Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng: Về nơi gió cát

Gởi anh Nguyễn Văn Dũng

Hình minh họa: AI generated. 

Thằng bé bước ra từ sau gốc cây vông đồng. Kiêm giật mình. Nhiều năm trước, ở chỗ này, trên đỉnh dốc gần cầu bắc qua sông Thạch Hãn, Kiêm nhìn thấy một con chim lớn bay về đậu trên ngọn cây. Cây vông đồng duy nhất trong thị xã bụi mù, tỉnh lỵ buồn hiu, địa đầu giới tuyến.

Anh không bao giờ nghĩ cái cây cao lớn ấy vẫn còn.

Nó vẫn còn.

Chào anh. Đừng sợ. 

Tôi có sợ đâu? 

Thế anh làm gì đây? 

Tôi về thăm lại thị xã. 

Trước anh ở đây à? 

Tôi sinh ra ở đây. Lớn lên ở đây. Đi học ở đây. 

Kiêm định nói thêm: nhưng tôi sẽ không chết ở đây đâu. Anh kịp dừng lại. 

Chẳng có kẻ nào muốn chết ở đây cả, thằng bé nhận xét.

Kiêm giật mình. Nó đọc được ý nghĩ của người khác, anh tự hỏi.

Chà, anh ở đâu về? 

Thằng bé gợi chuyện. Nó trạc tuổi mình vào năm ấy, Kiêm nghĩ, khoảng mười bốn. 

Kiêm trả lời. Thằng bé tỏ ra lơ đãng. Im lặng một lúc, hỏi:

Từ đó về đây bao xa?

Xa. Không đi bộ được. Tôi bay qua biển Đông về Sài Gòn. Đáp xe hỏa ra Huế, từ Huế đi tàu chợ. Xuống nhà ga kia.

Anh vừa mới xuống chuyến tàu cuối? 

Kiêm kể dự định. Thực ra anh chẳng có dự định nào cả. Anh không biết tại sao mình về đây. 

Em tên gì? Anh hỏi.

Tháng Tư.

Không, tôi hỏi tên họ của chú mi kìa?

Tháng Tư.

Cái chi?

Anh đưa tay ra cho Tháng Tư, tự xưng tên mình, theo phép lịch sự. Anh muốn hỏi Tư có nhìn thấy con chim ấy không. 

Anh chắc chắn đó là chim phượng hay chim hoàng bay về xây tổ, từ biển Đông. Từ một hòn đảo trong quần đảo giờ đã biến mất hoặc đã đổi tên. Bây giờ đứng đây, anh không nhìn thấy gì.  Đó là đoạn dốc cao gần cầu Ga, gió thổi lồng lộng từ bên kia sông Thạch Hãn, kéo theo những đám lốc bụi đỏ mù mịt do các đoàn công- voa không ngớt chạy qua, những chiếc GMC mui hẹp bịt vải chở binh lính, những thiết giáp M113 màu xám, Jeep sơn xanh nhỏ và thấp, xe tải thương về từ mặt trận Hạ Lào. Bây giờ anh bắt đầu nhìn thấy hàng phượng vĩ đỏ rực. Bờ sông cỏ lau trắng cao che lấp, nhưng Kiêm biết phía dưới là bãi cát vàng mịn nơi anh từng chơi bóng đá ngày hè rực rỡ đó. Những người mơ mộng không được sinh ra như thế, họ được nuôi dạy như thế. Người nào cũng xứng đáng được trở thành người mơ mộng, nhưng không phải ai cũng có may mắn ấy.  Thế giới là một dòng sông, nước luôn trôi chảy, nước thay đổi nhưng vẫn là nước, con người chết đi nhưng con người vẫn còn đó: chúng ta sống nhờ vào người khác. Giây phút này đây anh nghĩ tới đời sống như một trách nhiệm. Chính anh làm nên đời sống này. Kiêm hiểu anh đang thay đổi. Có những vỏ chai nước mắm và chai xì dầu, lon bia con cọp và bia 33 và lon Coca cola. Chúng bốc mùi vừa hôi vừa thơm, ngai ngái như mùi xác chết đã lâu, rã thành tro bụi.

Thượng đế đã chết. Đó chỉ là ý nghĩ, Kiêm không nói thành lời. 

Tháng Tư biết, nó quay lại:

Không. Thượng đế không chết.

Tại sao chú mi biết?

Con người phải yêu những thứ tạo ra mình. 

Kiêm đăm đăm nhìn Tháng Tư. Thằng này coi bộ thích triết lý như dân Quảng Trị. Nó gầy còm, xanh mét, môi khô, tóc vàng cháy, bên phải có lúm đồng tiền như anh ngày trước, nhưng của nó sâu hơn, vẻ mệt mỏi, lồng ngực xương sườn phập phồng. Một đứa trẻ kỳ quặc như tất cả những đứa trẻ của thị xã giới tuyến này, khó chịu nhưng tử tế, bất cần dửng dưng. Lực lượng Bắc quân, trong chiến dịch Xuân Hè 72, Easter Offensive, để chống lại kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh lợi hại của tổng thống Richard Nixon, riêng ở Quảng Trị, giai đoạn đầu gồm ba sư đoàn và hai tiểu đoàn đặc công, với các đơn vị pháo binh và hỏa tiễn và yểm trợ mạnh: đó là sư đoàn 304, có ba trung đoàn, tấn công phía Tây Quảng Trị, từ rừng núi; đó là sư 308, có ba trung đoàn, vào từ phía Bắc, hai tiểu đoàn đặc công 31 và 25 vào phía Đông Cửa Việt; đó là sư 324B di chuyển vào thung lũng Ashau gây áp lực lên Huế. Lực lượng Nam quân, không có sự tham chiến của quân Mỹ và Đồng minh như trước, nhưng có sự yểm trợ mạnh của phi cơ và pháo từ Hạm đội 7, với các đơn vị: giai đoạn đầu, sư đoàn 3 đóng tại Ái Tử, do chuẩn tướng Vũ Văn Giai làm Tư lịnh, trung đoàn 56 đóng tại Tân Lâm là căn cứ hỏa lực lớn nhất vùng giới tuyến, và trung Đoàn 57, các tiểu đoàn Biệt Động quân, về sau trong giai đoạn tái chiếm khi sư đoàn 3 đã bị giải tán, tướng Vũ Văn Giai bay về Sài Gòn và bị quân cảnh còng tay ngay ở phi trường Tân Sơn Nhứt vì tội chưa đánh đã chạy, trong giai đoạn tái chiếm 81 ngày, từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972, ngày Bắc quân rút khỏi thành Đinh Công Tráng về phía bắc sông Thạch Hãn, miền Nam ném vào lần lượt hai sư đoàn thiện chiến của họ, là sư đoàn Nhảy dù của tướng Dư Quang Đống, với ba lữ đoàn, về sau được thay thế bởi sư đoàn Thủy quân lục chiến của tướng Bùi Thế Lân, cũng với ba lữ đoàn. 

