Xung quanh vụ “đấu tố” nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh

Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia và xuất sắc giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý I của năm thứ 24, nhưng gần đây đã bị một số người trên mạng xã hội “đấu tố” và bị công an mời làm việc chỉ vì đã viết trên mạng những câu thành thật như “Cuối cấp hai là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài” v.v…Bên cạnh làn sóng “đấu tố” của những người cố tình đánh đồng đảng, chế độ với Tổ Quốc, quê hương nên coi nam sinh này là vô ơn, vô lễ, cần phải trừng phạt xứng đáng, thì đã có rất nhiều người lên tiếng bảo vệ và chỉ ra nguyên nhân cũng như sự nguy hiểm của thái độ hung hãn, “Hồng vệ binh”, hở chút là “đấu tố”, là “phong sát” kia…Thậm chí có người đã đề nghị giúp đỡ Chu Ngọc Quang Vinh tiếp tục con đường học vấn …

DĐTK.

***

Hoàng Hưng: Em học sinh thật thà như đếm!

MẤY HÔM NAY THẤY TRUYỀN TRÊN MẠNG VĂN BẢN SAU: 

Đây là bài trên Facebook cá nhân của cậu bé Chu Ngọc Quang Vinh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14 năm 2024.

“Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hoá phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu này không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.

– Rồi tôi ôn Olympia để “sống ở nước ngoài và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dẫn nhìn đảng một cách thuẩn hơn.

– Và đến lúc giấc mộng ở của tôi cũng phải chấm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ đảng và tập trung vào tôi.

– Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đàng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kộ” Đăng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chon status qua, nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.

Anyways mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam đã dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.

At the time of the people of the whole country”

Cả nhà trường, Sở GD Yên Bái, Công an… đều “vào cuộc” truy bức, nghe nói hàng nghìn (vạn) “giang cư mận” ném đá, đòi “xử lý”, cứ như thuở người đàn bà bị ném đá trong Kinh Thánh! 

Em đã phải xin lỗi vì mình đã “sai”, và khoá Facebook!

Tức là em chỉ có mỗi tội “thật thà” (kể ra cho 16 người bạn nghe những suy nghĩ thật của mình trải qua nhiều năm khôn lớn)! Em chưa hề “dũng cảm” thừa nhận và bảo vệ suy nghĩ của mình! (Bác Hồ đã dạy thiếu niên phải “thật thà, dũng cảm” kia mà!)

Và câu kết của em thật tuyệt vời: “ANYWAYS MAI LÀ QUỐC KHÁNH, CHÚC NƯỚC VIỆT NAM ĐÃ DƯỚI CHẾ ĐỘ NÀO CŨNG NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN VỀ MỌI MẶT, VÌ QUÊ HƯƠNG CỦA TÔI MÃI LÀ VIỆT NAM.

AT THE TIME OF THE PEOPLE OF THE WHOLE COUNTRY” (NGUYÊN VĂN TIẾNG ANH, TẠM DỊCH: VÀO THỜI ĐIỂM CỦA NHÂN DÂN CẢ NƯỚC).

Vậy là quá tích cực, quá đúng, tôi xin thú nhận là mình cũng nghĩ như em trong câu này! Day dứt, không đồng tình với chế độ hiện hành, nhưng vẫn gắn bó tha thiết với đất nước, còn đòi hỏi gì hơn? 

Không muốn mà bỗng phải nhớ lại:

– Năm 1964, nhà thơ- nhà báo Tuân Nguyễn (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị bắt vì “những ghi chép cá nhân trong nhật ký bị những cán bộ cực đoan suy diễn là “nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc”. Do có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ, nên việc ông bị bắt vì cuốn nhật ký của mình cất trong ngăn kéo do một đồng nghiệp cùng phòng lấy trộm nộp cho tổ chức, đã làm rung động giới trí thức Hà Nội bấy giờ” (Wikipedia). Ông bị đi cải tạo 9 năm vì những dòng “nhật ký” ấy! Sau Đổi mới ông mới được trở lại nghề dạy học (nghề ban đầu của ông trước khi về Đài Tiếng nói Việt Nam)

– Năm 1982, người viết bài này (Hoàng Hưng) lúc đó là nhà báo của báo Người Giáo viên Nhân dân, bị bắt vì mang trong người bản thảo chép tay tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Công an khám nhà, bắt được mấy đoạn văn vần trong nhật ký (viết từ những năm 1970):

“Các anh bảo chúng tôi

Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp

Chúng tôi đi

Vì không sợ chết

Chúng tôi chết

Vì sợ sống hèn

Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?”

“Chúng tôi đấy

Đều ngoan ngoãn cả

Anh vừa lòng chứ ạ?

Vâng

Chúng tôi cứ khoanh tay nhắm mắt ngồi nhìn

Sự nặng nề ngu độn của các anh

Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển”

Trong buổi “hỏi cung” tại Hoả Lò, tôi cãi viên sĩ quan an ninh Khổng Minh Dụ (lúc đó là Trưởng phòng Văn nghệ Cục An ninh Văn hoá tư tưởng, sau là Thiếu tướng Cục trưởng): “Tôi viết nhật ký chứ có lưu truyền đâu mà bắt tội?”. Ông đáp lạnh tanh: “Anh mà lưu truyền thì đi tù không có ngày về!”

Và tôi bị đi “cải tạo” 39 tháng, sau Đổi mới mới được trở lại nghề (làm báo)

Hãy chờ xem, sau phản ứng có thể nói là ngu đần của những cơ quan có trách nhiệm ở Yên Bái, chuyện bé xé ra to, chắc chắn sẽ gây hiệu ứng không chỉ trong nước, chỉ tổ làm xấu mặt Đảng và nhà nước Việt Na, họ sẽ làm gì tiếp?

Chỉ biết chúc cho em học sinh đã “THẬT THÀ” sẽ rèn luyện thêm lòng “DŨNG CẢM” để tiếp tục trưởng thành, trở thành người có đóng góp hiệu quả cho quê hương mà em yêu quí!

Hoàng Hưng 

***

Lê Học Lãnh Vân: Giáo dục khai phóng nhìn từ hiện tượng Chu Ngọc Quang Vinh

+ Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia và giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý I của năm thứ 24, nhưng gần đây đã bị 

1) Khái niệm về Giáo dục Khai phóng xuất hiện từ xa xưa. Nội hàm chính của Giáo dục Khai phóng là đào tạo con người với các ý nghĩa cao thượng và luôn hướng thiện. Cho dù có biến thiên qua các thế kỷ, thậm chí qua các thiên niên kỷ, nội hàm đầy tính nhân văn cao cả này luôn được giữ gìn vun đắp thêm. Ta có thể hiểu Giáo dục Khai phóng là truyền lại kiến thức, tinh thần, phương pháp học các kiến thức khoa học, tự nhiên và xã hội, mà người tiếp thụ có thể dùng chúng một cách tự do, nhân bản. Nói một cách khác, Giáo dục Khai phóng nhằm giải phóng trí tuệ con người trong đó sứ mạng tạo con người có nhân cách quan trọng hơn con người có nghề nghiệp.

Ý nghĩa đó thực nhân văn, hiểu theo đó ta thấy Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của các mái trường từ tiểu học, trung học lên đại học, mà còn là sự nghiệp chung của cả xã hội trong đó hệ thống chính trị giữ vai trò then chốt vì sự phân quyền trong xã hội Việt Nam rất giới hạn do độ đậm đặc của tính toàn trị.

2) Thời xưa ấy người ta cho rằng Giáo dục Nhân cách cần dựa nhiều vào sách vở. Điều này cũng tương đồng với quan niệm của nền Giáo dục Tứ thư Ngũ kinh của Trung Quốc. Thời ấy, kiến thức về nhân cách được cho là tách biệt với kiến thức về khoa học. 

Sự tiến bộ ngày càng nhanh chóng của Khoa học, bắt đầu từ thế kỷ thứ mười bảy (thế kỷ XVII, thế kỷ Cách mạng Khoa học), khiến nền Giáo dục được dần dần lôi khỏi lô cốt giáo điều. Các trường đại học nâng dần tầm quan trọng của khoa học tự nhiên và chính xác. Những quan niệm về nhân cách con người được xem xét lại, được soi rọi dưới ánh sáng phê phán của tinh thần khoa học. Người ta nhận thấy tính chính xác của khoa học và lý tính cũng mang lại vẻ đẹp nhân văn vì đem tới những hiểu biết mới, giải phóng con người khỏi những hủ tục, định kiến, lầm lạc. Xin chú ý rằng vẻ đẹp nhân văn không chỉ là vẻ đẹp “vị nghệ thuật”, vẻ đẹp ấy rất “vị nhân sinh”! Các giá trị đạo đức luôn là nền tảng cho xã hội ấm no, tiến bộ. Đây chính là nền tảng của thế kỷ thứ mưới tám (thế kỷ XVIII), thế kỷ Khai sáng. 

