Vũ Hoàng Anh Bốn Phương: Quyền Ân Xá

Đây là một đề tài mà những ai quan tâm đến một Việt Nam tương lai, cần phải tìm hiểu để rút ra bài học ở tương lai, không lập lại sự kiện đã (hoặc sẽ) xảy ra ở Mỹ.

Quyền Ân Xá của vị tổng thống Mỹ được ghi rõ trong hiến pháp, rất ít có sự giới hạn ngoài trừ trường hợp đàn hạch (impeachment) và vụ án của tiểu bang thì không được sử dụng quyền ân xá này. Quyền này được tòa án tối cao, năm 1886, nhìn nhận ở một dạng rộng lớn cho dù vụ án chỉ trong tình trạng chưa ra tòa vẫn được ân xá. Thời gian sau 1886 thì quan tòa cho cái quyền này được gia tăng rộng lớn hơn nữa. Tòa xác định là Quốc Hội không có quyền đưa ra luật để cản trở quyền ân xá của tổng thống.

Vậy thì quyền ân xá này cho phép vị tổng thống ân xá bất cứ ai mà vị tổng thống muốn, gồm cả ân xá cả chính mình. Dĩ nhiên nếu vị tổng thống tự ân xá chính mình thì sẽ xảy ra vụ thưa kiện bởi bạn không thể nào lấy tiền của bạn để cho (donation) bạn dưới danh nghĩa là từ thiện. Chuyện ân xá chính mình cũng vậy. Tuy nhiên lý luận này là của thường dân nhìn vấn đề theo dạng đơn giản (common sense); các quan tòa, vì họ có toàn quyền, cho nên họ không dùng lý luận thường tình (common sense).

Chưa kể với những người ở tòa án tối cao hiện giờ, những quyết định trong quá khứ, các quan tòa dựa vào tinh thần đảng tranh để giải thích luật cho phù hợp với cái nhìn của đảng mình, cho nên chuyện tự ân xá mình sẽ xảy ra ở tương lai và tòa án tối cao sẽ chấp nhận bởi hiến pháp không có nói điều cấm kỵ đó.

Ngay cả chuyện không thể nào đưa vị tổng thống tại nhiệm ra tòa cũng là một chính sách sai lầm, tạo ra luật dành cho hai loại công dân khác nhau. Nếu một vị tướng ở trong quân đội, vi phạm luật thì vị tướng đó vẫn phải ra tòa chứ không phải chờ hết hợp đồng (phục vụ trong quân đội phải ký hợp đồng cho thời gian phục vụ khoảng 8 năm).

Người Việt nếu thực sự quan tâm về một nền dân chủ tương lai của Việt Nam, cần phải nhìn vấn đề này ở góc nhìn công bằng, hợp lý. Không thể nào chấp nhận cho vị tổng thống hay lãnh đạo quốc gia quyền ân xá không có sự giới hạn, không có điều kiện cho ân xá ra sao. Nếu vị tổng thống có thể ân xá cho bất cứ ai, gồm cả chính mình, thì kẻ xấu nắm quyền sẽ làm nhiều chuyện nguy hiểm cho xã hội để trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, tự ân xá mình hay đàn em của mình bởi họ đã phục vụ những âm mưu mà kẻ xấu muốn.

Đừng mất thời gian tranh cãi chuyện ân xá của ông A hay bà B bởi hiến pháp Mỹ và tòa án tối cao Mỹ đã chấp nhận quyền ân xá hoàn toàn không có điều kiện ngoại trừ hai trường hợp ghi trên bản hiến pháp. Và thay đổi hiến pháp với tình trạng đảng tranh hiện giờ là chuyện không tưởng.

Những người đấu tranh cho Việt Nam dân chủ hiện tại và tương lai, họ có đủ trí tuệ để nhìn ra vấn đề hay họ vẫn bị cái gọi là “đảng tranh” để tiếp tục bênh vực cái quyền ân xá của ông A hay bà B mà không nhìn vấn đề cho đúng bản chất của sự kiện để chuẩn bị những luật lệ cần có cho vị tổng thống tương lai của một đất nước Việt với nền Dân Chủ Nhân Chủ.

Quyền ân xá dành cho vị tổng thống là điều cần thiết nhưng phải đặt ra những điều kiện nhằm tránh vị lãnh đạo lợi dụng quyền này để khuyến khích người ủng hộ mình, gia đình mình làm chuyện xấu qua cái quyền ân xá không có sự kiểm soát như hiện tại của Mỹ. Không thể nào chấp nhận quyền ân xá dành cho người thân, bạn bè, gia đình của vị tổng thống bởi đây là sự lạm dụng quyền ân xá. Ngay cả vị tổng thống vi phạm luật pháp trong lúc tại nhiệm vẫn phải đưa ra tòa như mọi người bởi luật áp dụng cho mọi người chứ không phải chỉ cho một số người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương