Truyện ngắn Từ Thức: Tôi
N. hẹn sẽ gọi khi trở về Paris. Tôi có thói quen không trả lời điện thoại vì, với đàn ông, nói chuyện qua điện thoại là một cực hình, câu chuyện không ra khỏi ”oui, non, ờ, vậy hả ?, OK’‘, nhưng ngày đó ngồi, nằm, đi lại, đánh răng hay tắm rửa, lúc nào cũng rình chuông điện thoại.
Suốt ngày N không gọi. Gọi, N không trả lời.
Đâm lo. Đời sống thiếu gì những bất trắc. Hôm qua truyền hình loan tin một trực thăng rớt xuống một tiệm ăn. Một xe lửa trật đường rầy. Những người đàn bà bị bắt cóc khi chạy jogging. Hàng ngàn người ở Á Châu vào nhà thương vì ăn lẹ, nghẹn cơm. Cuộc đời không phải là một con sông êm đềm
Đi ra đi vào không yên, bồn chồn, lửa đốt trong bụng.
Gởi cho N. vài cái SMS, vẫn không thấy tăm hơi. N. ở trong một tình trạng không thể xử dụng điện thoại di động?
Mở laptop, tính viết cho N. một e–mail. Ngạc nhiên thấy hộp thư trống, không nhận được một cái mail nào.
Tôi có chân trong hai ba nhóm, hoặc hoạt động nhân quyền, hoặc trao đổi văn hóa vớ vẩn, mỗi ngày nhận được hai ba chục e–mails, chưa kể tin tức bạn bè, hay quảng cáo của những anh muốn bán nhà, bán xe, bán thuốc hôi nách, bổ tim, trị tiểu đường. Ngày nào cũng có anh muốn đè mình ra làm thịt. Mỗi ngày, lướt qua những cái tựa, xóa bỏ không xuể những cái mails vô thưởng, vô phạt, vô duyên.
Hôm nay, tuyệt nhiên không có một nửa cái mail. Kiểm soát, laptop chạy bình thường. Gọi cho một người trong nhóm, anh ta cho hay là vẫn nhận được hàng chục cái mails như mọi bữa.
Xuống dưới hall, mở hộp thư. Trống trơn, không có cả một tờ quảng cáo pizza hay thịt đông lạnh. Hôm nay thứ Năm, đáng lẽ hộp thư đầy những tuần báo : L’ Obs, Le Point, L’Express…
Ghé qua người gác-gian (gardien), hỏi người phát thư đã tới chưa, anh ta nói y đã qua từ sáng sớm. Và hỏi lại : Ông là résident (người cư ngụ) ở đây? Nói anh đùa có duyên tệ, tôi ở đây từ mười năm nay. Monsieur Tran, lầu bốn. Ngày nào tôi không gặp anh ta ở hall, trong thang máy, bonjour, bonsoir…Noël nào cũng không quên một bao thư tiền lì xì Giáng sinh, merci loạn cào cào. Nhưng anh gác-gian trố mắt nhìn, bỡ ngỡ.
Trở lên phòng, tính gọi điện thoại cho một người bạn, kể những chuyện kỳ cục từ sáng, nhưng cả điện thoại di động lẫn điện thoại nhà đều bị cúp, im ỉm như những củ khoai tây.
Mặc vội quần áo, ra văn phòng của hãng điện thoại Orange.
Cô nhân viên Orange coi cái điện thoại di động của tôi, đưa lên tai nghe, lắc đầu, thay batterie, lắc đầu. Nói: Xin ông cái “carte d’identité” (thẻ kiểm tra), tôi coi hồ sơ xem sao. Mở ví, không thấy thẻ kiểm tra. Không thấy giấy tờ gì, kể cả bằng lái xe, thẻ bảo hiểm nhân sinh, danh thiếp. Cái danh thiếp kê khai những nghề nghiệp, bằng cấp có thực hay tưởng tượng, theo tục lệ của người Việt.
Viết tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, đưa cho cô Orange. Cô ta cầm tờ giấy, lúi húi tra khảo cái computer, cuối cùng ngẩng lên, hỏi:
– Ông có chắc ngày sinh tháng đẻ là ngày này?
– Đó là điều duy nhất tôi chắc chắn.
– Không thấy tên ông trong danh sách Orange.
Tôi nói cô nói đùa, tôi ở Orange từ tám năm nay, tháng nào cũng trả tiền sòng phẳng, mặc dù Orange chém vô tội vạ. Có hồi tôi ở Stockholm cả tháng, quên điện thoại di động ở nhà, lúc về vẫn trả tiền điện thoại, tốn kém như một người đàn bà lắm điều. Như một người đàn bà.
Cô Orange chỉ cái computer, nói: ông coi, có mấy chục Ông Trần, không có tên của ông, tôi thử tìm bằng ngày sinh tháng đẻ, cũng không có ông.
Muốn xách cổ cô Orange, quẳng qua cửa sổ, nhưng thấy cái vẻ thực thà, hiền lành của cô ta, lại tha. Vả lại, văn phòng không có cửa sổ và cô ta nặng ít nhất 90 kí.
Ở Orange ra, đi ngang một commissariat de police, ghé vào khai mất giấy tờ. Trạm cảnh sát Pháp lạnh lẽo, khác với Bắc Âu, nhiều nơi giống như một phòng khách, ấm cúng, thân thiện. Nhưng không phải nơi người dân tới tự tử như các đồn công an Việt Nam.
Cô cảnh sát da đen hỏi: Ông có nhớ số thẻ kiểm tra, hay số thông hành? Trả lời: Tôi cẩn thận, ghi tất cả trong một cuốn sổ, nhưng không tìm thấy cuốn sổ. Không dám nói đã coi kỹ, nhưng những ghi chú trong cuốn sổ đã không cánh mà bay, biến đâu mất. Cô ta cười duyên: Tôi cũng vậy, mặc dầu chưa…(chưa già như ông?), suốt ngày đi tìm chìa khoá. Tôi cũng cười duyên: Phương pháp của tôi là không kiếm nữa, khi mình không tìm, nó sẽ lù lù hiện ra.
Ra điện thoại công cộng, muốn gọi cho bất cứ ai, nhưng không nhớ một số điện thoại nào, trừ số của Tuân, thằng em họ.
Chợt nhớ là cả năm nay không liên lạc với Tuân. Hùng hục đuổi theo đời sống, quên cả đời sống. Chúi mũi vào Internet, sống đời sống ảo, quên đời sống thực. Quên những người chung quanh, quên chính mình. Một lần, gặp ở chợ Tàu, Tuân nói: Thế nào em cũng tới thăm anh. Tôi nói nhớ gọi điện thoại trước khi tới. Ý nói sợ không có ở nhà. Tuân nói với bạn: Ông ấy bây giờ khệnh khạng, muốn gặp phải xin rendez-vous. Người Việt có những cái tự ái hão rất lạ.
Tuân nói đang bận quá, hứa sẽ xách xe tới nhà khi xong công chuyện. Chắc nó cũng muốn nhân cơ hội giải hoà với ông anh.
Trên đường về nhà, ghé tiệm café vẫn ngồi la cà mỗi sáng. Cô hàng café, bình thường thấy mặt là vui vẻ mang café ra, hôm nay bày đặt, hỏi: Ông muốn uống gì? Trả lời, khó chịu: “Comme d’hab” (như thường lệ). Cô ta hỏi, lạnh nhạt: Nghĩa là ? Nổi sùng, gào từng chữ : “Une noisette!, une-noi-set-te, comme d’hab!”(café pha vài giọt sữa, như thường lệ)
Về nhà, mở laptop, tính coi lại hộp thư. Máy đòi danh tính và mật mã. Đánh đi đánh lại hàng chục lần, vẫn một câu trả lời ương ngạnh, không có ai ương ngạnh, mất dạy như một cái laptop: danh tính hay mật mã sai, nếu quên xin cho hay.
Năm giờ chiều, có người bấm chuông ngoài cửa. Tuân. Mừng quá, mở cửa. Tuân thấy tôi, bối rối :
– Xin lỗi ông. Tôi lầm nhà. Tôi tưởng đây là nhà ông anh tôi.
Từ Thức