Truyện Chim của Huỳnh Ngọc Chênh/Xuyên Vũ: Xóm Cây Điều và Nuôi con tu hú

Lời giới thiệu: Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm ở Báo Thanh Niên nhiều năm trước khi về hưu, là phu quân của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị nhà nước cộng sản bắt giam từ tháng 4/2021 với cáo buộc có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, và vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh vừa mới ra mắt cuốn Truyện Chim, với bút danh Xuyên Vũ. Diễn Đàn Thế Kỷ đã từng đăng bài “Huỳnh Ngọc Chênh: Tâm sự “Truyện chim”

trong đó tác giả tâm tình về việc viết và xuất bản cuốn sách này. 

DĐTK sẽ lần lượt giới thiệu vài truyện trong cuốn “Truyện Chim”.

DĐTK.

***

XÓM CÂY ĐIỀU 

Vào cuối tháng 10, khi những cơn bão lũ ghê gớm đã chấm dứt, và gió rét mang mưa lâm râm lạnh buốt kéo về phủ lên xóm làng một màu u ám, thì cô nàng Taiga lông xám nhạt cũng bắt đầu xuất hiện ở xóm Cây Điều.

Nàng thuộc họ chim đớp ruồi sống ở vùng băng giá Taiga tận nước Nga xa xôi, mùa đông không thể chịu đựng được cái lạnh âm đến mười mấy độ nên nàng cùng đồng loại phải di tản về phương Nam.

Tuy ở xa di cư đến, nhưng nàng chẳng hề lạ lẫm hay e dè gì với xóm Cây Điều này. Có lẽ mùa đông năm trước, nàng cũng đã đến đây rồi chăng? Nàng chiếm lĩnh ngay tầng cây sát mặt đất bên cạnh gốc điều. Nơi này nàng hay gặp đôi vợ chồng chích bông bé tí và một chàng chích mày trắng thoăn thoắt chuyền từ cành này sang cành khác để lùng sục mấy con sâu, chúng là chim bản địa cư trú lâu năm tại xóm Cây Điều.

Vợ chồng chích bông hầu như chẳng bay đâu xa, chúng chỉ bay nhảy luẩn quẩn quanh cành nhánh sum xuê của hai cây điều mọc cạnh nhau để bắt sâu là đủ sống suốt đời. Chú chích mày trắng thì đi đi về về, chú hay bay xa qua các xóm khác để kiếm ăn, nhưng thời gian có mặt ở xóm Cây Điều vẫn nhiều nhất, về đêm chú cũng không ngủ ở xóm này, trong khi vợ chồng chích bông lấy xóm điều làm chỗ định cư lâu dài của mình.

Xóm Cây Điều gồm hai cây điều cổ thụ, có khi hơn 50 chục tuổi, mọc cạnh nhau trong một khu vườn khá rộng. Hai cây điều lên cao và có tán rộng lắm, bao trùm hết cái sân và một phần ngôi nhà của ông lão sống tại đó. Dưới tán điều có hàng loạt dây leo và các loài cây dại nhỏ mọc chen chúc với nhau để tranh từng giọt nắng mà tán lá của hai cây điều để lọt xuống. Các loại cây dại này tạo ra một tầng sinh thái sát đất bao quanh hai gốc điều cổ thụ.

Chú chích mày trắng và vợ chồng chích bông thường kiếm sâu và nghỉ ngơi trên tầng cao, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuống tầng thấp. Chàng chích mày trắng xuống tìm sâu và cũng xuống để tắm vào ao nước do ông lão tạo ra bên cạnh gốc cây. Vợ chồng chích bông không đời nào dám xuống tắm cái ao quá sâu so với thân hình bé tí bằng hột mít của chúng. Chúng thường ra vườn hoa tắm vào những giọt nước còn  đọng lại trên lá hay trên hoa sau khi ông lão tưới cây, hay sau một cơn mưa nhỏ.

Bên cạnh ao nước, ông lão đặt một hòn gạch phủ đầy rêu xanh, thỉnh thoảng rải sâu gạo lên đó cho chim di cư về ăn. Nàng Taiga rất thích món này nên hay quanh quẩn gần gốc cây. Bọn chích không thích loại sâu này lắm, tuy nhiên mỗi khi chúng vô tình đến gần chỗ rải sâu liền bị nàng Taiga làm oai bay đến đuổi đi. Thế nhưng Taiga lại rất sợ vợ chồng hoành hoạch hay còn gọi là bông lau, chúng chiếm lĩnh tầng cao xóm Cây Điều, nhưng vẫn xuống thấp để uống nước, tắm, và ăn sâu. Chúng cũng rất khoái món sâu gạo, dù ông lão vẫn treo chuối hoặc trái cây khác cho chúng ở trên cành cây tầng trung. Chúng tham lam ăn cả trái cây lẫn sâu nên rượt nàng Taiga bay có cờ mỗi khi vợ chồng chúng xuất hiện. Không những thế, đôi bông lau còn ra vườn rau phá mấy trái cà chua vừa chín đỏ của ông lão. Ông lão không lấy thế làm phiền lòng vì cà chua ra trái khá nhiều mà một mình ông thì ăn không hết.

Khách vãng lai đến xóm Cây Điều khá nhiều. Trời hửng nắng lên, vợ chồng chim nghệ có màu lông vàng chanh ghé đến tìm sâu dưới các cành lá trên tầng cao. Thỉnh thoảng chúng cất lên tiếng hót lảnh lót và trong trẻo nghe rất êm tai. Những khi đó, ông lão từ trong nhà bước ra hiên chú ý lắng nghe. Ngược lại, đám chim khách, chừng ba đến bốn con, mỗi lần ghé đến kêu lên khẹc khẹc rè rè chẳng hay ho chút nào. Nhưng chúng lại có bộ mã rất đẹp giống các ông cụ xưa đóng bộ vào đi ăn khách. Lông chúng đen mượt và bóng láng từ đầu đến đuôi. Đầu chúng bóng mượt và đen nhánh lại có đôi mắt màu tím rất huyền ảo cộng thêm cái mỏ to màu xám tím tạo nên nét oai nghiêm và trịnh trọng. Đuôi chúng khá dài và xòe rộng ra ở đoạn cuối như đuôi áo của quan lớn mặc đi dạ hội. Chúng lướt qua, kêu khèn khẹc, ăn vội ăn vã vài con sâu trên tầng lá cao rồi bay đi ngay, ít khi nán lại lâu. Trừ những ngày thật nắng nóng vào tháng 6, 7, khắp nơi khô ran nước, chúng mới ở lại lâu, cẩn trọng quan sát trước sau rồi hạ dần xuống gốc cây để nhảy xuống bờ ao uống nước. 

Khách vãng lai còn có chú chim hút mật họng hồng và hút mật họng nâu óng ánh màu, nhưng chuyện hai chú chim nhỏ bé và xinh đẹp này để kể sau.

Bên ngoài vườn của ông người trên các cây cao mọc chung quanh có khá nhiều chim như trau trảu, chèo bẻo, cu gáy, cu ngói, cu vằn, cu rốc, tìm vịt, bắt cô trói cột, tu hú, sả đầu hung…nhưng không thấy chúng ghé qua xóm Cây Điều bao giờ. Có lẽ chúng thấy có ông người hay ra vào đi lại cạnh gốc cây nên không dám bén mảng đến.

Những lúc không có sâu, hay khi bị hoành hoạch rượt đuổi, nàng Taiga bay ra ngoài đuổi ruồi bắt bướm. Nàng thuộc họ đớp ruồi nên bắt những côn trùng bay rất tài tình. Tuy nhiên ra ngoài khoảng trống săn bắt côn trùng thì đồng thời nàng cũng dễ dàng trở thành mục tiêu của các loài chim ăn thịt khác như bách thanh và diều hâu săn lùng. Do vậy nàng vẫn ưa luẩn quẩn dưới tầng thấp của xóm Cây Điều, kín đáo và an toàn.

Một buổi chiều nàng ra ngoài rồi trở về thì bắt gặp chàng hoét vàng đứng lớ ngớ dưới đất sát cạnh gốc điều. Chàng này là chim di cư từ vùng bắc Trung Quốc mới xuống. Có lẽ là lần đầu tiên đến đây nên tỏ ra bỡ ngỡ sợ sệt lắm, dù chàng to xác gấp năm lần nàng Taiga. Chàng thuộc loại chim kiếm ăn dưới đất luôn ở tầng thấp, nhìn mấy con sâu gạo béo múp ngọ ngọe trên hòn gạch rêu thèm thuồng lắm nhưng không dám chui ra khỏi gốc cây để đến mổ ăn. Nàng Taiga tỏ ra ta đây là chủ khu vực này, bay thẳng ra hòn rêu mổ sâu. Bình thường nàng chỉ mổ một con rồi bay vào chỗ kín mới nuốt, sau đó bay ra mổ con thứ hai, nhưng lần này để chứng tỏ ta đây, nàng đứng y tại chỗ nuốt sâu, rồi nuốt thêm một con nữa. Lúc đó chàng hoét vàng mới thận trọng và rụt rè từng bước, bước ra chỗ ăn. Chàng đứng dưới đất nhướng cổ mổ vội vài con rồi ù té chạy vào chỗ nấp.

Nàng Taiga phì cười:

  • Anh tồ kia, có chi mà sợ khiếp thế?
  • Mẹ dặn không được đứng quá lâu chỗ có thức ăn.

Anh chàng tồ vừa nuốt sâu vừa trả lời. Nàng Taiga nói;

  • Tui ăn hoài ở đây có bị gì đâu. Ra đây ăn đi chứ lát nữa vợ chồng hoành hoạch kéo đến là hết ăn.

Anh hoét tồ lại lò dò bước ra, bắt chước nàng Taiga, leo hẳn lên cục gạch rêu, mổ lia mổ lịa đám sâu. Đây là loại sâu gạo béo múp ngon lành mà lần đầu tiên trong đời nó được ăn. Trong khi nàng Taiga đủng đỉnh từ tốn mổ từng con, mà nàng mổ chừng ba con sâu thì no rồi, còn anh tồ mổ lia lịa, nhoáng cái hết hơn nửa chỗ sâu. Vừa ăn anh chàng vừa hỏi:

  • Sâu này ở đâu ra mà ngon thế?
  • Của ông người ở trong nhà kia mang ra … 

Nàng Taiga chưa nói dứt câu, anh hoét tồ nhảy đựng lên chạy vù vào nấp sau gốc cây. Nàng Taiga cũng hoảng kinh bay vù theo. 

  • Ủa ủa, chuyện gì vậy?

Nàng Taiga kinh ngạc và hào hển hỏi. Anh tồ vàng vẫn còn xúc động nói;

  • Mẹ tôi nói thức ăn của người cho là có bẫy đấy, phải tránh xa.

Taiga lấy lại bình tĩnh cười ngất:

  • Làm hết hồn à, làm gì có bẫy. Tôi ăn cả tháng ở đây có thấy cái bẫy gì đâu.
  • Con người không cho chúng ta ăn không đâu, bẫy đấy. Tôi sợ lắm.

Taiga cố gắng trấn an:

  • Lão người này khác lắm, cho ăn nhưng không bẫy gì hết. Xem này có bẫy gì đâu.

Nói xong, nàng Taiga bay vù ra lại hòn gạch, nhún nhảy, chạy tới chạy lui để chứng minh cho anh tồ biết không có bẫy.

Tuy nhiên anh tồ vàng vẫn thập thò đằng sau gốc cây không dám mò ra. Nàng Taiga lại bay vào nói:

  • Lão người này không ác.
  • Vậy lão cho chúng ta ăn để làm gì? Hoét vàng hỏi vọng ra từ gốc cây.
  • Lão treo cả trái chuối cho vợ chồng hoành hoạch nữa kìa. 
  • Nhưng để làm gì? Hoét vàng hỏi lại.
  • Làm gì, ai biết làm gì, nhưng chưa thấy lão hại ai. Năm trước tớ cũng đến đây, cũng ăn hoài chỗ này, có thấy bị gì đâu.

Anh hoét tồ vẫn chưa dám bước ra khỏi chỗ nấp. Lần đầu tiên anh chàng mới tới nơi này và cũng lần đầu tiên anh chàng di cư xuống phương Nam tránh rét, đây là chuyến đi đầu đời nên cái gì cũng sợ.

Sâu ngon vẫn còn nhiều mà anh chàng còn đói lắm, mới bay một chuyến dài từ đèo Hải Vân vào đây, khi nãy có ăn một mớ sâu rồi nhưng chưa bõ bèn gì so với thân hình to lớn của mình, thế là anh chàng lại lấy hết can đảm chạy ra nhảy lên hòn gạch ăn tiếp. Đang ăn ngon lành thì bỗng dưng từ đâu vợ chồng hoành hoạch bay ào đến. Nàng Taiga hoảng quá la lên một tiếng rồi bay vù vào sau gốc cây lẩn tránh. Hoét vàng cứ đứng trơ ra đó nhìn lại vợ chồng hoành hoạch. 

  • Thằng vàng vọt kia, mày ở đâu đến đây tranh ăn? 

Hoành hoạch chồng thét lớn để hù dọa và mong hoét vàng sợ quá bỏ đi. Nhưng anh tồ vẫn đứng lì ra đó vì thấy vóc dáng hoành hoạch thấp nhỏ hơn mình. Anh chàng ta cúi thấp xuống vươn cổ về phía hoành hoạch rồi phùng mang lên sẵn sàng chiến đấu. Hoành hoạch chỉ giỏi bắt nạt mấy em chích và Taiga bé nhỏ, nay thấy anh hoét to con và hung dữ quá, đành chịu lép vế thoái lui. Chàng ta quay qua nói với vợ:

  • Mấy con sâu này sắp chết ăn chán quá rồi, thôi mình lên trên kia ăn chuối vậy.

Rồi hai vợ chồng bay lại cành cây đầu kia ăn tiếp quả chuối chín vàng còn thừa.

Nàng Taiga bay ra đậu bên anh tồ nói:

  • Ôi cậu anh hùng quá, có cậu kình lại chúng nó, từ nay đỡ bị ăn hiếp rồi.
  • Thì do tôi to con hơn chúng thôi. Anh hoét tồ khiêm tốn.

Hai đứa vừa ăn vừa chuyện trò ra chiều thân thiết lắm rồi. Thật ra chỉ anh tồ ăn lia ăn lịa mà thôi, chứ nàng Taiga chẳng ăn thêm được nữa, với nàng ba con sâu là đủ no đến sáng hôm sau.

Anh tồ đang ăn ngon lành thì cửa nhà suỵt mở, một ông người tay cầm bình trà từ trong bước ra hiên, tồ hoảng kinh chạy vù vào trong ẩn nấp. Nàng Taiga bay theo cười nói:

  • Không sao đâu, chính ông người đó rải sâu cho chúng ta ăn đấy. 

Anh tồ vẫn nấp kỹ sau gốc điều, mắt lấm lét nhìn về phía ông lão. Lúc này ông lão đã ngồi vào bàn trà trước hiên, tỏ ra thích thú nhìn về phía chàng hoét vàng ẩn núp. Lần đầu tiên ông người nhìn thấy con hoét vàng về vườn của ông. Nhìn thoáng qua, ông biết ngay đó là con hoét vàng trống, do lông xám trên lưng và lông vàng dưới bụng rất đậm màu. Con mái cũng có hai màu lông như vậy nhưng nhạt hơn. Ông người là một người rành về chim.

  • Cậu thấy không, vợ chồng hoành hoạch vẫn ăn chuối đấy, có sợ ông lão đâu.

Nàng Taiga trấn an anh tồ, nhưng nó lắc đầu quầy quậy:

  • Thôi tớ không dám ra nữa đâu. Làm gì có chuyện thức ăn được cho không mà không có ý gì. Mà tớ cũng no rồi không ăn nữa.

Tối đó, anh tồ chui vào một chùm lá rậm của cây điều ở tầng thấp để ngủ. Nàng Taiga vẫn quen với chỗ ngủ là một cành nhỏ trên cao, tuy nhiên mỗi đêm nàng ngủ ở một cành cây khác nhau để những kẻ săn đêm không chú ý.

Rồi dần dần chàng hoét vàng cũng quen với sự có mặt của ông lão. Ông hay ra ngồi trước hiên vào sáng sớm để uống cà phê và buổi chiều để uống trà. Vào buổi chiều, dù ông có mặt ở đó nhưng lũ chim vẫn kéo đến sinh hoạt bình thường. Ngoài việc kiếm ăn ra, thì chim còn đến uống nước và tắm. Vợ chồng hoành hoạch chỉ tắm một lần, còn chàng chích mày trắng thì nhảy lên nhảy xuống ao nước tắm nhiều lần. Ông lão nhìn nó tắm thích thú lắm. Nàng Taiga hầu như không tắm, nàng chỉ rủ lông và tỉa tót đôi chút là thấy sạch rồi. Lông của nàng kín và nàng cũng ít khi xuống đất nên bụi bặm không bám vào được. Hoét vàng cũng thích tắm lắm, nhưng những ngày đầu không dám, sau thì quen dần. Anh chàng tắm vào lúc đúng năm giờ chiều, là giờ ông lão ra hiên ngồi uống trà.

Một hôm nàng Taiga nổi hứng đề nghị với chàng hoét tồ:

  • Năm thứ hai tớ đến đây, nhưng tớ cứ luẩn quẩn dưới hai gốc cây điều này và quanh vườn của ông lão, chưa dám đi đâu xa để biết chung quanh có gì hay. Hai đứa mình bay dạo một vòng xem thử nhé.
  • Ôi hay quá, tớ cũng thích đi xa xa khỏi khu này để xem có gì hay không. Chàng tồ hưởng ứng ngay.

Taiga bay trước ở trên cao, hoét vàng theo sau ở dưới thấp hơn, hai đứa thoát ra khỏi bụi rậm dưới gốc điều, vượt qua hàng rào thấp chỉn nhà ông già để thám thính vùng lân cận.

Đây là khu nhà dân hoang vắng nằm trong dự án xây dựng làng đại học gì đó, quy hoạch treo từ hơn 20 năm rồi vẫn chưa khởi động. Khu này không được cho xây dựng nên nhà cửa rất thưa thớt, lại có một vài căn nhà lén xây lên trái phép bị đập bỏ thành một đống gạch đá ngổn ngang, và cuối cùng tiếp giáp với một khu nghĩa địa, tạo nên một cảnh tượng hoang vu ma mị. Trong các khu vườn có chủ nhiều loại cây ăn trái to lớn mọc lên xum xuê, các mảnh đất trống bên ngoài không có chủ hoặc bị bỏ hoang phần lớn là cây dại, mọc lung tung khắp nơi trông rất hỗn mang. 

Do hoang vắng, ít người nên chim chóc các loại tụ về rất đông. Taiga và hoét vàng bay chưa qua hai khu vườn đã gặp rất nhiều chim. Bầy cu cườm và cu vằn hiền lành cùng ăn chung trên một bãi cỏ, mải mê đào bới chẳng màng nhìn lên khi cô nàng Taiga và chàng hoét tồ bay ngang qua. Trên các cành cây cao, cu rốc cứ đều đặn kêu như gõ mỏ, nhưng chẳng nhìn thấy bóng dáng chúng đâu. Chèo bẻo và trau trảu chiếm lĩnh các ngọn cây cao, thỉnh thoảng phóng vút vào bầu trời để đớp mấy con ong, bướm, chuồn chuồn bay lạc lên cao.

Hai đứa sà vào một gốc xoài trong vườn vắng. Hoét lò mò cào bới lớp lá để tìm giun bọ. Tai ga bay lượn ra ngoài tìm mấy em bướm nhỏ. Khu vườn này không có người ở nên xác xơ hoang tàn, và vì thế mà bọn chim rất thích. Có một chú bìm bịp đỏ au và to xác như một con gà, chạy tới chạy lui tìm giun dế. Sáo sậu có đến vài chục con làm chủ đám đất bỏ hoang trong vườn.

Hai đứa thám thính một lúc rồi bay ra khu nghĩa địa trống trải. Hai anh chị te vẹt cao nghẹo, nghênh ngang đi qua đi lại như đang canh lãnh thổ, có lẽ tổ của chúng ở gần đâu đây. Quả nhiên đằng sau một gò mả, nằm lẫn trong đống sạn là bốn quả trứng tròn có màu y hệt như những viên sạn. Các loài te đều đẻ trứng trên mặt đất và không cần ấp, chúng nhờ hơi nóng của ánh sáng mặt trời làm cho nở trứng, chim con vừa nở ra là biết chạy ngay.

Hoét vàng nói:

  • Nơi đây trống trải khô cằn chẳng có gì hay ho cả. 

Taiga nói:

  • Để tớ đớp con chuồn chuồn đang bay kia rồi quay về.

Chưa dứt lời, nàng đã phóng vù vào khoảng không, lao về hướng con chuồn chuồn kim bé tí đang bay tại chỗ trên mặt một vũng nước. Nhoáng một cái, con chuồn chuồn đã nằm gọn trong miệng nàng. Nàng đảo cánh định vòng về chỗ đậu để thịt con mồi, nhưng ngay lúc đó một bóng xám xẹt đến với cái mỏ sắc nhọn chụp vào cánh nàng, nàng hét lên một tiếng né tránh rồi bay vù đi. Bóng xám là con bách thanh nãy giờ đậu trên đỉnh một ngôi mộ rình theo nàng và chớp ngay cơ hội khi nàng bay ra đớp con chuồn chuồn. Cú chụp hụt làm nó tức giận phóng vụt theo đuổi nàng taiga bé nhỏ. Nó đã bắt kịp, nàng Taiga khó thoát ra khỏi móng vuốt của nó. Nhưng ngay lúc ấy một bóng vàng lao đến húc vào ngang bụng con bách thanh. Bách thanh tạt nhanh sang một bên để né tránh. Taiga bay vút đi. Hoét vàng bay theo sau che chở.

Hai đứa về đến gốc điều an toàn. Tai ga còn run lập cập, miệng vẫn còn ngậm chặt con chuồn chuồn. Nó nuốt vội con mồi rồi mở miệng cám ơn chàng tồ rối rít.

