Truyện ngắn James Joyce: Eveline, Trịnh Y Thư chuyển ngữ

Cô ngồi bên cửa sổ nhìn trời tối buông xuống đại lộ. Đầu cô dựa lên rèm cửa sổ và trong mũi cô là mùi vải cretonne [1] bụi bặm. Cô cảm thấy mệt mỏi.    Ít người qua lại. Người đàn ông bước ra từ ngôi nhà cuối dãy đang trên đường về nhà; cô nghe tiếng giày ông ta lạch cạch trên vỉa hè bê-tông và sau đó lạo xạo trên con đường rải tro đằng trước những ngôi nhà màu đỏ mới xây. Thuở xưa, nơi đó là một cánh đồng, tối tối anh em cô thường ra chơi đùa với lũ trẻ con cái những nhà hàng xóm. Rồi, có người từ Belfast đến mua cánh đồng và xây nhà trên đó – không phải những ngôi nhà nhỏ màu nâu mà là những ngôi nhà gạch màu sáng với mái nhà bóng loáng. Những đứa trẻ sinh sống trên đại lộ thường chơi đùa với nhau trên cánh đồng – nhà Devine, nhà Water, nhà Dunn, cậu bé Keogh què chân, và anh em cô. Nhưng Ernest chẳng bao giờ chịu ra chơi, anh ấy đã quá tuổi trưởng thành. Cha cô thường cầm cái roi bằng nhánh cây blackthorn [2] đuổi cả bọn ra khỏi cánh đồng, nhưng cậu bé Keogh giữ chân canh gác [3] bao giờ cũng gọi to báo động khi thấy cha cô từ xa bước đến. Thời đó trong nhà có vẻ khá hạnh phúc. Cha cô không đến nỗi tệ, và ngoài ra, mẹ cô còn tại thế. Đó là chuyện rất xa xưa về trước, cô và các anh cô đều đã trưởng thành, mẹ cô đã mất. Tizzie Dunn đã chết, gia đình Water thì dọn về lại Anh. Mọi thứ đều thay đổi. Bây giờ cô cũng sẽ ra đi như những người khác, cô cũng sẽ rời bỏ quê hương mình.

Hình minh họa:  cottonbro studio

Nhà cửa! Cô nhìn quanh phòng, xem xét tất cả mọi đồ vật quen thuộc cô phủi bụi mỗi tuần một lần từ bao năm qua, lắm khi cô tự hỏi bụi bặm từ đất nẻ nào chui ra mà lắm thế. Có lẽ cô sẽ không bao giờ nhìn thấy lại những đồ vật quen thuộc mà cô chẳng bao giờ nghĩ có ngày phải rời xa. Vậy mà trong suốt chừng đó năm tháng, cô chưa bao giờ hỏi tên tuổi vị linh mục trong bức ảnh ố vàng treo trên tường chỗ chiếc đàn harmonium [4] bị hỏng bên cạnh bản in màu những lời hứa với Mẹ Chân phước Margaret Mary Alacoque. Ngài là bạn học của cha cô. Bất cứ khi nào có khách đến nhà, ông đều chỉ vào bức ảnh nói một câu xã giao:

    “Ngài hiện đang ở Melbourne [5].”

Cô quyết định bỏ nhà ra đi. Điều đó có khôn ngoan không? Cô cố cân nhắc từng khía cạnh một của câu hỏi. Dù sao chăng nữa ở lại nhà cô có một nơi trú ẩn và không lo đói; cô có những người xung quanh mà cô đã biết cả đời mình. Tất nhiên cô phải làm việc chăm chỉ, cả trong nhà lẫn công việc. Họ sẽ nói gì về cô ở Cửa Hàng Bách Hóa khi họ phát hiện ra rằng cô bỏ nhà trốn theo một anh chàng? Có lẽ họ sẽ bảo cô là một kẻ khờ dại; và công việc của cô, họ sẽ đăng quảng cáo tìm người thay thế ngay. Bà Gavan sẽ rất vui. Bà ta luôn tỏ ra khó chịu, không vui với cô, nhất là lúc có người khác gần bên.

    “Cô Hill, cô không thấy các quý bà đang đợi sao?”

    “Cô Hill, hãy tỏ ra năng động một chút nhé.”

    Cô sẽ không khóc chảy nhiều nước mắt khi rời Cửa Hàng.

Nhưng tại ngôi nhà mới của cô, ở một đất nước xa lạ, mọi chuyện sẽ không như thế. Khi đó cô sẽ kết hôn – cô, Eveline. Lúc đó mọi người sẽ đối xử với cô một cách đàng hoàng và tôn trọng cô. Cô sẽ không bị đối xử như mẹ cô từng bị. Ngay cả bây giờ, mặc dù đã hơn mười chín tuổi, đôi khi cô vẫn cảm thấy như đang sống trong nguy hiểm vì tính khí hung tợn, tàn nhẫn của cha cô. Cô biết chính điều đó đã khiến cô lúc nào cũng hồi hộp, lo âu. Khi lớn lên, người cha chưa bao giờ đối xử với cô như với Harry và Ernest, vì cô là con gái, gần đây ông còn giở giọng đe dọa cô và nói vì người mẹ đã khuất của cô mà ông phải dạy bảo cô. Cô không có ai che chở bảo vệ mình. Ernest đã qua đời và Harry, vốn làm nghề trang trí nhà thờ, gần như lúc nào cũng ở dưới quê. Hơn nữa, những cuộc cãi vã liên miên về tiền bạc vào tối thứ Bảy khiến cô mệt mỏi, chán chường khôn tả. Tiền lương kiếm được, cô luôn đưa hết cho anh và cha cất giữ – bảy shilling – Harry nếu có sẵn tiền trong túi thì luôn vui vẻ đưa tiền cho cô khi cần tiêu pha, nhưng rắc rối là xin được tiền từ cha cô. Ông thường nói rằng cô có tật phung phí tiền bạc, rằng cô không có đầu óc, rằng ông sẽ không cho cô những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được của ông để cô vứt ra đường, và nhiều hơn thế nữa, bởi thái độ cùng lời nói ông thường khá tệ bạc vào tối thứ Bảy. Cuối cùng, ông đưa tiền cho cô và hỏi cô có ý định đi chợ mua thức ăn về làm bữa tối Chủ Nhật không. Sau đó, cô vội vã chạy ra phố càng nhanh càng tốt để đi chợ, tay cô nắm chặt chiếc ví da đen trong lúc chen lấn giữa đám đông và trở về nhà rất muộn với đống thực phẩm. Cô đã phải làm việc cực nhọc để giữ cho ngôi nhà đâu vào đấy và để đảm bảo hai đứa trẻ bị bỏ cho cô chăm sóc được đến trường và ăn uống đầy đủ. Đó là một công việc cực nhọc – một cuộc sống cực nhọc – nhưng giờ đây khi sắp lìa bỏ nó, cô lại thấy đó không hẳn là một cuộc sống hoàn toàn không đáng sống.

Cô sắp khám phá một cuộc sống khác với Frank. Frank rất tốt bụng, lại nam tính, cởi mở. Cô sẽ đi theo anh trên chiếc tàu thủy chạy đêm để trở thành vợ anh và sống với anh ở Buenos Ayres [6], nơi anh có một căn nhà đang chờ đợi cô. Cô nhớ rất rõ lần đầu gặp anh; anh đang trọ tại một ngôi nhà trên phố chính nơi cô thường đến thăm. Có vẻ như chỉ mới cách đây vài tuần thôi. Anh đứng ở cổng trước, mũ lưỡi trai hất ngược ra sau, mái tóc xõa về phía trước trên khuôn mặt rám nắng. Rồi họ biết nhau. Anh thường chờ cô bên ngoài Cửa Hàng mỗi tối và đi bên cạnh cô về đến tận trước cửa nhà cô. Anh đưa cô đi xem vở Cô gái Bohemia và cô cảm thấy vui sướng khi ngồi tại một góc khuất trong nhà hát với anh. Anh rất thích âm nhạc và biết hát chút đỉnh. Mọi người ai cũng biết họ đang thích nhau và khi anh cất giọng hát bài hát về một cô gái yêu chàng thủy thủ, cô luôn cảm thấy vừa bối rối vừa vui sướng trong lòng. Anh hay gọi đùa cô là Poppens. Thoạt tiên, cô thấy rung động khi có một người bạn trai và rồi cô bắt đầu ưa thích anh. Anh kể cô nghe chuyện về những đất nước xa xôi. Anh bắt đầu cuộc sống hải hồ làm một cậu bé lau chùi dọn dẹp boong tàu với đồng lương một pound mỗi tháng trên một chiếc tàu của công ty tàu thủy Allan đi Canada. Anh kể cho cô nghe tên những con tàu anh từng phục vụ và tên những công việc khác nhau. Anh đã đi qua eo biển Magellan và kể cho cô nghe những câu chuyện về người Patagonia khủng khiếp. Anh nói có lần anh ghé đến Buenos Ayres và anh đã quyết định chọn nơi đó là nhà của mình, anh về thăm đất nước cũ chỉ để nghỉ ngơi ít ngày. Tất nhiên, cha cô phát hiện ra chuyện này và cấm cô không được nói bất cứ điều gì với anh.

    “Tao biết rõ lòng dạ mấy thằng thủy thủ này,” ông bảo cô.

    Một ngày nọ, ông cãi nhau với Frank và sau đó cô phải lẻn trốn nhà đi gặp người yêu.

Buổi tối càng lúc càng xuống sâu trên đại lộ. Màu trắng của hai lá thư trên đùi cô trở nên mơ hồ. Một lá gửi cho Harry, lá kia gửi cho cha cô. Trong nhà Ernest là người cô yêu mến nhất nhưng cô cũng thích Harry nữa. Cô nhận thấy gần đây cha cô già đi nhiều, ông sẽ nhớ cô biết bao. Đôi khi ông cũng dễ chịu. Cách đây không lâu lắm, có hôm cô bị ốm nằm liệt giường suốt một ngày trời, ông đã đọc cho cô nghe một câu chuyện ma và nướng bánh mì trên đống than hồng trong lò sưởi cho cô ăn. Hôm khác, lúc đó mẹ còn sống, cả nhà lên đồi Howth ăn picnic, cô nhớ cha cô đã lấy chiếc mũ của mẹ đội lên đầu để chọc cười lũ trẻ.

Đã đến giờ phải đi nhưng cô vẫn ngồi bên cửa sổ, dựa đầu lên bức rèm, hít mùi vải cretonne bụi bặm. Cô nghe tiếng đàn organ từ phố dưới xa xa vẳng lại. Cô biết điệu nhạc đó. Thật lạ lùng cô nghe nó vào đúng đêm nay vì nó nhắc nhở cô về lời hứa với mẹ cô, lời hứa rằng khi nào còn sức lực cô sẽ cố gìn giữ ngôi nhà cho nguyên vẹn. Cô nhớ lại đêm cuối cùng trước khi mẹ cô nhắm mắt lìa trần, cô ở trong căn phòng tối tăm chật hẹp phía bên kia hành lang với mẹ, và cô nghe một điệu nhạc buồn của Ý từ ngoài xa vẳng lại. Người chơi đàn dạo ngoài phố kiếm được sixpence và có lệnh phải rời đi ngay. Cô nhớ cha cô khệnh khạng trở lại phòng người bệnh, ông buông tiếng chửi:

    “Bọn Ý chết tiệt! Chúng nó kéo nhau đến đây cả rồi!”

Cô ngẫm nghĩ đến cuộc đời quá tội nghiệp của mẹ cô, và nó đã gieo lời nguyền lên thân phận cô ngay từ đầu – cuộc sống của những hy sinh tầm thường kết thúc bằng sự điên loạn sau cùng. Cô run rẩy khi nhớ lại tràng tiếng nói liên tu bất tận của mẹ với sự khăng khăng ngu xuẩn:

    “Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!” [7]

Cô đứng bật dậy trong cơn hoảng loạn. Trốn thoát! Cô phải trốn thoát! Frank sẽ cứu cô. Anh sẽ cho cô cuộc sống, có lẽ cả tình yêu nữa. Cô muốn sống. Tại sao cô phải bất hạnh? Cô có quyền được hạnh phúc chứ. Frank sẽ ôm cô vào lòng, anh sẽ vòng hai tay ôm cô. Anh sẽ cứu cô.

***

Cô lọt vào giữa một đám đông rùng rùng chuyển động tại bến cảng North Wall. Anh nắm chặt tay cô và cô biết anh đang nói gì với cô, hình như anh lặp đi lặp lại về chuyến đi hay một điều gì đó cô nghe không rõ. Bến cảng đầy những người lính vai đeo ba-lô màu nâu. Nhìn qua những cánh cửa rộng của nhà kho, cô thoáng trông thấy khối đen to lớn của chiếc tàu thủy nằm cạnh kè bến cảng, tàu có những ô cửa sổ tròn sáng đèn. Cô không nói gì. Cô cảm thấy má mình nhợt nhạt và lạnh ngắt, và trong cơn mê muội đau khổ, cô cầu nguyện Chúa dẫn đường cho cô, cho cô thấy bổn phận mình là gì. Chiếc tàu thủy thổi một hồi còi dài buồn thảm vào sương mù. Nếu cô đi, sáng mai cô sẽ lênh đênh trên biển cả cùng với Frank, hướng về phía Buenos Ayres tiến tới. Chuyến đi của hai người đã được đặt trước. Chẳng lẽ cô vẫn có thể quay lui sau tất cả những gì anh đã làm cho cô ư? Nỗi đau khổ đánh thức cơn buồn nôn trong cơ thể cô và cô không ngừng mấp máy đôi môi cầu nguyện như điên dại trong câm lặng.

Một tiếng chuông vang lên trong tim cô. Cô cảm thấy anh chụp lấy bàn tay mình:

    “Đi!”

Tất cả các đại dương trên thế giới đổ ập vào trái tim cô. Anh đang kéo cô vào đó, anh sẽ nhấn chìm cô. Cô giật tay ra khỏi tay anh [8] rồi bám chặt bằng cả hai tay vào thành lan can sắt.

    “Đi!”

Không! Không! Không! Không thể nào. Hai bàn tay cô nắm chặt thành lan can sắt trong cơn điên loạn. Giữa biển khơi, cô hét lên một tiếng kêu đau đớn.

    “Eveline! Evvy!”

Anh chui nhanh qua rào chắn và gọi cô đi theo. Những người đi sau quát tháo ầm ỹ bảo anh đi tiếp nhưng anh vẫn đứng đó gọi cô. Cô hướng khuôn mặt trắng bệch của mình về phía anh, thụ động, như một con vật bất lực. Đôi mắt cô không cho anh thấy một dấu hiệu nào. Không tình yêu. Không lời tạm biệt. Không chút nhận thức.

(Trịnh Y Thư dịch từ ấn bản Dubliners, NXB Alfred A. Knoff, 1991.)

————-

Chú thích của người dịch:

[1] “Cretonne” là một loại vải cô-tông hoặc vải lanh bền chắc thường có họa tiết hoa nhiều màu sắc và được dùng làm vỏ bọc ghế, rèm cửa và các loại vải bọc khác. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Pháp, có thể bắt nguồn từ Creton, một ngôi làng ở Normandy nơi sản xuất vải lanh. Các nguồn khác cho rằng nó có thể được đặt theo tên một nhà phát minh có thể là Paul Creton, người sống trong một ngôi làng có ngành công nghiệp dệt may ở Normandy.

[2] Blackthorn: Một loại cây thuộc họ hoa hồng, ra hoa, mọc nhiều ở Âu châu và Tây Á châu.

[3]  Trong nguyên tác, Joyce sử dụng một từ tiếng lóng “nix” có nghĩa là “canh gác” hoặc “theo dõi”. Nguyên thủy từ “nix” có nghĩa là “không có gì” hoặc là một từ cảm thán mang ý từ chối.

[4] Harmonium: Một nhạc cụ có bàn phím giống đàn organ hay piano nhưng nhỏ, gọn, hình dạng như một chiếc hộp lớn, thanh âm hơi giống đàn organ.

[5] Melbourne: Thành phố ở tiểu bang Victoria, Úc. Trong thế kỷ XIX, nhiều tội phạm người Ireland bị đày sang Úc và nhiều người cũng sang định cư ở đó. Vì có nhiều người Ireland theo Công giáo tại Úc vào thời điểm đó, nên chức linh mục Công giáo thường là người Ireland.

[6]  Buenos Ayres: Thủ đô Argentina, Nam Mỹ. Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Buenos Ayres là một thành phố sầm uất thịnh vượng nhờ có nhiều di dân từ châu Âu đến định cư.

[7] Không có bản dịch chính thức nào về ý nghĩa của nhóm từ “Derevaun Seraun” trong ngôn ngữ Gaelic. Có người đoán rằng nó tương đương với “kết thúc của nỗi đau” hoặc “kết thúc của nỗi đau là niềm vui” hoặc thậm chí là “kết thúc của tự do”. Chỉ nên hiểu nó là tiếng kêu của một con người biết mình sắp lìa cõi thế, tiếng kêu trung thực, gần gũi nhất với bản thể thoát ra từ đáy cõi lòng. Cảm xúc trong phần tự sự này được Joyce miêu thuật bằng cách cho nhân vật thốt lên một tiếng kêu thất thanh bằng tiếng mẹ đẻ của mình, một thủ pháp văn chương cao độ chỉ bậc thầy như Joyce mới nghĩ ra.

[8] Chi tiết “giật tay” do người dịch thêm vào, không có trong nguyên tác.

Lời người dịch:

Eveline, truyện ngắn thứ tư trong tập truyện Dubliners của James Joyce, là một câu chuyện minh họa cho những cạm bẫy của việc bám víu vào quá khứ khi đối mặt với tương lai. Nó là bức chân dung về một cô gái trẻ bị giằng co giữa những mâu thuẫn mà nhiều phụ nữ ở Dublin đầu thế kỷ XX cảm thấy trong cuộc sống gia đình, bắt nguồn từ quá khứ không vui và hiện tại bế tắc trong những cảnh ngộ không lối thoát. Sự mâu thuẫn ấy biến thành cái gì giày vò tâm tư cô gái khi cô gặp Frank, trở thành người tình của anh, được anh yêu thương và hứa hẹn một cuộc sống hôn nhân mới ở nước ngoài. Trong một khoảnh khắc, Eveline cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến một tương lai không bị trói buộc như cuộc sống khó khăn của mình hiện tại, nhưng ngay khoảnh khắc tiếp theo, cô lo lắng về việc thực hiện lời hứa với người mẹ đã khuất. Cô cầm những lá thư đã viết cho cha và anh trai mình, đắn đo suy nghĩ, cho thấy sự bất lực của cô trong việc từ bỏ những mối quan hệ gia đình đó, mặc dù cha cô tàn nhẫn và anh trai cô không có ở bên cạnh để bảo vệ cô. Cô bám víu vào những ký ức cũ, cùng lúc, cô hy vọng Frank là người sẽ giải cứu cô. Eveline treo mình giữa tiếng gọi của quê hương cùng quá khứ và tiếng gọi của một đời sống mới với tương lai hứa hẹn hơn. Cô không thể đưa ra một quyết định nào cho con đường cô muốn bước tới.

Một mặt cô nhìn thấy cuộc sống cô sẽ lặp lại cuộc sống của mẹ cô, một “cuộc sống của những hy sinh tầm thường và kết thúc bằng sự điên loạn sau cùng.” Nó bắt cô phải nhận ra rằng cô phải bỏ đi theo Frank và bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời mình. Nhưng nhận thức này không kéo dài được lâu. Cô nghe thấy tiếng đàn organ từ ngoài đường phố vọng lại, và cô nhớ cũng tiếng đàn organ đó ngay đêm trước khi mẹ cô qua đời, và lúc đó cô hứa với mẹ sẽ cố giữ ngôi nhà cho nguyên vẹn. Trên bến cảng cùng Frank, xa rời sự quen thuộc của ngôi nhà, Eveline tìm kiếm sự hướng dẫn trong thói quen cầu nguyện thường ngày. Hành động của cô là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thực tế cô chưa có một quyết định dứt khoát nào, mà thay vào đó vẫn đứng im trong vòng tròn do dự. Cô mấp máy đôi môi cầu nguyện, và trong phút giây hoảng loạn, cô bị đóng băng, cô không chịu theo Frank lên tàu.

Sự tê liệt của Eveline trong quỹ đạo của sự lặp đi lặp lại khiến cô trở thành một “con vật bất lực”, bị tước mất ý chí và cảm xúc con người. Câu chuyện ám chỉ Eveline không bình thản trở về nhà tiếp tục cuộc sống cũ của mình, mà cho thấy sự biến đổi của cô đã biến cô thành một người máy không có biểu cảm. Câu chuyện gợi ý rằng Eveline sẽ lơ lửng trong sự lặp lại vô nghĩa, một mình, ở Dublin, sống hết đời trong vô vọng. Chiếc tàu thủy ra khơi không có cô đã lấy đi tương lai của cô.

Chủ đề “tê liệt” được Joyce tiếp tục triển khai ở truyện ngắn này trong tập truyện Dubliners. Sự bất lực của con người trước những thử thách và chọn lựa có ý nghĩa đã khiến con người luôn lâm vào tình trạng lưỡng nan, không biết con đường nào đúng đắn nhất cho mình. Điều này có lẽ đúng ở mọi nơi, mọi thời đại, do đó, ý tưởng của Joyce trong truyện ngắn này có tính phổ quát, nó là một thuộc tính bất biến của con người chúng ta.

Khi dịch truyện ngắn này, tôi không thể không nghĩ đến thân phận của rất nhiều người Việt Nam, trong số có những người thân quen của tôi, đã cùng chung một cảnh ngộ với cô gái trong truyện. Mức độ của sự bất hạnh có thể hơn kém khác nhau, nhưng nỗi đau của thân phận con người là một. – TYT