Một đứa trẻ làm cho chiều sâu của sự vật trở nên sâu thẳm hơn. 

Một đứa trẻ như một quê hương.

Nuôi sống một đứa trẻ thật không dễ dàng. Kiêm lặp lại Tháng Tư: con người phải yêu những thứ tạo ra mình. Sông suối, chim muông, gió cát, đồi sim. Thị xã nằm ở giữa huyện Hải Lăng phía Nam, huyện Triệu  Phong phía Bắc, diện tích tám ngàn hecta, dân số ba mươi ngàn người, phía Tây là đồi núi, phía Đông là bờ biển đẹp tuyệt, nhiều tôm cá, nước mắm Mỹ Thủy ngon nổi tiếng, phía Bắc là đồng bằng có nhiều vườn thanh trà và đồng lúa. Thị xã có đường thủy là sông Vĩnh Định và Thạch Hãn, vào Thuận An ra Đông Hà đều tiện. Nhờ hai con sông này mà thời tiết mát mẻ. Trận đánh kéo dài tám mươi mốt ngày đêm, giữa Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tấn công, và Quân đội Nhân Dân Việt Nam, quyết phòng thủ để giữ lấy Quảng Trị làm thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, nhưng về sau phải dời ra Đông Hà, là trận đánh lớn nhất của cuộc chiến tranh hai mươi năm, và không có quân Mỹ và quân đồng minh tham dự trực tiếp. 

Chỉ có người Việt mình chia phe đánh nhau. Thằng bé bỗng nói.

Kiêm nhìn nó. Lần này anh không ngạc nhiên, anh chỉ cảm thấy tức ngực khó thở. Không phải khi nào bạn đi xuống, đất cũng mở ra, có khi càng đi xuống, chỉ toàn gặp bóng tối. Ngực ép lại. Không khí càng lúc càng thiếu, bạn ngất đi. Kiêm muốn đi xuống.

Anh hỏi Tháng Tư có thể để làm người dẫn đường cho anh không.

Trước đây thì không.

Vì sao?

Vì em phải về nhà trước khi mẹ em nấu cơm tối và cho bọn gà vào chuồng. Nhưng bây giờ em ở một mình, tha hồ đây đó. Nó cười, khoái chí. Thằng bé dẫn anh đi. Anh đi bên nó như thế, cả hai im lặng, bây giờ anh nhìn thấy khuôn viên trường trung học Bồ Đề, tường xây cao, những dãy lầu có cầu thang xây bên ngoài trời, uốn lượn duyên dáng. Cỏ cao che lấp bức tượng trắng trong sân. Tháp nước vẫn còn, những hành lang gạch đá loang lở vì bom đạn. Kiêm muốn bước vào cổng trường, nơi ba anh từng dạy học ở đó. Trời sắp tối, mặt trời xuống thấp bên kia sông Thạch Hãn. Nhìn phía sau lưng trường Bồ Đề, dòng sông chảy êm đềm, mùa này nước cạn, những gò cát vàng nổi lên. Anh nhớ thời bé, những lúc bơi qua sông, đứng trên đó, quần xà lỏn, mình trần gió mát rượi, trong ngực anh niềm hạnh phúc của quê hương tự do đang đập đều nhịp. Đi thêm một lát, Kiêm gặp ngã rẽ, anh lúng túng, quên đường. Kiêm đã đi qua một đoạn dài từ Gia Long qua Phan Chu Trinh nối vào Trần Hưng Đạo, đi qua đường Nguyễn Hoàng ngắn và thơ mộng, dọc theo Quang Trung chạy thẳng góc với Gia Long. Trong lịch sử hai vị vua vĩ đại này chưa bao giờ gặp nhau nhưng họ căm ghét nhau và trả thù hèn mọn, bây giờ gặp nhau ở chỗ bờ sông mát mẻ, trong hoà bình, sau hiệp định Genève. 

Hãy tha thứ cho cha ông chúng ta: những kẻ vĩ đại và hèn mọn.

Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng thế giới sẽ thương xót chúng ta. Chúng ta hy vọng rằng một ngày kia câu chuyện của chúng ta sẽ được kể lại, sự thật sẽ được chạm tới, tro tàn của những người lính từ hai phía đã chết, vùi sâu dưới đất đá, sẽ được mang lên, về quê cũ, để những người sinh ra trên cánh đồng, trong khu vườn, trong ngõ hẻm, sẽ được trở về an nghỉ trên cánh đồng của họ, khu vườn của họ, ngõ thân yêu của họ. Chúng ta hy vọng những người mà chúng ta thương yêu sẽ nhìn thấy cuộc tìm kiếm của chúng ta. Trước hay sau gì lịch sử cũng nẩy tung tóe ra, sự thật chói lòa mặt đất chiếu sáng khuôn mặt chúng ta. Những người nghèo khổ nhất không phải là những người nghèo khổ. Những người nghèo khổ nhất là những kẻ không có tình yêu trong đời. 

