Truyện ký Tiểu Lục Thần Phong: Thời thế thế

Hình minh họa: AI generated.

Công việc có chậm đôi chút, những đơn hàng thưa thớt thậm chí đứt quãng, nhiều khi còn không có. Dịch đã giảm nhiều nhưng sự phục hồi kinh tế chưa thấy khả quan là bao, vật tư phụ tùng từ các nước Đông Nam Á cung cấp không đầy đủ, bởi vậy có ngày vào hãng làm vài tiếng là thiếu linh kiện nên phải nghỉ, cả đám đi loanh quanh hoặc tụ lại tám đủ chuyện từ ông Trump đến ông Biden, chuyện dịch… nhưng  nhiều nhất và hứng thú nhất vẫn là nói về bóng chày và bóng cà na. Thằng nào cũng hăng tiết vịt, nói không ngưng nghỉ, thằng nào cũng to mồm cố lấn át ý kiến đứa khác. Chuyện bóng cà na thì hầu như nói mọi ngày, riêng sáng nay thì cả đám rất hỉ hả khi bàn về cái tin nóng hổi mà ti vi vừa đưa tin sáng nay, Đó là chuyện tòa án tối cao ra phán quyết buộc Tesla phải bồi thường một trăm ba mươi bảy triệu đô la cho vụ kiện kỳ thị xảy ra tại hãng. Cái tội kỳ thi và quấy rối tình dục là một vấn đề hết sức nhạy cảm và thiên biến vạn hóa, nó có thể suy diễn, quy kết một cách rất buồn cười từ những lời nói hay hành động rất mơ hồ. Nhiều vụ kiện kiểu này đã giết chết sự nghiệp cũng như danh tiếng không biết bao nhiêu người. Những vụ kiện từ một hành động hay lời nói vu vơ nhưng các ông tòa có thể suy diễn và dẫn luật này luật kia ra để kết tội, mà tòa đã phán quyết thành án rồi thì cứ thế thi hành, cho dù có oan sai cũng phải thi hành. Thằng Edgar Donsey hăm he:

– Cho chúng nó biết lễ độ, bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt chứ không phải thế kỷ mười chín đấy nhé! Đụng đến chúng ông là chúng ông kiện tới bến.

 Thằng Smith Johnson trông ngiêm nghị lắm nhưng không giấu được vẻ hài lòng:

– Công lý phải được thi hành, phải như thế mới được chứ!

 Tuy làm chung, chơi chung nhưng Steven N không thể đồng ý với những việc hùa theo đám đông hoặc ăn vạ quá đáng, nếu những vụ việc kỳ thị rõ ràng thì có pháp luật trừng trị, còn những vụ ăn vạ vu vơ thì sao có thể chấp nhận được! Tuy nhiên không đồng ý nhưng không thể nói ra, có những sự thật không thể nói ra, một khi nói ra là rắc rối to, có thể bị bề hội đồng, cũng có thể bị đưa lên văn phòng và bị đuổi việc… Steven N thấy cả đám đang hỉ hả thì cũng phải giả bộ giả lả một cách vô thưởng vô phạt:

– Với món tiền khổng lồ này, nạn nhân có thể mở môt công ty riêng hoặc an hưởng cả đời môt cách sung túc.

 Thằng Fredrickus Harrit lắc đầu quầy quậy:

– Không, tao thì khác, nếu là tao thì trước hết tao sẽ sống như một ông vua cho bỏ những ngày khổ nhọc, còn chuyện đời cứ để đó, mai tính.

 Hầu như cả bọn đều tán thưởng cái ý này, thật tình mà nói thì Steven N cũng thấy thích với cái ý đó và nếu bản thân mà có món tiền lớn như thế thì cũng phải tự thưởng cho bản thân một chút mât ngọt của đời. Con người ta ai mà không có cái tôi, ai mà không muốn chìu và làm thõa mãn cái tôi của mình, đời khổ nhọc, khi có cơ hội tội gì không hưởng. Steven N cười nửa đùa nửa thật:

– Tao cũng mong được kỳ thị để kiện ra tòa kiếm mớ tiền.

 Thằng Nigel Compton bĩu môi:

– Mầy tưởng dễ ăn lắm á? Có biết bao nhiêu vụ kiện về tội kỳ thị nhưng những vụ thắng lớn như thế đếm không đủ mười đầu ngón tay, trong khi bao nhiêu vụ khác thường là thỏa thuận ngầm hoặc xét xử không tới đâu cả.

– Tao biết

– Biết sao còn nói thế?

– Tao nói chơi thôi mà!

– Sao tụi Việt Nam lúc nào cũng có thể nói chơi hay đùa giỡn? Nhiều chuyện quan trọng mà tụi bay cũng cười được?

– Còn tụi bay thì chuyện gì cũng làm quan trọng hóa vấn đề, tao thấy có nhiều việc rất đơn giản nhưng tụi bay cứ làm bộ mặt nghiêm như thể ông tướng.

– Văn hóa tụi tao nó thề!

– Quan điểm tụi tao là vậy!

 Cả bọn ngưng tám khi thấy xe nâng hàng mang đến lỉnh kỉnh những lô phụ tùng, nhìn cái nhãn trên các kiện hàng thấy nào là: sản xuất ở Việt Nam, sản xuất ở Tàu, sản xuất ở Malaysia, sản xuất ở Mexico… Cả nhóm xúm vào tháo gỡ để đưa lên giàn lắp ráp. Steven N vừa làm vừa cà khịa:

– Tụi bay thấy đấy! Memories, Hard Drive, Bios, Mother Board… toàn làm ở các nước khác, riêng có cái chổi và dụng cụ hốt rác mới thấy cái nhãn sản xuất ở Mỹ.

 Cả bọn cười rần rật, gật gù tán thưởng. Thằng Daquese Kimball bảo:

– Coi chừng cái mồm của mầy! Thằng nào cà chớn lên văn phòng báo cáo lại thì mầy chỉ có nước về nhà lau nhà giặt đồ cho vợ.

– Tao chỉ nói sự thật, mầy cũng thấy đấy, sự thật sờ sờ ra trước mắt chứ tao có thêm bớt gì đâu!

– Đừng khờ khạo như thế Steven N! Ai cũng bảo yêu sự thật, tôn trọng sự thật, nhưng liệu có mấy ai muốn nghe sự thật hay chấp nhận sự thật? Kẻ nào dám nói sự thật thì sẽ bị ăn đòn ngay lập tức. Mày mà nói sự thật ra thì chẳng những người ta không tin mà còn bề hội đồng cho nhừ như tương.

 Steven N cảm ơn nó và không nói gì thêm về chuyện phụ tùng làm ở nước ngoài nữa, Steven N thừa hiểu là nói chơi nhưng hậu quả chẳng phải chuyện chơi, lỡ mà lọt tai tụi sếp thì về nhà xơi nước như chơi. Ở xứ này không có chỗ cho chuyện nói chơi, bút sa gà chết, lời nói đọi máu! Mọi người phải chịu trách nhiệm những gì mình làm hay nói, nhiều sự thật có lồ lộ ra đấy nhưng có ai dám nói đâu, không chỉ ở cái hãng này mà hầu hết các hãng xưởng công ty khác cũng thế thôi. Giới chủ nhân mang việc qua các nước nghèo để tận dụng nhân công rẻ, nguyên liệu bèo, chi phí thấp… hàng sản xuất ở đấy xong mang về chính quốc bán với giá thật cao, một vốn bốn trăm lời. Tầng lớp thấp mất việc, lợi tức giảm nhưng giới chủ nhân và bộ sậu lãnh đạo thì giàu to, càng ngày càng giàu, khoảng cách giữa giàu và nghèo cách biệt kinh khủng. Những năm gần đây, hàng hóa từ Tàu gây nên nhiều sự bất bình trong xã hội, bọn chủ lọc lừa bằng cách nhập về rồi dán nhãn:” Đóng gói ở Mỹ”, “Lắp ráp ở Mỹ” hoặc bao nhiêu mánh khóe khác để người tiêu dùng không nhận biết nơi sản xuất… Giới tư bản Âu – Mỹ gắn chặt với giới quan chức tư bản ở những nước sở tại để làm ăn trục lợi. Quyền lợi bọn họ to lớn bao nhiêu thì thảm trạng nhân quyền, môi trường tự nhiên càng thê thảm bấy nhiêu. Lịch sử loài người chưa bao giờ mà sự bất công và chênh lệch giàu nghèo lớn đến như thế! Đó là một sự thật, một sự thật phũ phàng nhưng có ai dám nói đâu, có nói cũng chẳng ai nghe. Vừa làm vừa suy tư lung tung. Steven N chợt nhận ra mình khi không lại dở hơi, triết lý như ông cụ non, chuyện thiên hạ lại vơ vào mình. Steven N biết mình vẫn hay suy nghĩ vớ vẩn như thế, may cái là còn kịp nhận ra và tỉnh lại. Steven N tự cười thầm một mình, thằng Andrew Jervic vỗ vai hỏi:

– Mầy có đi coi trận bóng cà na giữa đội Eagle và Panther không? Trận này hay lắm, quyết định đội nào sẽ vô địch mùa giải năm nay. Mày mua vé qua cái app của hãng mình sẽ được giảm giá đến một trăm đồng đấy!

– Cảm ơn mầy, tao biết giảm giá đến một trăm đồng nhưng vẫn còn quá mắc với tao. Tao ở nhà xem qua ti vi cũng Ok.

– Mầy keo kiệt quá, tiền làm ra hổng dám tiêu xài, vậy tiền để làm gì?

– Tao phải chi tiêu nhiều việc, còn phải gởi về quê phụ giúp thân nhân, giúp chỗ này chỗ nọ…Và còn phải để dành khi có việc xảy ra.

 Thằng Andrew Jervic tỏ vẻ khinh khỉnh:

– Tụi Việt Nam và châu Á chỉ lo để dành, mày hãy nhớ đây là đất Mỹ.

– Tụi tao có truyền thống lo xa, tích cóp để dành. Bởi vậy mỗi khi có thảm họa thiên tai xảy ra hay xã hội loạn thì tụi tao tự lo được. Còn tụi bay hễ có việc thì cứ kêu gọi chính phủ, chờ chính phủ cứu trợ, khi chính phủ không đáp ứng kịp thì la ó và gây bạo loạn.

 Thằng Andrew J giơ hai tay lên trời, không biết nó chịu thua hay tỏ vẻ khó chấp nhận ý của Steven N. Nó chơi thân với Steven N từ khi vào làm ở hãng này, Nó là thằng da trắng chính hiệu nhưng thân thiện và dễ mến, thỉnh thoảng Steven N dẫn nó đi ăn phở uống cà phê Việt Nam. Lần đầu tiên nó bảo:

– Tao trả phần tao, mầy trả phần mầy nhé!

 Steven N gạt đi:

-Thôi khỏi, tao bao mày!

 Thằng Andrew J ngạc nhiên, tỏ vẻ khó hiểu, tuy nhiên nó tiếp thu nhanh cái kiểu Việt, những lần sau thì nó cũng giành bao lại. Nó mê cái món phở và bánh mì, ăn hết phở còn bưng tô húp cạn nước súp luôn, húp xong thì mắc cỡ đỏ cả mặt:

– Tao thô thiển quá phải không? Có ai nhìn thấy chăng?

 Steven N cười to, chỉ vào mấy máy camera trên tường:

– Không có ai nhìn mày nhưng cả thế giới đang xem mày húp súp kìa!

 Steven N biết cái văn hóa của giống dân nó, ăn uống nhỏ nhẻ lịch sự, kín miệng, không có cái lối nhồm nhoàm xì sụp hay đụng khua dụng cụ ăn uống. Có lẽ phở ngon quá, nước súp ngọt nên trong phút chốc nó bộc lộ cái chất “con” mạnh hơn chất “Người”, thông thường thì nó và giống dân da trắng của nó luôn giữ ý tứ chứ không để như thế. Thằng Andrew J thử cà phê Việt một lần là tởn, nó bảo sao mạnh như thuốc kích thích, uống từ giấc trưa mà đến tối khuya cũng không ngủ được, uống xong thì tim đập mạnh, tay run, người bồn chồn chịu không nổi. Steven N cười:

– Vậy mà dân Việt tao sáng nào cũng làm một cữ, không có thì người nó lừ đừ lử đử lắm.

 Có lần thằng Andrew J dắt con vợ nó theo, Steven N đã biết nhưng vẫn không khỏi bất ngờ. Trời đất ơi! Con vợ nó đẹp quá, khuôn mặt nhỏ nhắn thanh tú cứ như gương mặt của đức mẹ, dáng dấp lại cao ráo nóng bỏng, làn da trắng mịn như cánh hoa đào, đôi mắt xanh biếc, nhìn vào thấy cả trùng dương. Cái đẹp của vợ thằng Andrew J hợp với cái gu của Steven N, cái đẹp vừa thanh tú lại thiên kiều bá mị, mắt biếc má đào, cái đẹp mà Steven N vẫn thường mơ đến. Bất chợt Steven N nổi tà tâm trong thoáng phút giây:” Giá mà hôn lên đôi má ấy một phát chắc tuyệt lắm”, thoáng qua thế thôi nhưng Steven N cảm thấy mình tồi quá và phì cười vì cái ý nghĩ hư ấy. Thằng Andrew J hỏi:

– Mầy cười gì thế?

– Oh, không có chi

 Đoạn Andrew J hồn nhiên giới thiệu:

– Đây là Rebecca J, vợ tao, cô ấy là một kỹ thuật viên mát xa

 Steven N bắt tay khi Rebecca xìa ra, trong đầu thoáng một chút ngạc nhiên, tuy nhiên thằng Andrew J không thể thấy cái ngạc nhiện của nó. Steven N biết mình bị thành kiến sai xử. Thường ở xứ mình và những tiệm mát xa của người châu Á ở xứ này thường gắn liền với những chuyện mãi dâm. Chỉ có những cơ sở mát xa của người Mỹ mới hòan toàn trong sáng, hoàn toàn là chuyện vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe. Người Mỹ không nhìn chuyện mát xa là xấu như người mình. Người mình có ai dám giới thiệu người thân của mình làm nghề mát xa?  bởi vì cái quan niệm ấy nên khi nghe Andrew J giới thiệu vợ nó làm mát xa thì giật mình, mặc dù Steven N biết rõ cái nghề và cái quan niệm về nghề ấy ở xứ này. Steven N định trêu thằng Andrew J:” Một ngày nào đó tao sẽ đến cơ sở mát xa của vợ mày” nhưng Steven N kịp kìm hãm lại, bạn bè tuy chơi thân nhưng đùa cũng phải có giới hạn, quá trớn sẽ gây tổn thương và đổ vỡ như chơi. Rebecca J cũng như chồng nó, mê tít thò lò món phở và bánh mì, nó còn thử thêm nhiều món khác nữa, kể cả sinh tố sầu riêng, cái mùi mà bọn mỹ kêu thối như địt. Hai vợ chồng Andrew J quất nhiệt tình, quất tới bến luôn. Hai vợ chồng nó sanh được thằng con đầu lòng đặt tên là Longan J. Thằng bé mang cái gene của cha lẫn mẹ, đẹp như một thiên thần.

 Công ty nơi Steven N và Andrew J làm là một công ty vệ tinh thuộc Google. Ở đấy phụ tùng. Linh kiện từ các nước đổ về để lắp ráp theo yêu cầu của Google. Máy móc sau khi hoàn thành sẽ được bọn kỹ sư nhập dữ liệu, cài đặt chương trình theo yêu cầu của khách hàng, thành phẩm lại bán ngược lại cho các nước sản xuất phụ kiện ấy. Phải nói công ty phát triển nhanh chóng như bùng nổ, ban đầu chỉ là một cơ sở nhỏ vài mươi người, sau năm năm đã phát triển thành một công ty LLC với mấy ngàn người, có cả chi nhánh ở Cali, Singapore, Hà Lan. Có lần công ty buộc mọi người phải ký giấy cam kết không được tiết lộ bất cứ tin tức gì của công ty lên trên mạng xã hội, điều này vi phạm quyền tự do ngôn luận của mọi người. Steven N quan sát thì thấy chẳng có ai phản đối hay nói năng gì, tất cả lặng lẽ ký nhanh chóng, không biết mọi người là cừu cả hay là khi đối diện với cái lợi của công việc và lương bổng thì mọi người sẵn sàng im lặng, cũng có thể người ta quan niệm mạng xã hội chỉ là trò chơi vơ vẩn không đáng giá gì nên ký cam kết một cách nahnh chóng dễ dàng. Steven N bực bội vì cái lối “cả vú lấp miệng em”, cấm đoán người ta biểu đạt ý kiến nhưng cũng phải ký cho lành, một mình mình chống lại thì mình bị đuổi là cái chắc! Mình dù có là công dân nhưng trong mắt họ cũng chỉ là một di dân từ châu Á mà thôi. Công ty nơi Steven N làm rất có “duyên” với Mã Lai Á, linh kiện phần lớn đặt làm ở đấy, kỹ sư lập trình cũng người Mã Lai Á. Bọn họ được công ty bảo lãnh qua làm việc, người thì visa chín tháng hoặc một năm, sau khi visa hết hạn thì công ty sẽ xin gia hạn thêm nếu công việc cần. Đặc biệt có một số kỹ sư giỏi công ty cần và họ được thẻ xanh định cư. Công ty này cũng như nước Mỹ, chiêu dụ nhân tài khắp nơi, sử dụng người giỏi khắp nơi, chẳng cần quan tâm họ là ai, lý lịch đỏ hay xanh, quan điểm nọ kia… Chỉ cần họ giỏi và được việc mà thôi!

 Thế rồi đại dịch xảy ra, rất nhiều hãng xưởng đóng cửa, nhiều doanh nghiệp xính vính hoặc sập tiệm, ấy vậy mà công ty nơi Steven N làm vẫn chẳng hề hấn gì, vẫn hoạt động như thường, giới lãnh đạo còn xin cảnh sát địa phương cấp giấy phép đi đường để mọi người đi làm không bị trở ngại. Không biết  ó phép màu nào hay sự may mắn sao đó mà nơi Steven N làm chẳng có ai dính Corona virut cả, mà đâu phải ít, cả ngàn con người làm việc liên lỉ hai ca. Suốt hai năm dịch chỉ có vài người dương tính và được nghỉ ở nhà thế thôi, phải nói là rất may mắn, vô cùng may mắn, công việc và người làm chẳng suy suyển tí nào, chỉ có một thời gian rất ngắn hơi bị thiếu hụt linh kiện vì sự cung ứng bị trở ngại, nhưng tất cả khắc phục và bù đắp nhanh chóng. Không biết có phải chính vì sự may mắn này mà mọi người sanh chủ quan chăng? Chính quyền cũng như bộ sậu lãnh đạo của công ty buộc mọi người phải giãn cách, không bắt tay, không chạm nhau… nhưng Steven N và mọi người vẫn bắt tay, húc ngực, ôm nhau chào buổi sáng, Chính quyền sở tại và lãnh đạo công ty kêu gọi mọi người chích vaccine nhưng chỉ có một số ít chích thôi, một số lừng khừng, đa số phản đối. Số người phản đối này không hẳn là thành phần ủng hộ ông Trump, họ phản đối vì cảm thấy khỏe mạnh, cảm thấy Corona virus không nguy hiểm, họ phản đối vì không tin ở vaccine. Thằng Kieth là một tiêu biểu, nó tuyên bố:

– Tao không thể đưa bất cứ chất lạ gì vào trong cơ thể tao, khi mà tao chưa biết nó là gì, có gây hại gì không?

 Nhiều người khác thì truyền miệng nhau nào là: vaccine sẽ làm thay đổi gene, gây phản ứng hay sốc phản vệ. Thằng Mauricio to tiếng:

– Tao không cần vaccine, tao không muốn đưa cái không cần thiết vào trong cơ thể tao, có nhiều người đang khỏe mạnh bị chết sau khi chích vaccine.

 Thằng Eddie M còn bảo:

– Vaccine chẳng qua là những con virus bị làm yếu đi, đưa nó vào cơ thể để chống lại các loại virus khác xâm nhập. Tao không tin hiệu quả của nó, hơn nữa có gì để đảm bảo là cái loại virus bị làm suy yếu đó nó sẽ không trở mạnh và tấn công ngược?

