Trương Nhân Tuấn: Hôm nay ngày 5/8 Campuchia khởi công công trình kinh đào Phù Nam Techo
Hôm nay 5 tháng 8 năm 2024, nếu không có gì thay đổi vào phút chót, cha con ông Hun Sen sẽ khai trương công trình kinh đào Phù nam – Techo. Ý kiến của cá nhân tôi là công trình này nếu hoàn thành sẽ “gây hại” cho Việt Nam về nhiều mặt.
Kinh đào Phù Nam không đơn thuần là con kinh sử dụng cho giao thông, như tuyên bố của thủ tướng Hun Manet. Nếu chỉ sử dụng cho giao thông, con kinh chỉ cần một lượng nước 5 mét khối nước trong một giây là đủ. Con số này là dữ kiện duy nhứt mà phía Campuchia đã thông báo cho Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công.
Nhưng trong các văn bản, hay các tuyên bố của thủ tướng Hun Manet qua các dịp tiếp xúc báo chí nói về con kinh, ông này có nhắc đến các dự án về thủy lợi, về nuôi trồng thủy sản, về mở mang địa ốc… ở các khu vực mà con kinh đi qua. Tức mục đích của con kinh là “đa năng”, vừa giao thông, vừa dẫn thủy nhập điền, vừa mở mang đô thị, vừa tiêu tưới các vùng đất cao và khô…
Tức là con kinh sẽ cần một lượng nước nhiều hơn số liệu ban đầu 5m3/giây. Con số nước cần dùng cho các dựa án này là bao nhiêu?
Phía Campuchia đã “im lặng” trước những lần yêu cầu chính đáng của Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp dữ kiện.
Theo ước tính của tôi, vào mùa khô, với sức tiêu thụ nước của con kinh lên tới cả ngàn mét khối nước một giây. Chuyện này xảy ra thì những nhánh sông Cửu Long chảy ở Việt Nam sẽ cạn.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một mặt bị ngập mặn do nước biển dâng cao và hạn hán thường xuyên do hệ quả của địa cầu bị hâm nóng. Mặt khác thiếu nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long. Điều này sẽ làm cho mọi hệ sinh thái, từ con người đến đồng ruộng, chim chóc trên bờ và cá tôm dưới nước… bị đảo lộn. Theo ước tính của tôi sẽ có hàng chục triệu người dân thuộc Đồng bằng sông Cửu Long do mất môi trường sống sẽ phải di cư qua những vùng đất khác. Điều này hiển nhiên tạo ra một xáo trộn kinh tế, xã hội cực kỳ lớn cho Việt Nam.
Về nguy cơ địa chính trị. Khi công trình được ra mắt trước công chúng, năm 2023, con kinh đào thuộc dự án “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc . Điều này dấy lên làn sóng phản đối trong nội địa của Campuchia, cũng như tạo ra những lo ngại từ phía Mỹ và Việt Nam. Cảng Ream của Campuchia đã thấy hiện diện tàu chiến của Trung Quốc. Nay thêm con kinh đào thuộc dự án Vành đai – Con đường. Là gì nếu không phải Campuchia trở thành một trọng điểm vừa kinh tế vừa quốc phòng của Trung Quốc?
Để “hạ hỏa” dư luận, phía Campuchia phân trần rằng con kinh sẽ được thực hiện do vốn đầu tư nước ngoài, theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao). Chủ đầu tư là Công ty Cầu đường của Trung Quốc, với ngân sách ban đầu 1,7 tỉ đô la. Thời gian khai thác là 50 năm (có thể lên tới 70 năm).
Việc này tôi có phân tích trong một bài viết gần đây rằng hệ quả của đầu tư kiểu BOT sẽ lầm cho Campuchia “mất chủ quyền” của con kinh về tay Trung Quốc, trong vòng 50 năm (hay 70 năm). Không chỉ “mất chủ quyền” ở con kinh, mà tình trạng tương tự (BOT) đã xảy ra ở các công trình như các phi trương hay các hệ thống đường cao tốc. Tức là trong một thời gian 50 năm, toàn bộ hạ tầng cơ sở của Campuchia sẽ do người Trung Quốc quản lý. Liên quan kinh đào Phù Nam, Campuchia đất rộng dân thưa thớt. Con kinh này sẽ giúp cho hàng chục triệu héc ta đất hoang trở thành đất canh tác. Và Trung Quốc có thể đưa vài triệu người, thậm chí vài chục triệu người đế khai thác vùng đất mới này.
