Trùng Dương: Trông vời quê mẹ…

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông vời quê mẹ ruột đau chín chiều
— Ca dao

“Hòn Vua,” bờ biển Nam Oregon (Ảnh Trùng Dương)

Tháng 10 vừa qua tôi có dịp thăm lại Hòn Vua trên bờ biển nam tiểu bang Oregon, cách biên giới với Cali khoảng 80 miles. Nếu định tìm xem Hòn Vua nằm ở đâu trên Google Search hay Google Earth, bạn sẽ không tìm thấy đâu. Vì địa danh đó chỉ nằm trong trí tưởng tượng của tôi và một nhóm thân hữu thôi.

Vào mùa hè cách đây trên 10 năm, khi tôi còn định cư ở thành phố nhỏ ven biển Bandon, Oregon, nhà văn Nguyễn Tường Thiết cùng vợ, chị Thái Vân, và nhà thơ Trần Mộng Tú và chồng, anh Frank, tới chơi một tuần. Tôi dẫn các bạn tới thăm Hòn Vua lúc ấy chưa có tên này mà chỉ là một hòn đá vô danh. Khi tôi chỉ cho các bạn xem và nói cảm tưởng của tôi về hòn đá có dáng giống như một ông quan An Nam ngồi lặng lẽ ngóng ra biển trông về quê mẹ bên kia bờ Thái Bình. Anh Thiết ngắm hòn đá một lúc, bèn đặt tên cho hòn đá là Hòn Vua. Trần Mộng Tú đứng bên hóng chuyện, lặng nhìn hòn đá một lúc, rồi buột miệng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều…

Tôi ngẫm nghĩ về cái tên Hòn Vua của anh Thiết, thấy hay hay. Tôi thả óc tưởng tượng của mình đi xa hơn, hình dung tới những vị vua An Nam thời nhà Nguyễn đã bị chính quyền bảo hộ bắt đầy ra ngoại quốc vì tội chống Pháp. Đã hẳn không thiếu những vị vua, quan, công chúa của ta, và cả dân thường hoặc bị bắt bớ, bị gả bán hoặc đem đi cống và đã từng rơi vào cảnh “nước non ngàn dặm ra đi.” Nhưng ít ra những nhân vật của lịch sử đó cùng lắm cũng chỉ đi tới Trung Quốc hay nước Chiêm Thành cùng ở một phía quả địa cầu, là cùng. Hình như chưa có ai trước đó bị đưa đi xa tít mù khơi tới bên kia qua địa cầu, như các vua nhà Nguyễn can “tội” chống Pháp và bị đầy đi biệt xứ. [Tôi vẫn nghĩ, trước việc xin lỗi dân bộ lạc của các vị lãnh đạo quốc gia và tôn giáo về chủ trương diệt chủng và diệt văn hóa của người bộ lạc từ đôi chục năm nay, Pháp cần phải xin lỗi dân tộc Việt Nam. Cũng vậy là người Việt chúng ta cần xin lỗi dân Chàm. Tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác.]

Những ông vua này gồm có vua Hàm Nghi, khởi nghĩa thất bại năm 1888 và năm sau đó bị đầy đi “an trí” ở Algerie; và hai cha con vua Thành Thái và vua Duy Tân, chống Pháp, kẻ trước (1907) người sau (1916), bị bắt và cùng bị đầy ra đảo Reunion, một thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương, vào năm 1916, trên cùng một chuyến tầu.

