Truyện ngắn Ngự Thuyết: Bỗng một hôm
Gia đình gồm ba người. Người chồng cao và gầy, khó đoán tuổi, tóc bạc phơ, vẻ mặt có phần khắc khổ với nhiều nếp nhăn, mắt mệt nhọc đôi lúc lóe lên những tia tinh anh, sắc sảo sau hai tròng kính trắng dày. Người vợ khoảng trên 50, nhan sắc của thời son trẻ còn sót lại trên khuôn mặt thanh tú, trong đôi mắt đẹp vương chút sầu muộn, trên dáng dấp dịu dàng. Mái tóc đen dài chưa phờ phạc chen lưa thưa những sợi bạc. Và cô con gái tuổi mười tám xinh tươi như một cành xuân, vừa được nhận vào trường Đại Học địa phương. Họ sống trong một căn hộ khá chật hẹp của một chung cư gần vùng Sài Gòn Nhỏ, Nam Cali. Người chồng đã hưu trí, người vợ làm việc sổ sách cho một công ty nhỏ.
Cuộc sống của họ có vẻ êm đềm, xuôi chèo mát mái chăng? Đó có thể là câu hỏi hay nhận xét của người ngoại cuộc. Có điều người vợ thỉnh thoảng ưa nhắc lại “một câu chuyện cũ”, thì người chồng lại muốn gạt bỏ đi ngay.
“Ông ơi, hồi chiều có điện thoại xa gọi.”
“Ai vậy?”
“Anh Cường. Ông còn nhớ chứ? Cường, cái anh tài xế cũ.”
“À, tôi có hẹn với một anh bạn. Phải đi ngay.”
“Thì hãy cho tôi nói vài lời đã nào. Cho tôi nói một lần thôi để …để … ”
Người vợ chưa nói hết câu, người chồng đã bước ra khỏi cửa.
*
20 năm đã trôi qua. Quá khứ như một đàn chim quen thuộc ngày xưa đang bay về chốn cũ.
Chiếc xe U-Hall (Xe dọn nhà) chầm chậm lùi vào khoảnh sân xi-măng của một ngôi nhà nhỏ. Chủ xe là một người đàn ông đứng tuổi, dong dỏng cao, đôi mắt sáng sau cặp kính trắng dày gọng đen, khuôn mặt có vài nếp nhăn, đầu đội nón lưỡi trai. Y phục xuềnh xoàng. Áo sơ – mi xám nhăn nhúm, choàng bên ngoài là chiếc áo da nâu nhiều vết trầy trụa, chiếc quần jeans xanh bạc màu, đôi giày cũ kỹ méo mó. Ông ta đứng kiễng chân, hai bàn tay vẫy vẫy ra dấu, miệng vừa bập bập điếu thuốc lá bèo nhèo vừa nói, giọng khàn khàn:
“Lui chút nữa … chút nữa … một chút nữa …”
Chiếc xe hàng khá lớn, loại dùng để dọn nhà, lui dần.
“Nữa … Một chút nữa … tí nữa thôi …”
Bỗng sạt một tiếng, cản sau của xe chạm vào cái tường thấp cạnh cổng ra vào.
“T-ồ-ồ-ồ-ồ-p !!!” người chủ xe trầm giọng.
Người tài xế thò đầu ra cửa xe nhìn lui nhăn nhó:
“Cha nội ơi là cha nội! Xi- nhan cái kiểu gì thắt họng vậy?”
“Thì tao đã biểu tốp mà.”
“Biểu hồi nào vậy? Đụng cái rầm rồi mới biểu tốp thì còn t-ồ-ồ-p, tồ-ồ-p cái con … con … gì nữa!”
Người chủ xe quắc mắt quát:
“Mày muốn nói cái con … con gì, cái thằng trời đánh kia? Có giỏi thì nói huỵch toẹt ra đi! Tao nói cho mà biết, mày lái xe thì phải lo canh cho đúng chớ. Lỡ không có tao ở đây ai ra dấu cho mày? Thế mà còn nhăn nhó như … như cái con khỉ. Tao nói có gì sai không?”
Người tài xế hậm hực:
“Không có chú hả, không có chú tôi tính cách khác. Chắc chắn được việc hơn nhiều. À mà tôi nhớ ra rồi. Chú luôn luôn nói đúng. Chú có bao giờ nói sai đâu. Nhưng … nhưng nói thì dễ, làm mới đáng kể.”
Người chủ xe hét to:
“Thằng kia! Lại giở trò hả? Xem nào, tường bể phải thuê người ta xây lại, cản xe hư phải đem đi gò lại. Tao trừ lương mày. Hai tháng lương, không thêm không bớt một xu nhỏ.”
Anh tài xế từ trên xe nhảy tót xuống, chạy vội ra phía sau xe nhìn ngang nhìn ngửa. Tôi đứng gần đó tính nhẩm. Cái chỗ tường vỡ chỉ cần mấy viên gạch, nhà có sẵn, rồi tới Home Depot mua một ít xi-măng, một lon sơn. Tốn kém có bao nhiêu mà trừ hai tháng lương! Còn cái cản xe trầy trụa qua loa, lấy giấy nhám chà láng đi cũng được. Chiếc xe chở hàng cũ rích chớ có phải xe du lịch bóng loáng gì cho cam! Chốc nữa, mua các thứ về, đừng cho chủ nhà biết, hè nhau trám chỗ tường vỡ rồi quẹt một chút sơn vào, mất độ 15 phút là xong.
