Trùng Dương: Chính trị Mỹ: Dân chủ tự bắn vào chân; Cộng hòa chống-Trump chạy lại trấn an
Full Debate: Biden and Trump in the First 2024 Presidential Debate | WSJ
Cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống kiêm can phạm Donald Trump đã diễn ra ngày 27 tháng Sáu vừa qua do đài CNN tổ chức. Trên 49 triệu người đã theo dõi trực tuyến, ít hơn so với 84 triệu ở kỳ tranh biện trước vào năm 2020.
Nhưng một cơn bão tố sôi nổi đã diễn ra trên trực tuyến trong thời gian của buổi tranh biện và càng trở nên cường điệu sau đó trong đảng Dân chủ, và ở ngay cả những đảng viên Cộng hòa chống ông Trump nhưng ủng hộ (nếu không nói là kỳ vọng) nơi ứng cử viên Biden trong việc giúp họ đánh bại Trump. Nguyên do vì ông Biden, 81 tuổi, đã, vì một lý do nào đó, không đủ sức chống lại trước cuộc tấn công của đối thủ với tổng cộng trên 30 câu nói dối trắng trợn song không hề được CNN kiểm chứng. Ông Biden đã để lộ sự lúng túng, đôi khi không tìm ra lời diễn tả, mà nhiều người kết luận là do tình trạng lão hóa mà ra.
Dù ngày hôm sau trong cuộc vận động ở North Carolina ông Biden đã cho thấy một Biden khác với Biden tại cuộc tranh biện CNN tối hôm trước, nhưng tai hại khó chữa đã xẩy ra. Và đã khiến nhiều người quay lưng lại với ông Biden, điều mà Thống đốc Cali có mặt tại phòng hội của CNN sau buổi tranh biện, đã bất đồng khi khẳng định là: “Chúng ta … phải ngẩng cao đầu và như tôi nói, chúng ta phải yểm trợ Tổng thống,” ông Newsom nói với phóng viên Alex Wagner của MSNBC. “Bạn không quay lưng lại chỉ vì một màn trình diễn. Đảng nào lại đi làm chuyện đó chứ!”
Mỉa mai thay là phần lớn những người cùng đảng hoặc các nhóm, kể cả trong giới truyền thông lâu nay vẫn ủng hộ ông Biden đã lên tiếng đòi ông phải từ bỏ quyết định tái tranh cử. Có người, xuất hiện trong một cuộc thảo luận trực tuyến của một cơ quan truyền thông, còn lớn tiếng nói là ông ta cảm thấy bị chính phủ ông Biden nói dối về tình trạng thể chất thật sự của ông Biden. Làm như không nói thì người khác sẽ tranh mất phần để chứng tỏ sự am hiểu tình hình của mình, hoặc thế hoặc vì nhu cầu cơm áo cần giữ việc làm. Tôi gọi đó là hiện tượng phe Dân chủ tự bắn vào chân—shooting themselves in the foot.
Hôm sau ngày tranh biện, trước một đám đông reo hò trong một buổi mít-tinh ở Raleigh, tiểu bang North Carolina, Tổng thống Biden, khác hẳn với đêm hôm trước, sôi nổi và cũng rất chân thực, không dấu diếm, một đức tính ở ông mà tôi trân quý.
“Tôi biết tôi không còn trẻ trung gì. Tôi không đi đứng dễ dàng như trước đây. Tôi không nói năng suôn sẻ như trước đây,” ông Biden nói, nhưng, ông cả quyết với đám đông hào hứng vẫy cờ quạt biểu ngữ yểm trợ ông, “Tôi đã không tái ứng cử nếu tôi không tin với tất cả trái tim và tâm hồn của mình rằng tôi có thể cáng đáng công việc này…Tôi biết nói lên sự thực. Tôi biết thi hành công tác. Khi ta bị đấm ngã, ta đứng ngay dậy. Đó là truyền thống của người Mỹ chúng ta vậy.”
