Truyện ngắn Alice Munro: Trốn chạy (Runaway)
Alice Munro, Chekhov của thời đại chúng ta, qua đời ở tuổi 92
Nhà văn Canada Alice Munro, một trong những cây bút quan trọng nhất trong thể loại truyện ngắn, đã qua đời vào tối thứ Hai 13/5 tại một viện dưỡng lão ở Port Hope, Ontario, phía đông Toronto, sau hơn một thập niên mất trí nhớ. Bà đoạt giải Nobel Văn chương năm 2013.
Alice Ann Laidlaw sinh ngày 10/7/1931 tại Wingham, Ontario, Canada. Alice đăng truyện ngắn đầu tiên năm 1950, khi đang học ngành báo chí tại Đại học Tây Ontario (University of Western Ontario), bỏ học nửa chừng và kết hôn với bạn cùng khóa, James Munro.
Đam mê viết lách nhưng không còn thời gian và sức lực để viết tiểu thuyết, vì việc nhà và con cái, Alice Munro tập trung vào thể loại truyện ngắn và trở thành một trong những nhà văn viết truyện ngắn được đánh giá cao nhất từ sau Chekhov. Nhà văn Mỹ Cynthia Ozick gọi bà là “our Chekhov”, và cũng như Chekhov, Alice Munro viết về những con người bình thường và những câu chuyện rất nhỏ—trên bề mặt, dường như không có chuyện gì xảy ra—nhưng rất tinh tế.
Alice Munro xuất bản 14 tuyển tập truyện ngắn gốc, kèm một số tuyển tập truyện chọn lọc. Bà đạt nhiều giải thưởng, bao gồm giải Nobel Văn chương năm 2013. Một điểm đáng chú ý là, trong khi một số nhà văn đoạt giải trước đây viết truyện ngắn và cũng viết tiểu thuyết và một số dạng khác, Alice Munro là người duy nhất đoạt giải Nobel chỉ bằng truyện ngắn.
Ủy ban Nobel gọi bà là “bậc thầy truyện ngắn đương đại.”
Theo tờ Guardian, Margaret Atwood từng gọi bà là “một trong những nhà văn lớn trong thể loại hư cấu bằng tiếng Anh của thời đại chúng ta.” Salman Rushdie ca ngợi bà là “bậc thầy của thể loại [truyện ngắn].” Và Jonathan Franzen nói bà “là một trong số ít các nhà văn, một số còn sống, đa phần đã chết, tôi nghĩ tới khi tôi nói văn chương với tôi là tôn giáo.”
Tưởng niệm Alice Munro, Diễn Đàn Thế Kỷ chọn đăng 2 trong số những truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Việt là “Trốn chạy” (Runaway) và “Cõi âm” (Dimension) của bà.
DĐTK
***
Carla nghe thấy tiếng xe từ trước khi chiếc xe nhú lên đỉnh cái gò nhỏ trên đường mà dân quanh vùng quen gọi là ngọn đồi. Cô ấy về rồi, nàng nghĩ. Bà Jamieson – bà Sylvia – trở về nhà sau chuyến đi nghỉ tận Hy Lạp. Từ cửa chuồng ngựa – nhưng cố ý hơi thụt vào trong để không bị phát hiện – nàng nhìn ra đoạn đường mà thể nào bà Jamieson cũng phải lái xe qua, nhà bà ấy ở trên con đường này, quãng xa hơn nhà Clark và Carla nửa dặm.
Nếu chủ định tấp vào cổng nhà họ thì đến lúc này chắc chắn chiếc xe đã đi chậm lại. Nhưng Carla vẫn hy vọng. Giá đừng là cô ấy thì hơn.
Là bà ấy thật. Bà Jamieson vụt quay đầu qua một thoáng – tâm trí bà dồn hết cả vào việc điều khiển cỗ xe qua mặt đường sỏi lằn lún vết bánh xe và những vũng nước do cơn mưa để lại – nhưng bà không nhấc tay khỏi vô lăng để vẫy, bà không phát hiện ra Carla. Carla thoáng thấy một bên cánh tay rám nắng để trần tới bờ vai, vạt tóc phai màu hơn trước, ngả trắng chứ không còn vàng bạch kim, cùng vẻ mặt vừa quyết đoán vừa càu cạu, lại vừa vui với cái càu cạu của mình – đúng cung cách bà Jamieson thường biểu lộ trong lúc đối phó với con đường thổ tả như thế này. Khoảnh khắc bà Jamieson quay đầu, có gì đó tưởng chừng như ánh đèn chớp nháng qua – dò hỏi pha lẫn hy vọng – khiến Carla thụt người lại.
Vậy đó.
Có lẽ Clark chưa biết. Nếu lúc này anh đang ngồi trước màn hình máy tính thì lưng anh sẽ quay ra cửa sổ và con đường.
Nhưng có lẽ bà Jamieson sẽ phải lộn lại con đường một tua nữa. Lái xe từ sân bay về, rất có thể bà chưa kịp rẽ vào tiệm mua thực phẩm – chỉ đến khi vào nhà rồi bà mới sực nhớ ra mình cần những món gì. Có lẽ khi ấy Clark sẽ trông thấy bà. Bằng không thì khi trời sụp tối, đèn đóm nhà bà sẽ bật sáng. Nhưng thời gian này là tháng Bảy, phải thật muộn thì trời mới tối. Mà biết đâu bà mệt đến nỗi chẳng buồn bật đèn lên, hay biết đâu bà sẽ đi ngủ sớm.
Mặt khác, có thể bà sẽ gọi điện thoại. Vào bất kỳ giây phút nào từ giờ trở đi.
Mùa hè năm nay mưa dầm mưa dề. Sáng sớm mở mắt ra đã nghe thấy tiếng mưa gõ đồm độp trên nóc nhà lưu động. Đường ngang lối dọc lún trong sình lầy, cỏ rậm ướt sũng sĩnh, cây lá trên đầu vô cớ dội nước ngay cả khi lúc ấy chẳng hề có trận mưa nào trút xuống và trời mây quang quẻ. Mỗi khi đi ra ngoài Carla hay đội mũ nỉ chóp cao rộng vành kiểu Úc xưa, bím tóc dài, dày dặn nhét vào bên trong áo sơ mi.
Chả ai tới thuê ngựa để cưỡi xuyên những lối mòn, mặc dầu Clark và Carla đã chạy khắp nơi dán quảng cáo tại tất cả các điểm cắm trại, trong quán cà phê, trên bảng thông báo của văn phòng du lịch, và bất kỳ nơi nào họ có thể nghĩ tới. Chỉ lèo tèo vài học viên đến học cưỡi ngựa, và những người này là khách quen chứ không phải lũ nhóc đi nghỉ chất đầy ắp xe buýt từ các trại hè, khiến họ tất bật xoay vần suốt hè năm ngoái. Rồi đến cả nguồn học viên thường xuyên mà họ trông cậy vào cũng đang nghỉ để đi chơi xa, hoặc đơn giản chỉ hoãn giờ học do thời tiết lình xình làm mất hứng. Dù sao chăng nữa nếu học viên gọi tới quá trễ, Clark sẽ tính họ thêm chi phí thời gian. Vài người trong số họ đã kêu ca, sau đó một đi không trở lại.
Tuy nhiên, vẫn còn nguồn thu nhập từ ba con ngựa người ta thuê chăn hộ. Ba con đó, cộng với bốn con của họ, hiện đang thả ngoài đồng, thơ thẩn quanh bãi cỏ dưới những gốc cây. Cứ trông bộ dạng ấy thì xem ra chúng chẳng thèm để ý đến chuyện mưa đã ngưng trong thoáng chốc, mưa vẫn thường ngưng một lúc như thế vào buổi chiều. Ngưng chỉ vừa đủ để vực lên những hy vọng trong con người – mây trắng ra, mỏng đi, cho lọt chút xíu thứ ánh sáng khuếch tán không bao giờ bừng lên nổi thành ánh mặt trời thật sự, và thường thì cũng tắt trước bữa tối.
Carla vừa dọn phân chuồng ngựa xong. Nàng làm túc tắc – nàng yêu thích nhịp điệu của chuỗi công việc thường nhật của mình, yêu cả cái không gian ngai ngái đủ thứ mùi bên dưới mái chuồng. Giờ nàng ra sân tập cưỡi ngựa xem mặt đất đã khô tới đâu, phòng hờ các học viên lớp năm giờ kéo tới.
Phần nhiều những trận mưa theo lệ đều không đến nỗi dữ dội hay đèo bòng thêm gió, nhưng tuần trước đất trời đột nhiên khuấy động, gió hú rít qua ngọn cây và một trận mưa mịt mùng, gần như theo phương nằm ngang, ập đến. Chỉ trong vòng một khắc đồng hồ, cơn bão đã tan ngay. Những cành cây gãy nằm vắt ngang đường, dây điện đứt, và một mảng mái lợp nhựa lớn che sân tập cưỡi ngựa long ra. Xuất hiện một vũng nước to như cái ao ở cuối sân, báo hại Clark phải hì hục tới tận tối mịt, đào rãnh cho nước thoát đi.
Nhưng chỗ mái bị tốc vẫn chưa được sửa lại. Clark đã giăng hàng rào kẽm gai ngăn lũ ngựa khỏi lội trúng bùn sình, và Carla đã đánh dấu lại một vòng đua ngắn hơn cho người tập cưỡi.
Trên mạng, ngay lúc này đây, Clark đang lướt net tìm địa chỉ mua vật liệu lợp mái. Một cửa hàng bán đồ phế thải nào đó, với giá cả họ có thể kham nổi, hay ai đấy đang cố bán tống bán tháo tấm lợp dùng rồi. Còn lâu anh mới mò tới cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng Hy Robert Buckley ngoài thị trấn, nơi mà anh gọi trại đi thành Highway Robbers Buggery – cửa hàng Ăn Cướp Và Kẻ Gian Xa Lộ – bởi vì anh đã nợ họ quá nhiều tiền và đã có lần uỵch nhau với họ.
Clark từng xô xát không chỉ với những người anh nợ tiền. Bản tính thân thiện của anh, ban đầu dễ tạo thiện cảm cho người khác, có thể bất thần hóa thành xấu. Có lắm nơi anh sẽ không thèm vào, những nơi mà anh luôn luôn bắt Carla phải đi thay, bởi cũng từng xảy ra một vụ cãi cọ này kia. Hiệu thuốc là một nơi như thế. Chỉ tại một bà già đã chen lên trước mặt anh – số là, bà này đã đi khỏi rồi nhưng sực nhớ ra mình để quên món gì đó, bèn quay lại và chen lên trước chứ không chịu chờ ở cuối hàng, thành ra anh ca cẩm, và người thu ngân bảo với anh rằng, “Bà ấy bị khí thũng,” Clark liền đáp, “Thế à? Tôi thì bị trĩ đây,” rồi người chủ tiệm, khi được triệu hồi tới phân giải, lại phán rằng ấy là câu nói đùa không hợp chỗ. Còn ở quán cà phê trên xa lộ thì tiền giảm giá cho bữa điểm tâm như quảng cáo không được tính, bởi vì đã quá mười một giờ sáng, Clark đôi co sau đó đánh rơi toẹt cốc cà phê mua mang đi xuống sàn – người ta bảo suýt nữa thì nó rơi trúng một đứa trẻ đang ngồi trong xe đẩy. Anh cãi đứa trẻ đó ở cách xa hàng nửa dặm và anh làm rơi cốc cà phê vì nó không có đai cầm. Người ta nói tại anh không yêu cầu đai cầm. Anh vặn lại đúng lý thì anh việc gì phải yêu cầu mới có.
“Anh điên rồi,” Carla nói.
“Đàn ông nó thế.”
Nàng chưa đả động gì với anh về trận anh to tiếng với Joy Tucker. Joy Tucker làm thủ thư ngoài thị trấn, là một khách hàng thuê họ nuôi giúp ngựa. Con ngựa đó là một ả ngựa non xốc nổi lông màu hạt dẻ tên là Lizzie – Joy Tucker, khi tếu táo, hay gọi nó là Lizzie Borden [1]. Hôm qua bà ta lái xe đến, trong tâm trạng không lấy gì làm vui vẻ, và kêu rêu về mái nhà chưa được lợp lại, về việc Lizzie trông sao mà buồn khổ thế, cứ như bị lạnh.
Thật ra Lizzie chả bị làm sao hết. Clark đã cố gắng – anh cho là thế – theo chiều xoa dịu bà. Nhưng mà chính Joy Tucker là người hăng tiết, chê rằng chuồng trại của họ nhếch nhác, rằng Lizzie xứng đáng điều kiện tốt hơn, Clark buông thõng, “Tùy bà.” Joy vẫn không – hoặc chưa – chuyển Lizzie đi, như Carla đinh ninh. Nhưng Clark, vốn trước đó hay ưu ái ả ngựa non như con vật cưng của mình, giờ khước từ chăm chút bất kể cái gì thêm cho ả. Hậu quả là cảm xúc của Lizzie bị tổn thương – ả bướng bỉnh khi tập luyện và hay đá lung tung khi buộc phải được gọt móng guốc, cái việc họ vẫn làm cho ả hằng ngày kẻo không móng guốc ả sẽ chai sần. Carla đành phải dè chừng để không bị cắn.
Nhưng điều kinh khủng nhất khiến Carla lo ngay ngáy là sự vắng mặt của Flora, con dê trắng nhỏ hay cặp kè lũ ngựa cả ở trong chuồng lẫn ngoài đồng. Đã hai ngày nay không thấy bóng dáng con dê đâu. Carla sợ bọn chó hoang hay lũ sói đồng cỏ đã xơi mất nó rồi, hay một con gấu đã vồ nó cũng nên.
Đêm qua, và cả đêm hôm kia, nàng đều mơ thấy Flora. Trong giấc mơ thứ nhất, Flora bước thẳng đến giường nàng, miệng ngậm một quả táo đỏ, nhưng trong giấc mơ thứ hai – giấc mơ đêm qua – nó chạy đi khi thấy Carla tới gần. Hình như chân cẳng nó bị thương, nhưng nó vẫn chạy. Nó dẫn Carla tới một chỗ trông như hàng rào kẽm gai trên một bãi chiến trường, và rồi nó – Flora – chui qua hàng rào, toàn thân và cả cái chân đau, trôi tuột qua như một con lươn trắng và biến mất.
Bầy ngựa đã trông thấy Carla băng qua sân tập nên xồ hết cả ra mép hàng rào để làm cho nàng chú ý lúc nàng quay trở về – trông chúng ướt đầm đìa dù đã được khoác chăn New Zealand. Nàng khẽ khàng chuyện trò với chúng, xin lỗi chúng vì mình đi tay không. Nàng vuốt cổ, xoa mũi chúng và hỏi chúng có biết gì về Flora hay không.
Con Grace và con Juniper khịt mũi, hít nàng, như thể chúng nhận ra cái tên đó và chia sẻ mối lo lắng với nàng, nhưng bất ngờ ả Lizzie húc chen vào giữa, hất đầu Grace ra khỏi bàn tay âu yếm của Carla. Thừa cơ ả cắn bồi luôn bàn tay ấy một phát, khiến Carla phải mất một lúc mắng mỏ ả.
Tính cho đến cách đây ba năm, Carla chưa bao giờ ngó ngàng đến nhà lưu động. Thậm chí nàng còn không gọi chúng bằng cái tên như vậy. Mà cũng có thể, hệt như cha mẹ mình, hình như nàng đã nghĩ “nhà lưu động” là phô trương. Có một số người sống trên xe moóc, nàng chỉ biết thế thôi. Xe này chẳng khác gì xe kia. Khi Carla dọn vào sống trong đó, khi nàng chọn cách sống này với Clark, nàng bắt đầu nhìn nhận mọi thứ dưới một góc độ mới. Chính từ đấy mà nàng bắt đầu dùng từ “nhà lưu động” và hay để ý xem người ta bố trí tiện nghi trong đó như thế nào. Loại rèm người ta hay treo, phong cách người ta sơn trang trí, những kiểu tầng trên, hiên nhà hay những phòng phụ đầy tham vọng người ta cơi thêm. Nàng háo hức, tưởng như không thể đợi nổi đến giây phút tự tay mình thực hiện những cải tiến đại loại.
Clark đồng thuận với những ý tưởng của nàng, được một thời gian. Anh xây bậc thang mới, mất biết bao thời giờ đi săn lùng tay vịn sắt rèn loại dùng rồi. Anh tuyệt nhiên không hề than thở về số tiền đổ vào sơn nhà bếp và nhà tắm, hay vào đống vải vóc may rèm. Công cuộc sơn phết của nàng quả là khinh suất – lúc đó, nàng không biết rằng người ta phải tháo bản lề các cánh cửa tủ nhà bếp ra. Hoặc ta phải may vải lót vào rèm, thành ra đến nay chúng đã bạc màu hết.
Clark chỉ chịu không nổi cái việc lật thảm lót sàn lên thay – một việc tái diễn ở tất cả các phòng và là công việc nàng dồn tâm trí vào nhiều nhất. Thảm được chia thành những ô vuông nhỏ màu nâu, mỗi ô rập hoa văn và hình khối màu nâu đậm, nâu đỏ và nâu vàng. Có một dạo khá dài nàng từng nghĩ những hoa văn và hình khối trong từng ô đó phải giống nhau, phải được sắp xếp cùng kiểu. Sau đấy khi có nhiều thời gian hơn, rất nhiều thời gian, để ngắm nghía chúng, nàng lại quyết định nối bốn ô vào nhau tạo thành từng khối vuông đồng dạng lớn hơn. Đôi khi nàng dễ dàng chọn được cách sắp đặt, có khi nàng phải trăn trở ghê gớm mới nhìn ra.
Nàng làm việc này những khi ngoài trời đang mưa và tâm trạng Clark đang đè trĩu mọi ngóc ngách trong nhà, chẳng thiết chú tâm vào thứ gì khác ngoài màn hình vi tính. Nhưng việc hay nhất khi ấy là nặn ra hoặc nhớ ra chuyện gì đó để làm trong chuồng ngựa. Lũ ngựa không dám nhìn nàng khi nàng đang bức bối, nhưng Flora, vốn không bao giờ bị cột, sẽ lân la tới chà rúc vào người nàng, ngước cái mặt không hẳn là biểu lộ sự thông cảm – mà là sự châm chọc thân tình thì đúng hơn – trong đôi mắt vàng lục lóng lánh.
Flora chỉ là một con dê choai khi Clark mang nó về từ một nông trại anh tới để mặc cả mua vài món vật dụng cho ngựa. Những người chủ trại ở đó đang chuẩn bị giã từ cuộc sống thôn quê, hoặc ít nhất là đang muốn từ bỏ việc chăn nuôi – ngựa họ đã bán hết cả nhưng họ không sao tống khứ được đàn dê. Anh nghe người ta kháo nhau rằng một con dê có khả năng tạo ra bầu không khí dễ chịu và thoải mái trong chuồng ngựa nên muốn thử xem sao. Nàng và Clark dự tính mai này sẽ cho nó đẻ nhưng mãi chẳng thấy nó có dấu hiệu động dục gì.
Ban đầu nó là con vật cưng không thể chối cãi của Clark, bám gót anh khắp mọi nơi, luôn ngó ngoáy chộn rộn để gây sự chú ý của anh. Nó lanh lợi, duyên dáng, nũng nịu như một con mèo con, và cái bộ dạng giống thiếu nữ ngây thơ đáng yêu của nó khiến họ bật cười. Nhưng khi lớn hơn một chút, xem ra nó lại gắn bó với Carla, và qua sự gắn kết này nó tự dưng khôn ra và ít õng ẹo đi – thay vào đó, cứ như nó có khả năng hài hước vừa mang tính châm biếm vừa xoa dịu cảm xúc vậy. Với lũ ngựa Carla cư xử dịu dàng mà nghiêm khắc, kiểu như mẹ đối xử với con cái, nhưng tình thâm với Flora rất khác, Flora không cho phép nàng tỏ ra bề trên với nó.
“Vẫn không thấy tăm hơi Flora à?” nàng hỏi trong khi kéo dỡ các ngăn chuồng. Clark đã đăng một mẩu thông báo Tìm Dê Lạc lên mạng.
“Giờ thì chưa,” anh đáp, hơi lơ đãng nhưng không phải là không thân thiện. Anh cho rằng, không phải lần đầu, Flora chắc là đã tự đi tìm cho mình một chàng dê đực rồi.
Không một lời nào đả động đến bà Jamieson. Carla bắc ấm nước lên bếp. Clark đang hát ư ử một mình như anh thường vẫn vậy mỗi khi ngồi trước máy vi tính.
Thỉnh thoảng anh đáp trả cái máy. Nhố nhăng, anh buột miệng, trả treo trước thách thức nào đó. Hoặc anh cười rú lên – nhưng sau đó lại không nhớ chuyện gì đã làm mình cười khi nàng hỏi anh.
Carla gọi, “Anh uống trà nhé?” và ngạc nhiên khi thấy anh đứng lên đi vào bếp.
“Vậy là,” anh mở lời. “Vậy là, Caria à.”
“Là sao?”
“Bà ta đã gọi.”
“Ai?”
“Bệ hạ. Hoàng hậu Sylvia. Bà ta vừa mới về.”
“Sao em không nghe thấy tiếng xe.”
“Anh không hỏi em có nghe thấy hay không.”
“Thế cô ấy gọi làm gì?”
“Bà ta muốn em tới giúp chấn chỉnh ngôi nhà. Nguyên văn bà ta nói đấy nhá. Ngày mai.”
“Rồi anh trả lời sao?”
“Anh đồng ý. Nhưng em nên gọi lại xác nhận thì tốt hơn.”
Carla nói, “Em thấy chẳng có lý do gì mà mình phải gọi lại, nếu anh đã bảo cô ấy rồi.” Nàng rót trà vào ca cho hai người. “Nhà của cô ấy em đã dọn sạch sẽ trước khi cô ấy đi rồi mà. Em không biết ở đó có gì cần làm sớm vậy.”
“Chắc có gấu mèo đột nhập vào nhà quậy tưng trong khi bà ta đi. Biết đâu đấy.”
“Em chả việc gì phải gọi cô ấy ngay lúc này,” nàng nói. “Em muốn uống trà và muốn đi tắm.”
“Càng sớm càng hay.”
Carla cầm ca trà của mình vào phòng tắm, nói vọng ra, “Chúng mình còn phải tới hiệu giặt nữa. Khăn khố gì khô rồi mà vẫn bốc mùi kinh người.”
“Đừng có đổi chủ đề, Carla.”
Thậm chí cả khi nàng đã mở vòi sen tắm mà anh vẫn đứng ngoài cửa nói vọng vào.
“Anh không định để em thoát khỏi móc câu đâu, Carla.”
Nàng nghĩ anh còn đứng đó khi mình bước ra, nhưng anh đã trở lại bàn máy tính. Nàng diện đồ như sắp sửa ra thị trấn – nàng hy vọng nếu họ ra khỏi nhà, tới hiệu giặt tự động, mua cappuccino mang về, thì có lẽ họ sẽ nói chuyện với nhau theo cách khác, có thể sẽ giải tỏa đi phần nào. Nàng sái một bước dứt khoát vào phòng khách và quàng tay ôm lấy anh từ phía sau. Nhưng vừa khít vòng tay vào người anh thì cơn đau nhói bỗng nuốt chửng lấy nàng – chắc hơi nóng vòi sen đã giải thoát cho dòng nước mắt – nàng đổ sụp xuống người anh, tan nát, nức nở.
Anh rời tay khỏi bàn phím nhưng vẫn ngồi yên.
“Đừng nổi điên với em,” nàng khẩn khoản.
“Anh không điên. Anh rất ghét khi em như vậy, thế thôi.”
“Em như vậy là vì anh nổi điên.”
“Đừng nói anh thế này thế kia. Em làm anh nghẹt thở rồi. Nấu nướng gì đi.”
Thế là nàng đi nấu bữa tối. Bởi vì đến giờ này thì có thể chắc chắn học viên lớp năm giờ sẽ không đến. Nàng lấy khoai tây ra bắt đầu gọt vỏ, nhưng nước mắt nàng không sao ngừng rơi, khiến nàng không thể thấy mình đang làm gì. Nàng lấy một tờ khăn giấy lau mặt rồi dứt thêm một tờ nữa mang theo, bươn bả ra ngoài trời mưa. Nàng không vào chuồng ngựa, vì vắng Flora ở đó đau lòng khủng khiếp. Nàng bước dọc theo lối mòn sau nhà dẫn vào rừng. Lũ ngựa đang ở trên cánh đồng bên kia. Chúng dồn tới hàng rào nhìn nàng. Tất cả, trừ Lizzie, ả ta nhảy cỡn lên và khịt một cái, đủ khôn ngoan để hiểu rằng tâm trí cô chủ đang ở nơi khác.
Chuyện bắt đầu khi họ đọc bản cáo phó thông báo ông Jamieson từ trần. Đăng trên tờ báo thành phố, với chân dung ông ở trang tin tức buổi chiều. Mãi cho đến năm ngoái, họ chỉ biết gia đình Jamieson là hàng xóm, sống tách biệt. Bà vợ dạy môn thực vật học ở trường đại học cách đó bốn mươi dặm, do vậy phần lớn thời gian bà ở trên đường. Ông chồng là nhà thơ.
Mọi người ai cũng chỉ biết tới thế. Nhưng xem ra ông còn bận rộn những thứ khác nữa. Dù là nhà thơ, và dù đã già – có lẽ lớn hơn bà Jamieson hai chục tuổi – ông tráng kiện và tháo vát. Ông cải tạo hệ thống rãnh thoát nước nơi mình ở, nạo vét và lát đá ống cống. Ông cuốc đất, rào giậu và trồng tỉa một vườn rau, mở đường xuyên rừng, quán xuyến mọi việc sửa chữa trong nhà.
Ngôi nhà là một cơ ngơi hình tam giác trông hơi quái do chính ông xây cách đây nhiều năm, cùng với nhóm bạn, trên nền một ngôi nhà nông trại rệu rã. Người ta đồn đám người đó là dân hippy – mặc dù ông Jamieson đã hơi lớn tuổi để mà hippy, kể cả vào lúc ấy, trước khi bà Jamieson về sống với ông. Lại có chuyện kể rằng họ trồng cần sa trong rừng, đem bán, rồi tích cóp tiền trong những hũ thủy tinh gắn xi đem chôn quanh căn nhà. Clark nghe tin này từ mấy người anh quen trong thị trấn. Anh bảo đó là chuyện nhảm nhí.
“Nếu có thì giờ này chắc có kẻ đã mò vào đào nó lên rồi. Chắc có kẻ đã tìm cách bắt lão ấy phun ra chỗ cất giấu.”
Khi đọc bản cáo phó, Carla và Clark mới vỡ lẽ rằng ông Leon Jamieson là người từng được nhận một giải thưởng lớn, năm năm trước khi ông chết. Một giải thưởng thơ ca. Chưa ai từng nhắc tới điều này. Hình như người ta tin vào tiền bán ma túy chôn trong những hũ thủy tinh hơn là tiền thắng giải làm thơ.
Lập tức Clark bảo, “Lẽ ra mình đã có thể bắt lão ta phải trả giá.”
Caria biết ngay anh đang nói về điều gì, nhưng nàng coi đó là đùa tếu.
“Quá trễ,” nàng nói. “Ai mà trả giá được khi đã chết.”
“Lão không thể. Nhưng mụ thì có.”
“Cô ấy đi Hy Lạp rồi.”
“Mụ đâu có định ở hẳn Hy Lạp.”
“Cô ấy không biết mà,” Carla nghiêm trang hơn.
“Anh đâu có bảo mụ biết.”
“Cô ấy không mảy may biết tí ti gì về việc đó.”
“Thì chúng mình sẽ nói cho mà biết.”
Carla kêu lên, “Không. Không.”
Clark tiếp tục như thể nàng chưa hề kêu.
“Chúng mình sẽ nói là chúng mình sẽ kiện. Thời nào chả có kẻ vớ bẫm kiểu như thế.”
“Sao anh làm thế được? Ta không thể kiện người chết.”
“Cứ dọa lên báo. Nhà thơ lớn của thời đại. Báo chí sẽ ăn tươi nuốt sống cái tin đó. Tóm lại chúng mình chỉ việc đe dọa và rồi mụ sẽ sập bẫy.”
“Anh đừng mơ,” Carla nói. “Cứ đùa hoài.”
“Không,” Clark nói. “Anh không đùa.”
Carla bảo nàng không muốn nói về chuyện này nữa, anh bảo, ừ.
Nhưng họ lại nói về nó vào hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, hôm sau nữa. Thỉnh thoảng anh vẫn nảy ra những ý tưởng viển vông như thế, thậm chí có khi còn bất họp pháp nữa kia. Ba hồi anh nói về chúng với độ hưng phấn cao dần, ba hồi – nàng không biết tại sao – anh lại dẹp hết cả đi. Giả sử mưa ngừng rơi dầm dề, giả sử thời điểm này sao đó mà biến thành một mùa hè bình thường, thì chắc hẳn anh đã buông trôi ý tưởng này đi như anh đã buông trôi nhiều ý tưởng khác. Nhưng điều đó không xảy ra, vậy là suốt cả tháng qua anh cứ lải nhải về kế hoạch, cơ hồ như nó rất hệ trọng và rất chắc ăn vậy. Vấn đề chỉ là họ sẽ đòi bao nhiêu. Quá ít thì người phụ nữ đó sẽ không hoảng hốt, sẽ nảy ra ý muốn tìm hiểu xem họ có đang lường gạt bà không. Quá nhiều lại khiến bà ta phản kháng và không khéo lại trở nên ngoan cố.
Carla đã thôi cho đó là đùa cợt. Thay vào đó nàng bảo anh nó sẽ không thành đâu. Nàng bảo nó không thành là vì người ta nghĩ nhà thơ nào mà chả thế. Cho nên chẳng đáng mất công tốn tiền che đậy.
Anh nói nó sẽ thành nếu được thực hiện rốt ráo. Carla sẽ nức nở thổ lộ với bà Jamieson toàn bộ câu chuyện. Sau đó Clark sẽ đi vào, giả vờ ra điều bị choáng sốc vô cùng, vì anh vô tình nghe lỏm được. Anh sẽ nổi giận đùng đùng, anh sẽ đề cập đến việc sẽ xì ra cho cả thế giới cùng biết. Anh sẽ để tự bà Jamieson là người đầu tiên nhắc đến tiền bạc.
“Em đã bị tổn thương. Em đã nhục nhã và bẽ bàng, cả anh cũng bị tổn thương và nhục nhã bởi vì em là vợ anh. Đó là vấn đề lòng tự trọng.”
Anh cứ nhay đi nhay lại với nàng như thế còn nàng thì cố đánh trống lảng, nhưng anh cương quyết.
“Hứa đi,” anh ép nàng. “Hứa đi.”
Đầu đuôi cũng tại những lời nàng đã kể cho chồng nghe, những lời mà giờ đây nàng không thể rút lại hay phủ nhận được nữa.
Thỉnh thoảng ông ta ham muốn em à?
Lão già ấy á?
Thỉnh thoảng lão gọi em vào phòng khi mụ vợ không có nhà?
Phải.
Khi mụ ta đi mua hàng và y tá cũng không ở đó.
Giữa một trong những cơn ngột hứng ăn may của nàng, một thứ luôn khiến anh ngất ngây tức khắc.
Vậy lúc đó em làm gì? Em có vào không?
Nàng giả đò xấu hổ.
Đôi khi.
Vậy là lão gọi em vào phòng lão? Phải không? Carla? Vậy, rồi sao nữa?
Em vào xem ông ấy muốn gì.
Vậy lão muốn gì?
Những lời này được hỏi và trả lời với giọng thì thầm, dẫu không có ai nghe, dẫu họ đang ở trong lãnh địa của chiếc giường. Một câu chuyện bên chăn gối, trong đó các tiểu tiết rất quan trọng và phải bổ sung sau mỗi lần, kèm theo đó là sự miễn cưỡng, vẻ thẹn thùng, tiếng rúc rích, tục tĩu, tục tĩu. Không chỉ riêng anh mới là người sốt sắng và khoan khoái. Cả nàng nữa. Sốt sắng làm anh thích, làm anh, và cả chính nàng nữa, điếng ngất. Khoan khoái mỗi lần trò này còn hiệu quả.
Ở một góc tâm trí nàng, chuyện đó rất thật, nàng như thấy lão già dâm dục đó, thấy cái của lão ngổng lên trong chăn, đúng thực là nằm liệt, gần như không thành lời nhưng thành thạo trong ngôn ngữ ra dấu, phô bày cơn ham muốn của lão, cố ra hiệu lôi kéo nàng đồng lõa, dẫn dụ nàng bày trò gian dâm. (Sự khước từ của nàng là cần thiết, nhưng có lẽ cũng gây ra cho Clark một nỗi thất vọng mơ hồ, quái đản.)
Thỉnh thoảng một hình ảnh hiện lên khiến nàng buộc phải dập đi, e sợ nó phá hỏng mọi thứ. Nàng nghĩ tới cái thân hình mờ mờ, đắp chăn, đờ đẫn và teo quắt đi mỗi ngày trên chiếc giường bệnh thuê, đó mới là hình ảnh có thật mà nàng chỉ thoáng thấy vài bận khi bà Jamieson hay y tá trực quên khép của. Bản thân nàng chưa bao giờ thật sự tới gần ông hơn mức ấy.
Thật lòng nàng kinh sợ việc đến làm cho nhà Jamieson, nhưng nàng cần tiền, và nàng thấy tội nghiệp bà Jamieson – hình như bà đang ám ảnh và rối trí, như thể bà đang bị mộng du. Một hay hai lần Carla đã bất thần thực hiện một động thái gì đó ngớ ngẩn hết sức chỉ để làm không khí bớt căng thẳng. Kiểu hành động nàng vẫn làm khi những người lóng ngóng sợ sệt lần đầu cưỡi ngựa đang cảm thấy xấu hổ. Nàng cũng từng làm vậy với Clark khi anh chìm trong tâm trạng. Giờ nó không còn tác dụng đối với anh nữa. Nhưng câu chuyện về ông Jamieson thì có tác dụng, một cách rõ rành rành.
Không cách chi tránh nổi những vũng nước trên lối mòn, hay đám cỏ cao sũng nước dọc hai bên đường, hay bụi cà rốt dại vừa mới nở hoa. Nhưng không khí ấm đủ để nàng không bị lạnh thấu xương. Áo quần nàng ướt đẫm như thể do mồ hôi của chính nàng hay do nước mắt từ trên mặt nàng rơi xuống quyện với mưa phùn. Cơn nức nở của nàng nguôi dần. Mặc dù không có gì để lau mũi – mảnh khăn giấy đã ướt nhoét – nàng vẫn cúi người hỉ thật mạnh xuống một vũng nước.
Ngẩng đầu lên, nàng cố huýt một tiếng sáo vang dài, ám hiệu của nàng – và cũng là của Clark – gọi Flora. Nàng chờ vài phút rồi gọi tên Flora. Lặp đi lặp lại, huýt sáo và gọi tên, huýt sáo và gọi tên.
Flora không hồi đáp.
Tuy nhiên cảm giác đau đớn đơn thuần vì mất Flora, có lẽ là mất Flora vĩnh viễn, gần như là nỗi khuây khỏa so với mớ bòng bong nàng vướng phải liên quan tới bà Jamieson, và so với nỗi khổ phập phù của nàng với Clark. Ít nhất sự ra đi của Flora không bắt nguồn từ bất kỳ việc gì mà nàng – Carla – đã làm sai.
Ở tại ngôi nhà kia, bà Sylvia chả còn gì để làm, ngoài việc mở cửa sổ. Và suy nghĩ – bằng nỗi trông ngóng khiến bà bàng hoàng chứ không hề ngạc nhiên – xem bao lâu nữa mình sẽ gặp lại Carla.
Tất cả đồ dùng cá nhân của người bệnh đã được dọn đi. Căn phòng từng là phòng ngủ của bà Sylvia với chồng, rồi sau đó là phòng hấp hối của ông, đã được rửa dọn và sắp đặt ngăn nắp như chưa từng có biến cố gì xảy ra trong đấy. Carla đã giúp bà quán xuyến tất cả trong suốt mấy ngày hoảng loạn kể từ lúc ra lò hỏa thiêu tới lúc đi Hy Lạp. Từng món quần áo ông Leon đã mặc lẫn những món ông chưa bao giờ xỏ tay, gồm cả quà tặng của những bà em gái ông, vốn chưa lấy ra khỏi giấy gói, đều được chất lên ghế sau xe hơi đem chuyển giao cho cửa hàng từ thiện. Thuốc tây, đồ cạo râu của ông, những lon nước tăng lực chưa khui đã duy trì sự sống cho ông đến tận lúc hơi tàn lực kiệt, những hộp bánh quy mè mà ông cứ nhai hàng chục cái một lúc, những lọ nhựa đựng thuốc xoa lưng cho ông, những tấm chăn da cừu lót chỗ ông nằm – tất cả bị tống vào túi nylon đen cho xe rác mang đi, và Carla không thắc mắc lấy một lời. Nàng không bao giờ nói, “Có lẽ ai đó dùng được cái này,” hoặc lựa ra những hộp lon chưa khui. Khi bà Sylvia bảo, “Phải chi cô đừng mang quần áo ra thị trấn. Phải chi cô thiêu sạch chúng trong hỏa lò,” Carla cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên.
Họ chùi bếp lò, cọ rửa tủ bếp, lau tường và cửa sổ. Một ngày, bà Sylvia ngồi trong phòng khách soạn thư từ chia buồn bà nhận được. (Không có những chồng giấy và sổ tay được giữ gìn cẩn thận, như người ta thường thấy ở nhà của các nhà văn, không có tác phẩm dở dang hoặc những bản thảo nguệch ngoạc. Ông đã bảo bà, từ nhiều tháng trước khi mất, rằng ông quăng chúng đi hết rồi. Không chút tiếc nuối.
Bức tường hướng Nam ngôi nhà dựng lên từ những cửa sổ lớn. Bà Sylvia ngước nhìn lên, ngạc nhiên trước ánh nắng nhàn nhạt vừa lộ ra – hoặc có thể ngạc nhiên vì bóng Carla đổ xuống, chân đất, tay trần, trên đỉnh chiếc thang, gương mặt quyết đoán trùm trong những lọn lăn tăn màu vàng hoa bồ công anh, quá ngắn cho kiểu tóc tết bím. Nàng xăm xắn phun nước rửa và lau kính. Khi bắt gặp ánh mắt bà Sylvia nhìn mình, nàng ngừng lau và vung hai cánh tay như thể bị kéo ra, làm vẻ mặt ngô nghê như bức tượng phù điêu đầu người trên máng xối. Cả hai bật cười rũ. Bà Sylvia cảm thấy tiếng cười vang giòn lan khắp thân thể mình như dòng suối vui thích. Bà trở lại đống thư từ khi Carla tiếp tục lau chùi. Bà quyết định cho tất cả những lời có cánh – thành thật hay chiếu lệ, tỏ lòng tôn kính và tiếc thương – ra đi cùng đám chăn lông cừu và bánh quy giòn.
Khi nghe thấy tiếng Carla leo xuống thang, nghe tiếng giày trên hiên, tự dưng bà cảm thấy xấu hổ. Bà ngồi yên tại chỗ, đầu cúi xuống lúc Carla vào phòng và đi qua sau lưng bà trên đường vào nhà bếp lấy xô và giẻ lau dưới gầm bồn rửa. Carla hầu như không dừng lại, nàng lướt nhanh như chim, nhưng cũng kịp xoay người thả một chiếc hôn xuống mái đầu đang cúi của bà Sylvia. Sau đó nàng đi tiếp, huýt sáo véo von một điệu gì đó một mình.
Nụ hôn hằn sâu trong đầu bà Sylvia kể từ đấy. Nó không mang nghĩa gì cụ thể. Chỉ là cố lên. Hoặc sắp xong rồi. Nó có nghĩa họ là bạn tốt đã sát cánh kinh qua rất nhiều việc khó khăn. Hoặc có lẽ nó chỉ có nghĩa là mặt trời đã ló rạng rồi. Rằng Carla đang nghĩ đến việc về nhà với bầy ngựa của mình. Tuy nhiên bà Sylvia thấy nó như một bông hoa nở bừng, những cánh hoa lan tỏa bên trong bà mang sức nóng náo động, tựa một cơn bốc hỏa thời kỳ mãn kinh.
Thường thì trong những lớp thực vật học mà bà dạy hay có một nữ sinh đặc biệt – một cô gái mà sự thông minh và tận hiến, tính tự cao tự đại, bản ngã vụng về, hoặc thậm chí lòng đam mê chân thành với thế giới tự nhiên, gọi nhắc bà đến cái tôi thời son trẻ của chính bà. Những cô gái như vậy thường vây quanh bà một cách tôn sùng, hy vọng được đáp lại bằng kiểu thân tình nào đó mà – trong hầu hết trường hợp – họ không thể tưởng tượng ra, và rồi họ sẽ nhanh chóng chọc tức bà.
Carla không có gì giống bọn họ. Nếu nàng có giống ai đó trong cuộc đời bà Sylvia, thì chắc hẳn là giống những cô gái bà biết hồi ở trường trung học – những cô gái vui tươi nhưng không bao giờ quá đà, những vận động viên thoải mái nhưng không cạnh tranh quyết liệt, sôi nổi nhưng không nóng nảy. Hạnh phúc hồn nhiên.
“Chỗ cô ở, ngôi làng bé tẹo, cái ngôi làng bé tẹo tèo teo, với hai bà bạn già của mình á, ừm, thuộc vào loại mà thi thoảng lắm mới có một cái xe du lịch dừng lại, như thể nó bị lạc đường, du khách xuống xe, ngó xung quanh, và hoang mang cùng cực bởi vì mình đang ở nơi chẳng là nơi nào hết. Chẳng có gì để mua.”
Bà đang nói về Hy Lạp. Carla ngồi cách bà một khoảng. Rốt cuộc cô gái tay chân to chắc, ngượng nghịu, tươi tắn ấy cũng đang ngồi đây, trong căn phòng đã chất chứa những suy tư về cô. Cô gái hơi mỉm cười, gật đầu chậm nhịp.
“Mới đầu,” bà Sylvia nói, “mới đầu cô cũng rất hoang mang. Trời nóng hầm hập. Nhưng ánh sáng thì tràn trề. Tuyệt diệu. Sau đó cô cũng tìm ra việc để làm, chỉ có vài việc đơn điệu thôi nhưng có thể tiêu hết cả ngày. Ta đi bộ nửa dặm đường để mua một chút dầu và đi nửa dặm nữa về hướng khác để mua bánh mì hoặc rượu, vậy là hết buổi sáng, ta ăn bữa trưa sơ sài dưới gốc cây, và sau bữa trưa thì trời nóng đến nỗi chẳng thể làm được gì ngoài việc đóng cửa chóp lại nằm dài trên giường, có thể đọc sách. Ban đầu ta đọc. Sau thì đọc cũng chẳng nổi. Tại sao phải đọc? Rồi ta nhận ra những cái bóng đã dài hơn và ta đứng dậy, đi bơi.
“Ôi,” bà tự cắt lời mình. “Ôi, cô quên mất.”
Bà bật dậy đi lấy món quà bà đã mang về, món quà mà thật ra bà không quên tí nào. Bà không muốn trao nó cho Carla ngay, mà muốn khoảnh khắc đó đến tự nhiên hơn, và trong khi kể bà đã nghĩ trước đến giây phút bà nhắc tới biển, đi bơi. Và nói, như lúc này bà nói, rằng, “Nhắc đến bơi lội cô mới nhớ ra vật này bởi vì nó là phiên bản nhỏ, cháu biết không, nó là phiên bản nhỏ của con ngựa người ta tìm thấy dưới biển. Đúc bằng đồng đỏ. Người ta vớt nó lên từ tận đáy biển, sau bao nhiêu năm như thế. Họ cho rằng nó có từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên.”
Lúc Carla bước vào và nhìn quanh tìm việc để làm, bà Sylvia đã bảo, “Ồ, ngồi xuống đây một phút đã, cô chưa có ai để nói chuyện từ lúc trở về. Đi mà.” Carla ngồi xuống mép ghế, chân tách ra, hai tay kẹp giữa đầu gối, lộ vẻ u phiền. Như thể cố hết sức để tỏ ra lịch sự, nàng hỏi, “Chuyến đi Hy Lạp thế nào ạ?”
Bây giờ nàng đang đứng, cầm gói giấy lụa nhàu bọc con ngựa mà nàng chưa mở ra hẳn.
“Người ta cho rằng nó mô tả một con ngựa đua,” bà Sylvia nói. “Bất ngờ tăng tốc về đích, tung nỗ lực cuối cùng vào cuộc đua. Cả người cưỡi ngựa nữa, một cậu bé, cháu có thể thấy cậu ta đang thúc cho con ngựa đạt tới giới hạn tận cùng sức mạnh của nó.”
Bà không nói ra rằng cậu bé làm bà nghĩ tới Carla, và đến giờ bà cũng không biết tại sao. Nó chỉ trạc mười hay mười một tuổi. Có lẽ sức mạnh và sự uyển chuyển ở cánh tay chắc hẳn đang nắm dây cương, hay những nếp nhăn thơ trẻ trên trán, sự mê mải và nỗ lực thuần khiết ấy về mặt nào đó giống với cách Carla lau những cánh cửa sổ lớn hồi mùa xuân vừa qua. Cặp đùi khỏe mạnh trong ống quần soóc, đôi vai rộng, những cú lia rộng lên mặt kính, rồi cả động tác vung vung cánh tay, đã chào mời, thậm chí ra lệnh cho bà Sylvia phải bật cười phá lên.
“Đúng thế thật,” Carla nói, lúc này đang chăm chú xem xét bức tượng đồng nhỏ ánh xanh. “Cháu cảm ơn cô rất nhiều.”
“Đừng câu nệ. Chúng ta uống cà phê nhé? Cô đã pha rồi. Cà phê ở Hy Lạp khá đậm, đậm hơn ý cô thích, nhưng bánh mì thì tuyệt diệu. Còn quả vả chín ư, đúng là ngây ngất. Ngồi thêm chút nữa nhé. Cháu phải ngăn cho cô đừng huyên tha huyên thuyên thế này mãi. Còn ở đây thì sao? Từ đó đến nay cuộc sống ở đây thế nào?”
“Cứ mưa suốt thôi ạ.”
“Cô cũng thấy vậy. Nhìn là thấy,” bà Sylvia nói vọng ra từ góc bếp của căn phòng rộng. Trong lúc rót cà phê, bà quyết định sẽ im lặng về món quà khác mà bà đã mang về. Nó không đáng giá bao nhiêu cả (con ngựa đắt hơn cô gái có thể đoán), nó chỉ là một hòn đá nhỏ xinh đẹp màu hồng nhạt mà bà nhặt trên đường.
“Cái này về cho Carla,” bà đã nói với bà bạn Maggie của mình, lúc đó đang đi bên cạnh. “Mình biết thế là hâm. Nhưng mình muốn cô gái lưu giữ một mẩu nhỏ về mảnh đất này.”
Bà đã nhắc đến Carla với Maggie, với cả Soraya, một người bạn khác của bà ở đó, nói cho họ biết sự hiện diện của cô gái càng ngày càng có ý nghĩa thế nào đối với bà, về mối ràng buộc mơ hồ dường như ngày càng lớn giữa họ, về việc cô đã an ủi bà trong những tháng tang thương mùa xuân qua.
“Cứ như gặp một người… một người tươi tắn, tràn đầy sinh lực ùa vào nhà mình.”
Bà Maggie và bà Soraya đã bật cười một cách tử tế nhưng dễ gây khó chịu.
“Luôn có một cô gái,” bà Soraya vừa nói vừa lười nhác vươn đôi cánh tay rám nắng nặng nề ra, rồi bà Maggie tiếp lời, “Vào lúc nào đó tụi mình tất cả rồi cũng đều thế cả. Phải lòng một cô gái.”
Bà Sylvia cố nén giận trước cái từ cổ lỗ kia – phải lòng.
“Chắc đó là vì mình với Leon không có con,” bà nói. “Dớ dẩn. Tình mẫu tử thay thế.”
Các bà bạn của bà cùng lên tiếng một lúc, tuy cách nói hơi khác nhau, đại loại thứ tình cảm đó có thể xuẩn ngốc, nhưng chung quy, nó vẫn là tình yêu.
Nhưng cô gái ấy, ngày hôm nay, không có tí gì giống cái cô Carla mà bà Sylvia luôn ghi nhớ, không còn chút thần sắc thanh thản ngời ngời của sinh vật trẻ tuổi vô tư và tốt bụng đã đồng hành với bà suốt chuyến đi Hy Lạp.
Cô gái hầu như không quan tâm gì đến món quà bà tặng. Hoi có vẻ u uất khi chìa tay ra nhận cốc cà phê.
“Có điều này cô nghĩ là cháu thích lắm đây,” bà Sylvia hăng hái nói. “Lũ dê í mà. Chúng nhỏ nhắn ngay cả khi đã lớn hết cỡ. Con thì đốm con thì trắng, chúng nháy cỡn lên những tảng đá giống như… giống như bọn yêu tinh vùng đó vậy.” Bà phá ra cười hơi giả tạo, bà không cưỡng lại được. “Nếu chúng mà có đeo vòng hoa lên sừng thì cô cũng chẳng ngạc nhiên đâu. Con dê xinh xắn của cháu sao rồi? Cô quên mất tên nó.”
Carla đáp, “Flora.”
“Flora.”
“Nó đi rồi.”
“Đi? Cháu bán nó rồi à?”
“Nó biến mất. Tụi cháu không biết nó ở đâu.”
“Ôi, cô xin lỗi. Cô xin lỗi. Nhưng liệu có khi nào nó quay trở lại không?”
Không có câu trả lời. Bà Sylvia nhìn thẳng vào cô gái, một điều mà trước đó bà chưa bao giờ có khả năng làm, và thấy đôi mắt nàng đẫm lệ, mặt mũi tèm lem – đúng ra là nhem nhuốc – và thấy hình như nàng ta sưng húp nỗi buồn đau.
Nàng không tránh nổi cái nhìn của bà Sylvia. Nàng bặm chặt môi vào răng, nhắm mắt, quằn quại bổ người tới trước ra sau tựa như đang khóc gào trong câm nín, rồi bất ngờ, nàng rú lên thật sự. Nàng rú và khóc và đớp không khí, nước mắt đầm đìa chảy xuống má, nước dãi thập thò hai lỗ mũi, nàng cuống quít nhìn quanh tìm cái gì để lau. Bà Sylvia vội chạy đi lấy một nắm khăn giấy Kleenex.
“Đừng lo, của cháu đây, đây rồi, cháu sẽ ổn mà,” bà nói, nghĩ bụng có lẽ việc nên làm là ôm quàng cô gái vào lòng. Nhưng bà tuyệt nhiên không có một tí ao ước nào muốn làm thế, mà có khi làm vậy lại càng khiến tình hình tệ hại hơn. Có thể cô gái sẽ cảm nhận được bà Sylvia không muốn làm vậy tí nào, và biết được bà kinh sợ ra sao khi bị rơi vào trận đồ khóc lóc om sòm này.
Carla lảm nhảm gì đó, rồi lại lặp lại.
“Kinh khủng,” nàng nói. “Kinh khủng.
“Có gì mà kinh khủng. Người ta đôi khi cũng cần phải khóc. Không sao, đừng lo.”
“Thật kinh khủng.”
Và bà Sylvia không thể không nghĩ, sau mỗi khoảnh khắc của màn diễn đau khổ này, rằng cô gái đang tự làm mình trở nên tầm thường hơn, trở nên giống với những nữ sinh sướt mướt trong văn phòng của bà, của Sylvia. Có đứa khóc vì điểm số của chúng, nhưng đó thường là mưu mẹo, một cơn sụt sịt qua loa chả có sức thuyết phục. Hiếm xảy ra hơn, những vụ nước mắt thật sự hóa ra lại có dây dắt đến chuyện yêu đương, hoặc đến cha mẹ chúng, hoặc đến một ca dính bầu.
“Không phải chuyện con dê của cháu đúng không?”
“Không. Không.”
“Cháu nên uống một ly nước thì hơn,” Sylvia nói.
Bà chùng chình thời gian đợi nước nguội, cố nghĩ xem mình nên làm gì hay nên nói gì tiếp theo, nhưng khi bà cầm ly nước trở vào thì xem ra Carla đã bình tĩnh hơn.
“Rồi. Rồi,” bà Sylvia nói khi nàng đang uống nước.
“Thế có đỡ hơn không?”
“Dạ có.”
“Không phải con dê. Vậy thì chuyện gì?”
Carla nói, “Cháu không thể chịu đựng được nữa.”
Cô nàng không thể chịu đựng cái gì?
Hóa ra là anh chồng.
Thằng cha luôn nổi điên với con bé. Hắn hành xử như thể hắn ghét cay ghét đắng con bé vậy. Con bé chẳng thể làm gì mà hắn coi là được, cũng chẳng thể nói gì cho xuôi. Sống chung với hắn đang khiến con bé phát rồ. Đôi khi nó nghĩ nó đã rồ dại thật. Có khi nó lại nghĩ chính thằng chồng nó mới điên.
“Anh ta có đánh cháu không, Carla?”
Không. Hắn không đánh đấm gì con bé. Nhưng hắn chán ghét con bé. Hắn khinh miệt con bé. Hắn không chịu nổi khi con bé khóc, mà con bé thì không thể không khóc khi hắn nổi khùng.
Con bé không biết phải làm gì.
“Có lẽ cháu biết phải làm gì rồi,” bà Sylvia nói.
“Bỏ đi ư? Nếu bỏ được cháu đã bỏ rồi.” Carla lại bắt đầu khóc vống lên. “Cháu sẽ cho đi bất kỳ thứ gì để bỏ được. Cháu không thể. Cháu không có tiền. Đi thì cháu biết đi đâu trên đời này.”
“Ờm. Nghĩ coi. Có thật vậy không?” bà Sylvia nói bằng phong thái khuyên răn đúng chất nhất mà bà có thể tạo ra. “Cháu còn bố mẹ chứ? Chẳng phải cháu đã bảo cháu lớn lên ở Kingston? Cháu không có gia đình ở đó sao?”
Cha mẹ con bé đã chuyển tới British Columbia. Họ ghét Clark. Họ không quan tâm xem con bé sống hay chết.
Thế còn anh chị em?
Có một ông anh lớn hơn chín tuổi. Đã lấy vợ và sống ở Toronto. Ông anh này cũng chẳng đếm xỉa tới con bé. Ông anh này không thích Clark. Vợ ông ta là một kẻ hợm mình.
“Cháu đã bao giờ nghĩ đến trại lánh nạn cho phụ nữ chưa?”
“Ở đó họ chỉ nhận người bị đánh thôi. Vả lại nếu mọi người biết chuyện sẽ rất rầy rà cho việc làm ăn của tụi cháu.
Bà Sylvia cười nhẹ.
“Đây là lúc nghĩ về việc đó à?”
Tức thì Carla bật cười thành tiếng. “Cháu biết,” nàng nói. “Cháu mất trí rồi.”
“Nghe này,” bà Sylvia nói. “Nghe cô nói nhé. Nếu có tiền để đi thì cháu có đi không? Cháu sẽ đi đâu? Sẽ làm gì?”
“Cháu sẽ đi Toronto,” Carla nói liền. “Nhưng cháu sẽ không tới gần chỗ anh cháu. Cháu sẽ ở nhà trọ gì đó và sẽ tìm việc làm ở trại dạy cưỡi ngựa.”
“Cháu nghĩ cháu làm được thế?”
“Hồi mùa hè cháu gặp Clark cháu còn đang dạy cưỡi ngựa mà. Giờ cháu có nhiều kinh nghiệm hơn hồi đó. Rât nhiều.”
“Nghe như cháu đã tính toán kỹ việc này rồi,” bà Sylvia trầm tư.
Carla nói, “Giờ cháu nghĩ kỹ rồi.”
“Vậy chừng nào cháu đi nếu đi được?”
“Ngay bây giờ. Ngay hôm nay. Ngay phút này.”
“Tất cả những gì ngăn cản cháu là thiếu tiền?”
Carla hít sâu một hơi. “Đó là tất cả những gì ngăn cản cháu,” nàng nói.
“Ờ,” bà Sylvia báo. “Giờ nghe cô đề xuất thế này nhé. Cô nghĩ cháu không nên tới nhà trọ. Cô nghĩ cháu nên đón xe buýt đi thẳng tới Toronto và tới ở nhà một bà bạn của cô. Tên bà ấy là Ruth Stiles. Bà ấy có một ngôi nhà lớn, bà ấy sống một mình và sẽ không phiền nếu có người đến ở chung. Cháu có thể ở tạm đó đến khi nào tìm được việc làm. Cô sẽ giúp cháu một ít tiền. Chắc chắc ở Toronto phải có nhiều, rất nhiều trại dạy cưỡi ngựa.”
“Vâng ạ.”
“Vậy cháu nghĩ sao? Cháu có muốn cô gọi điện xem mấy giờ thì xe buýt chạy không?”
Carla đáp là muốn. Nàng run rẩy. Hai bàn tay di lên di xuống bắp đùi, đầu lắc nguầy nguậy.
“Cháu không thể tin được,” nàng láp nháp. “Cháu sẽ trả lại tiền cho cô sau. Ý cháu là, cảm on cô. Cháu sẽ trả lại tiền cho cô. Cháu không biết phải nói gì nữa.”
Bà Sylvia đã ở bên điện thoại, quay số gọi bến xe buýt.
“Suỵt, cô đang nghe giờ xe chạy,” bà nói. Bà lắng nghe, và rồi gác máy. “Cô biết cháu sẽ trả lại mà. Thế cháu có đồng ý ở nhà Ruth không? Để cô báo cho bà ấy biết. Dù vậy, vẫn còn một vấn đề.” Bà nhìn xoáy vào chiếc quần soóc và áo thun Carla đang mặc. “Cháu không thể đi xa với bộ đồ này.”
“Cháu không thể về nhà lấy gì được,” Carla hoảng hốt. “Cháu ổn mà.”
“Xe buýt có máy lạnh. Cháu sẽ chết cóng mất. Thể nào trong mớ đồ của cô chẳng có cái cháu mặc được. Hình như chúng ta cao bằng nhau?”
“Cô thon gấp mười lần cháu.”
“Trước kia thì không thế đâu.”
Cuối cùng họ chọn một chiếc áo jacket vải lanh màu nâu, hầu như chưa mặc lần nào – bà Sylvia từng coi nó là một vố chọn lầm, kiểu cách quá lấc cấc – một chiếc quần đặt may màu nâu nhạt và áo sơ mi lụa màu kem. Đôi giày đế mềm của Carla đành phải giữ nguyên cho đi chung với bộ cánh mới, bởi vì chân nàng to hơn chân bà Sylvia hai cỡ.
Carla đi tắm – một việc mà sáng hôm ấy nàng đã chẳng có tâm trí nào mà làm – trong khi bà Sylvia gọi điện cho bà Ruth. Buổi tối hôm đó bà Ruth sẽ đi ra ngoài gặp bạn bè, nhưng bà sẽ gửi lại chìa khóa cho những người thuê nhà ở tầng trên và Carla chỉ việc nhấn chuông phòng họ.
“Dù sao con bé cũng phải đón taxi từ bến xe buýt về. Tôi chắc nó sẽ xoay xở được chứ nhỉ?” bà Ruth hỏi.
Bà Sylvia cười. “Cô bé không phải là một con vịt kém cỏi đâu, đừng lo. Chỉ là cô nàng đang gặp chuyện buồn, thế thôi.”
“Vậy tốt. Ý tôi là con bé ra đi vậy là tốt.”
“Không phải con vịt kém cỏi tí nào,” bà Sylvia lầm bầm, nghĩ về Carla trong cái quần đặt may và cái áo khoác vải lanh. Người trẻ sao mà nhanh bình phục khỏi cơn tuyệt vọng đến thế và cô gái mới xinh xẻo làm sao trong bộ đồ mới toanh.
Xe buýt sẽ ghé vào thị trấn lúc hai giờ hai mươi. Bà Sylvia quyết định làm trứng tráng để ăn trưa, trải bàn bằng chiếc khăn màu xanh dương đậm, bày ra những cái ly pha lê và khui một chai vang.
“Cô hy vọng cháu thấy đói bụng để ăn được chút gì đó,” bà nói khi Carla ló ra, sạch tinh và sáng sủa trong bộ đồ mượn. Làn da phớt tàn nhang ửng đỏ lên do kỳ cọ, tóc ẩm và sậm màu lại, để buông, những lọn lăn tăn duyên dáng ẹp sát vào đầu. Nàng bảo nàng đói rồi, nhưng khi cố đưa nĩa trứng rán lên, đôi tay nàng run rẩy không sao đút được vào miệng.
“Cháu không biết sao mình lại run thế này,” nàng nói. “Chắc tại phấn khích. Cháu không ngờ sự việc lại dễ dàng đến vậy,” nàng nói.
“Rất bất ngờ,” bà Sylvia bảo. “Cứ như không thật vậy.”
“Thế nhưng, đó là thật. Tất cả mọi thứ bây giờ hình như đều là thật cả. Thật như mới vừa rồi, khi cháu đang chìm trong con mụ mị.”
“Có lẽ khi ta quyết định làm gì đó, khi ta quyết định thật sự, thì ta đều cảm giác như thế. Hoặc cảm giác nhất định phải như thế.”
“Nếu ta có một người bạn,” Carla nói với nụ cười ngượng ngập, màu đỏ bừng lan khắp cả trán cô. “Nếu ta có một người bạn thật sự. Ý cháu là một người giống như cô.” Nàng đặt dao nĩa xuống rồi lúng túng nâng ly rượu lên bằng cả hai tay. “Xin uống mừng một người bạn thật sự,” nàng nói, mất tự nhiên. “Đáng ra cháu không nên nhấp ngụm nào, nhưng cháu uống đây.”
“Cả cô nữa,” bà Sylvia nói, giả vờ vui vẻ. Bà uống, nhưng rồi lại phá hỏng khoảnh khắc ấy bằng câu, “Cháu sẽ gọi cho anh ta chứ? Hay là sao? Anh ta cần phải biết. Ít ra anh ta cần biết cháu ở đâu vào lúc anh ta đinh ninh cháu đang ở nhà.”
“Không gọi đâu ạ,” Carla nói. “Cháu không thể. Có lẽ nếu cô…”
“Không,” bà Sylvia nói. “Không.”
“Không, vậy ngu quá. Đáng ra cháu không nên nói thế. Thật khó mà suy nghĩ cho đàng hoàng. Có lẽ cháu nên làm thế này, cháu nên ghi một mẩu giấy nhắn bỏ vào thùng thư. Nhưng cháu không muốn anh ta biết quá sớm. Cháu thậm chí không muốn cô cháu mình lái xe qua đó khi chúng ta ra thị trấn. Cháu muốn đi đường cửa sau. Vậy nếu cháu viết… nếu cháu viết, thì cô có thể, cô có thể bổ nó vào thùng thư khi cô trở về được không?”
Bà Sylvia đồng ý, thấy không còn giải pháp nào hay hơn.
Bà lấy giấy bút ra. Bà rót thêm chút rượu. Carla ngồi thừ ra nghĩ ngại, sau đó viết mấy chữ.
Em đã ra đi rồi. Em sẽ ổng*.
Nguyên văn: “I will be all write’’. Carla viết nhầm chữ “right thành “write’’.
Đó là những chữ bà Sylvia đọc thấy khi bà mở tờ giấy ra, trên đường từ bến xe buýt trở về. Bà tin chắc Carla phân biệt được chữ ổng với ổn. Chẳng qua tại cô nàng cứ nói đi nói lại mãi về việc viết thư nhắn, và cô nàng cũng đang ở trong tâm trạng rối bời. Xem ra còn rối hơn bà Sylvia đã nhận thấy. Rượu đã khơi tuôn mạch nói, nhưng dường như không lồng kèm bất kỳ sự đau đớn hay uất ức nào. Con bé kể về trại ngựa nơi con bé làm việc và gặp Clark năm mười tám tuổi, khi chỉ mới rời trường trung học. Cha mẹ con bé muốn con bé lên tiếp đại học, con bé tán đồng miễn là có thể chọn được ngành bác sĩ thú y. Tất cả những gì con bé thật lòng muốn, muốn suốt đời, là được làm việc chung với súc vật và sống ở thôn quê. Ở trường phổ thông con bé vốn là một đứa ngu ngơ vụng về, thuộc vào loại hay bị tụi bạn xách mé thô thiển, nhưng con bé không quan tâm.
Clark là huấn luyện viên dạy cưỡi ngựa giỏi nhất ở đó. Hàng đống phụ nữ mê anh ta, họ đăng ký học cưỡi ngựa chỉ để được anh ta làm thầy. Carla hay ghẹo anh ta về những phụ nữ anh ta dạy và ban đầu hình như anh ta thích thế, sau đó đâm ra quạu. Con bé xin lỗi và cố dàn hòa bằng cách nghe anh ta thổ lộ về giấc mơ – thật ra là kế hoạch – mở một trường dạy cưỡi ngựa của anh ta, một trại ngựa, ở nơi nào đó vùng quê. Một hôm con bé vào chuồng ngựa, bắt gặp cung cách anh ta treo bộ yên của mình lên và con bé nhận ra mình đã yêu anh ta.
Giờ thì con bé nghĩ đó chẳng qua là dục tình. Có lẽ đấy chỉ là dục tình mà thôi.
Tới độ thu về, đúng ra con bé phải thôi việc để vào đại học ở Guelph, nhưng con bé khước từ không chịu đi, bảo rằng nó cần nghỉ một năm.
Clark rất thông minh nhưng lại không đủ kiên nhẫn để học hết trung học. Anh ta đã mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Anh ta nghĩ gia đình giống như chất độc ngấm vào máu người ta. Từng làm nhân viên phục vụ trong bệnh viện tâm thần, làm người chỉnh nhạc cho đài phát thanh ở Lethbridge, Alberta, làm nhân công xây đường cao tốc gần vịnh Thunder, làm thợ cạo học việc, làm chân bán hàng quân trang tồn kho. Mà đó mới chỉ là những việc anh ta đã kể cho con bé nghe.
Con bé đặt cho anh ta biệt hiệu Kẻ Phiêu Bạt, theo lời một bài hát, một bài hát xưa mẹ nó thường hay hát. Giờ về nhà, con bé véo von bài ấy suốt ngày và mẹ nó biết rằng đang có gì đó manh nha.
“Đêm qua nàng ngủ trên giường nệm lông chim
Đắp chân bông lụa
Đêm nay nàng sẽ ngủ dưới đất cứng lạnh…
Cạnh chàng phiêu bạt dấu y-ê-u-u-u. “
Mẹ con bé ca cẩm, “Nó sẽ vò tan nát tim mày cho mà xem, chắc chắn.” Cha dượng con bé, một kỹ sư, thậm chí không công nhận Clark có được uy năng cỡ đó. “Đồ tồi bại,” dượng gọi anh ta. “Thằng ma cà bông.” Cứ như thể Clark là con rệp cho ông ta phủi khỏi áo không bằng.
Thành ra Carla phải lên tiếng, “Ma cà bông có để dành đủ tiền mua một nông trại không? sẵn nói luôn, anh ấy đã làm được như thế rồi,” và ông dượng chỉ nói, “Tôi không tranh luận với cô nữa.” Dẫu gì con bé cũng không phải là con gái ông ta, ông ta nói thêm vậy, coi đó như lý lẽ đanh thép.
Thành ra, rất tự nhiên, Carla phải trốn đi với Clark. Cách hành xử của cha mẹ con bé gần như đứng đằng sau chuyện đó.
“Cháu có liên lạc với cha mẹ sau khi đã ổn định rồi không?” bà Sylvia hỏi. “Ở Toronto ấy?”
Caria nhướng mày lên, hóp má thành một chữ o ngộ nghĩnh nơi miệng. Và buông thõng, “Không.”
Rõ ràng có hơi men.
Trở về nhà, sau khi đã bỏ mẩu giấy nhắn vào hộp thư, bà Sylvia dọn đống chén đĩa vẫn còn bày trên bàn, rửa và chà bóng chảo tráng trứng, dìm xấp khăn ăn và tấm khăn trải bàn màu xanh vào chậu giặt, mở cửa sổ ra. Bà làm trong tâm trạng hoang mang, hối hận pha lẫn bực tức. Bà đã lấy hẳn một bánh xà phòng mới mùi táo cho cô gái tắm và cái mùi đó vẫn còn. phảng phất trong nhà, hệt như khi nãy thoang thoảng bay trong không gian xe hơi.
Mưa vừa tạnh. Bà không thể ngồi yên, vì vậy bà ra ngoài đi dạo dọc theo lối mòn do ông Leon dọn mà thành. Lớp sỏi ông lót vào những quãng lầy lội đã bị rửa trôi gần hết. Ông bà từng hay dạo bước khi xuân về, đi tìm hoa lan dại. Bà dạy cho ông tên của từng loài hoa dại – mà ông quên hết, ngoại trừ hoa diên linh thảo. Ông từng hay gọi bà là Dorothy Wordsworth của ông.[2]
Mùa xuân năm ngoái có lần bà đi ngắt về cho ông một bó hoa violet răng cưa, nhưng ông nhìn chúng – như thỉnh thoảng ông nhìn bà – với vẻ kiệt sức và cự tuyệt.
Bà vẫn thấy hiển hiện hình ảnh Carla – Carla bước lên xe buýt. Lời cảm ơn của con bé chân thật nhưng có vẻ lơ đãng, cái vẫy tay hờ hững. Bà vốn đã quen với hình ảnh cứu rỗi linh hồn của con bé.
Quay trở về nhà, đâu khoảng lúc sáu giờ, bà Sylvia gọi tới Toronto cho bà Ruth, dù biết Carla chưa tới nơi. Bà nhận điện thoại trả lời tự động.
“Ruth à,” bà Sylvia nói. “Sylvia đây. Về cô gái tớ gửi gắm đằng ấy. Tớ hy vọng con bé sẽ không hóa thành nỗi phiền cho đằng ấy. Tớ hy vọng mọi việc êm thấm. Có thể đằng ấy sẽ thấy nó hơi tự cao tự đại. Chắc tuổi trẻ đều thế cả. Có gì cho tớ biết tin. Nhé?”
Bà gọi lần nữa trước khi đi ngủ, nhưng cũng chỉ nhận được máy trả lời tự động, vì vậy bà nói, “Lại Sylvia đây. Chỉ để kiểm tra,” và gác máy. Lúc ấy vào khoảng từ chín tới mười giờ, nhưng chưa khuya hẳn. Chắc là Ruth vẫn chưa về, cô gái không muốn nhấc máy trong nhà người lạ. Bà ráng nhớ tên người thuê nhà của Ruth ở tầng trên. Chắc họ chưa đi ngủ đâu. Nhưng bà không thể nhớ ra. Thế cũng được. Gọi cho họ chỉ tổ khuấy động quá, lo âu thái quá, can thiệp quá sâu.
Bà lên giường nhưng không sao nằm yên, vì vậy bà khoác tấm chăn mỏng ra phòng khách, nằm xuống ghế sofa, nơi bà đã ngủ trong ba tháng cuối đời của Leon. Bà không nghĩ mình sẽ lại ngủ ở đó – không có rèm treo trên cửa sổ và bà có thể nhìn trời mà biết trăng đã lên, mặc dù bà không thấy trăng.
Thoắt cái bà đã thấy mình đang đi xe buýt ở đâu đó… Hy Lạp chăng?… cùng với rất nhiều người bà không biết, và tiếng xe biến thành tiếng gõ của báo động. Bà tỉnh dậy, nhận ra tiếng gõ ở ngay của trước nhà mình.
Carla?
Carla cứ cúi gằm đầu xuống cho tới khi xe buýt đã ròi khỏi thị trấn. Cửa sổ xe lắp kính màu, không ai nhìn vào được, nhưng nàng phải tránh không nhìn ra ngoài. E sợ Clark xuất hiện. Từ một cửa hàng đi ra, hoặc đang chờ băng qua đường, hoàn toàn không hay biết việc nàng đã bỏ rơi anh, cứ nghĩ đây là một buổi chiều bình thường. Không, cứ nghĩ đây là buổi chiều mà kế hoạch của họ – kế hoạch của anh – được xúc tiến, nôn nóng muốn biết nàng đã thực hiện nó đến đâu.
Mãi khi xe lao vào miền quê nàng mới ngước mắt lên, thở sâu, nhìn ngắm những cánh đồng hơi nhuốm màu tím của kính cửa sổ. Sự hiện diện của bà Jamieson phủ xuống nàng một cảm giác an toàn và đúng đắn khác thường, khiến cho cuộc trốn chạy của nàng có vẻ như là điều sáng suốt nhất người ta có thể tưởng tượng ra, thậm chí, là điều duy nhất thể hiện lòng tự trọng mà người ở tình cảnh của Carla có thể làm. Carla đã cảm thấy mình có khá năng tự tin bất thường, thậm chí có cả óc hài hước chín chắn, để thổ lộ cuộc đời mình với bà Jamieson theo cái cách nhất định sẽ nhận lại sự thông cảm, tuy mỉa mai và thành thật. Để rồi bị cuốn đi cho thích ứng với những gì, đến giờ nàng nhận thấy, là niềm mong mỏi của bà Jamieson – bà Sylvia. Nàng ngại rằng mình sẽ làm cho bà Jamieson thất vọng mất, nàng có ấn tượng bà là người vô cùng nhạy cảm và khắt khe, nhưng nàng nghĩ mình đã không để điều ấy xảy ra.
Phải chi nàng đừng bị buộc phải lấn cấn bên bà ấy quá lâu như vậy.
Mặt trời đang gắt, đã như vậy được một lúc rồi. Khi họ ngồi ăn trưa, nắng đã làm những ly rượu lóa lên. Từ sáng sớm chưa hề có mưa. Gió vừa đủ để bứng cỏ ven đường, những thân hoa dại, bật khỏi bụi cây ướt sũng của chúng. Mây mùa hè, không phải mây mưa, chạy tuột qua bầu trời. Cả vùng quê đang rùng mình hóa thân thành một ngày tháng Bảy tươi sáng thực thụ. Và khi xe vun vút lao đi nàng có thể thấy rằng nhiều dấu vết của quá khứ mới đây thôi giờ không còn nữa – không có những vũng nước to vật vã trên đồng chỉ điểm nơi hạt giống bị rửa trôi, không có những thân ngô èo uột đến tội hay ngọn lúa mì ngã rạp.
Bất giác trong đầu nàng nảy ra ý phải nói với Clark điều này – rằng vì lý do quái đản nào đó, họ đã chọn một xó xỉnh ướt dầm dề và ảm đạm, trong khi còn có những nơi khác mà rất có thể họ đã mở mặt rồi.
Hoặc sẽ mở mặt?
Rồi bất thần, dĩ nhiên, nàng nhận ra rằng mình sẽ chả nói gì với Clark đâu. Không bao giờ. Nàng sẽ không bận tâm đến những gì xảy ra với anh ta, hay với Grace hay với Mike hay với Juniper hay với Blackberry hay với Lizzie Borden. Nếu Flora có trở về thì nàng cũng không nghe nói gì về nó nữa.
Đây là lần thứ hai nàng vứt bỏ mọi thứ lại đằng sau.
Lần đầu tiên giống hệt như trong một bài hát cũ của nhóm Beatles – nàng viết một mẩu giấy nhắn để trên bàn và lẻn ra khỏi nhà cha mẹ vào lúc năm giờ sáng, hẹn gặp Clark ở bãi đậu xe nhà thờ cuối đường. Thực tế, nàng còn ngâm nga bài hát đó khi hai người rầm rầm phóng đi. She’s leaving home, bye-bye. Đến giờ nàng vẫn còn nhớ mặt trời đã mọc phía sau họ như thế nào, nàng đã nhìn hai bàn tay Clark đặt trên vô lăng ra sao, nàng nhìn những cọng lông đen trên cánh tay thành thạo đánh vô lăng, hít vào mùi xe tải, cái mùi dầu mỡ và kim loại, dụng cụ và chuồng ngựa. Khí lạnh sáng mùa thu luồn qua những mối hàn gỉ sét của chiếc xe tải. Đó là loại phương tiện đi lại mà những người trong gia đình nàng không đời nào leo lên ngồi, cũng chắc chắn không bao giờ xuất hiện trên đường phố nơi nhà nàng sống.
Mối tập trung của Clark trong buổi sáng hôm ấy về giao thông (họ đã tới xa lộ 401), mối lo lắng của anh về tính nết của chiếc xe tải, những câu trả lời cộc lốc của anh, đôi mắt nheo lại của anh, thậm chí cả thoáng bực mình của anh trước niềm hí hửng của nàng – tất cả đều khiến nàng xúc động. Cả cuộc sống lộn xộn trong quá khứ của anh, sự cô độc công khai của anh, cách anh đối xử dịu dàng với ngựa, và với nàng. Nàng thấy anh như vị kiến trúc sư cho cuộc đời phía trước của họ, còn nàng là kẻ bị bắt giữ, sự phục tùng của nàng vừa đích đáng lại vừa mãnh liệt.
“Mày không biết mày đang bỏ lại cái gì sau lưng đâu,” mẹ nàng đã viết cho nàng, trong lá thư duy nhất nàng nhận, và không bao giờ trả lời. Nhưng trong những khoảnh khắc chênh vênh của cuộc tháo chạy lúc sáng sớm đó, nàng biết chính xác mình đang bỏ lại sau lưng những gì, cho dù nàng còn lơ mơ về chốn mình sẽ đi tới. Nàng đã rũ bỏ cha mẹ, nhà cửa, mảnh sân sau nhà, những album gia đình, những kỳ nghỉ mát, nhà bếp Cuisinart [3], nhà vệ sinh nhỏ, những tủ quần áo to như cái phòng, hệ thống tưới cỏ ngầm dưới đất. Trong bức thư vắn tắt để lại, nàng đã dùng chữ “đích thực”.
Con luôn luôn cảm thấy mình cần một kiểu sống đích thực hơn. Con biết con không thể mong mẹ hiểu điều này.
Lúc này, xe vừa dừng lại ở thị trấn đầu tiên trong lộ trình. Bến xe là trạm xăng. Đúng trạm xăng mà nàng và Clark từng hay lái xe đến, trong những ngày trăng mật của họ, để mua xăng giá rẻ. Dạo đó, thế giới của họ bao gồm vài thị trấn vùng quê xung quanh và thỉnh thoảng họ hành xử như những du khách, đi khắp các quầy bar khách sạn bẩn thỉu để thử đủ loại đặc sản. Móng heo, bắp cải muối kiểu Đức, bánh kếp khoai tây, bia. Và họ hát vang suốt quãng đường về nhà như những tay miền núi phát khùng.
Nhưng chẳng bao lâu sau những chuyến vi vu đó đã bị xem là sự phung phí thời gian và tiền bạc. Là thứ người ta hay làm trước khi hiểu ra thực tế cuộc sống của mình.
Giờ nàng đang khóc, nước mắt dâng tràn mi mà không hay. Nàng bắt ép mình nghĩ về Toronto, về những bước đầu tiên phía trước. Taxi, ngôi nhà nàng chưa thấy bao giờ, cái giường lạ mà nàng sẽ ngủ một mình. Tra danh bạ điện thoại vào ngày mai để tìm địa chỉ các trại dạy cưỡi ngựa, sau đó lặn lội tới bất kỳ nơi nào chúng tọa lạc để xin việc.
Nàng không thể hình dung nổi. Cái việc mình đón xe điện hay tàu điện ngầm, chăm sóc những con ngựa mới, nói chuyện với những người mới, hằng ngày sống giữa hàng đống người không phải là Clark.
Một cuộc sống, một chỗ ở, được chọn vì một lý do cụ thể… đó là cuộc sống ấy sẽ không bao gồm Clark.
Giờ đây khi đã hình dung cái thế giới tương lai ấy, nàng mới dần thấy rõ một điều kinh khủng và quái lạ là nàng sẽ không tồn tại ở đó. Nàng sẽ chỉ đi qua đi lại, mở miệng ra nói, làm cái này cái kia. Nhưng nàng sẽ không thật sự ở đó. Lạ một điều là nàng đang làm tất cả những việc này, đang đi trên chuyến xe buýt này với hy vọng bình tâm tĩnh trí lại. Như bà Jamieson có thể sẽ nói – và như chính nàng có thể đã nói một cách hài lòng – nàng đang tự quyết định cuộc đời mình. Sẽ không ai quắc mắt với nàng, sẽ không có tâm trạng của ai làm lây lan u uẩn sang nàng.
Nhưng nàng sẽ quan tâm đến cái gì? Làm thế nào để nàng biết là mình đang sống?
Trong khi nàng chạy trốn khỏi anh – vào lúc này – Clark vẫn giữ vững chỗ đứng của anh trong cuộc đời nàng. Nhưng khi nàng hoàn tất cuộc chạy trốn, khi nàng tiếp tục sống, thì nàng sẽ đặt cái gì vào chỗ của anh? Cái gì khác – ai khác – lại có thể là một thách thức sinh động đến thế?
Nàng đã nín khóc, nhưng nàng bắt đầu run bần bật. Nàng đang tuột dốc và cần phải tự chủ, phải kiềm chế bản thân. “Hãy kiềm chế,” như Clark thỉnh thoảng bảo nàng, khi đi ngang căn phòng nơi nàng đang vật vã, cố không khóc rống lên, và đó quả thật là điều nàng phải làm.
Xe dừng ở một thị trấn khác. Đây là thị trấn thứ ba sau thị trấn nơi nàng lên xe buýt, vậy tức là xe đã qua thị trấn thứ hai lúc nào nàng không để ý. Chắc lúc đó xe đã dừng, tài xế đã xướng tên thị trấn, và nàng đã không nghe không thấy gì trong màn sương hoảng loạn của mình. Không lâu nữa họ sẽ ra xa lộ chính, và sẽ lao vùn vụt về phía Toronto.
Và nàng sẽ bị lạc.
Nàng sẽ bị lạc. Có nghĩa lý gì cái việc bước lên một chiếc taxi, chìa ra địa chỉ mới, sáng mai thức dậy, đánh răng và lao vào thế giới? Hà tất nàng phải xin việc làm, đút thức ăn vào miệng, đi từ nơi này tới nơi khác bằng phương tiện công cộng?
Hai bàn chân nàng giờ như ở xa tít thân thể nàng. Đầu gối nàng, bọc trong chiếc quần điệu đàng xa lạ, như trĩu xuống bởi xiềng xích. Nàng đang chìm xuống đất như một con ngựa ốm không bao giờ đứng dậy được nữa.
Xe buýt đã chất thêm vài hành khách và hàng hóa nãy giờ vẫn đợi lên xe ở thị trấn này. Một phụ nữ cùng đứa bé trong xe đẩy đang vẫy tay tạm biệt người nào đó. Tòa nhà đằng sau họ, quán cà phê làm trạm xe buýt, cũng đang chuyển động. Một làn sóng hóa lỏng tràn qua những bức tường gạch và cửa sổ như thể chúng đang tan đi. Vô cùng liều mạng, Carla lôi tấm thân to lớn và tứ chi nặng nề về trước. Nàng lảo đảo la thất thanh, “Cho tôi xuống.”
Tài xế thắng xe, điên tiết quát, “Tôi tưởng cô đi Toronto mà?” Người ta ngẫu nhiên tò mò nhìn nàng, xem ra không ai hiểu nàng đang đau đớn.
“Tôi phải xuống ở đây.”
“Có buồng vệ sinh ở sau xe đó.”
“Không. Không. Tôi phải xuống.”
“Tôi sẽ không chờ đâu. Cô hiểu chứ. Cô có hành lý để dưới gầm xe không?”
“Không. Có. Không.”
“Không hành lý?”
Một giọng trong xe buýt nói, “Chứng sợ không gian kín đó mà. Vấn đề của cô ta là vậy thôi.”
“Cô say xe à?” tài xế nói.
“Không. Không. Tôi muốn xuống.”
“Ừ. Rồi. Xuống thì xuống.”
“Anh tới đón em đi. Nhé. Tới đón em đi.”
“Anh sẽ tới.”
Bà Sylvia đã quên khóa cửa. Bà nhận ra lẽ ra lúc này bà phải đang khóa cửa vào, chứ không phải mở nó ra, nhưng quá trễ, bà đã mở cửa.
Không có ai ở ngoài ấy.
Tuy nhiên bà chắc chắn, rất chắc, rằng tiếng gõ cửa lúc nãy là thật.
Bà đóng cửa lại, lần này nhớ khóa cẩn thận.
Một tiếng động như đùa nghịch vang lên, một tiếng gõ lanh canh phát ra từ phía bức tường dựng từ những tấm cửa kính. Bà bật đèn lên, nhưng không thấy gì ở đó, lại tắt đèn đi. Chắc con thú nào đó… có lẽ là sóc? Đôi cửa cái kiểu Pháp ở giữa những cửa kính, dẫn ra hiên, cũng chưa được khóa. Thậm chí còn chưa đóng hẳn, hé ra vài phân khiến cho không khí thốc vào nhà. Bà vừa định đóng chúng lại thì ai đó cười phá lên, rất gần, gần như đang ở trong cùng căn phòng với bà.
“Tôi đây,” một giọng đàn ông nói. “Tôi đã làm cho bà sợ hả?”
Anh ta áp hẳn người vào cửa kính, đang ở ngay sát bên bà.
“Tôi là Clark,” anh ta nói. “Clark ở cuối đường.”
Bà không có ý định mời anh ta vào nhà, nhưng bà sợ đóng cửa trước mặt anh ta. Rất có thể anh ta sẽ chụp lại trước khi bà kịp đóng. Bà cũng không muốn bật đèn. Bà ngủ với chỉ một manh áo thun dài trên người. Đáng ra bà nên với tấm chăn trên ghế sofa mà quấn vào người, nhưng giờ đã quá trễ để làm điều ấy.
“Bà có muốn chỉnh đốn trang phục không?” anh ta nói. “Thứ tôi đựng trong đây có thể chính là cái bà cần.”
Trong tay anh ta cầm một túi mua hàng. Anh ta dúi mạnh nó cho bà, nhưng không cố đi vào nhà.
“Gì thế này?” bà nói, giọng nghẹt lại.
“Nhìn đi thì biết. Không phải bom đâu. Này, cầm lấy.” Bà sờ vào trong túi, không nhìn. Cái gì đó mềm mềm. Rồi bà nhận ra hàng nút của chiếc áo khoác, lớp lụa của tấm áo sơ mi, thắt lưng của cái quần.
“Tôi chỉ nghĩ rằng tốt hơn bà hãy nhận lại chúng, anh ta nói. “Chúng là của bà chứ nhỉ?”
Bà nghiến chặt quai hàm cho răng đừng va vào nhau lập cập. Cảm giác khô đắng khủng khiếp ộc lên miệng, lên cổ họng bà.
“Tôi hiểu chúng là của bà,” anh ta nói nhẹ bâng.
Lưỡi bà động đậy như một nùi len. Bà cố rặn ra, “Carla đâu?”
“Ý bà muốn hỏi vợ tôi?”
Giờ bà có thể thấy rõ mặt anh ta hơn. Bà có thể thấy anh ta đang khoái trá đến thế nào.
“Vợ tôi, Carla, đang ở nhà, trên giường. Ngủ trên giường. Nơi cô ả thuộc về.”
Anh ta là một gã trông vừa đẹp trai vừa ngu đần. Cao, săn chắc, vạm vỡ, nhưng lại có cái dáng thõng vai trông như giả tạo. Cố ý tỏ vẻ đe dọa. Máng tóc đen xõa xuống trán, bộ ria mép con con tự đắc, đôi mắt vừa hy vọng vừa chế nhạo, nụ cười trẻ con luôn phảng phất vẻ dỗi hờn.
Bà vốn chưa bao giờ ưa bộ dạng của gã này – bà đã từng nhắc đến mối ác cảm này với Leon, ông bảo chỉ là thằng đó thiếu bản lĩnh, chỉ là hắn thân mật thái quá thôi.
Anh ta có thiếu bản lĩnh cũng không khiến bà cảm thấy an toàn hơn lúc này.
“Hơi nhàu nhỉ,” anh ta bảo. “Sau chuyến phiêu lưu nho nhỏ của cô ả. Phải chi bà thấy mặt bà… bà nên nhìn thấy cái vẻ mặt của bà khi nhận ra mớ đồ này. Bà đã nghĩ gì vậy? Bà nghĩ rằng tôi đã giết cô ả rồi phải không?”
“Tôi đã ngạc nhiên,” bà Sylvia đáp.
“Biết mà. Sau cố gắng vĩ đại nhường ấy hòng giúp cô ả tếch đi.”
“Tôi đã giúp cô ấy…” bà Sylvia nói bằng một nỗ lực đáng kể. “Tôi giúp cô ấy vì trông cô ấy như đang tan nát.”
“Tan nát,” anh ta nói, như thể đang khám nghiệm từ này. “Tôi đoán cô ả đã tan nát thật. Tan nát tột cùng vào lúc nhảy khỏi xe buýt và gọi điện cho tôi ra đón cô ả về. Cô ả khóc lóc thảm thiết đến nỗi tôi gần như không hiểu cô ả đang nói cái gì.”
“Cô ấy muốn trở lại à?”
“Ố, đúng thế. Tất nhiên là cô ả muốn trở về. Cô ả cuống quít đòi trở về. Cô ả vốn tính khí thất thường mà. Nhưng tôi cho rằng bà làm gì biết cô ả rõ bằng tôi.”
“Cô ấy có vẻ rất sẵn sàng ra đi.”
“Thật thế à? Hừ, tôi đành phải tin lời bà thôi. Tôi đến đây không phải để tranh cãi với bà.”
Bà Sylvia không nói gì.
“Tôi đến đây để nói với bà rằng tôi không đề cao việc bà nhúng mũi vào cuộc sống của tôi với vợ tôi.”
“Cô ấy là con người,” bà Sylvia nói, dù biết mình nên nín lặng thì hơn. “Ngoài việc là vợ của anh.”
“Chúa ơi, thế cơ à? Vợ tôi là con người? Thật vậy sao? Cảm ơn bà đã cung cấp thông tin. Nhưng đừng lên mặt hiểu biết với tôi, bà Sylvia.”
“Tôi không lên mặt.”
“Tốt. Tôi mừng là bà không làm thế. Tôi không muốn nổi điên. Tôi chỉ có đôi điều quan trọng muốn nói với bà. Thứ nhất, tôi không muốn bà gí mũi vào cuộc sống của tôi và vợ tôi, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Tiếp theo, tôi không muốn cô ả còn láng cháng tới đây nữa. Chẳng phải cô ta thực lòng muốn tới đây đâu, tôi chắc chắn điều đó. Lúc này cô ả không còn thiện cảm với bà nữa. Đã đến lúc bà tự mà học cách dọn nhà lấy.
“Thế đó,” anh ta nói. “Thế đó. Bà đã rõ chưa?
“Khá rõ.”
“Ố, tôi hy vọng là thế. Hy vọng vậy.”
Bà Sylvia nói, “ừ.”
“Bà biết tôi còn nghĩ gì nữa không?”
“Cái gì?”
“Tôi nghĩ bà nợ tôi một thứ.”
“Hả?”
“Tôi nghĩ bà nợ tôi một thứ… có lẽ… bà nợ tôi một lời xin lỗi.”
Bà Sylvia nói, “Được rồi. Nếu anh nghĩ vậy. Cho tôi xin lỗi.”
Anh ta cử động, có lẽ là chìa tay ra, và cùng lúc thân hình anh ta chuyển động, bà Sylvia thét váng lên.
Anh ta phá ra cười. Anh ta đặt tay lên khung cửa để bảo đảm bà không đóng nó lại được.
“Cái gì kia?”
“Cái gì là cái gì?” anh ta nói, làm như bà đang cố đánh lừa anh ta nhưng vố lừa vô tác dụng. Nhưng chợt anh ta trông thấy cái gì phản chiếu trong cửa sổ, bèn quay phắt lại nhìn.
Cách ngôi nhà không xa có một khoảnh đất trũng khá rộng thường phủ kín sương đêm vào khoảng thời gian này trong năm. Màn sương mù đêm nay vẫn ở đó, như bấy lâu nay. Nhưng giờ có một điểm đang thay đổi. Màn sương đặc lại, tạo thành một hình thù hẳn hoi, dần chuyển thành một vật xốp như bông và sáng ngời. Thoạt đầu là một quả bóng linh động màu vàng tươi, băm bổ về trước, rồi tụ lại thành hình một con thú bí hiểm, trắng tinh, rõ nét, như một con kỳ lân khổng lồ, phóng thẳng về phía họ.
“Lạy Chúa tôi,” Clark nói khẽ, rất thực lòng. Và tóm lấy vai bà Sylvia. Cú đụng chạm này không làm bà sợ chút nào – bà chấp nhận nó vì biết rằng anh ta làm thế hoặc để bảo vệ bà hoặc để trấn an chính anh ta.
Thế rồi khối hình đó bật ra. Bứt khỏi màn sương, bứt khỏi chùm ánh sáng chói lóa – giờ thì đã rõ là một chiếc xe hơi chạy qua con đường phía sau nhà, có lẽ đang tìm chỗ đậu – chạy ra một con dê trắng. Một con dê trắng đang nhảy tung tăng, không lớn hơn một con chó chăn cừu là bao.
Clark buông tay ra. Anh ta nói, “Mày từ xó địa ngục nào ra vậy?”
“Con dê của anh,” bà Sylvia hỏi. “Dê của anh hả?’
“Flora,” anh ta gọi. “Flora.”
Con dê dừng lại cách họ chừng một thước, bỗng trở nên bẽn lẽn và cúi gằm đầu xuống.
“Flora,” Clark nói. “Mày từ xó địa ngục nào chui ra vậy? Mày làm chúng tao sợ hết hồn.”
Chúng tao.
Flora nhích đến gần hơn, nhưng vẫn không nhìn lên. Nó húc vào cẳng Clark.
“Đồ súc vật ngu si,” anh ta mắng, giọng run run. “Mày đã ở đâu vậy hả?”
“Nó bị lạc,” bà Sylvia nói.
“Ừ. Bị lạc. Thực tình không ngờ lại nhìn thấy nó lần nữa.”
Flora ngước nhìn lên. Ánh trăng chiếu thẳng vào cặp mắt lấp lánh của nó.
“Làm chúng tao sợ vãi cứt,” Clark nói với con dê. “Mày đi tìm trai hả? Sợ vãi cứt luôn. Phải vậy không? Chúng tao tưởng mày là ma chứ.”
“Đó là hiệu ứng sương mù,” bà Sylvia nói. Giờ bà đã bước hẳn ra ngoài hiên. An tâm.
“Ừ.”
“Đúng lúc có ánh đèn xe hơi.”
“Như ma quỷ hiện hình,” anh ta nói, giờ đã hoàn hồn. Hài lòng vì đã nghĩ ra được lời miêu tả như vậy.
“Phải.”
“Con dê từ ngoài vũ trụ. Mày là vậy đó. Mày là con dê chết tiệt từ ngoài vũ trụ,” anh ta vừa nói vừa vỗ vỗ Flora. Nhưng khi bà Sylvia chìa bàn tay rảnh ra định làm tương tự – tay kia vẫn đang cầm cái túi đựng bộ quần áo Carla đã mặc – Flora lập tức hạ thấp đầu xuống như chuẩn bị thực hiện một cú húc ra trò.
“Dê không thể đoán được,” Clark nói. Trông tưởng hiền lành nhưng thật ra không phải. Nhất là sau khi chúng trưởng thành.”
“Nó trưởng thành rồi à? Trông nhỏ xíu.”
“Nó lớn vầy là hết cỡ rồi.”
Họ đứng nhìn xuống con dê, như thể chờ nó cung cấp cho họ nội dung chuyện trò gì thêm. Nhưng rõ ràng việc này sẽ không xảy ra. Từ khoảnh khắc này trở đi họ không thể tiến cũng không thể lui. Bà Sylvia tin mình đã trông thấy nét nuối tiếc thoáng qua mặt anh ta vì sự thể bỗng nhiên hóa ra thế này.
Nhưng anh ta chấp nhận nó. Bèn nói, “Khuya rồi.”
“Tôi nghĩ vậy,” bà Sylvia đáp, như thể đó chỉ là một cuộc thăm viếng bình thường.
“Này, Flora. Tới lúc chúng ta về nhà rồi.”
“Tôi sẽ tự thu xếp tìm người giúp việc khác nếu tôi cần,” bà nói. “Có lẽ lúc này tôi chưa cần đâu.” Rồi bà thêm, gần như phì cười. “Tôi sẽ tránh không đụng tới một cọng lông nào của anh.”
“Đúng,” anh ta nói. “Tốt hơn bà vào nhà đi. Kẻo lại cảm lạnh.”