Tôi nói lên cái ý nghĩ đó. Người chủ xe lắc đầu quầy quậy, càu nhàu:
“Anh có lòng tốt nói thế, nhưng ở địa vị tôi, khác. Tôi phải trừng phạt nó về cái tội … Thiếu kỷ luật, hỏng việc”. Xoay qua người tài xế. “À, ằm … tao sẽ trừ mày hai tháng lương. Ê, mày nghe rõ chưa?” Lại xoay qua tôi. “Còn anh thì tôi xin lỗi anh, tôi xin đề nghị như thế này … Anh nên để tôi lo liệu công việc của tôi. Anh khỏi phải ý kiến này nọ lôi thôi.”
Tôi im lặng, không lấy thế làm khó chịu. Anh chủ xe này với lối ăn mặc, với cách nói năng với tôi cũng như với người tài xế, có một chút gì bất thường. Có vẻ như cố làm ra như thế chăng? Vờ vĩnh với mục đích gì? Nhưng người tài xế dường như bực tức lắm, gân cổ cãi:
“Chú muốn trừ ba tháng cũng được, bốn tháng cũng được. Có giỏi thì cứ trừ nguyên một năm lương đi. Làm như đã trả lương trước rồi không bằng.”
“À, à hỗn láo hả?” Người chủ xe quát tháo rồi văng tục một tràng dài.
Tôi định bụng để mặc xác họ với nhau, nhưng buột miệng chen vào:
“Thôi mà! Anh em … chú cháu mình … đồng hương tỵ nạn cả mà … Xin bình tĩnh, bình tĩnh! Chuyện đâu còn đó.”
Chủ xe trừng mắt nhìn tôi. Tôi lúng túng. Bỗng một người đàn bà từ trên xe nhảy xuống chạy đến tôi cười thật tươi:
“Chú ơi, họ nói gì mặc kệ họ. Hơi đâu.
Người đàn ông quay người xoay mặt về phía người đàn bà. Cô ta nhìn lại nguýt dài lộ vẻ giễu cợt. Đó là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, xinh đẹp, tươi tắn, duyên dáng trong bộ đồ bà ba mỏng. Tôi chưa đoán ra được sự liên hệ giữa những người đó. Chắc là vợ của người tài xế chăng? Anh tài xế bước tới đứng ngay trước mặt người chủ xe nói một thôi dài không chút vấp váp, dường như cũng có chút đùa cợt:
“Xin lỗi chú, chú nói rất đúng. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Cấp chỉ huy phải thưởng phạt công minh, cấp dưới phải tuân lệnh cấp trên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghĩa là dù bây giờ chú và tui đã, đã …”
Người chủ xe ngắt lời:
“Đã là cái gì?”
“Là cái gì chú tự biết lấy. Thôi được, tôi sẵn sàng để chú trừ vào bao nhiêu tiền lương của tôi cũng được.”
*
Cái nhà gia đình tôi sắp dọn vào trông cũng tàm tạm. Nó nằm trong một khu khá yên tĩnh thuộc một thị trấn nhỏ nhắn, xinh xắn, thuộc Nam Ca-li. Đây là cái nhà thứ sáu chúng tôi dọn đến kể từ khi tôi qua Mỹ được hơn năm năm. Ô, thế ra cứ mỗi năm mình phải dọn nhà hơn một lần! Trái ngược hẳn với hồi còn ở Việt Nam.
Chúng tôi thích ngôi nhà nhỏ này. Vợ tôi ưa rẻo đất bên hông nhà trồng được dăm cây hoa hồng, mấy khóm bạc hà, rau húng, rau tía tô, rau quế, rau răm, sả, ớt v.v…; tụi nhỏ thích cái địa điểm gần hai xa lộ 5 và 55, đi đâu cũng lẹ; tôi thì ba phải, ai sao tôi vậy, không còn muốn có cái oai quyền gia trưởng như ngày xưa. Chúng tôi mong được ở nơi này lâu dài. Dọn nhà cực quá!”
Những lần dọn nhà trước đó, chúng tôi tự làm lấy. Cho đồ lặt vặt vào xe hơi chở thành nhiều chuyến, để dành mấy món đồ nặng, kềnh càng, cho vào chuyến chót trên một chiếc xe “truck” mượn của một người bạn. Đỡ tốn tiền thuê xe, thuê người. Dọn nhà lần này cả nhà tôi bị cúm hành đành phải thuê người ta làm. Vợ tôi bảo đừng thuê Mỹ dọn nhà, mắc lắm; thuê mấy ông H.O. đi. Tôi đồng ý ngay. Đọc quảng cáo trên một tờ báo tiếng Việt, tôi liên lạc được với anh chủ xe này.