Trung Quốc từng là một nền văn minh với các khám phá khoa học xuất sắc, phải chăng do con người nhân văn núp quá kỹ trong lô cốt giáo điều khiến khoa học chính xác không thể xâm nhập và Trung Hoa chìm trong chậm tiến khoa học kỹ thuật hàng mấy thế kỷ?

3) Nền Giáo dục Khai phóng hiện đại không đối lập giáo dục nhân văn với giáo dục khoa học, nhưng trong khi vẫn coi trọng giáo dục nhân văn thì cho rằng tất cả các kiến thức cần được đặt câu hỏi về tính chính xác. Trí tuệ con người cần được giải phóng khỏi tất cả mọi áp lực giáo điều. Do đó mọi câu hỏi về tính chính xác của bất kỳ loại kiến thức nào cũng được khuyến khích, hoan nghênh, cá nhân và xã hội cần đón nhận những câu hỏi đó với tinh thần cởi mở, thái độ thực sự cầu thị. Không chỉ đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của người, ta cũng đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của ta. Nếu chưa thể đặt câu hỏi cho chính ta, ta cũng cần luôn sẵn sàng cho những câu hỏi đó từ người khác, luôn tự đặt mình trong tư thế có thể sai. Tinh thần Hoài nghi Khoa học là điều kiện không chỉ cho sự tiến bộ của khoa học, tri thức, mà cho cả sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Một xã hội thiếu tinh thần hoài nghi ấy sớm muộn gì cũng chìm vào u mê, chậm tiến. 

4) Sự việc anh Quang Vinh cho chúng ta những suy nghĩ. Tôi tin chắc rằng ở xứ văn minh, tiến bộ, một người có ý kiến như anh Quang Vinh được quý trọng. Xã hội văn minh khuyến khích các phát hiện mới, cách đặt vấn đề mới. Không có câu hỏi nào, ý kiến nào là ngu dốt, câu nói ấy đã thành khẩu hiệu! Tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt thấm sâu tới mức khi nghe một phê phán trực tiếp người ta lắng nghe, suy ngẫm chứ không vội đáp trả. Nếu không đồng ý với ý kiến khác biệt, cách trả lời cũng hòa nhã và gợi sự tranh luận cầu thị. Tiếp nhận và suy nghĩ thấu đáo các phê phán đã thành nếp ứng xử trí thức, văn minh! Tuyệt đối không chụp mũ vì chụp mũ là giết chết tinh thần và lý trí phê phán, điều chỉ có ở những người trí thức xứng danh! 

Phản ứng của không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm giáo dục, cho thấy tầm tri thức và sự thù địch tinh thần phê phán của họ.

Tuy nhiên, không như nhiểu người bi quan về mặt tối của xã hội Việt Nam, tôi thấy trong sự việc những điểm sáng hy vọng. 

Trước hết là tinh thần phê phán không vắng mặt trong xã hội vì được thể hiện trên mạng xã hội.

Trong một giới hạn nhất định, chính quyền cao cấp không tỏ thái độ thù địch hay trù dập phê phán trái chiều.

Tôi tin rằng nếu giới hữu trách cấp cao của Việt Nam tìm thấy nguồn lực của sự minh triết nằm trong tinh thần Hoài Nghi Trí Thức, khuyến khích và xiển dương tinh thần ấy, người Việt sẽ cho thấy trí tuệ của mình. 

Các phản ứng ồn ào vùi dập ý kiến của anh Quang Vinh những ngày qua, tôi tin rằng, chỉ là ồn ào xuất phát từ cách quản trị xã hội chưa thích hợp. Đó là tiếng ồn ào của những người nhào ra tranh miếng ăn giữa chiếu làng, không phản ánh đúng tầm vóc của lực lượng trí thức Việt. Khi không còn miếng mỡ để tranh nhau, những tiếng ồn ào sẽ tự tắt đi. Đó là lúc những tiếng nói trí thức có trách nhiệm cất lên! 

Xã hội nào không cần trí thức? Bài viết này tin rằng chính quyền nào rồi cũng thấy cần trí thức chân thành… 

Ngày 4 tháng 9 năm 2024

Lê Học Lãnh Vân

***

Thái Hạo: Nếu không có ý kiến khác và sự va chạm giữa chúng với nhau, chân lý (nếu có) cũng sẽ là chân lý chết*

Người Việt vẫn hay tự nói về mình, rằng hiền lành, nhưng sự thể không chỉ có thế. Tôi quan sát thấy, cái “hiền lành” ấy rất gần với sự cảm tính, và gần hơn với sự bạc nhược. Mặt khác, cái “hiền lành” ấy sẽ lập tức trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn ngay, nếu chỉ cần nó rơi vào một tình huống có tính phép thử. Vụ đấu tố em nam sinh ở Yên Bái là một ví dụ. Trăm năm trước, người Pháp khi qua xứ ta đã đúc kết rằng, trong mỗi người An Nam đều có một ông quan. Tôi hiểu cái gọi là “ông quan” ấy chính là ẩn dụ cho tính chuyên chế hà khắc trong mỗi người Việt. Cái tính này từ đâu mà ra?