 Còn nhiều người chống đối nữa,chưa cần đến những lý do trên, đơn giản nhất là họ lo sợ bị đau nhức sau khi chích vaccine. Sự việc cứ cù nhầy, số người chích qúa ít, đến tháng chín năm này, công ty tuyên bố:” Ai chích đủ hai liều vaccine sẽ được thưởng một tuần lương”. Lời nói đưa ra chưa được hai tuần, số người đi chích tăng vọt như tên lửa, đến giữa tháng mười thì hầu như tất cả mọi người chích đủ hai liều, trong số ấy có cả những thằng chống đối mạnh mẽ nhất như thằng Kieth, thằng Maurico, thằng Eddie… Steven N nghĩ thầm và cười trong bụng; “Corona virus nhằm nhò gì, lệnh chính phủ coi thường, khuyến cáo của công ty bỏ ngoài tai, dịch bệnh không sợ, chết chóc không cần lo… ấy vậy mà chỉ với một tuần lương là mọi người lập tức chích vaccine ngay, thế mới biết sức mạnh của đồng tiền! Thật đúng với câu ngạn ngữ của xứ này: Đồng tiền là chìa khóa vạn năng, có thể mở được mọi cánh cửa”

 Thế là chỉ với một tuần lương, vấn đề nan giải được giải quyết nhanh chóng và êm như ru. Cơn dịch bước sang năm thứ hai, mùa thu xứ này đẹp mê ly, đẹp rực rỡ, dù có dịch thu vẫn cứ đẹp diễm lệ như thường, lá đã chuyển màu đổi sắc: vàng, đỏ, cam, nâu, hồng… bừng sáng cả đất trời ngoại phương. Cái đẹp của cảnh sắc thu không bút mực nào tả xiết, không một cây cọ nào có thể vẽ được, cho dù đó có là Levitan hay bất cứ danh họa nào. Bởi lẽ chẳng có gã họa sĩ nào của loài người có thể bằng được gã họa sĩ thiên nhiên, Họa sĩ người thì phải tác ý, phải thuần thục tay nghề mới vẽ đặng, còn họa sĩ thiên nhiên vốn tự nhiên thế thôi, vốn muôn đời là vậy, vốn đã trình diễn từ vô thủy rồi và sẽ còn mãi mãi như thế! Cái tác ý của con người vốn có hạn sao có thể bằng cái vô hạn của thiên nhiên, bởi thế làm sao mà họa sĩ người có thể vẽ tranh thu đẹp bằng hay đẹp hơn thiên nhiên được! Khi mới chớm thu, họa sĩ thiên nhiên phác thảo những nét cọ nhẹ nhàng, những nét vàng phơn phớt như tranh thủy mặc. Đến giữa mùa thì họa sĩ thiên nhiên hắt cả bảng màu xuống trần gian, cả một phần của thế gian này bừng lên muôn sắc gấm hoa, cảnh sắc thu cứ như một bữa đại tiệc sắc màu, làm no nê con mắt và tâm hồn của những người yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên, làm mê mẩn những gã khờ khạo như Steven N.

 Cũng vào mùa thu như thế này, năm năm về trước nơi này vốn là một rừng cây. Công ty mà Steven N làm việcc đã mua lấy và ủi sạch để xây tòa nhà mới cho phù hợp với mức độ phát triển. Tòa nhà cũ vốn chật chội và nhỏ bé không còn đủ chỗ để làm việc. Cả khu rừng muôn sắc thu đẹp như tranh biến mất, thay vào đó là một tòa nhà khổng lồ rộng hơn cả sân bóng cà na. Những ngày tháng kế tiếp, các khoảnh rừng còn lại cũng biến mất luôn, các công ty khác tiến vào xây nhà lập xưởng, biến cả một vùng rừng mênh mông thành một khu công nghệ kỹ thuật, các hãng xưởng và văn phòng vẫn còn tiếp tục bành trướng, kéo theo là những khu shopping, chung cư cao cấp, phố xá mọc lên… Những khu rừng lùi dần về tận phía chân trời. Thiên nhiên mất đi một góc, hệ sinh thái mất một mảng xanh, thu mất một mảng sắc màu, con người cũng mất đi một phần dưỡng khí… Âu cũng là cái giá phải trả cho sự phát triển công nghiệp, công nghệ của đời sống hiện đại.

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành