Xung quanh vụ ông Thích Nhật Từ bị tố tìm cách cản trở đoàn bộ hành khất thực của sư Minh Tuệ
Trường Sơn: Hành giả Minh Tuệ dừng đi bộ ở Sri Lanka, lộ nội dung thư của Thích Nhật Từ
Bức thư được ký tên Thích Nhật Từ đề nghị chính quyền Sri Lanka ngăn chặn Minh Tuệ thực hành tôn giáo.
Ngày 17 tháng 4, hành giả Minh Tuệ và tăng đoàn 37 người đã không thể tiếp tục cuộc bộ hành ở Sri Lanka như dự định, theo thông tin từ tình nguyện viên đi cùng.
Theo tin tức RFA ghi nhận được từ thực địa, vào lúc 9:20 sáng giờ địa phương, khi đoàn các tu sĩ người Việt vừa dùng bữa xong và chuẩn bị bộ hành, thì khoảng 30 cảnh sát đã tới và yêu cầu đoàn ở lại làm việc.
Địa điểm xảy ra sự việc nằm ở thị trấn Narammala, thuộc tỉnh Tây Bắc, Sri Lanka.
“Họ phe phẩy trên tay cái văn bản được gửi từ Việt Nam đưa qua, cho biết đoàn này không phải là đoàn tu, nên đi như vậy là sai luật pháp nước sở tại.” Đạo diễn Nguyễn Minh Chí, người chứng kiến sự việc, tường thuật lại cho RFA.
Văn bản được gửi từ Việt Nam mà cảnh sát Sri Lanka cầm trên tay, theo ông Nguyễn Minh Chí, chính là bức thư được ký tên Thích Nhật Từ, trước đó đã được hé lộ vào ngày 15 tháng 4.
RFA đã tiếp cận được nội dung của bức thư trên.
Theo ông Chí thì phía cảnh sát làm việc với thái độ nhã nhặn, tôn trọng. Họ yêu cầu các tu sĩ phải chuyển đổi thị thực, từ du lịch sang hành hương, để phù hợp với mục đích của chuyến đi.
Sau khi làm việc xong, những người Việt Nam đã được đưa lên hai xe bus khác nhau, một dành cho các tu sĩ, và một dành cho các tình nguyện viên và YouTuber, rồi di chuyển tới một địa điểm khác.
Địa điểm hiện tại của đoàn các tu sĩ người Việt là ở ngôi chùa Wedikanda Aranya Senasanaya, tại làng Variyagoda, thuộc tỉnh Sabaragamuwa.
Đoàn các tu sĩ người Việt sẽ không được bộ hành cho tới khi chuyển đổi thị thực xong.
Bức thư ký tên Thích Nhật Từ nói gì?
Bức thư được gửi đi ngày 13 tháng 4 với chữ ký của ông Thích Nhật Từ, và con dấu của Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Địa chỉ nhận là Thibbatuwawe Sri Siddhartha Sumangala Thero, người đứng đầu hệ phái Malwatta, một trong hai hệ phái chính của Phật giáo Sri Lanka.
Trong thư này, hành giả Minh Tuệ phải chịu ba cáo buộc, gồm:
Giả sư: Hành giả Thích Minh Tuệ bị cáo buộc “mặc áo tu sĩ phật giáo trái pháp luật”. Bức thư đưa ra lý do vì ông chưa từng được thọ giới. Và cáo buộc ông vi phạm luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam.
Âm mưu thành lập giáo phái: Bức thư cáo buộc hành giả Minh Tuệ âm mưu thành lập giáo phái tu khổ hạnh, chống lại ý chí của Giáo hội, và gây chia rẽ. Bằng chứng được đề cập là con số hơn 30 nhà tu hành đang đi theo ông.
Đe dọa trật tự xã hội và thể diện quốc gia: Bức thư này viết rằng “ông Lê Anh Tú đã gây rối trật tự công cộng” ở Việt Nam trong năm 2024, và được ủng hộ bởi những cá nhân “chống đối chính phủ”.
Với những cáo buộc trên, bức thư với chữ ký Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ đã đưa ra một vài đề nghị người đứng đầu hệ phái Phật giáo Malwatta, bao gồm:
Ngăn chặn hoạt động tôn giáo của hành giả Minh Tuệ trên lãnh thổ Sri Lanka trong những tuần tới.
Hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xử lý việc “lợi dụng tôn giáo” cho “mục đích chính trị” nhằm chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và nhà nước Việt Nam.
Hành giả Minh Tuệ nói gì?
Trong buổi sáng ngày 17 tháng 4, YouTuber Phước Nghiêm, một trong những người thân cận với hành giả Minh Tuệ đã phát trực tiếp trên kênh YouTube của ông, trong đó có sự xuất hiện của ngài Minh Tuệ.
Vị hành giả được thấy cầm trên tay “lá đơn tố giác” được cho là của ông Thích Nhật Từ, và phản hồi lại những cáo buộc được nêu trong nội dung bức thư.
Đối với cáo buộc “giả mạo sư”, ngài Minh Tuệ khẳng định mình không phải sư, không phải tu sĩ phật giáo, và y phục của mình cũng không phải y phục của tu sĩ. “Con không phải là tu sĩ, không phải là thầy gì thì cần ai công nhận đâu”, ông nói thêm.
“Con chưa xứng đáng, chưa đủ tuổi để khổ hạnh, vì khổ hạnh rất khó. Con chỉ tập học bình thường thôi.” Hành giả Minh Tuệ nói về cáo buộc “âm mưu thành lập giáo phái” trong văn bản. “
Còn với cáo buộc “đe doạ trật tự và thể diện quốc gia”, ông nhắc đến sự kiện ở Huế hồi tháng 6 năm 2024 khi ông và đoàn người bị công an bố ráp, và nói bản thân đã xám hối và sửa chữa, “chỗ nào họ bảo vi phạm thì mình tránh ra, ngày xưa mình vi phạm rồi thì mình xám hối mình không vi phạm chỗ đó nữa, để cho họ yên tĩnh, chẳng hạn như ở Huế.”
“Con không sân hận gì với người vu khống mình làm những điều này.” Vị hành giả kết luận.
Trường Sơn
Nguồn: RFA
***
Sư Minh Tuệ: Địa cầu này và phật pháp, là của nhân loại, không thuộc riêng ai!
1. CHUYỆN CÓ NHƯ THẾ NÀO, THÌ CON NÓI NHƯ THẾ
Con thì không biết gì, nhưng bữa nay, có một lá đơn tố giác. Đơn này bằng tiếng Anh và có dấu của người viết. Con không biết tiếng Anh, nên nhờ người ta dịch ra.
Con cầm tờ dịch ra này để trả lời cho mọi người rõ, xem việc tố giác con, có đúng hay không. Nếu con vi phạm thì con chịu, con sẽ làm theo pháp luật và quy định quốc tế. Còn như không phải, thì con cũng xem đây là điều mà con cần tập học. Con luôn tâm niệm, làm gì, cũng không để ảnh hưởng đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam.
Con chỉ là một người tập học bình thường. Con không tự xưng con là tu sĩ, hay thầy, hay sư. Con tập học nhằm rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khỏe và mong cho mọi người được hạnh phúc, vui vẻ, còn những chuyện khác, con không liên quan. Chuyện có như thế nào, thì con nói như thế.
Quy định của các tổ chức tôn giáo, tổ chức đảng, tổ chức chánh phủ, tổ chức quốc tế, như thế nào, con luôn tuân thủ. Điều nào thuận lợi thì con học tập. Điều nào không thuận lợi thì con cũng thôi, vui vẻ, hoan hỷ, chớ không đòi hỏi gì hết.
*
2. CON KHÔNG NẰM TRONG GIÁO HỘI, THÌ TẠI SAO CON LẠI VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA GIÁO HỘI?
Đầu tiên trong đơn tố giác này là nêu tên ông Lê Anh Tú, dòng đầu là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, ban Phật Giáo Quốc Tế, số 12/2025/CV-BPGQT, gửi Đại Tăng Thống, tông phái Malwatta, v/v yêu cầu can thiệp liên quan đến hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam và giới luật Phật Giáo của ông Lê Anh Tú.
Phần giới luật Phật Giáo Việt Nam, con không liên quan gì cả. Con tự quy định giới luật cho mình, nên có vi phạm hay không, tự con biết.
Con cũng xin nói rõ với mọi người, con không phải là thầy tu, con không phải là thầy hay sư gì cả. Con chỉ luôn tự nhận, con là một người bình thường đang tập học. Con không nằm trong Giáo Hội, thì tại sao con lại vi phạm?
Chỉ khi nào, con là thành viên của Giáo Hội, thì mới có thể cho rằng con vi phạm giới luật của tổ chức mà mình đang theo. Lý do con không là thành viên của Giáo Hội, là do con tự thấy mình chưa xứng đáng.
*
3. CON LÀ MINH TUỆ, CON KHÔNG MANG HỌ THÍCH
Trong lá đơn tố giác con, có ba nội dung, lần lượt như sau: Ban Phật Giáo Quốc Tế thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – chi hội TP Hồ Chí minh, trân trọng gửi đến ngài văn bản này, để trình bày một số vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến hành vi của ông Lê Anh Tú (tức Thích Minh Tuệ).
Ở chỗ này, con xin nói rõ, con không phải là Thích Minh Tuệ, con chỉ là Minh Tuệ, thế thôi. Họ Thích là họ của Phật Thích Ca. Tuy Phật Thích Ca là của toàn nhân loại, chớ không của riêng một ai cả, nhưng phải tự mình xem lại, xem mình có xứng đáng mang họ Thích hay không. Phải làm sao, khi mang họ Thích, là phải đem lại được tự hào cho họ này. Chớ còn, mang họ Thích, mà lại làm xấu đi thêm, làm cho họ Thích bị hủy báng, là điều rất không nên.
Con không mang họ Thích, tên con chỉ hai chữ Minh Tuệ, cốt để mọi người có thể biết về con, khi con bộ hành, để phân biệt con và người khác. Một cách đơn giản, Minh Tuệ chỉ là một cái tên dùng để gọi.
*
4. Y CON ĐANG KHOÁC TRÊN NGƯỜI, KHÔNG PHẢI Y CỦA TU SĨ THUỘC GHPGVN
Phía dưới ghi tiếp – người đã công khai mặc y phục tu sĩ, mặc dù chưa từng thọ giới và được truyền giới hợp pháp theo quy định của giới luật Phật giáo.
Y con đang khoác trên người, không phải y của Giáo Hội, cũng không phải y của tu sĩ Việt Nam.
Y này được gọi là y phấn tảo. Vải y được nhặt ở đống rác, và do con tự may, lượm được gì thì may cái ấy, cốt để che thân, giữ ấm khi bộ hành, không vi phạm về mặt văn hóa, nên chắc chắn, y này của con không làm ảnh hưởng đến y phục tu sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Y của con, chỉ là một trong những công cụ, hỗ trợ cho con, khi con bộ hành và tập học theo lời Phật dạy.
Y vàng, từ xưa, con đã xả ly. Con đã bước ra ngoài, và hoàn toàn, không còn liên quan gì đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nữa cả.
*
5. CON LÀ MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG, TẬP HỌC THEO LỜI PHẬT DẠY
Họ viết tiếp, dựa trên các tài liệu xác minh được, chúng tôi xin trình bày ba điểm chính như sau: một là giả danh tu sĩ Phật Giáo.
Điều này, con đã thưa rất nhiều lần với mọi người, con không phải là tu sĩ Phật Giáo, không là thầy, không là sư, không truyền giáo. Con chỉ sống đời sống theo hạnh nguyện, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu bia, ăn ngày một bữa, không cất giữ tiền bạc. Con không nhận con nằm trong Giáo Hội, thì lấy đâu ra việc giả danh?
Con không mưu lợi, trục lợi, không hại ai, con chỉ bộ hành thôi. Đất nước nào cho phép thì con bộ hành. Đất nước nào không cho phép thì con thôi, con chưa từng chống đối, hay chống trái ai, hoặc tổ chức nào.
Con ở ngoài Giáo Hội. Con không liên quan, liên đới đến Giáo Hội. Con đã khẳng định đi, khẳng định lại điều này nhiều lần cho mọi người rõ. Vậy thì tại sao con lại phải giả danh nữa?
*
6. CON TỰ THẤY MÌNH CHƯA XỨNG ĐÁNG ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT TU SĨ CỦA GHPGVN
Đơn tố giác ghi tiếp, ông Lê Anh Tú đã bất hợp pháp khoác lên mình y phục tu sĩ Phật Giáo, mà chưa từng thọ giới tăng sĩ, theo giới luật Phật Giáo.
Y con mặc trên người đây, đâu phải là y của tu sĩ Phật Giáo Việt Nam? Đâu vi phạm bản quyền? Đâu phải là y vàng theo truyền thống? Con tự mặc lên người y phấn tảo, là thứ vải mà người ta đã vứt bỏ đi rồi nhưng còn chắc chắn, thọ dụng thứ bỏ đi của người khác, có màu nào thì may màu đấy, chớ không chỉ là bảy màu, mượn nó để đắp lên người cho kín đáo, có văn hóa khi ra ngoài, giúp cho con chịu được sự nóng, sự lạnh của thời tiết.
Chừng nào Giáo Hội có quy định, những loại vải, những màu vải, mà con đang mặc đây, là những loại vải, những màu vải mà tu sĩ của Giáo Hội đương mặc, nên con mặc giống như vậy, chính là vi phạm quy định của Giáo Hội, và có văn bản cụ thể, thì con mới bị xem là vi phạm chớ?
Con thật là không hiểu vấn đề này.
Họ nói con mặc y phục của họ, mà không qua lễ xuất gia, thọ giới của Sa Di. Thọ giới là một việc to lớn, không phải ai cũng có thể xuất gia và tu học như vậy được. Con tự thấy mình chưa xứng đáng để trở thành một Sa Di, một tu sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Con chỉ là một người bình thường, tập học, thực hành những gì Phật đã dạy trong kinh sách, để sau đó, con tự xem lại mình đã làm được chưa đã. Khi thấy chỉn chu rồi, tốt đẹp rồi, có thể trở thành một Sa Di rồi, gặp được vị thầy nào đó, hoặc các bậc A La Hán, đầy đủ giới định tuệ, thì con sẽ đảnh lễ và xin quy y.
Hiện giờ, thì con tự thấy mình chưa đủ tiêu chuẩn để xuất gia và thọ giới. Nếu cứ thọ giới bừa bãi, xuất gia được dăm ba bữa rồi bỏ cuộc, thoái thất, thì thật là không ra gì cả, chỉ bôi nhọ danh tiếng của Giáo Hội mà thôi.
Các sư phụ đây, họ cũng đang tập học theo lời Phật dạy. Đây là quyền mưu cầu hạnh phúc của họ. Con không bắt ai, cũng không ép ai đi theo con. Tự họ hết.
*
7. NƠI NÀO CHO PHÉP CON TU TẬP, THÌ CON SẼ TÌM ĐẾN NƠI ĐÓ
Đơn tố giác ghi tiếp, hành vi này, vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.
Luật tín ngưỡng tôn giáo của họ như thế nào, con không biết. Con chỉ biết, con tập học theo các hạnh sau đây, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không có uống rượu uống bia, ăn chay, trước mười hai giờ trưa, ngày một bữa, không cất giữ tiền bạc cũng như không xin tiền của bất cứ ai.
Con vẫn đang cố gắng tập các hạnh này.
Nếu như con giữ các hạnh này, mà bị xem là vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo, thì con cũng đến chịu chết. Nếu không tin là con đang giữ các hạnh này, xin cứ đi theo con mà kiểm tra 24/24, sẽ rõ thôi.
Bằng như, bây giờ họ nói, giữ các hạnh này, là vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo, thì thôi, con sẽ tìm đến những quốc gia, quốc độ nào cho phép, rồi xin họ cho con thực hành và giữ các hạnh này vậy.
*
8. CON KHÔNG CẦN ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ MỘT TU SĨ CỦA GHPGVN
Đơn tố giác ghi tiếp, đính kèm theo đây là bản ghi nhớ từ văn phòng Phật Giáo Quốc Gia Thái Lan, khẳng định rõ ràng rằng, ông Lê Anh Tú, không được công nhận là một tu sĩ hợp pháp, mà chỉ là một người giả danh.
