Truyện bộ ba (trilogy) của Ngự Thuyết: Trống (3)

Nó thích nghe trống.

Trống trường một hồi chuẩn bị, hai hồi vô lớp, khi còn học tiểu học. Vì nó chăm học nôn nao chờ trống gọi vào? Không phải. Vì thích nghe trống mà thôi. Tiếng trống dồn vào tai, dội vào  ngực. Làm tim nó đập nhanh hơn, lòng thấy hồi hộp. Rồi tự nhiên hai chân của nó theo tiếng trống thúc giục bước mau đến trường. Nếu không có tiếng trống, chắc chắn nó trốn học nhiều hơn nữa. 

Nó khổ sở mỗi sáng phải vào lớp. Thì trốn học. Trường học là trường làng ở nhà quê. Đi lêu lổng trong các xóm nhỏ thay vì đến trường chẳng ai để ý đến mình. Con đường xóm ngoằn ngoèo lác đác lá tre khô gió dồn thành ụ nhỏ. Những vườn cây trái chim hót, bướm bay, chuồn chuồn lượn. Con hói nhiều khúc bèo xanh trải thảm, hoa tím lấm tấm. Trên trời thì mây trôi bao la. Trên đường làng thì các mụ, các o nách rổ le te đi chợ. Và đồng lúa xanh rì, những đứa bé chăn trâu ngồi trên lưng những con trâu đen bụng to tròn đi thủng thẳng. Cảnh tượng rất quen thuộc, thân yêu.  

Mà có buồn ngủ, chuyện này thường xẩy ra, thì chui vào bên trong lòng một bụi tre rậm, kín đáo lắm, ngủ ngồi, dựa lưng vào một gốc tre lớn, hay nằm dài trên lớp lá tre khô êm êm..

Khi gặp lũ trẻ nhà nghèo không được đi học đứng câu cá dưới bến hói, nó xin câu ké trong chốc lát. Lũ trẻ thường gặp nó, bằng lòng ngay. 

Cá cắn câu, chiếc phao chìm xuống một chút, đọt cần câu hơi rung rung, giật nhẹ lên con cá đã dính vào lưỡi câu vung vẩy trên mặt nước phô cái bụng trắng hếu, kéo cá vào, rồi gỡ cá ra khỏi lưỡi câu nghe nó quẫy mạnh trong lòng bàn tay đê mê. Thích thú vô cùng. Chứ ngồi trong lớp học chống cự giấc ngủ thì thật là khốn khổ. 

Bỗng tiếng trống thùng thùng. Nó hồi hộp, nói lên thành tiếng, “Mới đó mà đã trống ra chơi.” Vội bỏ cá vô cái oai của lũ trẻ, tất tả chạy tới trường. Không xa lắm. Nhưng tới nơi thì vừa hết hồi trống vào. Học trò đã sắp hàng lần lượt vô lớp. Nó đứng xa tần ngần nhìn. Nó biết nó không thể vào lớp sau hồi trống ra chơi. Cây thước lăm le của ông thầy, và những cặp mắt lấm lét xoi mói của tụi bạn học. 

Ngẩn ngơ nhìn trường. Ngôi trường bỗng trở nên lạnh lùng, nghiêm khắc, xa lạ. Nó đành  đi lẫn vào một con xóm nhỏ khác, tránh gặp người quen. Rình rập như kẻ trộm. 

Học hành như thế nên nó ở lại lớp hai năm thời tiểu học. Cũng biết làm 4 phép toán cộng trừ nhân chia. Thường làm sai vì không tập trung, và không thuộc cửu chương. Viết thì như gà bới, nguệch ngoạc, lem luốc. Đọc thì như gà mổ, lủng ca, lủng củng, nhảy chữ. Những môn như Sử, Địa, Thường Thức, Khoa Học, rất kém. Văn càng tệ. Nghĩa là môn học nào cũng dưới trung bình khá xa. Tuy nhiên nó cũng nhớ lõm bõm vài ba câu trong mấy “bài học thuộc lòng” thầy đem ra giảng dạy. Chẳng hạn:

Thấy người hoạn nạn thì thương

Thấy người tàn tật lại càng trông nom

Thấy người già yếu ốm mòn

Thuốc thang cứu giúp áo cơm đỡ đần

Bài này của ai, hay là ca dao, nó không biết. Chỉ biết rằng mỗi lần lẩm nhẩm đọc lại, nó cảm thấy vui vui, nao nao. Người làm ra bài này chắc hiền lành lắm.

Và nhất là Lính Thú Đời Xưa:

Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu vai mang súng dài

Một tay thì cắp hoả mai

Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền 

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.

Nó nghĩ lan man đến đời lính. Súng, gươm, bao vàng, nón dấu. Oai và đẹp. Lính ngày xưa có khác. Mà sao lại nước mắt như mưa? Vậy cũng có chuyện chi buồn lắm. Và tiếng trống ngũ liên thùng thùng nghe thật rộn ràng, thúc giục, chắc chắn hay hơn trống trường, trống đình làng, tuy nó không hiểu ngũ liên là gì. 

Những hôm không trốn học, vào lớp, nó như gà mắc đẻ. Mắt nhìn quanh dáo dác, tay chân ngứa ngáy liên hồi, hết sờ đầu lại giụi mắt, hết gãi tai lại nắn cằm. Chỉ một chốc thôi, giấc ngủ từ từ tiến đến. Tiếng thầy giáo giảng bài nghe thoang thoảng như cơn gió nhẹ thổi qua cái đầu tóc rối bù, như ai nói thì thào trong mơ. Rồi gục đầu xuống, kê đầu lên hai cánh tay đã ôm choàng lấy mặt bàn từ bao giờ. Thở đều phì phò. Thì cây thước của thầy đánh mạnh vào cánh tay làm nó giật bắn người. Đau buốt. Nó sợ sệt nhìn thầy, chờ thầy răn dạy vài câu, rồi nhìn vết bầm tím hiện lên trên cánh tay. Nó biết lỗi, không oán thầy lắm, nhưng nó không chịu nổi tiếng cười như chuột rúc, và những cặp mắt tinh ma, độc ác của lũ bạn học quỷ quái. Tụi đó hễ có dịp là tìm cách “hành hạ” nó. Bạn chi mà bạn, kẻ thù đó thôi. Cho nên, đối với nó, lớp học là địa ngục.

Tại sao thầy và bạn lại đối xử tệ hại với nó đến như thế, nó không hiểu. Nhiều khi nó nghĩ rằng người ta chẳng khác cọp beo trong rừng là bao, mắt hau háu, dữ dội, gặp nhau là tìm cách loại trừ nhau. Nó là cái gai của bọn học trò cùng lớp, cái bực bội đối với ông thầy, cục nợ của ông chú. 

Mồ côi cha sớm, mẹ đi lấy chồng xa. Xa lắm, không biết nơi nào, nó nhớ không tới. Nó ở với chú nó. Chú thím có hai đứa con lẽ ra phải gọi nó là anh. Nhưng chỉ luôn miệng “mi tau, mày tao”. 

Nhà nghèo. Ban đêm nó và hai thằng “trời đánh” ngủ chung trên cái phản gỗ bị mọt ăn lỗ chỗ. Ba đứa đắp chung một cái mền mỏng, nhưng nó luôn luôn bị hai thằng nhỏ ức hiếp, giành trọn chiếc mền. Vốn ít nói, cuối cùng nó âm thầm kiếm một chỗ ngủ tại nhà bếp gần chuồng heo, nền đất, phên tre. Chiếc chiếu rách cuốn quanh người, nằm co quắp rán chờ giấc ngủ. Ông chú say sưa thì chẳng nói làm gì. Bà thím thấy thế, hỏi qua loa vài câu cho xong chuyện. Nó chưa trả lời hết câu nói, thím đã vội bước đi nơi khác. Nó có linh cảm thím biết chú ưa đánh đập nó, cho nên đối với nó thím không dám tỏ vẻ ân cần, săn sóc. Thím sợ chú.

Sau ngày tựu trường là những tháng mưa giầm gió bấc. Mưa gió luồn qua phên tre, bay tới chỗ nó ngủ. Ban đêm, trong chiếc chiếu rách trống đầu và hai chân, nó lạnh lắm. Nhiều đêm  không ngủ nổi, nó ngồi dậy bó chân nghe mưa gió. Thỉnh thoảng lẫn trong tiếng mưa rơi, tiếng gió gào, là tiếng trống từ những làng xa văng vẳng. Trống cầm canh, trống tiều khua, như trong các bài học ở nhà trường? Hay trống từ các ngôi đình, ngôi chùa khi có lễ hội? Hay trống báo nước lụt? Hay trống báo cướp? Trống gì đi nữa cũng gieo trong lòng nó nhiều liên tưởng vẩn vơ. Tiếng trống xa trong đêm khuya có khi nghe như lời mẹ ru. Mẹ? Nó vội vàng xua đuổi cái ý nghĩ buồn bã đó. Đêm dài, nhờ vậy, qua đi, qua đi. 

Nó cũng thích nghe trống chầu hát bội. Tiếng trống nện thùng thùng theo cảm hứng của người đánh trống, thường là một người đã lớn tuổi, có ghế ngồi bên dưới sân khấu trước cái trống to. Nhờ có trống chầu, tuồng hát mới bừng bừng nổi dậy. Nó thường lắng nghe, nhưng chỉ được một lần vào trong rạp coi tận mắt.     

Chú nó vắng nhà suốt ngày, làm thợ mộc cho một xưởng gỗ. Tối về trễ say sưa. Luôn luôn cho nó ăn roi khi biết nó trốn học. Hai thằng “trời đánh” không bao giờ quên mách lẻo. Về sau, không trốn học nó cũng bị ăn đòn. Thành thói quen nơi chú rồi mà, thích đánh nó. Không đánh đập, chú cảm thấy thiếu thốn một cái gì, ăn cơm không ngon, chứ có phải chú muốn rèn luyện, uốn nắn cho nó nên người đâu như chú nói lè nhè trong cơn say. Hai thằng “trời đánh” thỉnh thoảng cũng bị chú đánh, có lẽ vì đánh một mình nó chú chưa đã tay. Nhưng rõ ràng đánh nhẹ tay hơn, nó biết. Đôi lúc nó bị đánh quá tàn bạo. Bà thím nhìn thấy đâm hoảng, nhưng sợ chồng, im thin thít như chiếc bóng. Đã mấy lần chú cầm roi quất thím túi bụi, hai cánh tay của thím quơ quơ chống đỡ làn roi, miệng tru tréo, đầu tóc bung ra xoã kín mặt mũi, người co rúm.  

Khi nào chú cầm roi nhịp nhịp, nó cảm thấy yên tâm, nhẹ cả người. Nó biết thế là chú không say quá độ, sẽ đánh nó vào mông, hoặc xui xẻo cho nó, cây roi thỉnh thoảng vụt lạc vào ngang lưng, đau quắn cả người. Được đánh vào mông còn gì may mắn bằng, nghe bốp bốp như tiếng trống cơm, vì trước khi bị ăn đòn, nó mặc hai cái quần cụt có nhiều miếng vá, giữa lót một lớp mo cau mỏng. Chú biết gì đâu, say mà. 

Nhưng khi chú say mèm, vô cùng nguy hiểm. Hai bàn tay hộ pháp trông chẳng khác cặp chày giã gạo, nện liên hồi. Hai bàn tay nắm chặt lại thành nắm đấm, xương xóc, gân guốc, mạnh bạo, dữ dội, dộng vào bụng, vào ngực, vào đầu! Đau thấu tim phổi, đứt ruột. Đau không khóc ra tiếng! Mấy lần nó chết đi sống lại.   

Vậy mà nó cũng học hết tiểu học. Sau đấy nó không thi đậu vào trường trung học công lập để khỏi phải trả học phí. Tất nhiên phải thế, vì học lực kém. Nó nghĩ rằng thôi thế là hết, thế là chấm dứt chuyện học hành. Cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Nhưng lạ thay, chú cũng cho nó học trường tư thục được hai năm. Trong sâu xa, chú có nghĩ xa, nghĩ gần đến nó chăng? Xa trường làng, ít bị để ý, nó càng trốn học nhiều. 

Nhưng niên khoá tiếp theo, nó không được cho đi học nữa. Cái sung sướng là bớt bị đánh đập, vì không đi học thì không còn bị trị tội trốn học nữa. Ngược lại phải làm việc nhà nặng nhọc quần quật suốt ngày. Gánh nước, giặt giũ, chẻ củi, bứt tót [1], nuôi heo, nấu ăn. Nó làm việc của thím, thím xoay qua buôn nón lá để kiếm thêm chút tiền phụ với chú. Thím nhỏ người, ốm o, đội trên đầu một chồng nón lá nặng trĩu, đi lết bết hết chợ này đến chợ khác, thấy thảm thương. 

Nó buồn lắm, nhất là mỗi sáng nhìn theo hai thằng “trời đánh” cắp sách đến trường sau khi ăn bát cháo nóng do nó vừa nấu chín. Cho đến lúc ấy nó mới tỉnh ngộ ra rằng đi học sướng hơn nhiều. 

Tiếng trống trường của thời tiểu học, của tuổi thơ, của quá khứ, ngày ngày vẫn vang vọng tới nó, nghe rầu rầu như tiếng mưa rơi trên những đọt lá chuối trong khu vườn vắng teo chỉ một mình nó đứng sững nơi đó như bị “trời trồng”, sau khi mọi người rời khỏi nhà. Vâng, từ ngày thím đi buôn nón lá, nó ở nhà một mình.

Tuy nhiên, nó vẫn nuôi hy vọng. Chú đã cho đi học trường tư được hai năm, tức là có thương, hay ít nhất có nghĩ đến tương lai của nó. Nhưng lỗi ở nó, cứ trốn học hoài, nên chú trừng phạt bắt ở nhà làm việc nhà một năm cho nó sáng mắt ra. Nó nghĩ thế. Một năm thôi là quá đủ, phải không thưa chú? Nó lẩm bẩm nói một mình như thế không biết bao nhiêu lần. 

Qua năm sau, nó hồi hộp chờ đợi. Vốn “mủ mít” và sợ, nó không bao giờ dám mở miệng ra để xin chú cho đi học lại, và hứa sẽ không bao giờ trốn học nữa. 

Đến ngày khai trường, nó càng bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên. Nhiều lúc hoảng hốt, nhiều lúc rưng rưng nước mắt.

“A cái thằng này,” chú lớn tiếng. “Có chuyện chi vậy?”

“Dạ không có chi cả, thưa chú.”

“Thì dọn đồ ăn sáng mau lên. Trễ rồi. Hôm nay hai em mi đi học lại. Tựu trường, mi không biết hả?”

“Dạ. Dạ biết.”

Chú quắc mắt nhìn. Nó cúi đầu, rồi lãng đi nơi khác. Thế là hết. Thế là chú sẽ trừng phạt thêm một năm nữa chăng? Mình sẽ gian khổ thêm một năm cũng phải rán chịu. Nhưng … Hay là mình sẽ không bao giờ được đến trường nữa? 

Có khi nó tự hỏi tại sao đang được đi học ngon lành lại trốn học. Lười? Chán? Bài vở khó? Không hiểu thầy nói gì? Đâm nản? Hình như không phải hoàn toàn như vậy. Hình như nó có máu xấu, tật xấu, thầy bảo thế. 

Mỗi buổi sáng ngồi trong lớp độ nửa tiếng là cơn buồn ngủ ập đến. Chống cự cơn buồn ngủ khó quá. Khó hơn lội qua con sông rộng bị hụt hơi, thở cá. Uống một bụng nước đầy rồi cũng có thể rán sức lóp ngóp vào được bờ. Nó đã trải qua mấy lần bơi qua sông như thế. Còn buồn ngủ? Xin thua. Cơn buồn ngủ chẳng khác gì quân xâm lăng bằng hơi độc. Dần dần cái đầu nó gục xuống lên cánh tay duỗi trên bàn học từ bao giờ không thể nào hay biết được. Cũng không biết đã thở phì phò, ngáy pho pho, như lời lũ bạn học quỷ quái chế nhạo. 

