Truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm: Mưa bay ngày Tết
O tròn như quả trứng gà. Không, o không tròn, o mỏng người ốm nhom. Ô thời đội mũ ơ thì thêm râu. O không có râu, dĩ nhiên. O không có mũ, o chỉ đội chiếc nón lá cũ chẳng đọc rõ bài thơ dấu che. O cắp cái bị lát lỏng lẻo, thứ hành trang nhẹ hẫng dù trước đó o run tay nhét vội vào hai bộ áo quần Mạ may cho.
O đi ba bước ra vuông sân ngập nắng, nghĩ sao o quay lui, lạc hồn như để quên bên hiên nhà một vật hệ trọng. O quì gối cho ngang tầm đứng nghệch mặt của thằng người gỗ. Chị đi hí, em ở nhà mạnh giỏi. Mắt o đỏ, lấy tay áo lau vội bên ngoài con ngươi sầu muộn. O có chiếc khăn tay thêu chỉ hồng một cánh én đang bay ở góc, nhưng nó lỡ thế cái bóp để cuốn chặt những tờ giấy bạc Việt Nam Cộng Hoà in hình Lê Văn Duyệt, Quang Trung. O nhét đồng tiền liền khúc ruột ở lưng quần, sợi giây thun luồn vào làm thắt lưng có hơi chặt chịa khiến da quanh bụng o phải chịu hằn dấu, y như có con rết nhiều chân ửng đỏ bám chặt, không rời. O ôm lấy thân tôi phỗng đá dại khờ. Ngực o rung động, chểnh mảng để lộ phần da thịt làm tôn tạo vẻ đẹp nơi sợi giây chuyền bằng vàng có luồn vào miếng ngọc Phật bà Quan Âm mà Mạ tôi dùng làm món quà trao trước phút tiễn biệt. Em đừng buồn nghe. Miếng ngọc xanh lên nước, giọng o cũng úng nước khiến mắt tôi ướt át. Một khúc củi mục vướng mắc bên con nước chảy xiết, xuôi đổ về hạ lưu.
Mạ tôi từng nói: Hắn còn dại ngỗ lắm, tiếng là 16 rồi nhưng thậm thụt có biết chi mô, rứa chơ cũng bày đặt đi lấy chồng như thiên hạ. Ở ngoài làng tình hình loạn lạc bom đạn tơi bời, nói dại miệng điệu ni chẳng chừng hết còn ngó ra nhau. Làng quê o ở xa, o thủ thỉ bên tai tôi: Chị đi đò nửa ngày quá giang rồi lên bờ bắt xe đi tới chạng vạng mới đụng đầu luỹ tre xanh. Tâm tình nhỏ xíu rứa mà Mạ tôi nghe được: Cái con ăn nói mới lạ, ưa nhảy lò cò bỏ băng, mi phải đội nắng đi qua một cánh đồng cát trắng nổ con ngươi, băng ngang một đồi sim, hết một bãi tha ma còi cọc mới đặt chân vô làng. Luỹ tre xanh mọc ở chỗ mô? Được trớn, Mạ tôi vây khốn: Rứa mi đã thấy mặt hắn chưa? Vẫn nắm lấy đôi bàn tay tôi, o ấp úng: Dạ chưa, mặt ngang mặt dọc ra răng con chưa từng chộ qua. Nghe ba con nói anh là địa phương quân, củ mỉ cù mì thiệt thà như đếm, ít ăn ít nói sáng tối chỉ biết súng là vợ đạn là con. Mạ tôi phán: Cả gan! O thưa: Dạ nhờ trời.
O sẽ lấy chồng, o sắp bỏ tôi đi mất biệt. Tôi ghét những chữ như người ở đợ, đầy tớ, con sen, vú nuôi… Trước sau o vẫn là người chị thân thuộc sớm tối kề cận tôi, van lơn tôi ăn cơm lạy lục tôi đi tắm. O biết dấu những món ngon dưới đáy chén cơm để tôi oà vỡ tiếng cười hiếm muộn. O thức canh khuya để kể chuyện đời xưa, o sẵn sàng dẹp hết mọi công chuyện để lấy kim chỉ may vá áo quần tôi lỡ gây tai nạn toạc rách. Và o độ lượng chẳng la hét khi tôi bất chợt ngó ra cảnh o thay đổi xiêm y lụa là da thịt ngời sáng. Sao người o luôn biết thu cất một bí mật để biến nó thành một hấp lực khôn nguôi. Căn bản, đó là những khác biệt rạng rỡ mà con trai tuyệt không sở hữu được. Và tôi đang hụt hẫng ngó dáng o mờ xa. Tôi khóc mà o không nhìn nhận. Tôi buồn chạnh lòng mà chẳng ai hay.
Có dạo anh tôi, người đóng vai gia sư quyền huynh thế phụ đã khiển trách khi nhìn ra bài luận văn “đầy sai lạc” của tôi với bút mực đỏ mà cô giáo khó tính phê: Lạc đề. “Hãy tả một người em thương yêu và trình bày những cảm nhận của em về người đó”. Có buồn cười không khi tôi đã sa đà đem hình bóng o ra để thêu dệt mộng mơ? Dạ thưa cô, dạ thưa anh, rứa em bị lạc đề ở chỗ mô? Một người từng kề cận mình, ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu, bất kể người đó đóng vai vế gì, không khiến lòng dạ mình đâm quyến luyến sao? Thương yêu có năm bảy đường và đường nào cũng đáng trân trọng nếu người ta còn biết mang tâm tưởng để nói ra đôi lời ngợi ca chân tình.
Dần dà theo năm tháng lớn khôn tôi đã bội bạc quên bẵng o. Trí nhớ như một bến nước cứ mãi bị phù sa lấp đầy, biến dạng. Sự phủ lấp chẳng cưỡng lại được khiến mỗi hồi ức tựa công dã tràng khi muốn gợn đục khơi trong. Mù mờ một nhân ảnh, một bờ vai gầy, một đầu tóc rối, một đôi vú nhỏ, một tượng ngọc xanh biết nhảy múa, một giọng nói thiết tha, một vỗ về đêm hôm trái gió trở trời, một… cơn gió thoảng. Lau sậy ven sông xao động, xác xơ, ngớ ngẩn trông theo dòng nước đục trôi băng, nhấn chìm một khoảng trời xanh đầy an lành thuở niên thiếu.
Bạn học cùng tôi dạo ấy đa số đều chóng trưởng thành, chúng chai mặt lì lợm đi ve gái, chúng biết nhín tiền quà sáng để mua thuốc hút sành điệu thổi khói vòng tròn xuống mặt bàn thành hình tim vỡ, chúng ưa ngồi ở quán cà phê mặt đăm chiêu suốt buổi. Chúng hát theo bản nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên vừa trỗi lên:..”thi hỏng tú tài ta đợi ngày đi…”. Chúng lập ngôn một câu nghe chẳng mấy thuyết phục: Học tài thi phận. Và đứa nào cũng rất tin chuyện dị đoan, chúng nhất quyết ngó lơ quán bún bò mụ Rớt để đổ xuôi tìm tới quán mụ Đỏ chuyên trị bánh bèo bánh bột lọc bánh nậm. Chúng không ăn chè nhãn bọc hạt sen, chè bắp mà lựa toàn chè có dính tới chữ đậu. Đậu xanh đậu đỏ đậu ván đậu ngự. Mười thằng như chục sợ thi hỏng tú tài, sợ vào quân trường sợ xa kiếp sách đèn và sợ xa người yêu “đau lòng ta muốn khóc”. Trong mười thằng, có thằng mết tôi nhất để rồi hắn không ngớt nhồi nhét vào đầu tôi một thứ lập luận rất đỗi phản động: Hai đứa mình phải để dành tiền để làm cuộc cách mạng bản thân. Mi biết không, đi chơi đĩ là một cách xả xui linh nghiệm nhất. Sắp tới ngày thi rồi, gạo bài hoài cũng phờ râu, đợi một đêm trăng thanh gió mát tau dắt mi chui vô động hoa, chuẩn bị tinh thần là vừa đó mi. Đôi ba bữa sau, cóp nhặt nguồn tin thất thiệt nào về, hắn to nhỏ: Mi phải mở con mắt ra dòm chừng, con gái mà chỗ chết người kia không có mọc tóc thì liệu kiếm cớ bai bãi khước từ, dính vô là xui tận mạng đó nghe mi. Bao nhiêu kinh sách bài vở mãi tụng tự nhiên mất sạch sành sanh, đã thuộc nhừ như cháo bỗng trở chứng biến thành miếng cơm cháy cạy hoài không ra, thi hỏng là cái chắc, không lôi thôi trời ơi đất hỡi than thân trách phận gì ráo trọi. Hắn không cảnh báo an toàn bệnh tật chấn thương giang mai hoa liễu mà một hai cứ vẽ vời chuyện râu ria trắng da dài tóc.
