Việt Nam, “Chị Dậu” của thế kỷ XXI và một bản án phi nhân [1]
Thạch Đạt Lang: Về một bản án bất nhân của chế độ cộng sản Việt Nam
Dư luận trong nước cũng như trên mạng xã hội facebook mấy ngày qua xôn xao về chuyện một cặp vợ chồng không có hôn thú bị kết án tổng cộng 23 năm tù vì tội ” mua bán người bất hợp pháp dưới 16 tuổi”.
Theo tờ Tuổi Trẻ online, ngày 15-1, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh qua phiên xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thạch Thị Kim Nhung (22 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Trà Vinh 10 năm tù và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (29 tuổi, ngụ huyện Phú Giáo, Bình Dương) 13 năm tù cùng về tội “mua bán người dưới 16 tuổi”.
Một bị cáo thứ ba là Nguyễn Hữu Dương ở Hà Tĩnh, người môi giới việc buôn bán được tạm hoãn điều tra, xét xử vì (có nhiều) triệu chứng tâm thần, không đủ khả năng nhận thức, kiểm soát hành động của mình – ngoài việc môi giới chuyện mua bán – khả năng điều tra, xét xử Nguyễn Hữu Dương sẽ chìm xuống là 99,95%.
Đây là bản án tương tư như bản án “sát nhân”, kết tội Nguyễn Minh Tiến 32 tuổi, cùng vợ 31 tuổi, mua thuốc độc tự tử cùng với vợ Nguyễn Thị Kiều Oanh, 2 đứa con nhỏ 9, 10 tuổi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang tháng 11.2023. Cô Oanh và 2 con chết, Tiến sống sót, bị ra tòa, truy tố tội giết người [2].
Hai vụ án có một điểm chung nói lên tình trạng tuyệt vọng của một số cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam hiện nay. Do thất nghiệp, không có nhà cửa, không có vốn liếng buôn bán, gặp khó khăn về kinh tế, bế tắc trong cuộc sống, không có thân nhận giúp đỡ, không tìm ra lối thoát, đành phải tìm cách kết liễu cuộc đời của minh và của những đứa con còn thơ dại.
Nhiều bài viết trên facebook đã lên tiếng về nội tình của vụ án, nguyên nhân, hậu quả với những phân tích khá đầy đủ, hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, chưa thấy có bài nào đề cập đến sự bất lương, tàn nhẫn, vô nhân lẫn vô cảm của bản án, nói rõ hơn là của chế độ cộng sản Việt Nam.
Đa số người dân Việt Nam đều biết rằng dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, luật pháp được xét xử, thực thi không theo tội trạng, hành vi phạm pháp mà theo vị thế, quyền lực, tài sản, gia thế của từng bị can.
Hãy so sánh việc ăn trộm một con vịt bị kết án 7 năm tù [3] với việc tham ô, hối lộ hay làm thất thoát tài sản của đất nước từ vài trăm triệu đến vài tỉ $ như Trương Mỹ Lan trong 10 đại án ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua [4] để thấy được bản chất của chế độ. Một số kẻ phạm pháp này đã vào tù từ lâu nhưng chưa có án rõ ràng, xét xử vẫn còn cù cưa, câu giờ để các bị can nộp tiền “khắc phục” hậu quả. Tiền “khắc phục” hậu quả chạy đi đâu, vào túi ai là một bí mật quốc gia không thể tiết lộ.
Riêng ông Đinh La Thăng bị 30 năm tù – cựu ủy viên bộ chính trị duy nhật trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam – chỉ là bản án trả thù của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng.
Bản chất của chế độ Cộng sản Việt Nam bất nhân, tàn độc, nham hiểm là điều không cần nhắc lại ở đây. Tuy nhiên, kết án cặp vợ chồng Kim Nhung và Hoàng Tuấn 23 năm tù là một sự tàn độc không có giới hạn của những tên cộng sản máu lạnh, ngu dốt, thâm hiểm cùng cực.
Thảm cảnh hai vợ chồng Kim Nhung, Hoàng Tuấn đi tù, bỏ lại 4 đứa trẻ không cha mẹ, không người chăm sóc ra sao, không khó để tiên đoán. Các cháu sẽ lớn lên trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay như thế nào chắc chắn cũng không phải là điều bận tâm, suy nghĩ của cán bộ, chánh án tòa án Trà Vinh?
Bản án 23 năm dành cho Kim Nhung, Hoàng Tuấn không có tính giáo dục, không làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên hay giảm thiểu mức độ phạm pháp, việc buôn bán trẻ em của các băng đảng xã hội đen sẽ ít đi. Nó chỉ làm cho việc mua bán tinh vi hơn và nạn nhân không ai khác ngoài các bậc cha mẹ đông con, túng tiền, ít học, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, nghe lời dụ dỗ của những tên môi giới bất nhân như Nguyễn Hữu Dương.
Không bậc cha mẹ bình thường nào lại bất lương, nhẫn tâm đem con mình đi bán, giao cho người khác nuôi. Họ chỉ làm việc đó trong hoàn cảnh tuyệt vọng tột cùng, không còn lối thoát. Những chánh án, công tố viên chế độ Cộng sản Việt Nam thay vì tìm cách giải quyết, giúp đỡ Kim Nhung, Hoàng Tuấn ra khỏi hoàn cảnh bế tắc đó thì lại chứng tỏ quyền lực, sư ngu dốt, cứng nhắc bằng một bản án khác nghiệt, nặng nề với mục đích răn đe, trừng trị.
Về mặt pháp luật, việc mua bán trẻ em, dù là con ruột của mình đúng là tội hình sự nhưng khi xét xử, luật pháp cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố cấu thành tội phạm, không phải chỉ đơn giản căn cứ vào việc giao con mình cho người khác nuôi, đoạn tuyệt với nó để lấy một số tiền là đủ để kết án.
Một xã hội văn minh, nhân bản, có tình người là một xã hội, trong đó luật pháp được đặt ra là để bảo đảm an toàn, trật tự cho xã hội, sinh mạng của người dân. Luật pháp không dùng để răn đe, trừng trị mà dùng để giáo dục, cải hóa những thành phần phạm pháp, giữ cho xã hội phát triển một cách bình yên, tốt đẹp.
Tất nhiên những điều này rất xa xỉ dưới chế độ Cộng sản Việt Nam.
***
Mạc Văn Trang: Những câu hỏi nhói lòng trong vụ án cha mẹ ở Trà Vinh bán con.
Đọc cái tin này tôi thực sự nhói lòng:
“Ngày 15-1, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (29 tuổi) 13 năm tù và Thạch Thị Kim Nhung (22 tuổi, cùng ngụ huyện Châu Thành, Trà Vinh) 10 năm tù, cùng về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo cáo trạng, Tuấn và Nhung chung sống với nhau như vợ chồng. Khoảng tháng 11-2022, do kinh tế khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con nhỏ, Nhung, Tuấn bàn bạc thống nhất với nhau liên lạc các gia đình hiếm muộn con có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ để “chuyển giao” đứa con gái thứ 4 của hai bị cáo là bé N. (sinh ngày 12-10-2022) để nhận lại một khoản tiền” [5]
Mấy ngày qua bận quá, rồi thấy có nhiều bài viết về vụ này rồi, nên không muốn viết gì nữa.
Nhưng sao lòng cứ không yên, phải viết lên đôi điều, góp vào tiếng nói chung của dư luận xã hội.
1. Đúng như nhà giáo Thái Hạo và nhiều người đã viết: Tại sao Chị Dậu phải bán con, bán chó để nộp sưu cho cho chồng thì không ai lên án, ngược lại, được bao nhiêu thế hệ học trò khóc thương chị Dậu? Thế thì tại sao lại kết án nặng nề với vợ chồng anh Tuấn – chị Nhung bán đứa con bé, lo nuôi ba đứa con lớn, trong hoàn cảnh túng quẫn, mà không thấu hiểu và thương cảm họ?
2. Tại sao các “quan toà” vô tâm, vô cảm đến thế? Phạt người bố 13 năm tù, người mẹ 10 năm tù, Vậy ai nuôi 4 đứa con do mẹ dứt ruột đẻ ra? Phá tan nát một gia đình (dù họ sống như vợ chồng thì đã sao?).
Tại sao không hiểu rằng, đôi vợ chồng trẻ này (chồng mới 29, vợ 22 tuổi) mà đã có 4 con, chứng tỏ họ chưa hiểu biết nhiều biết “sinh đẻ kế hoạch”, về những vấn đề xã hội, nhất là về luật pháp. Từ đó thay vì xử bằng pháp luật thì giáo dục họ, giúp đỡ họ…
3. Toàn hệ thống, từ Hội Phụ nữ, Ủy ban chăm sóc bà mẹ, trẻ em và bao nhiêu tổ chức xã hội đâu không giúp đỡ, bênh vực cái gia đình khốn khổ này? Tuổi Trẻ online đã từng kêu lên “17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai”! [6]
Vậy thì các cơ quan, tổ chức này tồn tại làm gì?
4. Mấy đời Thủ tướng đều to tiếng tuyên bố: “Không để người dân nào tụt lại phía sau”! “Nhân quyền trước hết là lo cho 100 triệu dân đủ cơm no, áo ấm”! Vậy chính quyền địa phương để một gia đình khốn khó như vậy, phải chịu trách nhiệm chứ! Phải giúp cho gia đình đó có cơm ăn, áo mặc, con cái được nuôi dưỡng, học hành… Thế mới là chế độ Xã hội Chủ nghĩa tốt đẹp như tuyên bố chứ?
5. Toà án đã làm một việc bêu xấu xã hội, cho thấy bản chất xã hội ta đẩy người dân nghèo đến đường cùng mà không giúp đỡ họ. Rồi xử họ tù rất nặng về “tội bán con” (thực chất là cho làm con nuôi, còn tốt hơn trường hợp chị Dậu); cho thấy Toà án ta quá bất công (Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mắc tội tham nhũng như vậy mà xử tù 3 năm); cho thấy các “quan toà” xử vụ này không có trái tim!…
KIẾN NGHỊ:
Xoá án cho đôi vợ chồng trẻ, giáo dục họ về xã hội, về pháp luật; giúp đỡ họ ổn định cuộc sống gia đình.
Cho người nhận con nuôi đứa bé út và hỗ trợ tiền cho gia đình này theo thoả thuận của họ. Chính quyền giúp họ giải quyết các thủ tục pháp lý…
Rút kinh nghiệm, những chuyện tương tự “toàn hệ thống chính trị” nên “vào cuộc” tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giúp đỡ các đương sự sao cho có lý, có tình để vấn đề được giải quyết nhân văn, tốt đẹp, đừng làm tuỳ tiện rồi ầm ĩ trên mạng xã hội.
21/1/2024
***
Tạ Duy Anh: Khổ đau tột cùng
Mải việc cưới xin cho con và sau đó chống đỡ cơn đau thần kinh cấp, đêm qua tôi mới có thời gian và tâm trí để tìm hiểu về “vụ án bán con”, của một cặp vợ chồng trẻ.
Tôi không thể nào ngủ được.
Mẹ tôi lúc nhỏ từng bị đem “bán” (thực ra là gửi vào cửa khác) và nhờ thế bà mới có cơ hội sống sót để rồi có chúng tôi.
Cô ruột tôi từng phải đem cho đứa em sinh đôi, mà nếu tính thứ tự, nó đứng thứ 10. Ngày ấy tôi đã đủ lớn, để hiểu sự khổ đau của người mẹ phải cho con sang nhà khác, dù nhờ thế nó sướng hơn đứa được giữ lại. Giờ hai em tôi đều trưởng thành và chúng không hề trách cô tôi.
Trừ rất ít trường hợp bị xem là quỷ ám, trong đại đa số các lựa chọn, cha mẹ luôn lựa chọn điều tốt nhất cho con. Đó là bản năng vĩ đại của người làm cha mẹ. Mất bản năng này, thứ bản năng không thể bị nghi ngờ, nhân loại chắc chắc bị diệt vong từ trứng nước.
Buôn bán trẻ con, trong đó không ít trường hợp núp dưới danh nghĩa nhận và cho con nuôi trái luật, là hành vi tội ác phải bị nghiêm trị và phải tìm mọi cách để tiễu trừ tận gốc tệ nạn đó. Nhưng luật pháp không chỉ là các nguyên tắc phổ quát, được cụ thể hóa bằng các khung hình khi xét xử, mà còn rất cần xét tới từng trường hợp phạm tội cụ thể. Vai trò của quan tòa chính là để thỏa mãn điều kiện tưởng chừng trái ngược này.
Tôi đã đọc kĩ các diễn biến được tường thuật công khai, về trường hợp “bán con” đang nói tới, để thấy và tin rằng có rất nhiều tình tiết cần phải được quan tòa xem xét theo hướng xót xa cho thân phận đồng loại, đồng bào, từ đó giảm nhẹ hình phạt, tha thứ cho cha mẹ cháu bé. Họ đáng trách, vô cùng đáng trách, nhưng họ là những người cùng đường về sinh kế. Những kẻ cùng đường, khổ cùng cực, luôn là những người rất dễ đánh mất lý trí. Chưa kể có một nguyên tắc lượng hình bất thành văn: kẻ không biết mình phạm tội, thường là được miễn tội!
Nhưng trong mọi trường hợp như vậy, với một xã hội văn minh, trách nhiệm của cộng đồng phải rất lớn, lớn đến mức đủ để bất cứ ai trong chúng ta cũng đủ an lòng để tin chắc chúng ta vẫn đang trong một xã hội văn minh!
Ngần ấy thời gian, xã hội đã làm gì để cưu mang họ, kéo họ khỏi vũng bùn đói rét đến mức thành cùng quẫn?
Trong vụ án này, tôi có câu hỏi dành cho các quan tòa và cho cả cộng đồng: Có đáng phải giam cha mẹ của 4 đứa con nhỏ không nơi nương tựa khi thiếu họ chúng có thể chết, trong khi tội họ gây ra hoàn toàn có nhiều cách khác để trừng phạt, giáo dục?
Họ đâu có gì nguy hiểm cho xã hội?
Trước phiên tòa, chúng ta có 6 người được biết đến là những kẻ cùng khổ. Sau phiên tòa, vẫn là họ, giờ trở thành những kẻ khổ đau tột cùng của nhân loại!
Luật pháp trong vụ trừng phạt này hoàn toàn không hề vì thế mà mạnh lên, nó chỉ đáng sợ hơn!
—————-
[1] Chị Dậu, nhân vật chính trong tác phẩm Tắt đèn in trên báo Việt nữ năm 1937 của nhà văn Ngô Tất Tố, vì nghèo, gia đình không có đủ tiền nộp sưu thuế dưới thời thực dân Pháp, mà phải đi bán con, bán chó.
[2] https://plo.vn/vu-4-nguoi-trong-gia-dinh-tu-tu-truy-to-nguoi-chong-toi-giet-nguoi-post763544.html
[5] https://plo.vn/ban-con-lay-18-trieu-dong-cap-vo-chong-o-tra-vinh-lanh-an-post772020.html[6] https://tuoitre.vn/17-co-quan-bao-ve-tre-luc-can-van-khong-biet-nho-ai-20171128093628291.htm