Việt Dương: Đọc Văn Học Quân Đội của Bác sĩ Trần Xuân Dũng
– Từ bài Thương Tiếc Một Bác Sĩ Quân Y của Phạm Phú Đức
Bộ Văn Học Quân Đội là một công trình biên tập có giá trị cho chúng ta một cái nhìn toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa của Cộng Sản Bắc Việt từ trận tổng công kích Mậu Thân (1968) đến những trận chiến kết thúc chiến tranh 30/4/1975. Từ đó, chúng tôi viết bài này giới thiệu cái nhìn của bộ sách qua mấy phần sau:
I. Về nội dung
Văn Học Quân Đội gồm 43 tác giả thuộc một số quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó, Không Quân và Nhảy Dù, soạn giả đã giới thiệu 2 chiến sĩ văn nhân tiêu biểu là Lý Tống và Phan Nhật Nam.
1. Lý Tống
Lý Tống sinh năm 1945 tại Thừa Thiên, mất ngày 5/4/2019 tại Hoa Kỳ. Ông là phi công A37 của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 5/4/75, ông nhận nhiệm vụ phá hủy 3 cây cầu trên quốc lộ 1 thuộc Cam Ranh để ngăn đà tiến của Cộng quân. Máy bay của ông bị trúng hỏa tiễn SA 7. Ông nhảy dù, nhưng bị bắt ở Cam Ranh. Tháng 10/75, Lý Tống trốn khỏi trại tù, nhưng sau vài ngày bị bắt lại và bị nhốt vào conex 6 tháng. Ông vượt thoát khỏi trại tù A.30, ra được Tuy Hòa, rồi tìm đường về Sài Gòn. Ông thoát khỏi Việt Nam bằng đường bộ, nhưng bị bắt ở Miên và bị nhốt trong trại tù 7708. Lần này ông đã vượt ngục bằng cách bẻ chấn song sắt. Vượt sang được Thái Lan, ông bị bắt nữa. Sau 10 tháng, ông vượt ngục Thái, rồi băng rừng vượt núi thoát sang Mã Lai. Đến trạm biên giới gần Singapore, ông bơi vượt eo biển Johore strait, đầy cá mập, vào ban đêm. Cuối cùng ông tới được Singapore, vào trình diện tòa Đại Sứ Mỹ và được Mỹ nhận. Kể từ ngày vượt thoát khỏi trại tù ở Việt Nam, ông đã mất 17 tháng để đến được Singapore.
Tới Mỹ năm 1984, ông ghi tên theo học khoa chính trị học, lấy bằng cao học, đang làm luận án tiến sĩ thì bỏ ngang, dấn thân vào những hoạt động chống Cộng. Hai lần bay vể Việt Nam thả truyền đơn:
– Năm 1990, bay về Việt Nam bằng máy bay hàng không dân sự của Việt Cộng, thả 50,000 tờ truyền đơn, kêu gọi dân nổi dậy chống chế độ Cộng Sản, nhảy dù xuống, bị bắt và bị tù 6 năm. Mỹ can thiệp, ông được thả trở về Mỹ.
Ngày 17/11/2000, ông thuê máy bay nhỏ từ Thái Lan bay về Việt Nam thả truyền đơn lần thứ hai, bay trở lại Thái, bị bắt tù 7 năm.
Ở Mỹ, Lý Tống đã viết hồi ký Ó Đen, kể lại đời tù, vượt ngục qua Miên, qua Thái, qua Mã Lai để tìm đường qua Mỹ. Hồi ký Ó Đen đã ghi lại sự can đảm, kiên nhẫn và ý chí chống Cộng vì hạnh phúc và tự do của đồng bào.
2. Phan Nhật Nam
Xin lược ghi tóm tắt một số điều từ bài viết của giáo sư Nguyễn Xuân Khoan viết về Phan Nhật Nam.
Phan Nhật Nam sinh ngày 28/12/1942, tại Phù Cát, Hương Trà, Thừa Thiên.
Mười bốn năm lính (1961–1975).
Mười bốn năm tù (1975–1989), với 2 đợt biệt giam (2/1979 đến 8/1980) và (9/1981 đến 5/1988) (…)
Viết bốn mươi lăm năm (1968–2013), với các tác phẩm:
– Dấu Binh Lửa, 1969.
– Dọc Đường Số 1, 1970.
– Ải Trần Gian, 1970.
– Dựa Lưng Nỗi Chết, 1972.
– Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972.
– Tù Binh và Hòa Bình, 1974.
Đến Mỹ cuối năm 1993.
Tiếp tục công việc buộc phải gián đoạn từ 1975:
– Những Chuyện Cần Được Kể Lại, 1995.