Nhưng tại sao buồn ngủ đến thế? Người có máu xấu ngồi yên một chặp là buồn ngủ, rồi ngủ gục. Nó cũng máu xấu chăng? Hay là, hay là vì cái gì khác. Vì … Thôi, đúng rồi, nó chợt nghĩ ra, vì nhiều đêm lạnh quá không yên giấc nổi, thao thức suốt canh thâu. Buổi sáng tới trường là ngủ. Lâu ngày thành thói quen. 

Tiếng trống xa trong đêm khuya lại nghe như lời thì thầm trong đầu, trong ngực, trong tim. Như kêu gọi, như thúc giục, như đe dọa. Như chuyện trò. Có khi nó cảm thấy tiếng trống khuya dành riêng cho một mình nó nghe mà thôi. Nó lẩn thẩn chuyện trò lại. Này trống, có phải chỉ có trống chầu hát bội mới dùng để tung hô, còn lại toàn là trống lệnh.        

Trống chầu đánh sau vuốt ve, tán thưởng một câu hát hay, một điệu múa đẹp. Các trống khác đánh trước để giục người ta hành động. 

Hồi thơ ấu, trống gọi vào trường. Lớn thêm, nghe nói có trống đuổi bọn cướp vào mùa lụt. Rồi trống hiệu lệnh đóng cửa thành trong các truyện Tàu. Nơi chiến trường, nghe trống phải tiến, nghe chiêng mới lui. Trống ngũ liên trong “Bài học thuộc lòng” là trống kêu gọi lên đường ra trận chăng? Nhưng ghê rợn nhất là trống đánh chặt đầu. Sau ba hồi trống, cây giáo của đao phủ lia ngang, đầu tử tội rơi xuống lăn trên bãi đất đầy oan hồn nơi pháp trường. May mà cũng có trống gọi hồn, giải oan trong chùa chiền, am, miếu. Nhờ vậy hồn ma có chốn về. Bằng không, ma sẽ vất vưởng nơi trần gian, lê la suốt đêm dài cho đến khi gà gáy đuổi ma trở về âm phủ. Nó thường ngồi một mình trong đêm khuya, run rẩy, thao thức. Cửa nẻo đóng kín, nhưng ma tàng hình đi qua được mọi thứ cửa của dương thế. Nó nghe ngoài vườn chốc chốc có tiếng động.  Tàu cau già rụng xuống, gió rít trên ngọn cây, chó hoang, mèo hoang chạy rông. Và ma rình mò bóp cổ.  Nó sợ ma hơn cả sợ chú.

Nhưng thứ trống này thì về sau lâu lắm nó mới hiểu được môt phần:

Trống treo ai dám đánh thùng

Khi không ai dám giở mùng chui vô 

Đúng, nó ngẫm nghĩ, câu thứ nhất rõ nghĩa. Thấy trống có lẽ ai cũng muốn cầm dùi nện một phát cho sướng tay, sướng tai. Nhưng muốn là một chuyện, có ai dám không là chuyện khác.  Còn câu thứ hai? Ngoài sự hiểu biết của nó. 

Nó ao ước sau này khi lớn lên được làm nghề đánh trống. 

Có nghề đánh trống không nhỉ, nó tự hỏi. Phải là nghề thì mới kiếm được miếng cơm, manh áo. Kể cả đi câu cá cũng là nghề. Nó nhớ những lần trốn học đi câu. Hay đánh trống chỉ là nghề phụ. Phụ cho ban ca kịch, phụ cho lính ánh giặc, phụ cho thầy pháp vung tay bắt ấn. Hay tệ hơn nữa, đó không phải là nghề ngỗng gì cả, có cũng được, không cũng được. Vậy mà nó thích trống, chớ không phải chơi.  Ngay cái tên “trống” cũng đầy “xui xẻo” rồi. Bởi vì trống nghĩa là rỗng tuếch, tộng bộng, trống không. Ngôi nhà hoang trống vắng, hiu quạnh, cái túi rỗng không có được một đồng xu.  

Nhưng suy đi nghĩ lại cho kỹ, phải nhờ khoảng trống rỗng đó, trống mới kêu thành tiếng rôm rả, giòn giã. Nếu không, chỉ là miếng da bò, da trâu trơ trơ, ù lì, đánh vào nghe bịch bịch. Cũng thế, nhờ có khoảng trống, cái chuông mới ngân vang, cái ly mới đựng được nước. Cái chuông đặc cũng đâu có kêu xa, cái ly đặc thì chỉ là một cục chai thô tháp, vô dụng. Tóm lại cái trống rỗng có thua gì cái đặc sệt. Rắc rối quá, nó lẩm bẩm. 

Tất nhiên những điều nói trên không phải do nó nghĩ ra. Một lần nó nghe lóm cái lối nói say cung, say kiện đó từ câu chuyện của bác xóm trên cùng với chú của nó khi chú không say. Bác còn bảo đấy là lời nói quý giá, hay ho, của người xưa để lại. Và nó bị câu chuyện đó ám ảnh hoài.

Chiều hôm đó nhiều hồi trống vang dội từ ngôi Đình Cả. Làng của nó nằm dài theo một con đường cái, gồm có mấy thôn nhỏ, mỗi thôn có một ngôi đình riêng. Đình Cả, lớn nhất, là đình của làng, tức là đình chung cho các thôn. 

Nó biết có đám hội. Mỗi năm đều có vài lần hội hè đình đám được tổ chức tại Đình Cả, không xa nhà nó ở là bao. Hôm có đám hội đó, chú không say rượu lúc đi làm về như mọi khi. Chú cũng còn nhớ được rằng cúng đình xong sẽ tha hồ rượu chè say sưa. Cả nhà đi cúng đình, hai đứa con cũng được cho đi theo cho biết. 