Mối lo ông Trump sẽ thắng kỳ bầu cử tới và đem nước Mỹ vào quỹ đạo của các chế độ độc tài như Nga và Trung Hoa—cái quyền hành mà Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng vừa ban cho các tổng thống Mỹ qua phán quyết 6-3 về quyền được miễn tố hôm July 1 vừa rồi–, đặc biệt với sự yểm trợ nhóm tác giả cực bảo thủ Dự án 2025, đã trở thành mối ám ảnh của nhiều người Mỹ không chỉ riêng các đảng viên Dân chủ và những người Mỹ không chấp nhận ông Trump, mà còn của cả nhiều quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ. Nhiều người hoảng sợ khi thấy ông Biden “thua” cuộc tranh biện. Họ đòi ông rút lui nhường chỗ cho một ứng cử viên trẻ tuổi và năng động hơn—ai thì chưa ai thực sự hình dung ra là ai. Ai trong số những tên tuổi đã được nêu ra dù quen thuộc với cử tri mà trong vòng năm tháng còn lại trước ngày bầu cử 5 tháng 11 tới có thể vận động để tạo một chỗ đứng thay thế được một thế giá như của ông Biden? Ai là người đã từng cả đời theo đuổi phục vụ công ích và có một kho kinh nghiệm quốc nội cũng như quốc ngoại như ông Biden?
Từ những thảm kịch cá nhân ông đã vươn lên tiếp tục công việc phục vụ đất nước và đám quần chúng thấp cổ bé miệng. Vào lúc đen tối nhất của đất nước khi khắp nơi đại dịch hoành hành người chết hàng triệu, kinh tế suy sụp thê thảm, ông đã đứng ra gánh vác, đẩy lui đại dịch, tái dựng lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, mặc dù hậu quả của cơn khủng hoảng cung cầu thế giới do đại dịch đẻ ra đã khiến lạm phát gia tăng khó tránh, nhưng nay đã trở lại mức gần bình thường mặc dù giá cả vẫn cao ngoài khả năng kiểm soát của một nhà nước dân chủ. Và đặc biệt là những nỗ lực của chính phủ Biden nhằm đối phó với hiện tượng khí hậu thay đổi đang đe dọa đến chính sự tồn vong của nhân loại. Trong hơn ba năm qua chính phủ không tì vết nhũng lạm của ông Biden đã thực hiện được nhiều công trình lớn nhỏ đáng kể dù cũng bị phá hoại không ít bởi một Quốc hội bệnh hoạn, phá rối hơn là làm việc nước. Chính phủ của Tổng thống Biden sở dĩ đạt được các thành tích đó cũng là nhờ ông và bộ tham mưu của ông biết chọn đúng người vào bộ máy hành chánh. Họ là những người thực sự quan tâm tới vận mệnh đất nước và dân tộc, lặng lẽ làm việc, và ta ít khi nghe biết về họ qua các cơ quan truyền thông vì các cơ quan này, theo truyền thống làm tin, phần lớn chỉ loan tin giật gân, khi có khủng hoảng xung đột.
Dân chủ tự bắn vào chân mình
Sau khoảnh khắc dài 90 phút của cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên, nhiều người muốn xóa sổ ông Biden. Lớn tiếng nhất phải kể tới ban biên tập của nhật báo The New York Times [mà tôi là một độc giả dài hạn kể từ ngày ông Trump đắc cử tám năm về trước, đăng ký trả phí vì cũng muốn ủng hộ báo chí, nơi nương tựa của người dân trước một chính quyền bất xứng, bất tài, tham nhũng–điều mà người dân tại những nước độc tài, như Việt Nam, không có được. Tôi có viết một bài về việc yểm trợ báo chí này.]
Lần lượt những cây bút của trang Op-Ed (ý kiến) của tờ Times, trong đó có một số tác giả mà tôi vẫn quý trọng, lên tiếng. Nguyên trong số báo ngày 28 tháng 6 sau đêm tranh biện có những hàng tít như sau: “Joe Biden là một người tốt và một tổng thống giỏi. Ông ta cần rút ra khỏi cuộc tranh cử.” “Biden không thể tiếp tục như thế này.” “Tổng thống Biden, tôi đã thấy đủ rồi.” “Biden có quá già không? Nước Mỹ đã có câu trả lời.” “Sau cuộc tranh luận: ‘Tôi không nghĩ Joe Biden nên tranh cử.’” Và bài của ban chủ biên, với hàng tít: “Để phục vụ đất nước, Tổng thống Biden nên rời khỏi cuộc đua.”