– Đường Trường Xa Xăm, 1995.
– Đêm Tận Thất Thanh, 1997.
– Mùa Đông Giữ Lửa, 1997…và một số tác phẩm khác.
Sau khi ghi lại những tác phẩm của Phan Nhật Nam, giáo sư Khoan đã giới thiệu tập Mùa Hè Đỏ Lửa, gồm 4 phần với 4 tựa đề:
1. Charlie, tên quá lạ
2. An Lộc, miền Đông không bình yên.
3.Trị Thiên, Đất vinh danh cho người.
4. Dựng một ngọn cờ.
Trong phần kết, giáo sư Khoan đã ghi lại mấy nhận định:
– Và ở đây người lính Việt Nam Cộng Hòa Phan Nhật Nam không chỉ viết văn đơn thuần mà đã đem tâm tình của mình vào trang viết. Một tâm tình chan chứa tình người để mô tả tình người lính chiến VNCH yêu dân yêu nước, vô cùng cao đẹp, qua những nội dung vừa hào hùng, vừa bi hùng của một cuộc chiến oái oăm – khi chính nghĩa thua bất chính bạo tàn, để lại không biết bao nhiêu hậu quả tan nát bi thương.
– Qua những tác phẩm viết trong và sau cuộc chiến, Phan Nhật Nam đã đóng góp đáng kể trong việc nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Miền Nam trong chiến tranh, vạch trần tội ác của Cộng Sản Việt Nam sau chiến tranh. Nhưng điều đáng tôn trọng hơn cả là những trang viết của ông có sức mạnh không chỉ khiến lòng người súc cảm mà còn dấy lên những cảm khái – Phải làm một điều gì đó cho non sông đất nước trước họa diệt vong.
Ngoài hai chiến sĩ văn nhân Lý Tống và Phan Nhật Nam được Bác sĩ Dũng và giáo sư Khoan giới thiệu, còn 41 văn nhân khác đã đóng góp ít nhất mỗi người một bài để tạo thành bộ Văn Học Quân Đội. Theo nội dung của bộ sách, chúng tôi có thể xếp thành 4 chủ đề và giới thiệu một số bài theo mấy chủ đề đó.
A. Trận chiến Mậu Thân 1968
1. Đại tá Tôn Thất Soạn viết Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến Giải Cứu Sài Gòn Trong Tết Mậu Thân.
2. Trung tá Nguyễn Văn Phán viết Huế Tôi và Mậu Thân.
B. Trận Chiến Hạ Lào – Hành Quân Lam Sơn 719 đầu năm 1971
1. Thiếu tá Trần Vệ viết Đêm Hạ Lào! Đêm sao dài quá.
2. Trung tá Trần Thiện Hiệu viết Tiểu Đoàn 3 Pháo binh tại căn cứ hỏa lực Hồng Hà.
3. Thiếu tá Phạm Văn Tiền viết về thắng bại trong trận Hạ Lào
C. Trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa đầu năm 1972
1. Trung tá Lê Bá Bình viết Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Trên Phòng Tuyến Đông Hà.
2. Đại tá Ngô Văn Định viết: Chiến thắng của Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục chiến ở Quảng Trị tháng 4 năm 1972.
3. Đại tá Phạm Văn Chung viết: Lữ Đoàn 369 trên sông Mỹ Chánh
Bài này Đại tá Chung ghi lại việc Lữ Đoàn 369 chặn đà tiến quân của Cộng quân ở sông Mỹ Chánh
4. Trung tá Nguyễn Đăng Hòa viết: Cuộc đổ bộ trong lòng địch
Bài này Trung tá Hòa ghi lại cuộc đổ bộ của Tiểu đoàn 1 TQLC vào giữa lòng địch tại quận Triệu Phong,
5. Trung úy Văn Tấn Thạch viết: Tái Chiếm Cổ Thành
Trung úy Thạch đã ghi lại trận tái chiếm Cổ Thành đêm rạng ngày 15/9 của Đại đội 3 Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.
6. Bác sĩ Nguyễn Trung Tín viết Sống Với Xác Chết Dưới Huyệt Đạo Của Chiến Trường Đức Dục.
Bác sĩ Biệt Động Quân Nguyễn Trung Tín đã ghi lại trận chiến ở Đức Dục của Biệt Động Quân.
D. Trận chiến An Lộc – Bình Long
1. Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, thuộc Thủy Quân Lục Chiến, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long (1970–1972). Ông đã xuất bản cuốn hồi ký “Cuộc Chiến Dang Dở”, gồm 8 chương. Chương 5 nói về An Lộc: 94 Ngày Đêm Trong Hỏa Ngục Bom Đạn.
