Trùng Dương: Lê Thành Nhơn (1940-2002) – Những mộng lớn & những tác phẩm còn, mất

Tháng 11 năm nay là tròn 20 năm từ ngày điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002) qua đời tại Melbourne, Úc, nơi anh định cư từ năm 1975.  

Cách đây gần 10 năm khi lang thang quanh trên 200 pho tượng trong công viên điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới Vigeland ở Oslo, Norway, tôi nhớ đã tự hỏi không biết hồi còn sinh tiền Nhơn có dịp ghé nơi này—làm sao đã không được!–, và tưởng tuợng nguồn cảm hứng anh có được, mặc dù hình như không lúc nào mà, theo hồi tưởng của nhiều bằng hữu, anh lại thiếu cảm hứng cả. Gần đây, khi soạn bài “Hành trình của Mẹ” và chiêm ngưỡng các hình chụp những pho tượng độc đáo gợi nhiều cảm xúc của điêu khắc gia Ron Mueck, tôi cũng ước ao giá Nhơn có dịp viếng một trong những buổi triển lãm của người nghệ sĩ tạo hình tài ba này. Ở Mueck có cái đam mê hoang dại—như Nhơn–mà lại rất thiết tha, dịu dàng, phản ảnh qua các tác phẩm độc đáo siêu hiện thực của anh. Cảm nghĩ tôi có về nghệ thuật nơi Nhơn cũng vậy: choáng ngợp vì tính cách vĩ đại, song đầy đam mê, tha thiết, dịu dàng, chứa chan tình tự qua những tác phẩm anh đã thực hiện. 

Nhân 20 năm kể từ ngày anh qua đời, tôi thu vén hồ sơ cả điện tử lẫn còn trên giấy, thư từ trao đổi còn giữ được dù không nhiều, cùng là nghiên cứu thêm. Trong khi xục xạo trên Internet hầu cập nhật khoảng trống thông tin trong 20 năm qua, tôi bắt gặp một tiếng nói lần đầu nghe được, song thú vị, giúp tôi lấp được phần nào khoảng trống kéo dài nhiều thập niên thiếu vắng thông tin về Lê Thành Nhơn kể cả khi anh còn sống. Thỉnh thoảng Nguyễn Hưng Quốc bên Úc vẫn gửi thông tin về Nhơn, và điện thư cuối cùng gửi chung cho thân hữu khắp nơi báo tin Nhơn đã từ trần chiều ngày 4 tháng 11, 2002 tại Melbourne. 

Thông tin gần đây mà tôi tìm được trên Internet gồm những chi tiết phát hiện từ cuộc hành trình đi tìm lại dấu vết của người cha nghệ sĩ điêu khắc tài hoa của Lê Trung Hưng. Hưng, 56 tuổi, hiện là một nghệ sĩ hài tên tuổi của Úc, và là tác giả của một số sách đã xuất bản, trong đó có một cuốn hồi ký phát hành đầu năm 2018. Tôi đã tìm đọc, đã đi từ ngạc nhiên tới thích thú. Cuốn hồi ký, tựa vừa hài hước vừa khiêm tốn, “The Crappiest Refugee” (tạm dịch là Gã Tị Nạn Dở Hơi Nhất), với giọng văn hài hước dí dỏm pha nhiều tiếng lóng và cả chửi thề, mô tả đời một cậu bé Việt tị nạn lớn lên tại Úc, từ chối đi theo con đường khoa cử mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong con mình theo đuổi để trở thành bác sĩ, kỹ sư hay luật sư. Thay vì thế, Hưng theo đuổi nghề nghệ sĩ hài hước, với chiếc vĩ cầm lúc nào cũng mang kè kè bên mình mỗi khi lên sân khấu, mà anh nói đùa là “không cả biết chơi.” Nhiều lần, Hưng lập lại “lời khuyên” của ông bố nghệ sĩ: “Làm như điên. Chơi tới bến.” 