Bây giờ thằng bé dẫn Kiêm tới sân vận động phía sau lưng trường Nguyễn Hoàng. Anh lắng nghe tiếng động của trực thăng lên xuống không ngớt chở lính bộ binh, biệt động, thủy quân lục chiến đổ vào các trận đánh tết Mậu Thân xuân 1968, Khe Sanh hè 1968, Hạ Lào hè 1971. Từ ngày 30 tháng 3 năm 1972, các mặt trận lớn cùng lúc mở ra, hai bên đều muốn giành thế mạnh cho hòa đàm Paris: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Miền Bắc tung vào chiến trường những học sinh trẻ tuổi, những sinh viên năm cuối của ba mươi trường Đại học, Cao đẳng, miền Nam tổng động viên ngay những học sinh Tú tài mà trước đó được tạm hoãn dịch vì thi cử. Cả hai bên ném xuống chiếu những con bài cuối cùng, vét sạch túi cho cuộc đánh cược số phận giữa lý tưởng cộng sản và lý tưởng tự do mà người Việt được ủy nhiệm. Trên chiến trường, Bắc quân được trang bị thêm tên lửa phòng không cầm tay Strela 2 và tên lửa chống tăng AT-3 Sagger, uy lực mạnh. Họ có tất cả 14 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập, gồm 200 ngàn quân, 322 xe tăng. Nam quân có trong tay khoảng 350.000 quân chủ lực, với 2.090 xe tăng, 1.700 máy bay. Tuy nhiên tình báo Mỹ và miền Nam đã sai lầm khi nhận định, như trong một tài liệu, ngay trước tháng 3 năm 1972: “cộng sản còn ở thế bị động về chiến lược chiến thuật và đang thiếu thốn trầm trọng, nhất là đạn dược, tinh thần cán binh giảm sút, tuyển mộ khó khăn, số hồi chánh tăng, mức độ hoạt động của cộng sản trong năm 1972 sẽ chỉ tương tự như 6 tháng cuối năm 1971.” Mở đầu, Bắc quân đánh vào trung đoàn 56 ở Quảng Trị. Trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng và trung tá Vĩnh Phong, trung đoàn phó, ra đầu hàng, mang theo 1.500 quân. Nam quân rút khỏi Mai Lộc, để hở hoàn toàn hướng Cam Lộ vào Đông Hà. Bắc quân lập tức bao vây Đông Hà, chiếm thị trấn này ngày 28 tháng 4, 1972. Ngày 29 tháng 4, Nam quân rút về phía Nam sông Mỹ Chánh. Bốn ngày sau, ngày 2 tháng 5, Bắc quân vào thị xã Quảng Trị, không gặp kháng cự nào. Mười ngày sau, ngày 12 tháng 4, mặt trận Bắc Tây Nguyên bắt đầu.

Anh đứng hồi lâu trước ngã ba Duy Tân. Bên tay trái của anh cỏ lau mọc cao ngất, lờ mờ hiện ra bãi đất trống, Kiêm ngẫm nghĩ, anh nhận ra giữa hai con đường Lê Thái Tổ và Trần Cao Vân chạy song song nhau là ty Thông tin. Ở đây, buổi chiều tan học, ra khỏi cổng trường Nguyễn Hoàng anh dừng lại, đứng bên đường nghe chương trình văn nghệ hồi chánh từ loa phóng thanh. Anh nhớ những người nói giọng Bắc hát rất hay như Đoàn Chính con trai Đoàn Chuẩn, giọng opera, nhớ Duy Khánh, lưu luyến, nhà cha mẹ của ca sĩ này chỉ cách đó vài khu phố, có tường gạch bao quanh, anh đi qua mỗi ngày. Một lần, năm mười ba tuổi, Khiêm đứng ở cột đèn ấy nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi của Phạm Duy phổ thơ Huy Cận. Đó là lần đầu tiên một chú bé nghe Lệ Thu, biết đến bài thơ ấy. 

Nắng chia nữa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu 

Tình yêu xuất hiện cùng một lúc với cảm xúc. Không một người nào muốn khổ đau nhưng chúng ta mạng hạt giống của khổ đau dân tộc trong trái tim mình, từ sinh ra. Chúng ta giữ thật chặt những người yêu dấu vào lòng vì sợ mất họ. Chúng ta giữ chặt tình yêu của chúng ta vì chúng ta sợ hãi cô độc. Nhưng rồi cuối một ngày, khi sự nắm giữ ấy trở nên quá nặng nề, con người đi vào giấc ngủ, buông tay. Có phải đến một lúc mà những người đánh mất tất cả như anh không nên sống lãng mạn, không nên mơ mộng nữa, và giã biệt giấc mơ đầu đời, đã từng có thật nhưng giờ đây vô vọng đến nỗi như không có thật, Kiêm tự hỏi. Anh dành hết cuộc đời để đuổi theo mọi thứ làm trái tim đau đớn của anh sôi nổi lên, làm tâm hồn đầy bóng tối của anh phát sáng lên. Thực ra, đó là hạnh phúc hay khổ đau, anh không biết. Kiêm nhìn thấy nó, cái thành cổ nổi tiếng, thành Đinh Công Tráng, một căn cứ quân sự vững chãi, xinh xắn, im lìm sau những bông sen nở đầu mùa hạ làm đỏ mặt nước, như những giọt máu báo hiệu. Quảng Trị nhập vào Việt Nam từ năm 1069, khi vua Lý Thánh Tôn thân chinh đánh Chiêm Thành bắt được vua Chế Củ; để chuộc mạng, vua dâng ba châu Ðịa Lý, Ma Linh, Bố Chánh, tức Quảng Bình và một phần Quảng Trị ngày nay. Hơn hai thế kỷ sau, năm 1306, Huyền Trân Công Chúa được gả cho vua Chế Mân, đem về hai châu Ô và Lý. Hai châu này sau được đổi thành Thuận Hóa. Các quận Triệu Phong, Mai Lĩnh và Hải Lăng là đất châu Hóa thời nhà Trần. Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1588, lập dinh tại Ái Tử. Quảng Trị có nhiều di tích như đền Trần Nhật Duật, thành Tân Sở của hịch Cần Vương 1885, nhà thờ La Vang, cổ thành Ðinh Công Tráng, ngọn núi bạt ngàn mai trắng được gọi là Mai Lĩnh. Thành cổ Ðinh Công Tráng được xây từ năm 1823 thời vua Minh Mạng, chu vi 481 trượng 6 thước, cao 1 trượng, dày 3 trượng, có 4 cửa, chung quanh được bao bọc bởi vòng hào, rộng 4 thước, sâu 8 thước. Trước đây, thành cổ là doanh trại của sư đoàn 101 Kỵ binh bay của Mỹ. Từ năm 1972, quân Mỹ rút về nước, bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 đóng ở đây. Từ đường Trần Cao Vân, Kiêm rẽ vào ngôi chùa nhỏ, một cái am, trước sân có tượng Quán Thế Âm giữa những bụi hoa mộc, hương thơm lan mặt đất. Trở thành chính con người của chúng ta, sau khi bạn trải qua biết bao nhiêu mất mát, hối hận, nhầm lẫn, trở thành hôm nay, bạn thật may mắn xiết bao. Anh sẽ không tìm thấy một tình yêu toàn hảo nhưng anh sẽ tìm thấy một tình yêu có thật. Anh sẽ không tìm thấy một quê hương toàn hảo nhưng anh sẽ tìm thấy một quê hương bao dung, chờ đợi. Anh ngồi xuống đó, trên hàng hiên mát lạnh của chùa, ăn bữa trưa, ổ bánh mì xá xíu của ông già Tàu đẩy xe, gối đầu lên tập sách và ngủ một giấc trong tiếng chuông chùa gió mát, trong bài thơ của Tuệ Sỹ mở đầu tập sách. 

Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Mai mùa thu rồi mốt cũng mùa thu

Hãy tập tha thứ cho chính mình về những sai lầm không thể tha thứ được. Hãy tập tha thứ cho người khác về những lỗi lầm không thể giải thích được. Hãy tha thứ cho con người vì đã mang trên vai tình yêu nặng nhọc của họ, và đã đành đoạn đặt chúng xuống vì quên lời thề, đã ở lại, đã bỏ đi, đã quên, đã xóa bỏ như xóa một chữ trên trang viết. Kiêm hiểu anh đã từng bỏ đi, anh không thể sửa chữa được. Có những vết thương không bao giờ lành. 

Đôi khi yêu một người, bạn phải yêu từ rất xa.

Tháng Tư im lặng đi theo anh như một cái bóng. Anh hỏi nó, vị sư trụ trì cái am ấy, mà mẹ anh gọi bằng cậu, số phận về sau ra sao? Thằng bé trả lời: sư ông ở lại, không vào Huế. Anh thầm nghĩ: và sư ông đã chết, nhưng không nói ra.

Tháng Tư nói: dạ, ôn đã chết. 

Nỗi uất nghẹn trào lên. Nhưng anh giận ai? Anh chẳng giận ai cả. Anh biết con người cần phải chống lại sự đau khổ. Có hai cách để chống lại đau khổ: khóc và giận dữ. Từ mái hiên của cái am nhỏ, anh nhìn thấy những đứa học sinh trạc tuổi anh từ các trường ùa vào bàn bi da bên kia đường, những trái bóng xanh đỏ, cứng, đẹp, lăn đi trên thảm nhung. Một trái rơi xuống sàn nhà, lăn ra đường, trái bóng màu xanh, anh chạy theo nhưng không thể nào bắt kịp, nó lăn mãi, lăn mãi, lăn mãi. Giờ đây anh xuống chùa Tỉnh hội, trên bờ sông, sau lưng chùa là xóm Âm hồn, có những bãi tha ma nơi anh từng băng qua đó chiều tối vừa đi vừa chạy sau khi đến thăm nhà cô bạn gái ở Hạnh Hoa thôn. Con đường dài nhất, đường Gia Long ven bờ sông, chạy từ Như Lệ xuống cầu Ga, băng qua quốc lộ một, chạy song song với đường Trần Hưng Đạo, có những hàng cây cao lớn, cây sanh, cây trứng cá, dương liễu, hàng phượng vĩ đỏ rực đốt lửa cho mùa hè, cho con sông gió thổi miên man tung mù gió cát. Sông Thạch Hãn thật đẹp. Dù trên đời có những con sông đẹp hơn thế nữa, thì con sông quê hương anh vẫn đẹp nhất, đau đớn nhất, chết chóc nhất, rồi đây sẽ đầy máu, mặc cho tiếng chuông từ chùa Long An tả ngạn chùa Tỉnh Hội hữu ngạn ngân nga vọng lại. Dòng sông chạy vòng qua chợ Sãi một thời ríu rít nem bánh ướt, đổ vào sông Vĩnh Định để chạy vào Huế, mang theo chuyến đò đọc đêm trăng. Thị xã nhỏ xíu đi một hai giờ là hết, thế mà hai người đi mãi, lầm lũi trong đêm, Kiêm cố nhớ những tên đường cũ. Khi nào anh quên thì Tư nhớ, nó nhớ từng chi tiết. Đôi khi bạn cũng cần thu mình vào bóng tối, tránh mặt cuộc đời, đôi khi bạn cần nghỉ ngơi. Không phải chỉ là nghỉ ngơi từ công việc, mà nghỉ ngơi cả những xúc cảm: yêu thương và đau đớn, suy tư và kỳ vọng. Cần có dũng cảm để dừng lại. Con người thử dịu dàng với chính mình. Bây giờ trời đã tối, nhiều người đi ngủ sớm. Bọn trẻ học bài dưới bóng ngọn đèn dầu ở ngoại ô, ngọn đèn đường gần bờ sông.  Trước hàng rào kẽm gai, một người lính mang súng đi đi lại lại, một đôi tình nhân đi chơi về muộn. Ngọn đèn hỏa châu sáng bừng góc trời một lát rồi tắt. Người yêu quê hương đã đi ra khỏi mảnh đất của những hận thù dai dẳng mà vẫn muốn trở về. Người nông dân muốn cày lại thửa ruộng của mình. Người thợ sửa đồng hồ muốn ngồi lại cái ghế vải nhỏ thấp của mình sau tủ kiếng bày đồng hồ cũ và mới. Lò bánh mì chiếu sáng nhấp nhô bóng những đứa trẻ bán bánh mì đứng trước cửa sổ với bao tải lớn đựng bánh nóng mới ra lò. Con chim về ngủ muộn biến mất trong bụi cây chỗ anh đứng. Có khi họ gặp khoảng sân lớn, cỏ mọc um tùm, đứng hồi lâu, Kiêm không nhận ra được là đâu. Nhiều năm sau, trong một giấc mơ, anh nhận ra đó là rạp Đại Chúng, nơi anh đến xem cuốn phim đầu tiên cùng với mọi người, ba anh đi trước, mẹ theo sau, mọi người vừa coi xong bộ phim Hai quả bom nguyên tử trên đất Nhật, ba anh bắt đầu nói về chiến tranh và hòa bình, mẹ anh kêu lên từ phía sau vì hai đứa con trai băng qua đường ngay trước mặt một chiếc xe cam nhông, những người chị nói về bè bạn của họ, đêm ấy trăng sáng gió thổi rờn rợn mặt nước. Thế rồi Tư nhìn thấy một góc tấm bảng bằng kẽm màu trắng hoen rỉ nhô lên trên mô đất phủ cỏ, nó kéo mạnh, cái bảng tuột ra dễ dàng. Kiêm lật mặt sau, thấy ghi dòng chữ sơn xanh:

Quán Văn
55B Quang Trung- Quảng Trị
nơi gặp gỡ của những người trẻ
chỗ ngồi của người thích nghe nhạc tiền chiến

Khi bạn đánh mất một điều gì, bạn lập tức nghĩ tới nó. Khi bạn nghĩ tới nó ngày này qua ngày khác, nó trở thành nỗi ám ảnh, nỗi ám ảnh cùng với thời gian trở thành âm nhạc, nhưng âm nhạc không phải là hiện thực. Lòng thương tiếc làm cho kẻ mất mát không sống với hiện thực. Những người ấy nghĩ đến sự ra đi, sự trở về, họ không sống với thực tại, như khi bạn sắp ra phi trường, bận nghĩ tới chuyến đi và để mặc những thứ còn lại nằm lăn lóc trên sàn nhà: áo quần, sách vở, giày dép. 

Người ly hương sống với dự định. 

Hai người đi thêm nữa, vượt qua cổng bệnh viện, một chiếc xe Jeep đậu bên đường không người. Kiêm rẽ phải, đi qua những đống rác cao ngang đầu, mùi cá tanh, hàng quán, mùi đậu hũ chiên, mùi cá nướng, anh biết đang đi vào chợ tỉnh. Anh nhìn thấy bảng hiệu nhỏ, bên kia đường, của ảnh hiệu Lido. Kiêm chụp một bức hình đen trắng ở đó, năm anh mười tuổi, trong dịp làm căn cước đi thi tiểu học. Thật đẹp, cái cách mà chúng ta xuất hiện trong đời. Một thằng bé xuất hiện trong cõi, mặt mũi xấu xí nhưng bụ bẫm, má lúm đồng tiền một bên, mặc áo sơ mi kẻ sọc, ghi dấu sự có mặt của mình với thẻ căn cước lớp Nhì. Đứng không chớp mắt trước nguồn sáng, rụt rè, nó nghĩ, thật đẹp cuộc đời chúng ta được sống một lần hư huyễn trên quê hương, được sống một đời sống mà nay kể lại không còn ai tin được vì họ chưa bao giờ thấy. Rồi ra, bạn cũng chẳng bao giờ tìm được một tình yêu toàn hảo, nhưng chắc chắn bạn đã có một tình yêu thực sự với đất Thuận Hoá. Châu Thuận là Quảng Trị, châu Hóa là Huế. Năm 1906, ở châu Thuận toàn quyền Pháp Jeanpeou thành lập thị xã Quảng Trị như ngày nay. Kiêm biết anh đang đứng ở vị trí kỳ lạ, điểm giao thoa của thời gian. Phía sau lưng anh muồng đen ra trái đầu mùa, ngắt thử một cái, còn chua loét, Kiêm nhắm mắt. Anh nằm xuống, trúng độc, thiếp đi. Nửa đêm, trăng sáng hơn, Kiêm thức dậy. Anh nhớ thằng bé. Bạn ở đâu? Kiêm hỏi lớn. Im lặng. Một cái bóng di chuyển phía trước. Kiêm sợ hãi, lùi lại, nhưng lưng anh chạm cột đèn. Cái bóng ấy không phải là người, chỉ là do ánh trăng chiếu xuống từ một cây sầu đông. Anh kể lại cho Tháng Tư khi nó từ xa trở lại. Không thể nào có được, thằng bé nhận xét. Không còn một cây cối nào sống sót trong thị xã. Kiêm nói thêm, anh còn nhìn thấy những hàng phượng vĩ. Đó là vì ánh trăng, mặt trăng ở đây đỏ như máu, thằng bé nhận xét. Họ đi qua một cái vòm cổng có hai cột lớn, quét vôi trắng, trên vòm cổng có dây leo vàng. Vừa bước qua cổng, Kiêm chạm phải đống gạch đá. Tháng Tư cúi xuống. Nó đi xuống. Nó tìm thấy dưới đống gạch đá mấy tờ tạp chí còn gần nguyên vẹn, chữ lờ mờ nhưng đọc được dưới ánh trăng. Trên một trang, có lời kêu gọi đóng khung hình chữ nhật trang trọng:

những người làm thơ sẽ
lại gặp nhau giữa mùa gió cát
trong
Tuyển Tập Thơ Mùa Hạ
Do ban báo chí Trung-học Nguyễn – Hoàng thực hiện

