Trùng Dương: Tân Giáo hoàng Leo thứ 14 tiếp kiến báo giới, kêu gọi yểm trợ hòa bình

Vào ngày thứ năm sau khi đắc cử vào vai trò tối cao của Giáo hội La Mã, trước một cử tòa gồm cả ngàn đại diện của giới truyền thông, và dưới bức điêu khắc vĩ đại sôi nổi bằng đồng, “The Resurrection,” mô tả cảnh Chúa Giêsu sống lại vươn lên từ hố bom nguyên tử tại vườn Gethsemane của điêu khắc gia người Ý Pericle Fazzini tại sảnh đường Audience, tân Giáo hoàng Leo thứ 14 tái khẳng định lời kêu gọi hòa bình Ngài đã dùng để chào đón khối đông đảo con chiên trong quảng trường St. Peter vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. 

Đồng thời, Ngài kêu gọi báo chí cùng hợp tác trong công cuộc yểm trợ hòa bình,  tiếp tục đưa tin về các xung đột trên khắp thế giới, và tránh dùng ngôn từ gây chia rẽ.

“Quý vị đang đi tiên phong trong việc đưa tin về các cuộc xung đột và khát vọng hòa bình, về các tình huống bất công và nghèo đói, và về công việc thầm lặng của rất nhiều người đang đấu tranh để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn,” Đức Giáo hoàng Leo phát biểu. “Vì lý do này, tôi yêu cầu các bạn hãy lựa chọn một cách có ý thức và can đảm con đường truyền thông ủng hộ hòa bình.”

Đức Giáo hoàng Leo, người đã cảm ơn khán giả bằng tiếng Anh trước khi chuyển sang tiếng Ý, cũng đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với ít ra 550 nhà báo hiện bị giam giữ vì các bài viết của họ, và Ngài đã nhận được tràng pháo tay từ các đại diện truyền thông trong hội trường. Nhiều nhà báo có mặt đã đưa tin về cái chết và tang lễ của người tiền nhiệm của Đức Giáo hoàng Leo, là Đức Giáo hoàng Francis, về cuộc mật nghị bầu Đức Giáo hoàng Leo vào tuần trước và những ngày đầu tiên của ngài tại vị.

Bài diễn văn của tân Giáo hòang Leo phản ảnh sứ điệp của vị tiền nhiệm là Đức Giáo hoàng Francis, đó là yểm trợ tự do báo chí nhằm khuyến khích thông tin ngay thực giúp dẫn tới quyết định đúng đắn cho một thế giới hòa bình trong ổn định.“Chúng ta hãy loại bỏ mọi định kiến ​​và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù trong giao tiếp với nhau; chúng ta hãy giải phóng truyền thông khỏi giọng điệu hung hăng,” Đức Giáo hoàng Leo nói với hơn 1.000 nhà báo và chuyên viên truyền thông quy tụ trong hội trường. “Chúng ta không cần phải tuyên ngôn ồn ào, mạnh mẽ mà hãy nói trong cung cách có khả năng tạo sự lắng nghe,” ngài nói thêm, phát biểu bằng tiếng Ý và qua phần thông dịch của cơ quan truyền thông EWTN Global Catholic Network.

Ngài cũng đề cập tới nhu cầu của quần chúng cần được thông tin trung thực để họ có được những quyết định đúng đắn, và coi đó là “quà tặng quý báu của tự do ngôn luận và tự do báo chí vậy.” [Xem toàn bài diễn văn bằng Anh ngữ tại https://www.americamagazine.org/faith/2025/05/12/pope-leo-xiv-address-media-250657]

Đức Giáo hoàng Leo thứ 14 gặp gỡ với báo chí ngay sau khi được Hội đồng Hồng y bầu vào chức vị tối cao này không phải là điều mới mẻ. Nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc truyền thông ngay thực cũng không phải là điều khác thường. Tiếp xúc với báo giới và nhấn mạnh vai trò của báo chí là một truyền thống của các tân giáo hoàng. Năm vị giáo hoàng gần đây nhất đã tiếp kiến ​​giới truyền thông vào đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của họ. 

Khác chăng là bối cảnh bất ổn hiện nay, về cả chính trị lẫn kinh tế, đầy rẫy xung đột và cả khói lửa, chết chóc đó đây, như đang diễn ra tại Ukraine, Gaza, và nhiều nơi khác, khiến lời kêu gọi đối với giới truyền thông của vị tân giáo hoàng không chỉ là một nghi thức giao tế và có tính cách chiếu lệ. Mà đã khiến nhiều người không thể không lắng nghe, nếu không nói là nhìn nơi đó nhen nhúm một niềm tin, một tia hy vọng nào đó rất cần thiết, ngay cả đối với những người ngoại đạo.

Gọi sự xuất hiện của tân Giáo hoàng Leo thứ 14, người Mỹ đầu tiên trở thành giáo chủ của Giáo hội Thiên Chúa La Mã, là “đã diễn ra đúng lúc,” nhà báo David French viết trong bài bình luận trên báo The New York Time, như sau: 

“Tổng thống Trump không còn là người Mỹ quan trọng nhất thế giới nữa. Ông chắc chắn là người quyền lực nhất, ít nhất là trong ba năm nữa, nhưng quyền lực chỉ là một thước đo tầm quan trọng. Vào thứ năm [ngày 8 tháng 5], một người gốc Chicago và tốt nghiệp Đại học Villanova tên là Robert Prevost đã thay thế Trump. Ông trở thành giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, lấy tên là Leo thứ 14.”

Tự nhận mình không phải là người Catholic, nhà báo French tuy vậy đã từng nghiên cứu về cốt lõi của đạo Catholic. Ông tự nhận là chịu ảnh hưởng sâu xa bởi triết lý Catholic, đặc biệt là thuyết thần học giải phóng (liberation theology) hiện đại từ vài thập niên nay, nhấn mạnh vào việc cải thiện điều kiện vật chất của người nghèo và cô thế, một phần thông qua cải cách chính trị và kinh tế. 

Khuynh hướng bênh vực người cô thế, nghèo khó, giới di dân bị khinh rẻ và bị gạt ra ngoài lề xã hội này nhà báo French nhận thấy ở tân Giáo hoàng Leo, cũng như nơi vị tiền nhiệm là Đức Giáo hoàng Francis. Khuynh hướng tập trung vào người cô thế này của đạo Catholic đã tồn tại từ nhiều thế kỷ nay, song hiện đang bị Tổng thống Donald Trump và phe cánh kết buộc là theo xã hội chủ nghĩa, là cộng sản. Họ cho là đạo Thiên Chúa của họ (vốn chỉ bắt đầu tồn tại từ thời Hoa Kỳ Lập quốc và hiện bị chính trị hóa), của họ mới là chính thống, là đáng nâng lên hàng quốc giáo, như ông Trump đã từng tuyên bố trong dịp lễ Phục sinh vừa qua là sẽ “làm cho nước Mỹ ngoan đạo [Thiên Chúa] hơn bao giờ hết.” 

Và họ đã, theo trích dẫn của ông French, không ngần ngại vội vã mô tả tân Giáo hoàng Leo là khuynh tả, như tựa một bài viết trên tờ The Federalist của phe MAGA: “Hãy xem quan điểm cực tả của tân Giáo hoàng về vấn đề nhập cư, khí hậu, Covid và quan hệ chủng tộc.”

Theo nhà báo French, những quan điểm này không thể là thiên tả vì chúng hiện đã trở thành chính thống do việc đại đa số dân Mỹ và cả thế giới cùng chia sẻ các mối quan tâm về các vấn đề trên, đặc việt về khí hậu và môi trường. 

Sinh năm 1955 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ và lớn lên tại một thị trấn ở phía Nam của thành phố, Robert Francis Prevost, người nay là tân Giáo hoàng Leo thứ 14, trở thành tu sĩ của Dòng Thánh Augustine vào năm 1977 và được thụ phong linh mục vào năm 1982. Công việc phục vụ của ông bao gồm công tác truyền giáo rộng rãi ở Peru từ năm 1985 đến năm 1986 và từ năm 1988 đến năm 1998, nơi ông phục vụ với tư cách là cha xứ, viên chức giáo phận, giáo viên chủng viện và quản trị viên. Được bầu làm dòng chủ của Dòng Thánh Augustine từ năm 2001 đến năm 2013, sau đó ông trở về Peru với tư cách là Giám mục của Chiclayo từ năm 2015 đến năm 2023. 

Năm 2023, Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm ông làm tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, và phong ông làm hồng y cùng năm. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, ông được Mật nghị Hồng y bầu làm giáo hoàng, và chọn tên Leo thứ 14, sau vị Giáo hoàng Leo thứ 13, tại vị từ 1878 tới 1903 và được mệnh danh là Giáo hoàng xã hội (Social Pope) và Giáo hoàng của công nhân và là người đã tạo nền móng khai triển bộ giáo điều xã hội của Giáo hội Catholic La mã.

Tuy sinh trưởng tại Mỹ, tân Giáo hoàng Leo nói nhiều thứ tiếng, đặc biệt là Ý và Tây ban Nha (Spanish). Mặc dù nhiều người Mỹ, kể cả Tổng thống Trump, đã tỏ ý hãnh diện về việc ông sinh trưởng tại Mỹ và là vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ, Đức Giáo hoàng Leo không coi đó là một yếu tố đáng kể, và ít dùng tiếng Anh.

Theo nhiều quan sát viên, đường lối lãnh đạo của tân Giáo hoàng Leo có triển vọng là một quân bằng giữa truyền thống và cải cách, theo khuôn mẫu của vị tiền nhiệm Francis khi đối đầu với các vấn đề mới đầy thách thức. Có suy nghĩ và vững vàng là dự đoán của nhiều quan sát viên về phương cách lãnh đạo của vị tân giao chủ, nhằm duy trì sự đoàn kết của một giáo hội đang bị phân hóa đồng thời tiếp tục các chính sách bao gồm mọi giới tính của vị tiền nhiệm Francis. 

Được biết cũng vào ngày 12 tháng 5 khi ông tiếp kiến báo giới, tân Giáo hoàng Leo đã gọi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trước tất cả các viên chức quốc tế khác, nhằm hỗ trợ Ukraine trong việc tìm kiếm một hòa bình bền vững và hàng vạn trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc đem về nước sớm được hồi hương về đoàn tụ với gia đình. Sự kiện này gợi nhớ tới việc Đức Giáo hoàng John Paul II đã hỗ trợ phong trào Đoàn Kết của Ba Lan  độ nào, và đã dẫn đến sự xụp đổ của Liên bang Sô Viết sau đó, tiếp theo là sự tan rã của khối Cộng sản ở Đông Âu–Sự xụp đổ của Sô Viết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho là một sai lầm lớn. Biết đâu lịch sử lại có thể tái diễn. 

Trùng Dương 

[td2025/05]

——————

Chú thích:

Các tài liệu tham khảo:

Meeting of Pope Leo XIV With Media Representatives – 2025-05-12

Full text: Pope Leo XIV’s address to the media, May 12, 2025

The last 5 pontiffs have held audiences with the news media:

Trump Is No Longer the Most Important American

Pope Leo XIV speaks by phone with Ukraine’s President Zelensky

How Pope John Paul II contributed to the fall of Soviet communism