Dài theo gần 300 trang sách, tôi thấy nhiều lần bóng dáng của người cha nghệ sĩ, chấp nhận làm nghề lái xe điện để nuôi gia đình gồm vợ, một phụ nữ bị khuyết tật, và bốn đứa con nhỏ, song vẫn dành thì giờ để làm điêu khắc, với vẫn những giấc mộng lớn, trong đó có một pho tượng Phật cao cả chục thước, hơn cả những bức tượng vĩ đại nặng hàng tấn anh đã thực hiện trước 1975 ở quê nhà. Hưng cũng đã dành riêng chương cuối viết về cha, giọng nghiêm chỉnh hơn so với văn phong ở những chương khác, khi anh viết về chuyến trở về Việt Nam thực hiện, cùng với người bạn đạo diễn Peter Bucknell, cuốn phim tài liệu, “Mist of the Perfume River” (Suơng Mù trên Sông Hương), về công trình của các thân hữu của Nhơn ở Huế đã nỗ lực trong nhiều năm di dời và dựng dọc theo sông Hương các pho tượng Nhơn đã thực hiện trước 1975 ở Sài Gòn. Cũng qua những trang hồi ký này và phim tài liệu trên, tôi có dịp nhìn thấy nhiều hình ảnh hiếm mà tôi chưa thấy, trong đó có vài bức chụp các pho tượng đồ sộ còn trong dạng đất sét hay thạch cao, đã tạc nhưng chưa kịp đổ đồng, và đã bị phá hủy sau 1975.

Tôi cảm thấy cần viết một bài thâu gom những gì tôi biết về người nghệ sĩ tạo hình tài hoa có thể nói là độc đáo, nếu không nói là lớn và duy nhất, của nền nghệ thuật tạo hình Việt, đặc biệt về bộ môn điêu khắc, một bộ môn ít nghệ sĩ chọn. Nhơn “lớn” không chỉ ở những tác phẩm đồ sộ nặng hàng tấn anh để lại, hoặc đã thất lạc song còn vết tích đó đây, mà còn ở phẩm chất nghệ thuật của chúng. Song, trên tất cả, là cái tâm tình và cũng là tâm sự của tác giả gửi gấm trong đó.

*

Tôi quen với Nhơn vào khoảng 1972, do anh bạn hoạ sĩ Ngyễn Trung dẫn tới thăm xưởng điêu khắc của anh trên đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Dạo ấy, Nhơn vừa hoàn tất phần đất sét pho tượng Phan Thanh Giản, cao 4.5 mét. Bức tượng đã khiến tôi lặng người nhìn, như bị cuốn hút vào cái đau đớn của vị quan nhà Nguyễn trước giờ uống thuộc độc tuẫn tiết để tạ lỗi triều đình vì đã để mất ba tỉnh miền đông về tay quân Pháp. 

Pho tượng này, theo lời Nhơn, do Phó Thủ tướng Trần Văn Hương đặt, chưa kịp đổ đồng, và sau 75 đã bị phá hủy. Khi Nhơn và tôi liên lạc lại được với nhau sau 1975, trong một chuyến thơ anh gửi cho tôi một số hình ảnh trong đó có hình của pho tượng này, và anh đã cẩn thận chụp sẵn để tiện làm bản kẽm in báo (hồi đó báo chí còn xử dụng kỹ thuật này cho hình ảnh). Hoạ sĩ Vĩnh Phối, trong bài “Sự nghiệp Lê Thành Nhơn” trong số báo Văn 72, có một số chi tiết về pho tượng Phan Thanh Giản như sau:

“Chân dung Cụ Phan Thanh Giản (1971-1972): Cao khoảng 4.5m tạo hình một chân dung với vòng đai tròn phù điêu như hào quang, tác giả diễn tả tâm lý nhân vật bi hùng bất khuất, trầm cảm đầy khí tiết của một vị quan nhà Nguyễn uất ức vì Pháp chiếm Lục Tỉnh Nam bộ, biểu hiện nhíu mày và râu dài. Tác phẩm này tôi không biết ở đâu. Thời điểm này tôi thấy trong xưởng còn có một số chân dung các danh nhân, nghĩa quân bất khuất chống Pháp…”

“Trước ngày 30/4 anh đang trưng bầy tại thương xá Eden nay là đường Trần Phú mấy phòng cụm tượng đài Hùng Vương dựng nước,” Vĩnh Phối viết thêm, “nhiều mô hình tượng, những bức vẽ phác hoạ, đặc biệt mô hình hai bàn chân giao chỉ giao nhau làm thành một cổng thành đồ sộ với phù điêu diễn tả nội dung. Đây là nhóm tượng đài do Viện đại học cộng đồng Duyên Hải Nha Trang đặt hàng, anh sẽ thực hiện. Tôi [Vĩnh Phối] có cung cấp cho anh nhiều tài liệu thời đại đồ đồng, văn hoá Hùng Vương để anh phác thảo (rất tiếc nay đã thất lạc).” (tr. 71-74)

Tượng Phan Thanh Giản, 1971-1972, đã bị phá hủy. (Ảnh tư liệu Trùng Dương)

Tượng Phan Thanh Giản, 1971-1972, đúng ra, theo Nhơn kể, là 3.5 mét, hình chụp khi còn trong dạng đất sét. Nhơn gửi cho tôi hình này, từ Úc, vào năm 1986, với ghi chú không ghi ngày tháng, ở mặt sau: “Cụ Phan Thanh Giản đã tử tiết khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Cô bé ngồi duới tượng là Lê Thiên Hương, năm nay cô ta 20 tuổi, đang đi học.”

Ở Việt Nam trước 1975 chỉ có một số rất ít người chọn điêu khắc làm bộ môn chính và sống chết với nó. Trong số rất ít điêu khắc gia ấy, tôi thấy ít ai đã liên tục tạo nên một loạt những tác phẩm chẳng những có tầm vóc về thể chất mà còn cả về nội dung, với chan chứa tình tự dân tộc, chưa kể những đường nét vừa mạnh mẽ lại vừa duyên dáng, có khi dịu dàng, như bản tính đầy chất miền Nam của Lê Thành Nhơn. Đấy là đặc tính của những tác phẩm anh đã tạo ra cả trước và sau 1975 ở Sài Gòn và tại Úc, nơi anh và gia đình định cư từ sau ngày 30 tháng 4, 1975. Một số hình ảnh của những tác phẩm này anh đã trao cho tôi giữ.

Ra đời tại Thủ Đầu Một, nơi nổi tiếng về sản xuất đồ gốm và sơn mài của Nam Việt Nam, vào năm 1940, Nhơn theo học và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định vào giữa thập niên 1960, chuyên về điêu khắc. Anh đã từng dậy tại Huế, Nha Trang và Sài Gòn. Cao và gầy, với khuôn mặt tự nó là một điêu khắc phẩm – trán cao, mắt to và lộ, mũi lớn, miệng rộng sẵn sàng nở nụ cười rộng, nét mặt xương xẩu — nhưng Nhơn có một nghị lực và sức bền bỉ đòi hỏi cho những công trình nghệ thuật không những cần đến sức sáng tạo sung mãn mà còn phải có một thể chất mạnh tương đương để cáng đáng những công trình nặng nề ấy. Ngoài ra, anh còn mang trong anh một bản tính chân chất, đơn sơ rất đáng quý và cái nhìn cùng sức rung động bén nhạy và hồn nhiên của một thi sĩ. Đó là những gì tôi còn lưu lại về một người bạn nghệ sĩ mà tôi cảm phục. 