  • Cậu đã cứu mạng tớ.
  • Ngoài kia quá hiểm ác, thôi từ rày cứ ở đây không đi đâu nữa. Hoét nói.
  • Có khờ khạo mới bay ra ngoài ấy làm mồi cho bách thanh hay diều hâu mình hả. 

Đó là giọng chanh chua của cô nàng chích bông đứng cạnh đó xía vào. Chích chồng cũng hưởng ứng ngay:

  • Vợ chồng mình thì không bao giờ khờ khạo. 

Nàng Taiga biết chúng nói kháy, nhưng lặng thinh không nói lại. Xỉa xói, cãi vã thì không thể nào qua mặt được cặp vợ chồng này. Tuy nhiên cặp vợ chồng chích bông cũng không tha.

  • Ở mô mà lớ ngớ đến, không biết gì thì phải học hỏi dân thổ địa nhiều đời ở đây anh hả. Chích vợ bâng quơ bóng gió.
  • Ừ, cứ tưởng ta đây, may mà không phơi thây như con sẻ bụi hôm nào. Chích chồng phụ họa.

Tháng trước có một con sẻ bụi đầu đen di cư về, lớ ngớ đậu trên cọc hàng rào bị con bách thanh sợt qua bắt đi mất. Vợ chồng chích đậu trên tầng cao cây điều nhìn ra nên chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Taiga lúc đó đậu dưới gốc điều không thấy gì, chỉ nghe vợ chồng chích tán chuyện mà biết.

Rồi tết cũng đến, ông lão đóng cửa nhà, về lại thành phố với con cháu. 

Trước khi đi, ông cẩn thận đưa ống nước cho chảy ri rỉ vào ao tắm để nước luôn đầy ao. Ông cũng cho sâu cùng với bột cám vào chai nhựa có đục lỗ nhỏ để sâu rớt ra từng con một để chim ăn được một tuần.

Nàng Taiga và hoét vàng ăn chưa hết một tuần đã hết sâu vì vợ chồng hoành hoạch vào tranh ăn dữ quá do không còn trái cây treo bên ngoài cho chúng. Ở thêm vài ngày nữa, chẳng có thứ gì ăn, hoét vàng nói với taiga:

  • Tớ bay tiếp vào Nam đây.
  • Tớ cũng đi thôi, nhưng tớ bay ra phía Bắc ghé lại núi Sơn Trà, nơi đó an toàn và cũng nhiều thức ăn lắm. Taiga nói
  • Trên đường vào đây, tớ cũng đã ghé Sơn Trà, đó cũng là nơi dừng chân tuyệt vời. Nhưng tớ thích bay mãi về phương Nam hơn, tớ lần đầu tiên đi phượt nên muốn khám phá. Hoét vàng trả lời.
  • Tớ sẽ ở Sơn Trà cho đến hết mùa rồi bay dần về quê, khi quay lại thì cậu nhớ ghé Sơn Trà nhé, có khi bọn mình sẽ gặp lại nhau ở đó.

Rồi hai đứa chia tay nhau, không bịn rịn lưu luyến gì lắm, mỗi đứa bay đi một phương.

Xóm Cây Điều không vì thế mà vắng chim. Không có mặt ông lão ra vào, các loại chim bản địa quanh vùng dần dần kéo đến. Chàng cu rốc xanh bay đến trên ngọn điều cao tít, thám thính gì đó, rồi ở lại kêu suốt một ngày. Chàng chỉ ăn trái cây mà mùa này điều chưa ra trái nên chàng lại bay đi. Sáo sậu đi cả đàn ào đến kêu ỏm tỏi rồi bay đi, chúng chỉ ghé lại nghỉ chân trên đường ra nghĩa trang kiếm ăn. Cặp chim khách ngày nào cũng ghé đến một hai lần để uống nước. Đang mùa đông, mưa thường xuyên, nước có khắp nơi, nhưng nước trong ao nhỏ dưới gốc điều trong mát hơn nên vợ chồng khách rất thích. Thỉnh thoảng con chim sả đầu hung, cánh xanh biếc cũng hay ghé về. Bọn sẻ nhà thì đến ríu rít thường xuyên, nhưng lạ là chúng không hề làm tổ trên cây điều. Chúng thích các hộp nhựa trên các trụ điện ngoài đường hơn.

Vợ chồng hoành hoạch thì bám trụ thường xuyên vì cho rằng xóm Cây Điều là giang sơn của chúng. Không còn trái cây treo trên cây, không còn sâu dưới đất nhưng chúng vẫn tới lui cả ngày. Chúng ra vườn chén sạch mấy quả cà chua còn sót lại, mấy trái ớt cay xé lưỡi và lùng sục bắt sâu quanh hai cây điều. Thỉnh thoảng, cao hứng chúng rượt vợ chồng chích bông và chàng chích mày trắng độc thân bay có cờ. 

Qua tết, mùa xuân trở về, cây cỏ xanh tươi, hai cây điều cổ thụ nảy lên những chiếc lá mới. Ông người quay trở lại vườn hoang. Ông không còn thấy con hoét vàng và cô nàng Taiga dưới gốc điều quen thuộc nữa, tuy vậy ông vẫn rải sâu vào viên gạch rêu cạnh đó. Mấy ngày đầu cũng chỉ vợ chồng hoành hoạch và mấy chú chích đến ăn, nhưng vài ngày sau lại thấy một con chim đớp ruồi Taiga xuất hiện. Con này là con chim trống vì dưới cổ nó có một cái yếm vàng hình tam giác rất đẹp, chim mái không có cái yếm này. Lần đầu đến đây nên anh chàng có vẻ rụt rè lắm. Từ chỗ nấp sau gốc điều, anh vù ra hòn gạch đớp nhanh một con sâu rồi bay vào ngay.

  • Lấp la lấp ló như thằng ăn trộm

Chích vợ đậu trên cành nhìn xuống, cạnh khóe ngay. Chích chồng phụ họa:

  • Ừ, như là ăn trộm.

Tuy vậy, chích vợ vẫn cãi lại:

  • Thì ăn trộm chứ như chi, ăn trộm sâu của ông người.

Chích chồng phụ họa:

  • À há, ăn trộm đúng rồi, mặt mày nhìn lơ láo.

Chàng Taiga dần dần hiểu ra hai vợ chồng chích bông tuy nói bâng quơ nhưng đang nhắm vào mình, tuy vậy chàng ta vẫn không nói gì, lại bay ra đớp sâu rồi bay vào chỗ núp.

  • Chỉ biết ăn bám vào sâu của ông lão chứ chẳng biết tự kiếm ăn, có thứ chim chi lạ đời. Chích vợ lại lên giọng bâng quơ chì chiết.
  • Làm sao tự lực bắt sâu như vợ chồng mình. Chích chồng phụ họa.
  • Thôi mà kệ người ta, cạnh khóe làm gì. Tui cũng thấy vợ chồng hai bác vẫn xuống ăn sâu ấy đó thôi.

Chàng chích mày trắng, nãy giờ đang nhún nhảy cạnh đó nghe vợ chồng chích bông lên giọng xỉ vả kẻ mới đến nên ngứa tai xen vào. Chích vợ nhảy dựng lên:

  • Miệng tui tui nói, có đụng đến ai mô mà xen vào.
  • Ừ vợ chồng mình trao đổi riêng với nhau lại xen vào, có thứ chim chi mà vô duyên. Chích chồng phụ họa.
  • Miệng tui tui nói có đụng đến vợ chồng ai mô mà nhảy dựng lên kìa. Chích mày trắng đốp chát lại.
  • Ở dây chỉ có vợ chồng tui, không nói với vợ chồng tui thì nói với ai. Chích vợ cãi lại.
  • Ừ thì nói với ai? Với gốc cây à? Chích chồng phụ họa.
  • Đúng, trong gốc cây có kẻ mới đến, tui đang nói với kẻ đó đấy, làm như ở đây chỉ có hai vợ chồng. Chích mày trắng vẫn không chịu thua.

Chàng Taiga thấy có kẻ bênh mình nên thiện cảm, từ chỗ nấp trong gốc cây ló ra cúi đầu nói:

  • Chào các bạn, tui là đớp ruồi Taiga đến từ rừng Taiga ở nước Nga, xin chào ra mắt tất cả các bạn.
  • Hứ làm như quý tộc sang chảnh. Chích vợ nói.
  • Ừ, ở đây không quen kiểu đó. Chích chồng phụ họa.

Vợ chồng chích bông là loài chim bé nhất ở đây, luôn bị các chim khác dọa nạt, rượt đuổi, ngay cả nàng taiga mái trước đây cũng cũng rượt cho chạy có cờ mỗi khi vợ chồng chúng sà xuống hòn gạch tranh ăn sâu. Chúng căm nàng taiga mái lắm nhưng không dám làm gì, nay thấy chàng taiga trống đến còn lớ ngớ, trút hết ẩn ức lên cho hả tức. Chích mày trắng thân hình lớn bằng Taiga, không bị nàng taiga dọa nạt, hơn nữa bản tính vốn thân thiện với khách lạ, nên làm thân với chàng Taiga mới đến. Chàng ta điệu nghệ đến chào lại:

  • Tớ là chích mày trắng, thường trú tại xóm cây điều này.
  • Tui ba lần đi phượt về phương Nam, nhưng lần đầu tiên mới đến chốn này, còn nhiều bỡ ngỡ mong các bạn chỉ bày. 

Chàng Taiga khiêm tốn nói đồng thời bay ra hòn gạch đớp nhanh một con sâu rồi bay vào. Chích mày trắng được dịp “chỉ bày” ngay:

  • Đây là xóm cây điều, do hai cây điều mọc cạnh nhau tạo ra. Vườn này của ông lão đang ngồi trong hiên nhìn ra đấy. Mấy con sâu này cũng của ông lão rải ra đây cho chúng ta ăn, ai đến ăn cũng được, ông lão không làm gì cả.

Chàng Taiga trố mắt ngạc nhiên:

  • Sao mà có ông lão người tốt thế, không chừng ông ấy rải sâu ra để bẫy chúng mình.
  • Làm gì có bẫy, chúng tui ở đây hơn ba năm rồi chưa thấy ông ấy bẫy bắt con chim nào, sợ bẫy thì đừng có mò đến ăn. Chích vợ chua ngoa xen vào.
  • Ừ, sợ bẫy thì thì đừng có ăn, ai mời. Chích chồng phụ họa.

Chàng Taiga từ lúc nghe đến ông lão mới chú ý nhướng lên nhìn qua mấy khe lá quả nhiên thấy có một ông lão ngồi gần như bất động tít trong hiên nhà, chàng sợ quá ẩn kín vào sau gốc cây rồi nói vọng ra:

  • Sao lại có con người tốt thế nhỉ?
  • Trước đây có một nàng Taiga về đây ăn đến mập ú ra. Chích mày trắng nói.
  • Nàng ấy đâu rồi? Chàng Taiga hỏi vọng ra.
  • Mấy tuần vừa rồi ông lão đi vắng không còn thức ăn nữa, nàng ta bay đi rồi. Đằng ấy có quen biết nàng không? Chích mày trắng hỏi.
  • Không biết đâu. Đến giữa mùa thu, giống loài chúng tui rời xa quê hương, đi phượt xuống phương Nam để tránh rét, xứ tui rét lạnh buốt xương, mạnh ai nấy đi, cùng trong một gia đình cũng không hề đi chung với nhau. Tui có một vợ và ba con, chúng tui chia tay nhau và bay đi, trên đường đi cũng chẳng hề gặp nhau.

Chích vợ xía vào:

  • Quê mình mình ở bày đặt phượt với phẹt cho rối việc.
  • Ừ, rối việc. Chích chồng phụ họa.
  • Lạnh đông cứng và trắng xóa hết, không con gì sống được, cũng chẳng có gì ăn. Taiga nói
  • Vậy ở lại luôn đây sống giống bọn này phải khỏe không, nơi này chẳng lạnh gì ghê lắm. Chích mày trắng nói.
  • Không được, qua mùa hè ở đây nóng như lửa đốt, bọn tui cũng không thể nào chịu được. Taiga trả lời.

Vợ chồng chích bông tuy hơi ác mồm, nhưng thấy chàng Taiga điệu nghệ và khiêm tốn nên dần dần không còn ác ý nữa, mà thật ra vợ chồng chúng cũng tốt bụng, tuy không giúp đỡ được ai nhưng cũng chưa hại ai bao giờ. Chàng chích mày trắng độc thân vốn hiền lành dễ hòa đồng nên đã chơi thân với chàng Taiga ngay từ đầu. Bộ bốn đứa chúng nó nói chuyện rôm rả. Chàng taiga kể cuộc sống của giống loài mình ở vùng thảo nguyên băng tuyết xa xăm, kể chuyện hàng năm đi phượt xuống phương Nam vừa thú vị nhưng không kém phần gian lao và nguy hiểm, cái chết luôn rình rập bất kỳ lúc nào trên đường đi vạn dặm. Vợ chồng chích bông và chàng chích mày trắng thi nhau kể về xóm cây điều, về lão người hiền lành, về địa thế quanh vùng và về các loài chim ăn thịt nguy hiểm cần phải tránh né.

Chúng đang đấu hót vui vẻ thì vợ chồng hoành hoạch ùa đến, đuổi cả bọn bay tan tác khắp nơi. Hoành hoạch to xác hơn lũ chích và taiga gấp đôi lần nên ỉ lớn hiếp đáp bọn bé nhỏ. Tuy vậy chúng chỉ rượt lũ chim nhỏ chạy ra khỏi chỗ ăn thôi chứ chưa bao giờ đuổi đánh đến tận cùng. Vợ chồng chúng bay đi khắp nơi, nhưng thường xuyên về xóm Cây Điều để kiếm ăn và nghỉ ngơi, và chúng xem xóm Cây Điều là giang sơn của chúng. Hai vợ chồng sà xuống hòn gạch chén sạch tưng số sâu còn lại rồi bay lên cây vừa xỉa lông vừa hót hoành hoạch nghe chẳng hay ho gì. Nhưng chính nhờ vậy mà chúng còn tồn tại rất nhiều ở khắp mọi nơi từ quê ra phố. Màu lông xám xịt lại hót không hay thì chẳng ai thèm săn bắt làm gì. Ngược lại, đồng họ với chúng là chào mào thì không còn một con, hầu hết đều bị bắt vào lồng. Có những nhà buôn chim nhốt cả ngàn con chào mào. Hiện chúng chỉ còn sót lại trên núi cao hoặc trong các công viên được bảo vệ kỹ. 