Lại tiếng anh chủ xe lè nhè:
“Cái thằng trời đánh kia! Mày định cho xe nằm vạ luôn ở đó sao hả? Đ.M., chẳng làm nên trò trống gì cả.”
Người tài xế nhảy lên xe một cách hung hãn, rú mạnh ga, sang số rụp rụp, và chỉ xoay trở tay lái dăm ba vòng chiếc xe từ từ lùi đến đậu đúng chỗ, đuôi xe cặp sát vào cửa lớn của căn nhà. Anh nhảy xuống xe hai tay xoa vào nhau vui vẻ nói với người đàn bà trẻ:
“Cô thấy chưa, tôi đâu cần ai làm dấu! Một mình tôi làm dư sức. Chắc cô phải đồng ý với tôi về, về…”
“Đ. M. Lại giở giọng ta đây!” người chủ xe cướp lời. “Hễ làm được một chút gì là đã vội lếu láo ba hoa chích chòe.”
Người đàn bà chen vào:
“Cái ông này ngộ quá ta. Chữ nghĩa đâu mà cứ tuôn ra ào ào dữ vậy.”
“Này, này, bà liệu giữ mồm giữ miệng đi thì vừa,” người chủ xe tiếp lời. “Có ai biểu đâu mà lại chỏ mỏ vô. Thằng kia, và bà nữa. Bắt đầu đi chứ! Cứ đứng ì ra thế hả? Còn phải đi thêm chuyến buổi chiều.”
Tôi cười thầm. Thì ra hồi nãy tôi đoán sai. Có lẽ cô này là vợ lẽ của chủ xe.
Người đàn bà không có phản ứng gì trước những lời rầy rà của người đàn ông, tiến đến gần tôi thì thầm:
“Họ nói gì thây kệ họ, chú đừng thèm lý tới. Gì đâu mà cứ chơi không biết, thiệt không hay. Rồi bỏ nhau, rồi tìm nhau.”
Người chủ xe tiến đến cặn vặn:
“Ê, ê, nói gì thì nói to lên. Đừng cứ thậm thà thậm thụt — xin lỗi anh, tôi nói riêng với bà đó — tôi coi rẻ những hạng người đó lắm.”
Người đàn bà vẫn cười tươi nói như không có chuyện gì trái ý:
“Ông thì ai ông cũng coi rẻ. Kể cả ông nữa!”
Bỗng người đàn bà chau mày lại, những nét tươi cười trên khuôn mặt xinh đẹp đó biến nhanh, giọng nói đầy xót xa:
“Mà anh ơi, sao độ này anh hay … Anh lạ quá đi anh!”
Chủ xe làm như không nghe thấy những lời người đàn bà vừa nói, nhìn xa cười vu vơ. Lần đầu tiên tôi thấy anh chàng lỗ mãng này cười, cái cười gằn gượng gạo.
Vậy là còn một chuyến nữa. Chắc phải 6 giờ chiều mới xong. Lại trễ lớp Anh văn thầy Mike! Đi học trễ hoài, kỳ hết sức! Lại phải bỏ lớp học chiều nay rồi. Mất một buổi học có vì thế mà mình mà ngu thêm đâu. Ngu đã hết mức rồi còn có thể nào ngu hơn nữa. Ừ nhỉ, tại sao mình cứ dính cứng mãi vào cái ông thần quái đản này? Đồng lương không ra gì, công việc bữa đực bữa cái, giờ giấc lung tung, lại phải nghe quát tháo chửi mắng suốt ngày. Cha nội này có tật ưa quát tháo. Lấy le? Hình như không phải. Để tỏ ta đây có nhiều quyền hành? Ông sếp muốn ra oai đối với một thằng tà lọt độc nhất là mình? Không lẽ thế.
Cha nội này hiền không ra hiền, dữ không ra dữ. Có máu điên chắc? Nhưng mình thì thiệt là quá ngu. Đi đâu loanh quanh rồi cũng quay về với sếp này. Tại sao phải thế? Nghe quát tháo chửi mắng quen tai, thiếu nó đâm nhớ chắc? Lão ta đã biết thế, lão tinh ý lắm, cho nên mỗi lần mình quay lại, lão sẵn sàng dở trò dửng dưng, cười khẩy, nhún vai, bỉu môi, khạc nhổ, chắc lưỡi … Và cuối cùng nói phủ dụ:
“Không có anh, chúng tôi làm việc khác. Khối việc, chứ có phải chỉ lo dọn nhà mà thôi đâu. Có anh dọn nhà vẫn hơn. Nhưng lần này là lần chót đấy nhé. Anh mà đi nữa, tôi kiếm người khác thay thế.”
Chỉ tội nghiệp cô vợ quá trẻ, và quá đẹp. Vợ hai? Vợ ba? Bồ nhí? Sao lại có người dại dột đến thế, uổng cả cuộc đời. Ôi cái miệng xinh, tươi, hấp dẫn. Tóc dài mượt mà. Cặp lông mày cong như cầu vồng. Thân hình, mềm mại, thơm tho, những đường cong chịu hết nổi. Cặp mắt đong đưa, ưa làm ra vẻ đứng đắn. Gặp lúc đồ nặng khiêng một mình không nổi, cùng khiêng, gần nhau, hai má đỏ hồng, mồ hôi dán tóc vào trán, vào cổ, cái cổ trắng ngần, tóc như tơ vàng sau gáy, hơi thở dồn dập, cặp mắt né né, cái mặt làm bộ nghiêm … Mình chỉ mong tuột tay, người chồm tới trước, lộn mèo. Ôm lấy nhau …
Những lần như thế dường như con mắt cú vọ của lão từ xa kín đáo theo dõi. Tưởng mình không biết. Mặc kệ. Mình cũng làm bộ chẳng biết gì. Dường như lão cũng biết thế mà vẫn cứ tỉnh bơ, mới lạ chớ. Chờ cuối ngày. Chờ những câu quát tháo, chửi rủa. Quá lắm là đuổi. Thế mà chả có gì xẩy ra. Mà có gì xẩy ra cũng không sao cả. Phải có biến cố, phải có thay đổi. Có gì xẩy ra thì em đi theo anh nhé! Không lẽ em và anh cứ chịu lép một bề mãi như thế này. Cái mồm quát tháo như chó sủa! Mà đúng vậy, chó hay sủa thì có bao giờ cắn đâu.
Thật là buồn cười, trừ hai tháng lương! Lại nói cứng! Mình cũng làm bộ coi như sẽ bị trừ thiệt. Hạnh! Hạnh! Sao em không chịu bỏ cái ông già dịch này, rồi đi với anh, xứng đôi vừa lứa. Đá đít lão cái bốp là xong chuyện. Nhưng em lại khoái lão thì phải? Đúng là nghiệp chướng! Anh cũng giống em, cũng nghiệp chướng! Dứt bỏ nơi này, anh có khối việc tốt hơn. Nhưng chẳng qua là vì, là vì anh đi một mình để em ở lại sao đành. Em có thấu hiểu lòng anh không? Mình có thể nào gặp riêng Hạnh một lần để nói cho hết lời?
Thỉnh thoảng mình giở cái gọi là nhật ký ra đọc lại. Những trang nhật ký cũ viết rồi sửa. Có khi sửa chữa hai ba lần, rồi viết lại trang khác. Thế thì còn gì là nhật ký nữa! Thế thì còn gì là trung thực nữa! Thoạt đầu mình nghĩ như thế, nhưng nghĩ lại làm như thế mới trung thực, mới nói rõ lòng mình, rối bòng bong, thay đổi từng giờ từng phút. Lúc viết, biết ngay rằng viết vờ vĩnh, viết lấy có, viết theo hy vọng thầm kín hão huyền. Hay con chữ viết xuống chẳng khác những sợi râu ăng-ten của loài côn trùng mò mẫm, dò tìm đường đi nước bước. Có thật em yêu anh không, khỏi phải nói, có thật anh yêu em không, trong khi em viết lên giấy những giòng chữ tình cờ, vô nghĩa, bất chợt này. Vậy mà cứ viết. Lúc đọc lại, bỡ ngỡ. Dò lại lòng mình, viết lui viết tới. Đến bao giờ mới có trang nhật ký cuối cùng? Hay là đừng viết nữa?
Con đường quanh co và dài. Hay là con đường dài và quanh co? Thì cũng chỉ chừng ấy nghĩa chứ gì. Đó là tên bài hát tiếng Anh chú vẫn hát cho cháu nghe khi chỉ có hai chú cháu mình đi trên bãi biển. Chú bảo của The Beatles, trước kia chú thích lắm:
The long and winding road
That leads to your door
Will never disappear
I’ve seen that road before … [1]
Những lúc chú cháu mình được tách biệt như thế này cũng hiếm hoi lắm. Một số người vô công rồi nghề sống trên đảo, có cả vài thằng học trò của chú, như lũ kênh kênh đánh hơi thấy mùi xác chết, chờn vờn chờn vờn bay tới rình mò những cặp tình nhân. Chú không chịu dẫn cháu vào rừng. Cây cối um tùm, vây kín, tha hồ ngồi bên nhau chuyện trò mà chú. Galang 2 này đâu trống trải như Galang 1. Đi song song bên nhau mãi mỏi cả chân. Cuối cùng, bàn tay cháu vô tình chạm vào chú, chú nắm lấy nó. Chú xoắn xoắn ngón tay của cháu, hết ngón này đến ngón khác. Thăm dò cái gì hả chú? Đến ngón cuối cùng thì tay cháu đã nằm gọn trong tay chú, móng tay trỏ của chú bấm mạnh vào ngón út của cháu, sâu thêm, sâu thêm nữa đi. Đau! Cháu không sợ đau đâu.
Không ai bảo ai cùng dừng bước. Chú xoay người nhìn cháu, hai bàn tay nắm lấy hai bàn tay, lần đầu tiên chú nhìn cháu lâu như thế, con mắt lạc lõng, khuôn mặt chú gần cháu quá, cháu nghe hơi thở của chú, mái tóc hoa râm gió biển thổi lòa xòa trên trán chú, cháu nghe tiếng sóng rào rào, cháu thấy phía sau lưng chú những đợt sóng đập vào bờ đá sủi bọt trắng xóa. Và khứu giác của cháu tự nhiên bén nhạy hơn mọi ngày. Cháu nhận ra được mùi rong biển ải ải, mùi cá tanh tanh, và cả mùi cát nóng bỏng ngay dưới chân, những thứ trước kia cháu không hề để ý đến. Và cháu thấy rõ từng sợi râu chú lười cạo mọc lởm chởm trên mép, trên cằm. Nhột nhạt.
Cháu chờ đợi. Nhưng không thể đợi lâu hơn nữa. Cháu rút tay ra khỏi tay chú, choàng cả hai cánh tay lên vai chú. Cháu cao gần bằng chú rồi, đâu cần phải nhảy người lên như hồi còn bé. Chú nói: Em! Cháu ngạc nhiên. Ngạc nhiên không phải vì lần đầu được nghe chú gọi cháu âu yếm như thế mà vì tại sao mãi đến lúc ấy chú mới gọi cháu là em. Chú vẫn gọi tụi kia em em hoài có sao đâu. Này, sau khi cháu vô tình để chú nhận ra cháu, chú cảm thấy thế nào? Ngạc nhiên thì chắc chắn rồi, nhưng không lẽ chỉ có thế thôi. Cháu chờ đợi ngày này qua ngày khác. Đúng như người ta nói, thời gian chờ đợi khác thời gian bình thường. Nó dài lắm. Nhiều lúc cháu muốn tru lên như con chó sói đứng một mình trong đêm giữa cánh đồng tuyết.
Ô, đoạn nhật ký này cháu viết loanh quanh, chẳng khác gì con đường dài ngoằn ngoèo dẫn đến cửa nhà em mà chú đã đi nhiều lần. Có nên sắp xếp lại cho có thứ tự?
Thế là cuối cùng cháu đã chinh phục được chú rồi. Cũng gay go đấy chứ. Đối với những người đàn ông khác, dễ ợt. Cháu là miếng mồi ngon, tụi nó đua nhau vồ vập. Mà có được đâu. Như vồ cái bóng. Rồi đánh lộn, đâm chém. Em là trời cao, biển sâu. Em là tất cả. Nghe cũng sướng. Sướng! Lại nhớ mẹ. Hồi đó, con gái kín cổng cao tường, mẹ cấm mình không được nói chữ “sướng” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có kẹt lắm thì xài tạm chữ “sung sướng”. Bây giờ con hư quá rồi, mẹ ơi!
Nhớ những năm tháng cũ. Nghe hoài những lời tán thiệt hay tán láo cũng đâm chán. Hết ngày này đến ngày khác, không lẽ cứ như thế này mãi. Hai năm, rồi ba năm, rồi bốn năm, rồi năm năm … Muốn phát điên! Những lớp dạy tiếng Anh, dạy may, dạy làm bánh, dạy đánh máy không phải nơi để giải tỏa hết nỗi chán chường.
Cuối tuần theo tụi con Hằng, con Thu đi đến các chùa Quan Âm Tự, Kim Quang, hay đi đến các nhà thờ. Cũng không giải quyết được gì. Chán chường vẫn chán chường. Không khéo cứ cái đà này có ngày đến phiên mình đi Galang 3. Phải, Galang 3 càng lúc càng đông đảo, già chết, bệnh chết, thắt cổ chết, mà chờ lâu qúa cũng chết ngắc. Mộ mới đắp mọc lên như nấm. Mình cùng đường rồi sao?
Thì gặp chú. Cháu sững sờ. Chú vừa đến đảo, rồi chú làm thầy giáo tiếng Anh! Cháu ghi danh học Anh Văn lại. Chú làm sao nhận ra cô học trò này.
Ngày xưa chú tới nhà chơi với ba cháu, cháu chỉ là đứa bé 9, 10 tuổi. Chú tới nhiều lần. Đồ chơi chú cho cháu chơi không hết. Bánh, kẹo cháu ăn đã đời. Cháu thích sô-cô-la nhất, chú bảo chú chỉ có “chó có lát” chứ không có sô-cô-la. Chỉ có thế cũng đủ làm cháu sung sướng suốt ngày. Vừa nghe tiếng xe chú ngoài ngõ, lòng dạ cháu đã nôn nao. Chú đi vào, cháu chạy ra, nhảy tưng tưng như trái banh vồng. Rồi cháu ráng sức nhảy người lên thật cao, hai cánh tay chú đón ôm cháu vào lòng, hai cánh tay cháu quàng quanh cổ chú.
Ba bảo con Hạnh đã lớn rồi sao còn nhõng nhẽo qúa vậy, ba không bằng lòng. Ba nói trật rồi. Ba biết không, chú Khôi tới là con trở thành con nít ngay. Con lớn, lớn trước tuổi, là lớn với tụi hàng xóm. Con đã biết làm duyên làm dáng, biết cười bằng hai khóe miệng cho nổi lên hai lúm đồng tiền, biết chớp mắt long lanh, biết hạ đôi hàng lông mi cho giống hai cái rèm che, biết nói giọng nũng nịu thơ ngây êm ái, biết … biết nhiều thứ nữa, để cho mấy thằng con trai con nít đực mặt đứng ngó. Mấy anh chàng lớn sầm sầm càng say sưa ngắm.
Với chú Khôi, khác. Mình không hề làm bộ với chú. Cười là cười thiệt, vui là vui thiệt. Cái vui trong lòng, bây giờ nhớ lại, như men say chan chứa làm bồn chồn cả người. Nhưng mà ba cũng không hoàn toàn nói trật đâu. Cháu thương chú nhiều, lẽ dĩ nhiên, nhưng tình thương có cái gì là lạ. Không biết chú cảm thấy thế nào, riêng cháu, cháu nhớ hoài vòng tay ôm của chú. Ngực bồi hồi khó tả. Nhớ cho đến khi đã trở thành người lớn. Qua tới hòn đảo này có khi cũng nhớ. “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,” nhiều lúc cháu nhớ vòng tay ôm của chú quá.
Ba đi tù rồi bệnh quá nặng rồi được thả về rồi qua đời. Mẹ không còn muốn sống, nói gì chuyện vượt biên. Mẹ gởi mình đi vượt biên với gia đình bà bạn. Cho nó có tương lai. Còn chú, một ông trung tá còn độc thân, hào hoa phong nhã, từng nhiều lần làm tùy viên quân sự tại nhiều sứ quán nước ngoài, chắc chắn phải ở tù mút mùa. Và mình trôi nổi vào hòn đảo này.
Vậy mà lại gặp nhau đây. Quả là có trời đất thu xếp. Cháu kín đáo quan sát chú. Chú có già đi và hốc hác. Tóc chú muối nhiều hơn tiêu. Nhưng chú vẫn như tên chú, tinh khôi quá. Có đêm cháu nằm mơ, ban ngày cháu cũng mơ, như trong chuyện đời xưa, Ông Hoàng Mộng Tưởng đánh thức Người Đẹp Ngủ Trăm Năm Trong Rừng. Vâng, bao giờ chú cũng hào hoa, cũng tài ba, cũng đáng yêu, đáng kính. Trong lòng cháu bỗng nổi lên những cơn điên dại, nuối tiếc, đau đớn, hoảng hốt, ăn năn … Cháu nhìn lại cháu. Không, không thể được, cháu không thể cho chú biết cháu là ai. Cháu chỉ muốn làm cô học trò rất khỉ, ưa phá phách mà thôi.
Chú giảng bài, cháu nhìn chú trân trân. Chú đặt câu hỏi chung cho cả lớp, cháu giành trả lời trước bất kể trúng trật.
“What are you doing now?”
“I’m listening to you.”
“What are you thinking about?”
“I’m thinking about you.”
Cả lớp cười ồ. Mấy thằng con trai lâu nay vẫn đeo đuổi cháu mắt long lên sòng sọc, lầm bầm trong cổ họng những lời nguyền rủa tục tĩu. Kệ xác tụi mày, tao đâu có ngán. Chú nhíu mày, nghiêm mặt nói:
“Tôi hỏi What, không phải Who. Hồng! Trả lời cho đàng hoàng nào!”
“Dạ, dạ, đàng hoàng. Mà what cũng chỉ người được chứ! Em nhớ hôm nọ thầy dạy trả lời câu hỏi, ‘What are you?‘ Nhưng thưa thầy, hôm nay thầy đừng dạy nữa! Tụi em học nhiều quá rồi, học không vô nữa đâu. Học quá hóa khùng, phải hôn thầy? Thầy hát một bài cho tụi em nghe đi!”
“Không được! Học cho ra học, chơi cho ra chơi.”
“Được, được mà thầy. Thầy, thầy nè! Tụi em năn nỉ thầy mà thầy! Có học có chơi mới mau tiến bộ. Hay thầy hát nửa bài cũng được. Hay một vài câu cũng được. Tiếng Anh cũng được. Con Đường. Con Đường gì gì đó. A, Con Đường Dài và Ngoằn Ngoèo. Tiếng Việt càng tốt. Giọng hát của thầy tình lắm. Em, tụi em nghe mê luôn. ”
Cả lớp lại cười ồ. Chú nghiêm mặt gằn giọng:
“Này này cô Hồng! Tôi không muốn cô đùa quá trớn như vậy. Nếu cô không muốn học hôm nay, cô có thể đi ra khỏi lớp. Ngay lập tức! Chiều mai trở lại!”
“Trời! Sao chú ác với cháu quá vậy!”
Cả lớp ngơ ngác. Mình nghe tiếng nói của mình như tiếng thét bị dồn nén xuống lồng ngực mà không nén nổi. Tiếng nói như tiếng khóc mang cái âm thanh mơ hồ của ngày xưa còn bé. Nói xong mình bịt miệng mình không kịp. Chú hơi khựng người, quay nhìn mình đăm đăm. Mình cúi gầm đầu, tim nhói đau, trống ngực đánh mạnh. Lớp chai sạn bên ngoài đang rạn nứt ra từng mảnh. Mặt chú hơi tái đi thì phải.