Trong số những tác phẩm lớn, cả về nội dung, nghệ thuật, lẫn hình thức cao to nặng cả chục tấn, Nhơn đã để lại Miền Nam sau khi đã cùng gia đình di tản sang Úc, ngoài bức Phan Thanh Giản nay đã không còn, gồm có:

Ba tác phẩm điêu khắc của Lê Thành Nhơn còn tồn tại ở Việt Nam: Trái, tượng Phật Thích Ca, 1972, hiện dựng tại chùa Huệ Nghiêm, Sài Gòn. Giữa, tượng Hương Đồng Cỏ Nội (tên nguyên thủy do Nhơn đặt), 1970; và phải, tượng Phan Bội Châu, 1974, cả hai hiện dựng bên bờ Sông Hương, Huế. (Ảnh tư liệu TD)

Tượng Phật Thích Ca bằng xi-măng cao 4.5 mét, hoàn tất năm 1972, mà khi anh ra đi vẫn còn nằm ở xưởng điêu khắc của anh ở số 101 đường Nguyễn Du. Năm 1979, anh cho tôi biết trong một thư gửi vào giữa năm 1986, pho tượng đã “được thỉnh về an vị tại Trung Tâm Phật Giáo Huệ Nghiêm ở Phú Lâm phía tây Sàigòn, do Hội Đồng Phật Giáo Ấn Quang tranh đấu bảo vệ Phật bảo và quý Huề thượng Đại Đức đã đạt được ý nguyện …” Và anh viết thêm, rất Lê Thành Nhơn, như sau: “A Di Đà Phật, tôi cũng có ích cho đất nước tôi!” 

Tượng Phật Thích Ca, khởi tạc năm 1971, mang những đường nét phóng khoáng tân kỳ mà hồi ấy, đối với tôi, đã cho thấy Nhơn đã vượt ra được khuôn mẫu thường gò bó những nghệ sĩ khi vẽ hay nặn tượng tôn giáo. Đến giữa thập niên 1980, trong những tấm ảnh anh gửi sang cho tôi về một pho tượng Phật Thích Ca khác anh dự định thực hiện cho một ngôi chùa của cộng đồng người Việt ở Melbourne, tôi thấy những đường nét càng phóng khoáng và thoát hơn nữa. Cũng với pho tượng này mà anh nuôi tham vọng (không thành), đó là tạc thành pho tượng cao tới… trên hai chục mét. Theo Lê Hưng, cha anh là một Phật tử theo học pháp lý từ bé, ngay từ 9 tuổi đã nhận được pháp danh. Do dấy, có thể nói mức thấm nhuần Phật pháp nơi Nhơn như đã sẵn trong tâm khảm.


Tượng Phật Thích Ca, tạc năm 1971, Sài Gòn, trái; Tượng Phật Thích Ca, tạc năm 1986, Melbuorne, với đường nét thoáng thoát hơn. (Ảnh tư liệu TD)

Về pho tượng Phật Thích Ca tạc năm 1986, Nguyễn Hưng Quốc, bạn rất thân của Nhơn dạo này, viết trong một bài tưởng niệm người bạn nghệ sĩ vừa qua đời, đăng lại từ một số báo Văn tưởng niệm Lê Thành Nhơn: “Tại Úc, tôi biết thỉnh thoảng có một số ngôi chùa hay các trung tâm sinh hoạt cộng đồng muốn dựng một công trình điêu khắc hay thiết kế của Lê Thành Nhơn. Nhưng ngân sách của họ thường có giới hạn, phần lớn được hình thành bằng con đường quyên góp từ năm này qua năm khác. Dường như chưa bao giờ Lê Thành Nhơn ý thức được những giới hạn này: các đồ án anh đưa ra bao giờ cũng nhiều gấp năm, gấp mười ngân sách mà người ta có thể có. Chùa phải thật mênh mông, ở đó, mỗi cái cột phải là một tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo. Tượng Phật phải cao năm, bảy thước và phải đúc… đồng. Có dự án trong đó bức tượng Phật cao đến 25 thước. Những phác hoạ như thế, ai cũng khen đẹp. Nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy. Các giấc mộng lớn của Lê Thành Nhơn cứ nằm mãi trên trang giấy.”

