Vũ Hoàng Thư: Phục Sinh

Tranh: Đinh Trường Chinh. 

Hương tháng ba khua xuân dậy, nhộn nhịp mầm xanh hy vọng. Mùa Phục Sinh. Từ thập giá của sự chết, của nước mắt và máu. Của giọt dấm tân toan làm chất dưỡng sinh nuôi hoa khổ trên môi khô. Những giọt máu đen bầm ứa từ hông bóp nghẹt dần sự sống, cũng từ đó trường sinh hứa hẹn đâm chồi, Ego sum resurrectio et vita… (*)

Đó là sự cứu rỗi của tôn giáo và phục sinh mang con người trở về bản thể thánh thiện ban đầu. Đất hứa không còn khi Từ Thức về trần, nơi đau khổ rộng lớn như biển vì không gì to tát hơn biển dưới mắt con người. Biển khổ. Và cũng không gì vĩ đại hơn tình yêu. Biển ái. Cả hai vùng biển mênh mông, đôi khi nhập một. Từ đó có lệ ứa.

Lệ là dung dịch chất chứa niềm đau cũng như hạnh phúc. Người sẽ khóc khi chia ly và người sẽ cười mếu máo trong sung sướng. Người sẽ ràn rụa vì cơn lốc, hay chút lưng tròng tại khói, Smoke gets in your eyes làm lời che đậy từ một bản tình ca. Hay có thể vì một hạt bụi không đâu? Hạt bụi vô tư khơi mào cho dây chuyền phản ứng. Các khoa học gia khi phân chất nước mắt khám phá rằng nếu chỉ làm phận sự bảo vệ mắt khi có vật lạ xâm nhập hay để làm trơn mắt, cấu chất của nước mắt lúc đó đa số chỉ là nước. Trái lại khóc vì vui hay buồn, nước mắt chứa thêm nhiều kích thích tố khác.

Lệ ứa khi niềm đau bão hòa và trào mứa khi cơ thể bất kham những phế thải dư thừa. Thi sĩ bắt gặp cả hai trong một ngày trong, khi nắng reo giòn màu thủy tinh, khi buồn không chỉ mang nghĩa buồn phiền, buồn còn là sự kích thích hay cảm giác nhột nhạt. Vùng não bộ khiến ta cười khi bị cù lét cũng chính là nơi báo động cho thân thể con người biết về sự đau đớn. Hạnh phúc và khổ đau vốn là một, như hai bề mặt của một đồng tiền.

Tôi buồn khóc như buồn nôn

Thi sĩ làm gì ở giây phút đó? Tự gọi tên mình như một lối thoát. Gọi tên tôi vì không còn gì để bám víu. Tôi đánh mất niềm tin vào bất cứ điều gì trên cuộc đời này. Tôi là ốc đảo cô đơn tuyệt đối. Tôi là hư vô. Giáo đường bên ngoài không là nơi tìm đến. Tôi tự xây một góc riêng trong hồn, nơi đó tôi đối mặt với chính mình, sự thánh thiện hay tính ác có đủ từ tôi. Con chó sói không màu, tưởng là loài thú ngoài đời, dữ dằn đe dọa, ngờ đâu nó hiện hữu ngay chính trong tôi.

Tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thủy tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

buổi chiều – sao vỡ vào chuông giáo đường

tôi xin một chỗ quỳ thầm kín

cho đứa nhỏ linh hồn

sợ chó dữ

con chó đói không màu

(Phục Sinh – Thanh Tâm Tuyền)

tôi buồn chết như buồn ngủ

Chết là giấc ngủ không bao giờ dậy, ngủ là những cơn chết được đánh thức bởi hồi sinh. Từ khi sinh ra, con người bắt đầu một cuộc hành trình, điểm đích là sự chết, một vị nổi tiếng nào đó đã nói thế. Sisyphus đền tội vì đã chỉ lối cho Aegina thoát khỏi địa ngục và lập mưu nhốt tù thần chết Hades, nhưng tội lỗi nặng nhất vẫn là dám yêu cái sống hơn sự chết. Ôi trần gian điên dại này, dù đớn đau quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương, Hermann Hesse có lần nói như thế. Cho đến khi Hermes được sai xuống áp giải Sisyphus về lại âm ty. Sisyphus bị chịu phạt đến muôn đời lăn đá từ chân núi lên đến đỉnh để nhìn thấy hòn đá lăn tròn về lại chân núi. Từ đó huyền thoại Sisyphus mang tính bi đát và phi lý của kiếp người. 

Trong cô đơn đen ngòm tuyệt vọng, có lẽ đen hơn nước tuyền đài nơi địa phủ, thi sĩ bắt gặp mình yếu đuối như cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ trước đám lang sói. Nghiệt ngã thay, con sói chính là phân thân của hắn. Nhà thơ trằn trọc trong cấu xé, tra vấn và lột xác. Phải giết cái ác để hoàn thiện. Trong hành động vượt lên, hướng thượng hắn thành kẻ sát nhân tự giết chính mình. Tự sát để phục sinh. Cuộc chiến đó không bao giờ dứt cho đến khi hắn khám phá ra một điều. Hắn thôi gọi tên mình. Tên gọi và danh xưng thật chăng vô nghĩa như chân núi và đỉnh trời của một kiếp người lê thê kéo đá? Quên chính mình, hay đúng hơn khi vị ngã không còn, giây trói cột tự nhiên tháo gỡ. Giây phút đó Em hiển lộ. Em là hiện hữu khách quan không vị kỷ. Em là tình yêu. Em là Sự Thật. Tôi thành trẻ thơ, tôi tìm lại cái ban đầu uyên nguyên vô nhiễm. Tôi giao thoa chan hòa trong niềm sống và nỗi chết. Vì sống, chết vốn như nhau khi cái tôi đã không còn. Sống và chết hiện hữu trong phân biện dẫn đến khổ đau. Lệ sẽ khô trong phục sinh.

tôi buồn chết như buồn ngủ

dù tôi đang đứng trên bờ sông

nước đen sâu thao thức

tôi hét tên tôi cho nguôi giận

thanh tâm tuyền

đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi

em bé quàng khăn đỏ ơi

này một con chó sói

thứ chó sói lang thang

tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

từng chuỗi cuộc đời tiếp nối

nhân loại không tha thứ tội giết người

bọn đao phủ quỳ gối

giờ phục sinh      


tiếng kêu là kinh cầu

những thế kỷ chờ đợi          


tôi thèm sống như thèm chết

giữa hơi thở giao thoa

ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ

em

hãy mở cửa trái tim

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

trong sạch như một lần sự thật

(Phục Sinh – Thanh Tâm Tuyền)

Tháng ba nhân ngày giỗ của Thanh Tâm Tuyền đọc lại một bài thơ của ông. Mấy mươi năm trước lời thơ bốc dậy những cuồng nộ đập phá, của phản kháng để xây lại một trật tự mới. Phục sinh hôm nay nghe ra như lời suối trong thanh từ tâm, một ngày đầu của xuân, thanh tâm tuyền.

Vũ Hoàng Thư

——————————————————————–

(*) Ta là sự sống lại và sự sống… (Gioan 11:25)