Xin thưa, con không phải là tu sĩ, thì con cần gì ai công nhận hay không công nhận nữa? Con không cần công nhận danh hiệu này. Đất nước Thái Lan cho phép con đi bộ, tập học, rèn luyện sức khỏe và không làm hại gì đến ai, thì con đi, chớ con không đòi hỏi.
Tiếp theo, ở mục hai, họ ghi, cố ý lập giáo phái ly khai, gây chia rẽ. Ông Lê Anh Tú, có ý định thành lập một nhóm tu sĩ, tự xưng tên là “giáo phái khổ hạnh”, không phù hợp với quy định Phật Giáo Việt Nam.
Con xin thưa, con là người đang đi tập học theo bảy điều mà nãy giờ, con lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Con tri ân Đức Phật, người đã dạy cho con bảy điều nói trên. Vì vậy, con muốn đến Ấn Độ, nơi Đức Phật sinh ra, để mà đảnh lễ ngài.
Con không chủ trương kêu gọi hay thành lập tổ chức gì cả. Các sư phụ đây, hữu duyên, họ cũng có mong ước giống như con, muốn được đến Ấn Độ, để bày tỏ lòng biết ơn với Đức Phật. Chúng con chỉ là những người tình cờ, đi trên cùng một con đường. Con không cấm đoán ai. Tất cả đều là do ý nguyện của họ.
Còn về tên gọi giáo phái khổ hạnh, con cũng xin thưa, khổ hạnh khó lắm, khổ hạnh không dễ. Con chỉ là một người bình thường đang tập học, buông bỏ tham sân si, để được vui vẻ, hạnh phúc hơn. Còn ai đó nhận xét, lối tu của con khổ hạnh, thì đó là việc của họ. Con chưa bao giờ tự xưng, cách tu của con là khổ hạnh.
Khổ hạnh hay không khổ hạnh, con cũng thấy vui vẻ. Khổ hạnh, có nằm trong quy định Phật Giáo Việt Nam hay không thì con không biết, nhưng nếu họ cho rằng, khổ hạnh nằm trong quy định của họ, thì xin họ cứ ra công văn cụ thể, con sẽ không tu theo lối khổ hạnh mà họ vừa đề ra đấy.
*
9. HỌ ĐOÀN KẾT HAY KHÔNG ĐOÀN KẾT, LÀ VIỆC CỦA HỌ
Đơn tố giác tiếp tục, trong những tháng gần đây, ông đã tập hợp khoảng ba mươi người, có lý lịch không rõ ràng để tham gia nhóm khất thực, gây tổn hại đến uy tín và sự đoàn kết của Phật Giáo Việt Nam.
Con thiệt là không hiểu họ nói gì. Họ thì ở Việt Nam, con thì đang ở tuốt đây, làm sao mà gây tổn hại đến uy tín của họ được? Con không ăn mặc giống họ, cũng không tuyên bố mình trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì có dính líu gì đến Giáo Hội đâu, mà kêu con làm hại uy tín họ?
Ông bà AB, họ có cách tu hành khác, mà ông bà nhà hàng xóm phê bình họ tu sai, rồi đòi sang dạy dỗ cách tu hành, và đưa ra các quy định thuộc về đạo của họ, làm sao được?
Chừng nào con vỗ ngực tự xưng, tôi thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, mọi người phải nghe theo tôi, phải đóng góp này, phải đóng góp kia, thì mới quy con tội làm tổn hại đến uy tín của họ được chớ?
Rồi thì còn tổn hại đến sự đoàn kết của Phật Giáo Việt Nam? Họ đoàn kết hay không đoàn kết, dính líu gì tới con? Họ đoàn kết hay không đoàn kết, thì đó phải là chuyện của họ chớ? Khi họ đưa ra các quy định, con cũng có đề đạt ý kiến gì đâu? Họ muốn khổ hạnh, thì họ cứ khổ hạnh. Họ muốn không khổ hạnh, thì họ cứ không khổ hạnh. Họ muốn đoàn kết, thì họ cứ đoàn kết. Họ không muốn đoàn kết, thì họ cứ không đoàn kết. Tất cả những điều này, là quyền lợi của họ. Con làm sao mà liên quan?
Nếu bây giờ họ nói, con sống như thế này là khổ hạnh, tu theo bảy hạnh nguyện như thế này là làm ảnh hưởng đến họ, là làm cho họ mất đoàn kết, và yêu cầu con đi chỗ khác. Vậy thì con sẽ xin vâng theo, con đi chỗ khác.
