Uyên Nguyên: Nguyễn Thị Khánh Minh, Văn Chương Hai Bờ Sương Khói…

Có lẽ văn chương, tự thuở khai sinh đã mang trong mình một số kiếp lưu vong. Nhà văn/nhà thơ, dù sống giữa quê hương hay phiêu bạt xứ người, vẫn là kẻ lữ hành cô độc trong mê lộ ngôn từ. Những câu chữ tuôn trào tưởng chừng như một giải thoát, nhưng lại là sợi dây trói buộc mình vào một thế giới không ai thấy, không ai chạm tới, ngoài chính mình. Rồi giữa không gian bềnh bồng lưu vong ấy, xuất hiện gương mặt nữ hiếm hoi – như một cành lan cô tịch giữa những rễ tùng bách trong nền văn học hải ngoại.
Nhà văn nữ trong văn đàn thi ca Việt Nam lưu vong không phải là ít, nhưng sự hiện diện của họ thường bị che khuất bởi những tên tuổi nam giới vốn mang giọng điệu trầm hùng của thế hệ tha hương. Cái buốt giá của hành trình viễn xứ, cái nhức nhối của ký ức tan tác, tất cả đã khắc vào văn chương hải ngoại một ấn tượng nặng nề, một thứ tiếng kêu bị đẩy ra khỏi quê hương mà vẫn vọng về, vừa gần gũi vừa xa xăm như tiếng con chim lạc bầy. Giữa bối cảnh ấy, một giọng nữ xuất hiện không phải để đối trọng, mà để làm sáng rõ hơn cái vùng giao thoa giữa thơ và thực, giữa cảm xúc và triết lý, giữa phiêu linh và bám rễ.
Nếu nói văn chương hải ngoại là một cây cầu thì đó là một cây cầu bắc qua hai bờ tâm thức – một bên là quê nhà đã mất, một bên là thực tại lạ lẫm chưa thể nào thành quê hương. Nhà văn đứng trên cây cầu ấy, dõi mắt về hai phía, rồi nhận ra rằng phía nào cũng mơ hồ, phía nào cũng khói sương. Và trong màn sương khói ấy, những nhà văn nữ với trực giác nhạy bén, với những ưu tư vừa mềm mại vừa sắc lạnh, đã tìm thấy cho mình một cách thế riêng để cất tiếng.
Bấy giờ, bước vào văn chương của Chị, người đọc không chỉ chứng kiến một nỗi buồn di cư, một cuộc vật lộn giữa bản sắc và hội nhập, mà là cả một thế giới nội tâm sâu thẳm, nơi nỗi nhớ không phải là hoài niệm mà là một thứ hiện hữu sống động, nơi mất mát không còn là khổ đau mà còn là một dạng thức của sáng tạo. Ở đó, những hồi ức không mang dáng vẻ của quá khứ mà hiện ra như một dải ngân hà đang vận động, lúc lấp lánh như hạt sương mai, lúc quay cuồng như cơn bão tố.
Trong trường hợp này, lưu vong không đơn thuần là sự rời xa quê hương. Có những nhà văn chưa từng bước chân ra khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nhưng tác phẩm của họ vẫn mang nỗi hoang mang của kẻ lạc loài ngay giữa lòng quê mẹ. Lưu vong, suy cho cùng, là một trạng thái tâm thức—là khi người viết không còn tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và thế giới xung quanh. Đó là khi chữ nghĩa trở thành nơi trú ẩn, nhưng cũng đồng thời là một nhà tù.

Thế nhưng, thơ văn Khánh Minh không bi kịch hóa mất mát, không gào thét về chia lìa. Đó là một tâm thái lưu vong nhẹ nhàng—một sự ly hương trong tâm tưởng. Không hoài vọng về một quê hương khuất bóng, thơ và văn của Chị mở ra một không gian trong suốt, nơi ký ức được gạn lọc thành những mảnh ghép của ánh sáng, của giấc mơ, của sự huyền hoặc. Quê hương, trong đó, là một miền tâm thức, nhưng những câu chữ không khắc khoải gọi về, cũng chẳng cố níu giữ quá khứ. Chúng trôi nổi, lơ lửng như sương sớm, như làn gió thoảng qua thực tại rồi tan biến.
Nếu thơ văn lưu vong truyền thống nặng trĩu nỗi buồn xa xứ, thì với Chị nhẹ như hơi thở. Ở đó, không có những khối đá của bi kịch, chỉ có dòng suối nhỏ len qua kẽ đá, thong dong, trầm mặc mà không ủy mị. Vì vậy, thơ Chị vừa lưu vong, vừa không—lưu vong vì một khoảng cách, nhưng không lưu vong vì chẳng bám vào nỗi đau chia lìa.
Trong dòng chảy văn chương hải ngoại, thơ Khánh Minh là một dạng thức hiếm hoi: không nặng về quá khứ, không vướng bận tương lai, mà đứng giữa lưng chừng hiện tại, tỏa ra thứ ánh sáng mơ hồ, thanh thoát như hương trà cuối buổi.
Bấy giờ, nói về lưu vong, có người chọn nỗi buồn trầm mặc, có người chọn tiếng kêu quằn quại, có người chọn sự phản kháng dằn vặt. Nhưng ở nhà văn nữ Khánh Minh, ta còn thấy cả một nụ cười nhẹ nhõm, một cái nhìn thong dong. Chị biết rằng dù có viết bao nhiêu, dù có đào bới ký ức đến tận cùng, vẫn chẳng thể nào nắm giữ trọn vẹn được những điều đã mất. Và chính trong sự bất khả đó, Chị tìm thấy niềm vui – một niềm vui như thể “đi đâu cũng là đi trong vô tận,” nên cứ đi mà chẳng cần lo đến chuyện ở hay về.
Trong một thế giới mà văn chương Việt vẫn còn bị chi phối bởi những cung điệu quen thuộc, sự xuất hiện của nữ nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh như một nét vẽ khác lạ trên bức tranh lưu vong. Chị không viết để giành lại quê hương, cũng không viết để khẳng định một căn tính, mà đơn giản là viết, như một lẽ sống, như hơi thở, như một người lữ hành bước đi trên con đường mà phía trước chỉ là sương khói.
Và nếu văn chương thực sự là một cây cầu, thì có lẽ đó không phải là một cây cầu dẫn đến bất kỳ bến bờ nào, mà chỉ là một cây cầu vắt ngang hư vô – nơi kẻ lữ hành có thể dừng chân, nhìn xuống dòng sông chảy xiết của ký ức, rồi mỉm cười bước tiếp…
Chốn Bụi, ngày 06 tháng 03 năm 2025
Uyên Nguyên
Nhóm chủ trương Tạp Chí Ngôn Ngữ và Nguyễn Thị Khánh Minh
kính mời quý vị và thân hữu đến dự buổi ra mắt sách Ngôn Ngữ
ấn bản đặc biệt Nguyễn Thị Khánh Minh-Bằng Hữu & Văn Chương.
Được tổ chức tại Coffee Factory
15582 Brookhurst St. Westminster CA 92683.
Vào lúc 4:00 PM ngày thứ bẩy, 22 tháng 3, 2025.