Nguyễn Hưng Quốc cho biết anh thích tranh của Nhơn hơn, và tôi cũng đồng ý là Nhơn vẽ tranh rất đẹp, rất gợi cảm, tạo cảm giác lắng đọng nơi người xem. Nguyễn Hưng Quốc cho biết là vẫn khuyến khích Nhơn vẽ tranh, vì dễ bán và cũng dễ cho người mua hơn, nhưng Nhơn lại thấy làm điêu khắc mới “đã.” 

“Vẽ tranh thì tôi cũng thích nhưng thực bụng mà nói thì vẽ tranh không ‘đã’ bằng làm điêu khắc. Làm điêu khắc, mình có cảm giác như đụng được vào sự đồ sộ, sự to tát một cách cụ thể và trực tiếp hơn là vẽ tranh,” Nguyễn Hưng Quốc thuật  lại lời của Nhơn. Và tiếp: “Say mê điêu khắc là thế, nhưng sự nghiệp chính của Lê Thành Nhơn trong mấy chục năm định cư tại Úc, theo tôi, là hội hoạ chứ không phải là điêu khắc. Đã đành anh có một số tác phẩm điêu khắc được dựng và bày ở những nơi đầy uy tín như Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc, Viện Bảo Tàng Di Dân tiểu bang Victoria, trường đại học Monash ở thành phố Melbourne, trường đại học Tasmania ở tiểu bang Tasmania. Đành vậy. Nhưng rõ ràng là số lượng không nhiều so với thời gian anh định cư tại Úc: 27 năm.”

Tranh Lê Thành Nhơn: Trái, Trang Đài, bích chương chụp từ tranh lụa, khoảng 1978 (Tư liệu TD). Giữa, Chơi Đàn/Music Players, không rõ năm (Ảnh safecom.org.au). Phải, tranh bìa Văn 72, 2002.

Lê Trung Hưng, con trai điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, thăm tượng Hương Đồng Cỏ Nội, còn gọi là Cô gái Việt Nam, về đêm bên bờ Sông Hương. (Ảnh trích phim tài liệu “Mist of the Perfume River”) Pho tượng Cô Gái Việt Nam nay dựng bên bờ Sông Hương, trên đường Lê Lợi. (Ảnh live.staticflickr.com)

Bức Hương Đồng Cỏ Nội (còn gọi là Cô gái Việt hay Mẹ Việt Nam),  bằng xi-măng, cao cỡ 3.5 mét, hoàn tất vào khoảng năm 1970, tạc chân dung một cô gái quấn khăn theo kiểu miền Nam, mà Nhơn cho tôi biết, còn nằm “ở tại nhà” trên đường Nguyễn Du. Nhưng theo hồi ký của Hưng thì vào đầu thập niên 1990, khi nghe tin một số tượng của mình còn sống sót, Lê Thành Nhơn đã về Việt Nam thăm. Nhân dịp này, vì ngôi nhà ở đường Nguyễn Du sắp bị phá để xây khách sạn, anh đã xoay sở câu pho tượng Hương Đồng Cỏ Nội về nhà của một người thân. Pho tượng này sau được các thân hữu ở Huế vận động chở về Huế, hiện được dựng bên bờ Sông Hương. (Xem chi tiết về buổi dỡ tượng từ xuởng cũ trên đường Nguyễn Du về nhà một người thân của Nhơn, trước khi pho tượng này được thân hữu vận động đưa về Huế, trong phim tài liệu “Sương mù trên Sông Hương” của Hưng Lê)

Cũng qua sự vận động kéo dài nhiều năm của thân hữu tại Huế, pho tượng Phan Bội Châu cuối cùng cũng được dời từ sân nhà riêng của gia đình cụ Phan ra dựng bên bờ sông Hương, theo phim tài liệu “Mist of the Perfume River” của Lê Hưng và một số báo trong nước đăng tải.