*
10. QUYỀN ĐI LẠI LÀ QUYỀN CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Ở mục ba, họ nói con gây rối trật tự công cộng và ảnh hưởng danh tiếng quốc gia.
Một mình con như thế này, làm sao mà đe dọa hay làm ảnh hưởng được đến danh tiếng quốc gia? Mọi người đều có quyền tự do đi lại. Các youtuber, và cả an ninh nữa, họ cũng đi theo con rất đông. Nếu như hành vi đi bộ của con gây ảnh hưởng danh tiếng quốc gia, thì tất cả những người mà con vừa nêu trên, con không hề kêu họ tới, không hề kêu họ đi theo con, vậy thì họ cũng đều có trách nhiệm làm ảnh hưởng chớ?
Quyền đi lại là quyền của tất cả mọi người, sao lại quy chụp lỗi một mình con? Nếu đuổi con, thì xin vâng, con sẽ tránh những chỗ không cho phép con đi, và tìm đến nơi nào mà họ cho phép con đi. Con sẽ tìm đến nơi mà, bất cứ ai, cũng đều có quyền bộ hành, dù họ ở ngành nghề nào, tu sĩ, công an, bác sĩ, nông dân, hay người đánh bắt cá.
Đơn ghi tiếp, theo các báo cáo từ truyền thông Việt Nam, ông Lê Anh Tú từng gây rối trật tự công cộng năm 2024. Thì việc đó cũng rõ rồi. Con vi phạm, họ cũng vi phạm, bình đẳng mà. Con đi lại, họ cũng đi lại, tất cả đều chịu chung. Con đã làm mất đi sự yên tĩnh ở Huế, thì bây giờ con xin sám hối, con không đi lại ở chỗ đó nữa.
*
11. NƠI ĐÂU KHÔNG CHO CON BỘ HÀNH, CON SẼ NGAY LẬP TỨC, RỜI KHỎI NƠI ẤY
Đơn ghi thêm, hiện tại, ông được hậu thuẫn bởi các tổ chức chống chính phủ tại Mỹ, Úc, và một số cộng đồng hải ngoại, nhằm bôi nhọ chính phủ Việt Nam và chia rẽ Phật Giáo.
Con xin thưa, ở đâu mà cho phép con đi, thì con đi, như ở Mỹ, ở Úc, ở Lào, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Tích Lan. Con có làm gì, hay phát biểu gì, để gọi là bôi nhọ chính phủ? Con như con chó, con bò, hay con khỉ, mà người ta cho ăn thôi mà. Những đất nước đó, họ giúp con, họ cho con chén cơm, một vài thứ trái cây, họ bày cho con đường đi, họ chỉ cách cho con làm giấy tờ, cho con cái vé tàu, cái vé thuyền, thì việc ấy, có bôi nhọ gì chính phủ đâu?
Nói như thế này, không xác thực, không chính xác.
Phía dưới, họ ghi, cũng xin lưu ý, chính quyền Indo đã từ chối cho phép ông Lê Anh Tú hành khất công khai trên lãnh thổ nước họ vào đầu tháng 04. 2025. Chính phủ Singapore cũng đã cấm các hoạt động tương tự vào ngày 09.04.2025.
Điều này, nếu ai theo dõi hành trình của con cũng đều biết rõ, nước nào cho phép thì con mới bộ hành. Ban đầu, Indo cũng cho phép, nhưng do có ý kiến của ai đó, thì họ từ chối con, và con tuyệt đối tôn trọng lệnh cấm ấy, như mọi người thấy, con đã phải dùng xe để rời khỏi nơi ấy ngay. Singapore cũng vậy, họ không đồng ý cho con đi, cũng như không được truyền giáo, thì ngay lập tức, con rời đi, và đến Sri-Lanka.
*
12. CON KHÔNG SÂN HẬN VỚI NGƯỜI VIẾT ĐƠN TỐ CÁO CON
Đối với người viết và ký đơn tố cáo con, con cũng không sân hận gì với họ. Con sai hay không sai, tất cả mọi người đều biết. Con cũng ước nguyện cho họ được vui vẻ và hạnh phúc. Con sẽ vẫn tiếp tục cố gắng tập học, không làm hại, không làm ảnh hưởng đến ai.
Ai, con cũng đều mong cho họ được tốt đẹp và hạnh phúc. Nếu họ tố cáo con mà khiến cho họ được vui vẻ, hạnh phúc, thì họ cứ làm, con không có ý kiến gì cả.
Như hồi còn ở Việt Nam, có người còn kiện con: ba mươi ngày không tắm. Con không dính líu gì đến họ, nhưng họ lại cứ cố buộc con vào những linh tinh, lang tang, ngoài ý muốn.
Con nghĩ thế này, ai muốn làm chánh trị, cứ làm chánh trị; ai muốn làm youtuber, cứ làm youtuber; miễn sao họ được vui vẻ, và đừng liên quan đến con, là tốt đẹp.
Việc của mình, hãy cứ lo chu toàn việc của mình. Đừng làm việc của người khác, khi chính người khác đó, không mong muốn, không có nhu cầu, không thấy cần thiết phải nhờ vả mình.
Những điều hôm nay con vừa nói, trước hết, đó là điều mà con cần tập học – biết mình không có, mà họ vẫn cứ buộc cho mình phải có – là để xem mình có sân hay không thôi.
Đây cũng chính là những chướng ngại của con, đến để giúp con học hạnh từ bi và xả bỏ. Con mong cho những người viết đơn tố giác con, họ được thành Phật. Họ thành Phật rồi, thì họ sẽ không hại con nữa.
*
13. MÌNH SẼ MANG THEO ĐƯỢC GÌ KHI CHẾT
Con cũng được nghe, họ từng nói, con như con chó, mỗi buổi sáng đi khất thực. Điều này không sai. Con như con chó, hay con bò, hay con khỉ, cũng được. Con chó đi khất thực. Con chó ăn ngày một bữa. Con chó không làm hại người khác, không sát sanh, không trộm cắp, không nói láo, không tà dâm, không uống rượu uống bia, không cất giữ tiền bạc, thì con chó ấy, theo con, cũng tốt đẹp.
Tìm được một con chó như thế, khó, và đáng để cho con học tập.
Các con chó khác, không thể làm được như thế. Các con chó khác, gì nó cũng ăn, gì nó cũng làm.
Con cũng xin nói thêm, con không theo bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào. Con chỉ là một người bình thường đi tập học và không cầu danh, cầu lợi.
Ở đời, dẫu trăm năm, rồi thì cũng đều chết thôi. Tranh giành đến mấy, thì cuối cùng cũng bỏ mạng. Quan trọng là, bỏ mạng này, mình mang theo được gì khi đi.
*
14. ĐỊA CẦU NÀY VÀ PHẬT PHÁP, LÀ CỦA NHÂN LOẠI, KHÔNG THUỘC RIÊNG AI!
Đó là với những người tin. Còn những người không tin, thì họ sẽ nói, chết là hết. Vậy thì họ cứ tạo nghiệp thôi. Và nhớ, nghiệp ai làm, người nấy chịu.
Trước khi con ra đi, con cũng sẽ cố gắng tập học, bòn mót chút công đức. Và luôn ước nguyện cho mọi người, được hạnh phúc, vui vẻ.
Ở đâu, quốc gia, thành phố, làng mạc, hay ngọn núi nào, vui vẻ, đồng ý cho con thực hành, thì con sẽ tìm đến. Ngược lại, những chỗ nào không cho, thì con cũng sẽ không quấy rầy, làm phiền.
Việc làm của con, không liên quan đến bất kỳ ai, tự mình làm, tự mình chịu. Các sư phụ cũng vậy, họ tự làm, tự chịu. Con không tổ chức họ thành đảng phái hay tăng đoàn gì cả. Cùng vui vẻ thì cùng đi thôi.
Địa cầu này và Phật Pháp, là của nhân loại, không thuộc riêng ai. Đến cõi này, thì cùng vui vẻ sống với nhau, hết mạng thì thôi!