Xóm Cây Điều bỗng dưng lại xuất hiện một loài chim mới. Anh chàng này bé tí, bé còn hơn chích bông, bay đến đậu trên cành điều cao vào một buổi sáng rồi cất tiếng hót ríu rít liên tục. Qua mùa xuân, hai cây điều bắt đầu trổ bông, những cái bông bé li ti chẳng đẹp đẽ gì nhưng chứa mật ngọt, một chút xíu thôi. Anh chàng chim mới là một gã trống non, bay quanh mấy chùm hoa ấy, vươn cái lưỡi thật dài ra chích vào nhụy hoa để hút mật. Anh chàng làm việc đó không hại hoa mà còn giúp chúng kết trái vào mùa hè đến. Chàng ta là chim hút mật họng hồng, có màu lông đen trên thân nhưng có cổ họng màu hồng ánh lên rất đẹp. 

Chàng Taiga thường xuyên ở dưới tầng thấp nên không quan tâm lắm các loài chim trên tầng cao. Hơn nữa chàng đi phượt hàng vạn dặm nên trên đường đi gặp không biết cơ man giống chim đẹp lạ. Bọn chích thì tò mò lắm, lần đầu tiên chúng thấy con chim bé tí và màu mè này xuất hiện ở xóm cây điều. Thật ra chúng cũng thấy loài chim hút mật nhiều lần rồi, đó là chú chim hút mật họng nâu hay bay về hút mật trên cây liễu bên ngoài khu vườn. Chim hút mật họng nâu có đến 7 màu trên thân hình và đặc biệt ở cổ có đám lông ánh nâu rất lóng lánh. Tuy nhiên chàng hút mật họng nâu chưa bao giờ bay vào xóm cây điều. Còn chàng hút mật này lại vào tận đây, vô tư ca hát và hút mật hoa điều, một sự lạ. Chúng tò mò bay đến nhìn ngắm chứ không hề gây sự vì biết giống chim này chỉ hút mật, không dành sâu với chúng.

  • Ê, chú mày từ đâu đến đây? Chích vợ hỏi.
  • Thưa chị em ở cách đây không xa, nhưng lần đầu tiên đến đây. Mật hoa điều ngon lắm. Chàng hút mật họng hồng trả lời.

Chích mày trắng quan sát kỹ thấy vài sợi lông tơ còn dính trên cổ hút mật nên biết nó mới vừa rời tổ, còn non lắm. Chích mày trắng hỏi:

  • Tổ cháu ở đâu?
  • Cách đây bốn khu vườn về phía mặt trời mọc. Cháu cũng mới rời tổ vài tuần thôi. Cháu chỉ đến đây hút mật, không làm phiền các cô chú chứ.
  • Nước sông không đụng nước giếng, nhưng coi chừng vợ chồng hoành hoạch hung hăng lắm. Chích vợ nói.

Hút mật vâng một tiếng lại tiếp tục bay đi hút mật. Lũ chích cũng thấy chẳng có chi để hỏi nữa, lại lo đi vạch lá bắt sâu.

Hai cây điều tán lá rất to và rậm rạp, chứa chấp cơ man nào sâu, bướm, bọ, côn trùng. Nhiều loài chim cật lực tìm bắt cũng không hết. Chích, hoành hoạch, chim nghệ, chim khách… đều bắt sâu trên hai cây này để sinh sống. 

Chích bông bé nhỏ, nhưng giỏi bắt sâu nhất. Chúng còn biết phân biệt sâu nào không độc để bắt ăn và sâu nào độc thì chừa ra. Chích mày trắng và các chim khác thì không phân biệt được, cứ ăn đại vào, tuy nhiên bao tử của chúng có để hóa giải được chất độc nên cũng không sao. Có một loại sâu cực độc mà loài chim nào cũng biết và né tránh, đó là sâu róm, lông lá thấy kinh nên cũng dễ nhận biết để chừa ra. Tuy nhiên lại có loài chim rất khoái ăn sâu róm này, đó là họ nhà cucu bao gồm tìm vịt, bắt cô trói cột, cu cu đen và tu hú. Rất may, cây điều không có sâu róm nên dòng họ nhà đó dù xuất hiện rất nhiều quanh xóm, nhưng hiếm khi bay vào xóm Cây Điều.

Rồi mùa hè đến, chàng Taiga cũng đến lúc chia tay các bạn để ra đi. Chàng chích mày trắng cũng biến đâu mất không thấy quay trở lại xóm Cây Điều, có lẽ chàng đã tìm ra ý trung nhân rồi xây dựng tổ ấm ở đâu đó.

Vợ chồng chích bông bận rộn bắt tay vào xây tổ mới cho mùa sinh đẻ này. Năm trước chúng xây tổ trên cây điều bên trái, năm nay chúng đổi qua xây tổ trên cây điều bên phải. Mỗi mùa sinh đẻ, chúng xây tổ mỗi khác nhau, nhưng chung quy vẫn loanh quanh trên hai cây điều chứ không dời đi nơi khác. Chúng cảm nhận được nơi này an toàn cho con chúng. Sự có mặt của ông lão đã làm cho cú, diều hâu, bách thanh ít bén mảng vào xóm Cây Điều để xơi con chúng. 

Ba mùa xây tổ đều diễn ra suôn sẻ. Nhưng lần xây tổ này, tai họa đã giáng xuống gia đình chích bông khá bất ngờ và bi đát.

Đó là câu chuyện buồn mà chúng ta sẽ biết vào phần sau.

***

NUÔI CON TU HÚ

Tháng ba. Nó đứng một mình trên ngọn cây kêu suốt. Nó cảm nhận ra nỗi cô đơn đeo bám nó từ khi sinh ra, lớn lên và cho đến tận bây giờ. Lúc nào nó cũng cô độc và thui thủi một mình. Đã qua bốn mùa sinh đẻ, nhưng nó không bao giờ có con. Nó luôn luôn là con mái góa cô độc, không chồng không con.

Nó không bao giờ nhận ra tất cả những điều đó cho đến tháng ba hàng năm. Đến thời điểm mà nỗi cô đơn không biết từ đâu ập đến, nó cảm thấy trống trải, buồn chán, cô quạnh, không tha thiết đến chuyện ăn uống, trừ khi quá đói. Nó đứng trên ngọn cây phi lao khá cao cách xóm Cây Điều một khu vườn, cất lên tiếng kêu đều đều buồn thảm: Tu hú, tu hú, tu hú…

Đã ba ngày trôi qua, tiếng kêu của nó càng lúc càng khắc khoải u hoài.

Nó vẫn kêu nhưng mắt luôn hướng về xóm Cây Điều với hai cây điều cao to rậm lá. Nó không nhìn thấy gì dưới các tàng lá kín, vì quá xa, nhưng nó biết trong đó có đôi vợ chồng chích bông đang làm tổ. Nó nghe tiếng hót vang to và vui nhộn của vợ chồng chích bông thỉnh thoảng phát ra từ đó. Chích bông rất bé, nhưng tiếng hót của chúng khá lớn và âm vang xa.

Ngày nào nó cũng kêu lên buồn thảm từ sáng đến chiều, đến tối nhá nhem. Nó kêu vậy suốt mấy ngày qua.

Rồi một ngày kia, ở đâu đó không xa, có một anh chàng tu hú cũng đang rơi vào tâm trạng cô đơn như nó, cất tiếng đáp lại: Tu hú, tu hú, tu hú… Nàng tu hú như được truyền cảm hứng, cất giọng lên cao hơn, nhanh hơn, nhưng lại tha thiết u hoài hơn.