Tượng Phan Bội Châu bằng đồng mà anh nói là “tạc cho thành phố Huế,” hoàn tất năm 1974. Riêng về pho tượng này, sau khi đã hoàn tất, Nhơn còn nặn một pho tượng tương tự, cao 4 ¾ inches (12 cm), rồi cho đổ đồng khoảng 2,000 ấn bản đem về Sàigòn và giao cho báo Sóng Thần phổ biến để gây quỹ đổ đồng pho tượng Hà Thúc Nhơn, cao khoảng 3.5 mét, mà anh tạc nhân cảm hứng về công trình chống tham nhũng của viên cố đại úy bác sĩ thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà này. Pho tượng này cũng đã cùng chung phận với pho Phan Thanh Giản. Vào mùa xuân 1975, khi thu xếp ra đi, tôi cất pho tượng Phan Bội Châu thu nhỏ nặng khoảng 2 ký, tức 4 pounds, vào giữa mớ quần áo, giấy tờ và chai sữa của con nhỏ đem theo và còn giữ tới bây giờ. Tình cờ, khi đọc cuốn hồi ký của Lê Hưng, tôi bắt gặp bức hình của pho tượng Hà Thúc Nhơn, nên in lại nơi đây, để lưu.

 

Tượng Hà Thúc Nhơn, không nhớ bằng chất liệu gì, có lẽ đã bị phá hủy. (Ảnh trích “The Crappiest Refugee” của Lê Hưng)

Tôi không lạ gì với những giấc mộng lớn của Nhơn. Mộng lớn nhất của Nhơn là khi đất nuớc hết chiến tranh, anh có thể làm tượng các danh nhân liệt sĩ Việt dựng dọc theo Quốc lộ số 1, như có lần anh nói với anh bạn kiến trúc sư Trần Quang Đôn và tôi trong một chuyến chúng tôi viếng thăm xuởng điêu khắc của anh. Khi chúng tôi liên lạc lại được với nhau vào cuối thập niên 1970, có lần anh biên thư cho tôi, khi gửi bức tranh nước “Nước Tôi Dân Tôi” dài 7 mét, cao 1 mét, sang cho tôi, bảo anh mong ước có thể mua một ngôi nhà thờ bỏ hoang làm xưởng điêu khắc–chắc phải là một nhà thờ rỗng ruột với trần cao vút mới đủ sức chứa các công trình điêu khắc của Nhơn! 

Bật rễ khỏi nơi đã nuôi dưỡng người nghệ sĩ và tình tự trong anh, Nhơn không vì thế mà ngưng sáng tạo. Cuối năm 1975, trong khi nhiều người di tản cùng thời với anh vẫn còn bàng hoàng về nỗi đổi đời đến tê liệt tâm tư, Nhơn biến những đau thương thành tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi,” cao 1 mét, dài 7 mét, bằng mực và nước (watercolors) trên giấy bản, mô tả lịch sử dân Việt từ lập quốc qua huyền thoại Tiên Rồng, đến các cuộc di cư đi tìm tự do 1954, 1968, 1972 và 1975. Trong đó anh cũng gói ghém cả niềm tin vào sức sống tiềm tàng của dân tộc.

