ có nhiều nước hơn. Hãng kiến trúc BIG đề xuất thiết kế thành phố xung quanh những dòng sông luôn thay đổi này, với hai bên sông là ruộng lúa. Ngoài ra, Bhutan còn có gần 700 con voi, chúng di chuyển từ cao nguyên xuống đồng bằng bao quanh Gelephu để qua Ấn Độ, nên đề án Gelephu cũng tạo các hành lang tự nhiên xung quanh các con sông, có thể rộng tới nửa dặm để bảo tồn sinh thái này.
Kỹ thuật thiết kế đô thị bao gồm các biện pháp bền vững nhằm chống lũ lụt trong mùa bão, như thiết lập ruộng lúa hai bên sông để thấm nhận nước tránh gây ra lũ lụt. Đường phố được lát bằng vật liệu thấm nước để nước mưa có thể thấm vào lòng đất, đảm bảo khả năng đề kháng ngập lụt. Các tòa nhà mới sẽ sử dụng vật liệu địa phương như gỗ, đá và tre, và vẽ theo mô típ bản địa.
Dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và sẽ được thực hiện qua đầu tư của quốc gia Bhutan và quốc tế. Thời gian chính xác để hoàn thành vẫn chưa được xác định, nhưng các dự án phát triển đô thị quy mô lớn thuộc loại này thường mất nhiều năm, nếu không là nhiều thập niên.
Với quyền tự chủ hoàn toàn về hành pháp, lập pháp và tư pháp, Thành phố Chánh niệm Gelephu (GMC) áp dụng một mô hình độc đáo, gọi là khu hành chánh đặc biệt nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc đầu tư, dập theo khuôn mẫu vùng kinh tế đặc biệt của Singapore, hoàn toàn độc lập với hệ thống hành chính hiện hành ở Vương quốc Bhutan. Theo cựu thủ tướng Tiến sĩ Lotay Tshering, một thành viên trong nhóm điều hành công cuộc thực hiện GMC và hiện hành nghề giải phẫu ở Gelephu, dự án này cho phép các quốc gia, người dân và công ty trên khắp thế giới đầu tư 100% vào việc xây dựng một thành phố hoàn toàn không có carbon, lấy thiên nhiên làm cốt lõi.
“Chúng tôi không xây dựng bất kỳ thành phố thông thường nào,” Tiến sĩ Tshering cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Week của Ấn Độ. “Nhà vua đặt GMC dựa trên năm nguyên tắc sáng lập chính. Đầu tiên là sức khỏe, sẽ có sự kết hợp giữa Đông y và Tây y, kết hợp giữa hệ thống y tế hiện đại và truyền thống. Yếu tố thứ hai là giáo dục – những gì bạn học phải được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Thứ ba là năng lượng bền vững, vì toàn bộ cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào nó. Nó phải hoàn toàn xanh và có thể tái tạo [renewable]. Thứ tư là tâm linh và thứ năm là quản trị tài nguyên.”
Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck nhìn nhận các khó khăn kinh tế của Bhutan trong bài diễn văn tuyên bố sự hình thành dự án tân đô thị Gelephu nhân Ngày Quốc gia vào cuối năm 2023. Ông cũng bầy tỏ niềm thông cảm việc nhiều người dân đã phải bỏ nước ra đi tìm cơ hội kinh tế và giáo dục ở nước ngoài, đặc biệt tại Australia, và ông tin rằng trong thâm tâm họ vẫn mong có ngày hồi hương. “Dự án Gelephu [Midfulness City] sẽ tạo cơ hội cho các bạn trở về quê hương vậy,” nhà vua nói trước tiếng hoan hô vang dậy trong quảng trường, phải. (Ảnh trích https://www.youtube.com/watch?v=wygbvrXKGdo )
Sau khi hoàn thành, Thành phố tân lập Gelephu có thể ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh quốc tế của Bhutan, tạo điều kiện cho Bhutan kết nối nhiều hơn với mạng lưới kinh tế và văn hóa toàn cầu. Giới hữu trách Bhutan hy vọng dự án Gelephu cũng sẽ trở thành một mẫu mực cho sự phát triển đô thị bền vững và có ý thức trên toàn thế giới.
Trùng Dương
[td2024-12]