Trương Nhân Tuấn: Việt Nam xây 2 tuyến đường xe lửa cao tốc nối Hà Nội với Trung Quốc, có lợi hay không?

Ảnh minh họa: Xe lửa cao tốc ở Đức.

Đọc VOA thấy Việt Nam có quyết định xây hai đường xe lửa cao tốc, trước năm 2030. Một nối Lào cai – Hà nội đến Hải phòng. Hai là nối Lạng sơn – Hà nội đến Hải phòng. 

Hơn trăm năm trước Toàn quyền Paul Doumer cũng đã xây dựng hai đường xe lửa, trên cùng tuyến hành trình. Một từ Vân nam phủ (Côn minh) qua Lào cai – Hà nội đến Hải phòng. Hai từ Bằng tường, qua Lạng sơn đến Hà nội và Hải phòng. Vị toàn quyền này hy vọng rằng từ nay nước Pháp sẽ “hốt bạc”. Hai tuyến xe lửa này sẽ nâng tầm Hải phòng lên ngang hàng Hong Kong, nhờ thông thương giữa Vân Nam phủ và Nam ninh phủ (với Hải phòng). Ngoài cây cầu sắt nổi tiếng hàng đầu thế giới thời đó, tên gọi cầu Paul Doumer, nay gọi là Long Biên, bắt qua sông Hồng được xây dựng. Còn có nhiều cây cầu rất ngoạn mục bắt qua các thung lũng sâu, hay các đường hầm thông núi dài, trên lãnh thổ Vân nam (Trung Quốc). 

Kết cuộc ra sao? Hiển nhiên ai cũng biết là chỉ có phía Trung Quốc được lợi. Hàng hóa từ các tỉnh lục địa Trung Quốc tuồng qua Hà nội – Hải phòng rồi trực chỉ Hong Kong. Tức là Hà nội, Hải phòng chỉ đóng vai “trung chuyển” mà thôi. Hong Kong nhờ hai tuyến đường sắt này ngày càng thêm phát triển. 

Công trình xây dựng hai đường Lào Cai-Hà nội-Hải phòng và Đồng đăng-Hà nội-Hải phòng thuộc dự án “hai hành lang một vành đai” của Việt Nam và Trung Quốc từ 20 năm nay. 

Câu hỏi (trị giá hàng tỉ đô la) đặt ra là Việt Nam có lợi hay không?

Các tỉnh Lào cai, Lạng sơn, Hà Nội… có bao nhiêu du khách, có bao nhiêu hàng hóa… đi Hải phòng?

Đã có đường cao tốc Lào cai – Hà nội – Hải phòng và Lạng sơn – Hà nội. Việt Nam có nhu cầu gì để xây dựng đường sắt cao tốc ở hai khu vực này?

Theo tôi Việt Nam không có lợi. Ngân sách quốc gia dành cho hai dự án này phải tính đến con số hàng chục tỉ đô la. Trong khi hạ tầng cơ sở miền Trung, miền Nam Việt Nam thiếu thốn rất nhiều. Từ đường xá, cầu cống cho tới điện, nước v.v… 

Điều Việt Nam cần hiện nay là đường cao tốc Bắc-Nam, cảng Cần giờ, cảng Đà nẵng, phi trường Long thành, các nhà máy điện khí v.v… 

Không thấy các học giả, tiến sĩ nói về “tính chiến lược” và lợi ích nào cho Việt Nam trong dự án này! 

Theo tôi, Trung Quốc rất muốn xây dựng lại con đường sắt mà ngày xưa Pháp đã xây dựng. Do “chiến lược” cũng như do lợi ích kinh tế. Dự án này bị “đông lạnh” từ 3 thập niên. 

Ý kiến của cá nhân tôi là Việt Nam không thể bỏ tiền ra phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Ngay cả khi con đường này xây dựng trên đất nước Việt Nam. Bởi vì mọi lợi lộc về kinh tế và chiến lược đều nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. 

Việt Nam chỉ có thể đồng thuận về dự án này, chỉ khi Việt Nam  toàn quyền sở hữu đường sắt sau khi hoàn tất, và dĩ nhiên cùng một số điều kiện khác. Đó là Việt Nam  có quyền đánh thuế trên số du khách Trung Quốc cũng như trên lượng hàng hóa của Trung Quốc mỗi khi “quá cảnh” qua Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn