Chu Thiên Hương & Trần Quốc Sách: Kỹ trị và Dân túy: Cuộc gặp Trump–Carney và bóng dáng của một cuộc đối đầu ý thức hệ

Chuyến công du Washington ngày 6/5/2025 của Thủ tướng Canada Mark Carney – cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada và Anh Quốc, và biểu tượng của chủ nghĩa tự do kỹ trị phương Tây – đã thu hút sự chú ý không chỉ vì đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông và Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai, mà còn vì nó phản ánh một cuộc đối đầu ngày càng rõ nét giữa hai xu hướng tư tưởng: chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa tự do kỹ trị.
Bài viết này phân tích cuộc gặp không chỉ như một biến cố ngoại giao, mà như biểu hiện thu nhỏ của những chuyển động lớn hơn trong trật tự dân chủ tự do toàn cầu.
Một cuộc gặp nhiều ẩn ý
Cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Canada Mark Carney và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn hé lộ một cuộc đối thoại đầy ẩn ý giữa hai mô hình lãnh đạo: chủ nghĩa dân túy kiểu Trump và chủ nghĩa tự do kỹ trị điềm đạm của Carney.
Mặc dù buổi gặp diễn ra trong bầu không khí được mô tả là “thân thiện” với những cái bắt tay, lời chào xã giao và những tấm hình cười mỉm trước báo chí, nhưng bên dưới bề mặt ấy là những khác biệt sâu sắc không dễ hàn gắn.
Ngay từ đầu, Tổng thống Trump chiếm trọn sân khấu với phong cách đặc trưng: lớn tiếng, lạc đề và tràn đầy năng lượng.
Theo tường thuật của phóng viên BBC News Bernd Debusmann Jr., Carney chỉ có thể chen vào vài câu ngắn ngủi (khoảng dưới 5 phút trong gần 35 phút họp báo) trong lúc Trump thao thao bất tuyệt, thậm chí an man sang cả chuyện Afghanistan.
Khi được hỏi liệu có điều gì Carney có thể nói để khiến ông dỡ bỏ thuế quan đối với Canada hay không, Trump đáp gọn lỏn: “Không.”
Carney, trái lại, giữ vẻ điềm đạm và kiên nhẫn.
Ông nói: “Một số nơi, như bất động sản, đơn giản là không để bán,” để đáp lại lời bóng gió của Trump rằng Canada sẽ hưởng lợi nếu trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.
Ông nhấn mạnh: “Canada không để bán — và sẽ không bao giờ để bán.”
Đó là thông điệp rõ ràng, nhất quán về chủ quyền quốc gia, nhưng cũng là một lời tuyên bố đạo lý giữa thời đại đầy biến động.
Cuộc họp báo sau đó của Carney tại Đại sứ quán Canada ở Washington cho thấy thêm chiều sâu của cuộc gặp.
Thủ tướng Mark Carney mô tả các cuộc thảo luận là “rộng khắp và xây dựng”, nhưng thừa nhận hai bên “đồng ý là không đồng ý” về đề xuất Canada gia nhập Hoa Kỳ với tư cách bang thứ 51 của Tổng thống Donald Trump.
Khi được hỏi về phát biểu của Trump gọi đường biên giới Mỹ–Canada là “nhân tạo”, Carney hài hước đáp: “Tôi mừng là quý vị không nhìn thấy tôi đang nghĩ gì trong đầu.”
Hai hình mẫu đối lập của chính trị phương Tây
Dưới góc nhìn phân tích, cuộc gặp Trump–Carney có thể được xem như biểu tượng của một sự phân cực ý thức hệ trong chính trị phương Tây đương đại.
Một bên là chủ nghĩa dân túy bản địa, đặt nặng vào bản sắc dân tộc, đòi hỏi lợi ích thực dụng, và không ngại phá bỏ quy tắc.
Một bên là chủ nghĩa tự do, kỹ trị toàn cầu, đặt nền tảng vào dữ liệu, đạo lý, và hợp tác quốc tế.
Trump là hiện thân của bản năng và quyền lực cứng, còn Carney là đại diện của lý trí và sức mạnh mềm.
Không ngẫu nhiên mà Carney là một trong những lãnh đạo phương Tây hiếm hoi được coi là “một hình mẫu từ chối Trump.”
Trong các chức vụ trước đây — từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, Chủ tịch Ủy ban Ổn định Tài chính toàn cầu đến Thống đốc Ngân hàng Anh — Carney luôn đại diện cho một đường lối chính sách dựa trên các giá trị bền vững, cải cách khí hậu và công lý thế hệ.
Ông không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, mà là một nhà kỹ trị bước vào chính trường trong bối cảnh dân chủ tự do đang bị thách thức nghiêm trọng bởi làn sóng dân túy hậu COVID-19.
Cuộc đối đầu gián tiếp giữa Trump và Carney gợi nhớ đến sự rạn nứt giữa hai đồng minh cộng sản lớn trong thời Chiến tranh Lạnh: Liên Xô và Trung Quốc.
Khi Mao Trạch Đông thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Liên Xô, thế giới chứng kiến một cuộc đấu đá vừa mang tính ý thức hệ, vừa mang yếu tố bản sắc dân tộc và chiến lược quyền lực.
Tương tự, Trump với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” đang làm lung lay vai trò dẫn dắt truyền thống của Mỹ trong trật tự tự do, trong khi Carney đại diện cho một thế giới quan đa phương, lý trí và dựa vào quy tắc.
Dù không mang tính đối đầu quân sự như Chiến tranh Lạnh, cuộc gặp này phản ánh một dạng “phân ly phương Tây” kiểu mới, nơi các giá trị chung ngày càng bị xói mòn.
Thông điệp và di sản
Carney không ngây thơ.
Trong cuộc họp báo, ông nói: “Tôi chưa từng kỳ vọng sẽ thấy làn khói trắng sau cuộc gặp đầu tiên.”
Nhưng ông nhấn mạnh đây là “sự khởi đầu cho tiến trình tái định nghĩa quan hệ Canada–Hoa Kỳ.”
Với kinh nghiệm kinh tế – tài chính vững chắc, kỹ năng thương lượng sắc sảo và cách tiếp cận thận trọng, Carney có thể là đối trọng mềm nhưng không dễ khuất phục trước Trump.
Việc Carney không nhận được cam kết nào từ phía Trump về dỡ bỏ thuế quan, đặc biệt với ngành công nghiệp ô tô, cho thấy những thách thức phía trước sẽ rất gian nan.
Nhưng điều quan trọng là ông đã không nhượng bộ về mặt nguyên tắc.
Ông tái khẳng định USMCA là nền tảng cho một cuộc đàm phán rộng hơn, và rằng “hai nước chỉ làm tốt nhất khi hợp tác cùng nhau.”
Cuộc gặp kết thúc mà không có thông cáo chung, không có họp báo chung, và không có bước đột phá rõ ràng.
Nhưng sự hiện diện của Carney tại Nhà Trắng, với phong thái điềm tĩnh và thông điệp chủ quyền vững vàng, chính là một tuyên bố.
Nó gửi đi tín hiệu rằng giữa một thế giới đang bị xé rách bởi chủ nghĩa dân túy và phân cực chính trị, vẫn còn chỗ cho đối thoại, lý trí, và tầm nhìn lâu dài.
Như Carney nói: “Hôm nay đánh dấu sự kết thúc của phần mở đầu. Câu hỏi còn lại là: Chúng ta sẽ hợp tác như thế nào trong tương lai?”
Câu hỏi ấy sẽ định hình không chỉ quan hệ Canada–Hoa Kỳ, mà còn tương lai của trật tự dân chủ tự do trong thế kỷ 21.
Chu Thiên Hương & Trần Quốc Sách
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.