2. Bác sĩ Nguyễn Văn Quý viết Địa Ngục Trần Gian
Bác sĩ Quý viết Địa Ngục Trần Gian, ghi lại việc làm của Bác sĩ và Y tá bệnh viện Bình Long trong tình trạng Bình Long bị Việt Cộng bao vây và pháo suốt ngày đêm.
E. Trận Chiến Kết Thúc Chiến Tranh
Ngày 10/3/1975, Cộng quân tấn công và chiếm Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Nguyễn Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II bỏ cao nguyên, rút xuống phòng thủ duyên hải theo liên tỉnh lộ 7B, con đường dài trên 200 cây số đã bỏ hoang từ lâu, qua Cheo Reo, Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Cuộc rút lui không tổ chức, quân chạy kéo dân theo và Cộng quân truy kích đã biến đường 7B thành đường máu. Tiếp đó, Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng nhận được lệnh rút bỏ vùng 1. Dân Quảng Trị chạy vào Huế cùng dân Huế chạy ra Đà Nẵng. Đường bộ bị cắt, dân chạy trở lại theo quân ra Cửa Thuận An. Quân được lệnh rút lui về Thuận An rồi Tư Hiền. Cộng quân pháo kích, tàu Hải Quân không vào được. Cửa Thuận An và Tư Hiền trở thành đất chết. Và Đà Nẵng cũng trở thành đất chết khi quân và dân khắp nơi chạy về, ra biển với pháo kích.
Phần này có nhiều bài, nhưng chúng tôi chỉ giới thiệu một số bài tiêu biểu.
1. Thiếu tá Phạm Văn Tiền viết Lữ Đoàn 147 – Từ Một Cuộc Di Tản Chiến Thuật.
2. Đại úy Đoàn Văn Tịnh viết Trận Chiến Sau Cùng Của Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến
Đại úy Tịnh (Trưởng ban 3 tiểu đoàn 9) ghi lại sự tan rã của quân đội ở Đà Nẵng và thảm kịch của Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn 369 TQLC trên đường di chuyển từ Đại Lộc đến sông Hàn.
Cuối cùng, Tiểu đoàn 9 tan rã và Đại úy Tịnh bị bắt.
3. Đại tá Nguyễn Thành Trí viết Ngày Tháng Không Quên
Đại tá Nguyễn Thành Trí là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ông viết Ngày Tháng Không Quên để ghi lại toàn cảnh Vừa Chiến Đấu Vừa Tan Rã của Quân Lực Vùng I trong mấy tháng đầu năm 1975.
II. Về đặc điểm
Gọi là Văn Học Quân Đội, nhưng ở đây chúng ta không đọc được những bài viết của những chiến sĩ văn nhân thuộc những quân binh chủng khác như Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân… có lẽ Bác sĩ Dũng đã không tìm được, nên hầu hết bài viết trong Văn Học Quân Đội là của những chiến sĩ văn nhân Thủy Quân Lục Chiến. Vì thế nội dung của Văn Học Quân Đội đã cho chúng ta thấy những bước đi của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến từ trận chiến Mậu Thân tới Hành Quân Lam Sơn, Mùa Hè Đỏ Lửa tới trận chiến Kết Thúc Chiến Tranh. Đi suốt qua những trận chiến đối phó với sự xâm lăng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, Văn Học Quân Đội đã ghi lại nhiều đặc điểm. Xin kể mấy đặc điểm tiêu biểu như sau:
1. Cho người đọc tham dự vào những chi tiết của những trận đánh
Những chiến sĩ văn nhân ghi lại được những chi tiết, những hành động của những chiến sĩ đối diện với địch, vì quí vị ấy là người chỉ huy hay tham dự trận đánh đó.
2. Ghi lại sự tàn bạo của Cộng quân
Chúng ta đã biết Cộng quân chôn sống người dân Huế trong trận Tết Mậu Thân. Trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Cộng quân đã dùng đại pháo 130 ly bắn vào đoàn người chạy giặc tạo nên Đại Lộ Kinh Kinh Hoàng. Trong Văn Học Quân Đội, Y sĩ Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Trần Xuân Dũng, trong bài Một Trận Đánh Khốc Liệt Không Có Thương Binh, đã cho người đọc thấy một tính chất tàn bạo khác của Cộng quân là tàn sát thương binh.
