Truyện Chim của Huỳnh Ngọc Chênh/Xuyên Vũ: Chuyện chàng Oanh cổ đỏ và Ba lần vào chùa
Lời giới thiệu: Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm ở Báo Thanh Niên nhiều năm trước khi về hưu, là phu quân của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị nhà nước cộng sản bắt giam từ tháng 4/2021 với cáo buộc có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, và vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh vừa mới ra mắt cuốn Truyện Chim, với bút danh Xuyên Vũ. Diễn Đàn Thế Kỷ đã từng đăng bài “Huỳnh Ngọc Chênh: Tâm sự “Truyện chim” trong đó tác giả tâm tình về việc viết và xuất bản cuốn sách này.
DĐTK sẽ lần lượt giới thiệu với quý độc giả vài truyện trong cuốn “Truyện Chim”.
DĐTK.
***
CHUYỆN CHÀNG OANH CỔ ĐỎ
Chàng oanh cổ đỏ đang kiếm ăn trong xóm Vườn Hồng trên cánh đồng Yến Mi bên bờ sông Hồng, bỗng nghe thấy có gì đó xôn xao ở xóm Bờ Kênh bên kia cánh đồng cà. Chàng dừng lại nghe ngóng rồi bay tới, đậu lên hàng giậu của một luống cà, nhớn nhác nhìn xuống các rãnh giữa các luống cà để tìm chàng oanh cổ xanh. Giang sơn của oanh cổ đỏ là xóm Vườn Hồng thì giang sơn của oanh cổ xanh là mấy luống cà trên cánh đồng rau bát ngát gọi là xóm Vườn Cà. Hai chàng cùng từ Siberi di cư về đây vào cuối mùa thu, mỗi chàng chiếm cứ một khu vực làm giang sơn riêng của mình.
Không thấy bóng chàng cổ xanh đâu, oanh cổ đỏ bèn ngước cao cái cổ đỏ au của mình lên hót vang những tiếng lảnh lót như muốn nói rằng, Xanh ơi, bạn ở đâu, tớ đang đến tìm bạn đây. Quả nhiên chàng oanh cổ xanh đang ở cuối rẫy cà, nơi khá gần với xóm Bờ Kênh đang xảy ra chuyện xôn xao, cũng ngửa cái cổ xanh viền trắng đỏ của mình lên hót ngân vang trả lời. Oanh cổ đỏ dừng hót, bay về phía oanh cổ xanh hỏi: Chuyện gì mà xôn xao bên ấy vậy? Chàng cổ xanh tỏ ra quan trọng vì đang nắm giữ thông tin, không trả lời ngay mà ề à, e hèm vài cái rồi mới chậm rãi nói: “Có cậu oanh Nhật mới di cư về bên ấy, lần đầu tiên xuất hiện nơi này nên mấy ông nhiếp rần rần vác máy chạy đến chỗ ấy. Nghe nói cậu ấy đẹp và thu hút lắm”.
Chàng cổ đỏ tỏ ra khinh khỉnh: “Ôi tưởng gì, xôn xao được vài bữa rồi cũng thôi. Cách đây ba năm hồi tớ mới về vườn Bách Thảo, mấy lão ấy cũng ầm ầm vác máy bám theo tớ suốt cả mùa di cư. Mà hồi ấy còn đông hơn gấp mấy lần nữa kìa”. Cái vụ nầy chàng cổ đỏ có hơi khoa trương lên. Cách đây ba năm chàng quan trọng thật, nhưng giới chụp chim hồi đó cũng chỉ có mấy người, làm gì đông như bây giờ được.
Để tỏ ra mình không quan tâm và không đố kị với ngôi sao mới tới đang lên, chàng cổ đỏ cất cánh bay về lại vườn hồng. Chàng Xanh không còn bạn để tán gẫu, ngưỡng cổ hóng hớt về phía bờ kênh một lát rồi cũng quay lại kiếm ăn. Chàng chạy dọc theo rãnh đất giữa hai luống cà để đào giun hoặc lượm mấy con sâu, con bọ bò trên mặt đất. Vườn Cà là giang sơn của chàng Xanh, nhưng chàng cũng phải chia sẻ với lũ manh Vân Nam, mùa này chúng kéo về khá đông, mỗi lần càn qua các rãnh cà là chẳng còn sót con giun con bọ nào. Lũ sẻ bụi đầu đen từ Trung Quốc bay về cũng khá nhiều, nhưng chúng đậu trên các cành giậu hoặc trên các ngọn cây thấp để săn lũ bướm, lũ bọ.
Chàng cổ đỏ cũng bắt giun, bắt sâu bọ dưới đất hoặc trên cây, nhưng chàng không thích chạy dưới mấy rãnh đất trống trải ở vườn cà, chàng cho như vậy rất nguy hiểm. Ẩn dưới gốc các bụi hồng rậm đầy gai, chàng thấy an toàn hơn. Thỉnh thoảng chàng cũng ra chỗ đất trống tìm mồi, nhưng lao ra đớp rồi tha mồi quay vào bụi kín ngay.
Chàng sinh trưởng ở vùng đất Siberi phương Bắc lạnh giá, nên chàng có tên tiếng Anh đầy đủ là Siberian Ruby-Throat Robin, nghĩa là oanh Siberi cổ đỏ. Cả thân hình chàng màu xám hung, hai bên má lại có hai vệt trắng sắc nét một chạy từ khóe miệng lên mày, một chạy từ khóe miệng xuống cổ. Ngay dưới cổ lại có một mảng lông hình tam giác màu đỏ tươi như màu đá ruby, trông rất rực rỡ và kiêu kỳ. Giá trị của chàng nằm ở nơi mảng lông đỏ tươi ấy. Mấy nàng oanh mái không có mảng lông đó, từ đầu đến đuôi chỉ một màu xám hung nhờn nhợt, nhìn chẳng có gì ấn tượng, do vậy ít ai quan tâm đến các nàng, dù các nàng cũng di cư về khá nhiều. Khi di cư xuống Nam để tránh rét, các nàng oanh không hề đi chung với các chàng oanh, dù trước đó, khi ở quê nhà, có cặp đã từng là vợ chồng nhau. Mùa xuân cưới nhau, xây tổ, đẻ trứng, ấp ra con, cả hai đều chung sức làm, nhưng sau khi con lớn, biết bay, vợ chồng giải tán tổ ấm gia đình, chia tay nhau, chuẩn bị di cư xuống Nam, vì lúc đó mùa thu rét buốt cũng vừa ập đến. Chúng đi riêng rẽ từng con suốt cuộc hành trình mười mấy ngàn cây số từ Siberi đến Việt Nam. Đến Việt Nam chúng cũng phân tán khắp nơi, hiếm khi có hai con ăn chung một chỗ.
Đây là lần thứ tư chàng oanh cổ đỏ đến Việt Nam. Lần đầu cách đây ba năm, chàng về Hà Nội vào cuối thu, tiết trời rất đẹp, lớ ngớ thế nào chàng lại bắt chước đám hoét ghé vào công viên Bách Thảo. Thấy đám hoét, oanh cổ trắng và đớp ruồi kiếm ăn dưới gốc đa ở góc vườn, chàng cũng lò dò bay theo.
Sự xuất hiện của chàng lúc đó đã gây ra sự xôn xao trong giới chụp ảnh chim Hà Nội, làm náo động cả một góc vườn Bách Thảo. Lần đầu tiên có Oanh cổ đỏ về đây. Cùng với đám hoét, đám đớp ruồi và một nàng oanh cổ trắng, chàng đã sống phong lưu tại đây suốt một tuần lễ. Buổi tối chàng ngủ trong lùm kín trên cành đa, sáng thức dậy cất tiếng hót véo von vang lừng rồi nhảy xuống gốc đa đánh chén, những con sâu trắng nõn và béo múp mà chàng chưa từng thấy ở quê nhà, nằm xếp lớp trên một đoạn cây khô đặt bên gốc đa cổ thụ. Sâu ở đâu có sẵn và nhiều đến thế, chàng không quan tâm tìm hiểu, chàng cứ thế mà chén, chén no, bay lên cành cây cất giọng hót vang. Mấy chàng hoét Nhật, hoét xanh, hoét vàng, rồi vài chàng đớp ruồi và nàng oanh cổ trắng cũng làm thế, không ai giành giật của ai, sâu đủ để nuôi cả bầy chim, hết lượt sâu này có lượt sâu mới bổ sung ngay. Cả đám chim kia nhảy xuống ăn, chẳng nghe gì, nhưng khi chàng nhảy xuống thì vang lên hàng tràng tiếng tạch tạch phát ra từ sau tấm lưới. Tiếng tạch tạch kéo dài không ngưng nghỉ cho đến khi chàng ăn no rồi bay vào ẩn trong cành lá kín. Chàng là siêu mẫu của giới chụp ảnh chim Hà Thành lúc đó.
Sâu ngon là của các người chụp ảnh chim mang tới để dụ chim xuống ăn cho dễ chụp. Họ kéo đến rất đông từ khi chàng oanh cổ đỏ xuất hiện, mang sâu đến rải trên đoạn cây khô rồi ngồi nấp sau tấm lưới ngụy trang màu lá, chĩa ống kính ra chụp.
Suốt cả một tuần lễ, ngày nào cũng có từ năm đến mười nhiếp ảnh gia kéo đến chụp chàng oanh. Nhưng rồi sau đó thưa dần, thưa dần đến vắng hẳn. Các nhiếp chụp riết rồi cũng chán. Không có người đến chụp, thức ăn cũng không còn nữa, các chim khác cũng bỏ đi dần, chàng oanh cũng buồn quá bay đi.
Nhờ vậy, chàng tìm ra được vườn hồng trên cánh đồng rau rộng lớn Yến Mi bên bờ sông Hồng. Từ đó, các năm sau, mỗi lần về Hà Nội chàng đều ghé thẳng đến đây, không phải bay loanh quanh tìm kiếm chỗ ăn và chỗ ngủ cho an toàn nữa.
Xóm Vườn Hồng của oanh cổ đỏ yên tĩnh bao nhiêu thì xóm Bờ Kênh bên kia càng ồn ào náo nhiệt bấy nhiêu. Hàng chục nhiếp ảnh gia bị thu hút bởi ngôi sao oanh Nhật, túc trực suốt ngày sau những tấm lưới ngụy trang dọc bờ kênh. Bên kia các tấm lưới, trên các lùm cây dọc bờ kênh cũng ồn ào náo nhiệt cảnh chim. Nếu xóm Vườn Hồng chỉ có mỗi chàng oanh cổ đỏ thống trị, thỉnh thoảng cũng có vài em chim bản địa đến bắt sâu, nhưng không đáng kể, thì xóm Bờ Kênh có khá nhiều ngôi sao ngoại xuất hiện. Đó là nơi trú ngụ của nàng oanh cổ trắng mượt mà, của nàng oanh đuôi cụt lưng xanh diễm lệ, cả hai đến đây từ đầu thu và ở lại đến tận giờ vẫn chưa thấy chuyển đi. Bên cạnh đó là lũ chim đớp ruồi, nào đớp ruồi nâu, đớp ruồi vàng, đớp ruồi Taiga có cả trống lẫn mái, đớp ruồi cằm đen đến từ Phúc Kiến có lưng xanh bụng vàng rất ấn tượng. Thiên đường đuôi phướn trống và mái là một cặp siêu sao cũng có mặt tại xóm Bờ Kênh. Tuy vậy tất cả đều lu mờ khi đại siêu sao oanh Nhật, lưng xám, đầu nâu xuất hiện. Đoạn kênh khá dài, hai bên bờ cây cỏ um tùm, phía dưới luôn đầy nước, côn trùng ong bướm phong phú, đủ thức ăn cho chừng ấy loài nên chúng không phải xô xát nhau vì tranh ăn.
Giữa xóm Vườn Hồng và xóm Bờ Kênh là một cánh đồng rau rộng, trong đó có nhiều khu vườn cà chua, là nơi hoạt động của chàng oanh cổ xanh. Chàng phải chia sẻ lợi ích với đám manh Vân Nam, bọn này tuy đông nhưng hiền lành không ỉ nhiều hiếp ít. Trái lại vài anh chị sẻ bụi xám và sẻ bụi đầu đen cũng đến từ Trung Hoa, rất gấu khi tranh ăn với chàng, chàng phải đành nhường nhịn để giữ hòa khí. Thật ra mấy anh chị sẻ bụi xám hay đầu đen chỉ xuống tranh thức ăn với chàng Xanh khi có sâu ngon của các nhiếp ảnh gia mang đến, xem như là tiền cát xê trả công cho các mẫu để chụp hình. Hiện nay, cát xê đổ dồn qua hết xóm Bờ Kênh, xóm Vườn Cà và xóm Vườn Hồng chẳng còn gì, hai anh chàng cổ xanh và cổ đỏ phải tự đi săn mồi vậy.
Chàng cổ đỏ không buồn vì thiếu thức ăn mà buồn vì nhanh chóng trở thành ngôi sao bị bỏ rơi, giới chụp chim gọi là mẫu ế, không ai đoái hoài đến nữa kể từ khi siêu sao Oanh Nhật xuất hiện.
Loanh quanh ở Vườn Hồng thêm một tuần, trời trở rét, đến lúc phải vào Nam. Chàng cổ đỏ bay qua xóm Vườn Cà nói lời từ biệt với chàng cổ xanh. Cả hai hẹn nhau đến cuối xuân gặp lại tại đây trước khi lên đường về cố hương. Vườn cà rộng mênh mông, thức ăn lại phong phú, chàng cổ xanh chẳng đi đâu nữa, túc trực tại đây đến qua tết, đến hết mùa xuân rồi bay thẳng về cố hương.
Chàng Oanh cổ đỏ theo tập quán tổ tiên bay vào Nam để tránh rét, mục tiêu của chàng là bay thẳng đến nơi tạm trú mà chàng rất ưa thích ở Đà Nẵng. Chàng lướt nhanh qua các trạm dừng dọc đường bố trí dọc theo duyên hải miền Trung để nhanh về với cơ sở cực Nam của chàng là đồi sim trên đỉnh Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng. Không hiểu vì lý do gì, vào đến Đà Nẵng, xa hơn nữa là Quảng Nam thì loài oanh cổ đỏ dừng lại, không đi tiếp về phía Nam xa hơn. Trong khi đó bọn hoét, đớp ruồi, oanh lưng xanh và cả oanh cổ xanh nữa vẫn thấy có mặt tại miền Đông Nam Bộ.
Giang sơn trên đỉnh Sơn Trà của chàng oanh là một đồi sim rất đẹp, mùa hạ hoa nở nhuộm tím cả lưng đồi để qua mùa thu cho những chùm quả mọng chín căng phồng. Tuy nhiên chàng đến đây vào mùa đông nên không thưởng thức được vẻ đẹp đó của giang sơn chàng. Nhưng chàng cũng không cần những điều đó, cái chàng quan tâm là thức ăn nằm bên dưới những gốc sim già.
Chàng chạy quanh một vòng dưới các gốc sim để xem xét có gì bất thường không. Đúng một năm trở lại, vẫn những gốc sim già đó, vẫn mặt đất phủ cỏ lúp súp với những con ong, con bọ, con bướm bay lượn bên trên. Chàng không săn những con có cánh biết bay ấy, mồi của chàng là những con giun, con sâu trên mặt đất. Chàng đi một vòng đã kiếm ăn no bụng, sau đó nhảy lên cành thấp của một gốc sim rậm lá nghỉ ngơi và trú nắng.
Đang lim dim thưởng thức không khí trong lành pha mùi nước biển, chợt có tiếng chân khe khẽ chạy ngang qua, chàng cổ đỏ nhìn xuống thấy một nàng oanh mái còn rất trẻ đang lớ ngớ kiếm sâu. Cơn giận bốc lên đầu, sao oắt con mày dám xâm phạm vào giang sơn của tao! Chàng nghĩ vậy và định nhảy ngay xuống mổ vào đầu nàng oanh trẻ. Thế nhưng không hiểu sao chàng lại không làm vậy, chỉ đứng nhìn cô nàng kia đi qua.
Mỗi chàng oanh khi di cư xuống Nam thường chiếm cho riêng mình một giang sơn ở những nơi đi qua để độc quyền kiếm ăn và trú ẩn. Chúng chỉ chấp nhận đám chim chích bản địa khai thác chung khu vực với chúng, vì bọn này thường trú lâu dài tại chỗ và chỉ khai thác sâu bọ trên cành chứ không đụng đến giun bọ dưới đất. Chàng oanh đã già dặn, qua năm di cư thứ tư rồi, giang sơn của chàng khá rộng, đồng loại của chàng, không kể trống hay mái, bén mảng đến là chàng đánh đuổi ngay. Nhưng hôm nay chàng lại không làm thế. Cô oanh trẻ đi kiếm ăn một vòng rồi quay trở lại chỗ gốc sim chàng cổ đỏ đang đứng. Cô chợt ngước lên thấy một bác oanh lớn tuổi chăm chăm nhìn mình, cô hoảng quá chạy tránh xa. Là cô bé mới rời tổ trong mùa này và đây là lần di cư đầu tiên nên cô lớ ngớ, rụt rè, sợ sệt. Chạy ra một khoảng xa, không thấy động tĩnh gì, cô dừng lại nghe ngóng một chút rồi tiếp tục đi kiếm ăn xa dần chỗ gốc sim già.
Nghĩ đến bốn đứa con của mình, chàng oanh không nỡ xua đuổi cô bé kia ra khỏi giang sơn. Bốn đứa con của chàng có lẽ cũng đang ngơ ngơ ngác ngác với trải nghiệm di cư đầu tiên ở một nơi nào đó trên nước Việt Nam, hay có thể là Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanmar… Hè thu vừa rồi, chàng và vợ sinh được bốn con, nuôi con lớn đến biết bay thì giải tán tổ. Rồi đến cuối thu, mỗi thành viên trong gia đình tự tìm đường di cư xuống phương Nam tránh rét. Chàng và vợ cũng chia tay, đường ai nấy đi. Trên bước đường di cư, trống mái oanh cổ đỏ không tiếp cận nhau, không cặp đôi với nhau cho mãi đến khi quay trở lại quê hương vào cuối mùa xuân. Ngày trở về là vào mùa sinh sản, nếu gặp lại vợ xưa thì chàng bắt cặp lại, nếu không thì chàng sẽ tìm một cô nàng oanh nào đó làm vợ. Trên đường di cư, đi và về hơn 20 ngàn cây số, trải qua biết bao hiểm nguy, cạm bẫy, nên không cặp đôi nhau trên đường đi cũng như không hứa hẹn gì nhau trước khi ra đi là cách tốt nhất để không mang vào phiền lụy.
Sơn Trà cũng là nơi tạm trú lý tưởng của nhiều chim di cư. Phần lớn chúng tập trung dưới mạn sườn chung quanh núi. Mạn sườn Bắc có một khe suối nhỏ, vào mùa di cư là tiết đông xuân, hết mưa nên nước còn rất ít, chảy dè sẻn vào các khe đá nông cạn. Nhưng đó là hồ tắm tuyệt vời cho lũ chim di cư. Mỗi chiều cứ đến đúng năm giờ là chúng lũ lượt từ trên núi kéo xuống nhảy vào hồ bơi tí hon. Mở đầu là cặp chim hồng hạnh trống và mái. Hồng hạnh chính là đớp ruồi họng vàng, con trống có lưng và cánh màu xanh biếc, từ cổ xuống đến bụng có lông vàng thắm, hót rất hay. Trước khi xuống tắm nó cất giọng vang lừng. Chính tiếng hót đó báo hiệu cho các loài chim khác biết đến giờ tắm. Rồi oanh cổ trắng, oanh lưng xanh, hoét Nhật, hoét vàng lần lượt kéo xuống. Việc tắm tiên tập thể hằng chiều chỉ diễn ra trong vòng 10 phút nhưng hầu như tất cả hơn 10 con chim đều tắm được sạch sẽ, có con còn tắm đến vài ba lần. Chim tắm rất nhanh, chúng nhảy vào hồ, vục đầu xuống hoặc ngâm mình vào nước rồi xù lông rung cả thân hình để nước thấm vào từng sợi lông, sau đó lên bờ rũ cánh bay đi. Mỗi con chỉ tắm chừng một phút, nên chỉ với hai khe nước nhỏ cả bọn có thể lần lượt tắm trong một khoảng thời gian ngắn.
Chàng oanh cổ đỏ hùng cứ trên đồi sim gần đỉnh núi không nhập bầy tắm tiên tập thể với lũ chim kia. Chàng cũng tắm vào buổi chiều mỗi ngày nhưng ở một chỗ tắm dành riêng cho chàng không ai nhìn thấy.
Chàng oanh cư trú tại đồi sim Sơn Trà từ cuối đông, không đi đâu nữa cho đến lúc quay trở lại phương Bắc vào giữa tiết xuân.
Vào buổi trưa cuối đông, bầu trời bỗng dưng trong vắt do có ánh nắng hửng lên sau mấy ngày mây mù u ám. Chàng oanh hứng chí bay lên ngọn sim ngước cổ cất lời ca. Giọng ca chàng lảnh lót bay vút lên trời cao. Chàng ngợi ca đất trời phương Nam xinh đẹp và ấm áp đã bao dung che chở cho chàng trong những ngày di cư tránh rét, chàng ngợi ca miền đất lúc nào cũng dồi dào thức ăn giúp chàng bồi bổ sức khỏe sau tháng ngày gầy sọm đi vì lo tìm mồi nuôi con ở quê nhà khắc nghiệt của chàng.
Rồi chàng ngừng ca nhìn xuống dưới chân núi. Trời trong làm chàng nhìn thấy những ngôi nhà của con người xếp lớp bên dưới. Ô kìa vẫn có những khu vườn hoặc những đám ruộng xanh thỉnh thoảng xen vào giữa các khu nhà u ám và nhợt nhạt. Chợt nhớ đến xóm Vườn Hồng của mình ở Hà Nội, lòng chàng gợn lên chút nôn nao xao động. Bất ngờ chàng tung cánh bay vút lên rồi nhắm hướng ngôi nhà có khu vườn xanh điểm nhiều màu đỏ vàng rực rỡ bay xuống.
Chàng phát hiện ra vườn hồng, nó nhỏ hơn vườn hồng của chàng ở Hà Thành, nhưng cũng rất thú vị và có phần kín đáo hơn. Chàng đi một vòng quanh dưới các bụi hồng đã tìm ra được mấy con trùn quế đỏ tươi, nuốt chưa vào đến cổ đã nghe hương vị thơm ngon đến ngất ngây. Cả đời chàng đã bao giờ được thưởng thức loại cao lương mỹ vị như thế này. Thích thú lắm, chàng đi vài vòng nữa thì diều đã no căng. Hứng chí, chàng nhảy lên một cành hồng có hoa tươi đỏ như màu cổ ruby của chàng rồi cất giọng hót vang. Tiếng hót sang trọng và trong vắt của chàng làm cho đám se sẻ đang ồn ào gần đó giật mình im phắc rồi ngẩn ra lắng nghe.
Có một người từ trong nhà bước ra cũng dừng ngay lại. Người đó cũng ngẩn ra đầy vẻ ngạc nhiên và thích thú, anh ta lần đầu tiên được nghe giọng hót vàng của oanh. Dù đang say sưa với bản sonate bên hoa hồng, nhưng chàng oanh cổ đỏ vẫn thấy người kia xuất hiện. Chàng dừng hót, cất cánh bay lên, nhắm hướng bay về lại đồi sim cho an toàn.
Sáng hôm sau thức dậy dưới gốc sim già, sau vài bài ca chào buổi sáng, lòng chàng lại rộn lên khi nhìn về phía chân núi. Chàng nghĩ đến vườn hoa hồng và những con trùn quế thơm ngon mà lần đầu tiên trong đời được thưởng thức.
Không suy nghĩ gì thêm, chàng oanh cổ đỏ cất cánh bay vù về phía vườn hồng.
Thế nhưng lần này đi mấy vòng lùng sục dưới các gốc hồng, chàng chỉ nhặt được có hai con trùn quế vỏn vẹn, chả thấm vào đâu. Có bao nhiêu con trồi lên mặt đất, hôm qua chàng đã thu hoạch hết rồi còn đâu. Buổi sáng chàng vốn đã rất đói, lại thêm hai con trùn quế kích thích cái bụng, làm chàng thấy đói sôi lên. Ngay lúc đó chợt nhìn về phía cuối vườn hồng, giữa hai gốc cây, chàng thấy điều mình không ngờ đến. Một đống sâu trắng béo múp đang ngo ngoe như mời gọi chàng đánh chén. Từ khi có siêu sao oanh Nhật xuất hiện ở xóm bờ kênh Yến Mi và từ khi vào Sơn Trà đến nay, loại sâu ngon béo dùng để trả cát xê chụp ảnh ấy chàng không còn được ăn nữa. Chẳng do dự gì nữa chàng ào đến ngay. Vừa bước đến trước đống sâu, chưa kịp mổ con nào, lẽ ra chàng đã nghe những tiếng tạch tạch quen thuộc của các nhiếp ảnh gia núp đâu đó chụp ảnh, thì chàng lại nghe một tiếng phựt khô khan. Chàng ngã lăn quay ra đất, không thể nào vùng đứng lên để bay đi được.
Có tiếng cười đầy thỏa mãn vang lên từ một lão già. Lão không phải là người hôm qua thấy chàng oanh hót trên ngọn hồng, lão là một tay chơi chim lão luyện, được con người hôm qua mách cho biết có con chim lạ, đẹp, hót hay bay về vườn hồng. Lão đến không để chụp ảnh ngôi sao oanh cổ đỏ, mà bẫy bắt nhốt vào lồng làm của riêng.
Lão già Tân là dân chơi chim lão luyện dưới chân núi Sơn Trà. Lão bẫy chim rừng về nuôi dưỡng thuần thục để chơi và để bán kiếm tiền. Mấy chục năm qua lão góp phần quét sạch chim quanh vùng Đà Nẵng. Chim trên núi Sơn Trà cũng bị lão bẫy gần hết. May mà sau này nhờ nhóm nhiếp ảnh chụp voọc và chim báo cáo sự việc với cơ quan chức năng thì lão mới hết công khai lên núi bẫy chim. Lão chuyên bẫy các loại chim bản địa hót hay như: Sáo, nhồng, họa mi, sơn ca, chào mào, chích chòe, khướu, cu gáy và cả chim hút mật bé tí nữa. Rất may là lão chưa rành các loại chim di cư. Oanh cổ đỏ là chim di cư đầu tiên lão bẫy được. Lão nghe người bạn rượu hàng xóm báo có con chim cổ đỏ rất đẹp lại hót hay, lão liền qua bẫy chứ chưa biết đó là giống chim gì, chỉ biết đây là một con chim lạ, nếu thuần phục và nuôi dưỡng được sẽ là một tài sản có giá trị. Lão ít học, không đọc sách, không vào mạng, nên đâu hay rằng con chim cổ đỏ này sống tận Siberi, chỉ di cư đến Việt Nam vào tiết thu đông, sang tiết xuân hè sẽ trở về lại quê hương chứ không thể nào sống nổi với thời tiết oi bức nắng nóng đến cháy lông. Nhiều loài chim di cư như hoét, đớp ruồi có thể ở lại để trở thành chim định cư, mà phải ở vùng rừng núi cao quanh năm mát mẻ, nhưng oanh thì không bao giờ. Chín loài chim oanh được nhìn thấy ở Việt Nam đều là chim di cư, hết mùa là bay về, không thể tìm thấy chúng vào mùa hè dù là ở các nơi ôn đới quanh năm.
Lão Tân ra tay chinh phục chàng oanh cổ đỏ. Giống như kẻ thuần phục ngựa hoang, ngựa càng khó, thuần phục càng thú vị, lão Tân thấy hào hứng ngay từ đầu khi chàng oanh gây khó khăn cho lão.
Ban đầu oanh tung lồng không phút nào ngơi nghỉ dù lão Tân đã lấy vải che kín lồng lại để chim bớt hoảng sợ. Tung cho đến khi đầu, mỏ trầy trụa ươm máu, qúa mệt, oanh lại nằm ngửa ra đưa hai chân lên trời, đầu ẹo qua bên như chết rồi. Lão Tân biết nó giả chết, lấy cây chọt vào lồng khều khều, nó hoảng quá vùng dậy bay tung. Lão Tân dùng vải quây lồng lại, bỏ vào khay nhỏ trong lồng một nhúm sâu và châm ít nước rồi để mặc nó không thèm nhìn vào nữa.
Chàng oanh nhịn ăn uống đến sáng hôm sau, cứ nằm quay lơ ở đáy lồng không rục rịch. Lão Tân hé mảnh vải nhìn vào, rồi bỏ mặc. Đến trưa thì đói quá, oanh đổi chiến thuật, lén dậy ăn đúng một con sâu, uống tí nước rồi nằm xuống giả chết. Qua đến sáng hôm sau, lão Tân hé vải nhìn vào thấy nó vẫn nằm y tư thế cũ, nhìn đống sâu vẫn còn nguyên, nên có chút lo lắng, lại lấy que chọc vào thân nó. Nó không nhúc nhích. Tuy vậy lão là tay bẫy chim và nuôi lão luyện thì làm sao lừa được lão. Lão lấy que lật qua lật lại thân hình con chim, nó có hơi gượng lại, lão hiểu ngay nó giả chết. Lão cười khảy rồi đóng cửa lồng lại không quan tâm gì đến chàng oanh nữa. Bỏ đó đi ra quán uống cà phê.
Lão Tân có một đứa cháu nội. Mấy hôm nay cậu quan tâm chú ý đến con chim rất lạ có cổ đỏ của nội mới bẫy về. Cậu bé rất thương xót con chim khi thấy nó cứ nằm mãi dưới sàn lồng như chết rồi. Khi nội bỏ đi, cậu đến mở lồng, thò tay vào bắt con chim ra. Cậu nhẹ nhàng đặt con chim mềm xìu lên bàn để quan sát. Cậu đang nhìn qua nhìn lại để xem con chim bị gì thì bất ngờ nó vùng lên và bay vù đi.
Chàng oanh bay vọt ra khỏi khu vườn đầy lồng nhốt chim của lão Tân, nhưng không dám về lại đồi sim trên Sơn Trà nữa, chàng nhắm hướng Bắc bay thục mạng. Chàng vượt qua vịnh Đà Nẵng, gió biển mang hơi nước mặn chát đập vào mặt chàng, bình thường chàng sẽ rất khó chịu, nhưng bây giờ chàng sung sướng hít thở vào đầy lồng ngực, mùi của tự do làm chàng ngây ngất. Chàng khỏe ngay trở lại, dù mấy ngày qua chỉ ăn đúng một con sâu.
Bay không bao lâu chàng đã gặp dãy núi cao vút ẩn hiện sau mây, chắn ngang đường bay. Đó là dãy Hải Vân Sơn thơ mộng. Chàng đáp xuống nghỉ ngơi ngay ở chỗ trên đường bay vào chàng đã từng dừng lại. Đang cuối mùa đông, đỉnh Hải Vân Sơn mây mù sa xuống tận từng gốc cây che hết mọi tầm nhìn, chàng yên tâm đi loanh quanh giữa mấy gốc cây để tìm thức ăn. Nếu di cư trở ra bình thường vào giữa tiết xuân, chàng sẽ tạm trú lại đây vài ngày, nhưng trong tình thế khẩn cấp hiện nay, chàng không dám ở lâu vì cảm giác lúc nào cũng có lão già độc ác kia chạy theo sát gót. Thu nạp năng lượng vừa đủ cho cơ thể, chàng không quên ghé xuống khe nước tắm rửa sạch sẽ, đã ba ngày qua chàng chưa được tắm, trước khi cất cánh bay tiếp về hướng Bắc. Chàng bay mải miết cho đến chiều tối, bỏ qua vài trạm dừng chân ở Huế, Quảng Bình để về đến một chỗ của chàng ở chân núi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Sáng hôm sau, từ Hồng Lĩnh, chàng bay thẳng một mạch đến tối thì về lại Hà Nội. Tìm đến xóm Vườn Hồng ở Yến Mi thì đã quá tối, để bụng đói, chàng chui vào phòng trọ kín đáo quen thuộc ở giữa bụi hồng đầy gai đánh một giấc cho đến sáng hôm sau.
Bình minh rạng ngời nhưng chàng chưa dám ra khỏi nơi trú ẩn. Chàng lặng thinh nghe ngóng động tĩnh. Tiếng hòa âm của vợ chồng chiền chiện đồng bay vút lên không, báo hiệu một ngày mới vui tươi. Rồi bài ca của chích bông vang lên đáp lại. Sau đó là tiếng bước chân người nông dân ra đồng chăm rau sớm. Bình thường chàng không quan tâm lắm những người nông dân vô hại này, họ lo chăm sóc rau cà của họ, không hề biết sự có mặt của chàng, của anh bạn oanh cổ xanh hay của các loài chim di cư nhỏ bé khác. Nhưng bây giờ chàng sợ lắm, cứ nằm im thin thít không dám ló ra. Rồi chàng nghe tiếng hót líu lo trầm bổng quen thuộc của anh bạn cổ xanh vang lên từ ruộng cà. Ôi nó vẫn còn đó. Bình thường chàng dậy sớm hót trước tất cả những con chim ở quanh đây, giọng chàng ngân vang với âm điệu mượt mà, không có tiếng hót nào qua được. Và mỗi khi chàng cất tiếng lên thì chàng cổ xanh cũng hót theo để hòa điệu, hoặc ngược lại. Hôm nay nghe tiếng hót của bạn cổ xanh, muốn hót lắm nhưng chàng vẫn cố kìm lại để giấu mình.
Trái với oanh cổ đỏ, oanh cổ xanh về đây là trú tại xóm vườn Cà cho đến hết mùa di cư thì quay về phương Bắc chứ không bay thêm vào Nam. Năm nào, oanh cổ đỏ trở lại từ Sơn Trà vẫn có chàng xanh ở đây ra chào đón.
Nghe ngóng một lúc lâu, thấy mọi thứ đều yên ổn, chàng cổ đỏ mới nhảy ra khỏi chỗ nấp, nhẹ nhàng lách mình bước đến vườn cà, đi bộ đến hàng giậu nơi chàng xanh đang đứng hót. Chàng không dám bay lên chỗ bạn đang đậu, chỉ đứng dưới đất thập thò nhìn lên gọi khẽ: “Xanh ơi, tớ về đây rồi”. Chàng Xanh dừng hót nhìn xuống, ngạc nhiên không tin vào mắt mình: “Ớ ớ… Ủa sao bạn quay về sớm thế? Mà sao không bay lên đây, lại thậm thụt dưới đó? Có chuyện gì hay sao mà bạn mình trông xơ xác thảm hại vậy?”. Chàng Xanh vừa hỏi dồn dập vừa nghiêng mình lả lướt nhảy xuống bên cạnh bạn mình. “Tớ vừa thoát khỏi nhà tù bay về đây”, chàng Đỏ thầm thì. “Sao, bạn bị bắt à? Trời đất, hèn gì trông tội nghiệp quá. Thế nào kể mình nghe”. Chàng Xanh hỏi dồn dập.
Nghe xong câu chuyện bị bắt, chuyện đấu trí với kẻ ác, rồi thoát thân của anh bạn Đỏ, Xanh ta trầm trồ khâm phục bạn mình lắm lắm. Chàng nói: “Sao lại có kẻ độc ác như thế, ở đây con người vẫn cho tớ ăn sâu ngon nhưng có hề bắt tớ đâu”. Chàng đỏ nói: “Từ nay tớ không bao giờ đụng đến mấy con sâu trắng múp của bọn người nữa. Cạm bẫy nằm ở đó”. Chàng Xanh nói: “Từ sau khi bạn đi một tuần thì cậu oanh Nhật bên kia cũng bị thất sủng, có lẽ buồn quá nên cậu rút đi, đám người lại qua đây mang sâu cho tớ ăn đều đặn. Họ cũng qua bên xóm Vườn Hồng tìm bạn nhưng không thấy bạn đâu, họ dồn hết về đây. Đóng đô luôn tại đây như tớ cho chắc, đi đâu cho xa để gặp hiểm nguy”.
Chàng Đỏ định ra về, chàng Xanh giữ lại: “Bạn ở đây đi ăn sáng với tớ, bồi dưỡng cho khỏe chứ bạn gầy rộc và xác xơ lắm. Tí nữa là mấy người ấy mang sâu ngon đến, chờ tí thôi”. Chàng Đỏ lắc đầu quầy quậy: “Thôi thôi, tớ xin miễn, từ nay đến chết, tớ chỉ lo tự kiếm ăn không màng đến cái người ta cho không”. Nói xong chàng Đỏ lủi vào giữa luống cà. Chàng Xanh ngao ngán nhìn theo than thầm: “Ôi cái phong thái khí phách kiêu hãnh ngày nào của bạn mình mất tiêu đâu rồi!”. Xong chàng cất tiếng hót một tràng dài chào bình minh trong khi chờ đám người từ thành phố mang thức ăn bổ béo qua dâng cho chàng.
Xóm bờ kênh cũng trở lại bình thường sau khi chàng oanh Nhật ra đi, có lẽ chàng cũng bay về Nam. Khá nhiều loài đớp ruồi vẫn còn ở lại, như đớp ruồi nâu, đớp ruồi cằm đen, đớp ruồi họng vàng, đớp ruồi vàng, đớp ruồi Tai ga, đớp ruồi Mugi … Những loài đó cũng một thời gây xôn xao, nhưng năm nào chúng cũng về, các nhiếp chụp chim bấm hoài cũng chán. Qua sau tết, xóm này xôn xao trở lại khi có sự xuất hiện của chàng đuôi đỏ núi đá trán xám và chàng oanh đuôi cụt lưng xanh. Hai chàng này có màu sắc đẹp và mấy năm trước chưa từng về đây.
Oanh cổ đỏ vẫn tiếp tục một mình một cõi ở xóm Vườn Hồng. Vào xuân, xóm này hoa hồng đủ màu khoe cả sắc lẫn hương thu hút khá nhiều loại côn trùng bay về. Tuy nhiên con người cũng bị hút về, họ kéo đến từng đoàn, từng nhóm đi ngắm hoa thì ít mà chụp hình thì nhiều. Những lúc ấy chàng oanh ta trốn biệt trong lùm kín không dám ló ra ngoài. Rồi mấy anh nhiếp ảnh cũng mang sâu đến dụ chàng ra ngoài để chụp ảnh, chàng càng trốn kỹ hơn. Chàng chỉ đi kiếm ăn vào những lúc thật vắng vẻ, còn khi đói quá mà vẫn đông người, chàng đành bay xuống vườn cà chia sẻ mấy con giun đất cùng với chàng Xanh.
Hai chàng oanh ở đến đầu mùa hè, thời tiết trở nóng, thì chia tay Hà Nội, bay về cố hương.
Đường về quê xa vạn dặm và đầy những cạm bẫy, nhưng hai chàng thuộc vào hàng lão làng, xuống Nam lên Bắc qua bao mùa di cư rồi nên cũng không đáng lo lắm. Chắc chắn hai chàng sẽ về đến nơi an lành để truyền giống nòi rồi mùa sau lại quay lại.
Hai chàng là những kẻ cuối cùng của loạt chim di cư đợt một ra đi. Xóm bờ kênh, vườn cà, vườn hồng trở lại yên ắng như cũ. Chích bông, chiền chiện đồng, bạc má, vành khuyên… các loài chim bản địa trú đóng lâu năm tại khu vực này thở ra nhẹ nhõm. Có đám di cư về, mấy ông nhiếp cũng kéo về rần rần gây căng thẳng cho chúng không ít.
Nhưng sự yên tỉnh không kéo dài được lâu. Đợt di cư thứ hai, bắt đầu vào cuối tháng ba lại tràn đến. Đó là những chú chim bay thẳng vào Nam vào cuối thu, nay trên đường về quê đã ghé lại Hà Nội. Đớp ruồi xanh trắng Nhật Bản, đớp ruồi xanh gáy đen và thiên đường đuôi phướn xuất hiện.
Năm nay đặc biệt bỗng đâu lại xuất hiện anh chàng thiên đường đuôi phướn trắng với cái đuôi dài miên man cong vút. Xóm bờ kênh lại huyên náo đùng đùng.
***
BA LẦN VÀO CHÙA
Buổi sáng cả đàn chim di đá bay ra cánh đồng hoang mọc đầy bông lau để kiếm ăn. Chúng tíu tít bên nhau đến cả trăm con. Phần lớn chúng đi theo từng đôi, đó là những cặp vợ chồng, nhưng những cặp vợ chồng nào đang nuôi con thì lại đi lẻ, một trong hai luân phiên nhau ở nhà chăm con, số còn lại là những chàng nàng mới lớn chưa kết đôi với nhau. Và có cả các em còn bé bám theo sau bố mẹ vừa tự kiếm ăn vừa nũng nịu chờ bố mẹ mớm thêm.
Nơi đồng cỏ lau kiếm ăn cũng là nơi các chàng và các nàng trẻ gặp gỡ, trêu đùa, kết bạn và hẹn hò với nhau.
Nàng Di So dù đã có chồng nhưng phải đi một mình ra cánh đồng lau. Nàng duyên dáng và xinh đẹp, dù đã sinh đẻ và ấp nở lứa trứng đầu tiên. Nàng không còn sự thảnh thơi thong thả như hồi chưa có con. Nàng phải tất bật lo kiếm thật nhiều hạt lau tích cho thật căng cái diều đặng nhanh về mớm cho con, những đến sáu đứa còn đang đỏ hỏn và cái mồm lúc nào cũng ngoác rộng.
Dù phải tất bật kiếm mồi, nhưng nét duyên của nàng không vì thế mà bị phai nhòa. Nàng trông vẫn còn tươi tắn hồn nhiên như cô nàng đang xuân thì. Điều đó đã vô tình gây ra sự chú ý của một chàng di tơ ở độ tuổi vừa trưởng thành. Chàng bỏ việc tỉa hạt lau, mạnh dạn xà đến bên nàng cất giọng ngân nga:
Hỡi cô hái cỏ trên đồng
Trông xinh như thế đã chồng hay chưa
Dù đã là mái sáu con, nàng vẫn còn tính rụt rè bẽn lẽn, thẹn quá muốn ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng nghĩ lại ứng xử như thế là không đúng phép lịch sự của một thiếu phụ nền nã đoan trang, nàng đành phải lên tiếng trả lời:
Chàng hỏi thì em xin thưa
Tuy em nhìn vậy nhưng vừa sinh con
Sáu đứa còn bé tí hon
Em lo hái cỏ để còn về nhanh.
Khi nghe bên ấy đáp lại một cách lễ độ và đoan chính như vậy chàng di tơ không dám có ý cợt nhã, lấy lại tư thế đàng hoàng, chắp cánh cúi đầu ngỏ lời xin lỗi rồi bay đi.”
Nàng Di So đã thu hái được đầy một diều cỏ, định bay về tổ để chăm con thay chồng, thì chợt thấy một nhánh cỏ mọng bông với những hạt cỏ căng tròn chắc cứng xếp lớp đều đặn đến mút cùng, nàng sung sướng nhảy qua tỉa hái lia lịa. Thêm một ít nữa thì mấy đứa con bé bỏng của mình càng no lâu hơn, chúng sẽ vui lắm đây, nàng thầm nghĩ.
Khi hái hết bụi cỏ, nàng Di So thấy quá đủ, vội tung cánh bay lên để nhanh về tổ, từ sáng đến giờ, đàn con của nàng chưa ăn gì, đang đói lắm rồi. Ngay lúc ấy nàng nghe một tiếng bập rất lớn, chưa biết điều gì đang xảy ra thì đầu nàng va vào mấy sợi dây mỏng. Nàng bung mạnh cánh để lùi lại và bay tránh ra hướng khác, nhưng mấy sợi dây mỏng ghì mạnh làm nàng mất thăng bằng rơi xuống đất. Quá hoảng hốt, nàng lại tung cánh bay lên, nhưng thêm một lần nữa, đầu nàng va vào mấy sợi dây mỏng. Nàng lại té xuống. Lúc này nàng nghe tiếng kêu gào hoảng hốt vang lên khắp nơi, bạn bè đồng loại của nàng bay nhảy tứ tung loạn xạ, nhưng đều bị té rơi xuống dưới như nàng. Những sợi dây mảnh ấy cứ ghì dần xuống, dần xuống, cuối cùng, tất cả đàn chim di bị đè bẹp xuống sát mặt đất, chỉ còn vùng vẫy tại chỗ chứ không tung cánh bay lên được nữa.
Một thằng người xuất hiện, bước đến gom tấm lưới lại, dồn hết cả đàn chim vào thành một túm. Rồi nó thò tay vào tóm mỗi lần vài con bỏ vào lồng. Nàng Di So thấy mình bị tóm chung với hai con chim nữa, trong đó có chàng di trẻ mới hò ngâm đối đáp với nàng lúc nãy.
Trong lồng đã có vài chục con chim di đá đứng rúm ró vào một góc, đó là đám di đã bị bẫy trước đó. Những con mới bỏ vào, bay nhảy loạn xạ, va lục cục vào thành lồng. Nàng Di So cũng nhảy tứ tung để tìm lối thoát, nhưng lồng sắt kín mít ken dày những lỗ nhỏ không thể nào chui lọt. Nàng điên cuồng húc mỏ qua các lỗ đó. Mỏ nàng trầy xước bật cả máu mà nàng không hề thấy đau. Nhiều bạn bè của nàng mới bỏ vào cũng làm y như vậy, nhưng cuối cùng hầu hết đều thấm mệt không nhấc thân hình lên được nữa đành nằm bệt dí xuống sàn lồng rên rỉ.
Chàng di trẻ cũng mệt lả nằm bên cạnh nàng, mỏ chàng cũng trầy xước và tướm máu đỏ. Chàng cố thều thào an ủi nàng: “Không thoát ra được chị ạ, nằm nghỉ đi”. Nàng khóc gào lên: “Ôi sáu đứa con bé bỏng của tôi, chúng chết mất, từ khi sáng đến giờ chúng chưa có gì trong bụng, chúng chờ tôi mang mồi về”. “Nhưng còn bố chúng ở nhà mà chị” chàng trai nói. Chị lại khóc tức tưởi: “Nhưng anh ấy ở nhà trông con, chờ tôi về rồi mới đi. Ôi anh ấy làm sao biết tôi bị bắt, liệu anh ấy thấy con đói khát quá có đi tìm mồi về cho chúng không?”. “Chắc chắn anh ấy sẽ làm”, chàng trai an ủi.
Sau đó, chiếc lồng di chuyển, thằng người cột lồng vào sau xe rồi chở đi. Trên đường đi về phố, lũ chim bị nhét đầy trong lồng lại kêu gào thảm thiết và húc đầu vào lồng tìm cách tẩu thoát nhưng vô vọng. Nàng Di So lấy lại sức khỏe cũng nhảy lên tông vào thành lồng mấy lần nữa thì té xuống ngất xỉu, may mà có chàng di tơ bám theo chăm sóc, giữ không cho những con chim khác dẫm đạp lên nàng.
Thằng người đi săn đã mang gần một trăm con chim di đá về phố bán lại cho một cửa hàng chim. Nơi đây nhốt nhiều chim đẹp trong các lồng đẹp rộng rãi, riêng lũ chim di và chim sẻ rẻ tiền bị đưa vào lồng chật chội, phía trên gắn bảng “chim phóng sinh”. Vì nhà chùa và phật tử có nhu cầu phóng sinh nên phát sinh ra những người làm nghề bẫy chim cung cấp cho các cửa hàng bán chim. Chim di đá không đẹp, thân hình bé nhỏ xương xẩu, thịt ăn không ra gì, lại không hót hay, số lượng nhiều nên bị săn lùng về làm chim phóng sinh cho rẻ tiền. Người ta tích đức theo số lượng sinh linh được phóng sinh, phóng sinh càng nhiều chim thì đức càng tích nhiều, do vậy chim rẻ tiền như di và sẻ bị săn lùng ráo riết, bắt càng nhiều càng tốt, có bao nhiêu, Phật tử và nhà chùa cũng tiêu thụ sạch. Vào những dịp lễ lạt lớn, các cửa hàng chim không đủ chim phóng sinh để bán.
Bọn ác độc nhốt trong lồng kín đến vài trăm con chim di, rải vào một nhúm thóc hay bột chim, con nào muốn ăn thì ăn, không ăn đói chết thì vứt xác. Chàng di trẻ còn cố lượm vài hạt thóc chứ nàng Di So chẳng thiết gì ăn uống, luôn miệng kêu gào “cho tôi về với con”, “các con ơi”, “anh Di So ơi, anh có lo được cho các con không”… Chàng trai mủi lòng, cố gắng dỗ dành an ủi nàng bao nhiêu cũng không được.
Đến chiều tối, nàng đói lả đến gần ngất mới chịu để cho chàng mớm vào miệng ít nước và một ít thức ăn.
Mỗi ngày lồng chim phóng sinh bị bắt đi vài chục con nhưng vẫn không vơi vì sau đó lại có đợt chim mới do bọn đi săn mang về. Chim cũ biết thân phận nằm im, chim mới nhảy tung lồng, kêu gào thảm thiết. Kẻ gọi chồng, kẻ kêu vợ, kẻ tìm con, lũ trẻ thì khóc lóc kêu gào bố mẹ, lồng chim không lúc nào yên ổn. Mỗi lần có bàn tay thò vào bắt chim, chàng di trẻ lại kéo nàng chạy tránh vào một góc, vì vậy mà qua năm ngày kể từ khi bị bẫy, chàng và nàng vẫn chưa bị mang đi. Cả hai đâu có hay rằng, những con bị tóm mang ra khỏi lồng sẽ được đưa đi trả tự do, tức là đưa đi phóng sinh.
Cho đến một hôm, có người đến mua tất cả các lồng chim phóng sinh. Có đại lễ, nhà chùa cần đến 500 con. Kiểm kê hết các lồng chỉ được chưa quá 300 con, có tiếng cằn nhằn: “Nhà chùa đặt trước 500 con sao lại không lo đủ, làm sao làm cho đủ lễ, các thầy mắng chết”. Chủ hàng chim năn nỉ sẽ đi gom từ các hàng chim khác, hứa đến chiều sẽ có thêm 200 con nữa.
Tối hôm đó, nàng Di So, chàng di trẻ nằm trong số 400 chim di và 100 chim sẻ được đưa hết về một ngôi chùa lớn. Tại đây chúng được phân ra nhốt trong mười cái lồng. Cả đêm hôm đó và đến trưa hôm sau cả lũ không được cho ăn uống, chúng đói khát kêu vang trời. Chúng thấy rất nhiều con người ra vào, tụ tập đông đúc, chuông mõ gõ vang, lời tụng niệm qua loa phóng thanh to như sấm nổ làm cả bọn nhức đầu điếc tai không thể nào chịu nổi. Đến gần trưa, tất cả lồng chim bị mang ra để giữa sân chùa nắng gắt. Một số chim không cầm cự được ngã lăn ra chết hoặc ngất đi. Rồi sau một hồi tụng kinh và tuyên bố lễ phát ra qua loa phóng thanh to như sấm nổ, các lồng chim đồng loạt được mở ra. Nhiều chú chim nhanh chóng phóng ra rồi bay lên bầu trời rộng mở. Tuy vậy trong lồng vẫn còn lại rất nhiều chim đứng ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, một số khác mệt lả nằm bẹp dí không nhúc nhích được. Con người phải đưa tay vào lồng khua khua cho chúng bay ra. Những con không bay nổi, được bắt mang ra bỏ dưới mấy gốc cây trong sân chùa.
May mắn, nàng Di So vẫn còn chút sức lực, nàng tung cánh bay đi ngay sau khi nắp lồng được mở. Nàng cứ bay mãi bay mãi mà không biết bay đi đâu. Đến lúc kiệt sức, nàng đáp xuống một cành cây cao để thở. Chưa kịp thở, nàng đã thấy chàng di trẻ đáp xuống cạnh nàng. Té ra, chàng vẫn bám theo nàng không rời nửa cánh.
Không còn hơi sức để nói với nhau lời nào, nhưng chàng di trẻ biết rằng phải ưu tiên hộ tống nàng Di So tìm đường về tổ của cô ta. May mắn chàng di trẻ còn tỉnh táo, tìm được hướng bay về phía cánh đồng lau. Bay hết sức mình một lát khá lâu, cả hai cũng tìm về đến đồng cỏ lau trước đây. Từ đó nàng Di So bay ào về tổ.
Chưa bay vào đến nơi, nàng đã gọi ơi ới: Các con ơi, mẹ về đây! Anh ơi em về đây. Nhưng lặng yên như tờ. Nàng kinh hoảng đáp xuống cửa tổ nhìn vào. Năm xác chim non nằm phơi ra như năm chiếc lá khô cong. Bốn con chết khô dưới đáy tổ, một con dính đầu vào thành tổ, chắc đói quá nên nó cố bò lên để tìm bố mẹ rồi chết khô ở đó. Còn một con nữa biến đi đâu? Hay bố nó đã mang đi, nàng thốt lên trước khi chết ngất. Chàng trai bình tĩnh hơn nên hiểu rằng, nếu bố còn thì tất cả 6 con đều còn sống, có lẽ anh ấy cũng bị bắt lúc nào đó rồi. Con biến mất là con đầu đàn lớn nhất, nó đủ khỏe để leo lên thành tổ kêu gào bố mẹ lúc quá đói khát, rồi có lẽ nó đã rơi xuống đất và bị loài thú ăn mất xác.
Biết vậy nhưng chàng di trẻ không nói gì, im lặng bay theo nàng Di So ra cánh đồng lau tìm chồng con sau khi nàng đã tỉnh lại. Ngoài cánh đồng lau chẳng còn thấy bóng con di nào. Sau cú bị bẫy, con nào thoát được thì bay đi luôn không dám bén mảng đến đây nữa, chúng tìm nơi khác kiếm ăn. Nàng Di So bay hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, bụi cây này đến bụi cây khác để tìm chồng con. Hầu hết những nơi đi qua, chẳng còn mấy chim di, tất cả đều tan tác do bọn người đi săn bẫy. Nàng hỏi khắp mọi nơi có ai thấy chồng nàng ở đâu không, không ai biết.
Chàng di trẻ dần dần phân tích cho nàng hiểu chồng con nàng không còn nữa, nàng vẫn không nghe, vẫn mải miết đi tìm.
Một hôm đến một cánh đồng lau bên kia sông, có đông đúc chim di đá kiếm ăn và nô đùa. Nàng sà xuống định hỏi thăm về chồng con, thì bỗng dưng nghe tiếng con người la hét ầm ĩ, cả đàn di đang ăn hoảng hốt bay vù lên tẩu thoát. Nàng và chàng trai trẻ cũng kinh hoàng bay theo. Nhưng cả đàn di như khựng lại, chúng va vào tấm lưới mỏng đến vô hình giăng ngang qua đường bay của chúng. Hơn nửa đàn chim bị dính vào lưới. Những con bay cao hoặc bay xa ra ngoài thì mới thoát được. Nàng Di So nằm trong số những con bay thấp, bị dính vào lưới tơ. Nàng càng vùng vẫy, càng dính chặt vào.
Nửa đàn chim di dính lưới được gỡ ra cho vào lồng chật. Nàng Di So hiểu số phận của mình sẽ như thế nào rồi nên nằm im chịu đựng, không bay lên tung vào thành lồng như những con chim khác. Nàng bình tĩnh đi quanh lồng để tìm chàng di trẻ. Không thấy chàng đâu, nàng vừa vui vừa buồn.
Lồng chim được đưa về bán cho cửa hàng chim. Rồi hai ngày sau nàng bị lôi ra cùng với nhóm hơn 10 con chim di khác để chuyển qua lồng nhỏ. Người mua mang lồng chim đến một ngôi chùa khác với ngôi chùa hôm trước. Lần thứ hai nàng được vào chùa. Lại tụng kinh gõ mõ váng cả óc, rồi người ta mở lồng xua tất cả bay đi. Nàng Di So bay ra khỏi cổng chùa một đoạn thì mệt lả. Mấy ngày qua, nàng chẳng thiết ăn uống gì. Cố sức bay lên một cành cao xa lũ người cho an toàn, nhưng nàng đuối sức, rơi xuống dưới gốc cây, nàng đành lết vào sát gốc cây để nấp.
Tuy vậy, một đứa nhỏ ăn xin đã nhìn thấy chỗ nàng rơi xuống, nó nhón từng bước chân đến bên gốc cây rồi bất ngờ dùng hai tay chụp lấy nàng. Thật ra chẳng cần làm thế, thằng bé vẫn bắt được nàng, vì nàng đã quá kiệt sức, nó đến gần, nàng cũng chẳng đủ sức tránh né đi đâu.
Thằng bé mang nàng đến chỗ bán chim phóng sinh dạo ngay phía trước cổng chùa, bán lại kiếm được ít đồng.
Người bán chim phóng sinh dạo, bỏ nàng vào lồng nhốt cùng với một đám chim gầy rộc và kiệt sức. Chịu đói khát đến gần trưa thì có một phật tử đến mua nàng cùng với chục con chim khác.
Bà phật tử rất mộ đạo lại mang nàng vào chùa.
Lần thứ ba nàng vào chùa.
Thầy chùa lại gõ mõ tụng kinh làm lễ. Rồi bà phật tử mang cả lồng chim ra thả. Bà ấy mở lồng, chỉ vài con chim bay ra. Bà khua tay vào, vài con nữa nhảy ra và cố bay đi. Cuối cùng chỉ còn nàng Di So nằm im trong góc lồng không nhúc nhích. Nàng quá kiệt sức, hơn nữa cũng chán ngán và phẫn uất lắm rồi, chẳng thiết bay đi, mà bay được thì bay về đâu? Có chỗ nào để nàng về? Bà Phật tử thò tay vào bắt nàng ra, tung nàng lên trời. Nàng đập đập cánh theo bản năng nhưng những cú đập ấy không đủ lực để giữ thân nàng trên không, nàng rơi ngay xuống đất, bên cạnh chân bà Phật tử. Trời nắng chang chang, bao nhiêu sức nóng đổ hết xuống sân bê tông của chùa. Nàng nằm im luôn tại đó, hơi nóng bốc lên từ bê tông ủ nắng làm bỏng rộp hết da bụng không làm nàng đau đớn nữa. Cái đau thể xác không nghĩa lý gì so với cái đau của cả kiếp chim sinh mà nàng gánh chịu. Con chết, chồng mất, gia đình tan tác, bản thân nàng cũng ra thân tàn ma dại, bay về đâu rồi cũng bị bắt lại. Bay làm chi và bay đi đâu. Trời phật nào độ cho nàng! Độ cho thân phận một con chim nhỏ bé, bị bắt bớ, bị hành hạ, gia đình tan tác, đàn con chết khô vì không còn bố mẹ.
Bà phật tử lấy chân lùa lùa nàng từ giữa sân chùa nắng chang vào dưới gốc cây có bóng râm rồi bỏ đi vào chùa làm nốt lễ phật.
Nàng nằm im đó và thiếp dần đi.
Thân xác nàng Di So, lần này, ở lại mãi mãi trong nhà chùa.
Huỳnh Ngọc Chênh/Xuyên Vũ
—————
*Thông tin về việc mua cuốn “Truyện Chim”:
Mua sách tại các cửa hàng sách hoặc mua online qua các đường link dưới đây:
https://www.khaitam.com/khai-tam-phat-hanh/truyen-chim
https://tiki.vn/truyen-chim-p275766437.html?spid=275766438&spid=275766438&id=275766437
https://shopee.vn/product/883149488/29306431613
*Toàn bộ ảnh trong bài là do chính tác giả chụp và cung cấp.