“Người ta từng nghĩ sương đêm rất nguy hiểm.”
“Lần đầu tiên tôi nghe nói vậy đấy.”
“Chào anh,” bà nói. “Chào mày nhé, Flora.”
Điện thoại reo.
“Xin lỗi.”
Anh ta giơ tay chào và quay đi. “Ngủ ngon.”
Đó là bà Ruth gọi.
“À,” bà Sylvia nói. “Kế hoạch thay đổi rồi.”
Bà không ngủ, cứ lướng vướng nghĩ tới con dê nhỏ, cách nó xuất hiện từ màn sương đối với bà càng lúc càng giống như phép nhiệm màu. Thậm chí bà còn tự hỏi, Leon có phù hộ gì cho việc này xảy ra không. Nếu là nhà thơ thì hẳn bà sẽ viết một bài thơ về sự kiện này. Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì những đề tài bà nghĩ nhà thơ nên viết thành thơ thì lại không hấp dẫn Leon.
Carla không nghe thấy tiếng Clark đi ra nhưng nàng tỉnh giấc khi chồng đi vào. Anh báo nàng anh chỉ ra kiểm tra chuồng trại.
“Lúc nãy có một chiếc xe trên đường và anh thắc mắc không biết người ta làm gì ở đây. Phải sau khi ra ngoài kiểm tra xem mọi thứ có ổn hay không anh mới trở vào ngủ được.” “Ngoài đó ổn chứ?”
“Theo anh thấy thì ổn.”
“Rồi trong lúc còn thức,” anh tiếp, “anh nghĩ mình nên tới thăm ngôi nhà cuối đường luôn thể. Anh đã đem trả túi quần áo rồi.”
Carla ngồi dậy trên giường.
“Anh không đánh thức cô ấy đấy chứ?”
“Bà ta thức. Không hề gì. Tụi anh có nói chuyện tí chút.”
“Ồ.”
“Không sao mà.”
“Anh không nhắc gì tới chuyện đó chứ?”
“Không nhắc gì hết.”
“Tất cả chỉ là bịa đặt thôi. Thật vậy. Anh phải tin em.
Tất cả là nói dối.”
“Ừ.”
“Anh phải tin em.”
“Thì anh tin.”
“Em đã dựng lên cả đấy.”
“Ừ.”
Anh vào giường.
“Chân anh lạnh ngắt,” nàng nói. “Như bị ướt vậy.” “Sương đẫm quá.”
“Lại đây,” anh nói. “Khi đọc thư nhắn anh cảm giác như có một cái hố bên trong người mình vậy. Thật đấy. Nếu em đi thật chắc anh cảm thấy không còn gì ở lại trong anh.”
Thời tiết tươi sáng dần lên. Trên đường phố, trong cửa hàng, ngoài bưu điện, người ta chào nhau bằng câu rốt cuộc mùa hè đã đến rồi. cỏ trên đồng, thậm chí cả đám hoa màu tội nghiệp bị gió mưa đánh rạp, cũng lại ngẩng cao đầu. Những vũng nước khô đi, bùn quánh lại thành đất. Gió ấm hây hẩy lùa về và ai nấy đều phấn chấn muốn vào việc trở lại. Điện thoại reo. Hỏi thuê ngựa cưỡi qua đường mòn, hỏi các lớp học cưỡi ngựa. Những trại hè giờ đây lại tỏ vẻ quan tâm và hủy những chuyến đi thăm bảo tàng. Xe tải nhỏ tấp vào, đổ xuống hàng đàn trẻ con hiếu động. Bầy ngựa nhảy cẫng lên dọc theo các hàng rào, chúng đã thoát khỏi đám chăn.
Clark đã xoay xở lùng được một tấm lợp đủ lớn với giá hời. Anh dành trọn cả ngày đầu tiên sau Ngày Trốn Chạy (đó là cách họ ám chỉ tới chuyến xe buýt của Carla) để lợp mái cho sân tập.
Trong vài ngày, khi họ đi qua đi lại làm việc thường nhật, anh và Carla cứ liên tục vẫy nhau. Nếu nàng vô tình đi áp gần anh, và nếu không có ai gần đó, Carla có thể hôn vai anh qua lớp vải mỏng của chiếc sơ mi mùa hè.
“Nếu em mà còn cố trốn chạy lần nữa anh sẽ đánh em nhừ tử,” anh bảo nàng và nàng đáp, “Có không đó?”
“Có gì?”
“Đánh nhừ tử?”
“Chắc chắn.” Giờ anh đang phấn khởi, đầy hấp lực như hồi đầu tiên nàng biết anh.
Chim chốc hiện hữu khắp nơi. Lũ chim hét cánh đỏ, bọn chim cổ đỏ, một cặp bồ câu hay gù lúc bình minh. Cơ man nào là quạ, mòng biển đi trinh sát trên hồ, lũ kền kền bự xác đậu trên nhánh cây sồi chết ở ngoài bìa rừng cách đó một dặm. Mới đầu chúng chỉ đậu ở đó, phơi đôi cánh to tướng, chốc chốc lại cất mình lên lượn thử một vòng, đập đập cánh đôi chút rồi lại sải ra cho mặt trời và không khí ấm làm công việc hong khô. Chừng một ngày gì đó là chúng lại xuất hiện, bay lên cao, liệng vòng, bổ về hướng mặt đất rồi biến mất về phía cánh rừng, trở về nghỉ ngơi trên nhánh cây trơ trụi quen thuộc.
Chủ của Lizzie – Joy Tucker – lại đến, rám nắng và thân thiện. Bà đã phát ốm vì mưa nên đi nghỉ để leo bộ lên rặng Rocky. Nay bà đã trở về.
“Bà giỏi canh thời tiết quá,” Clark nói. Anh và Joy Tucker chẳng mấy chốc đã đấu láo như chưa hề có gì xảy ra.
“Trông Lizzie phổng phao ghê,” bà khen. “Nhưng cô bạn bé nhỏ của nó đâu rồi? Tên nó là gì nhỉ… Flora?”
“Đi rồi,” Clark nói. “Có lẽ nó tới Rocky rồi.”
“Ở đó quá trời dê hoang. Với những cặp sừng ấn tượng.”
“Tôi cũng nghe kể vậy.”
Trong ba hay bốn ngày họ quá bận đến nỗi không kiểm tra thùng thư. Khi Carla mồ nó ra nàng thấy hóa đơn điện thoại, lời rao rằng nếu đặt mua dài hạn một tờ báo nào đó họ sẽ có cơ may trúng thưởng một triệu đô, cùng một lá thư của bà Jamieson.
Carla thân yêu,
Cô cứ nghĩ mãi về những sự kiện (khá là kịch tính) của những ngày qua, và cô thấy mình cứ độc thoại nhưng thật ra là đang nói chuyện với cháu, thật vậy, thường xuyên đến nỗi cô thấy mình phải nói chuyện với cháu thôi, cho dù – cách tốt nhất bây giờ cô có thể – chỉ là viết thư. Nhưng đừng lo – cháu không cần phải trả lời cô đâu.
Bà Jamieson viết tiếp rằng bà e mình đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của Carla và đã sai lầm khi nghĩ hạnh phúc và tự do của Carla về mặt nào đó cùng là một. Tất cả những gì bà quan tâm là hạnh phúc của Carla, và giờ bà thấy rằng nàng, Carla, chắc đã tìm thấy điều đó trong cuộc hôn nhân của nàng. Bà chỉ hy vọng là cuộc trốn chạy và những cảm xúc bão táp của Carla đã đẩy những cảm xúc thật của nàng lên bề mặt, đồng thời đã cho chồng nàng nhận ra được những cảm xúc thật sự của anh ta.
Bà nói rằng bà sẽ hoàn toàn thấu hiểu nếu sau này Carla có ý tránh mặt bà, và rằng bà vẫn luôn biết ơn sự có mặt của Carla trong cuộc đời bà vào thời điểm nguy khó nhất.
Điều lạ kỳ nhất và tuyệt vời nhất trong chuỗi những biến cố này đối với cô là sự tái xuất hiện của Flora. Phải nói thật tình đó giống như một phép nhiệm màu vậy. Không biết nó đã mất mặt ở đâu trong ngần ấy thời gian đề rồi lại chọn đúng khoảnh khắc đó mà tái hiện? Cô chắc chồng cháu đã kể lại chuyện này với cháu. Bọn cô đang nói chuyện bên cửa hiên thì cô – lúc đó quay mặt ra ngoài – là người đầu tiên nhìn thấy cái gì trắng trắng… từ màn đêm đáp tòm xuống chỗ bọn cô. Đương nhiên ấy là do hiệu ứng của sương mù phủ kín mặt đất. Nhưng thật dễ sợ. Cô nghĩ mình đã thét lên khiếp lắm. Chưa bao giờ trong đời cô cảm thấy như bị ếm bùa đến thế, cảm giác bị ám thật sự ấy. Cô nghĩ mình nên thành thật mà nói rằng cô đã sợ chết khiếp. Thế đây, hai người lớn, tê cứng, và rồi bước ra khỏi sương mù là nàng dê xinh xắn đã thất lạc, Flora.
Sự việc này có gì đó rất đặc biệt. Cô biết dĩ nhiên Flora chỉ là một con vật bé nhỏ bình thường và rằng chắc chắn nó chỉ bỏ đi để làm cho mình có mang. Chứ thực ra sự trở về của nó không can hệ gì hết với cuộc sống của con người. Tuy nhiên sự xuất hiện của nó đúng vào khoảnh khắc ấy đã tác động sâu sắc đến cô và đến chồng của cháu. Khi hai con người bị chia rẽ vì thù hằn đều đang hoang mang – à không đang cùng sợ khiếp vía – bởi sự ma quỷ hiện hình đó, thì có một sợi dây nổi lên giữa họ, họ tự thấy mình nối kết với nhau theo một cách thức không ngờ nhất. Được nối kết bằng nhân tính của mình – cô chỉ biết mô tả nó mỗi cách như thế thôi. Bọn cô đã chia tay gần giống như những người bạn. Vậy là Flora đã ở vào vị trí của một thiên thần trong đời cô, có lẽ cả trong cuộc đời của chồng cháu và của cháu.
Chúc cháu mọi điều tốt đẹp nhất, Sylvia Jamieson
Ngay khi vừa đọc xong lá thư nàng liền vo tròn nó lại. Xong nàng đem đốt nó trong bồn rửa. Ngọn lửa phóng lên cao quá mức, nàng vặn vòi nước, hốt cái nhúm đen đen mêm mềm gớm ghiếc thảy vào bồn cầu như lẽ ra nàng phải làm trước khi đọc nó.
Nàng bận rộn suốt ngày hôm ấy, ngày hôm sau và hôm sau nữa. Trong khoảng thời gian đó nàng phải dẫn hai đoàn đi dạo lối mòn, dạy bọn trẻ cưỡi ngựa, từng đứa hoặc theo nhóm. Đêm đến Clark vòng tay ôm nàng – mặc dù lúc này cũng bận rộn nhưng anh không bao giờ quá mệt, không bao giờ nhăn nhó – nàng cũng chẳng thấy khó khăn gì mà không hợp tác.
Như thể đang có một cây kim giết chóc ở đâu đó ghim trong buồng phổi nàng, và bằng cách thở thật cẩn thận nàng tránh không cảm thấy nó. Nhưng thỉnh thoảng nàng lại phải hít thở thật sâu, và nó vẫn ở đó.
Bà Sylvia đã nhận một căn hộ trong khu đại học nơi bà giảng dạy. Ngôi nhà không bị rao bán – hay ít nhất không thấy tấm biển nào trước nhà. Leon Jamieson được một giải thưởng gì đó theo kiểu truy tặng – tin này đăng trên báo. Lần này không thấy nhắc gì đến tiền bạc.
Khi bước sang những ngày thu vàng khô ráo – một mùa khích lệ và sinh lợi – Carla thấy mình đã quen với ý nghĩ đau nhói luôn trú ngụ trong người nàng. Nó không còn sắc nhọn như trước – thật ra, nó không còn làm nàng ngạc nhiên nữa. Bây giờ xâm chiếm lấy nàng là một ý niệm gần như cám dỗ, một sự xúi giục dai dẳng ngấm ngầm.
Nàng chỉ phải ngước mắt lên mà thôi, và chỉ phải nhìn về một hướng, để biết mình sẽ đi đâu. Một cuốc đi dạo buổi tối, khi công việc đăng đê trong ngày đã xong. Tới bìa rừng và cái cây trụi lủi nơi bọn kền kền tổ chức tiệc tùng.
Rồi tới đống xương nhỏ khô bẩn lẫn trong cỏ. Cái sọ có lẽ còn vương mấy mẩu da bầm máu. Cái sọ nàng có thể cầm trong một tay như cầm tách trà. Thấu tường tận.
Mà có lẽ là không. Không phải thế.
Thiếu gì những điều khác có thể đã xảy ra. Rất có thể anh đã đuổi Flora đi. Hoặc cột nó vào sau xe tải, lái đến nơi xa nào đó và thả nó đi. Trả nó về nơi mà họ đã mang nó về. Không có nó quanh quẩn, nhắc nhở họ.
Có lẽ nó đang được tự do.
Ngày ngày trôi qua và Carla không đến gần nơi đó. Nàng chống lại sự xúi giục ấy.
Alice Munro
Trích trong “Trốn chạy”, Tập truyện ngắn Alice Munro, dịch giả Trần Thị Hương Lan, (Nhà xuất bản Văn học, 2012).
——————-
[1] Lizzy Borden là một phụ nữ Mỹ bị buộc tội dùng rìu giết cha đẻ cùng mẹ kế của mình năm 1892. Vụ án đã gây nhiều tranh cãi và xôn xao trong dư luận.
[2] Dorothy Mae Ann Wordsworth (1771-1855): nữ nhà thơ Anh, em gái nhà thơ lớn cùa trào lưu văn học lãng mạn William Wordsworth.
[3] Cuisinait nhãn hiệu cung cấp đụng cụ nhà bếp nổi tiếng ở Mỹ và Canada.