Mỗi lần nhìn Hòn Vua, tôi thường nghĩ về ba ông vua nhà Nguyễn bị đầy biệt xứ và đặc biệt về đời sống của các ông trong những năm tháng lưu đầy. Đứng bên bờ biển nhìn Hòn Vua, tôi nghe những câu hỏi lởn vởn trong đầu. Các ông đã cảm thấy ra sao khi bước chân xuống thuyền một ra đi không hy vọng có ngày về lại quê cha đất tổ? Chắc cũng tan tác, chết lặng đến trở thành vô cảm, như tôi và bao người tị nạn cộng sản gần nửa thế kỷ trước, mặc dù sự ra đi của người Việt tị nạn là do chọn lựa, một hành động tự do, và do đấy có tính cách chủ động, đòi hỏi nhiều nghị lực, can đảm, quyết tâm và cả… hãi sợ đối với chủ nghĩa cộng sản tàn bạo, phi nhân. Những năm tháng đầu đời lưu vong của các ông vua này và các thân nhân, cận vệ đã cùng đi với các ông ra sao? Những năm tháng kế đó họ đã sống ra sao? bằng lợi tức nào? đã làm những gì? đã cảm thấy thế nào? đã ước vọng những gì? đã khắc khoải ra sao? Và… đã ăn uống thế nào — tôi tẩn mẩn hỏi không biết họ có… nước mắm và gạo không (hai món tối cần cho cái bụng đã quen với đồ ăn Việt)? Nơi họ sống ra sao? Dân tình nơi đó đối với họ thế nào? Nhà cửa họ thế nào? Hàng xóm ra sao? Con cái thế nào?

Cũng trong lúc sưu tầm tài liệu, tôi được biết vào giữa năm 2008 ở Việt Nam có một nhóm bắt đầu thực hiện một bộ phim ký sự lịch sử, tựa là “Đi tìm dấu tích ba vua lưu đầy” gồm 60 bộ, để chiếu trên truyền hình. Được biết đoàn quay phim, dưới sự điều khiển của nhà văn và viết truyện phim Nguyễn Hồ, đã tiếp xúc với nhiều người có liên hệ gần xa tới ba vua, kể cả đi tới gặp gỡ những người thân quen của các vua ở Pháp, và thu thập được nhiều tài liệu lịch sử mà nếu không nhờ dự án làm phim này, có lẽ sẽ mãi mãi được chôn kín đâu đó vì người giữ chúng sợ thất thoát, mai một. Như trường hợp những người dân làng Phú Gia ở Hà Tĩnh đã luân phiên giữ gìn nguyên vẹn các kỷ vật của Vua Hàm Nghi suốt trên 120 năm trời. Những bảo vật này gồm có long bào, kiếm báu, voi vàng và một số đồ ngự dụng mà vua Hàm Nghi khi về vùng này lập căn cứ chống Pháp và ban hịch Cần Vương vào năm 1885 đã ban tặng cho dân làng này, và đã được dân làng giữ gìn bảo vệ, có lẽ còn hơn cả mạng sống của chính họ, qua bao nhiêu biến đổi, tàn phá của thời cuộc. 

Sau đây là tóm lược những gì tôi sưu tầm được về ba vua nhà Nguyễn bị lưu đầy để, trước hết là thỏa mãn những thắc mắc của mình, và sau là chia sẻ với độc giả.

Vua Hàm Nghi (1871-1940): Nước Việt mất một vị vua, giới nghệ thuật được một họa sĩ

Được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi năm 1884 — năm Pháp hoàn tất cuộc thôn tính toàn cõi Việt Nam — lúc mới 13 tuổi, Vua Hàm Nghi (tên Nguyễn Phúc Ưng Lịch) trở thành vị vua thứ tám của nhà Nguyễn. Sau vụ phản công thất bại tại kinh thành Huế vào năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua ra khỏi thành và phát hịch Cần Vương chống lại sự cai trị của người Pháp. Phong trào kéo dài được ba năm, đến năm 1888 thì nhà vua bị bắt, các cận vệ của ông trong đó có Tôn Thất Thuyết phải lánh nạn sang Trung Hoa rồi chết bên đó (theo sử gia Trần Trọng Kim), hoặc bị tù đầy, như ông Nguyễn Văn Tường bị đầy ra Côn Đảo, rồi Tahiti ở nam Thái Bình Dương và chết ở đó (theo lời của người cháu gọi ông bằng cụ cố, Giáo sư Nguyễn Quốc Trị, hiện sống tại Hoa Kỳ). Riêng nhà vua thì bị Pháp đưa đi an trí ở Alger, Algerie, thuộc Bắc Phi, vào cuối năm 1888, khi vừa chớm 18 tuổi.