Đôi khi bạn thất tình: bạn sống quá lâu trong tình yêu của mình khi lẽ ra bạn phải rời bỏ nó rồi. Đôi khi bạn đặt kỳ vọng quá nhiều vào một người nhưng người đó rời bỏ bạn. Đã chết. Đôi khi bạn sống quá lâu bên mộ người yêu dấu. Bây giờ, hãy buông ra. Kiêm biết, anh không làm được. Rồi cuối cùng của một ngày con người cần đến nhau. Bạn phải trở về căn nhà của mình, tiếng nói vang lên. Anh biết tiếng nói ấy đến từ phía Tháng Tư. Anh nhìn nó, nhưng thằng bé không nghoảnh mặt lại, ra vẻ chăm chú tìm kiếm thứ gì. Anh là người đáng yêu thế, anh hãy trở lại căn nhà của mình ở xứ tuyết, mùa hè này tuyết chưa tan và lắng nghe tiếng lạo xạo của những chú sóc trên cây sồi, khi ấy anh hãy nhớ đến em, Quyên nói. Anh nghe tiếng nói của người thiếu nữ. Tình yêu là một nụ cười thoáng qua trên khuôn mặt từ cuối phòng kia, giữa đám đông. Giờ đây anh muốn cô độc ôm lấy vết thương của mình. Khi bạn già đi, mọi thứ đều lắng xuống, những mối quan hệ. Kiêm nghĩ, anh xứng đáng hơn thế. Ý nghĩ của anh vang lên. Đây là ngôi trường cũ, Tháng Tư nói. Kiêm nhớ lại, đúng vậy, cái vòm cổng này. Sân trường. Sân bóng rổ. Nhưng sao có đống gạch đá? Anh nhìn quanh, ngẫm nghĩ, dưới ánh trăng bạc, những mái nhà thấp, mái ngói, mái tôn. Nếu là trường học sao những ngôi nhà thấp thế này, anh tự hỏi. Tháng Tư đi vòng quanh đống gạch đá, cỏ dại mọc cao, bông chúng trắng xóa lẫn vào ánh trăng. Anh đi xuyên qua phòng Tổng giám thị, vòng ra sau phòng Hiệu trưởng, nơi anh chưa bao giờ dám bước vào, trừ lần duy nhất khi thi đỗ Đệ thất, được thầy hiệu trưởng gọi lên khen thưởng. Băng qua sân bóng rổ, cột cờ, có lá cờ vẫn còn bay phần phật, đỏ như máu, rách tươm, anh ngoái nhìn nó một lần nữa, lá cờ ấy bây giờ được gió thổi tung lên, căng phồng ra, bị gió xé rách thêm một lần nữa, rồi nó rủ hẳn xuống, rủ xuống nữa, như một giọt lệ. Anh thong thả bước qua bậc tam cấp vào dãy lầu có thư viện của lớp Đệ tứ, cầm trên tay cuốn Cõi Thơ do Lá Bối in màu vàng trên giấy đẹp, đứng ghé đọc bên cửa sổ, và giáo sư quản thủ thư viện bước tới, liếc nhìn cuốn sách, thầy mỉm cười với anh, nụ cười trong suốt buồn buồn của một người biết mình sắp chết, mấy tháng sau. Dòng sông được nhớ lại bởi bầy cá, hay bầy cá được nhớ lại bởi dòng sông. Đôi khi trong đời bạn biết bạn cần sự giúp đỡ, sự giải thích, cần câu trả lời, nhưng bạn không nhớ câu hỏi. Xem xét một hồi, Tháng Tư bảo: ở đây người ta chôn cất những người chết. 

Ai chết?

Lính của hai bên. Dân thường kẹt lại. Lính của sư đoàn Dù, sư đoàn Thủy quân lục chiến, liên đoàn Biệt động quân. Lính của trung đoàn Tam Đảo, của sư đoàn Sao Vàng. Sao người ta không mang xác của họ lên? Kiêm hỏi.

Em không biết. Em nghĩ người ta không biết điều ấy.

Người ta không biết có người chết chôn ở đây?

Không. Nếu biết, người ta đã mang đi.

Đúng rồi, đã gần một thế kỷ. Kiêm nghĩ đến một người lính từ miền Bắc đã đến đây, mùa hè ấy. 

Thành cổ nát tan tành cùng hàng phượng dọc đường Nguyễn Hoàng mà em vẫn hát Diễm xưa
Hương ơi! áo dài trắng cây ghi-ta bé bỏng
Chai la-de đầu tiên anh uống cùng đá lạnh tanh nồng mùi máu, mùi xương

Em còn trên đời không hay đã nát tan cùng những mảng tường
Trường Bồ Đề hay đã chết sập hầm trước toà nhà tỉnh trưởng
Cái giọng khàn khàn giai điệu lạ lẫm
Đã hoà em vào trong ký ức của anh

Hoà cả mùa hạ 72 cùng đồng đội trẻ măng
Những binh nhì hy sinh ngày lính mới
Mưa vẫn hay mưa nắm cơm thiu vắt vội
Diễm xưa Quảng Trị xưa mùa hạ xưa
Còn mất đến bao giờ?

