Xung quanh việc ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) xài bằng THPT giả nhưng vẫn tốt nghiệp tới…Tiến sĩ
Lê Học Lãnh Vân: Bằng cấp phản ánh đúng kiến thức.
1) Vụ ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật tại trường Đại học Luật Hà Nội là một sự việc đầy kịch tính.
Kịch tính ở mức các quan chức cao cấp của trường đại học Luật Thủ đô đăng đàn với những tuyên bố hơn cả có cánh tôn vinh ngài thượng tọa Thích Chân Quang. Nhiều người xem màn kịch rởm đời có cảm giác vị thượng tọa này không phải là người bảo vệ luận án đang nghe nhận xét của các thầy hướng dẫn mà là một thái sư phụ đang nhận những lời chúc tụng tung hô của đám tông đồ cúi rạp lưng với cái miệng thoa mỡ! Trong số những vị tung hô lưu loát ấy, có giáo sư nổi tiếng danh giá Hoàng Chí Bảo!
Thượng tọa Thích Chân Quang là người từng đưa ra những tuyên bố, những lời thuyết pháp được nhiều người nhận xét chỉ có thể là lời của xàm tăng, mà xàm tăng thiếu cả kiến thức lẫn tác phong bình thường! Xã hội đâu có u mê, người ta xôn xao đòi thẩm tra công khai và minh bạch bằng cấp của vị tiến sĩ hai năm với rất nhiều khuất tất này! Nhiều trí thức công khai nhận xét kiến thức của luận án thấp một cách quái đản, các vị chức sắc của trường đại học Luật Hà Nội vẫn kiên trì im lặng một cách tương xứng với luận văn ấy!
2) Sau một thời gian quá dài so với việc thẩm tra đơn giản, sáng nay, ngày 13/8/2024, ông giám đốc sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh công bố rằng:
“Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, như sau:
Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.” (Tuổi Trẻ Online, ngày 13/8/2024)
Vậy là đã rõ, ông thượng tọa xàm này, người đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không hiểu vì lý do gì, im lặng một thời gian rất lâu để mặc ông dùng lời ma quỷ mê hoặc chúng sinh, vị thượng tọa chính là người lừa gạt xã hội về bằng cấp của mình.
Vậy là đã rõ, trường đại học Luật Hà Nội, không biết bị lừa gạt bởi thượng tọa Thích Chân Quang hay thông đồng với ông ta, đã cấp bằng tiến sĩ Luật cho một người vừa không đáp ứng điều kiện bằng cấp vừa có trình độ dưới mức cơ bản. Và luận án người ấy soạn được xét duyệt thông qua một cách đặc biệt: chỉ trong vòng hai năm!
3) Nhà giáo và nhà báo không thẻ Thái Hạo đã nhận xét “Vụ bằng tiến sĩ của “sư phụ” [Thích Chân Quang] là một pha tự cởi truồng ngoạn mục, lột sạch, không còn mảnh vải che thân. Chỉ trong khoảnh khắc, từ một “thánh đường của tri thức” hào nhoáng, trường đại học bỗng biến thành một sân khấu hài kịch khổng lồ. Diễn viên toàn các giáo sư tiến sĩ cả. Ai diễn cũng sâu, nhập vai hoàn hảo, xứng đáng Oscar không có “nhưng”. Quá tài tình. Và quá đau đớn cho nền giáo dục – khoa học nước nhà”.
Bài viết này cho rằng không chỉ “nền giáo dục – khoa học nước nhà” bị lột truồng, mà cả xã hội với nhiều thiết chế cũng tô hô trước bàng dân thiên hạ! Nào phải chỉ trường đại học Luật Hà Nội dính vào cái vòng dơ tanh này, thiết chế đại diện cho tín ngưỡng Phật giáo toàn quốc cũng ủng hộ “thượng tọa” một thời gian rất dài trước khi có thái độ chỉnh sửa vì chịu không nổi dư luận xã hội chê bai, khi dễ! Ngành văn hóa, giáo dục cũng không nhanh chóng bắt tay làm trong sạch môi trường tri thức quá ô uế! Và các cấp cao hơn đã làm gì để bảo vệ các giá trị cốt lõi của cộng đồng, xã hội, quốc gia? Để cho người dân thiết tha với văn hóa và học thuật nước nhà không phải ngẩng lên trời chảy nước mắt như Nguyễn Trãi xưa kia:
“Trúc Trường Sơn không ghi hết nỗi nhục
Nước Đông Hải không rửa sạch mùi tanh”
4) Mảnh bằng tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt không phản ánh được trình độ văn hóa, kiến thức quá thấp của ông. Nhưng mà, nó có phản ánh đúng trình độ văn hóa và kiến thức của xã hội Việt Nam không?
Thực ra các nhà trí thức, các nhân sĩ có trách nhiệm với xã hội đã thấy sự tụt hậu đầy bê bối và cay đắng này từ lâu. Tiếng nói của họ nào được lắng nghe!
Thời tiền chiến, dù bị Pháp đô hộ, Hà Nội là một thủ đô sáng giá của châu Á. Hà Nội tập trung các trường đại học của Việt Nam, trong đó hai trường danh giá nhất là trường đại học Luật và trường đại học Y. Ngành Luật Hà Nội đã đào tạo các luật gia lớn của Việt Nam tài đức song hành như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc…
Sau ngày tiếp quản thủ đô, thế hệ các luật gia Việt tiếp theo có tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối tiền chiến? Nếu lấy mốc là năm 1954, đến nay đã 70 năm, nên chăng Việt Nam cần đặt mục tiêu trong vòng năm, mười năm đưa Hà Nội trở về vùng đất văn hiến với ngành Luật vững chắc làm nền cho đất nước phát triển văn minh?
