Uyên Nguyên: 50 năm, còn câu kinh khổ!

quê hương gốc tích ngàn năm
sao nhìn gia phả… ôi! toàn câu kinh?
ông tôi đi lính triều đình
giáo gươm thất thủ nơi thành quách xưa
cha tôi kháng chiến đánh Chà
tầm vong gẫy dưới chiến xa năm nào
anh tôi áo trận hoa màu
một ngày con khóc, vợ đau mất chồng
tôi, sinh viên dở học hành
AK nón cối – chiến trường Cao Miên
chừng nào xứ Việt bình yên?
tôi ngu ngơ hỏi hoài trên xác người
— Nguyễn Tất Nhiên – Gia Phả
Đọc lại bài thơ Gia Phả của Nguyễn Tất Nhiên (1952–1992) — chỉ vài dòng mà gói trọn cả một bản bi tráng sử thầm lặng, chất chứa cả trăm năm máu lệ của một gia tộc, mà cũng là của cả một dân tộc. Ông đã gom gọn nỗi đau Việt Nam thành một phả hệ ngập chìm trong súng đạn, với máu xương và những vết thương chưa kịp lành, ở đó có cả giấc mơ vuột tay…
Mỗi dòng là một thế hệ – ông, cha, anh, và tôi – không ai thoát khỏi cái vòng xoáy chiến tranh. Nhưng cái đau nhất không chỉ là sự chết, mà là sự phi lý lặp đi lặp lại. Mà đỉnh cao của sự phi lý là:
“Sao nhìn gia phả… Ôi! Toàn câu kinh?”
Câu thơ ấy như một tiếng thở dài lạc lõng, vừa thiêng liêng, vừa nghịch lý. Gia phả — nơi vốn để ghi lại gốc rễ và ký ức — giờ đây lại như một pho kinh tụng cầu siêu, vì người sống ít hơn người chết, và mỗi đời chỉ để lại một vết máu, thẫm bầm, day dứt.
“Chừng nào xứ Việt bình yên? / Tôi ngu ngơ hỏi hoài trên xác người”
Có còn lời nào đớn đau hơn? Câu hỏi ấy, sau 50 năm tàn cuộc máu xương, đọc lại vẫn chưa có lời đáp. Nó vẫn là câu hỏi của nhiều thế hệ — từ những người từng mang vết đạn trên vai, đến lớp trẻ hôm nay còn mang miểng đạn trong ký ức lịch sử và chia rẽ.
50 năm — nửa thế kỷ không ngắn. Một đời người đủ để dựng xây, nhưng cũng dễ để quên sạch cội nguồn nếu không nhắc lại. Và giờ đây, đứng nơi ngưỡng cửa ấy, ta không khỏi bàng hoàng tự hỏi:
Dân tộc ấy – có còn là một thực thể sống động, hay chỉ còn là một khái niệm được in trong sách sử, hoặc lặp lại trong những nghi lễ mang tính biểu trưng?
Chúng ta — những người con cùng một nòi giống, dù sống ở quê nhà hay nơi xa xứ — có còn nhận ra nhau trong một cộng đồng từng bị chia cắt bởi chiến tranh, bởi biên giới ý thức hệ, bởi thời gian và những lớp ngôn ngữ, văn hóa chồng lấp?
Bấy giờ, Gia phả của Nguyễn Tất Nhiên không chỉ là gia phả của một gia đình, mà là gia phả của cả một dân tộc bị đứt gãy. Từ ông, đến cha, đến anh, đến tôi — ai cũng đi qua chiến tranh, nhưng không ai giữ được hòa bình. Và rồi, 50 năm sau, “tôi ngu ngơ hỏi hoài trên xác người”, vẫn là tôi – đứa con mất nước, nhưng còn ký ức.
Dân tộc ta đâu?
Có phải trong giọng ru của mẹ còn giữ âm sắc quê nhà?
Trong ánh mắt của người cha già, mỗi năm lặng lẽ thắp nhang cho tổ tiên – ở quê nhà hay nơi đất khách?
Hay dân tộc đã hóa thân vào những đứa trẻ không còn nói rành tiếng Việt, không thuộc “Nam quốc sơn hà”, chỉ biết đến Việt Nam qua YouTube và hình xăm bản đồ?
Dân tộc ta đâu?
Chắc rằng, dân tộc luôn còn đó — trong chất thơ của Nguyễn Tất Nhiên, trong những câu hỏi đau đáu chưa có lời đáp. Nhưng nếu không ai giữ, không ai gạn lọc, không ai nhớ thay cho người đã chết, thì dân tộc ấy thật sự chỉ mãi là… câu Kinh Khổ:
“Lời nguyện cầu này dành cho nhau
Từ khi loạn ly vào đêm đầu
Tình người tiêu hao. Niềm tin bội bạc
Gà giục sang canh mãi ngoài hiên đầu tỏ tròn tiếng gáy
Lạnh lùng một ngày một qua mau
Lời kinh mù sương mờ trên đầu
Mộng chờ sau đêm. Ngày mai thật lạ.
Thù hằn anh em
Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà.”
— Trầm Tử Thiêng, Kinh Khổ
Uyên Nguyên