Chú bảo:
“Thôi được rồi, cô cứ ngồi xuống học tiếp. Đừng nói nhiều”
Cuối giờ học, chú gọi vào văn phòng hỏi chuyện:
“Hạnh! Cháu thay họ đổi tên hồi nào vậy?”
Và từ đó… Từ đó mình xa lánh dần bọn con trai bồ bịch. Không phải dễ dàng. Tụi nó dọa hành hung, thanh toán. Kệ. Mình đâu ngán thằng nào. Rồi mọi chuyện cũng qua đi như hàng trăm hàng ngàn chuyện kỳ quái khác xẩy ra trên hòn đảo tị nạn này. Hơn nữa, mình có nhiều kinh nghiệm tình ái lăng nhăng mà. Đâu có sợ gì ai! Chỉ lo cho chú sẽ bị tụi nó quấy rối, thù hằn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, mình trút bỏ được mọi lo lắng. Chú có bản lĩnh ngoài sự mong đợi của mình.
Từ đó, tâm hồn mình ổn định dần, cuộc sống êm êm dần. Chú là hiện tại, là quá khứ. Vâng, quá khứ cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Trước kia khi chú chưa đến, mình có biết bao người quen mới, nhưng lúc nào cũng thấy bơ vơ. Nay khác. Mình đã thấy có điểm tựa vững vàng, mình tìm thấy mình cho ngày hôm nay và cho ngày mai.
Chú làm thầy giáo ở đây, chú quen biết nhiều với nhóm chính quyền Indonesia trên đảo, với nhóm làm việc cho Cao Ủy, với đám học trò hay ưa bắt chuyện với chú. Chắc chắn chú đã đọc kỹ hồ sơ của cháu. Chú biết cháu hết cả rồi. Chú chê cháu không? Chú yêu cháu không? Có ai thoát khỏi nổi vòng tay của tôi hay không?
Suốt mấy hôm, mưa to gió lớn. Cây phong cạnh nhà trút lá thật nhiều ngập cả lối đi từ cửa ra vào cho đến chiếc cổng của khu chung cư. Những ngọn lá tươi tắn màu vàng, màu đỏ, màu máu, lộng lẫy, óng ả, rực rỡ. Sáng nào mình cũng quét sạch một khoảng đường ngắn, nhặt mấy chiếc lá đẹp nhất đem vào cất để dành, đã được nửa hộp. Hồi bé còn bố mẹ, mình ép hoa hồng, hoa pensée, hoa trinh nữ, hoa mimosa… những thứ hoa có sẵn ngoài vườn, ép vào tập vở. Ép bướm nữa. Bố mẹ thường mắng yêu, bé Hạnh mau lớn quá, điệu quá, sau này cho đi thi hoa hậu nhé. Bây giờ… ép lá phong. Buổi sáng quét, buổi chiều lá đã lại phủ đầy lối đi.
Vài tuần nữa khi mùa đông tới, như năm ngoái, sẽ không còn một ngọn lá nào trên cây. Rồi mùa xuân lại về, vạn vật sẽ hồi sinh. Có lẽ em cũng thế, cũng sẽ như con rắn lột da, sẽ trẻ mãi nghe anh? Nhưng anh có cùng em hồi sinh hay không? Sao anh càng ngày càng gắt, càng khô, càng héo, từ khi mình đến ở nơi này. Tại sao thế anh? Tại chú thấy cháu không xứng đáng, hối hận vì đã sống với cháu như vợ chồng? Tại sao chưa chịu làm một đám cưới đơn giản gọi là…
Hay chú mang mặc cảm tuổi quá lớn so với cháu? Hay chú thấy không còn có thể hào hoa tài cán như xưa. Nay chú là con chim gãy cánh, con ngựa què, con gà mắc dây thun, con chó cụp đuôi, con … con gì nữa? Không phải, không phải thế đâu chú. Trường hợp của chú khác.
Em biết anh là người đầy tự tin, đầy bản lĩnh, nhận định hoàn cảnh nhanh chóng, luôn luôn ứng xử phải cách. Nhưng sao mấy tháng nay anh kỳ cục vậy? Hay anh muốn thử thách em? Thì cứ thử đi, việc gì phải cố thay đổi tính tình, phải quát tháo chửi thề luôn miệng, phải… tự xuống cấp. Anh cố tình mang một diện mạo gì đó mà em không hiểu nổi. Anh cố quên hết hào quang cũ đã tắt?
Và anh đang đóng trò. Anh cứ đóng trò ngay trong cuộc đời coi chừng có ngày anh sẽ biến thành vai trò anh đang đóng và anh sẽ không còn là anh nữa. Nhưng em có dám nói thẳng cho anh nghe ý nghĩ đó hay không? Hay em chỉ nên nói đến một chuyện nhỏ nhặt đang xẩy ra mỗi ngày? Rằng anh phải coi chừng cái anh chàng Cường. Nó không ngu ngơ như anh tưởng đâu. Nó không giống như mấy thằng em quen ở đảo đâu. Nó vậy mà không phải vậy. Nhiều lúc nó nhìn hung dữ như lửa cháy. Nhìn em. Có lẽ anh cũng đã biết tánh khí của nó, và anh đã nhiều lần bắt gặp cái nhìn của nó vào em, nhưng anh cứ vờ như không biết.