Ngày 13 tháng 8 năm 2024
***
Đoàn Bảo Châu: Xã hội Việt Nam đầy rẫy tính háo danh*
Tôi không ngạc nhiên về sự việc này khi mà xã hội Việt Nam đầy rẫy tính háo danh, ưa chuộng sự khoe mẽ, bằng cấp, danh hiệu…
Nhân vật này cũng chỉ là một cá nhân điển hình trong đám đông cùng một màu sắc giả tạo. Tôi đã viết rất nhiều về những phát ngôn ngớ ngẩn của nhân vật này khi hắn đang được tung hô một cách ồn ào.
Nhưng tôi không chỉ muốn nói đến tay giáo sư thợ nói, bậc thầy trong việc uốn éo ngôn từ, người được trả tiền để ca tụng ai đó trong những bữa tiệc mà hắn được mời. Sau khi ca tụng, họ lại vội vàng chối bỏ chính những lời mình đã nói, đổ lỗi cho người khác rằng đã gán ghép câu chữ vào miệng mình để tránh mất mặt.
Status này tôi muốn nói đến những người tự nhận là trí thức ở Việt Nam. Họ có chút chữ nghĩa trong đầu, sở hữu vài cuốn sách, nhưng nhân cách lại nông cạn. Họ chỉ viết ra những điều mà quyền lực chấp nhận, và được công chúng dễ dãi tung hô.
Họ khoe khoang những chai rượu đắt tiền, những bữa tiệc xa hoa trên mạng xã hội, tự hào khi được kề vai, cọ má với những người mà họ coi là “thượng lưu” trong xã hội.
Điều họ không hiểu là một người được coi là trí thức trong xã hội thì trước tiên cần phải dùng trí tuệ và trái tim để đánh thức lương tri xã hội, sử dụng vốn tri thức của mình để góp phần khai sáng dân trí, chứ không phải để ru ngủ dân chúng bằng những lập luận mơ hồ, thiếu căn cứ và vô bổ.
Đến đây, tôi thấy việc gọi họ là “trí ngủ” là thích hợp. Họ chỉ được thức tỉnh một chút bởi chữ nghĩa, nhưng thực chất chỉ đại diện cho một tầng lớp có chữ nghĩa trong ao làng. Họ chỉ biết ăn theo, nói leo, và chẳng bao giờ trăn trở về điều gì, miễn là có ai đó mời đi nhậu chiều nay, hay tuần sau có hội nào đó rủ đi chơi.
Họ lại có tính kiêu ngạo, mang trong mình ảo tưởng rằng mình là thành phần trí thức thực sự của xã hội, là tinh hoa của thời đại, tự cho mình là “chiếu trên” với cách ứng xử trịnh thượng.
Trong khi đó, trí thức đích thực bắt buộc phải là con tim và khối óc của xã hội. Con tim biết đau với nỗi đau của dân nghèo, dũng cảm dám nói những điều trái với sự áp đặt của quyền lực, khối óc biết khát khao nhìn ra những căn bệnh của xã hội và tìm ra phương thuốc chữa trị.
Đó là những người có chút chức sắc trong lĩnh vực văn hóa, có liên quan đến sách vở.
Nhưng đám đông còn lớn hơn nhiều, có thể nói gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với đám trí thức giả tạo, chỉ lo kiếm tiền. Kiếm tiền là một nhu cầu cần thiết và đáng khen khi được thúc đẩy bởi nhu cầu thực sự của cuộc sống, nhưng khi con người quá miệt mài kiếm tiền, họ trở thành những sinh vật tầm thường, lúc nào cũng chỉ lo tích lũy cho đầy tổ mà không biết sẽ làm gì tiếp theo khi tổ đã đầy. Họ không cần băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống, cứ ăn, ngủ, và hưởng thụ, nhưng ở một đẳng cấp cao hơn mặt bằng xã hội để thấy oai. Tầng lớp “váng sữa” mà!
Số người thực sự đáng trọng trong xã hội, những con người có trái tim và khối óc thực sự biết đập và suy nghĩ đúng với chữ “trí thức,” thì rất ít ở Việt Nam.
Điều đáng buồn là điều này khiến những con người thực sự có lương tri và đáng trân trọng trở nên cô đơn trong xã hội. Họ là những người thiệt thòi nhất. Những kẻ thô bỉ thậm chí còn coi thường, bảo họ dại, sao không sống “khôn ngoan” như chúng.
Những người trong hệ thống không phải không nhận thấy xã hội đang xuống cấp toàn diện, chính vì vậy mà có vị kêu gọi “chấn hưng văn hóa” bằng nhiều nghìn tỷ, nhưng riêng lời kêu gọi đó đã thể hiện một não trạng kém cỏi và thô thiển về văn hóa rồi.
Martin Luther King Jr. đã nói rất đúng:
“Cuối cùng, chúng ta sẽ không nhớ lời nói của kẻ thù, mà là sự im lặng của bạn bè.”
*Tựa do DĐTK đặt.