Lúc đầu, ông không chịu học tiếng Pháp, cho đó là ngôn ngữ của kẻ xâm lược, và vẫn mặc quốc phục khăn đóng áo dài. Nhưng sau nhận thấy người Pháp ở Algerie, đặc biệt gia đình Toàn quyền Tirman của Algerie, đối xử với ông tử tế và thân thiện, ông bắt đầu học tiếng Pháp. Trong vài ba năm, ông đã nói và viết thông thạo tiếng Pháp. Một số bài viết cho thấy ông yêu thích nghệ thuật, đã từng được phép sang Paris vào năm 1899 và viếng phòng triển lãm của hoạ sĩ nổi tiếng Paul Gauguin. Hàm Nghi cũng đã từng vẽ tranh, được biết ông chịu ảnh hưởng nhiều của Gauguin; và đã từng có dịp theo học nặn tượng với điêu khắc gia Auguste Rodin.

Năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi làm lễ thành hôn với cô Marcelle Laloe (1884-1974), con gái của ông chánh toà Thượng thẩm Alger. Đám cưới của hai người là một biến cố văn hóa đặc biệt của thủ đô Alger. Ngoài sự kiện con gái của ông chánh toà thành hôn với một vị cựu hoàng người Việt lưu vong từ một mảnh đất mà có lẽ hồi ấy chẳng ai biết ở đâu, còn là việc chú rể mặc sắc phục Việt với khăn đóng áo dài, bên cạnh cô dâu trong bộ đồ cưới mầu trắng tây phương, đã hẳn là hết sức ngoạn mục. Hai ông bà sinh hạ được ba người con: Công chúa Như Mai (1905-1999), Công chúa Như Lý (1908-2005), và Hoàng tử Minh Đức (1910-1990). Vào ngày 4 tháng 1, 1944, cựu hoàng Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dầy, và được chôn cất tại Sarlat, trong vùng Aquitaine bên Pháp.

Trái, chân dung vua Hàm Nghi, không rõ năm. Phải, đám cưới cựu hoàng Hàm Nghi-Ưng Lịch và cô Marcelle Laloe, con ông chánh toà Thượng thẩm Alger, năm 1904. (Ảnh Wikipedia.org)

Cựu hoàng Hàm Nghi trước giá vẽ, trái. Và bức tranh “Chiều tà” của ông được bán đấu giá tại Pháp năm 2022. (Ảnh tư liệu của Tiến sĩ Amandine Dabat, cháu năm đời của cựu hoàng)

Trái, cựu hoàng Hàm Nghi- Ưng Lịch giữa những tượng điêu khắc tại Pháp, 1935. Phải, mộ cựu hoàng Hàm Nghi tại Sarlat, Pháp. (Ảnh Wikipedia.org)

Hậu duệ của Vua Hàm Nghi, cô Amandine Dabat, cháu năm đời của cựu hoàng, vào đầu thế kỷ 21, khi khám phá ra mình là con cháu hoàng gia, bèn đi tìm hiểu nguồn cội của mình. Kết quả là một luận án tiến sỹ nghiên cứu về cuộc đời và hội hoạ của Vua Hàm Nghi. Điều đặc biệt là cô cũng tìm ra trên một trăm tác phẩm của cựu hoàng. Vào mùa xuân năm 2022, cô đã thực hiện một cuộc triển lãm 150 tác phẩm của nhà vua tại Paris. Xin xem tường trình của BBC và phim ngắn nghe cô Dabat kể về hành trình đi tìm nguồn cội của mình tại https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cl51vle8n3jo

Bích chương triển lãm 150 tác phẩm của Vua Hàm Nghi tại Pháp năm 2022. Phải, Amandine Dabat, nghiên cứu sinh người Pháp chuyên ngành lịch sử nghệ thuật Việt Nam và là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Vua Thành Thái (1879 – 1954): Thiếu thốn vất vả trong cuộc sống lưu vong

Vua Thành Thái (Nguyễn Phúc Bửu Lâm) là vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn, lên ngôi vào năm 1889, khi mới lên 10, và tại vì cho tới năm 1907. Ông có tinh thần chống Pháp, nhưng không bảo thủ. Khác với các vì vua trước, ông học tiếng Pháp bên cạnh Hán văn, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi và làm quen với vǎn minh phương Tây. Ông cũng thường xuyên đi vi hành trong dân chúng, mang theo cả các bà cung phi, và dân chúng không bị bắt cúi đầu tránh nhìn thấy mặt vua, một hành động xưa bị coi là phạm thượng. Ông thích nghiên cứu các loại vũ khí, đọc các tân thư của Trung Quốc và Nhật Bản, thầm nhuần tinh thần cải cách và có đầu óc tự cường. Ông khinh thường bọn quan lại xu nịnh, và có những hành động không mấy phục tòng người Pháp, nên không được phía Pháp ưa, tìm cách triệt hạ ông.

Vào ngày 29 tháng 7, 1907, vì không chịu phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Pháp là Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, ông bị Lévêque tuyên bố truất quyền và bị quản thúc trong Đại nội. Khi ông từ chối tự nguyện thoái vị, theo thỉnh cầu của triều thần dưới áp lực của Pháp, ông bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tầu). Năm 1916, ông cùng với con trai là Vua Duy Tân bị đầy ra đảo Réunion, một hòn đảo nhỏ nằm trong Ấn Độ Dương, nay vẫn thuộc về Pháp, cách 700 km phía đông của Madagascar và cách Mauritius 200 km về phía tây nam.

Khác với vua Hàm Nghi có một đời sống vật chất tương đối đầy đủ, một phần có lẽ cũng nhờ địa phương nơi cựu hoàng bị lưu đầy là thủ đô Alger có nhiều cơ hội kinh tế hơn và vì ông còn trẻ nên dễ thích nghi hơn, trong khi cựu hoàng Thành Thái và gia đình sống khá chật vật trên đảo Réunion. Theo Wikipedia ấn bản tiếng Việt, thì “[Ô]ng cùng gia đình thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion. Thành Thái và Hoàng phi Chí Lạc dạy các con tiếng Việt và cả những nhạc cụ dân tộc như đàn cò, sáo … Ông tự phân công cho tất cả những người con từ nhỏ đến lớn đảm nhận công việc trong gia đình. Các công chúa phụ mẹ việc bếp núc, làm vườn. Các hoàng tử người làm cận vệ cho Thành Thái, người đảm nhận lo phân trầu cau, điểm tâm sáng, người phụ dọn dẹp nhà cửa… […] Già cả ốm đau, con cái nheo nhóc, ông hoàng Bửu Lân nhiều lần bị chủ nhà đòi tiền thuê nhà, chủ nợ đòi nợ. Năm 1925, vua Khải Định biết tình cảnh ông, đã trích ngân sách gửi sang cho ông 1.000 đồng, rồi sau thỉnh thoảng lại cho tiền. Sau khi Khải Định mất, không còn khoản tiền đó nữa, nên ngày 21 tháng 9 năm 1935, Bửu Lân phải viết thư gửi vua Bảo Đại, xin nhà nước Bảo hộ Pháp cho một khoản tiền để mua nhà, ‘hễ hết đời’ ông thì nhà nước sẽ thu lại.”

Vào tháng 5 năm 1945, cũng theo Wikipedia, nhờ sự vận động của con gái và con rể, tức luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna, nơi ông đã bị quản thúc trước khi bị đầy đi biệt xứ, tại Cap Saint Jacques, tức Vũng Tầu. Năm 1953, ông được phép về thăm quê ở Huế lần đầu và cũng là lần cuối. Ông qua đời vào ngày 24 tháng 3, 1954, thọ 75 tuổi, và được chôn cất tại Huế.

Trái, Vua Thành Thái, 1889-1907. Giữa, với Vua Bảo Đại, Saigon? (1953?). Và phải, cựu hoàng Thành Thái về thăm Huế lần chót, 1953. (Ảnh Wikipedia.org và Internet)

Vua Duy Tân (1900 – 1945): Bất khuất, độc lập, chốn lưu đầy ghi ơn ông

Sau khi vua cha bị Pháp đưa đi an trí ở Cap Saint Jacques, Nguyễn Phúc Vĩnh San, con thứ năm của Thành Thái, được đưa lên ngôi vào năm 1907, lúc mới 7 tuổi, lấy hiệu là Duy Tân, trở thành ông vua thứ 11 của triều Nguyễn. Trông bề ngoài có vẻ nhút nhát, ngờ nghệch, nhưng ông thông minh, chịu khó học hỏi, có lòng thương dân và tinh thần cầu tiến. 

Theo một tài liệu thì năm 1908 khi xẩy ra vụ dân Trung Kỳ biểu tình chống thuế, Duy Tân, tuy mới 8 tuổi, đã xin đóng góp 300 đồng trong số lương 500 đồng của ông, để giúp dân nghèo. Năm 13 tuổi, theo một tài liệu, Duy Tân đòi duyệt lại Hiệp ước Patenôtre ký năm 1884 đã đặt Vương quốc An Nam dưới sự cai trị của người Pháp, nhưng bất thành. 

Tháng Tư năm 1916, ông bí mật tiếp xúc với nhóm Việt Nam Quang Phục Hội do hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo, dự tính khởi nghĩa chống Pháp. Việc không thành, hai ông Vân và Phiên bị bắt và bị xử chặt đầu. Còn Duy Tân bị bắt và bị đầy biệt xứ cùng với cha là Vua Thành Thái ra đảo Reunion, lúc ấy ông mới 16 tuổi. Theo một cuốn sách mới xuất bản ở Việt Nam năm nay, “Khởi nghĩa Vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” do Lưu Anh Rô và Nguyễn Trương Đàn sưu tầm và biên soạn, thì ngoài hai ông Vân và Phiên, danh sách bị xử trảm còn có hai vị nữa, là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu (Đội Siêu), là hai người đã nối kết với nhà vua cho hai ông Vân và Phiên.

Ảnh chụp vua Duy Tân năm 1907. Bức hoành sau lưng ghi bốn chữ “Tiên cấm trường xuân,” có ý chúc nhà vua trường tồn trên ngôi. Chưa đầy 10 năm sau, Vua Duy Tân bị Pháp đầy ra dảo Reunion vì lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho đất nước. (Ảnh trích “Khởi Nghĩa Vua Duy Tân,” nhà xuất bản Đà Nẵng, 2023)

Tại đảo Reunion, vì bất đồng với cha, ông dọn ra ở riêng. Duy Tân học tiếng Pháp, tiếng Anh và kỹ thuật vô tuyến điện, sống một cuộc sống tự lập bằng việc mở tiệm Radio Laboratoire bán, sửa và lắp ráp máy thu thanh. Ông còn viết văn, làm thơ đăng trên các báo Pháp như Le Peuple, Le Progrès, và đoạt giải nhì (có tài liệu nói là giải nhất) văn chương của Viện Hàn Lâm Khoa học và Văn chương của đảo Réunion năm 1924, với bài luận “Variations sur une lyre brisée” (Những biến tấu của một cây đàn lyre đổ vỡ). Ông cũng còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, văn hoá và đòi hỏi nhân quyền. Tháng 6 năm 1940, đáp lời kêu gọi chống Đức Quốc Xã của Tuớng Charles de Gaulle, ông tham gia kháng chiến với lực lượng Pháp, chuyên trách về kỹ thuật vô tuyến. Trong thời gian này, ông vẫn sinh sống ở đảo Réunion mặc dù đã mấy lần xin sang Pháp nhưng không được chấp thuận. Nhờ khả năng về kỹ thuật vô tuyến của ông mà dân đảo biết được những tin tức các nơi về cuộc chiến chống Đức Quốc Xã lúc bấy giờ.

Tháng 6 năm 1945 ông tới được đất Pháp, và có dịp tiếp xúc với Tướng de Gaulle. Tháng 10 cùng năm, de Gaulle ký sắc lệnh hợp thức hóa việc Duy Tân phục vụ trong quân đội Pháp và các quân hàm ông đã nhận lãnh, từ thiếu úy, trung úy, đại úy và cuối cùng thiếu tá. 

