Xung quanh việc một đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Tạ Duy Anh: Phạt
Dư luận đang dậy sóng trước đề nghị của một bà nghị quyền lực, muốn nâng mức phạt cao nhất cho lỗi vi phạm khi tham gia giao thông lên tới 200 triệu đồng. Số tiền đó gần gấp đôi GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024: Khoảng 114 triệu đồng! (Giả dụ Singapore cũng lấy theo tỉ lệ vàng vừa nêu, thì mức phạt lỗi vi phạm giao thông cao nhất của họ vào khoảng 175.000 USD!)
Khi đó, chắc 6 triệu dân Sing sẽ chọn chỉ đi bộ.
Bèn lọ mọ mở cuốn Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh ra tra từ PHẠT, thấy có các nghĩa sau:
1-ĐÁNH.
2-Đánh GIẶC.
3-CÔNG Lao.
4-TỰ KHOE mình.
5-Cái KHIÊN.
6-TRỪNG TRỊ kẻ Phạm TỘI.
7-Xuất tiền chuộc tội.
Bỗng thấy phục bà nghị sát đất! Nếu đề xuất của bà được Quốc hội chấp nhận, thì lần đầu tiên trong lịch sử từ PHẠT tìm được ngữ cảnh để bao trọn luôn một lúc cả 7 nghĩa tiếng Việt. Các nhà ngôn ngữ khỏi mất công tranh cãi.
Chỉ xin nhắc nhỏ bà nghị và những người làm luật:
Không cẩn thận, người dân không thấy sự sừng sững, uy nghi, bất khả đùa cợt của pháp luật đâu, mà chỉ thấy trùm lên họ cái bóng của người có công cụ pháp luật trong tay, với một bộ dạng khệnh khạng, thể hiện mình có quyền vô biên, không ai làm gì được.
Không cẩn thận người thi hành công vụ trở thành đối tượng đầy quyền lực cụ thể để tự tung tự tác, chứ không phải là đại diện của quyền lực với nhiệm vụ duy trì sự hiện hữu thường xuyên của luật pháp.
Không cẩn thận thì dù cho có bao nhiêu điều luật nghiệt ngã đi nữa, cũng không thể khiến luật pháp được tôn trọng trên thực tế.
Phạt để DẠY, chứ không phải để DIỆT.
***
Thái Hạo: Để giải quyết vấn đề an toàn giao thông cần chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế, chứ không phải chỉ nhắm vào túi người dân*
Về mức phạt vi phạm hành chính về giao thông, tôi đã viết nhiều. Nhân phát biểu của một nữ thiếu tướng ở Đăk Lăk, đề nghị nâng mức phạt từ 75 triệu lên 200 triệu đồng, xin nói thêm vài điều.
1.
Tham khảo trên mạng thì được biết, nếu so với thu nhập bình quân mỗi năm của người dân thì một số nước có mức phạt như sau: Phần Lan 5–10%, Singapore 0,5–1%, Nhật Bản 0,3–1%, Mỹ 0,3–1%. Riêng Việt Nam, với mức phạt hiện tại là 75 triệu – tức là chiếm tới 70% thu nhập. Có lẽ cao nhất thế giới và bỏ xa các nước khác.
Nếu bây giờ tăng lên 200 triệu đồng thì mức phạt tối đa cho một lần vi phạm sẽ là gần 200% so với thu nhập, một con số không tưởng và sẽ đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói không có lối ra, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn và dẫn đến kìm hãm kinh tế xã hội.
2.
Vi phạm giao thông có nhiều loại, như nặng – nhẹ, khách quan – chủ quan, cố ý – không cố ý…., đó là chưa kể tới các vấn đề về hạ tầng giao thông như chất lượng đường sá, biển báo, đèn tín hiệu, phân bố dân cư…
Vì thế, cần song song thực hiện việc cải thiện hạ tầng và nâng cao nhận thức người đi đường, không thể cực đoan dồn hết lý do và gánh nặng lên vai người dân khi quy tất cả cho “ý thức tham gia giao thông”.