Cô em bên Houston, cũng là độc giả có trả phí của tờ New York Times nhưng tưởng tôi không có, text tặng tôi cái bài của ban chủ biên. Có lẽ bị xúc động và ảnh hưởng bởi nhữrng bài ý kiến trên, cô viết thêm: “Đúng là hết thật rồi cho ông Biden, chị. Em hy vọng ông ấy có đủ khôn ngoan để rút lui, tạo cho Dân chủ cơ hội thành công và giữ cho chính sự nghiệp và tên tuổi không bị vẩn đục.” Một cô bạn khác ở Nam Cali thì điện thư gọn lỏn: “Chán ơi là chán, chị…”
Cô bạn ở cùng Bắc Cali, một đảng viên Cộng hòa bài-Trump, thì bình tĩnh hơn. Cô viết: “Mình thấy mấy điểm: 1/ Những người ủng hộ Biden (trong đó có chúng ta) thất vọng vì nhiều lý do, đặc biệt chờ đợi nhiều từ ông do performance tuyệt vời của ông hôm State of the Union Address trong khi đó tên Trump càng ngày càng bựa, nói lộn nhiều lần, linh tinh muôn thuở và ngu đần/sai phạm tùm lum. 2/ Thất vọng, nhưng trí nhớ của người Mỹ rất ngắn, NẾU trong kỳ debate thứ 2 mà ông perform như kỳ nói Thông Điệp Liên Bang thì dư luận sẽ khác ngay. Trong khi đó, ngày 7/11 này nếu Trump bị vô tù thì chúng ta có thể thấy dư luận đổi chiều. Và 3/ Trong những ngày trước mặt, ông Biden sẽ phải perform mạnh mẽ hơn bình thường tại các cuộc vận động tranh cử và xuất hiện nhiều hơn để cải thiện hình ảnh quá tệ ngày hôm qua.”
Phe yểm trợ ứng cử viên Biden
“Những đêm tranh biện tồi tệ vẫn thường xẩy ra. Tin tôi đi, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân,” cựu Tổng thống Barrack Obama là một trong những người đầu tiên đã lên tiếng trên diễn đàn xã hội X (Twittter) ngay sau buổi tranh biện. Năm 2012 ông Obama thua ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney trong kỳ tranh biện nhưng đắc cử vào nhiệm kỳ thứ hai. “Tuy nhiên cuộc bầu cử tới vẫn là sự lựa chọn giữa một người đã cả đời chiến đấu cho những người dân thường và một người chỉ quan tâm đến cá nhân mình; giữa một người nói sự thật, biết cái đúng cái sai và sẽ thẳng thắn trao lại cho người dân Mỹ, và một kẻ nói dối tới tận răng vì lợi ích của riêng mình.”
Một trong những phản ứng mà tôi cho là thú vị và cũng cảm động đối với tôi, đó là phản ứng của Mika Brzezinksi, người đồng dẫn chương trình bình luận tin tức Morning Joe trên đài MSNBC. Trong khi người đồng dẫn và cũng là chồng bà, Joe Scarborough (cả hai vợ chồng là bạn thân của gia đình Tổng thống Biden), lên tiếng trong chương trình của họ sáng hôm sau đêm tranh luận, với tất cả thẳng thắn và cũng không dấu được đau đớn, đề nghị ông Biden nên rút lui khỏi cuộc vận động tái tranh cử; bà Mika ngồi bên nói đồng ý là diễn xuất của ông Biden quá tồi tệ, không địch lại nổi làn sóng dối trá dồn dập của ông Trump. Song bà nghĩ đề nghị ông Biden bỏ cuộc là vội vàng, thiếu suy nghĩ. Hai ngày sau, vào thứ Hai vừa rồi, bà một mình lên đài bảo vệ ý kiến của mình về việc ông Biden nên tiếp tục tranh cử.