“Mi ở nhà coi nhà.” 

“Dạ.”

Nó nghe nói cúng đình sẽ rất long trọng. Bàn thờ được thiết giữa sân đình. Hương trầm ngào ngạt, đèn đóm sáng trưng, cờ đuôi nheo, phướn, nhiều màu bay phất phới, hoa quả, xôi thịt, rượu chè ê hề. Và mấy giàn trống. Tế lễ xong, người lớn ngồi chiếu trên, chiếu dưới, ăn uống, và rượu. Con nít cũng được chia những nắm xôi trắng, miếng thịt heo, gói trong lá chuối, nhưng không có chỗ ngồi. Chúng vừa đứng ăn vừa coi cúng quảy, hát múa, và đánh trống. Con nít thích trống lắm. Trống đánh là dành riêng cho trẻ con không chừng, nó ngẫm nghĩ.

Trống, trống, và trống. Nó chỉ được nghe và thấy trống trường. Được một lần nghe và thấy trống chầu hát bội. Ngoài ra không còn trông thấy trống nào khác nữa. Trống đình chắc chắn khủng khiếp hơn trống trường nhiều, nó đoán.

Lúc trời còn nhá nhem tranh tối tranh sáng, một hồi trống nổi lên. Vang xa, oai hùng.  Bay xuyên qua những rặng tre, bay lướt trên đọt cây, bay là là trên mái tranh, bay khắp không gian đêm. Chỉ vài phút sau, những hồi trống khác tiếp, lúc ào ạt như sấm nổ, lúc khoan thai như gió thoảng. Cuối cùng, nghe như tiếng chim cu gáy kêu xa xa lịm dần khi bị gió đàn. Cứ thế, hết đợt trống này đến đợt trống khác, liên miên bất tận. 

Nó bước ra khỏi cửa, đứng giữa cái sân đất, chổng hai tai nghe. Xóm làng vắng teo, mọi người đều đổ xô tới đình. Càng về sau, trống càng dồn dập. Không đừng được, nó định trèo lên cây nhãn nghe cho rõ hơn, nhưng sợ đêm tối vô ý làm gãy những chùm nhãn lồng mà chú thím  quý hơn vàng. Nó quay qua trèo lên cây cau cao nhất gần cổng nhà. Trèo lên cho đến tận bắp cau, hai tay níu bẹ cau, hai đùi và chân kẹp cứng vào thân cau, tai nghe trống đánh, mắt nhìn ánh lửa bập bùng sau những hàng cây xanh đen. Nhưng nó không thể nào thấy được những giàn trống lớn nhỏ. Nghe nói năm nay cúng đình lớn, có múa kỳ lân, hát bội, nghĩa là có thêm nhiều thứ trống khác nữa.  

Đeo lên cây cau một chốc thôi đã thấy mệt nhoài, nó đành phải trụt xuống. Nó nhớ trong đêm khuya, tiếng trống xa như lời thì thầm, chuyện trò. Như lời ru. Nay tiếng trống gần quá. Đấy là những tiếng quát tháo, giận dữ, ra lệnh. Trống bảo phải làm cái này, cái kia. Làm gì nhỉ? Ngoài đó, ngoài đình làng, người ta rần rần làm nhiều việc theo tiếng trống thùng thình. Thì một mình trong này, nó cũng phải làm cái gì chứ. Nhưng nó nghĩ mãi chưa ra. Đi lui đi tới, múa may như điên dại, chạy quẩn quanh trong cái sân tối.

Đột nhiên nó nhớ câu nói ngắn ngủi của chú, “Mi ở nhà coi nhà”. Ghê gớm thật, lời nói có khác nào dây kẽm gai, hay bức màn sắt vây quanh đời nó. Lời nói là thành lũy, là hầm hố, là gươm giáo tua tuả ngăn chận không cho nó bước chân ra khỏi sân để lẻn tới đình coi trống. Nó đành quay trở vào nhà bếp, tới gần chuồng heo, uể oải thả người nằm xuống, cuốn mình trong chiếc chiếu rách.  

Giấc ngủ chờn vờn tới. Và tiếng trống đi vào giấc mơ quái đản, hãi hùng. Nó mơ thấy nó không tìm ra trường học cũ, cũng không tìm ra đường về nhà, đi lạc vào một nơi xa lạ. Thú dữ, quân cướp, chém giết, quay cuồng như ma trơi nhảy cỡn nhịp nhàng theo tiếng trống trận.  

Tiếng nói lao xao của chú, thím, và hai thằng nhỏ đánh thức nó dậy. Thế là hết đình đám, hết trống. Nó nằm trằn trọc mãi cho đến gần sáng trong khi mọi người đều ngủ say. 

Lạ quá. Lẫn trong tiếng ngáy đều đều của chú, tiếng chuột rúc thỉnh thoảng nơi xó nhà, tiếng dế ri rỉ ngoài vườn, tiếng trống đình làng vẫn còn lùng bùng dai dẳng trong đầu nó. Nó nghe như thiệt. Bỗng nhiên, như có lệnh truyền, nó nhổm dậy, bước nhanh ra khỏi nhà, không kịp mang theo cái gì cả. Tay không, chân mang đôi dép mòn nhẵn. Không một đồng xu dính túi. Và cũng không biết nên đi đường nào, hướng nào cho “yên hàn vô sự”. Mà yên hàn vô sự là cái quỷ quái gì vậy, nó không hiểu nổi, cũng như không hiểu nổi nhiều điều chú nói ngay cả khi chú không bị con ma rượu làm điên đảo. Thằng cà chớn tê, “yên hàn vô sự rồi hả?” 

Lom khom bước ra khỏi nhà đi một quãng ngắn, rồi chui qua khỏi hàng rào hóp chạy dài trên một lối mòn nhỏ, nó bỗng thấy thấp thoáng mấy bóng người dưới ánh trăng nhợt nhạt cuối xóm. Nó lủi ngay vào một cột rơm nằm trong khu vườn của một người trong làng mà nó có bíết. Một con chó con bỗng ló ra, đứng xa xa chu mỏ hướng về nó sủa ăng ẳng. Nguy quá,  lỡ người trong nhà nghe thấy. Quả nhiên bác hàng xóm từ trong nhà lù lù bước tới, tay cầm cây rựa. Đấy là bác hàng xóm thỉnh thoảng chuyện trò với chú nó. Người nó bỗng tê liệt, không còn hơi sức đâu mà bỏ chạy được nữa.  

Bác nhận ra nó ngay. Nó ấp úng giải bày. Nó không có “khoa ăn nói”, nhưng bác hiểu nó muốn nói gì. Bác còn có vẻ biết rõ hoàn cảnh của nó từ trước tới nay, ân cần dẫn nó vào trong nhà. 

Mọi người chưa ai dậy. Con chó bây giờ đã để nó yên, không sủa nữa, chạy đến ngửi ngửi vào chân nó, rồi cuống quýt chạy qua chân bác. 

Bác hỏi nó định đi đâu, nó lúng túng nói không biết sẽ đi đâu cả. Nó biết bác nghèo, nhưng bác cho nó một số tiền khá lớn đối với bác, và bảo nó phải đi thật xa, ra ngoài Quảng Trị, hay tuốt vô Quảng Nam, chớ đừng quanh quẩn tại cái đất Thừa Thiên này mà có ngày bị nạn. Rồi tìm đến một đồn lính nào đó cũng được. Tới đấy phải nói năng lễ phép với lính canh, xin được vào trong đồn bảo có việc khẩn cấp cần khai báo. Mà không vô ngay được đâu, chắc là phải đứng chờ lâu. Khi vào được, đừng lí nhí cái miệng như rứa, phải chịu khó mạnh dạn nói rõ hoàn cảnh, khai thêm tuổi, và tình nguyện xin vào lính. Bác dặn đi dặn lại thật kỹ, và bắt nó lặp lại những gì cần phải nói. 

Nếu đi lính không được, bác nói tiếp, chỉ còn cách tìm đến một ngôi chùa cũng thật xa, xin làm công việc nấu nướng, quét dọn, gánh nước, bửa củi. Hay lần mò tìm xuống các làng đánh cá ngoài cửa biển xin làm dân chài. “Nhưng mi có ăn học, đi lính thì hay hơn.”

May mắn thay, cuối cùng nó được nhận vào lính, và trở thành chú lính trẻ nhất trong đồn binh. Đời lính là một lối thoát kỳ diệu đối với nó. Với thời gian, nó trở nên tự tin hơn, bạo dạn hơn, được đồng đội thương yêu và ngược lại. Trong một thờ gian dài, nó sống với gia đình chú thím, nhưng luôn luôn cảm thấy cô quạnh như sống một mình, nay có bạn đồng ngũ, có người để chuyện trò, lại có thì giờ rảnh rỗi để đùa giỡn, vui chơi. Thỉnh thoảng được đá banh, đánh bóng chuyền, tập đánh đàn, thổi sáo. Cuộc sống đã bước sang một trang mới sáng sủa hơn xưa nhiều lắm. 

Có điều nó lấy làm tiếc rằng trống canh, trống đồn, của một thời không xa mấy nay không còn nữa. Ra trận cũng không có trống như trong sách nó đọc. Chỉ còn trống trong các cuộc duyệt binh, được nghe, được thấy trên TV. Và trống trong ban quân nhạc. 

Cuộc đời của nó bất hạnh và phi lý. Ở với chú thím, gian khổ, thì kéo dài mười mấy năm trời. Vào lính, như cá gặp nước, thì chỉ hơn một năm rồi tiêu tan như mây khói. 

Đất nước đang lâm vào cảnh nội chiến, giết nhau như điên như khùng trong mấy mươi năm liền. Trong một trận đánh lớn cuối Tháng Tư, năm 1975, số thương vong của cả hai bên lên đến con số khủng khiếp. Ta cả ngàn chiến sĩ hy sinh, địch nghe nói chết nhiều hơn. Trong trận đánh đó, đơn vị của nó bị địch quân đông gấp nhiều lần đánh cho tan tành. Nó cố gắng cõng người đồng đội ra trận địa. Kết cục, bạn nó không thoát chết vì mất máu nhiều, nó bị thương nặng, gãy một chân. Liệu thương binh bên thua trận có được săn sóc hay không? Không biết số phận nó ra sao. 

Từ đấy, không còn tin tức gì về nó nữa. Hay nó đã qua đời.

*

Hơn nửa thế kỷ sau tại một thành phố nghỉ mát nổi tiếng. Thành phố này nằm trên một hòn đảo trong chuỗi đảo ở Bắc Thái Bình Dương.

Cơn đại dịch COVID khủng khiếp đang dần dần tan biến. Du khách từ nhiều nơi đến, kể cả từ nhiều nước trên thế giới. Một số du khách vẫn cẩn thận đeo khẩu trang dù không còn lệnh phải làm như thế nữa trên hòn đảo này. Khắp các đường phố những dòng người chen nhau đi chẳng khác gì những đàn kiến dài vô tận. Trên lề đường men theo bờ biển, nơi có nhiều bãi biển đẹp, xe hơi đậu kín kéo dài đến gần 20 cây số. Những xe không kiếm ra chỗ đậu nối đuôi nhau chạy chầm chậm xa trông như dòng nước chảy lờ đờ. Sau hơn hai năm bị bó chân bó tay vì cơn đại dịch, người ta như chim sổ lồng tung cánh bay vào trời cao biển rộng. 

Tại một góc phố đông đảo, một nhóm người đứng tụ lại tò mò nhìn một cảnh tượng lạ mắt. Một người đánh trống ngồi trước một giàn trống kỳ quặc. Chỉ có ba cái trống cũ kỹ, da mòn nhẵn, sườn móp méo. Một trống lớn, hai trống nhỏ. Trống lớn đường kính cũng chỉ độ nửa mét, hai trống nhỏ trông như đồ chơi của trẻ con. Và đủ mọi thứ lỉnh kỉnh phụ vào: chuông, mõ, khánh; nồi, niêu, soong, chảo; chai, chén, đĩa, tách; chậu sành, chậu sứ, chậu đất nung; lon cô-ca, lon bia, lon sữa bò, lon đồ hộp, vân vân. Không thấy cái xập xõa nào cả. Một vài món trong những thứ lỉnh kỉnh đó dùng để thay thế xập xoã chăng? 

Người đánh trống gầy gò, dạn dày. Áo quần rằn ri cũ mèm, đầu đội nón da thú đã nhàu nát, chân mang giày ống ngắn, gót cao gót thấp, bụi cát dính đầy. Khó đoán tuổi, có thể từ 70 đến trên 80, mặt mày nhăn nheo, một vết sẹo chạy dài từ mang tai bên trái đến cằm. Đôi mắt giấu sau kính đen. Tại sao đôi giày gót cao gót thấp? Hay vì đôi chân cái dài cái ngắn? 

Hai tay ông ta cầm hai dùi trống ngắn, đúng ra là hai cái que nhỏ, đánh lia lịa vào giàn trống trước mặt, thành thạo, điệu nghệ, như làm trò ảo thuật. Tuy không có thêm bộ phận dùng để đánh trống lớn bằng bàn đạp, nhưng những tiếng “nhẹ như bấc nặng như chì” nghe cũng rộn ràng, nhịp nhàng với những “nhạc cụ” lú khú khác. 

Những nhịp điệu quen thuộc ngày xưa thường nghe tại những vũ trường Sài Gòn lại có dịp vang dậy nơi một góc phố trên hòn đảo xa xôi này: rumba, bolero, ballad, pasodoble, tango, disco, calypso, twist, cha cha cha, mambo, soul, swing, bebop, valse, boston, v.v… 

Hẳn là người Việt Nam mới quen những điệu trống nhảy đầm đó chăng? Có lẽ không hẳn thế. Những điệu trống ấy vốn có nguồn gốc từ phương Tây, hay Phi châu, chứ đâu phải xuất xứ từ Á châu, Việt Nam. Vậy hãy nhìn nước da, khuôn mặt người đánh trống? Khuôn mặt khó đoán, da sậm nâu. Vậy cũng có thể là Mễ Tây Cơ, hay Nam Mỹ. Người đánh trống chưa  mở miệng nói một tiếng nào, cho nên càng khó đoán gốc gác của hắn. Mà nếu hắn có nói đi nữa, có lẽ cũng lại nói tiếng Anh lơ lớ thôi. Khó biết nguồn gốc của hắn căn cứ vào giọng hắn nói tiếng Anh . 

Đôi khi hắn trở chứng không đánh trống theo nhịp điệu nào cả. Hai dùi trống trong đôi bàn tay phù thuỷ vung vẩy vùn vụt, lướt nhanh lên cái gọi là giàn trống ấy. Có lúc dùi trống bay lượn trong không trung như rời khỏi hai bàn tay. Tiếng trống lần này nghe bi thương, quằn quại. Có khi nó bồng bềnh trôi nổi, có khi nó rên rỉ, nức nở, như khóc, như than. Có khi nghe như tiếng chim đỗ quyên khản cổ kêu gào nhớ nước. Lại có khi như tiếng hú nghẹn ngào trong giông bão, hay tiếng vọng âm u từ những nấm mồ hoang của hồn ma bóng quế không chốn nương thân. Thỉnh thoảng chen vào là những khoảng quãng trống lặng câm.  

Hắn dồn hết tâm hồn vào việc đánh trống, không chút quan tâm đến đám người đang đứng nghe, sững sờ, ngơ ngác. 

Sau một hồi trống loạn xạ như thế, hắn ngồi ngã người xuống chíếc ghế vải thấp lè tè gần ngang mặt đất, đầu hơi gục xuống. Mệt rồi chăng? Chiếc kính đen to bảng che kín không cho ai đoán được những rung động gì trên mặt hắn, mắt hắn. Thế nhưng khi có ai ném tiền vào gần hắn – vì hắn không để sẵn cái hộp hay giỏ đựng tiền — hắn như tỉnh giấc vội vàng nhặt tiền lên và ném trả lại, im lặng không nói một lời nào. Thì ra hắn đánh trống không phải để kiếm tiền. 

Có lẽ hắn phải tới những nơi náo nhiệt như thế này mới được tha hồ đánh trống, không bị ai phản đối hay kiện cáo lôi thôi. Ở những nơi khác, dù ở nhà đi nữa, người láng giềng cũng đòi hỏi sự im lặng. Gà gáy còn bị cự nự, huống là.

Hay anh chàng này là thằng “nó” của  gần nửa thế kỷ đã qua? Biết đâu. Nó bị thương nặng, gãy một chân, có thể được cứu sống nhưng chân bị khập khiễng. Có thể lắm. Và qua bao nhiêu biến cố đau thương, vô số người Việt Nam lưu vong trôi giạt đi khắp nơi trên thế giới. Nó thì lạc tới nơi đây. Vượt biên chắc?

Vợ con? Có không? Hay là vợ ở nhà lo việc nội trợ? Hay là đi làm việc khác kiếm tiền, để nó được tự do muốn làm gì thì làm. 

Trong đám người đứng xem có một cặp vợ chồng trẻ. Người vợ khá xinh đẹp, dịu dàng, vẻ mặt đầy xúc động, đứng nép người bên anh chồng cao lớn đang dáo dác nhìn quanh như muốn kéo vợ đi nơi khác. Người vợ nói thì thầm bằng tiếng Việt Nam, giọng miền Trung: 

“Anh ơi, đứng đây thêm một chút nữa đi anh.”

“Để làm chi vậy?”

“Thì để nghe trống chớ còn làm chi nữa. Nghỉ mệt xong chắc ông nớ sẽ đánh trống tiếp.”

Người chồng chép miệng:

“Nghe chán bỏ mẹ.”

“Anh thì cái chi cũng mau chán. Nghe hay đó chớ, anh. Em thích. Ngó ông nớ tội nghiệp ghê lắm.”

“Em thật tức cười. Có chi đâu mà tội nghiệp?”

“Rứa mà không tội sao? Chắc nghèo lắm, không có tiền mua cho đủ một giàn trống mà đánh chơi. Lại không chịu nhận tiền.”

Người chồng cười khẩy:

“Thì ai bảo. Không tiền mà làm cao. Anh chẳng hiểu tại sao khi không lại đánh trống khua chiêng rùm beng như vậy. Em biết tại sao không?”

“Em không biết. Có lẽ để cho vui mà thôi. Mình nghe vui mà chắc chính ông ấy cũng thấy vui.  A, nhưng không phải, em nói lộn rồi. Điệu trống vừa rồi làm em muốn chảy nước mắt chớ có vui chi mô.”

 Anh chồng cười hô hố, cao giọng:

“Em mau nước mắt quá. Anh khác. Trống đánh chay không giàn nhạc nghe vô duyên như cơm chay không thịt cá. Lại thêm chai lọ hằm bà lằng làm rối con mắt.”

Người vợ bỗng lo lắng, níu vai chồng, nói nhỏ bên tai:

“Suỵt, suỵt, anh nói lớn quá. Lỡ người ta là người mình thì răng.”

Người chồng cười phá:

“Người mình là cái chi vậy?”

“Ông dôn tui ơi, mới đó mà đã quên hết tiếng mình rồi hả. Người mình là người nước mình đó anh.” 

Người chồng hơi thảng thốt, quay mặt chăm chú nhìn người đánh trống. Hắn đang lấy thuốc lá ra hút. Một số người đứng gần vội vã bước đi nơi khác. Người chồng lấy lại bình tĩnh ngay:

“Em, em này, khỏi lo. Nếu ông đó là người nước mình, chắc chắn đã nghe anh nói hết tuốt luốt từ nãy tới giờ. Bậy, anh nói to. Mà không thấy ông đó có phản ứng nào cả. Cứ trơ trơ như cục … cục đất. Thôi, đi nơi khác, em.”

Trước khi dẫn vợ đi, anh quàng vai vợ, buông thõng một câu:

“Đúng là hết chuyện chơi!”  

Ngự Thuyết                                                                                                                                     

4/2023

[1] Tót là rạ. Phần trên của nhánh lúa sau khi hạt lúa bị tách ra gọi là rơm. Phần dưới ngắn hơn, nằm ngoài đồng, gọi là tót. Ca dao Huế: Rồi mùa tót rã rơm khô/Bạn về quê bạn biết mô mà tìm. Sau muà gặt, là mùa mưa, mùa lụt. Gặt lúa xong, rơm xây thành đụn xong, rơm dành cho trâu bò ăn, thì tót ngoài đồng cũng bị nước mưa ngập, lâu ngày rã dần làm phân bón cho mùa sau. “Trai bạn”những người đi làm thuê, lúc đó không còn việc gì làm, phải trở về quê cũ. Bứt tót? Không gọi là gặt tót, cắt tót, mà là bứt tót. Những nhà nông nghèo bứt tót mang về làm chất đốt hay phân bón vườn. Không sẵn liềm để cắt sát gốc, thì dùng tay bứt tót lên vẫn lợi hơn, vì có được cả phần rề của cây lúa chín. Bứt nghĩa là dùng tay giật.

* Truyện bộ ba (trilogy) của Ngự Thuyết: Câu chuyện của nó (1)

https://diendantheky.net/truyen-bo-ba-trilogy-cua-ngu-thuyet-cau-chuyen-cua-no-1/

*Truyện bộ ba (trilogy) của Ngự Thuyết: Một thời hoang dã (2)

https://diendantheky.net/truyen-bo-ba-trilogy-cua-ngu-thuyet-mot-thoi-hoang-da-2/