Mới đây dự án kinh đào lại được điều chỉnh rằng Campuchia sẽ góp vốn 51% vào ngân sách. Tức là Campuchia không “mất chủ quyền” ở con kinh đào này.
Ta thấy trong vòng không tới một năm mà phía Campuchia đã 3 lần thay đổi hồ sơ: từ việc trực thuộc dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc, chuyển qua đầu tư BOT do Trung Quốc đầu tư, nay trở thành vốn “hợp doanh”, Campuchia nắm 51%.
Đào một con kinh tầm quốc gia mà cha con Hun Sen và Hun Manet thay đổi “plan” như chuyện xây một cái chòi chăn vịt.
Nhưng đó là chuyện của dân Cammpuchia. Họ không lo thì mắc mớ gì mình phải lo?
Chuyện cần nói là những tác hại trực tiếp và tiềm ẩn của việc đào kinh lên sự ổn định xã hội và an ninh quốc gia của Việt Nam.
Như đã nói, Campucha vịn lý do Việt Nam, Lào và Thái Lan đã vi phạm Hiệp định Mê Công 1995 do đã xây trái luật hàng trăm con đập. Hiệp định này coi như không còn hiệu lực. Chuyện đào kinh của Campuchia sẽ không bị Hiệp định này ràng buộc. Thì Việt Nam vẫn còn hai Công ước quốc tế (Công ước Hensinski 1992 và Công ước của LHQ về sử dụng Nước 1997). Nguyên tắc nền tảng của các Công ước này về việc sử dụng những nguồn nước, những con sông quốc tế luôn là: không được gây hại cho quốc gia khác.
Theo tôi, Việt Nam cần nhanh chóng phác họa những mất mát của mình gây ra do con kinh đào, nếu con kinh đi vào hoạt động.
Việc xây những con đập thủy điện trên các hợp lưu, hay trên dòng chính sông Mê Công ở Lào (hay Thái) chỉ có mục đích “xả nước lấy điện” chớ không có mục đích “chuyển nước sang nơi khác” như con kinh Phù Nam. Tức là sự hiện hữu những con đập thủy điện không làm tác hại (do thiếu nước) đến Campuchia hay Việt Nam, những quốc gia hạ nguồn. Nhưng mục đích của con kinh Phù Nam thì rõ rệt: nó chuyển nước sông Cửu Long sang một hệ thống khác.
Hành vi im lặng của Campuchia trước các yêu cầu của Việt Nam về việc cung cấp dữ kiện, do nại việc vô hiệu lực của Hiệp định Mê công 1995, là không có nền tảng pháp lý. Sự trì trệ của Campuchia trước nghĩa vụ phải cung cấp dữ kiện cho Việt Nam sẽ là một lợi thế cho Việt Nam, nếu Việt Nam đưa chuyện này ra trước một trọng tài quốc tế để phân giải.
Theo tôi, như những bài viết trước, Việt Nam cần phải cho các nhà đầu tư thấy là họ không có lợi trong dự án đào kinh.
Về kinh tế, Việt Nam có thể hạ giá thông lưu cho thuyền bè từ Nam Vang qua sông Tiền Giang rồi ra biển. Tức là con kinh Phù Nam không thể cạnh tranh với Việt Nam.
Mặt khác Việt Nam cũng cần cho nhà đầu tư dự án kinh đào biết rằng dự án này có thể bị dẹp bất kỳ lúc nào. Nếu Việt Nam đi kiện thì Việt Nam có đến 90% thắng kiện. Dự án hoàn thành thì chủ đầu tư mất vốn càng nhiều.
Ngay cả khi Việt Nam kiện tòa Công lý quốc tế, ngay bây giờ, để yêu cầu Tòa ra một “biện pháp phòng ngừa – mesure conservatoire”. Tòa có thể xứ sớm vụ này trong vài ba tháng. Ngay cả khi Việt Nam chỉ đưa ra những con số dự phòng về thiệt hại không thể kiểm chứng, thì sự lập lờ của Campuchia, như về ngân sách và về chủ đầu tư, cũng như việc không cung cấp dữ kiện mà Campuchia có nghĩa vụ phải cung cấp cho Việt Nam. Chắc chắn Việt Nam sẽ thắng và Tòa sẽ ra yêu cầu đúng như ý muốn của Việt Nam: ngừng việc đào kinh.
Ngừng lại trong lúc này, chủ đầu tư chỉ tốn tiền lặt vặt. Ngừng sau 2 năm, chủ đầu tư mất vài trăm triệu. Ngừng sau khi hoàn tất, chủ đầu tư mất vài tỉ đô la.
Cách nào cũng phải ngừng, tại sao phải chần chờ?