Lê Thành Nhơn và một phần tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi,” mầu nước, dài 7 mét, cao 1 mét, trưng bầy tại East and West Gallery, Armadale, Úc, tháng 12, 1975. (Ảnh chụp lại từ ảnh in trên một trang báo The Age, không ghi ngày, số trang, do Nhơn cắt gửi cho cách đây 45 năm.)
Trích đoạn thư đề ngày 7/10/1978 của Lê Thành Nhơn

Tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi” triển lãm lần đầu vào tháng 12 năm 1975 tại East and West Gallery ở Armadale, Úc. Nhiều viện bảo tàng Úc muốn mua nhưng Nhơn đã từ chối vì anh dự trù thực hiện một tấm fresnco dựa vào bộ tranh trên và gây quỹ để in đặng phổ biến. Anh viết: “[Tác phẩm ‘Nước Tôi Dân Tôi’] là gia tài khổng lồ của tôi, của dân tôi. Tôi muốn in nó ra vì tôi muốn ai ai cũng có và giữ nó, hơn cả mộng ước nào khác của tôi.” Tiếc là sau đó anh gửi một người quen đem qua Mỹ giao cho tôi, mà vì lý do nào đó tôi không còn nhớ, người đó với tôi liên lạc không ăn khớp, rồi đứt luôn. Nhơn cũng không biết số phận của tác phẩm “Nước Tôi, Dân Tôi” giờ ra sao. Tôi có viết một bài chi tiết giới thiệu nội dung tác phẩm này, in lần đầu trên Giai Phẩm Xuân Trắng Đen 1978, và in lại trên số Văn 72, tháng 12, 2002, trang 68-70. Xin tóm lược nội dung bức vẽ dưới đây:

“Nước Tôi, Dân Tôi” gồm sáu phần: 1) Tableau Một: Huyền thoại Âu Cơ-Lạc Long Quân: truyền thống hợp tan. 2) Tableau Hai: Huyền thoại Sơn Tinh-Thủy Tinh: lời tiên tri về những xung đột và tai ương triền miên. 3) Tableau Ba: Biến cố Mậu Thân 1968 và những cuộc tàn sát và chôn người tập thể của Cộng sản. 4) Tableau Bốn và Sáu: Những cuộc di cư vĩ đại của người Việt (1954, 1968, 1972 và 1975), với phần lớn là trẻ em (tương lai Việt Nam) và đồ đạc mang theo là lư đồng, bát hương, trống lọng, vv. (biểu tượng của văn hoá, gia tài của tiền nhân). Tableau Năm và Chót: mộ tả ý nghĩa của bàn chân giao chỉ (đi cho tới khi hai ngón chân gặp nhau), với hình ảnh Đài Sen, Chim Phượng hoàng và cờ ngũ sắc (vàng, xanh lá cây, trắng, đỏ và đen). 

Sau giai đoạn của “Nước Tôi, Dân Tôi,” bẵng đi đến giữa thập niên 1980 chúng tôi mới lại liên lạc với nhau, khi tôi nhận được một cái phong bì lớn trong đó có nhiều hình ảnh và ghi chú liên hệ, kể cả hình và chi tiết về pho tượng Phan Thanh Giản như đã kể ở trên. Trong thư Nhơn kể về các công trình đã thực hiện được. Trong đó có pho tượng Phật Thích Ca (Melbourne, 1986), phần chính của một công trình gồm “12 bố cục về đời sống Đức Phật từ lúc sơ sanh đến thành đạo và nằm đại hồng chung.” Chưa hết, lúc đó đồng thời anh cũng đang xúc tiến dự án cho một pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sydney. Đồng thời chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh sơn dầu tại Úc rồi sau đó tại Âu Châu, Nhơn kể.

Nhưng một ngạc nhiên cho tôi là trong đám hình ảnh anh gửi sang để chia sẻ với tôi còn có một mớ ảnh chụp pho tượng bán thân của ông Hoàng Cơ Minh, lãnh tụ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tựa là “Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ”. Nhơn tạc pho tượng này dựa vào các hình ảnh trên các báo Việt ngữ xuất bản ở Hoa Kỳ tường thuật về sự ra đời của tổ chức này vào đầu thập niên 1980. “Các hình ảnh này đã xúc động tôi thật mạnh, tư cách của ông [Minh] làm tôi giựt mình và nghĩ liên miên đến công nghiệp của tổ tiên,” Nhơn viết. 