Chỉ cần gõ lên facebook “mua bằng lái xe” hoặc “làm bằng lái xe có hồ sơ gốc”, là thấy nhan nhản các trang đang công khai quảng cáo rầm rộ trên mạng. Đó là chưa kể công tác đào tạo và cấp bằng của Việt Nam thuộc loại lỏng lẻo bậc nhất thế giới.
3.
Pháp luật cần nghiêm khắc chứ không thể hà khắc. Nghiêm khắc là một thái độ, cách ứng xử kiên quyết, có nguyên tắc, công bằng và hợp lý nhằm duy trì kỷ luật, trật tự và sự phát triển tích cực; nhằm mục đích giáo dục, điều chỉnh hành vi, xây dựng nề nếp; có lý do rõ ràng, gắn với sự tôn trọng và công bằng, người bị xử lý vẫn cảm thấy được lắng nghe, được đối xử đúng mực.
Còn hà khắc là sự áp đặt, trừng phạt hoặc kiểm soát quá mức, không tính đến hoàn cảnh, cảm xúc hoặc quyền lợi chính đáng của người khác; mục đích của nó thường là áp chế, giữ quyền lực, gây sợ hãi, đôi khi vì thành tích hoặc hình thức; nó thiếu linh hoạt, cảm thông, thường gây ức chế, phản kháng hoặc cam chịu, và dễ tạo ra tâm lý sợ hãi, mất niềm tin, phản ứng tiêu cực.
4. Pháp luật phải đảm bảo tính công bằng
Công bằng khác với “bình đẳng máy móc”. Ví dụ trong trường hợp phạt người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm thì “bình đẳng máy móc” là mọi người bị phạt như nhau, còn công bằng là xem xét người đó có bị ép buộc, bị bệnh hay có lý do đặc biệt không.
Sự công bằng chỉ đúng và có ý nghĩa khi xét đến hoàn cảnh cụ thể, thực tế. Ví dụ, cùng một hành vi vi phạm, nhưng mức độ lỗi, ý thức chủ quan, điều kiện hoàn cảnh phải được cân nhắc để định ra hình phạt phù hợp. Với hoàn cảnh là thu nhập cả năm chỉ khoảng 1 trăm triệu đồng mà mỗi lần vi phạm giao thông phạt tới 200 triệu tức là không có sự công bằng.
Công bằng còn là xét trong tương quan với các loại hình phạt khác nhau. Một tướng công an như Đỗ Hữu Ca không thể nhận 35 tỉ đồng để chạy án cho 1 vụ mà chỉ bị xử 7 năm tù và sau 2 năm thì được đặc xá; trong khi người dân ăn cắp 1 con vịt thì ngồi tù 7 năm. Công bằng không thể là người vượt ẩu và cán chết em học sinh thì không bị khởi tố, trong khi nạn nhân thì bị coi là “người nguy hiểm cho xã hội”. Nó làm cho người ta có cảm giác rằng, luật pháp chỉ “nghiêm khắc” với dân, còn cán bộ và những kẻ có tiền chạy chọt thì áp dụng luật riêng.
Một điều nữa là, việc thực thi pháp luật về giao thông quan trọng hơn mức phạt. Tình trạng mãi lộ, “bánh mì”, “tiếp thị sữa”… mà chúng ta có thể gặp và thấy nhan nhản trên mạng không thể coi là bình thường được. Luật pháp nghiêm minh không thể để tình trạng ấy tiếp tục tồn tại. Nó làm nhờn pháp luật, gây mất niềm tin và làm sa đọa các giá trị xã hội. Nếu bây giờ đi trên đường và gặp các xe tải lớn, gọi là “xe hổ vồ” chắc các đại biểu mới hiểu cảm giác đáng sợ là thế nào: họ chạy bạt mạng, ai tránh thì tránh, không tránh ráng chịu!
Các đại biểu quốc hội cần thấy tất cả những điều này và yêu cầu kiện toàn, chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế, chứ không phải chỉ nhắm vào túi người dân và coi đó là thuốc bách bệnh để giải quyết vấn đề an toàn giao thông.
*Tựa do DĐTK đặt
Đại biểu đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng, Báo Tuổi Trẻ
Đề xuất tăng xử phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng, khó khả thi vì thiếu thực tế, Báo Lao Động