*
Bỗng một hôm. Trời hôm đó cũng mưa như hôm nay, mưa như thác đổ. Nhưng khác. Có trận mưa nào giống trận mưa nào đâu. Hôm đó, vì mưa anh cho nghỉ làm việc, mà cũng vì anh phải đến dự một phiên họp của cộng đồng.
Mưa dai dẳng, chuyện ít khi xẩy ra tại miền Nam Cali hạn hán này. Làm em nhớ. Những cơn mưa vội vàng ở Sài Gòn, ào ạt trong chốc lát rồi tạnh nhanh, những cơn mưa giầm kéo dài hàng tuần lễ ở Miền Trung, ở Huế, với tiếng ễnh ương dư hơi và buồn. Mưa êm đềm trên mái tranh, mưa lộp bộp trong vườn chuối, mưa rào rào trên mài tôn, mưa lang thang trên sông xóa nhòa những chiếc thuyền câu thành nhũng vết mực tàu nhòe nhoẹt.
Thì nó, Cường, tới. Ảnh nói:
“Tui có việc đi ngang qua đây, bị mưa, ghé vô đụt. Được không thưa bà chủ?”
Mình giật mình, nhưng trấn tĩnh được ngay. Mưa tạt vào ướt sàn nhà. Tới khép cửa và kín đáo quan sát. Chiếc áo đi mưa nhàu nhò, cũ kỹ, rách cả hai vai. Mưa thấm vào làm ướt đẫm áo quần bên trong. Qua đây bị mưa? Nói dối không giỏi. Cơn mưa đã đổ xuống từ sáng sớm cho mãi đến bây giờ vẫn chưa tạnh. Có lẽ đã đi lui đi tới nhiều lần, bây giờ mới dám vào chứ gì.
Anh ta ngang nhiên xuống nhà bếp lấy hai gói cà phê, đem bình thủy nước nóng lên, pha hai ly. Và ngồi vào bàn, mời mình cùng uống cho ấm bụng.
“Tui chán lắm rồi. Không muốn làm việc ở đây nữa.”
“Thì anh cứ xin nghỉ. Ông chủ có muốn cũng không thể giữ anh lại.”
“Đúng vậy. Tui đã bỏ đi mấy lần, rồi quay lại. Cô biết vì sao không?”
Mình buồn cười, cái tính đốp chát nổi dậy:
“Đó là chuyện riêng của anh, tôi có phải thầy bói đâu mà đoán mò.”
Hắn cúi gầm đầu, gằn giọng:
“Tui không giỡn với cô đâu.“
“Ô hay! Nhưng ông chủ không có nhà, anh ngồi lâu không tiện.”
“Cô chả biết cái gì cả. Để tui nói cho nghe, cô khỏi phải đuổi tui. Đẹp, trẻ, lại bám vào cái ông già khó tính, khó thương. Tui thấy tội nghiệp.”
Nói xong, anh ta đứng dậy, xông tới, nắm chặt hai cánh tay của mình, dằn mạnh xuống, rồi đi nhanh ra khỏi cửa. Cơn mưa đang trút xuống dữ dội. Mình bàng hoàng, tới khép cửa lại khóa chốt cẩn thận, định kiếm khăn chùi sạch chỗ sàn bị mưa tạt, thì lại nghe tiếng gõ cửa gấp. Anh ta lại quay lui? Mình tần ngần đứng trước cửa, không dám mở. Tiếng gõ càng gấp rút, tiếp theo là tiếng gọi to lẫn trong tiếng mưa rơi. Ô, giọng nói quen thuộc của anh. Mình mừng quýnh, mở cửa ra. Anh đội mưa lẳng lặng bước vào, đóng mạnh cửa, mặt tái đi vì mưa gió lạnh lẽo bất ngờ ngoài kia.
Đấy, tài xế của anh là như vậy đó, anh có biết không? Em có nên nói ra hết những gì vừa xẩy ra hay không? Nhưng phải chăng anh hết yêu em rồi, muốn em buông xuôi mọi chuyện, đi theo hắn? Tại sao vậy anh? Hay có lẽ anh nghĩ rằng chính bản thân em mới là quan trọng, em phải biết tự đề phòng lấy, tự quyết định lấy số phận, phải một mình vượt mọi nghịch cảnh? Làm như thế mới chứng tỏ được lòng dạ sắt son của em đối với anh? Đừng anh! Em đã thuộc vào anh từ lâu rồi, nhưng anh phải tiếp sức cho em với. Đừng để em một mình chống chỏi như hồi em còn ở đảo khi anh chưa đến. Em là đàn bà. Em yếu đuối mà anh!
Ngự Thuyết
—————-
[1] Tạm dịch:
Con đường dài và quanh co
Dẫn đến cửa nhà em
Sẽ không bao giờ biến mất
Con đường đó anh từng thấy.