Bài thơ Mùa Hạ Diễm của Nguyễn Thụy Kha. Anh nhớ đến cô gái học cùng lớp thời tiểu học, lên trung học hai đứa học cùng năm nhưng khác lớp, vẫn chơi với nhau. Anh nghĩ: nhà Quyên ở đâu?

Anh hỏi gì? Tháng Tư hỏi.

Nhà của Quyên? 

Thằng bé im lặng. Vào lúc ấy, anh cảm thấy khát. Kiêm muốn tìm một cốc nước. Anh không nhìn thấy nước đâu cả. Anh hỏi Tháng Tư. Thằng bé ngần ngừ. Nó chưa trả lời. Thị xã bây giờ hiện rõ trong mắt hai người. Một thành phố xinh đẹp, hệt như trong trí tưởng tượng của anh. Một giấc mơ đầy màu sắc. Những con đường sạch đẹp nhưng giờ đây Kiêm nhìn thấy những chiếc xe đạp, xe Honda 67, Dame, GMC lớn, có thể chở cả một thiết giáp M113, đỗ trên đường, không ai lái. Cỏ dại mọc cao ngang đầu từ ngày 30 tháng 3 năm 1972, cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1973, khi ký hiệp định Paris. Về phía Bắc quân, dù chịu tổn thất mỗi ngày một đại đội phải rút khỏi Thành cổ Quảng Trị để Nam quân tái chiếm, đã kiểm soát được tất nhiều vị trí chiến lược khác, ví dụ cảng Cửa Việt, nơi nhận viện trợ từ miền Bắc. Tuy nhiên, việc họ không chiếm được An Lộc và Kontum mùa hè ấy cũng khiến cho phái đoàn Hà Nội tại Paris phải nhượng bộ, rút lại yêu sách dứt khoát loại bỏ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chấp nhận trên nguyên tắc để ông tiếp tục nắm quyền, cho đến khi tổ chức tuyển cử thành lập chính phủ ba thành phần, theo hiệp định Paris. Việc miễn cưỡng để lại tổng thống Thiệu hóa ra là một ván bài may mắn của Hà Nội, vì ba năm sau, chính vị tổng thống này đã liên tiếp đưa ra những mệnh lệnh rút quân quái gở hỗn loạn, trực tiếp dẫn đến sụp đổ.

Đã quá nửa đêm. Thư trả lại. Người nhận thư đã mất.

Anh ra hiệu cho Tư đi chậm. Anh quay lại, đi ngược con đường của mình. Rõ ràng anh vừa nhìn thấy hàng chữ ấy. Thư trả lại. Người nhận thư đã mất. Anh không nhìn thấy gì. Bên tay trái của anh có một bức tượng Đức Mẹ, màu trắng, bên tay phải, ở giữa vườn chuối, một bức tượng khác. Nhưng anh không thể tìm ra hàng chữ ấy nữa.  Kiêm bỏ cuộc. Anh đã bỏ cuộc nhiều lần. Anh đã để Quyên ở lại. Ra đi một mình. Chạy trốn. Thật khủng khiếp. Làm sao anh có thể để cô ấy ở lại?

Sao không có người nào ở đây cả? Kiêm hỏi, nhìn vào mặt thằng bé. Tháng Tư quay đầu đi. Có nhiều người ở quanh đây, nó nói. Sao tôi không nhìn thấy họ, anh hỏi. Trăng sáng quá, Tư nói. Kiêm không biết đó là lời nhận xét hay câu trả lời.  Anh lặng lẽ tìm cách tiến đến gần Tư, cố gắng chạm vào người nó. Anh chưa bao giờ làm thế cả. Có một con chim vừa bay ngang trời kêu thật gần, ngay trên đầu họ. Đó là con vạc ăn đêm. Không, là chim phượng hoàng. Không. Kiêm ngần ngừ một lúc, nhưng tiếng kêu của con chim lẻ loi bay qua làm anh trở nên bạo dạn. Tôi có một người bạn thời thơ ấu. Cô ấy nằm lại ở đây. Nó hỏi: tên gì? Kiêm nói: Quyên. Anh nói cả họ của cô. Tháng Tư im lặng một lúc. Em không biết. Nhưng họ biết. Họ là ai? Tư không trả lời. Nó dẫn anh đi thêm một đoạn đường nữa. Khi Kiêm cảm thấy bắp chân đau đớn, cảm thấy mình đã sống không xứng đáng, anh biết rằng anh đã đặt mình vào một hình ảnh lý tưởng, đôi khi từ một người khác. Nhưng Quyên có bao giờ muốn anh sống lý tưởng thế đâu, cô chỉ muốn anh hạnh phúc. Quyên nói: đừng bao giờ đặt hạnh phúc của anh vào tay kẻ khác. Đừng bao giờ sống trong kỳ vọng của người khác. Bạn xứng đáng được sống một cuộc đời khác biệt sau khi đã mất tất cả. Nhiều người làm được thế. Bạn xứng đáng có những giây phút trong sạch, vô tư, của chọn lựa. Nhưng bạn không bao giờ được quyền chọn lựa. Mặt khác, bạn đã sống một cuộc đời đầy cảm hứng. Cảm hứng ấy sinh ra từ đâu, nếu không phải là từ lòng hối hận, sự mất mát, thương xót. Quyên bảo anh: đừng đánh mất chính mình vì đem lòng yêu một người nào. Nhưng yêu một người nào là cách tồn tại duy nhất của một tâm hồn. Anh không biết có một cách tồn tại nào khác. 

Đập Đá, ngày… tháng 4 năm 1972.

Quyên,

Anh vào đây được năm ngày. Anh đã nhận thư em, đóng con dấu bưu điện thị xã chỉ một ngày sau khi anh tới chào em và hai bác. Anh phải vào đây để tiếp tục việc học, chuẩn bị thi tú tài, nếu đậu sẽ được hoãn dịch. Anh không muốn đi lính.

Nhưng nếu anh bị gọi thì sao? Có lần Quyên hỏi, khi hai đứa ngồi bên nhau.

Nếu bị gọi thì anh sẽ nhập ngũ.

Sao anh không trốn lính?

Bằng cách nào?

Nhịn ăn, uống thuốc xổ, núp trên gác trần nhà, trốn vào tu trong chùa?

Anh không thể sống hèn nhát.

Thư viết tiếp: Anh ở Thành nội và Đập Đá, mấy dì và các em thương anh lắm, cho ăn uống đầy đủ, ngủ giường chiếu riêng, em không phải lo. Nhưng anh nhớ nhà, nhớ trường, bè bạn. Anh nhớ em. Nghe nói chiến sự đang lắng dịu, anh sẽ trở lại thị xã khi nào tình hình cho phép, chắc là nội trong tháng Tư này mà thôi. Em nhớ giữ sức khỏe, học giỏi, ngoan. Tái bút: Anh để dành tiền mua cho em một cặp nón bài thơ thật đẹp có lồng hình sông Hương núi Ngự. 

Vào những khoảnh khắc, đúng ra người ta phải đau khổ thì anh cảm thấy hạnh phúc. Anh biết những khoảnh khắc ấy: tựa như khi tới gần một cánh cửa. Nước mắt sẽ nhớ lại khuôn mặt em hay khuôn mặt em sẽ nhớ lại nước mắt. Có những mùa, khi thời gian dịch chuyển. Khi vật chất và tinh thần giao nhau, khi tình yêu quá lớn và anh không thể nào một mình ôm giữ nó, tình yêu sẽ bùng phát như hoa. Tình yêu mà bạn xứng đáng được nhận sẽ đi tìm bạn, chọn bạn, sẽ chiến đấu vì bạn. Tình yêu ấy đến mà không cần lời xin lỗi, lời tha thứ, đến trong khu vườn ấm áp, trong nghĩa địa băng tuyết. Đời sống thực lý thú hơn tiểu thuyết, phong phú hơn, đau đớn hơn, sảng khoái hơn. Kiêm không thể sống mà không có tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết mà anh tự viết cho mình, là tác giả và là độc giả, không có một người đọc nào khác. Trong cuốn tiểu thuyết ấy, nhân vật chính của anh bao giờ cũng đáng yêu, bao giờ cũng là kẻ đánh mất, thua cuộc, đầu hàng, rời bỏ. Đời sống hôn lên trán anh trong khi anh đang ngủ, nhưng trong giấc ngủ, trong giấc mơ của nó, anh lại chạy đuổi theo một điều gì khác, ngoài đời sống thật. Trong khi đời sống lại ngồi chờ anh ở chân giường, kiên nhẫn và tha thứ, mang lại ý nghĩa cho tồn tại. Ý nghĩa của tồn tại mà nó mang lại cho anh là sự hòa giải đối với quá khứ, là tự do cho dân tộc trong tương lai. Chúng ta sống như những người nhận được lời ước về cuộc sống của mình, hữu hạn nhưng đầy ý nghĩa, độc lập nhưng nối kết, trong một tình yêu mà chúng ta tin là có thể kiểm soát được. Nhưng tình yêu không thể kiểm soát. Thứ mang lại cảm hứng cho đời sống mà Kiêm nhận được không bao giờ anh có thể kiểm soát. Tâm hồn anh không bao giờ im lặng, không nhỏ lại, không khôn khéo, nó lên tiếng vào những lúc bất ngờ. Nhưng nhờ nó mà mỗi ngày của anh là một quà tặng, sự nhớ lại của anh trở thành hiện hữu. Kiêm nghĩ: người mà anh để mắt tới sẽ trở lại tìm anh, sao anh có thể gọi đó là mất mát. Tình yêu ấy đang ở bên anh, trong cuộc chiến đấu mỗi ngày trong ký ức và trong thực tại, dịu dàng, quyết liệt, đi cùng anh tới cuối đường. Ngay cả khi anh không xứng đáng với nó, tình yêu ấy cũng trở lại. Bây giờ hai người vào trong sân trường, đi qua dãy nhà thấp, lợp tôn, rồi họ vượt qua hàng rào vỡ nát, dây bìm bìm giăng đầy, ra khỏi khuôn viên trường, băng lộ, bây giờ Kiêm nhìn thấy một nghĩa địa mênh mông. Những ngôi mộ màu trắng nằm chi chít bên nhau. Giữa chúng là những bụi rậm, trổ hoa nguyệt quế trắng, thơm. Kiêm cảm thấy mỏi chân, anh hỏi: em không mệt sao? 

Không có tiếng trả lời. Anh quay lại.

Thằng bé biến mất. Gữa hai ngôi mộ.

Kiêm ngồi bệt xuống, người rũ liệt. Khoảng nửa đêm, anh giật mình thức dậy. Trong túi áo sơ mi của anh, bức thư viết cho Quyên chưa gởi đã ướt sương. Sương đêm hay là nước mắt từ ngày lưu lạc. Xung quanh anh những bông hoa nở trắng xóa rơi lả tả trên những ngôi mộ. Anh nghĩ anh đã chết, đã qua một thế giới khác. Có một hồi chuông lảnh lót từ tháp chuông nhà thờ. Nhớ ra Tháng Tư đã biến mất, anh đi quanh, cúi xuống nhìn thật kỹ. Có một vật màu xám đen nằm trên cỏ. Đó là chiếc áo sơ mi của Tư mặc hồi chiều, chiếc áo bỗng đổi màu từ xám đen trở nên trắng dần rồi trắng toát. Anh không tin ở mắt mình, cái áo di động chậm chạp, nhưng trời không có gió, nó cuộn lại như một bông hoa, nở ra như một bông hoa, bay lên như một bông hoa, anh biết Tháng Tư muốn từ biệt. 

Anh nghĩ rằng nó sẽ trở lại. 

Nguyễn Đức Tùng