Truyện bộ ba (trilogy) của Ngự Thuyết: Một thời hoang dã (2)

Nó rán sức bước từng bước một. Khó khăn vô cùng. Người bạn đồng đội trên vai nó bỗng quẫy nhẹ, nó lảo đảo muốn ngã nhưng hai tay vẫn cố nắm chặt vai áo của bạn. Máu từ vết thương, từ vai áo ấy chảy ri rỉ từng hồi xuống hai cùi chỏ của nó, rồi nhỏ giọt xuống đường đi. Mưa lớn. Tóc nó dính nhớp nháp vào tai, vào mắt. Qua màn mưa, hoà chút máu của bạn, trước mắt hiện lên con đường đỏ hồng chạy dài như vô tận. Nó gần như kiệt lực. Chân phải bắt đầu run rẩy và đau khủng khiếp, đau tới tim, tới óc. Cái thân người mà nó đang cố hết sức mang đi bỗng nhiên rủ xuống như cái mền ướt. Nó hoảng hốt ngã vật xuống đường. Cái thân thể đó ngã theo, đánh thịch một tiếng, nằm sấp bất động. 

Không, không, mày không đến nỗi nào chứ? Mày đừng chết, đừng chết nghe! Nước mắt nó ứa ra thành dòng nong nóng. Và nó lăn ra bất tỉnh.

Tỉnh dậy, nó ngơ ngác nhìn. Căn phòng khá rộng, nhiều giường bệnh nằm song song với nhau. Thương binh la liệt như cá nằm trên lớp nước đá trong các siêu thị. Mùi cồn, mùi thuốc, lẫn mùi máu mủ tanh tưởi toả ra nồng nặc. Tiếng rên khe khẽ không bao giờ dứt. Đây là bệnh viện, nó tự hỏi? Nó cũng không biết ai đã đưa nó vào đây. Một bạn đồng đội còn sống sót? Cơn đau nhói lên, nó nhìn xuôi xuống hai chân. Máu thấm ra ướt đỏ lấm tấm trên những lớp băng quấn quanh khoảng giữa đầu gối chân phải. Nó cố trở mình. Cạnh giường nó, một nữ y tá, mặt mày phờ phạc, đang dùng kéo cắt băng cho một thương binh. 

Căn phòng cửa đóng, âm u không đèn. Đang vào buổi sáng hay trưa hay chiều, nó tự hỏi.  

Bỗng cánh cửa mở toang ra. Gió uà vào cùng một lúc với một toán người nói năng ồn ào. Nó sửng sốt. Đấy là quân thù? Đấy là bọn người mà nó và đồng đội tìm đủ mọi cách tiêu diệt trong những trận đánh dữ dội ngoài chiến trường? Và ngược lại? Nay họ xuất hiện đột ngột ngay trước mắt nó, nón tai bèo, quân phục ka-ki xanh, dép râu, súng ngắn bên hông. Như bị điện giật, nó cố ngồi dậy, rồi tự nhiên thả người nằm phịch xuống giường trong khi mắt nó chạm vào những cái nhìn lạnh tanh, sắt máu. Thế là chẳng còn gì nữa, nó nghe nó nói thì thầm. Một nỗi thê lương trùm lên nó.   

Một người trong bọn họ hất hàm nói lầm bầm gì đó với cô y tá, rồi kéo cô nhanh ra khỏi phòng. Không đóng cửa lại. 

Khoảng nửa giờ sau, những người bị thương nặng được cán khiêng đi. Một số khác bị thương nhẹ hơn lần từng bước, tay vịn vào các thành giường, vào tường, đi theo toán người được cán khiêng. Họ bị đưa đi đâu chẳng biết. Nó và năm bảy người khác, mỗi người được trao một cặp nạng gỗ, cũng được lệnh rời khỏi nơi này ngay lập tức. Căn phòng trong phút chốc trở nên trống trơn. Một thương binh luống cuống hỏi:

“Thưa, thưa, đi đâu?”

“Không được hỏi. Đi theo tôi. Khẩn trương, khẩn trương.”

Nó và mấy người chống nạng bị dẫn tới cổng sau của bệnh viện. Khi người cuối cùng ra khỏi cổng, hai cánh cửa của cái cổng sắt lớn đóng sầm lại. Tiếp theo, tiếng lách cách của dây xích sắt luồn vào song cửa sắt. 

Đã chạng vạng tối. Họ khập khiểng chống nạng lê lết đi. Có người chỉ đi được một quãng ngắn, đứng lại, rồi ngồi bệt xuống đất. Vài ba người khác đứng lại chờ.

“Tụi mày cứ đi đi. Ngồi đây không tiện. Tao sẽ đi ngay.”

“Không sao. Tụi tao cũng đi không nổi, ngồi nghỉ một chốc chờ mày.”

Nó không quen biết với mấy người đang ngồi nghỉ, rán đi theo những người còn sức tiếp tục bước. Đi được mươi bước, đau quá, nó đứng lại. Hai nách, hai tay đè nặng lên cặp nạng, cố giữ chân phải đu đưa không chạm lên mặt đất. Mồ hôi tươm ra ướt đẫm mái tóc, ướt luôn chiếc áo trận dơ bẩn, máu me. 

Trời tối dần. Mấy người ngồi nghỉ lúc nãy đã tiến tới. Có người lên tiếng, “Em đang chờ đó hả? Đi theo bọn anh ngay”. Nó đi không nổi, không muốn làm phiền ai, không biết nói lời từ chối, đành gật đầu, dạ, dạ. Và đứng yên nhìn theo. Họ đi xiêu xiêu, chậm chạp, khó khăn. Chốc chốc họ đứng lại, rồi thoáng một cái, biến mất trong bóng tối như ma. 

Họ đi đâu? Nước mắt của nó tự nhiên ứa ra. Nó ngạc nhiên. Trước kia, từng chứng kiến biết bao cảnh ngộ khốn đốn hơn thế nhiều, nó vẫn cứng cỏi, nếu không muốn nói là bình thản. Nay chỉ có vậy, lại khóc lóc như con nít sao? Không, nó không được tỏ ra yếu đuối, nhưng nước mắt tự nhiên chảy ra không thể nào ngăn lại nổi. 

Nó chớm đi một bước, đau thốn. Đành cố gắng ngồi bệt xuống đất, một chân co, chân kia đau quấn trong băng thẳng đơ. Chỉ vài giây sau, cặp nạng cùng với nó ngã kềnh lên bãi cỏ bên đường. 

Sài Gòn Tháng Năm, ban đêm không lạnh. Nó ngủ thiếp lúc nào không hay.

Chợt có người lay nhẹ. Nó choàng tỉnh dậy. Trời mờ mờ sáng. Một người đàn ông đứng tuổi xốc nó lên chiếc xe ba gác. Hơn một tiếng đồng hồ sau, nó được đưa về nhà ông ấy, cách Tổng Y Viện Cộng Hoà không xa lắm, vùng Hạnh Thông Tây.    

Nó được săn sóc lâu lắm. Cả tháng chăng? Nó không trả lời được câu hỏi ấy. Nhà chú xe ba gác nghèo xơ xác, chú vẫn tìm mua được một ít thuốc men đem về cho nó. Thêm một miệng ăn, thêm bận bịu vì nó, khiến nó áy náy vô cùng. Dù chưa khoẻ hẳn, nó xin đi. Cứ đi cái đã, mọi chuyện khác tính sau. Cùng lắm ngủ đường ngủ chợ. Nhưng lấy gì ăn? Ý nghĩ đó chợt hiện đến làm nó chột dạ. Chú hỏi liền mấy câu: 

“Mà mày đi đâu? Mày sẽ ở với ai? Mày đã mạnh chưa?”

Nó không biết sẽ đi đâu cả. Nghĩ đến mẹ bặt âm vô tín. Nhớ đến người thân duy nhất còn lại là ông chú ở ngoài Trung, nó đáp liều:

“Cháu đi ra Trung. Chú thím cuả cháu ở ngoài đó.” 

“Chà, chà. Ngoài Trung xa lắm phải không? Mà thời buổi giặc giã. Mày có tin tức gì ngoài đó không?”

Nó ngơ ngác. Qua bao biến động, ngôi nhà đó có còn không? Chú thím còn ở đó hay đã chạy loạn nơi nào rồi? Kể từ khi nó trốn nhà bỏ đi cho đến nay mới hơn một năm mà nó tưởng như đã trải qua cả một kiếp người. Cuộc sống cũ dường như thuộc về một quá khứ xa xôi mù mịt mất tăm. Chú xe ba gác có lẽ thấy nét mặt kỳ cục của nó, vội vàng nói tiếp:

“Thôi, thôi, mày đừng đi đâu cả. Cứ ở đây với tao cho tới khi hết bịnh. Không chết đói đâu mà sợ.”

Giọng nói đầy chân tình làm nước mắt nó muốn chảy ra. Nó tự trách tại sao ưa khóc vậy. Từ hôm bạn nó chết trên vai nó, lòng nó mềm nhũn, dễ xúc động, nước mắt như luôn luôn chực sẵn để tuôn thành dòng. Không được! Con trai ai lại! Coi kỳ lắm! Nó cố trấn áp nó. Rồi nó nghĩ ngay qua chuyện khác cho nguôi ngoai. Từ khi trốn nhà ra đi, nó gặp nhiều người tốt bụng. Bác hàng xóm, những người bạn đồng đội, … và nay chú xe ba gác không hề quen biết này. Cho nên đòi đi mà được giữ lại, nó sung sướng vô cùng. Vậy là mình giả bộ đòi đi hay sao, nó tự hỏi. Và nó biết là nó không giả dối chút nào.  

Muốn tỏ lòng biết ơn, nhưng nó thấy khó nói quá. Mủ mít. Bà thím ngoài Trung từng bảo nó thế. Mủ mít? Nó nhớ chuyện cũ. Những trưa muà hè ve kêu vang. Một tay cầm cây trúc, một tay cầm con dao nhỏ, tới gốc cây mít chém nhẹ vài nhát. Mủ trắng sền sệt tươm ra. Lấy ít mủ quấn vào ngọn cây trúc, rồi đảo mắt nhìn lên những cành cây trong vườn xem ve ve đậu nơi đâu. Con ve ve màu nâu dễ lẫn với màu thân cây. Nhưng nhìn kỹ theo tiếng ve kêu, nó nhận ra hai cái cánh to, dài, trong, rung rung theo tiếng râm rang. Liền lấy cây trúc đầu quấn mủ mít thọc vào con ve. Thế là con ve ve bị dính cứng. Mình cũng bị mủ mít dính cứng không mở miệng ra được!

Thím, vợ của chú xe ba-gác, buôn bán ve chai. Bảo là ve chai nhưng gặp thứ đồ cũ nào thím cũng mua, rẻ rề, mang về chất từng đống cao đến tận mái nhà. Bao ny-lông, cân vệ sinh hỏng, sách báo cũ, dây dừa, dây thép gai, nồi, soong, chậu đất, chậu sành, vỏ đạn, dao, kéo, kính bể, bong bóng xẹp, súng, gươm, xe tăng bằng nhựa đã móp méo, búp bê mất đầu, mất tay, mất chân, v.v… Thím chùi rửa sạch sẽ, làm đẹp lại, xếp thành từng loại, rồi mang ra chợ bán. Hết chợ này tới chợ khác, có xe ba – gác của chú chở. Khi có người nào cần chở đồ, được trả tiền kha khá, chú chở ngay, gác lại việc chở ve chai cho thím. Chú thím có đứa con trai khoảng 10 tuổi, không được đi học, ngày ngày theo chú hoặc thím. 

Chân của nó đã bớt đau, nó nghĩ đến ông chú của nó say sưa, hung dữ, nhớ đến chuyện mình bỏ nhà trốn đi, nay lại quay về coi sao được. Nó đánh liều “mở miệng” xin ở lại theo chú phụ việc. Buổi tối hay lúc nào rảnh, sẽ dạy ít chữ cho thằng nhỏ. Vợ chồng chú xe ba gác nghe nói thế bằng lòng ngay. Nó được thương yêu quá chừng, được coi như đứa con trai lớn trong gia đình – anh Hai. 

Một hôm nó theo chú đi chở hàng về trễ. Nhà đã lên đèn. Thím ra đón ngay trước cửa, mặt mày tái mét.

“Ông ơi, có chuyện rồi.”

“Chuyện gì?” Chú bình tĩnh hỏi.

 “Vô trỏng rồi tui nói.”

Thằng nhỏ đói bụng đã ăn trước, và đã đi ngủ. Thím đóng cửa, cài then, và thì thầm với chú. Nó ngồi bên cạnh chăm chú nghe.

“Ông ơi, công an phường tới. Hỏi hoài về thằng này.” Thím quay nhìn nó.

“Bà trả lời sao?”

“Tui sợ quá, không biết trả lời sao cả, nói đại rằng nó là bà con dưới quê lên thăm ít hôm thôi. Nay nó đã đi rồi. Công an hỏi đi đâu, tui nói đại nó đi về quê ở An Giang, Châu Đốc.”

Chú giật mình:

“Chết cha tui rồi! Bà nói cái kiểu gì lạ vậy?”

Thím đứng yên, sợ sệt. 

Chú im lặng suy nghĩ khá lâu. Bỗng, như sực nhớ, chú bảo có gì đem ra ăn ngay. Ăn vội vàng. Xong, chú bảo nó lấy hết quần áo cho vào cái bị nhỏ mang theo, chẳng có là bao. Thím hiểu ý. Chú cầm tay nó dẫn ra khỏi cửa, và mất dạng trong đêm tối đen.

*

Nó ngồi thu mình trên xe ba gác, chú ngồi sau, hai chân đạp lia lịa. Gặp những ngã tư, ngã năm đèn sáng, chú lẻn nhanh vào những hẻm nhỏ tối tăm tìm lối đi khác. Khi thấy loáng thoáng đằng xa bóng dáng những người mặc đồng phục màu vàng, nghi là công an, chú liền thắng xe lại, ra dấu cho nó nhảy xuống núp sau một gốc cây hay nép mình bên một góc nhà nào đó. Chú đạp xe tới dò xét. Khi thấy yên, chú quay lại với nó, và tiếp tục đạp xe. Cứ thế, lặp đi lặp lại một cách nhanh nhẹn, gọn gàng. Chú im lặng, không nói một câu nào cả; nó cũng câm miệng hến. Chắc chú đã từng đạp xe trốn tránh như thế nhiều lần. 

Gần nửa đêm, hai người tới một ngôi nhà ở ngoại ô Sài Gòn, mà sau đó nó được biết đó là vùng Gò Đen, cách Phú Lâm trên dưới 10 cây số. Nhà của người em ruột cuả chú.

Nó cũng gọi họ, em trai và em dâu chú xe ba – gác, là chú thím. Chú thím này có hai con còn nhỏ. Họ làm lụng cực nhọc suốt ngày. Họ nấu rượu chui, rượu lậu, gọi là Rượu Đế Gò Đen, hoặc gọn hơn, Đế Gò Đen, nổi tiếng từ lâu khắp Lục tỉnh.  

Chỉ một thời gian ngắn, nó làm được mọi khâu, từ nấu gạo hoặc tấm thành cơm nhão, trộn men vào, ủ, rồi thêm nước, lại nấu, v.v …, cho đến khâu cuối cùng là cất hơi bốc lên chuyền qua cái thạp lớn đọng lại thành rượu. Nhà có nuôi heo, và gà vịt, cho ăn hèm vớt ra từ những chảo nấu. Tro trấu lấy từ lò nấu mang đi bán cho người làm rẫy, tức là làm vườn. Không bỏ phí một món nào cả. Người làm vườn thích thứ trấu đó lắm. Tốt lá, tốt củ. 

Chú thím làm ăn cần cù, cẩn thận, khéo léo. Rượu Đế Gò Đen của chú thím ngày càng ngon hơn. Người mua đến từ nhiều nơi, nhất là từ Sài Gòn.

Một hôm chú sai nó đi xuống Tân An mua thêm mấy cái can nhựa để đựng rượu. Trên xe đò trở về Gò Đen, tình cờ nó ngồi cạnh một người đàn ông đứng tuổi tóc hoa râm, nét mặt dạn dày. Ông này thật vui tính, hỏi han nó đủ thứ chuyện, rồi kể cho nó nghe cuộc sống chìm nổi của ông.

“Chú em biết không, tui làm được đủ nghề. Cho nên có vất tui đi đâu tui cũng sống. Lúc đầu, còn trẻ, lớn hơn chú em một tí, tui theo gánh xiếc, giữ vai phụ hề. Chán thấy mồ. Nửa năm thôi, đi làm nghề khác.”

Nó tò mò:

“Phụ hề là cái gì hả chú?”

“Là làm tà lọt cho thằng hề. Loại tà lọt này không phải để sai khiến mà để thằng hề chánh hành hạ. Nó đánh, mình né, hoặc trân người chịu trận. Nó đuổi, mình chạy lăng quăng cuối cùng để nó bắt. Nó làm bộ giận dữ, mình làm bộ sợ sệt. Nó giễu, mình cười. Nó cười, mình vỗ tay. Nó khóc, mình tới lau nước mắt. Thiếu đường nó đái, mình cầm … cho nó đái. Chú em hiểu chớ? Chán thấy mồ. Mà chú em tên chi, để kêu cho dễ.”

“Dạ, dạ, … dạ …”

“Ủa, muốn giấu tên hả? Sợ cái gì? Sợ tui là công an? Thôi không hỏi tên nữa. Chú em thứ mấy trong nhà? Cứ gọi là thằng … thằng Sáu nghe. Còn tui tên Bính. Trông chú em trẻ măng. Mấy tuổi?”

“Dạ 20.”

“Xạo. Cái mặt còn non choẹt. Ở đó mà 20.”

“Chú giỏi quá. Thật ra cháu 16, hay 17 gì đó, cháu không rõ cho lắm. Năm rồi xin đi lính, lính Cộng Hoà, cháu khai gian cho đủ tuổi.”

“Có vậy chớ. Nhưng đừng cháu nữa, kêu anh xưng em cho tui trẻ ra. Mà anh kể ngang đâu?”

“Ngang … đi đái.”

“À, à. Để anh kể tiếp. Nhưng Sài Gòn em ở đâu?”

“Không. Em ở Gò Đen.”

“Vậy là sắp tới rồi. Không kịp kể chuyện nữa đâu. Thấy em anh thương quá. Anh cũng có thằng em út nhỏ hơn em, bị đạn trúng ngay vô đầu hôm ba mươi tháng tư. Nó là thằng Sáu. Cặp mắt cũng buồn buồn, mặt mày cũng ngơ ngơ, ngác ngác. Em làm anh nhớ nó quá. Em về làm việc chung với anh ở Sài Gòn đi.”

“Làm việc chi vậy chú, vậy anh?”

“Chẳng có việc chi ra hồn cả. Nghĩa là đủ thứ việc.”

“…”

“Không nặng nhọc đâu. Lại có hát hò, kèn trống, xôm tụ lắm.”

Nó hơi giật mình: 

“Sao lại có kèn trống hả anh?”

“Có chớ. Ban ca kịch chui mà. Anh phụ giúp phần cải lương. Em biết ca cải lương không?”  

“Không. Nhưng cháu, nhưng em không ở Sài Gòn được.”

“Sao vậy?”

“Không có giấy tờ.”

“Chứng minh nhân dân hả? Anh cũng không có. Ở chui. Mấy người trong đoàn cũng chui như anh.” Anh ta rút trong túi áo cây viết bi, kiếm một miếng giấy nhỏ trong ví tiền. “Địa chỉ của anh đây. Rán thu xếp lên Sài Gòn một chuyến cho biết mùi đời. Thấy chán thì cứ bỏ ngang xương, không sao cả. Em trả lời gấp gấp nghe. Bọn anh đang cần lắm, cần một người hiền lành như em. Cần lắm lắm.”

Ở tại Gò Đen gần một năm kể từ ngày rời khỏi nhà chú xe ba gác, nó như con chim trong bão tố đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Chú thím, bà con cô bác lối xóm, đều dễ dãi, rộng lượng, ngay thẳng, thật thà. Con chó, con mèo, đàn gà, đàn vịt, bầy heo, cũng trở nên quen thuộc, thân yêu. Khung cảnh chung quanh nó cũng thích, cây dừa, cây đước, cây lá, đám lúa, ao cá, vàm sông. Sống hồn nhiên như cây cỏ, không băn khoăn lo nghĩ. Mọi việc đều do chú thím lo toan, định liệu, nó chỉ có việc “Chú thím bảo gì mình làm nấy.” Khoẻ ru.

Ban ca kịch chui với trống kèn rập rình mà ông Bính nói trên chuyến xe đò, nó tưởng rằng nghe cho có nghe, không quan tâm lắm. Cái kiểu nghe vào tai này, ra khỏi tai kia. Nhưng lần này dường như có cái gì cứ luẩn quẩn trong tâm trí của nó. 

Một buổi trưa, nhân lúc rỗi việc, nó vui miệng kể lại với chú câu chuyện trên xe đò. Kể xong, nó nghĩ rằng câu chuyện đến đấy là dứt điểm, như biết bao nhiêu chuyện tầm thường xẩy ra trong cuộc sống hàng này, tình cờ đến, có mặt với ta trong một thời gian, có khi chỉ trong thoáng chốc, rồi tình cờ đi, rồi biệt tích. Không bao giờ trở lại, không để lại dấu vết nào. Và những chuyện tầm thường khác sẽ cũng sẽ đến thay thế, rồi cũng sẽ đi.

Thế mà sau bữa ăn tối, không ngờ chú bảo thím và nó ngồi lại một chút, có chuyện nói:  

“Tao đã bàn  chuyện đó với thím mày đây.”

“Chuyện gì hả chú?”

“Chuyện cái ông trên xe đò nói có việc làm cho mày tại Sài Gòn. Tưởng thím mày chỉ biết tới mấy hũ rượu lậu mà thôi, vậy mà bả có lý.” 

Nó ngạc nhiên nhìn thím. Thím cười. Chú vội vàng nói tíếp:

“Tao đồng ý với vợ tao. Mày có chữ nghĩa, mặt mày dễ coi, chắc là con nhà gặp thời buổi khó khăn phải về đây làm việc cực khổ với vợ chồng tao. Thấy thương lắm, không đành. Cho nên làm sao mày có thể ở đây lâu được. Trước sau gì mày cũng bỏ nơi này …”

Nó ngắt lời:

“Không, không, chú ơi …”

“Để tao nói tiếp. Là thế này. Nay mày có dịp bay nhảy thì cứ bay nhảy. Đó là dịp may. Dịp may tới mà bỏ đi nó không trở lại đâu. Chắc chắn mày sẽ sung sướng hơn, có tương lai hơn. Lỡ làm việc không giỏi, bị chê, thì lại về đây với tao liền một khi nghe. Như vậy tao mới yên tâm.”

Nó muốn ứa nước mắt. Chú tiếp: 

“Mà mày đã biết Sài Gòn nhiều rồi, phải không? Trở lại đó, lại có công ăn việc làm, còn gì sướng bằng.”

Nó ngẩn người. Người ta nói Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Người ta hát, “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi …”, hay, “Cùng nhau đi tới Sài Gòn. Cùng nhau đi tới Sài Gòn.  Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do. Dừng chân trên bến Cộng Hoà, người Trung Nam Bắc một nhà …” trên đài, trên Ti Vi mà nó thường nghe trước kia khi mới vào lính. Thật rộn ràng, mê ly. Nó chỉ biết Sài Gòn qua lời ca tiếng hát mà thôi. 

Lại nhớ, mới đây thôi, nó từ miền Trung theo đơn vị vào bảo vệ thủ đô. “Thủ đô, ôi thủ đô!” lại tiếng hát văng vẳng trên các đài phát thanh. Tha thiết, hào hùng. Nay thủ đô đang bị tấn công dữ dội ngày đêm. Nó ngạc nhiên đến sửng sốt. Và nó sắp tới đó. Bồn chồn, lo lắng, lẫn háo hức, kiêu hãnh. 

Đơn vị của nó tiến tới được những nơi cách Sài Gòn vài chục cây số, dự vào những trận đánh ác liệt. Bom đạn kinh khiếp, máu đổ nhiều quá nó chưa từng thấy, xác người nằm đầy dưới hầm hố, trên các ụ phòng thủ. Đơn vị của nó bị đánh tan tành. Và cuối cùng, thằng bạn trên vai. Nó đã biết gì về Sài Gòn đâu.

Nó vốn quen chịu đựng và vâng lời. Nay chú bảo nên đi, thì nó đi. Năn nỉ xin ở lại coi sao được. Hơn nữa, nó biết chú thật lòng thương nó mới nói như vậy.  

Sáng hôm sau, nó xin phép chú ra nhà bưu điện của quận mua giấy, mượn viết, viết một lá thư gởi cho ông Bính.  

*

Sài Gòn đó rồi. Nó vô cùng kinh ngạc. 

Nhà cửa chen chúc bên nhau san sát, những toà cao ốc vươn lên trời lồng lộng, đường sá đan vào nhau chằng chịt. Và đặc biệt là cây xanh. Nhiều con đường hai bên là cây cao ngọn giao nhau thành vòm che kín. Những cây me, những cây sao, những cây nó không biết tên. Nhưng Sài Gòn buồn. Tại vì ít người chăng? Nhiều công viên, bến xe, bến tàu vắng teo. Lại có những cư xá không người ở, những dinh thự trống trơn. Sài Gòn đang hấp hối chết hay đang trải qua cơn bệnh nặng, chưa bình phục. 

Trên đường không thấy xe hơi như nó tưởng, như nó nghe nói. Thay vào đó là những dòng xe đạp chạy liên miên bất tận. Họ chạy đi đâu mà chạy mãi thế? Trốn tránh cái gì? Hay tìm kiếm cái gì? Lề đường lác đác người đi bộ. Im lặng. Không chuyện trò, không tiếng cười. Những đám người gầy yếu, vật vờ, áo quần nhếch nhác. Đàn ông áo sơ-mi nhàu nát bỏ ra ngoài chiếc quần tây cũ rích, đầu trần hoặc đội nón bèo nhèo, chân mang bata hay xăng-đan cũ, rách. Đàn bà áo bà ba bạc màu, quần vải thô, đội nón lá, nón rách, mang dép đã mòn nhẵn. Vắng bóng chiếc áo dài tha thướt. Không thấy ai mang giày, nam cũng như nữ. 

Hai bên những đại lộ rộng thênh thang và dài hun hút, cây cối vẫn xanh tươi, nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng chim, không nghe tiếng chim hót. Trong các công viên cũng thế. Chim sẻ, loài chim quấn quýt với loài người, nơi nào cũng có, cũng thấy nhảy nhót trên các vỉa hè, nay biệt tích. Chúng nó bị người ta bắn, bẫy, giết chết để ăn thịt; họ thiếu chất đạm trầm trọng. Hay chúng sợ cái gì đó nên đã trốn đi nơi khác? Đất lành chim đậu. Hay là đất này hết lành rồi?  

Đàn ông, thanh niên không còn lại bao nhiêu. Họ tử trận. Họ vào tù. Vô số tù cải tạo. Hay họ về quê sau khi Miền Nam thất thủ. Thay vào đó là những công an mặc kaki vàng, hay những bộ đội quân phục xanh. Nón tai bèo, nón cối. Hầu hết mang dép râu.

Nó không thể quên những khuôn mặt của cư dân Sài Gòn mà nó gặp trên đường. Má hóp, trán ưu tư, tóc bù rối. 

Nhất là những cặp mắt. Giống nhau ở nét buồn chán, nhưng mỗi đôi mắt mang một vẻ riêng. Đăm chiêu, lạnh lùng, cau có, uất ức, giận dữ, hay tuyệt vọng. Đó là nam giới. Phụ nữ thì khác. Họ lặng lẽ, cam chịu hơn.

Cũng có một số người mới nổi lên được gọi là “cách mạng ba mươi tháng tư”. Họ mang băng màu đỏ trên cánh tay áo, có mặt tại những nơi tạm gọi là đông người – vì khắp nơi đều vắng vẻ — tham gia vào việc giữ an ninh, trật tự. Nổi lên bên cạnh chánh quyền mới quân quản là những cán bộ cộng sản nằm vùng, nay xuất đầu lộ diện. Những người này luôn luôn có dáng dấp “hồ hởi, phấn khởi.”

Ban ca kịch chui gồm một số ca sĩ tân nhạc, cổ nhạc. Có ba người cùng hoàn cảnh như nó, tức là không có giấy tờ hợp lệ, nhưng họ có tay nghề: ông Bính là một, một người chơi ghi ta, và một người chơi trống. Thỉnh thoảng một vài ca sĩ hạng hai, hạng ba của Sài Gòn cũ nhập vào đoàn. Khi cảm thấy khán thính giả không còn thích họ nữa, họ lặng lẽ rút lui. Riêng nó làm đủ thứ việc. Phụ bếp nấu ăn, lau nhà, khuân vác, chùi rửa mọi thứ lặt vặt kể cả một số nhạc cụ. 

Nó làm việc siêng năng, chăm chỉ, ai cũng thương. Lại thích nghe người ta hát. Trong lúc làm việc, nó lẩm nhẩm hát theo. Bị chê là hát dở, nó cười hiền lành. Không sao mà, nó chỉ hát thì thầm cho chính nó nghe mà thôi. Người nào chú ý nghe nó hát là lỗi của họ. Và nó thuộc lòng khá nhiều bài hát trước 75. Những bài nhạc cũ đó bị cách mạng lên án là nhạc vàng, nhạc đồi trụy, nó rất ngạc nhiên.  

Nhưng nó thích trống nhất. Nó hiểu lờ mờ rằng muốn đàn, phải học hỏi, tập luyện công phu, muốn hát phải được trời cho giọng hát hay. Trống coi bộ dễ học hơn. Lúc nào có dịp là nó mon men đến anh chơi trống bắt chuyện, hỏi han. Lần hồi nhờ anh chỉ vẽ đôi chút, xin anh cho đánh trống thử xem đúng nhịp không, có sáng kiến không, có hồn không. Vì anh bảo muốn chơi trống phải hội đủ ít nhất là 3 yếu tố: kỹ thuật, sáng tạo, cảm xúc. Ngoài ra còn phải biết hoà điệu với những thành phần khác trong ban nhạc bằng tiếng trống, và bằng cả sự giao cảm. 

Nó nhớ nằm lòng lời anh dặn. Nhưng nó biết không phải vì tương đối dễ học nên nó thích. Nó thích trống từ lâu. Tiếng trống âm vang, đồng vọng trong tâm hồn nó từ thời nhỏ dại. Trống đình, trống chùa. Và những đêm lạnh nằm co quắp trong chiếc chiếu không thể nào chợp mắt nổi, nó lắng tai nghe. Chìm khuất trong quá khứ mù khơi thuở nó còn nằm nôi, tiếng mẹ ru lẫn trong tiếng trống bềnh bồng xa xa, tiếng lá rơi rào rạt ngoài vườn, tiếng ễnh ương buồn buồn lan rộng khắp nơi, những đêm mưa rơi trên mái rạ dột nát, nước mưa nhỏ giọt vào gian chái của ngôi nhà tranh, và lời ru, “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn.” 

Ban ca kịch thỉnh thoảng đi lưu diễn những nơi xa thành phố. Ra Trung như Phan Thiết, Tháp Chàm, Phan Rang, có khi ra tận Nha Trang. Về miền Tây như Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công. Rất thiếu xe vận tải, xăng nhớt mắc mỏ, nhiều khi họ phải thuê ghe lườn để chuyên chở sân khấu, cánh gà, phông, và các ca sĩ, đào, kép. Bắt đầu đêm diễn xuất là mấy bài ca cách mạng theo đúng thủ tục. Tiếp theo, mấy bài ca cải lương quen thuộc. Và cuối cùng, phần chính, là những bài nhạc cũ, là nhạc vàng mà khán thính giả mong đợi. Cách mạng cấm hát loại nhạc này, nhưng ban nhạc vẫn hát chui, khán thính giả vẫn nghe chui. Có lẽ cách mạng biết điều đó, nhưng chưa “ra tay” chăng. 

Nhạc vàng! Nhạc thời Việt Nam Cộng Hoà! Nhiều bài hát đã đi sâu vào tim, vào hồn của nó. Và của nhiều người khác. Có những bài hát mỗi lần nghe nước mắt nó rưng rưng. Một thời đại ngắn ngủi, hào hùng lẫn đau đớn, buồn nhiều hơn vui, chìm nổi trong những giai điệu lúc thì chan chứa tình tự dân tộc, rào rạt yêu thương, lúc thì rộn rã niềm vui, lúc thì chán chường ảo não. Đó là thời đại khi Miền Nam bị trọng thương, sắp gục ngã. Còn đứng dậy nổi hay không? 

Lại có bài hát nó chỉ muốn nghe một mình thôi, và hát theo. Không muốn một ai trông thấy nó vừa nghe, vừa hát, vừa thổn thức. Chẳng hạn một bài hát đã vận vào một quãng đời đi lính của bạn nó, thằng bạn nó vác trên vai trong trận cuối. Nó lẩm nhẩm hát câu được, câu mất, nghẹn ngào: “Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ … Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà … Và người yêu đứng chờ ngoài ngõ bao giờ …  ” [1].

Bạn nó khi còn sống cũng thường về phép thăm người yêu. Đường về cũng xa, mà thời gian nghỉ phép cũng chỉ 24 giờ thôi. Nhưng bạn nó không bao giờ trở lại đơn vị đúng thời hạn. Thì bị phạt. Tái phạm bị trọng cấm. Càng tái phạm, thời gian trọng cấm càng dài. Rồi bị cấm tiệt không được về phép nữa. Thằng khốn khổ đó trông chẳng khác gì con thú dữ trong chuồng sắt. Cuối cùng, trốn. Tưởng trốn biệt, nhưng hơn hai tháng sau trở lại đơn vị, lãnh nhiều hình phạt, nói nhớ đơn vị, nhớ bạn đồng đội quá đỗi, chẳng thua gì nhớ người yêu. Xin được nương tay.

Tình yêu có sức mạnh đến thế sao, nó tự hỏi. Nhưng mình còn nhỏ quá, đã biết yêu là gì đâu? Lại quá nhút nhát trước mấy cô vừa lạ lùng, vừa lôi cuốn. 

Một cô gái trong đoàn để ý đến nó. Một hôm, một buổi sáng sớm. Cô nàng mới xin vào đoàn, đẹp lắm, nhưng tay ngang, phải học ca, học diễn, sao cho duyên dáng, hấp dẫn, và theo cho đúng nhịp điệu, tiếng đàn, tiếng trống. Cô hơn nó khoảng vài tuổi, nó đoán. Khoảng mười chín, hai mươi, là cùng. Cô bắt chuyện: 

“Anh này.”

“Dạ?”

“Đừng dạ.”

Nó lúng túng:

“Dạ.”

“Đã nói đừng dạ mà.”

“Dạ, tui không dạ nữa.”

“Lại dạ, cái anh này. Mà sao anh ít nói vậy. Hổm rày cứ tưởng anh câm. Nhưng không sao, anh không nói bằng miệng, tui cũng đoán được ý anh. Anh nói bằng mắt, anh có biết vậy không?”

Nó chột dạ. Thỉnh thoảng nó nhìn trộm cô, thế thôi. Đàn bà ghê thật, mình đã giữ ý đến thế mà cô nàng cũng biết. 

Cô tiếp tục hỏi:

“Anh đang có chuyện buồn hả?”

“Dạ, ô, ô, tui quen miệng. Không dạ nữa.” Nó ấp úng. “Không, không. Tui không có chuyện chi buồn cả.”

“Vậy hả. Này anh, nãy giờ tui hỏi, anh trả lời. Bây giờ anh hỏi tui đi. Tui trả lời.”

“Chị, chị …”

Cô nàng cười, nụ cười càng mê hồn:

 “Chị cái gì mà chị, chị. Kêu chi cũng được, đừng kêu chị. Tui tên Phượng.”

Nó lúng túng, không biết xoay xở làm sao, có vẻ van lơn.

“Thôi được rồi, để tui hỏi tiếp. Hình như anh đang sợ? Sợ ai vậy? Sợ cái gì vậy?” 

“Không. Tui có sợ gì đâu.”

“Đừng nói láo với tui. Đừng giấu tui. Con mắt anh là con mắt sợ hãi, ngơ ngác, và hơi buồn. Tui thích con mắt của anh đó.”

Nói tới đấy, bỗng nhiên cô đứng dậy, quay người đi nhanh, trong khi nó đang ngồi trên một chiếc ghế thấp ngẩn ngơ nhìn theo. Cái mông ngồn ngộn ngang đầu nó khi cô đứng lên. Nó loà con mắt. Phượng là cơn gió thoảng, mới đến, đã đi.  

Đấy là lần đầu tiên nó tiếp xúc với một cô gái xinh đẹp. Chỉ có thế, quá ngắn ngủi, nhưng nó bần thần mãi. Và nhớ. Nó nhớ mớ tóc uốn cong dài xoả lên cái trán trắng và phẳng che nửa khuôn mặt. Vài sợi tóc đi lạc vắt ngang qua đuôi con mắt bên kia cọ quẹt lên cái má phớt phấn hồng khi cô lắc đầu quầy quậy tỏ vẻ không bằng lòng những câu trả lời cụt ngủn của nó. Nó nhớ cặp mắt đen mịn như nhung, nụ cười lãng đãng, lời nói kỳ cục. Ngơ ngác, sợ hãi và buồn là ai vậy? Lẽ đâu mình? Nó nhớ giọng nói lên xuống trong veo, êm êm, như hát, nhưng đầy quyền uy. Và mùi son phấn dịu dàng. Và hình như cả mùi tóc. Xà bông thơm, hay nước hoa, hay bồ kết. Hay tất cả cái đó là mùi con gái nó nghe thấy lần đầu tiên trong đời. Ngọt ngào như hơi thở của trời đất buổi sáng sớm.  

Một nỗi buồn không nói thành lời bỗng dưng ập tới. Tới rồi có đi không, hay là sẽ ở lại với nó cho đến bao giờ.   

Những lúc rảnh rỗi, khá hiếm hoi, nó đến ngồi một mình trên chiếc ghế thấp của hôm nọ bồn chồn mong đợi, và tưởng tượng. Nó không dám chủ động tìm gặp cô ta. Lỡ cô không nhận ra nó. Có thể lắm. Chắc là cô nàng quên … chắc là em quên anh rồi. Nó gọi thầm, nhiều lần, Phượng! Phượng!   

Tám ngày đã trôi qua. Nó đếm. Một buổi sáng, cũng buổi sáng, sáng thứ chín, cô xuất hiện. Cô đến, trố mắt nhìn nó ngạc nhiên, hỏi bịnh hay sao mà phờ phạc đến thế. Nó mừng rỡ, sung sướng trả lời:

“Chị …”

Cô nàng ngắt lời ngay:  

“Lại chị. Anh có nhớ tui nói gì không. Kêu chi cũng được, nhưng đừng kêu chị. Anh nhớ em nói như vậy chứ?”

Nó bạo dạn dần. Tình yêu đã đến như thế. 

Hai người lén lút gặp nhau. Hôm nào hai người không có việc làm, nàng không đi hát hay tập hát, chàng làm xong mọi việc tạp dịch linh tinh, họ kéo nhau đi ăn, đi dạo phố. Quán ăn độ này ít, phố phường độ này vắng, họ càng thích. Thích sống riêng với nhau, không bị ai quấy rầy. Nàng còn rủ chàng vào tiệm nhảy chui. Cũng như nhạc vàng chui, chính quyền biết có mấy tiệm khiêu vũ, nhưng “làm lơ”. Vài câu lạc bộ khiêu vũ và vũ trường mới xuất hiện, The Lighthouse Saigon, Quán Bar và Câu Lạc Bộ. 

“Cái này chắc không được rồi. Anh không biết nhảy đầm.”

“Không sao. Em chỉ anh. Slow nhé, dễ lắm. Em cũng không biết nhiều đâu.”

Thế rồi,  một hôm, Phượng tới. Hấp tấp:

“Anh ơi, nghe em nói. Gấp lắm.”

“Chuyện gì vậy?”

“Em thôi việc.”

Nó hoảng hốt:

“Tại sao? Tại sao?”

“Em hát mà người ta không vỗ tay, lại còn la ó.”

“Em chịu khó tập thêm. Hát hay mấy hồi.”

“Không. Em chán quá rồi. Không thèm làm ca sĩ nữa. Làm nghề khác. Thôi em đi.”

“Đi đâu? Anh đi theo em được không?” 

“Không được. Quen anh lâu đến thế là quá lắm rồi đó, lâu nhất đó. Bây giờ em đi. Tui … tui phải đi ngay.”

Nói xong cô ta quay bước nhanh. Nó níu vai. Cô hất tay, có vẻ giận, la lên:

“Đừng, đừng. Đừng làm cái trò đó. Kỳ cục lắm.” 

Nó lặng người. Cô bước nhanh ra khỏi nhà, nó đứng lại sửng sốt nhìn theo. Một thanh niên đang ngồi sẵn trên chiếc xe gắn máy chờ, máy đang nổ. 

Nó như người mất hồn. Trước hết, một câu hỏi lặp đi, lặp lại nhiều lần. Thằng ngồi xe gắn máy chờ là thằng nào? Người tình? Bà con? Hay anh em ruột thịt? Nửa tháng qua, một tháng qua, không thấy tăm hơi Phượng. Nó buồn rầu ngẫm nghĩ chẳng lẽ mối tình giữa hai người chỉ ngắn ngủi có thế. Rồi xa nhau mãi. Rồi chết yểu. 

Trong thời gian hơn một tháng trời mong đợi đó, nó lén lút trở lại những nơi hai người từng đến khi có dịp. Nó tới cả tiệm nhảy dù rất e ngại. Nhiều lúc khấp khởi mừng thầm thấy cái dáng đi quen quen, mái tóc buông thõng che nửa khuôn mặt đẹp na ná, trên đường phố, hay trên sàn nhảy. Nó rảo bước bươn bươn xông tới. Và thất vọng, đau đớn. Nhiều lúc nó sống trong ảo giác. Mộng thực lẫn lộn. Phân thân.

Rồi ngày ngày nó lại phải làm những công việc trước kia nó cảm thấy thích thú khi thỉnh thoảng được nghe tiếng cười, tiếng nói thân yêu đó lẫn trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát. Nay mọi thứ đều trái ngược. Buồn tẻ, chán chường. Nó làm việc uể oải, cẩu thả, quên trước quên sau. Bị rầy rà, nó chấp nhận, nhưng nó không thể chịu đựng những câu nói bóng gió, xỏ xiên của mấy thằng trẻ tuổi trong đoàn. 

Chuyện phải đến, ẩu đả, đổ máu. Công an đến. Nó và ba thằng kia bị đưa về phường đội. Không có giấy tờ hợp lệ, nó bị đi tù cải tạo. Không biết số phận ba thằng kia ra sao.

Ở tù. Bị chuyển đến nhiều trại tù khác nhau. Còn trẻ, và đã trải nhiều gian khổ từ thời bé dại, nên nó chẳng có gì để phàn nàn về cuộc sống trong tù bây giờ. Và nó còn được học hỏi nhiều thứ từ những người tù khác. Hơn nữa nó nghĩ rằng người ta ở ngoài kia, ngoài những lớp hàng rào tre, hàng rào kẽm gai, cũng sống trong thiếu thốn, đói kém. Chiến tranh kéo dài lâu quá, sướng sao được. Mất tự do chăng? Cũng bực bội đấy, nhưng nó không đặt thành vấn đề. Nó đã quen sống trong bó buộc, quen vâng lời, muốn người khác quyết định, nó tuân theo, khoẻ hơn. Cuộc đời còn dài, sớm muộn gì nó cũng được tha. 

Tuy nhiên, mấy chuyện xẩy ra tại hai trại tù dưới đây đã khiến nó lo nghĩ nhiều.

Thứ nhất là trại tù nhốt những người gọi là du đãng, côn đồ, xì ke, ma tuý, “tàn dư Mỹ Ngụy”. Có những tù nhân quá nhỏ, 11, 12 tuổi, tóc tai bù xù, mặt mày xanh xao, thân thể gầy gò xiêu vẹo, và không biết kỷ luật là gì. La hét, nói tục, chửi bới, ăn cắp, đánh lộn, chạy trốn. Nhiều tù thiếu nhi vì thế bị bắn chết. Tuần lễ nào cũng có những xác chết bị bó vội vàng trong manh chiếu rách, manh áo rách, được hai tù bé con khác gánh đi chôn, một lính bảo vệ mang súng đi theo sau chỉ đường. Họ không bao giờ đi trước tù. Trên đường tới chỗ chôn, nhiều khi cánh tay hay bàn chân nhỏ tí teo bung ra khỏi dây buộc, kéo lê trên con đường cỏ mòn. Máu đổ xuống thành những vệt đỏ dài trên cỏ xanh. 

Họ ác quá, giết người bừa bãi, đành đoạn. Nhất là giết con nít.

Trại tù thứ hai nhốt sĩ quan Cộng Hoà, Cảnh Sát, và một số phần tử “phản động”. Nói chung, họ là những người có tư cách, nên được đối xử đàng hoàng hơn. Họ ít nói, không cười.  Người nào chống đối lộ liễu đều bị “bạo lực cách mạng trấn áp” bằng cách chuyển đi trại khác hoặc thủ tiêu. Có người nói xuôi chiều, lấy lòng kẻ thắng trận. Có người cố gắng “học tập tốt, lao động tốt” mong sớm được cho trở về với gia đình. Cũng có một số, rất ít, làm điểm chỉ, bị bạn tù gọi là “ăng-ten”.  

Sống với những người tù nói trên, lớn tuổi hơn nó nhiều, kiến thức hơn nó nhiều, nó kính nể như cha, như thầy, như anh. Trong tù, nó học hỏi được nhiều. Học cả tiếng Anh, không biết để làm gì. Học lén không cho quản giáo biết. Và học võ, nhu đạo, hiệp khí đạo, vô vi nam. Ngày dài tháng rộng, chẳng biết khi nào về, nhưng nó không sốt ruột như những người tù khác. Trái lại nó nghĩ rằng thời gian ở tù là cơ hội cho nó được mở mang trí óc, học hỏi kinh nghiệm sống. Nó biết nó khác trước nhiều. 

Có khi nó nhìn lại nó. Ngày vui ít quá, trừ thời gian trong lính, những tháng ở Gò Đen, và nhất là những ngày ngắn ngủi có Phượng bên cạnh, mà nó vừa trân quý như một kỷ niệm đẹp nhất trong đời, vừa cảm thấy cay đắng, xót xa. Nhiều khi nó muốn quên Phượng, quên như quên một gánh nặng đeo trên vai, đè trong lòng. 

Nó muốn quên tất cả.

Thế nhưng những đêm khuya thức giấc, nó nhớ lan man hết chuyện này qua chuyện khác. Ông chú say sưa hay đánh đập nó. Nghĩ lại, thương chú. Rượu xui khiến chứ chú đâu muốn thế. Mình bỏ nhà trốn là có lỗi, là vô ơn. Thương thím làm việc quần quật suốt ngày, thương cả hai thằng em họ ngỗ nghịch. 

Nhiều khi nó nhớ quê hương da diết. Ngôi đình, những khóm nhà tranh, bụi tre, cây cau, vườn chuối, cánh đồng. Đường xóm vắng, con hói nhỏ, đàn trâu mẹp, chiếc ao bèo, chim bói cá, chuồn chuồn ớt, con bọ mắt. Và thành quách rêu phong. Và những dãy núi chập chùng bên dòng sông xanh biếc, thuyền ngược xuôi lẫn trong sương mù buổi sáng muà thu. Và tiếng trống xa âm u đêm mưa, tiếng chuông chuà ngân nga sáng chiều. Hè về thì ve kêu ra rả đón mừng. Đến khi muà đông nước dâng, ễnh ương không ngớt gọi nhau vang lừng suốt ngày đêm. Nó soát lại, thiếu mùa xuân.

Lại nhớ chú xe ba gác xốc nó lên xe gần cổng Tổng Y Viện Cộng Hoà, nhớ chú thím nấu rượu lậu xuề xoà, nhân hậu, dễ dãi. Nhớ cả ba thằng trẻ tuổi trong ban nhạc đó nữa. Chúng nó ganh ghét cũng phải thôi, vì Phượng chỉ cho một mình nó lọt vào mắt xanh. Vậy mà trong lúc điên cuồng, nó cầm cái ấm nước nện vào đầu một thằng. Ba thằng đó có bị ở tù như nó không?

Muốn quên mà không quên được thì nhớ. Nhớ gì nữa? Nhớ ai nữa? Nhớ thêm thằng bạn chết trên vai nhé, dĩ nhiên. Thế là đã kể lể hết mọi chuyện để nhớ rồi, chắc chắn vậy. Nghĩa là không có Phượng trong nỗi nhớ, nó thầm hỏi. Và nghe trái tim nhói đau. 

Một buổi trưa nắng cháy như lửa, toán của nó được nghỉ mệt. Người ngồi trên những vồng đất mới vun lên để trồng sắn, kẻ đứng dưới gốc cây lớn có bóng râm, kẻ khác lại nằm dài trên mặt đất lấy tay làm gối, chiếc nón lá trùm lên mặt che nắng. Nó ngồi trên một tảng đá nằm ven một con đường mòn nhỏ, nhổ mấy cọng cỏ gà thắt thành nút, nhớ thời con nít, chơi đá cỏ gà một mình. Con đường đất này chạy từ trại ngoài vào trại trong cách nhau gần 2 cây số. Trại trong chứa nhiều tù hơn. Trại ngoài nằm trên một ngọn đồi bên một con đường nhỏ cho nên người đi thăm nuôi có thể được xe đưa lên gần sát trại.  

Nó chợt thấy từ xa một người đàn bà nách bên hông một đứa bé, tay kia xách một cái bị lớn có vẻ nặng, bước chậm, người nghiêng. Bà đi một đoạn ngắn, rồi đặt con và cái bị xuống bên con đường đất, và cúi xuống nói gì đó với đứa con. Xong bà đi ngược lại quãng đường cũ. Đứa bé chưa biết đi, liền bò theo mẹ, lăn nhào, khóc thét. Bà mẹ quay lui bồng con tới chỗ cũ, đặt nó xuống đất cạnh cái bị, lại dặn dò, chỉ trỏ, rồi từ từ quay đi, vừa đi vừa ngó lui. Lần này đứa bé, có lẽ hiểu ý, ngồi yên. Bà vội đi như chạy, trở lui lấy một cái giỏ khác to hơn ở đằng xa, rồi mang tới chỗ đứa con đang ngồi cạnh cái bị cũ. Nghỉ ngơi vài giây, giở nón lá ra quạt cho con, cho mình, lại nách con lên, tay kia xách cái bị cũ, khập khiễng bước tới, để lại cái giỏ to nằm chờ ở đó. 

Nó hiểu ngay. Bà này đi thăm nuôi chồng. Bà phải loay loay như thế vì không có xe chở người đi thăm nuôi vào trại trong nơi chồng bà đang bị nhốt. Chắc bà thương chồng lắm nên bới xách quá tải. Nó liền vất mấy cọng cỏ gà, tới xách cái giỏ lớn, chạy theo người đàn bà. 

Bỗng một tràng đạn nổ vang. Nó giật mình đứng lại, tay vẫn giữ cái giỏ. Những người tù khác đang đứng, nằm, hay ngồi, đều đứng dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Lính bảo vệ gọi nó tới, nạt nộ: 

“Bỏ cái túi xách xuống ngay! Lần sau tôi bắn chết!”

Quản giáo bảo nó chiều lao động về gặp. Nó bị còng một chân biệt giam 3 ngày trong cái chòi nhỏ lợp tôn, ban ngày nóng như thiêu đốt.

Nằm duỗi thẳng một chân trong chòi nhỏ, lúc đêm về khuya trời mát dần, vẫn không ngủ được, nó ngẫm nghĩ. Từ ngày Miền Nam mất, buồn và căm hờn. Và mang trong lòng một cái gì gần như niềm tuyệt vọng. Rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian. Tính nó thế, dễ vui và dễ quên. Căm hờn cũ phai nhạt dần. Nay tại sao nằm đây? Có lẽ vì vi phạm nội quy? Nó không tha thở, oán trách.  

Thời gian ở quê nấu rượu chui, nó ít tiếp xúc với người ngoài. Thời gian sống với ban ca kịch, nó cắm cúi làm việc suốt ngày. Cho đến khi gặp Phượng, rồi đi tù. 

Đời sống trong tù có thể là địa ngục đối với kẻ khác; riêng nó, đó không phải là chuyện gì ghê gớm. Nó nhìn người bộ đội, quản giáo, bằng con mắt dần dần bớt ác cảm. Nó nhận thấy những người thắng trận, những cai tù, có vẻ cũng chịu cực khổ gần như kẻ bại trận, người tù. Và cùng là người Việt với nhau, sẽ hiểu nhau, thông cảm nhau, nó mong. Hơn nữa, nó vẫn suy nghĩ một cách đơn giản, họ lấn chiếm lãnh thổ của mình không lẽ lại xử tệ với mình. 

Chỉ tiếc là họ nhẫn tâm quá. Bắn chết trẻ con, vô cảm đối với một người đàn bà khốn khổ đi thăm nuôi. Có lẽ họ là lính, quen chém giết, sắt máu, chai sạn. Xã hội bên ngoài nhà tù chắc chắn tốt đẹp hơn nhiều.

Sau hơn một năm, nó được tha. Người cộng sản rất khéo dùng chữ nghĩa. Vào tù thì gọi là đi trình diện học tập cải tạo, được phóng thích thì là được ra trại, nhận “Giấy Ra Trại”. Nó, gốc Miền Trung, phải về quê cũ.

Quê nhà tiêu điều, tan hoang ngoài sức tưởng tượng của nó. Dân chúng đói trắng mắt, ngơ ngác, nghi ngờ, sợ sệt. Nó tìm nhà chú. Nhà còn nhưng người khác ở. Chú có tham gia một tổ chức “phản động” nên bị bắt đi biệt tích. Thím đem hai đứa con về ở bên ngoại. Không còn ai thân thích ở nơi này, cuộc sống quá khó khăn, nó tìm cách vào Nam. 

Nhớ thời gian trong tù, được nghe những chuyện phiêu, mạo hiểm, trong đó chuyện “nhảy tàu” là chuyện nhỏ. Không tiền mua vé xe lửa, thì chui vào lỗ chó chui vào sân ga, lẻn lên tàu. Tàu chạy, người soát vé tới, biến vào cầu tiêu. Trước khi tới ga đến, tàu chạy chậm lại, nhảy xuống dễ dàng ven đường xe lửa. Mà tàu chạy nhanh cũng nhảy xuống được, vì biết cách nhảy võ, chân vừa chạm đất, co chân, hai tay ôm đầu, lăn theo đà vài ba vòng, khỏi gãy chân, gãy lưng. Thế là khỏi phải qua trạm kiểm soát vé tại cổng ga đến.  

Nó tìm đến chú thím xe ba gác. Không gặp. Nó nghi ngờ rằng công an điều tra biết được nhà chú có chứa chấp nó. Không chừng chú thím bị liên lụy, nó than thầm. Về Gò Đen chăng? Vùng này nhỏ quá. Ở đó trước sau gì cũng bị lộ tung tích khi việc hành chánh ổn định. Thôi thì thử sống chui tại Sài Gòn một thời gian.

Nó tìm ban ca kịch. Đã đổi chủ. Lại được tin ông Bính đã bị bắt, và bị nhốt ở nơi nào không ai biết. Tìm Phượng cũng tin tức biền biệt. Người ta nói Phượng đã vượt biên, không biết sống chết ra sao. Số người vượt biên càng lúc càng nhiều.

Túng quá, gặp việc gì nó làm việc nấy, khuân vác, dọn hàng, làm cỏ, quét chợ, gánh nước, làm vườn. Ăn uống bậy bạ qua ngày, bữa đói, bữa no. Gặp đâu ngủ đó, ghế công viên, xó chợ, bến xe, nhà mồ có mái che ở nghĩa địa. Đấy là vào mấy tháng đầu. 

Về sau nó được nhận làm lao công cho một chiếc ghe chở hàng từ Sài Gòn đi Bến Tre, Mỹ Tho. Trong ghe có mấy cái khoang chứa hàng lậu. Khi công an tới kiểm soát, nó chui vào đó trốn, ngủ một giấc dài. Khi không đủ hàng, ghe chở thêm hành khách, đôi khi khách du lịch. Ghe qua sông Nhà Bè, xuống sông Cần Guộc, Kinh Nước Mặn, tới sông Vàm Cỏ, rẽ xuống sông Tiền Giang, rồi tới Bến Tre hoặc Mỹ Tho.

Những hôm xa Sài Gòn, bềnh bồng trên sông nước, nó thích lắm. Từ thích đến yêu. Mới hai mươi tuổi mà đã trải qua lắm gian nguy, nay nó sung sướng được sống một cuộc sống không bon chen, không băn khoăn, không lo nghĩ, không sợ hãi. Như bèo trôi, như mây nổi. Sống với những người miền Nam đơn sơ, hồn hậu. Nay ghé Cần Giuộc, Chợ Đào mua vài chục hột vịt lộn, đong mấy chục ký gạo thơm; mai tới Tân An mua khóm miếng, bánh tráng, tới sông Tiền hái cam, hái mận, bẫy chim, săn chồn. Tôm cá thì ê hề nơi nào cũng có. Cả ghe quây quần ăn uống, cười đùa vô tư. 

Nó nghĩ rằng sau vài ba năm là cùng, những ngày đầy biến động sẽ lắng xuống, cuộc sống sẽ yên ổn dần dần. Tại sao người ta bỏ đi nhiều vậy?

*

Trong tù, là sắt máu, là tàn bạo, là u ám. Nhưng cũng có chút kỷ cương. Một quy định nào đó đưa ra đều được mọi người tuân thủ. Người thắng trận có thể tin tưởng chế độ của họ là ưu việt, họ là kẻ có công với tổ quốc; chế độ cũ là thối nát, người tù là kẻ có tội cần được cải tạo. Khoan nói đúng hay sai, nhưng với xác tín hay ngụy tín đó, kẻ thắng trận có lẽ cảm thấy có nhiệm vụ hành xử thế nào cho xứng đáng với cương vị của mình. 

Ngoài tù, chắc chắn mọi chuyện đều nề nếp, tốt đẹp, tươi sáng hơn nhiều, nó mong. Nhưng thật oái ăm, ngược lại. Những ngày hoang dã, hỗn mang  đang diễn ra trước mắt. Một xã hội điên đảo đầy rẫy dối trá, bất công, lường gạt, áp bức, ngược ngạo, tham nhũng, đểu cáng.   

Một hôm ghe chở hành khách về Mỹ Tho. Mọi người lần lượt lên ghe ngồi vào chỗ của mình. Bỗng có mấy người đi trờ tới. Một người đàn ông đứng tuổi trong nhóm, đầu đội nón cối, vai đeo cặp đựng hồ sơ, chân mang giày da, chắc là cán bộ cao cấp, lớn tiếng yêu cầu mọi người đều phải rời khỏi ghe lập tức. Không ai hiểu tại sao, nhìn chủ ghe hỏi han. Chủ ghe cũng ngạc nhiên nhưng nhỏ nhẹ yêu cầu tất cả hành khách hãy rời ghe bước lên bến xem thử có chuyện gì xẩy ra, rồi tính sau. Những người trong nhóm đó vội vàng lên ghe. Khi họ đã ngồi vào những chỗ vừa ý nhất, người đàn ông lại đứng trên mũi ghe la lớn: 

“Bây giờ yêu cầu đồng bào lên ghe ngay. Khẩn trương.”

Nó uất ức. Chủ ghe và mọi người im lặng nhìn nhau.

Một hôm khác nó đứng nối đuôi chờ mua vé xe đò về Tân Hiệp, gần Mỹ Tho. Xe 10 giờ khởi hành, nhưng nó phải tới bến xe đứng chờ lúc 6 giờ sáng. Như vậy mới hy vọng có vé lên xe. Có người làm nghề “đứng chờ” trong hàng, được một hành khách trả chút ít tiền. Hành khách đó tới sau, điền vào chỗ người đứng chờ ấy. Trước nó đã có một dòng người dài gần vài mươi mét. Gần 10 giờ, một bọn ba, bốn người từ đâu đến, lại tới đứng ngay ở đầu hàng người chờ. Tiếng la ó nổi lên. Một cán bộ trong phòng vé bước ra, bọn người đó vẫy tay chào. Một ông già lụ khụ, ăn mặc xuềnh xoàng, lôi thôi, chống gậy bước ra khỏi hàng, tới phân giải:

“Này đồng chí, mấy anh đó không coi ai ra gì cả. Tới sau giành đứng trước. Nhờ đồng chí xử lý.”

“Mày là cái gì mà đồng chí với tao? Đi chỗ khác ngay!”

Mọi người sửng sốt. Nó nghiến răng lại để khỏi bật tiếng chửi thề.     

Lại một chuyện khác nữa. Chủ ghe mua được mấy chục tấm kính lớn, đem về Bến Tre bán. Kính mỏng dùng làm cửa kính, cửa sổ, kính dày lót bàn ăn trong các nhà hàng. Loại kính này lúc đó hiếm lắm, Sài Gòn mới có. Thằng con của một cán bộ, có lẽ cấp lớn, cùng đi trên ghe,  chơi nghịch làm ngã chồng kính từ khoang trên xuống sàn ghe. Tất cả kính đều gãy làm hai, làm ba. Mọi người la lên. Cán bộ nghiêm mặt nhìn con, rồi nhìn quanh, chau mày bảo: 

“Có gì đâu mà nhặng lên cả thế. Anh chủ ghe, mua kính để làm gì?”

“Thưa, để đem về Bến Tre bán cho mấy nhà hàng… Dạ tui đã đóng thuế.”

“Mua vốn bao nhiêu? Không được nói dối. Xem nào, biên nhận đâu, đưa coi. Rồi tôi sẽ … tôi sẽ …”

Chủ ghe vội vã tiếp lời:

“Dạ, dạ. Cám ơn cán bộ lắm lắm.”

“Tôi sẽ … viết giấy cho anh … định lại giá kính vỡ này, đắt hơn giá anh mua. Kính vỡ thì dùng vào việc của kính vỡ. Anh cứ giao kính cho họ, kèm theo tấm giấy này, và thu tiền.”

 “Thưa, thưa …”

“Còn đòi hỏi cái gì nữa?”

“Tụi … tui sợ người ta không chịu trả tiiền.”

“Thì báo cáo ngay cho tôi biết. Hài lòng rồi chứ?”

Những chuyện ngược ngạo như thế xẩy ra hàng ngày, chỉ nêu lên vài ba chuyện mà thôi.  Người dân thấp cổ bé miệng uất ức, cắn răng chịu đựng. Nhưng tệ hại nhất là tham nhũng, hối lộ, từ trên xuống dưới. Và hối lộ từ bao thuốc lá, chai bia, bữa nhậu cho đến tiền của, vàng bạc, đô-la. Mọi việc muốn tiến hành trôi chảy phải có đồng tiền đút lót đi trước chẳng khác gì một guồng máy muốn chạy trơn tru phải được bôi nhớt, bôi mỡ. 

Nó chỉ biết đến thế thôi, không đủ sức để thấy được những chuyện tham nhũng, hối lộ tày trời, “kinh thiên động địa”, có tổ chức chu đáo, nằm trong hệ thống chặt chẽ, ở tầm vóc quốc gia đại sự. Nó nghe nói thế, nửa tin, nửa ngờ. 

Họ thay đổi nhanh chóng quá, nó ngẫm nghĩ. Những ngày quân quản mới tiếp thu, bộ đội, công an trông cũng có vẻ hiền lành, chân thật. Họ thường nắm tay hay choàng vai nhau đi đây đi đó, nói năng tíu tít, mắt mở to ngạc nhiên nhìn cảnh vật mới lạ, lầu đài tráng lệ, phố xá  đẹp đẽ. 

Bỗng một sáng một chiều, họ sửa lại cử chỉ, thái độ, lời nói, và cách hành xử. Họ trở thành người  xa lạ. Càng ngày càng hung hăng, tàn bạo, nham hiểm. Nó nghĩ, nó mong, rằng đấy chỉ là chuyện “hủ hoá” lẻ tẻ của từng cá nhân một. Loa phóng thanh phường khóm, báo chí, vẫn hô hào chính sách sáng ngời “trước sau như một” của nhà cầm quyền cách mạng. Trong sạch, đúng đắn, ngay thẳng, “cần, kiệm, liêm, chính”. Nhưng có quá nhiều chuyện xẩy ra chứng tỏ không phải thế. Đổi tiền là một.

Nó nhớ cả ba lần đổi tiền. Lần đổi tiền thứ nhất khiến túi tiền của người Miền Nam bỗng nhiên teo tóp lại khủng khiếp: 1 đồng Cách Mạng đổi lấy 500 đồng Việt Nam Cộng Hoà. Khi nghe tin đồn lại sẽ đổi tiền, mọi người kinh hoảng. Loa phóng thanh liền ra rả ngày đêm lên án bọn lưu manh, phản động đã tung tin thất thiệt làm nhân dân hoang mang, hoảng sợ. Ngay cả tờ báo lớn Tuổi Trẻ cũng hô hào phải bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của bọn gian thương. 

Hai ngày sau đó, trước sự kinh ngạc cùng cực của dân chúng, lệnh thu hồi tiền mới thay bằng tiền mới hơn (1đồng mới hơn bằng 10 đồng mới) được ban hành với mục đích “đem lại lợi ích cho nhân dân lao động”. Họ, không phải trường hợp riêng lẻ, mà là chánh quyền, đã dối trá trắng trợn, và quá đỗi khinh thường người mà họ tôn vinh là “người chủ” đất nước, trong khi họ chỉ là “đầy tớ” của nhân dân.

Người dân mất lòng tin. Tuyệt vọng. Cho nên không phải vì gian nan, nghèo đói, mà người ta bỏ nước ra đi, dù không biết sẽ tới nơi nào trên thế giới mênh mông này, dù biết rằng sẽ gặp nhiều gian nguy đang chờ đón, hay có thể bị vùi thân trên biển cả, hay trong rừng sâu. 

Tất nhiên những người vượt biên, những thuyền nhân cũng không biết nếp sinh hoạt, tập quán, của nơi họ có thể đến nếu họ sống sót. Thế nhưng, khác hẳn phái nam thường liều lĩnh, phái nữ vốn cẩn thận và lo xa. Ngoài hai ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh, và tiếng Pháp, họ cố công học nhiều nghề như may vá, đan len, thêu thùa, cắm hoa, nấu ăn, làm bánh, làm việc ở nhà hàng, trang điểm, làm tóc, làm móng tay, làm đồ nữ trang vàng, bạc, trồng hoa, v.v… Một số có khiếu âm nhạc thì học đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tì bà. Lại có cả người học khiêu vũ. 

Nhiều người làm việc đồng áng cũng không muốn sống trên mảnh vườn, thửa ruộng ông cha để lại. Người làm nghề chài lưới thì sẵn sàng giã từ sông ngòi, biển cả thân yêu, quen thuộc. Họ ra đi không chút chuẩn bị, cũng không cần chữ nghĩa. Họ nghĩ rằng dân những nước khác văn minh hơn nước mình, không ưa chuộng những nghề tay chân nặng nhọc, nên họ sẽ có việc làm để kiếm sống. 

Có lẽ chẳng ai mong ước rằng họ và nhất là con cháu của họ sẽ có ngày chen chân vào những nghề nghiệp trong lãnh vực y, dược, nha, luật, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, binh bị, vân vân. 

Ông chủ ghe, có sẵn ghe, lại càng không muốn ở lại. Cả tháng ông hỏi dò từng người một riêng lẻ, những người làm việc với ông, xem có ai muốn ra đi hay không. Ông cẩn thận như thế cũng phải. Biết đâu có công an trà trộn. Mọi người đều mong lên đường càng sớm càng tốt. 

Có nó trong đó, không chút phân vân. 

Ngự Thuyết                                                                                                                                                4/2024     

 [1] “24 giờ phép” của Trúc Phương.  Duy Khánh hát.  

* Truyện bộ ba (trilogy) của Ngự Thuyết: Câu chuyện của nó (1)

https://diendantheky.net/truyen-bo-ba-trilogy-cua-ngu-thuyet-cau-chuyen-cua-no-1/