Từ Thức: Vinh danh cho Mỹ nhân

Hình: Fotomanie,

Mỹ nhân ở đây là hoa mỹ nhân, đỏ rực trên những cánh đồng Âu châu, đặc biệt là vùng Provence, Pháp, mỗi năm vào tháng 6, tháng 7.

Giữa những tin tức, bình luận về chiến tranh Ukraine, về bạo loạn ở Pháp, về hạn hán, cháy rừng, bão lụt khắp nơi, Francois Morin vinh danh cho hoa mỹ nhân (Gloire au coquelicot!) trên đài phát thanh quốc gia Pháp (France Inter), vào giờ đông người nghe nhất.

Trong vài phút, tạm quên Poutine (1), Wagner, quên giá xăng, giá điện, giá nhà lên cao.

Hoa Mỹ Nhân còn có một tên bình dân, gợi hình hơn là hoa Mào Gà. Tiếng Pháp, coquelicot, ngày xưa là coquelico, cũng nói lên cái đỏ rực của mào gà (crête du coq), tương trưng cho những đam mê nồng nàn, những cuộc tình nóng bỏng.

Hoa Mỹ Nhân ngày xưa dùng trong y học, trong ẩm thực, là bạn của người. Ngày nay, với hoá chất đủ loại, hoa trở thành vô dụng.

Vô dụng, mỹ nhân còn bị coi là cỏ dại, xâm lấn đất đai của nông dân, làm hại cho lúa mì.

Các loại thuốc trừ cỏ dại đủ loại, càng ngày càng hữu hiệu, tưởng đã tiêu diệt được mỹ nhân.

‘’Nhưng không, nó trở lại trên những bờ cỏ bên đường, trong vườn nho, trong ruộng lúa mì; vinh danh cho hoa mỹ nhân!

Hoa mỹ nhân đã chịu đau khổ, đã sống vất vưởng trong một thời đại tân tiến, với nông nghiệp thâm canh (agriculture intensive), với thuốc diệt cỏ (herbicides), thuốc diệt nấm (fongicides), thuốc trừ sâu (pesticides), phân bón đủ loại. Người ta sợ nó không trở lại. Nó chỉ có một công dụng là làm đẹp cho phong cảnh. Trong một xã hội vụ lợi, vật chất, nó chẳng có giá trị gì. Không mang lại lợi lộc gì. Vô dụng. Vừa ngắt khỏi cành đã úa, nó không đóng góp ngay cả cho việc làm giầu cho các tiệm hoa. Nhưng nó đã trở lại, không bán được, vô dụng, vô bổ, ngang bướng, khó hiểu, bất ngờ, tự do: vinh danh cho hoa mỹ nhân! (F. Morin, France Inter, 23/6/23).

TỪ MONET ĐẾN VAN GOGH

Vincent Van Gogh, Field with Poppies, 1889

Vinh danh cho hoa mỹ nhân là vinh danh cho cái đẹp, tưởng là vô dụng trong một xã hội vật chất, nhưng thực ra là thiết yếu cho đời sống.

Không còn cái đẹp, đời sống sẽ vô nghĩa, nhạt nhẽo.

Dostoievski đi xa hơn, khi ông viết trong L’Idiot: cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại (la beauté sauvera le monde). Khi còn biết yêu cái đẹp, con người còn sống, còn tồn tại, bất chấp Hitler, Staline, Mao, Pol Pot, hay Poutine.

Hoa mỹ nhân vẫn rực rỡ trong các bảo tàng viện với những bức tranh nổi tiếng của Claude Monet, Vincent Van Gogh.

Vincent Van Gogh, Poppies and Butterflies, 1889
Claude Monet, Wild Poppies, near Argenteuil, 1873.

‘’Đó là cái đẹp không cần tiền mua, xa xỉ phẩm cho những kẻ lang thang, của cải cho những người vô sản, hiến dâng cho mọi người, một khách hào sảng, bất vụ lợi. Vinh danh cho hoa mỹ nhân!

Người ta chỉ còn thấy hoa mỹ nhân trong bảo tàng viện; chỉ còn là những kỷ niệm xa xôi mà Claude Monet nhắc lại cho ta, mỗi lần thăm viện bảo tàng Orsay, về những cuộc dạo chơi trên đồng quê Argenteuil, khi Argenteuil còn là một cánh đồng. Một phụ nữ đội nón lá đi dạo, tay cầm một cây dù. Bên cạnh, một đứa nhỏ bó một đoá hoa đỏ rực, mỏng manh, còn phù du hơn cả cái ngây thơ của cô bé.

 Vinh danh cho hoa mỹ nhân!

Tái xuất hiện trên những cánh đồng, hoa mỹ nhân nói với chúng ta rằng thiên nhiên chưa bỏ cuộc, những cánh bướm hay những con voi Sumatra sẽ trở lại, rằng cái diệt chủng của nhiều sinh vật chưa chắc đã hiển nhiện, rằng hạnh phúc ở trong tầm tay của mỗi người, chiến tranh có thể chấm dứt, bạo lực chỉ là chuyện vô nghĩa, rằng cái đau buồn, cái khốn cùng và cái ngu dốt của con người có thể sẽ đầu hàng. Vinh danh cho hoa mỹ nhân!’’  (F. Morin, France Inter, 23/6/23).

Hoa mỹ nhân với bốn cánh đỏ rực, sống mạnh trên đồng cỏ, nhưng ngắt khỏi cành là úa, tượng trưng cho những mối tình nồng nàn, nhưng dang dở.

Trong một bài hát của Marcel Mouloudji (Comme un p’tit coquelicot), tình yêu chợt đến chợt đi, như cánh hoa mỹ nhân, hôm trước đỏ rực, hôm sau chỉ còn lại 4 giọt máu đỏ trên cát.

Trong thơ Francis Jammes, hay rất nhiều thi sĩ khác, bốn giọt máu đó tượng trưng cho những coups de foudre (tiếng sét ái tình), cho triết lý carpe diem của Horace (cuộc đời ngắn ngủi, hãy tận hưởng từng giây phút hiện tại). Như lời dạy của Đức Phật: hãy sống từng sát na, bởi vì quá khứ đã qua rồi, tương lai không ai biết.

Người ta tặng hoa mỹ nhân để an ủi những người bị dang dở cuộc tình.

TRÊN CHIẾN TRƯỜNG VÙNG FLANDRE

Thời đệ nhất thế chiến, sau khi bài thơ bất hủ của John McCrae được truyền tụng, lúc đầu trong quân đội, dần dần trong đại chúng, hoa mỹ nhân trở thành tượng trưng của chiến tranh, của máu đổ, những hy sinh vô bờ bến của binh sĩ, nhưng cũng tượng trưng cho sự sống, cho tương lai, vì trong địa ngục của chiến tranh, hoa mỹ nhân vẫn nở rực trên những chiến hào.

Ngày 11/11, quân nhân người Canada, người Anh có tục lệ cài hoa mỹ nhân trên ngực để kỷ niệm ngày đình chiến, tưởng niệm những đồng đội đã bỏ mình.

John McCraae (1872-1918), một y sĩ tình nguyện gia nhập quân đội Nga, làm bài thơ In Flanders Fields (trên chiến trường vùng Flandre) để tiễn đưa một chiến hữu vừa tử trận, nói về những bông hoa mỹ nhân (tiếng Anh: poppies) nở rực, lan nhanh trên những chiến hào, trên mộ binh sĩ vừa nằm xuống.

Chúng tôi, những chiến binh đã chết. Chỉ vài ngày trước

Chúng tôi còn sống, còn thưởng thức bình minh, còn ngắm mặt trời lặn

Còn yêu và được yêu. Ngày nay đã nằm xuống

Trên chiến trường vùng Flandre.

(We are the Dead. Short days ago

We lived, felt dawn, saw sunset glow,

Loved and were loved and now we lie

In Flanders fields)

Bài thơ cũng là một lời nhắn nhủ với những người đi sau:

Hãy tiếp tục cuộc chiến chống kẻ thù

Những cánh tay đầy thương tích của chúng tôi

trao lại ngọn đuốc cho các bạn

Hãy dâng cao ngọn đuốc

Nếu bỏ cuộc; chúng tôi, những người đã ngã gục

Sẽ không nhắm mắt yên, dù hoa mỹ nhân vẫn nở rực

Trên cánh đồng vùng Flandre

(Take up our quarrel with the foe;

To you from falling hands we throw

The torch; be yours to hold it high.

If ye break faith with us who die

We shall not sleep; though poppies grow

In Flanders fields)

Paris, tháng 7/2023

Từ Thức

(tuthuc-paris-blog.com)

(1) Tên người, địa danh trong bài này viết theo kiểu Pháp