Cuối năm ấy, theo hồi ký của de Gaulle, thì ông có ý định bàn với cựu hoàng về một sự hợp tác nào đó sau khi Vua Bảo Đại đã chính thức thoái vị. Theo một người bạn thân của Duy Tân, E.P Thébault, trong bài “Destin tragique d’un Empereur d’Annam: Vĩnh San – Duy Tân” đăng trong tạp chí Revue France-Asie năm 1970, và Linh mục Cao Văn Luận cũng nhắc lại trong cuốn hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử, 1940-1965”, thì Duy Tân rất tha thiết muốn về góp phần giúp quê hương mặc dù đã gần 40 năm sống biệt xứ. Riêng về Duy Tân, tác giả Hoàng Trọng Thược có soạn một cuốn sách với khá nhiều tài liệu, “Hồ sơ Vua Duy Tân”, do nhà Thanh Hương xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1984. 

Ngày 25 tháng 12, 1945, Duy Tân, trên đường trở lại đảo Réunion, bị tử nạn khi chiếc máy bay Lockheed C-60 chở ông bị rớt ở gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hoà Trung Phi (Central African Republic). Phi hành đoàn gồm một thiếu tá hoa tiêu, hai trung úy phụ tá, và hai quân nhân, trong đó có Duy Tân, cùng với bốn thường dân nữa đều bị thiệt mạng. Tất nhiên có nhiều nghi vấn, và có lẽ sẽ không bao giờ có giảỉ đáp, xung quanh tai nạn máy bay này.

Trái, cựu hoàng Duy Tân-Vĩnh San nghe phát thanh ở nhà riêng ở Saint-Denis, Réunion, không rõ năm. Giữa, với các bạn. Và phải, Duy Tân trong quân phục Pháp. (Ảnh Wikipedia.org)

Vào tháng 4, 1987, các con vua Duy Tân (có với hai người phụ nữ Pháp mà ông đã từng sống chung không hôn thú, vì bà vợ Việt, cựu hoàng phi Mai thị Vàng, theo ông sang đảo Réunion sống được hai năm rồi xin về quê sống vì không hạp phong thổ, nhưng không chịu ly hôn), qua sự giúp đỡ của chính phủ Pháp phối hợp với phía Việt Nam, đã đưa di hài của ông về Việt Nam, an táng bên cạnh vua cha Thành Thái, tại Huế.

Người dân đảo Reunion không quên vị vua lưu vong đã giúp tô điểm cho dời sống hải đảo của họ và còn tiếp tay đắc lực trong công cuộc chống lại quân đội xâm lăng Đức Quốc Xã thời Đệ nhị Thế chiến. Họ đã đặt tên cho cây cầu bên dưới là Pont Vinh San để tưởng niện vị hoàng đế lưu vong.

Năm 1992, Reunion khánh thành cây cầu dài 256m mang tên Pont Vính San, tại Saint-Denis, Réunion, để tưởng niệm ông hoàng lưu vong. (Ảnh https://structurae.net/en/media/73048-saint-denis-pont-vinh-san)

Saint-Denis and the Vinh-San bridge (Reunion), wikicommons

***

Thời gian sống ở Bandon, tôi thường xuyên ra thăm Hòn Vua của chúng tôi. Sau này khi đã dọn khỏi nơi đây, tôi cũng thường ghé thăm Bandon khi có dịp. Ngoài việc ghé thăm nơi mẹ con tôi rải tro người chồng/cha qua đời ở Bandon đã hai thập niên nay, và đã khiến tôi dọn về đây ở một thời gian, tôi cũng thường ghé thăm Hòn Vua, ghé thăm lại kỷ niệm với các bạn mình nữa. Và đặc biệt thích thú với sự riêng tư lịch sử đó của chúng tôi.

Chiều tà bên Hòn Vua; Hòn Vua trong sương mù; và Hòn Vua trong ngày hội Circles in the Sand, Bandon, Ỏ. (Ảnh Trùng Dương)

[TD2-23-10]

.