Anh chàng cô đơn bay lại gần, xuất hiện trước mặt nàng trên ngọn cây đối diện. Nàng hạ giọng xuống, tiếng kêu phát ra nhỏ dần như lời rên rỉ van xin. Anh chàng lang bạt ngừng kêu, bay đậu vào cùng cành cây với nàng rồi nhích dần lại gần hơn, gần hơn. Nàng dừng kêu, cúi gầm đầu, hạ thân hình thấp xuống, nửa như e ấp nửa như tuân phục…

Chúng gặp nhau và bầu bạn chưa đầy vài phút. Chàng kia lại cất cánh bay đi trong im lặng. Nó đứng lên rũ lông mấy lần nhưng vẫn như không rũ hết nỗi cô đơn khắc khoải bên trong. Rồi nó cũng thui thủi bay đi.

Ngày hôm sau không còn thấy nó đậu trên ngọn phi lao cao vút than thở tu hú tu hú nữa. Nó lùng mò xuống các bụi cây thấp hơn và gần với xóm cây điều hơn.

Nó vừa bắt sâu kiếm ăn, vừa dòm ngó thám thính về phía hai cây điều.

Nó nhìn thấy chỉ có một chàng chích bông nhảy tí tách kiếm sâu và thỉnh thoảng dừng lại cất lên tràng tiếng hót cao vút và rộn ràng. Nó đoán biết chích mái đã vào nằm ổ để đẻ quả trứng đầu tiên. Nó như một bóng ma, lặng lẽ bay đến ngọn cao nhất của cây điều, ẩn vào chùm lá rậm nhất để chích bông không nhìn thấy, đứng bất động chờ đợi.

Qua một tuần lễ bận rộn tha tơ nhện và các loại lông tơ về làm tổ, hôm nay chích bông chồng mới có thời gian thong thả. Vợ đang nằm tổ, nó nhảy nhót kiếm ít con sâu rồi dừng lại tỉa tót lông cánh. Vui quá, chàng ta lại cất tiếng hót vang. Từ dạo chàng Taiga ra đi, rồi chàng chích mày trắng cũng rời xóm Cây Điều, vợ chồng nó không còn ai để tám chuyện. Mà nó thấy cũng không cần thiết lắm vì phải tất bật lo làm tổ. Hôm nay rảnh rỗi, nó mới có dịp nhìn quanh. Xóm cây điều không vì thế mà vắng lặng. Vợ chồng hoành hoạch vẫn bay tới bay về ồn ào, thỉnh thoảng vẫn rượt vợ chồng nó chạy có cờ. Chàng trống tơ hút mật họng hồng đã ra dáng trưởng thành khi những lông tơ cuối cùng trên cổ đã rơi hết, nhưng dạo rày chàng cũng ít lui tới xóm Cây Điều vì hoa điều tàn dần để nhường cho những quả điều nhú ra. Đôi chim nghệ vẫn hằng ngày ghé qua một lát kiếm sâu, chúng không rượt đuổi chích bông, nhưng cũng không thèm quan tâm chuyện trò với loài chim bé tí ấy làm gì. Chích chồng hát thêm vài tràng nữa thì chích vợ bay ra khỏi tổ đến tìm. Chị ta khoe vang:

  • Một quả trứng tuyệt vời, em vừa đẻ xong.
  • Ôi một qủa trứng tuyệt vời, chắc chắn thế, em đã đẻ thì phải tuyệt vời. Chích chồng phụ họa theo vợ để nịnh đầm.

Hai vợ chồng vừa đấu hót vừa thoăn thoắt chuyền cành để tìm sâu.

Qua ngày tiếp theo, khi nàng chích bông vào tổ đẻ trứng thứ hai, tu hú bay về xóm Cây Điều, tìm đậu trên ngọn điều cao nhất, lặng lẽ ẩn mình trong một chùm lá rậm.

Tuy âm thầm đến như một bóng ma, nhưng mọi động tĩnh của tu hú không qua mắt được chích chồng. Chàng ta biết ngay sự xuất hiện của tu hú, hơi ngạc nhiên đôi chút, vì loài chim này ít khi vào xóm Cây Điều. Tuy vậy, chích bông không lấy làm quan ngại, loài chim ấy tuy to lớn nhưng hiền lành, cũng ăn sâu nhưng không hề rượt đuổi loài chim bé nhỏ như nó. “Chắc hắn ta muốn tìm chỗ nấp mát”, chích chồng nghĩ vậy rồi tiếp tục ca hát và kiếm ăn trong khi chờ vợ.

Không lâu sau đó, chích vợ xuất hiện. Chị ta uốn éo vặn mình rồi oang oang:

  • Xong rồi đó anh, một quả trứng tuyệt vời nữa đã từ em ra ổ.
  • Quá tuyệt vời! Chích chồng phụ họa.
  • Ngày mai mình ấp anh nhé.
  • Đúng vậy, ngày mai mình ấp thôi.
  • Ôi hai đứa con tuyệt vời của mình sẽ chào đời tại xóm Cây Điều huyền thoại này.
  • Đúng vậy, em thật tuyệt vời, con mình chào đời tại xóm Cây Điều huyền thoại này.

Hai vợ chồng vừa ngợi ca vừa tí tách dẫn nhau xuống tầng thấp kiếm ăn và uống nước.

Nàng tu hú chỉ chờ vậy, nhẹ nhàng bay về phía tổ chích bông. Tổ nằm trên cành điều ở tầng trung, ngay trên mái hiên nhà ông lão. Tổ được làm bằng những sợi bông mảnh và những chiếc sợi lông nhỏ được tước ra từ lông chim, tất cả được gói gọn trong hai chiếc lá điều cuộn lại bằng chất kết dính là tơ nhện pha với nước miếng chim. Tổ được đặt nằm ngang, cửa tổ được che phía trên bằng chính lá điều còn dư ra. Mùa này không mưa, nhưng nếu có mưa giông bất ngờ thì nước cũng không rơi vào tổ.

Miệng tổ hơi nhỏ, tu hú dùng đầu nống cho rộng ra, thò mỏ mổ một quả trứng hút sạch lòng trắng và lòng đỏ bên trong rồi gắp vỏ trứng ném xuống đất. Sau đó nó gọn gàng xoay thân lại, đun phần đuôi vào miệng tổ.

Chỉ trong chớp ngoáng nó đẻ vào đó một quả trứng to đùng, phải gấp đôi quả trứng còn lại của chích bông. Nó xoay lại nhìn quả trứng nằm gọn gàng trong tổ bên cạnh quả trứng bé kia, đó là lần nhìn ngắm duy nhất và cuối cùng đứa con tương lai còn nằm trong trứng của nó. Rồi nó bay đi, sống tiếp một cuộc đời cô độc, không gia đình, không con cái.

Tu hú, Bắt cô trói cột và các loại Tìm vịt là loài chim thuộc họ cucu đều có cuộc sống cô độc và đẻ lén trứng vào tổ chim khác như thế. Cả giòng họ chúng đều không biết làm tổ, không biết ấp trứng, không biết nuôi con, và dĩ nhiên không hề có gia đình. Chúng sống cô độc từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi, con mái cũng như con trống.

Chiều tối hôm đó, vợ chồng chích bông về thăm tổ trước khi tìm chỗ ngủ trong bụi lá rậm gần đó. Chích mái tự hào chỉ vào tổ khoe với chồng: 

  • Anh ngắm qua hai quả trứng thân yêu tuyệt vời của mình nè.