“Tôi vẫn tin tưởng nơi Joe Biden,” bà Mika nói. “Tôi đã từng học được và thấy là việc loại bỏ ông luôn là một sai lầm, và làm điều đó bây giờ có thể dẫn tới thảm họa cho đất nước chúng ta.”
Và dù không chỉ trích thẳng giới truyền thông, bà cũng nhìn nhận đã có một sự đồng thanh của báo chí kêu gọi ông Biden bỏ cuộc đua. Bà không chọn đứng về phía đó. So sánh một Biden đôi khi như tê liệt không tìm ra chữ hay ý tại cuộc tranh biện và một Biden linh hoạt tại buổi mit-tinh sáng ngày hôm sau như “đêm và ngày,” bà đào sâu hơn, tìm hiểu lý do đã dẫn tới hành xử đáng thất vọng của ông Biden trong đêm tranh luận, không chỉ là sự choáng ngợp thông tin do cả tuần tập dợt cho buổi tranh luận. Bà đặt vấn đề về lịch trình quá dầy đặc của ông Biden trước cuộc tranh luận. Đó là các chuyến đi liên tiếp hồi đầu tháng đến Normandy nhân kỷ niệm 80 năm D-Day, sau đó đến Ý để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, sau đó đến Los Angeles trước khi quay trở lại miền đông, trước sau tổng cộng qua 12 múi giờ. Bà chỉ trích ban sắp xếp lịch trình của tổng thống là không hợp lý và cần điều chỉnh cho tốt hơn. Sau khi duyệt qua những thành quả của Tổng thống Biden, bà tuyên bố yểm trợ việc ông Biden tiếp tục tranh cử. Bà tin là ông Biden sẽ vượt qua khủng hoảng như ông đã từng làm như vậy trong suốt cuộc đời nhiều bi kịch cá nhân, và rồi sẽ một lần nữa ông sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn vào tháng 11 tới.
Song đáng kể nhất là phát biểu của giáo sư sử học Allan Lichtman, người đã tiên đoán chính xác kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1984 (trừ một lần), dựa vào một hệ thống có tính cách khoa học gọi là 13 Chìa khóa Vào Tòa Bạch Ốc mà ông và một nhà vật lý địa chất Nga đã khai triển vào năm 1981. Giáo sư Lichtman là người vào năm 2016 tiên đoán là Donald Trump sẽ đắc cử trong khi các cuộc thăm dò dân ý thì lại có lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton. Ông nói ta không thể tin vào kết quả của các cuộc thăm dò dân ý vì chúng thiếu tính khoa học. Theo ông, ông Biden không việc gì phải chấm dứt cuộc vận động tái tranh cử của mình vì ông đang có nhiều triển vọng thắng.
Phản ứng trước việc nhiều người của đảng Dân chủ và các cơ quan truyền thông muốn thay thế ông Biden vì lo ngại cho sức khỏe của ông khiến khó cáng đáng một cuộc vận động tranh cử quyết liệt vào các tháng tới, sử gia Lichtman gọi đó là một hành động “vô nghĩa ngu xuẩn / foolhardy nonsense.”
“Họ không phải là bác sĩ, làm sao họ biết liệu Biden có thể thực hiện nhiệm kỳ thứ hai hay không!” Ông nói. “Người ta cũng đã nói điều tương tự về Ronald Reagan, 73 tuổi, một chênh lệch tuổi tác lớn [so với Biden], và họ nói rằng ông ấy không thể cáng đáng được nhiệm kỳ thứ hai, vậy mà ông ta được sự ủng hộ của 49 tiểu bang cả thẩy.”
Theo sử gia Lichtman, “đảng Cộng hòa vốn dĩ vô nguyên tắc, và đảng Dân chủ thì thiếu xương sống.”
