Tuấn Nguyễn: Tân Giáo Hoàng Leo XIV và Mật Nghị Hồng Y

Hôm thứ năm vừa qua, ngày 8 tháng 5 đánh dấu một sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu. Vatican – thông qua Mật Nghị Hồng Y – đã chọn ra Vị Giáo Hoàng thứ 267 của Của Giáo hội Công giáo La Mã. Vị Tân Giáo Hoàng với danh hiệu Lêo thứ 14, là một người được sinh ra tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một Hồng Y người Mỹ được chọn. Biến cố này hoàn toàn bất ngờ đối với giới truyền thông cũng như các tín đồ công giáo theo dõi sự kiện từ sau tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô. Từ khi nhìn thấy làn khói trắng bay ra từ ống khói của nhà nguyện Sistine, hàng chục ngàn người đã tỏ vẻ hồ hởi và chờ đợi trong sự hồi hộp. Khi Hồng Y người Pháp Dominique Mamberti tuyên bố với thuật ngữ tiếng La tinh Habemus Papam – có nghĩa là chúng ta đã có Giáo Hoàng. Công chúng từ quảng trường thánh Phê-rô reo hò vang dội. Nhưng khi nghe đọc tên Hồng Y Robert Francis Prevost đã được chọn làm Giáo Hoàng, cả đám đông trở nên kinh ngạc dù trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn, sau đó tiếng reo hò tiếp tục nhưng nếu ai để ý kỹ thì có thể nhận ra âm lượng đã nhỏ đi phần nào.
Trước đó các tin đồn bàn tán đều nhắc đến tên hai vị Hồng Y có xác suất cao nhất trở thành Giáo Hoàng.
Người Thứ nhất là Hồng Y Pietro Parolin người Ý vốn là bộ trưởng ngoại giao dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô. Người thứ hai là Hồng Y Luis Antonio Tagle người Phi Luật Tân. Điều này cho thấy việc bầu chọn Giáo Hoàng vô cùng bảo mật và kín đáo, khác với các cuộc bầu cử chính trị. Chính vì vậy quá trình chọn lựa này được gọi là Mật Nghị Hồng Y.
Mật Nghị Hồng Y tiếng Anh gọi là Conclave. Năm 2024, một bộ phim với tựa đề Conclave được phát hành đã mô tả phần nào về tiến trình bầu cử Giáo Hoàng (do Edward Berger đạo diễn và Peter Straughan viết kịch bản, dựa trên tiểu thuyết cùng tên năm 2016 của Robert Harris). Bộ phim đã nhận được nhiều đánh giá tích cực và một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác nhau. Tại Giải thưởng Oscars lần thứ 97, phim đã nhận được tám đề cử, và cuối cùng giành giải Kịch bản chuyển thể hay nhất (Best Adapted Screenplay). Ai đã từng xem qua bộ phim này thì đã biết về cơ chế của Mật Nghị Hồng Y.
Mật Nghị Hồng Y ra đời từ thời Trung Cổ dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Gregory X vào thăm 1274. Mục đích của Mật Nghị này là để tránh kéo dài sự bỏ trống ngôi vị Giáo Hoàng mà thuật ngữ Công giáo gọi là “Trống Tòa”.
Mật Nghị Hồng Y được diễn ra trong nhà nguyện Sistine. Theo như tên gọi, đây là một cuộc tuyển cử bí mật và kín đáo nhất thế giới. Khi 133 vị Hồng Y vào nhà nguyện Sistine thì sẽ phải đặt tay lên một quyển kinh thánh và tuyên thệ giữ kín bí mật cho đến chết. Ngoài 133 vị Hồng Y này thì hai vị bác sĩ túc trực đề phòng cấp cứu và các nhân viên nhà bếp phòng ăn cũng phải tuyệt đối tuân thủ giữ kín bị mật trọn đời.
Để cẩn thận hơn nữa, nhà nguyện Sistine và hai gian nhà khách đều được rà soát để bảo đảm không có ẩn micro và có các thiết bị nhiễu sóng để bảo đảm không có sóng điện thoại và WIFI, Ra hoặc Vào.
Biện pháp cô lập này không những chỉ để bảo mật mà còn tránh cho các vị Hồng Y tham gia bỏ phiếu không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mọi hình thức nào từ thế giới trần tục bên ngoài.
Khi vào mật nghị, tất cả mọi người đều phải nộp điện thoại, đồng hồ thông minh và mọi thiết bị điện tử khác. Sẽ tuyệt đối không có TV, Radio, thậm chí cửa sổ cũng sẽ không được mở.
Mặc dù mọi người làm việc cho Mật Nghị Hồng Y bên trong tường thành Vatican đã được lọc lựa kỹ càng, họ cũng không được liên lạc với các vị Hồng Y tham gia bỏ phiếu.
Mô tả đến đây chắc sẽ có người sẽ đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu có người phá lệ hoặc vi phạm quy định này. Người đó sẽ bị vạ tuyệt thông. Tức là bị khai trừ khỏi giáo hội không những họ không được sinh hoạt trong giáo hội mà họ cũng không nhận được những ân sủng do các người khác sốt sắng cầu nguyện cho mình, các thánh trên trời cũng không thể cầu nguyện cho họ và họ cũng không nhận được các phép lành trong các dịp lễ quan trọng. Nói nôm na là họ sẽ bị khai trừ về phần xác và phần linh hồn.
Nói đến việc bầu Giáo Hoàng, người ta thường nhắc đến khói đen và khói trắng.
Trừ ngày đầu tiên khi các vị Hồng Y bước vào Mật Nghị chỉ có một vòng bỏ phiếu. Mỗi ngày tiếp theo sẽ có 4 vòng bỏ phiếu – hai lần buổi sáng và hai lần buổi chiều. Nếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của buổi sáng đã chọn được Giáo Hoàng thì các lá phiếu sẽ được đốt và một số hóa chất được cho thêm vào trong khi đốt để có được khói trắng tương ứng. Nếu không ai được chọn trong vòng thứ nhất thì cuộc bỏ phiếu lần thứ hai sẽ xảy ra ngay sau đó. Nếu không ai được chọn thì các lá phiếu cũng sẽ được đốt và một số hóa chất tương ứng khác sẽ được bỏ vào đốt để ra khói đen. Đó cũng chính là dấu hiệu của Mật Nghị gửi ra cho thế giới bên ngoài biết kết quả của mỗi buổi đầu phiếu. Nếu có một vị Hồng Y đắc cử vào ngôi vị Giáo Hoàng quần chúng sẽ thấy khói trắng xuất hiện tại ống khói của nhà nguyện Sistine. Và vị tân Giáo Hoàng sẽ xuất hiện tại cửa sổ của Đền Thánh Phê-rô để loan báo tên Giáo Hoàng và sẽ được chính thức công nhận. Ở đây, xin được mở một đâu ngoặc là mỗi vị GIáo Hoàng đều chọn tên cho mình giống như là tên các vị vua chứ không sử dụng tên cũ của họ nữa. Để được bầu chọn vào ngôi vị Giáo Hoàng thì cần phải đạt được ⅔ số phiếu bầu.
Khói trắng đã xuất hiện từ ống khói nhà nguyện Sistine vào khoảng trước 6 giờ chiều giờ địa phương ngày thứ năm, tức là cuộc bầu phiếu thứ 3 trong ngày.
Tân Giáo Hoàng Lêo thứ 14 tuy sinh trưởng tại Chicago, Hoa Kỳ, nhưng ngài đã sống và làm việc tại Peru trong hai thập niên. Lần đầu từ năm 1988 đến 1999 Lần thứ hai từ 2015 – 2023. Giáo Hoàng Lêo mang hai quốc tịch Mỹ và Peru.
Với việc Vatican chọn một Giáo Hoàng người Mỹ đã khiến cho nhiều người đặt câu hỏi. Liệu vị tân Giáo Hoàng sẽ có chính sách bảo thủ hay cấp tiến. Liệu Ngài có chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Hành Pháp Trump?
Điều chúng tôi ghi nhận lại là trong bài diễn văn khai mạc, Đức Giáo Hoàng Lêo thứ 14 đã nhắc đến việc “Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một giáo hội truyền giáo, xây dựng cầu nối, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.” Đoạn này có vẻ như Ngài muốn tiếp tục con đường của cố Giáo Hoàng Phan-xi-cô.
Một số tweet của Ngài trước đây khi là Hồng Y đã từng phê bình chính sách ngăn cấm di dân của Hành Pháp Trump.
Thời gian sẽ trả lời cho các thắc mắc đó.
Tuấn Nguyễn