Đêm nọ, trời chẳng trăng thanh gió mát, nực nội và đen tối là đằng khác, hắn tới trước cổng chỏ mỏ vào hú lên tiếng ám hiệu nghe như mèo gào khẩn thiết. Cơm nước chi chưa, thời cơ đã tới, leo lên yên tau đèo đi. Hắn nói, tau vừa giải một phương trình toán học và kết quả cho ra, đúng ngày tháng này sẽ rất thuận lợi nếu muốn hoán chuyển dạng thức từ con trai ra đàn ông. Đừng lo, chắc chắn tụi mình sẽ thi đậu, cho dù chỉ vừa đủ điểm để đậu vớt. Tuy là xe đạp nhưng vận tốc có thể sánh ngang với xe gắn máy, điều này xác quyết chuyện hệ trọng: hắn phấn chấn đặt để niềm tin vào việc xả xui, sớm mong thoát xác. Hắn quên chuyện hệ trọng khác: dồn hết năng lượng vào cặp giò để đạp toé khói, liệu kẻ đó có bủn rủn tay chân? Trong khi tìm tới động hoa, “sụm bà chè” là chữ tuyệt đố kỵ, chưa đánh đã vội nghe mỏi gối chồn chân e đành kíp cởi giáp quy hàng. Hắn thở hổn hển, giờ ni có hơi sớm, nhưng phàm làm việc vụng trộm chớ nên đợi giờ cao điểm. Đông đúc chộn rộn vốn không thích hợp cho bọn mình.
Xe chui vô động hoa, hắn run tay khoá chiếc xe đạp đang muốn trật cóc sút dây sên bên giàn hoa thiên lý. Khung cửa hắt ra sân đất một hình khối xanh lét ánh điện néon. Tuy được đèo chở chẳng nhọc sức nhưng tôi nghe rõ vía mình đang yếu, hoang mang lo ngại. Mùi hoa thiên lý nồng nàn quá chừng, sao xông hương mùi ma quái liêu trai? Rụt rè bước qua khỏi ngạch cửa thì đụng đầu một người đàn bà, chắc đúng là bà Tám chủ động như lời thằng bạn sớm thông tin. Đứa vẽ đường cho hươu chạy thì thầm trình bày lý do sự hiện diện và tôi hoàn toàn xuội lơ giao trứng cho ác. Đã trót leo lên lưng cọp thì việc duy nhất cần tuân thủ là ngồi im re chớ vọng động. Hãy nhủ thầm, qua khỏi cánh rừng hoang dại cọp sẽ vất ta xuống, chẳng đoái hoài xơi mạng con cáy đang niệm thầm tội lỗi tội lỗi.
Sau cùng thì nghe giọng bà Tám trầm bổng: Có hai em ni dáng người thanh cảnh tuổi đời chưa trải e hợp tạng với hai cậu nho sinh. Bước vô mà chẳng hùng hổ bặm trợn thì tui cũng biết lựa ra đối tượng nhu mì đặng vui vầy cho êm thắm canh khuya. Phàm việc đời bất luận nói tới việc mua sắm thì nên đặt tiêu chí tiền trao cháo múc để sau đó được thuận buồm xuôi gió. Học trò học bè tiền bạc không có mấy hột, tui quyết công bằng chẳng đành tâm chặt chém. Con Mộng con Tiên mô rồi, đi ra cho hai cậu coi mặt. Tấm màn vải được vén lên, giống như trên sân khấu từ cánh gà bất thần vụt hiện hai nhân vật chính chuẩn bị diễn tuồng. Thằng bạn dạn dĩ nắm tay lôi đi cô gái vóc vạc đẫy đà, kẻ còn lại mình hạc xương mai ít thịt thà đưa mắt ngó chăm tôi. Đôi mắt buồn, đôi mắt của kẻ luôn chịu thiệt thòi, đôi mắt của kẻ đầu hàng số phận. Đôi mắt biết nói thầm: Cha mẹ sanh em trời bắt xấu. Đôi mắt không biết nhắm trong phút giây, cô mãi nhìn tôi như thể kiếm xem trên dung mạo kia ẩn chứa chút gì quen thuộc. Cô cười với tôi, không cứ là môi, hai mắt cũng biết cười. Đã tới đây sao còn làm bộ làm tịch, vô trong này đi, có ai ăn thịt anh đâu mà phải điếng hồn. Coi cái mặt kìa. Lần đầu tiên hả? Không biết là Mộng hay Tiên? Tiên hay Mộng đã nắm tay dìu tôi vào một địa phận của trần gian tù mù, và chật hẹp. Chỉ có chiếc giường nhỏ nằm cô quạnh, duy mình nó bị vây khốn giữa bốn bức vách gỗ, ngạt thở.
Như một người luôn thực thi đúng với châm ngôn “thời giờ là vàng bạc”, chẳng nói chẳng rằng cô trút bỏ toàn bộ áo quần chỉ trong một sát na. Sát na sau là Tiên là Mộng nằm xuống giường với một chân duỗi một chân co. Không cứ là môi là mắt, toàn thân trần của cô dường cũng biết cười vào sự lúng túng vây bọc lấy tôi. Thôi được rồi, để em giúp cho một tay, anh cởi áo em phụ cởi quần. Vạn sự khởi đầu nan, nếu đã ăn quen bén mùi thì vận sự lại đổi khác, chẳng chừng chính tay anh lột truồng em ra bất kể van lơn. Nói rứa nghe có lọt lỗ tai không? Người chi mà hiền lành, thương hết biết! Đêm hè nhưng tôi nghe lạnh, mát mẻ thì đúng hơn. Như mang vào người thứ võ công cái thế, thoắt cái, cô ảo thuật gia đã thổi biến y phục tôi bay đi. Cô dìu tôi nằm xuống. Thuỷ chung tôi vẫn là hiệp sĩ mù, nhớ lời thằng bạn từng ra thông cáo quan trọng: Hãy tập trung nhãn tuyến vào chỗ ấy, nếu nó không có tóc thì nghỉ chơi. Tôi mở lớn đồng tử, như quang khẩu có trên máy chụp hình, tự điều chỉnh khoảng cách trông sao cho rõ mười mươi vật thể được nhắm tới. Tôi thấy rõ nét vật chẳng muốn thấy: Sợi dây chuyền vàng có móc tượng Phật ngọc đong đưa tòn ten giữa trũng ngực. Quen thuộc quá. Lạ lùng quá. Đúng rồi, là của o. O, giờ này o ở đâu? Tôi nói: Tui hỏi chuyện ni chút? Người bán hoa đáp: Nếu anh ngại, em sẽ cho anh cái áo mưa. Tôi thưa: Tui muốn biết vì răng mà cô có được sợi dây chuyền ni? Cô gái áng chừng nhỏ thua tôi năm bảy tuổi nói giọng đàn chị: Cắc cớ, lộn xộn, nhiều chuyện, không lo nhúc nhích cho sướng thân mà đè chuyện tào lao ra hỏi. Nếu tui muốn mua thì cô tính răng? Tầm bậy, nó vô giá, không đủ tiền mua đâu. Vật gia bảo à? Ừ, của mạ tui cho, đã thoả mãn chưa?
Tôi ngó sâu vào mặt đứa con o để mong thấy lại o ngày cũ. Tôi dùng tay vuốt lại những sợi tóc rối vướng che và với tất cả những động thái nhằm biểu lộ lòng thương yêu, tôi kể cho cô ấy nghe chuyện ngày cũ, về xuất xứ sợi dây chuyền, về nguyên cớ o bỏ căn nhà tôi ở để về làng lập thân. Mạ em chết như rứa là đã bốn năm rồi, nhà cửa sa sút lắm… Tôi ngó giọt nước mắt chẳng tượng hình nằm lấp ló bên khoé, chẳng cầm lòng tôi ôm siết lấy thân cô.
Năm đó, cả hai đứa chúng tôi đều thi đậu, dò thấy tên họ in trên tờ giấy niêm yết trước cổng trường có lắm đứa chen chân. Phải đi ăn mừng, hắn nói. Đã qua truông lọt thì thôi kiêng cử, tà tà tấp vô quán mụ Rớt quất hai tô bún bò danh trấn giang hồ, nhớ bỏ ớt cho nhiều vào, cay thấu trời cho nước mắt trào đi bao dòng lệ cảm xúc. Tôi nói cho hắn nghe, chỉ với một hậu ý, những gì người ta thêu dệt đều xằng bậy cả: Nguyễn thị Tiên, chỗ ấy không mọc tóc. Sau khi nghe hết ngọn ngành, hắn đi tới kết luận: Do đâu mà mi thi đậu? Ấy là do bởi linh hồn O nớ đã về gần, phù hộ độ trì cho mi đó thôi. Ở cuộc đời khó hiểu này, mi nên tin tới một thứ gì siêu nhiên xa ngái chẳng thể giải thích được để an lòng khi gặp vấn nạn. Nhưng mà hiện tại, thi đậu rồi chừ mi tính đơm mộng ước ngày mai ra sao? Tôi nói, tôi chỉ có duy một cơn mộng rồ dại, là làm thế nào có thật nhiều tiền để làm thay đổi cuộc sống của Tiên, mang Tiên ra khỏi vòng vây của chiếu giường. Chỉ ngần ấy thôi. Nói tôi yêu Tiên thì nghe có điên không?
Thằng bạn nhìn tôi trân tráo, có phải là hắn đang đối mặt với kẻ sống ngoài hành tinh? Cận kề, thân thiết mà cũng quá đỗi xa ngái khó hiểu. Hắn hỏi: Ăn xong mi làm chi? Tôi nhai một trái ớt hiểm, rau ráu: Tau tới động mụ Tám, tau có trình bày lý do và được mụ ấy đồng ý cho phép Tiên dắt tau đi thăm mộ O. Chỉ nhổ cỏ chỉ thắp nhang chỉ khấn vái sơ sài vậy thôi, mai hậu mới tính chuyện cúng kiến hậu tạ tri ân tưởng nhớ. Ừ, nói cũng đúng, sẵn, thưa với mụ ấy: Học trò học bè tiền bạc mô có mấy hột mà sớm tối nướng thân vào động hoa. Cái chi cũng rứa cả, tập đều đặn thì luôn tốt cho sức khoẻ: Cơm ba bát thuốc ba thang, ngày làm đêm nghỉ thầy lang khỏi mời.
Tôi vẫn nuôi mộng cuồng cho tới mùa xuân năm ấy, Tiên đổ bệnh, mời thầy lang nhưng ổng lắc đầu. Phút giây bàn giao cho tử thần, Tiên trao vào tay tôi sợi dây chuyền, Phật bà Quan Âm xanh mét màu ngọc. Ngọc mát, chừng như đá quý biết rịn nước. Tiên muốn được tôi hôn cô lần cuối, được tôi vuốt mắt cô, được chính tay tôi lấy khăn đắp mặt. Tôi ngoan dại nghe lời, mừng thầm là Tiên ra đi nhẹ nhàng, thoát khỏi cái thế giới ám chướng trì nặng. Tôi cũng nhẹ người, thoát khỏi ám ảnh đội đá vá trời quyết giúp Tiên hoàn lương.
Tết run sụt sùi, mưa suốt trên thành phố xám đục. Hai hàng cây dẫn về nghĩa trang câm lặng gục đầu rơi rụng những cánh hoa tím, nhỏ li ti. Mưa rải đều hạt xuống ngày tháng chẳng còn vẹn toàn, ngày ngắn lại đêm dài hơn hoặc đêm ngày đồng loã hoá thân thành mũi tên, cắm sâu từ O, xuyên thâu lút cán tới Tiên, đứa con gái bị đày ải xuống trần gian vắn số. Trời buồn, trời khóc? Tôi ướt nghe ngói, rùng mình.
Hồ Đình Nghiêm