Đối với nhiều người Việt tị nạn vào thời điểm này, khi hàng trăm ngàn người Việt liều mạng đổ ra biển hay vượt núi băng rừng đi tìm tự do bất chấp cướp biển chết chóc, tin về sự hình thành của một lực lượng kháng chiến tìm cách khôi phục lại đất nước là tin vui lớn vỡ bờ. Với người nghệ sĩ tạo hình, tin đó đến với anh “nghe dường như có một cái gì dậy lên từ lòng biển và hoang vu như sa mạc. Rồi tôi đi lấy đất điêu khắc cái linh hồn này (Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ). Đó là tất cả lòng tôi đã nằm trong chân dung ông Hoàng Cơ Minh,” Nhơn viết.

Lê Thành Nhơn và bức “Biển Xanh và Sa Mạc Đỏ,” 1986, Melbourne (Ảnh Trần Thah Nhàn, tư liệu TD); và trích đoạn trong thư đề ngày 4/3/1986 của Lê Thành Nhơn.

Cho tới nay, các tác phẩm điêu khắc của Nhơn hoặc còn ở Việt Nam, hoặc rải rác đây đó ở Úc. Tạp chí điện tử Tiền Vệ bên Úc, do nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và thân hữu thực hiện, dành một trang riêng về Nhơn, tại https://tienve.org/.

Trang Tiền Vệ Lê Thành Nhơn (1940-2002), https://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=63 

Tại trang này, người đọc có thể đọc bài về tiểu sử của Lê Thành Nhơn, xem hình chụp 12 tác phẩm điêu khắc khác của anh và đọc gần 20 bài viết tưởng niệm người nghệ sĩ tạo hình hiếm có của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam này. Nhiều bài viết in lại từ số báo Văn 72, do cố chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện để tiễn biệt bạn, xuất bản tháng 12, 2002, một tháng sau khi Nhơn qua đời.

Tạp chí Văn số 72, tháng 12, 2002, Chia Tay Hoạ sĩ-Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, 1940-2002, từ trái: Bià sau và trước, Mục lục và Chia buồn của bằng hữu.

Viết bài này, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Lê Thành Nhơn qua đời, tôi chỉ muốn làm cái việc thu gom, giới thiệu các tác phẩm của Lê Thành Nhơn mà tôi biết được, kể cả một số đã bị thất lạc, hoặc phá bỏ. Tất nhiên sẽ có nhiều thiếu sót, và bài này chỉ như một gợi ý cho các nghiên cứu tương lai.

Bức hình về một tác phẩm thực hiện trước 1975 của Lê Thành Nhơn, không thấy ghi tựa, kích thước và chất liệu; và ghi chú ở mặt sau hình, năm 1986.

Để kết thúc, tôi xin phép có một lời nhắn, tuy quá sức trễ, tới anh Lê Công Hải, là người được Nhơn giao mang bức tranh “Nước Tôi, Dân Tôi” của Nhơn qua Mỹ vào cuối thập niên 1970, và vì một lý do nào đó đã không liên lạc được với nhau để bàn giao. Xin anh Hải, nếu tình cờ đọc được những giòng này và còn giữ bức tranh đó, thì xin tìm cách giao lại cho gia đình Lê Thành Nhơn hiện ở Melbourne, Úc. Xin chân thành cám ơn.

[TD2022-10]

Vài links chọn lọc:

Lê Thành Nhơn 1940-2002
https://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=63

Mist of the Perfume River
https://vimeo.com/303614480

The Buddha Statue of Le Thanh Nhon
https://vimeo.com/376446120 

Art in the times of war,
by B. N. Goswamy
https://www.tribuneindia.com/2003/20030202/spectrum/art.htm 

Lê Thành Nhơn & Son Lê Trung Hưng – Bio & Works
https://www.austlit.edu.au/austlit/page/A89802?mainTabTemplate=agentWorksWorks 

The passing of Lê Thành Nhơn
http://www.safecom.org.au/association.htm