Cũng cách nay ngót một trăm năm, nhà cách mạng khai sáng Phan Châu Trinh đã nói: “Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.”

Nghĩa là theo cách nói của cụ Phan, người mình, một mặt mang nô lệ tính, nhưng mặt khác, luôn chực chờ để biến thành một kẻ chuyên chế, độc đoán. Đối với người trên, người mạnh, người giàu thì khúm núm sợ sệt, nhưng với kẻ yếu hơn thì luôn trong tâm thế áp đặt, chuyên quyền. Cứ xem cái cách cha đối với con, chồng đối với vợ, thầy đối với trò, quan đối với dân, thì rõ.

Cho nên, muốn thay đổi cái tính này thì phải bắt đầu từ gia đình, tập tôn trọng con cái. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng. Chúng ta có thừa sự chiều chuộng vô lối nhưng thiếu hẳn lòng tôn trọng. Nếu chưa hiểu “tôn trọng” ở đây nghĩa là gì thì trước mắt cứ mang Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đọc, để biết.

“Làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn một dân tộc mới là khó”. Sau vài lần “được” chứng kiến, thì đến nay, những việc như đang xảy ra với em học sinh kia, tôi không còn ngạc nhiên nữa. Nó tất yếu phải như vậy, một khi văn hóa chưa thay đổi. Văn hóa chưa thay đổi nghĩa là tính người chưa thay đổi. Mà nói theo cách của chí sĩ Phan Châu Trinh thì tất cả đều do dốt mà ra cả. Khi đã dốt thì một mặt con người hèn nhược, mặt khác là đầy tính bạo lực.

Cụ Phan dẫn lời nhà triết học chính trị Montesquieu: “Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức”.

Cha mẹ, thầy cô cho đến người làm công việc quản lý xã hội phải học để hiểu giá trị của tự do. Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc. Nhà triết học John Stuart Mill nói rằng, nếu toàn thể nhân loại chung nhau một ý kiến và chỉ duy nhất một người có ý kiến khác, thì nhân loại ấy cũng không được biện minh nhiều hơn kẻ đơn độc kia trong việc thể hiện quyền tự do quan điểm và tự do ngôn luận. Các cộng đồng văn minh bảo vệ quyền tự do cá nhân còn vì nó có quan hệ trọng yếu đối với lợi ích chung của toàn xã hội. Một ý kiến đúng sẽ giúp xã hội sữa chữa những sai lầm, một ý kiến sai sẽ làm cho ý kiến đúng được khẳng định và trở nên sống động. Mà nhân loại này chưa bao giờ thôi sai lầm. Cái đúng của hôm nay có thể thành sai ở ngày mai; có những cái đúng mà toàn nhân loại đinh ninh tin tưởng không suy xét, nó đứng vững một nghìn năm, nhưng bỗng sụp đổ một ngày khi có một ý kiến khác. Biết thế để ta không độc quyền chân lý. Nếu không có ý kiến khác và sự va chạm giữa chúng với nhau, chân lý (nếu có) cũng sẽ là chân lý chết – tức trở thành giáo điều.

Nếu không hiểu bản chất và giá trị cao cả của tự do, người ta sẽ chỉ hô khẩu hiệu và rồi sẽ hiện nguyên hình là những kẻ chuyên chế mỗi khi gặp tình huống có tính phép thử. Tôi đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi thấy không ít người ngày ngày “phản biện” trên mạng nhưng bỗng một hôm họ lộ nguyên vẹn “não trạng Annam”. Không ít nhà văn, nhà báo, những người lắm chữ nhiều fan, như trong sự vụ này, đã chứng minh điều ấy. 

Than trách hờn dỗi không giải quyết được việc gì, chỉ có không ngừng chia sẻ tri thức và tự mình thực hành mỗi ngày (đầu tiên là trong gia đình, với con cái mình, cho đến lên tiếng trước cái sai, biết bảo vệ cái đúng trong xã hội…), may ra sau vài thế hệ nữa mới mong người Việt gột rửa được ít nhiều chăng?

Thái Hạo

*Tựa do DĐTK rút từ một ý trong bài viết của tác giả