Cộng hòa chống-Trump chạy lại trấn an
Vì đảng Dân chủ “thiếu xương sống” khiến chính các đảng viên Cộng hòa không chấp nhận Trump cũng đâm lo ngại. Họ lên tiếng quở đám Dân Chủ đã nhanh nhẩu vội vã đòi truất phế và thay thế ứng cử viên đương kim tổng thống sáng giá chỉ phải tội diễn xuất dở trong có một đêm. Họ còn có vẻ như giải cứu mấy ông bà Dân Chủ nông nổi này nữa. Do đấy mà tôi đặt nửa tựa sau của bài viết này là “Cộng hoà chống-Trump chạy lại trấn an.”
“Thật khó hiểu khi rất nhiều đảng viên Dân chủ đã không đang tập hợp xung quanh một tổng thống cực kỳ thành công sau một đêm tồi tệ. Nhưng nó nhắc nhở tôi về lý do tại sao đảng Cộng hòa đánh bại đảng Dân chủ trong rất nhiều cuộc đua mà đảng Cộng hòa lẽ ra phải thua,” Stuart Stevens viết trong một bài bình luận đăng trên tờ NY Times, tựa là “Dân chủ: Đừng la hoảng nữa.” Ông Stevens, tác giả cuốn “Âm mưu khai tử nước Mỹ,” nguyên là cố vấn chính trị đảng Cộng hòa đã từng vận động tranh cử cho Tổng thống George W. Bush và ứng cử viên Mitt Romney, hiện là cố vấn của tổ chức Lincoln Project thành lập từ khi ông Trump thành Tổng thống, với mục đích ngăn ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.
Theo ông Stevens, “Một cuộc tranh biện không làm thay đổi cấu trúc của chiến dịch tranh cử tổng thống này. Về tất cả các xôn xao bàn thảo về cái đêm không may này của ông Biden, thất bại đáng nói là việc ông Trump đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để tái thiết tư cách ứng cử viên và củng cố đáng kể vị thế của mình.”
Thay vì thế, ông Trump đã tiếp tục lập lại những dối trá trắng trợn bấy lâu. “Trong 90 phút, ông Trump đã tung ra lời lẽ chống Mỹ độc hại. Nước Mỹ mà ông ta đang sống là một địa ngục của bạo lực hậu tận thế, với những người ‘chết khắp nơi’ […] Đây có phải là cách người Mỹ nhìn chính mình không? Khi chúng ta nhìn lá cờ Mỹ được treo tại Thế vận hội ở Paris, chúng ta có cảm thấy xấu hổ, không thể tự hào? Khi Ronald Reagan làm tổng thống, ông tin rằng sinh ra ở Mỹ là trúng xổ số cuộc sống. Bây giờ, ở nước Mỹ của Trump, chúng ta thành nạn nhân, kẻ lừa đảo, kẻ thua cuộc ư?”
“Đảng Cộng hòa đang lâm chiến với thế giới hiện đại, và nó đang thua,” tác giả “Âm mưu khai tử nước Mỹ” viết, và liệt kê những chuyện lố bịch gần đây của phe nhóm Cộng hòa như việc tấn công công ty làm giầy Nike, Disney World, và cả nghệ sĩ lừng danh thế giới Taylor Swift khi cô công khai phản đối việc đảng Cộng Hòa đã khai tử quyền tự do sinh sản của phụ nữ khi xóa bỏ luật Roe v. Wade cho phép phá thai, thành luật đã cả 60 năm.
“Trước cuộc tranh biện hôm thứ Năm, cuộc đua tổng thống là về quá khứ so với tương lai. Sau cuộc tranh luận, đó là về quá khứ so với tương lai. Và sẽ như thế vào ngày 5 tháng Mười Một,” ông Stevens kết luận.
Và ông khuyên các đảng viên Dân Chủ đang đòi Tổng thống Biden bỏ cuộc hãy theo gương của Thống đốc Cali Gavin Newsom, “không quay lưng lại chỉ vì một cuộc tranh biện dở. Đảng nào mà lại đi làm việc đó.”
Trùng Dương
[TD2024-07]