Sài Gòn 17.04.2025
Nguồn:
Văn bản sư Minh Tuệ trả lời đơn tố giác trên, được chuyển thoại từ video phát hành vào ngày 17.04.2025, ở đây
***
Lê Thọ Bình: Khi thế gian không còn đủ chỗ cho một người đi bộ im lặng

Khi một người chọn đi bộ suốt hàng ngàn cây số, không tiền bạc, không danh vọng, không tổ chức bảo trợ, không truyền bá giáo lý, không mưu cầu tín đồ – chỉ để thực hành 13 hạnh đầu đà của một người tu khổ hạnh, thì người ấy lẽ ra phải được nhìn bằng đôi mắt cảm phục, nếu không thể cùng chia sẻ con đường.
Nhưng không. Đời vẫn vậy. Vẫn có những lá đơn, những lời tố cáo, những ánh mắt nghi kỵ, thậm chí là sự can thiệp hành chính, tất cả nhắm vào sư Minh Tuệ – một người đã và đang lặng lẽ đi bộ từ Bắc vào Nam, vượt qua biên giới quốc gia để hành hương đến nơi từng in dấu chân Đức Phật.
Khi một người không thuộc về đâu cả:
Sư Minh Tuệ không thuộc tổ chức Phật giáo nào. Không là tăng sĩ chính quy. Không nhận là đệ tử ai, cũng không có đệ tử. Không ở chùa, không giữ tài sản, không nhận tiền, không tiếp xúc quyền lực, không truyền đạo, không vận động từ thiện.
Sư chỉ là “một công dân” – theo đúng nghĩa hiến định – đang chọn cách sống riêng cho mình, không gây hại, không vi phạm pháp luật, không xâm phạm tự do của ai. Vậy mà, điều gì khiến người ta không để sư yên?
Trong một thế giới nơi tôn giáo đã dần trở thành cấu trúc hành chính, nơi niềm tin bị ràng buộc vào giấy phép, chức vụ và ngân quỹ, thì một người như sư Minh Tuệ – sống bên lề, vượt khỏi cơ chế kiểm soát – là một sự khó chịu. Không phải vì sư gây nguy hiểm, mà vì sự hiện diện của sư làm người ta không thể giả vờ là mình đang tu.
Sự hiện diện ấy giống như ánh sáng rọi vào bụi bặm. Nó làm lộ ra những điều người ta muốn giấu. Khi sư nói “con không thuộc chùa nào, con không mang họ Thích, con chỉ là Minh Tuệ”, đó không chỉ là một lời giới thiệu – mà là một lời khước từ cái danh vọng mà nhiều người tu ngày nay đang đánh đổi cả đời để có.
Xã hội hiện đại có thể chấp nhận những kẻ nổi loạn, những nghệ sĩ lập dị, thậm chí là những doanh nhân phi đạo đức – nhưng khó chấp nhận một người từ bỏ tất cả mà vẫn sống được.
Vì điều đó đập tan ảo tưởng rằng “phải có tiền mới sống được”, “phải có tổ chức mới tồn tại”, “phải có địa vị mới được lắng nghe”. Một người như sư Minh Tuệ là nguy hiểm, vì sự tồn tại của sư là phản chứng cho toàn bộ hệ giá trị mà xã hội này đang tôn thờ.
Sư không nhận một đồng bố thí, không đăng clip câu view, không kêu gọi đóng góp – vậy mà mỗi ngày vẫn có hàng trăm người lặng lẽ theo sau, không vì thuyết pháp mà chỉ vì muốn đi gần một người đang sống thật. Họ vu cáo thậm chí là viết thư phản ảnh lên những nơi Đoàn bộ hành qua, rằng sư không thuộc tăng phái nào…
Từ bi không phải là im lặng trước điều ác:
Dù sư và đoàn hành hương không xem những vu cáo là phiền toái, mà là “bài học để tu”, chúng ta – những người đứng ngoài – không nên im lặng. Vì nếu một xã hội không bảo vệ được người như sư Minh Tuệ, thì đó là thất bại đạo lý tập thể.
Thế giới cần nhiều người như sư. Không phải để noi theo, mà để làm gương soi. Không phải để thuyết phục, mà để nhắc nhở. Rằng trong thời đại đầy tranh đoạt và giả trá, vẫn còn có người chọn đi bộ – im lặng – đi về phía mặt trời, mà không cần ai chứng nhận cho sự thật của chính mình.Lê Thọ Bình