Truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm: Phố xưa nằm bệnh
Quà thưởng Tết phát hiện ra hàng giả, anh em công nhân viên đồng loạt mang trả lại. Tôi không thích gây căng thẳng, phản đối hò hét chửi rủa các thứ, tôi ôm quà im re đón xe đi về quê. Tôi chẳng mở lớp bao bì, trong đầu tôi lơ mơ hiện hình đối tượng để chuyển giao. Quê tôi nghèo đói lạc hậu muôn niên, cho dầu là hàng nhái họ cũng lấy làm hoan hỉ xuýt xoa khi được trao tay. Ừ, mang tiếng đi xa mần ăn, người về từ phố phường rậm rật, ba ngày tết phải biết móc hầu bao lì xì thứ gì đó, ngó cho được, cho nở mặt nở mày.
Xe đò có giường nằm, tôi mua giá bèo nên ngồi cứng người ở góc ghế hẹp. Đây là chiếc ghế tự chế, phát huy sáng kiến để nhồi nhét những kẻ muốn quá giang vào giờ cuối. Đò có đắm không khi chở quá tải khách muốn qua sông? Trước giờ khởi hành tôi an tâm khi thấy cậu lơ xe đốt cả bó nhang lớn, đi quanh xe rồi cắm cái nạm khói nghi ngút ấy vào đụn đất đen nằm ngoài rìa cỏ. Hãy nên tin dị đoan, hãy nên nhìn nhận cảnh giới này có sự hiện hữu thầm lặng của những người khuất mặt. Họ là cơn gió heo may, giọt sương đọng đầu ngọn lá, cánh hoa bất chợt rụng xuống trong vườn khuya. Họ hoá thân thành những điều vụn vặt, kề cận mà bạn vô tâm chẳng nhìn nhận được. Và như thế, bạn dễ nhắm mắt ngủ giấc phiêu bồng khi xe chạy ra liên tỉnh lộ vốn luôn dằn xóc. Tôi chẳng thích nhìn ngó cảnh vật bao quanh, mỗi bận đi xa tôi thường khép đóng đôi đồng tử. Tôi xem trên đài truyền hình trực tuyến cảnh tai nạn giao thông, một chiếc xe khách kềnh càng đã đâm trực diện vào chiếc xe nhỏ có bốn chỗ ngồi. Bố mẹ ngắc ngỏi thoi thóp, hai bé gái ngồi sau thì đang sống chuyển sang từ trần. Bà con bu lại tìm cách lôi nạn nhân ra khỏi khung sắt méo mó dị dạng, có người nói: Chỉ mong sao khi xe bị đụng nát, hai cháu kia đang nhắm mắt ngủ say. Tôi có cảm tình với lời phát biểu của người nọ. Rằng như thế, hai cháu bé không phải chịu sống qua giây phút hãi hùng ập đến bất thần. Ra đi trong mộng mị hẳn sẽ êm ả hơn khi bạn đang tỉnh thức.
Tôi nhắm nghiền mắt, đóng cửa sổ tâm hồn lại. Nhắm, nhưng kỳ thực thì tôi trông rất rõ hình bóng của một người. Bạn tin không, có những nhân vật mà khi muốn thấy họ, buộc lòng bạn phải là kẻ tựa đang mớ ngủ. Người ấy bước ra khỏi cuộc đời tôi, vắng mặt vĩnh viễn một thân cận. Cô chỉ hiện ra trong những thước phim hồi ức tôi chẳng đủ khả năng làm chìm trôi, quên đi. Tôi luôn nhớ tới cô, dai dẳng. Nỗi nhớ mà mọi người đã đồng thuận vào lời giải thích: Mối tình đầu hồ dễ mấy ai quên.
Trong Facebook của người bạn, hắn post hình cô ấy lên. Và đó là tấm ảnh tình cờ tôi mãi xem, không chán. Tôi chẳng mấy ưa Facebook bởi đa phần người ta thích nói về mình quá. Dài lời thì đâm vô duyên, vô duyên dẫn tới những việc vụng về: Chưng ảnh món ăn mới nấu xong, chụp hình tự sướng, áo quần giày dép thậm chí cả nội y. Người ta lột trần những thứ xét ra rất riêng tư cần chôn dấu. Đi đâu, làm gì, con đau, vợ ốm đều thật thà khai báo. Ngay cả cách dụng chữ cũng thế, ai đó viết: “Chít mịa rùi, túm lợi, đời không Facebook rất là chơi vơi”. Tôi không thích mó tay vào “phây”, loạng quạng lạc chân vào cảnh giới kia chỉ duy một mục đích, ngó tấm ảnh rạng rỡ nụ cười của cô. Tôi đã nhấn vào chữ Like bên dưới mà im re không ký gửi một lời bình. Cô mặc áo dài màu đỏ, đội cái vương miện ngời sáng như thể một hoa hậu vừa đăng quang. Bàn tay mang găng trắng muốt, ôm bó hoa lớn bộn, cầu kỳ. Trên đầu cô, bụi hoa giấy bò quanh bên tấm bảng có chú thích hai chữ: Tân Hôn. Nếu bạn là tôi, bạn cũng đồng ý là cô dâu kia xinh đẹp thập phần. Một vẻ đẹp tự tại, riêng lẻ. Nó chẳng cần những trợ giúp nào khác. Nói kiểu dân gian: Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Em chẳng hề là cây trúc phải nương nhờ tới cái đình làng để tôn tạo nên dung mạo bắt mắt. Cô đẹp vì cô lẻ loi, cô sẽ xấu nếu đứng dựa đầu vào vai chồng. Tôi đồ thế. Bạn tôi, đứa sở hữu tấm ảnh kia đã an ủi tôi bằng vào câu nói của người ngoại quốc: Chết cho người phụ nữ mình yêu vẫn dễ hơn là phải sống chung cùng họ.
Chiều dâng bóng tà chập choạng mù mờ khi tôi về tới mái nhà xưa. Con Lu đã chết nên vắng tiếng sủa mừng vui mỗi bận thấy lại thằng bạn cũ lưu lạc đi mất đất. Trong tất cả những loài động vật, chó là con vật đáng yêu nhất. Lòng trung thành của nó là tấm gương mà loài người hổ thẹn chẳng dám soi mặt vào. Nó chết, do bởi đã có một hạng người nhẫn tâm “nhậu” nó. Nghe tin, lòng tôi luống những ngậm ngùi. Cái đuôi luôn vung vẫy, cái mặt ưa dụi vào người tôi, bốn chân vướng víu đi quanh. Sự quyến luyến của nó, cảm tình nó biểu lộ vẫn nằm sâu trong lòng tôi. Thực tình tôi rất bất mãn khi nghe tiếng mắng la của một người đàn ông ở sát phòng trọ: Người gì đâu kỳ cục, có chó mới thương mày! Tôi thích sự hoán đổi này hơn: Chó gì đâu kỳ lạ, có người mới thương mày! Phải la toáng lên, phải ưỡn ngực ra, bởi theo tôi hiểu, người phải hơn chó chứ! Nghịch lý tồn tại ở chỗ: Có lắm người đã thua chó.
Nhà vắng đến lạnh rợn. Chỉ có thằng cháu đang ngồi chơi trò bắn giết trên máy điện toán. Hắn chỉ nói đúng một câu: Chú về ăn Tết à? Súng tiếp tục nổ dòn, máu tiếp tục đổ và hắn xanh mái đầu vẫn lậm ước muốn trừ gian diệt bạo. Hắn từng bị ăn đạn cho nát thây. Game over. Nhưng hắn bất tử, tái lập lại một tình huống bạo động, đơn thân đương cự với cả một guồng máy toàn kẻ xấu xa. Anh Tư đi đâu hổng thấy? Tía tui lao động chưa về.
Vì neo người, sợ phí phạm khoảng trống, anh tôi đã tự thu bé lại căn nhà, ngăn phân nửa cho một gia đình từ dưới quê lên mướn. Thằng cháu tôi sống nhờ vào số tiền thu nhập hằng tháng kia. Lương lậu của người anh chỉ đủ cho ông ăn tiêu dè xẻn. Ông giơ xương vì ông ham uống hơn ham ăn. Ông làm con gà trống hết sung để gân cổ lên gáy. Vợ bỏ từ khuya, nghe nói đi tay không, giang hồ sang tận Campuchia. Mỗi khi có rượu vào, ông lè nhè duy một điệp khúc: Ăn xà lon bon tê? Ông đè đứa con ra chất vấn, mày biết tía nói gì hôn? Tiếng Miên đó mậy. Em có yêu anh không? Đù má, hỏi câu bù trất. Nếu yêu thương ai đành lòng bỏ cha con bây ở lại mà lưu lạc xứ người chuyên trị mắm bò hóc. Tính móc họng người ta sao hỏi câu dô diên dậy cha nội?
Tôi đứng trước bàn thờ nguội lạnh nhang đèn. Những khung ảnh đứng xiêu vẹo kia thảy phủ chụp một nỗi buồn xa vắng. Sắp chia có thứ lớp từ già tới trẻ. Ông bà xong tới cha mẹ, tía má xong tới anh Năm anh Bảy chị Hoa chị Hoè. Đứng chen vai thích cánh mà nhỏ tuổi nhất trong đội hình là thằng Quy, em tôi. Nó là út, lên Bình Dương lập thân, chui vào làm công nhân cho một tập đoàn người Trung quốc làm chủ xí nghiệp. Quy bị vu oan mang tội trộm cắp hàng thiết bị của công ty. Công an bắt vào đồn, viết chưa xong bản tự khai thì chết mờ ám ở trong lao. Anh Tư tôi đón nhận tử thi mang về an táng sơ sài. Đứng thắp nhang cúng vái trước mồ, anh nói: Đù má mày đừng trách tao nhen Quy. Mày đâu muốn thằng Tư rọm rơ này làm châu chấu đá xe, trứng chọi đá. Biết là khuất tất trái ngang oan ôi ông địa nhưng đù má tao đành phải để vụ việc chìm xuồng. Tao đi nhậu, mới nói ba câu đạo lý làm người liền bị chiến hữu can ngăn. Tư, địt mẹ mày đâu đủ tư cách để bàn chuyện đời. Mày trị không xong con vợ mày thì nên muối mặt mà ngồi làm thinh. Sương sương cưa ngã chai này cho trôi hết phiền não.
Tôi đốt ba cây nhang, thắp sáng hai bóng điện giả bộ làm đèn cầy đỏ quạch. Bây giờ sao người ta ưa chơi đồ giả, ưa xài hàng nhái. Ngay cả cây nhang đốt lên mũi ngửi ra mùi kỳ lạ và thoáng chốc chúng tàn lụn rất mau. Tôi ngó những khuôn mặt nửa thân thuộc nửa xa lạ mà lòng tịnh không chao gợn một nỗi buồn. Ừ, bậy thật. Chẳng rơi nước mắt thì ít ra phải cắn rứt lương tâm khi nhìn rõ cái xác xơ trống vắng chiếm ngự bàn thờ. Không nước nôi, không hoa quả, không lau chùi phủi bụi, không huơ tay gạt đi tấm màng nhện giăng trên lư đồng.
Tôi hỏi đứa cháu vẫn kiêng cường bám trụ bên màn hình mỏng lét. Chiều tối rồi sao mày ham chiến đấu thế? Thế vấn đề cơm nước tính sao? Ái dà, thì đợi ổng về nghe chỉ thị, bất quá tui trụng gói mì tôm. Có sao đâu. Tôi bước ra bậc cấp trông vời bóng tối hiu quạnh. Thường thì mấy giờ ổng về? Có là tài thánh mới biết, ổng có quyền tự do đi lại mà chú, ai cấm cản? Có bữa nhậu xỉn ngủ bụi ngủ bờ đâu đó, có hôm về sớm quẳng cho tui hai chục ngàn. Mày nghỉ chơi đi, ra ngoải kiếm cái gì ăn, trả lại sự bình yên đặng cho tao ngáy một giấc. Đù má mai bảnh mắt phải ra nông trường mần ăn rồi. Thật khổ cái thân già. Ăn xà lon bon tê?
Tôi nói, mày biết chỗ nào ăn được không, dắt tao đi. Hai chú cháu đánh chén chuẩn bị tinh thần mừng năm mới tới. Hắn “save” cái trò chơi máu me bất tận, tắt máy rồi hất mặt về phía tôi. Được là sao? Ăn ngon, hơi đắt chút đỉnh hay tìm chỗ giá bèo, cơm bụi? Tôi ngó đứa cháu 13 tuổi. Hắn phổng phao, xương cốt lều khều, ngần ấy tuổi mà đứng vượt đầu tôi cả năm bảy phân. Nhà tôi ai nấy thấp người, thằng này chắc giống má nó, chị dâu tôi. Trước khi đẻ nó, lúc mà anh tôi chưa biết câu tiếng Miên kia, ảnh lại sính chữ Hán. Đù má con vợ tao thuộc diện trường túc bất chi lao. Kiểu này chắc tao phải siêng tu rượu rắn để có sức mà phục vụ người đẹp. He he he. Anh Tư cười. Đù má rượu rắn lợi hại lắm nghe mậy. Tôi làm thinh. Ngay từ trứng nước, tôi đã có sẵn một linh tính, thế nào anh cũng bị người ta ruồng rẫy bỏ bê. Anh hiền lành, tốt bụng, miệng hùm gan sứa và đàn bà họ chẳng cần những thứ đó. Họ trông cậy vào những kẻ ít nói, chăm làm, chớ rượu chè be bét, mang trách nhiệm trên vai, mang chung thuỷ trong lòng.
Trước khi đóng chặt cửa nẻo, tôi tìm giấy viết và hỏi tên quán ăn mà hai chú cháu sẽ tìm đến. Dĩ nhiên là nơi ngó xôm tụ, cả năm chỉ một lần, ngồi quán cơm bụi sao đành lòng, cho má nó khinh. Tôi cài vuông giấy nơi cửa, tôi nhắn, nếu không oải, anh Tư chạy xe ra tìm hai chú cháu tui nha.
Phố phường làm mặt lạ với tôi. Chỉ cần xa nó một năm, bụi trần gian chất chồng khiến nó ghẻ lạnh trước những hồn ma cũ. Tôi hỏi đứa cháu: Mày thấy chú có gì thay đổi không? Hắn nói mà không thèm nhìn: Ngon cơm, trắng da dài tóc, ngó biết hổng phải dân địa phương.
Đi hết con đường thắp đèn vàng xỉn thì đụng phố chính, thằng cháu hô: Tới rồi. Hắn dắt tôi đi vào một khu vực đầy khói, người ta đang nướng thịt, người ta đang chiên cá, người ta đang xào mì. Những cái chảo đen đúa luôn bị lửa táp, phừng phực. Nhà hàng gì lạ đời, phải băng qua khu nhà bếp hiểm nghèo mới nhìn ra bàn ghế. Đứa cháu giải thích, trước nằm ở trỏng, bị thần hoả hỏi thăm cho một vố, giờ mấy ổng ngán, mang ra ngoài đặng có gì dễ bề xoay xở. Tôi nói, họ mà bất cẩn sẩy tay thì thực khách vô phương chạy làng, có nước tự thiêu, để già lửa cháy khét. Làm gì ra nông nổi, vác giò chạy băng qua phòng ngủ con mẹ chủ quán là đụng đầu con đường nhỏ phía bên kia. Xời người ta nghiên cứu cả rồi. Cứ vô tư ăn nhậu đi chú.
Ngồi chưa nóng đít, lựa chưa xong món ăn thì anh Tư xẹt vô. Người mồ hôi mồ kê như lực sĩ môn điền dã chạy nước rút. Ốm nhách như cây củi, tóc tai bờm xờm như kẻ trăm công ngàn chuyện đầu tắt mặt tối không tiện chỉnh trang bộ vó. Năm cũ sắp sang trang mà ngó anh cứ muôn năm cũ, chẳng có biểu hiện chút mới dính thân, hơn cả chuyên chính vô sản.
Mày về hồi nào?
Mới xuống tới, khoảng hơn tiếng.
Chèn đét ơi, hết chỗ sao chui dô đây? Dao quán này tụi nó mài sắc lẻm, bén ngót. Mài chín tháng chém ba tháng.
Lâu năm mới có một lần, hổng sao đâu.
Người ở tỉnh thành về ưa chơi bảnh giựt le hả?
Anh Tư ngó thằng con: Cái dụ này kêu làm sao cho đúng hả Đực?
Kêu bằng: Chú đã trở lại, lợi hại hơn xưa.
Đúng vậy. Người xưa nói: Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Đi khỏi chốn ao tù nước đọng này nếu không khôn, chí ít cũng phải biết mánh mung kết bè lập đảng như thiên hạ.
Anh tan tầm cũng tối dữ hén?
Đù má phải chạy nước rút, Tết nhất tới rồi. Cha con nó lúc nào cũng ưa nâng bi, bày chuyện mần vượt chỉ tiêu, oải hết biết! Gì thì gì mày nên gọi cho tao chai bia để thông cần cổ, chuyện phá mồi hạ hồi phân giải từ từ nhá sau.
Tôi giao cho thằng Đực toàn quyền lựa chọn món ăn. Nó ít ăn ít nói, không đù má đù cha giống tía nó và thường thì những đứa đó dễ gây sự tín nhiệm cho ai kia muốn cậy việc. Tôi sẽ nhờ nó đi dọ hỏi giùm tôi địa chỉ thường trú của người ấy. Gái mà lấy chồng, lên xe bông, ắt sẽ theo “chàng” dìa dinh. Và má hẳn không nỡ lòng để con nghe chim kêu vượn hú ở phương trời biền biệt xa xăm. Chung khu vực đặng chạy qua chạy lợi mỗi khi tối lửa tắt đèn lòng dấy lên bao nguồn cơn khó ăn khó nói chỉ biết rủ rỉ rù rì riêng cho má nghe. Chớ tại làm sao khi khổng khi không bị tắt kinh, buồn miệng ăn gì vô cũng bắt dợn ói.
Chưa gì anh Tư đã tu hết nửa chai bia. Với ai chẳng biết chứ ông anh tôi một khi có bia đổ vào người thì coi bộ đầu óc sẵn sàng phát huy chất xám. Lại nữa bia ngoại, khiến ổng rất bốc: Mày nên tranh thủ đi thăm con Xuân, tình cũ không rủ cũng đến, ba ngày tết dù gì cũng là cơ hội ngàn năm một thuở, chẳng ai nỡ lòng làm mặt lạ ra nghiêm lệnh khoan khoan đừng có xáp vô, tui là phận gái chàng là phận trai.
Anh còn nhớ Xuân sao?
Mày tưởng là mèo dấu cứt hả em, đồ vải sưa mà che mắt thánh! Chuyện gì mà tao hổng rành. Đâu phải đợi hoa mai nở mới biết xuân về hay chưa. Nói mày nghe, lóng rày con Xuân nó xuống sắc dữ thần, y như cành hoa héo. Hôm bữa thấy nó mang cái bụng thè lè, hổng biết giờ này đã đẻ đái chi chưa. Mặt xanh nhợt nhạt ì ạch di chuyển lặc lè thấy thương hết biết.
Sao tía sung chuyện tả tình tả cảnh quá mạng, làm vậy chú đâm thẫn thờ ăn nhậu mất ngon. Đường đang thông xe khi không tía mang cục gạch ra chêm ngoài lộ, khiến xui người ta phải chịu chết một cửa tử.
Mồ tổ mày, bụng tao thẳng như ruột ngựa, luôn vô tư có sao nói vậy người ơi. Đi đường mà có đứa đưa ra biển báo thì sẽ tránh cảnh ùn tắc sập hố tử thần. Thôi thì hổng nói nữa, vô cái này coi, gọi là mừng xuân sum họp.
Khác với điều thằng Đực dự phỏng, tôi ăn rất ngon miệng. Quán Khói Chiều có nhiều món đặc sản chế biến mặn mòi cực bắt khi đi chung với bia. Thằng Đực làm Bao Công mặt đen vì lai rai uống nước xá xị trong khi anh Tư đang chuyển sắc làm Quan Công mặt đỏ phừng. Quan Công phán, đù má lâu lắm tao mới có một bữa ăn ngon, mày không biết chớ tao vẫn khắc ghi câu tình huynh đệ đời đời bất diệt. Nhà mình phúc phận hẩm hiu, phải mà thằng Quy còn sống, nó kéo ghế ngồi đây thì có phải là mùa xuân đoàn viên đại thắng không? Haizz!
Bữa cơm gia đình kết thúc với chén bát muỗng đũa chỏng cọng, sạch sành sanh. Ăn không chừa cặn, chẳng để lại hiện trường một cọng rau. Ăn như hôm sau sẽ là ngày tận thế. Anh Tư chủ trương cơm thương chớ không ai thương nên tận tình vơ vét. Thêm thay mày hổng nên bỏ mứa mà mang tội với những kẻ chết đói. Đù má chỗ này chuyên trị chặt chém, chẳng vào thì thôi, vào rồi phải đớp hít cho xứng đồng tiền bát gạo. Đực, tao giao cho mày một nhiệm vụ, nội trong ba bữa phải tìm ra hang ổ nơi chứa người đẹp của chú mày. Chú mày sẽ đường bệ tới thăm, chính nhân quân tử từ phố thị trở về. Em sao rồi? Ăn xà lon bon tê?
Nữa, bắt đầu xỉn rồi hả tía. Ăn xà lách thì nhuận trường chớ mô tê nỗi gì mà lè nhè. Đực đứng lên, chỉ có nó mới đủ sức càm ràm tía nó, tôi với anh Tư cũng tựa như “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Phê bình kiểm thảo nhau thì ở cơ quan họ xúi thế chứ anh em cật ruột nên chủ trương một điều nhịn chín điều lành. Nói điều không phải sanh ra hỗn láo.
Chúng tôi cùng bước ra. Quán thôi xông khói mù cay, phố bắt đầu thưa vắng, lâu lâu có chiếc xe máy chạy vụt qua, xớn xác như bị ma rượt. Tôi đã làm thân con ma bị cuộc sống rượt đuổi ra khỏi chốn này. Tôi bị tình phụ, âu cũng nên vin vào cớ ấy mà đi xa, chạy về miền phồn hoa đô hội đặng kiếm miếng cơm manh áo đắp đổi tuổi thanh xuân không nhìn ra ánh sáng cuối đường hầm. May mà trời đãi kẻ khù khờ, chỗ tôi lao động đầu tắt mặt tối chẳng bị tư bản bóc lột, lương lậu họ trả cũng đôi phần thông thoáng. Chắt mót dè xẻn để cuối năm về quê ăn Tết có dịp mà làm hoanh. Anh Tư nói đường bệ với lại chính nhân quân tử, nghe mà thót bụng. Hổng dám đâu. Thằng Đực, con ảnh rêu rao “lợi hại hơn xưa” thì có chút đỉnh hợp tạng, đúng chỉ một chút xíu, ấy là thằng chú hắn đã giã từ những ngày đói rã họng, co quắp trong mặc cảm nghèo hèn. Người giàu có, khi phát ngôn, dễ lừa đứa nhẹ dạ. Đứa đói khổ khi nói ra lời, có chó mà nghe theo. Nữa, lại lôi chó vào cuộc. Thiệt là chó má!
Tôi trao cho anh Tư hai trăm ngàn để sắm sửa hoa quả mứt món đặng bày lên bàn thờ. Xuân làm sao đi vô đạp đất khi nhà cửa ngó lạnh tanh y như chùa bà Đanh, thấy bắt ớn. Anh bức tóc vò đầu, điệu bộ ăn năn hối cải. Bình thường ăn nói rổn rảng to điếc con ráy, giờ cầm tiền thì giọng xuống tông hát lý quạ kêu dằn vặt khoan hò: Khốn khó quá, lu bu quá, trói tay trói chân quá… còn sót chút lòng thành thì hổng biết thổ lộ cùng ai. Mày có thông cảm cho tao không? Đừng để bụng nhen. Có gì cũng nên tha ra ngoài mồ thằng Quy để cúng cho nó một trận đình đám. Đốt nguyên bó nhang cho trời sầu đất thảm.
Tôi tặng đứa cháu món quà dỏm mà cơ quan “lì xì”. Đực à, mày hổng xài thì bán nó đi nhét tiền cho ấm đít. Hẹn năm tới dìa quê ắt phải hoành tráng hơn. Hắn vui ra mặt, vậy cô Xuân, tính sao? Hổng lẽ lâu tháng chầy năm tới thăm người xưa lại đút tay vô túi nhìn đời hiu quạnh? Tôi nói, sẵn mày làm quân sư giúp tao coi. Anh Tư xía vô, việc chí tử là nên quan sát tình hình, không ấy thằng chồng nó sanh dị nghị ghen tuông thượng cẳng tay hạ cẳng chân uýnh thằng chú mày sứt đầu bể trán oan ôi ông Địa. Du Xuân mà đổ máu thì còn ra thể thống gì nữa! Ất Mùi chứ đâu phải Mậu Thân oan nghiệt năm xưa.
Thằng Đực làm con ma xó, kiếp trước chắc nó công tác ở bộ công an. Sáng đi chiều về đã có đủ bản báo cáo cụ thể, nắm vững một bộ phận không nhỏ của gia cảnh nhà người. Hắn nói: Nhưng mà làm cuộc tấn công tổng nổi dậy đột xuất thì chẳng đặng đừng, bị nhà người ta nêm cứng quan khách hàng họ phương xa về quây quần, tiếng cười nói rậm rật vang rân ra tuốt ngoài đường khoắn bụi. Hình như sẵn trớn họ tổ chức tiệc ăn đầy tháng đứa con cô Xuân. Úi chào, mình vác mặt lạ tới e sanh căng thẳng hiện trường. Tam thập lục kế ở nhà là thượng sách. Tui sẵn lòng làm du kích anh hùng vác cái thiệp mừng Xuân mang lại, nếu chú muốn thố lộ tấc lòng. Tôi cười méo mó: Thực bụng thì tao đâu có ưa ngó ra cảnh người ta hạnh phúc. Không thăm thú, không hiện diện, mà cũng không nhắn gửi tin tức gì ráo trọi. Rước phiền não là điều nên tránh.
Anh Tư đi vô đi ra như gà mắc đẻ, làm vẻ vô can mà hai lỗ tai gửi lại hiện trường: Nói thiệt nghe, sao mày nhát như con cáy. Mười hai con giáp mày hổng giống con nào trơn trọi. Đù má nam nhi chi khí, cứ tới nhìn nhau cho thoả dạ chứ dậm chân tại chỗ thậm thụt bàn ra tính vào chi cho mất linh. Chí ít nên nói trắng đôi điều cho đối tượng hiểu, anh yêu em một dạ không đổi duyên nợ hổng thành xin hẹn kiếp sau.
Tía được tài vẽ đường cho hươu chạy, tía ca vọng cổ mà sập gánh hổng có ai nghe. Anh hùng cũng tuỳ vô hoàn cảnh, liệu cơm gắp mắm là cách dụng binh của kẻ thức thời. Sáng suốt như chú là thứ tía cần học hỏi.
Ba ngày Tết trôi qua trong tẻ nhạt. Tôi vào Facebook và ngó tấm ảnh cô dâu mặc áo đỏ tay ôm bó bông, hoa xấu thua người. Người ở gần kề bắt xe ôm đi khoảng hai chục phút là giáp mặt mà người cũng ngàn trùng như đời vốn bày những hố ngăn. Tôi tiêu hết những đồng bạc cuối, những đồng bạc đổ mồ hôi sôi nước mắt chắt mót tằn tiện suốt những năm dài xa xứ. Anh Tư bảnh mắt đi mần “vượt chỉ tiêu” như người ta đòi hỏi. Đưa tôi ra bến xe đò duy chỉ mình thằng Đực, học trò học bè chúng nó có thứ lịch nghỉ khác với công nhân bởi dùi mài kinh sử xem ra chẳng có gì phải khẩn trương cả. Tập đoàn lãnh đạo đất nước tuồng như học lực chỉ mới xong tiểu học, có sao đâu.
Hai chú cháu ngồi uống cà phê chờ giờ xe chuyển bánh. Hai thế hệ có riêng lối tư duy khác biệt, không khiến kẻ này đâm quyến luyến kẻ kia. Liên hệ máu mủ đôi khi chẳng sánh bằng người dưng nước lã, một vài trường hợp. Cũng tựa như chó thương người đứt ruột mà người thì luôn tìm cách hãm hại người. Nếu con chó Lu của tôi chết mà có mồ mả hẳn hoi, e tôi phải ra trước nắm đất của nó mà đánh rơi đôi ba giọt nước mắt.
Tôi leo lên xe, vẫy một bàn tay lui cho Đực. Buổi sáng trời âm u chực đợi mưa xuân. Tôi chẳng hứa hẹn xuân sau trở lại. Tự năm nảo năm nao, hình như trong tôi đã không biết tới mùa xuân. Xuân ơi, ăn xà lon bon tê.
Hồ Đình Nghiêm