(…) Cộng quân thì tàn sát thương binh như thế, còn chúng ta Việt Nam Cộng Hòa, thì có chính sách nhân đạo với thương binh Việt Cộng…Về chuyện nhân đạo đối với thương binh Việt Cộng, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết về chuyện này của Y sĩ Trung tá Phạm Việt Tú, Chỉ huy Trưởng Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng: “Một vấn đề khác làm nhức nhối tim óc là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và ngành Quân Y nói riêng, theo truyền thống nhân đạo đã cứu chữa thương binh Cộng Sản tại mặt trận và sau đó di chuyển họ về các Quân Y Viện để điều trị. Tổng Y viện Duy Tân dù chật hẹp, không đủ chỗ cho thương binh của Quân Lực VNCH, nhưng cũng phải dành một trại riêng biệt để điều trị thương binh Cộng Sản.
Ngành Quân Y cũng phụ trách cấp cứu và điều trị tù binh Cộng Sản. Riêng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, trại bệnh của tù binh chiếm tới 100 giường.
Tại bốn trại giam tù binh Cộng Sản ở bốn Quân Khu có một Ban Quân Y gồm một bác sĩ và nhiều Y tá để săn sóc tù binh Cộng Sản. Đặc biệt tại Phú Quốc, Quân Y đặt một bệnh viện 100 giường gồm có 5 Bác sĩ, một nha sĩ và trợ y, y tá để yểm trợ y vụ cho hơn 30,000 tù binh Cộng Sản bị giam giữ tại đó” (Trích Quân Y Quân Lực VNCH– 2000)
3. Ghi lại sự tan rã của Quân Đoàn I
Những ngày cuối tháng 3/75, chúng tôi (người viết) cũng là nạn nhân của việc di tản để tan rã. Đơn vị chúng tôi đang bố phòng ở Quận Hương Điền, Thừa Thiên thì được lệnh di tản về cửa Thuận An để có tàu Hải Quân đón vào Đà Nẵng. Chúng tôi ra sát biển, chỗ cát ướt để dễ đi. Tới gần Thuận An thì đó không còn là biển và cát mà là một rừng người, quân lính và dân hỗn loạn. Nhìn cảnh tượng đó tôi biết không cách nào lên tàu, nếu có tàu vào đón. Tôi nói với Đại Đội: Một rừng người thế kia thì khi tàu vào, người ta sẽ đè lên nhau mà chết. Tới đây chúng ta không còn lãnh đạo. Lệnh đã đưa chúng ta tới chỗ cùng. Vì thế, mỗi chúng ta tự tìm lấy đường đi của mình và đơn vị tôi tan rã. Đọc những bài “Những ngày cuối tháng 3/1975 tại chiến trường Huế” của Thiếu tá Phạm Cang và một số bài khác nói về lệnh di tản của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến ở Thừa Thiên và Đà Nẵng, tôi thấy tình cảnh giống chúng tôi. Và đó cũng là tình cảnh chung của cả Quân Đoàn I. Ở đây sách đã ghi lại được chỗ cùng của thảm kịch tan rã với tình cảnh hết quân của những cấp chỉ huy lớn:
– Trong bài Những Ngày Tháng Sau Cùng Của Tiểu Đoàn 9 TQLC ghi lại việc Tướng Nguyễn Văn Điềm hết quân.
– Trong bài Những Ngày Tháng Không Quên ghi lại việc Tướng Ngô Quang Trưởng phải đi theo Thủy Quân Lục Chiến.
III. Kết luận
Ngày 10/3/1975, quân Cộng Sản Bắc Việt tấn công và chiếm Ban Mê Thuột. Trong thời gian 50 ngày, Quân đoàn II và Quân Đoàn I tan rã và Tổng Thống 2 ngày Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975. Đã có nhiều bài phân tích và trả lời về nguyên nhân sụp đổ quá nhanh của Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây, chúng tôi chỉ ghi lại hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất là Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa
Trong bài Tại Sao Quân Nhân Cầm Bút Viết của Bác sĩ Trần Xuân Dũng có đoạn: “Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ cắt đi 700 triệu đô la từ ngân quỹ dự định viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa là 1 tỷ trong năm tài chính 1974 (tức là kể từ 1/7/1974). Ngay trước đó điều khoản ấn định cho Mỹ trong hiệp định Paris 1973, được thay thế những vũ khí đã mất đi trong các trận đánh, cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã không bao giờ thực hiện đầy đủ.
Ngược lại vào tháng 12–1974, tướng Viktor Kulikow, Chỉ Huy Quân Lực Liên Bang Sô Viết, từ Moscow bay tới Hà Nội, cam kết viện trợ vũ khí sẽ tăng lên gấp 4 lần và sẽ được chuyển tới Bắc Việt vào tháng 1, tháng 2 năm 1975.
Như vậy, sự yểm trợ về không quân và pháo binh cho Việt Nam Cộng Hòa giảm mất đi 60 phần trăm do sự thiếu bom cho máy bay và đại bác cho pháo binh. Khả năng cơ động, di chuyển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị giảm xuống 50 phần trăm vì thiếu phi cơ, xe vận tải và nhiên liệu. Đại tá L.G., Giám Đốc cơ quan DAO tại Sài Gòn đã viết: “Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ quân đội Bắc Việt được ở trong tình trạng tiếp viện về vũ khí thuận lợi như vậy”. Kết quả là Bắc Việt tăng thêm 70,000 lính nữa cho số bộ đội tác chiến đã có sẵn từ trước là 200,000 cộng với 100.000 lính yểm trợ tiếp vận. Bắc việt có 600 – 700 xe tăng (gấp đôi số lượng xe tăng của QLVNCH), 400 đại pháo, 200 súng phòng không cỡ lớn và rất nhiều hỏa tiễn SA–7.
Việt Nam Cộng Hòa đã bị trói tay, bức tử.
Thứ nhì là sự quyết định sai lầm và khủng hoảng lãnh đạo
Sau khi mất Ban Mê Thuột, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định tái phối trí lực lượng, rút gọn, bỏ bớt lãnh thổ để tăng cường phòng thủ. Từ ý định này ông đã ra lệnh cho Tướng Nguyễn Văn Phú bỏ cao nguyên, rút quân đoàn II về phòng thủ duyên hải và ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng bỏ vùng I chiến thuật. Khi ra lệnh như thế ông Thiệu và Bộ Tổng tham Mưu đã nhìn vấn đề quá đơn giản như chuyển quân trong lúc bình yên mà quên mất là trận chiến đang xẩy ra với yếu tố Dân và Địch: Dân đã chạy loạn theo lính và địch đã đuổi truy kích. Vì thế hai cái lệnh Rút Bỏ Cao Nguyên và Bỏ Vùng I đã tạo thành thảm kịch Chết và Tan Rã. Ở cao nguyên thì con đường 7B bỏ hoang chạy từ Pleiku qua Cheo Reo, Phú Bổn xuống Tuy Hòa đã thành đường máu. Còn ở Vùng I thì Cửa Thuận An, Tư Hiền và bờ biển Đà Nẵng, Non Nước cũng thành bãi biển máu với đạn pháo của địch.
Trong bài “Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn I”, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ghi lại một số điều cho chúng ta thấy sự hoảng loạn bất định của Tổng Thống Thiệu (…)
Vì thế hai cái lệnh hoảng loạn sai lầm của ông Thiệu đã làm rúng động toàn quốc, tan vỡ lòng quân. Những tỉnh ven biển đã lần lượt bị bỏ ngỏ, như Cam Ranh, Nha Trang, quân bỏ chạy mấy ngày Cộng quân mới tới. Trong khi mặt trận Xuân Lộc tan vỡ, mười mấy sư đoàn Cộng quân bao vây Sài gòn thì Tổng Thống Thiệu từ chức, rồi đến lượt Tổng Thống Trần Văn Hương nhường chức Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Đến lúc quân đội tan vỡ ông Thiệu mới từ chức để chạy, còn tướng Dương Văn Minh đại diện cho Lực Lượng Thứ Ba nài nỉ cụ Hương nhường chức để đàm phán với Cộng Sản Bắc Việt ngưng bắn theo hiệp định Paris: Một giấc mơ ngây dại. Quân đội đã tan rã, ông lấy cái gì để nói chuyện với Cộng Sản? Vì thế Từ chức và Nhường chức đã trở thành tấn bi hài kịch kết thúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta hiểu Cộng Sản Bắc Việt đã nhận súng đạn của Nga, Tầu để tiến hành chiến tranh xâm lược Miền Nam theo chiến lược bành trướng chủ nghĩa Cộng sản. Và Việt Nam Cộng Hòa đã được Hoa Kỳ viện trợ để chống lại sự bành trướng đó. Nay Hoa Kỳ thay đổi chiến lược, chấm dứt viện trợ quân sự thì Việt Nam Cộng Hòa phải sụp đổ. Nhưng nếu lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa cương quyết chống lại cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt – Ở đâu tử thủ ở đó – như những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến trong những trận đánh cuối cùng ở Vùng I thì Cộng Sản Bắc Việt có thắng được Miền Nam cũng phải trả một giá rất đắt. Nhưng lãnh đạo của chúng ta đã chạy, đã không làm sáng lên được chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì Tự Do của quân dân Miền Nam.
Việt Dương