Truyện ngắn Maurice Blanchot: Khoảnh khắc cái chết của tôi, Đào Trung Đạo dịch và giới thiệu
Maurice Blanchot (1907-2003) nhà văn và nhà phê bình quan trọng Pháp, tác giả hàng chục truyện hư cấu và sách phê bình, có ảnh hưởng sâu đậm trên những triết gia và nhà phê bình văn chương nổi tiếng thế hệ sau như Michel Foucault, Jacques Derrida, Roland Barthes…Là người hết sức kín đáo, kẻ chung phần bất kiến (partenaire invisible) như cách gọi của Christophe Biden người viết tiểu sử Blanchot. Giai đoạn thế chiến thứ hai khi Pháp bị Đức chiếm đóng, Blanchot 36 tuổi bí mật tham dự kháng chiến. L’Instant de ma mort/Khoảnh khắc cái chết của tôi được phác thảo trong thời gian này nhưng Blanchot không phổ biến. Cho mãi tới 1994, 50 năm sau, để đánh tan những đồn đoán không rõ ràng về hoạt động kháng chiến của mình L’Instant de ma mort truyện kể (récit) này mới được Blanchot cho đăng tải và cho nhà Gallimard xuất bản thành sách. Jacques Derrida đã dành hẳn quyển Demeure (1998, nxb Galilée) trên 144 trang chỉ để diễn giải L’Instant de ma mort. Tác phẩm của Blanchot đã được dịch sang tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha… và được phổ biến rộng rãi trên thế giới từ hơn nửa thế kỷ. Tuy sách của Blanchot quả thực khó đọc nhưng vẫn là một thiếu sót đáng tiếc khi người đọc Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại ít đọc Blanchot.
***
TÔI CÒN NHỚ về một thanh niên – một người hãy còn trẻ – thoát chết bởi chính cái chết – và rất có thể là do lầm lẫn của sự bất công.
Quân đội Đồng minh đã thành công trong việc đặt chân lên đất Pháp. Người Đức, đã thua trận, vẫn còn chiến đấu một cách vô ích bằng một sự tàn bạo vô ích.
Trong một căn nhà rộng lớn (người ta vẫn gọi là Lâu Đài), có ai đó gõ cửa một cách rụt rè. Tôi biết rằng người thanh niên đã mở cửa cho những người khách chắc hẳn đến cầu viện.
Lần này, một tiếng hét: “Tất cả đi ra ngoài.”
Một trung úy Quốc xã, bằng một thứ tiếng Pháp bình thường một cách đáng hổ thẹn, xua những người già nhất ra ngoài, kế đến là hai phụ nữ trẻ tuổi.
“Ra, đi ra.” Lần này, hắn thét lên. Song người thanh niên không tìm cách chạy trốn, nhưng lại chậm rãi bước, một cách gần như của nhà tu. Vị trung úy lắc lắc người anh ta, chỉ cho anh ta thấy những vỏ đạn, những đầu đạn, hiển nhiên là đã có đánh nhau, mặt đất là một bãi chiến trận.
Tay trung úy nói một cách khó khăn bằng một thứ ngôn ngữ kỳ cục, và dí mũi người thanh niên đã không còn trẻ nữa (con người già đi rất nhanh): “Đây là lý do anh bị dẫn tới.”
Tay Quốc xã xếp người của anh ta thành hàng để nhắm bắn, theo nguyên tắc, mục tiêu con người. Người thanh niên nói: “Ít ra hãy để cho ra đình tôi vào trong nhà.” Đó là: bà cô (94 tuổi), mẹ anh trẻ tuổi hơn, chị và chị dâu anh; một cuộc di chuyển dài, chậm chạp, lặng lẽ, như thể mọi sự đã xong xuôi rồi.
Tôi biết – có thật tôi biết – rằng người Đức đã nhắm ai, chỉ còn chờ lệnh cuối cùng, tôi trải nghiệm một tình cảm nhẹ tênh khác thường, một thứ diễm phúc (nhưng lại chẳng hạnh phúc), – phải chăng đó là nỗi hân hoan tối thượng? Sự chạm mặt của cái chết với cái chết?
Ở vị trí hắn, tôi sẽ không tìm cách phân tích cái tình cảm nhẹ tênh này. Rất có thể hắn bỗng nhiên thành vô địch. Cái chết – bất tử. Có thể là sự xuất thần. Hay đúng ra là tình cảm thương xót nhân loại khổ đau, niềm hạnh phúc của việc chẳng bất tử cũng không vĩnh cửu. Do vậy, hắn đã gắn liền với cái chết, bởi một tình thân hữu ẩn mật.
Vào khoảnh khắc đó, bỗng nhiên thế giới quành trở lại, vang dội tiếng động khá lớn của một chiến bùng ra gần đó. Các chiến hữu của vị tư lệnh kháng chiến muốn hỗ trợ cho một kẻ họ biết là đang gặp nguy hiểm. Tay trung úy lui ra xa để lượng định tình hình. Những người lính Đức giữ nguyên hàng ngũ, ở thế sẵn sàng trong một sự bất động làm cho thời gian ngưng lại.
Thế rồi có một người trong bọn họ tiến tới và nói với một giọng chắc nịch “Chúng tôi không phải người Đức, chúng tôi là người Nga,” và, trong một lối cười cười: “quân đoàn Vlassov,” và ra dấu cho anh ta lủi đi.
Tôi tin rằng anh ta dã rời đi, luôn luôn trong cái tình cảm nhẹ tênh, cho đến khi anh ta đã ở trong một khu rừng nơi xa, có tên là “Rừng thạch thảo,” nơi anh được che đậy bởi những cái cây anh ta biết rõ. Bỗng nhiên chính trong khu rậm này, không rõ là bao lâu, anh ta tìm lại được ý nghĩa của thực tại. Khắp nơi, những đám cháy, một sự tiếp diễn không ngừng của lửa, tất cả những trang trại đều bốc cháy. Không lâu sau, anh ta biết tin ba thanh niên, con trai của những nông dân, chẳng hề biết chiến trận là gì, đã bị giết chết, chỉ vì cái lỗi của họ là sự trẻ trung.
Ngay cả những con ngựa béo phị, trên đường, trong những thửa ruộng, cũng làm chứng cho một cuộc chiến đã đi qua.Thực ra, cuộc chiến này đã diễn ra bao lâu? Khi tay trung úy trở lại và nhận ra sự biệt dạng của chủ nhân tòa Lâu Đài, tại sao sự tức giận, nỗi cuồng nộ, lại không thúc đẩy anh ta thiêu rụi tòa Lâu Đài (bất động và uy nghiêm)? Chính bởi đó là tòa Lâu Đài. Trên tiền diện có khắc năm 1807, như một kỷ niệm không thể phá bỏ. Liệu tay trung úy này có đủ học vấn để biết rằng đó là cái năm lừng danh của thành phố Iéna, khi Napoléon, ngồi trên lưng con ngựa xám nhỏ, đi dưới những cánh cửa sổ nhà Hegel người đã nhận ra Napoléon là “linh hồn thế giới,” như ông ta đã viết cho một người bạn không? Lời nói dối và chân lý, bởi, như Hegel cũng đã viết cho một người bạn khác, rằng người Pháp đã cướp phá và lục soát nhà ông. Nhưng Hegel cũng biết phân biệt giữa thường nghiệm với yếu tính. Vào cái năm 1944 ấy, tay trung úy quốc xã đã có sự kính trọng hay sự suy xét về tòa Lâu Đài mà những trang trại đã không gợi ra. Thế nhưng người ta lục soát cùng khắp. Người ta lấy đi một số tiền; trong một căn phòng cách biệt, gọi là “thượng lâu,” tay trung úy đã tìm thấy giấy tờ và một tập bản thảo dầy – có thể tập bản thảo này chứa những kế hoạch chiến tranh. Cuối cùng anh ta bỏ đi. Mọi thứ bốc cháy, ngoại trừ tòa Lâu Đài. Các lãnh chúa đã được bỏ qua.
Không thể nghi ngờ được bão táp của sự bất công đã ập tới người trẻ tuổi. Không còn có sự xuất thần; cái cảm giác anh ta sống sót chỉ bởi, dưới con mắt những người Nga, anh ta thuộc giai cấp thượng lưu.
Chính cái đó, là chiến tranh: cuộc sống cho kẻ này, còn với người khác là sự tàn bạo của giết chóc.
Thế nhưng vẫn đọng lại, vào lúc việc xử bắn chỉ còn là sự chờ đợi, cái tình cảm nhẹ tênh mà tôi chẳng thể diễn dịch: phải chăng là được giải thoát khỏi đời sống? vô tận mở ra? Chẳng phải hạnh phúc cũng không là khổ đau. Cũng chẳng là vắng bóng sự sợ hãi và có thể đã là bước ra cõi ngoài (le pas au-delà). Tôi biết, tôi cho rằng cái tính cả nhẹ tênh không thể phân tích đã làm thay đổi cái với hắn vẫn còn là sự hiện hữu. Như thể cái chết bên ngoài hắn từ nay chỉ thể đụng độ với cái chết trong hắn. “Tội còn sống. Không, ngươi đã chết.”
Sau này, khi trở lại Paris, hắn gặp Malraux. Ông này kể lại với hắn rằng ông đã bị bắt giữ (mà không hay biết), rằng ông ta đã trốn thoát thành công, chỉ mất một tập bản thảo. “Đó chỉ là những suy tư về nghệ thuật thôi, rất dễ làm lại, trong khi một bản thảo thì chẳng thể.” Với Paulhan, ông này đã làm những khảo sát, nhưng những khảo sát này vẫn chỉ là vô dụng.
Có sao đâu. Có điều cái tình cảm nhẹ tênh chính là cái chết còn trụ lại, hay nói một cách thật chính xác, khoảnh khắc cái chết của tôi luôn luôn là trong khoảnh khắc.
Đào Trung Đạo dịch.