Chích chồng đến ngắm nghía một lát, rồi cất tiếng phụ họa vợ:

  • Ôi đúng là hai quả trứng tuyệt vời, do em tuyệt vời sinh ra.
  • Chúng sẽ nở thành hai đứa con tuyệt vời, vừa giống anh lại vừa giống em.
  • Đúng vậy, tuyệt vời và giống hệt hai vợ chồng mình… mà sao một quả lớn và một quả bé thế nhỉ. Chích chồng tuy phụ họa vợ nhưng cũng rụt rè đưa ra nhận xét riêng của mình.

Chích vợ ngạc nhiên nhìn vào tổ:

  • Ừ nhỉ, sao lạ vậy nhỉ? Chắc trừng sau do em hạnh phúc quá nên tự dưng lớn phồng ra. Tuyệt quá.
  • Ừ tuyệt lắm, em hạnh phúc quá nên đẻ nó ra lớn quá.

Hai vợ chồng chích bông tận tụy thay phiên nhau ấp trứng. Ba tuần sau, hai chú chim non đỏ hon hỏn tự đập vỡ vỏ trứng chui ra. Quả trứng lớn chui ra thằng anh lớn đùng, quả trừng bé tí chui ra cô em bé tí bằng hạt đậu. 

Vợ chồng chích hạnh phúc lắm, nhảy lên cành cao nhìn trời xanh và hót vang lừng. Từ đó chúng cật lực tìm sâu về nuôi con, mà cật lực hơn lần đẻ trước vì thằng anh lớn xác ăn dữ quá, mỗi ngày vợ chồng đi về vài chục lượt vẫn không đủ cho cái tàu há mồm đỏ chót và to bự ấy, to đến mức có thể ngậm được đầu của bố mẹ. Nó kêu ăn luôn mồm và dành luôn phần ăn của đứa em bé bỏng. Vợ chồng chích nhiều lúc phải giấu mồi kín trong mỏ mới lách qua đầu thằng anh chui xuống đáy tổ đút cho đứa con bé nhỏ.

Qua ngày thứ ba, vợ chồng chích mang sâu về, chỉ thấy mỗi thằng lớn, không thấy con bé út đâu nữa. Vợ rồi chồng chưa kịp suy nghĩ gì phải lo đút mồi ngay, thằng lớn xác há to mồm đòi ăn ơi ới. Đút cho nó ăn xong, vợ rồi chồng lẩn quẩn quanh tổ tìm con, thì lúc đó thằng to xác lại ngoác mồm ra kêu thảm thiết đòi ăn, nghe đến não lòng. Sợ con đói, vợ chồng chích lại tất bật bay đi, không còn thời gian để nghĩ thêm về đứa con bé nhỏ vừa mất tích.

Vợ chồng chích bông đâu ngờ rằng đứa con ruột thịt bé bỏng của mình chỉ còn lại cái xác vô hồn nằm sóng sượt dưới đất, cạnh hiên nhà và đang bị đàn kiến đỏ phủ kín lên để rỉa thịt. Thằng anh đã dùng lưng nống đứa em không ruột thịt của nó lên miệng tổ rồi hất rơi xuống dưới, nó không muốn chia khẩu phần ăn với con bé.

Nó quá to xác, mới bốn ngày tuổi, mới vừa mở mắt mà thân hình nó đã lớn hơn thân hình bố mẹ. Thức ăn mang về bao nhiêu cho nó cũng không đủ. Mà thức ăn cho nó đâu phải dễ tìm, phải là sâu không độc. Bố mẹ thật của nó, tu hú trưởng thành, ăn loại sâu gì cũng được, kể cả những con sâu róm cực độc. Nhưng tu hú non, giống như chim chích, không thể ăn được sâu độc, ăn vào là trúng độc chết liền. Chích bông biết phân biệt sâu nào ăn được, sâu nào tránh xa. Tu hú mẹ không làm được điều này. Đó là một trong các lý do, chúng gởi con vào tổ chim chích, ngoài lý do chúng không biết ấp trứng và nuôi con.

Tu hú con lớn quá nhanh, mới đó đã nằm tràn lên trên tổ, và khi bắt đầu thay lông cám, cu cậu phải nhảy luôn ra ngoài vì tổ không chứa được. Suốt ngày cu cậu đứng một chỗ vỗ cánh, há mồm đòi ăn. Cái mồm của cu cậu mới to và đỏ au làm sao, cứ nhìn vào đó là bố mẹ chích lại phải cong lưng đi tìm mồi về đút.

Nuôi con tu hú

Chích chồng chích vợ đều gầy rạc đi, nuôi ba lứa con trước có khổ như thế này đâu.

Giờ đây lông của cu cậu to xác đã thay xong. Màu đen vằn vện sọc ngang chẳng giống chút nào với màu vàng rơm của bố mẹ nuôi. Rồi cu cậu đã biết bay và biết chuyền cành, nhưng vẫn cứ bám theo bố mẹ nuôi. Cu cậu kéo tàu há mồm đến tận nơi bố mẹ săn mồi, để họ bắt được con sâu nào là chìa ngay qua đút cho cu cậu. Hiện giờ cu cậu có thân xác to gấp ba lần bố mẹ nuôi, thấy sâu bám vào lá ngay trước mỏ nhưng không dám tự bắt ăn vì cu cậu giống như bố mẹ ruột không biết phân biệt sâu độc và sâu không độc, bắt nhầm, ăn vào là chết.

Vợ chồng chích bông tả tơi đến tang thương, nhưng không phút nào được ngưng nghỉ, con càng lớn càng đòi ăn phàm, mà nó cứ bám sát ngay bên cạnh hối thúc, bắt được con sâu nào chìa qua đút cho nó liền liền. Trước đây nó còn trong tổ thì còn thở được, còn tranh thủ nhâm nhi chút đỉnh cho khỏe. Bây giờ nó bám theo sát kêu gào luôn miệng không thể nào ngơi, bắt được sâu cũng không thể nào ăn với nó. Không đút, nó cũng xông tới giật ngay trong miệng.

Vợ chồng chích bông không còn hở chút thời gian để than thở, nếu kéo dài tình trạng này ít lâu nữa có khi chúng chết vì suy kiệt mất.

Nhưng may mắn thay, vào một buổi sáng sau giấc ngủ mê man vì quá đuối sức, vợ chồng chích bông thức dậy, không nghe tiếng kêu gào đòi ăn nữa, không thấy bóng dáng thằng con ác mộng ở đâu nữa. Tu hú con đủ lớn, máu cô độc trong gen của nó bùng phát, nó thấy không thể sống gần gũi với bất kỳ ai được nữa, kể cả hai con chim chích bé tí đã đút cho nó ăn từ bấy đến giờ. Nó vỗ cánh bay đi không lời từ biệt lúc hai con chích tội nghiệp kia vẫn còn mê mệt ngủ.

Nó lại lao vào cuộc sống cô độc. Số mệnh vận vào giống loài nó như vậy nên nó đành chịu vậy.

Huỳnh Ngọc Chênh/Xuyên Vũ

——————

*Thông tin về việc mua cuốn “Truyện Chim”:

Mua sách tại các cửa hàng sách hoặc mua online qua các đường link dưới đây:

https://www.khaitam.com/khai-tam-phat-hanh/truyen-chim

https://tiki.vn/truyen-chim-p275766437.html?spid=275766438&spid=275766438&id=275766437

https://shopee.vn/product/883149488/29306431613

*Toàn bộ ảnh trong bài là do chính tác giả chụp và cung cấp.

Bài liên quan:

Truyện Chim của Huỳnh Ngọc Chênh/Xuyên Vũ: Chuyện chàng Oanh cổ đỏ và Ba lần vào chùa