8 năm ngày Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời (3/3/2016–3/3/2024)

8 năm ngày Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016) đi xa, xin mời đọc lại 2 bài viết của nhà báo Đinh Quang Anh Thái và nhà báo Từ Thức.

 Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thuyết trình về Trống Đồng Việt Nam tại Viện Việt học, California. Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Đinh Quang Anh Thái: Nguyễn Ngọc Bích: Tâm Việt

(California, Hai Tháng Ba, 2016)

Dạo những năm sau này, tôi bị ám ảnh và sợ tiếng chuông điện thoại reo lên giữa khuya. Vì lần nào cũng đều là tin chẳng lành.

Mười một giờ 20 phút khuya Thứ Tư, Hai Tháng Ba, 2016, chuông điện thoại reo. Phạm Phú Thiện Giao gọi, tin buồn lắm, “Trịnh Hội từ Manila báo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đột ngột từ trần trên chuyến bay từ Hoa Thịnh Ðốn sang Philippines dự Họp Mặt Dân Chủ; và trên máy bay có cả bà Nguyễn Ngọc Bích là Tiến Sĩ Ðào Thị Hợi và Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt.”

Tôi cảm nhận rất rõ, da mặt tôi lăn tăn tê dại.

Gọi cho chú Nguyễn Ngọc Linh ở Virginia, chú Linh, bào huynh của Giáo Sư Bích, giọng khàn đặc: “Cô Hợi dùng điện thoại trên máy bay báo tin cách đây khoảng hơn hai tiếng và cho biết chú Bích vào phòng vệ sinh, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn nhồi máu cơ tim, đột tử.”

Hơn hai giờ sáng giờ miền Ðông Hoa Kỳ, tôi đánh thức Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, cô Trương Anh Thụy, và cả anh Nguyễn Xuân Nghĩa, chú Nguyễn Thái Sơn ở Quận Cam, California.

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, giọng cố bình thản: “Lại thêm một người bạn ra đi, nhưng thôi Bích đi như thế cũng thanh thản.” Cô Trương Anh Thụy gắn bó mọi sinh hoạt với chú Bích từ thời cả hai du học Mỹ thập niên 50 thì lặng đi, giọng đứt quãng: “Sửng sốt! Ðau buồn!” Chú Nguyễn Thái Sơn nói: “Bích lành và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử!” Anh Nguyễn Xuân Nghĩa nói như hét trong điện thoại: “Cái gì!”

Nhớ, cách đây đúng ba tuần, chú Bích còn cười còn nói khi đại diện Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ giới thiệu bộ sách Nhìn Lại Sử Việt của Sử Gia Lê Mạnh Hùng, từ London sang, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Nhớ, năm 1973, lần đầu gặp chú Bích vừa từ Mỹ về Sài Gòn đảm nhận chức vụ Tổng Cục Trưởng Cục Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh thanh niên rõ nét nhất của chú là những bữa cơm trưa tại nhà cô chú lúc cô làm Viện Trưởng và chú làm Tổng Thư Ký Ðại Học Cửu Long. Chú vui, kể cho đám hậu sinh chúng tôi nghe những ngày sống và học ở ngoại quốc, những lần đối đầu nẩy lửa với các nhóm phản chiến bài xích chính nghĩa bảo vệ vùng đất tự do của quân dân miền Nam.

Nhớ, lúc chiến tranh gây tang tóc cho người dân Phước Long, đám sinh viên chúng tôi đến gặp chú xin yểm trợ, chú khóc nức nở khi nghe kể hoàn cảnh nghiệt ngã của đồng bào chạy loạn.

Nhớ, đêm văn nghệ Hát Cho Tương Lai Thống Nhất ngày 20 Tháng Bảy, 1974, tại rạp Thống Nhất-Sài Gòn, khi các đoàn thanh niên và sinh viên đồng ca “Việt Nam, Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, có đoạn anh em không thuộc lời, chú lao vụt lên sân khấu, giọng vang vang say sưa hát.

Nhớ, thời chú làm Giám Ðốc Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do, mỗi khi chú chấp bút viết một bản văn bằng Anh ngữ, Phó tổng giám đốc đài là nhà báo Dan Southerland phải thốt lên, không thể sửa, dù một dấu phẩy bài chú viết. Không chỉ Anh ngữ, chú còn thông thạo tiếng Pháp, làm thơ Hài Cú tiếng Nhật, đọc tiếng Hoa, hiểu tiếng Ðức và tiếng Spanish đủ để đi mua sắm.

Nhớ, tính chú hiền, chẳng hề một lần to tiếng, trách móc ai. Chỉ vài lần thấy chú khó chịu, nét thể hiện duy nhất là mắt chú không cười, nghiêm nghị nhìn người đối diện.

Nhớ, tâm chú tốt đến độ không nỡ từ chối ai việc gì, dù lớn dù nhỏ. Và cũng vì tất bật hết việc này đến việc khác, nên nhiều lúc chú bị trách yêu là “luộm thuộm.”

Nhớ, thì chú còn biết bao điều để nhớ tới. Và biết bao người nhớ chú.

Như Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng nhớ: “Cú điện thoại hai giờ sáng của Ðinh Quang Anh Thái đánh thức tôi, báo tin Nguyễn Ngọc Bích, một người bạn thân, đã chết trong máy bay trên đường đi Phi Luật Tân dự một hội nghị về Biển Ðông. Mấy tuần trước, tại phòng hội báo Người Việt tôi còn thấy Nguyễn Ngọc Bích nói sang sảng trong buổi ra mắt sách ‘Nhìn Lại Sử Việt’ của Lê Mạnh Hùng. Buổi sáng, lái xe trên đường Little River Turnpike đi về hướng Washingon, DC, qua lối rẽ vào Pinecrest Vista, tôi sực nhớ đến một người bạn thân khác, Như Phong Lê Văn Tiến, ‘nhà báo của các nhà báo.’ Anh mất đã 15 năm mà mỗi khi nghĩ đến tưởng chừng như mới mất hôm nào. Tháng trước, Ðinh Cường, một tên tuổi của Hội Họa Sĩ Trẻ một thời bùng nổ sáng tạo, cũng ra đi. Bạn bè chết dồn dập quá! Tôi có cảm tưởng như một người lính trận thấy đồng ngũ trúng đạn, gục chết chung quanh, từng người từng người. Những người chết là các bạn tôi biết trong thập niên 1960 ở Mỹ hoặc ở Việt Nam. Thời ấy, tôi về Việt Nam với nhiều hy vọng và ước mơ. Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm lạc quan và sự tự tin của tuổi trẻ. Bây giờ, những người thuở ấy lần lượt ra đi. Ðối với thế hệ chúng tôi, còn sống hay đã chết, cuộc chiến cũng đã tàn. Thời gian bắn từng viên đạn chính xác vào mỗi người. Người còn lại thương tiếc người ra đi cho đến khi người cuối cùng gục xuống.”

Như nhà báo Phan Tấn Hải nhớ: “Tôi tin rằng cái chết của Giáo Sư Bích chỉ vì vỡ tim mà chết: đó là cái chết của một người yêu nước mình tha thiết, chết trên bầu trời Biển Ðông, chết trên chuyến bay từ Mỹ sang Manila để bênh vực cho quê nhà. Và cảm xúc tràn ngập, Giáo Sư Bích vỡ tim mà chết. Chưa từng có ai như thế.”

Riêng cháu, cháu mãi mãi nhớ chú: một TÂM HỒN VIỆT.

Đinh Quang Anh Thái.

***

Từ Thức: Giáo sư Nguyễn ngọc Bích từ trần, một thư viện vừa cháy


Tin anh Nguyễn Ngọc Bích từ trần khiến bạn bè của anh – rất đông – sững sờ. Một người gần 80 tuổi thọ (anh sinh năm 1937) ra đi là chuyện thường tình, một tin buồn, nhưng một tin buồn đến hàng tuần, hàng tháng. Sinh, bệnh, lão tử là lẽ trời. Nhưng tin anh Bích ra đi khiến người ta bàng hoàng, bởi vì anh là người lúc nào cũng hăng say hoạt động, lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng ân cần, khiến người ta nghĩ anh sẽ không bao giờ ra đi, hay sẽ là người cuối cùng ra đi. Người ta không tin chuyện anh ra đi, bởi vì không muốn tin, bởi vì hy vọng đó chỉ là tin đồn vô căn cứ.

 Anh Bích ra đi thảnh thơi như anh đã đến, đã sống. Trên máy bay từ Washington D.C đi họp về biển Đông ở Phi Luật Tân, ngày 03 tháng Ba, anh thấy mệt, nằm nghỉ, 15 phút sau ra đi, vĩnh viễn. Một người bạn nói nghe tin anh mất thật buồn, nhưng nghĩ lại, thấy cũng an ủi, anh ra đi không đau đớn, bên cạnh chị Bích, người vợ cũng là người bạn đồng hành, đồng chí, là một cái chết rất thảnh thơi. Cũng như Molière chết trên sân khấu, anh Bích ra đi trên đường hoạt động. (Sự thực, chuyện Molière chết trên sân khấu chỉ là huyền thoại, ông ta chết trên giường, ngon lành.) Anh Bích ra đi trên đường hoạt động, chắc anh cũng không mong một cách ra đi đẹp hơn. Tôi vẫn nói dỡn: anh là “người cứu nước full time”. Một người ăn cơm nhà, vác ngà voi không ngừng, không nghỉ, không biết mệt. Có những người Việt chỉ túi bụi làm giầu, hỳ hục đuổi dollars, chuyện đất nước phó mặc thiên hạ; có những người cứu nước cuối tuần, có người tham gia việc nước năm thì mười họa, cho khỏi áy náy; anh thuộc thiểu số những người suốt ngày, suốt năm chỉ lo chuyện chung. Có người hoạt động vì háo danh, ham quyền, anh hoạt động vì là chuyện phải làm, không thể chắp tay đứng nhìn. Không chờ đơị gì, không trông mong gì. Có người gọi anh là ‘”Mister Yes”, anh nghe, cười xoà, vui vẻ. Mister Yes vì anh không biết từ chối, ai nhờ làm gì anh cũng nhận, công việc gì khó khăn người ta đổ lên vai, anh cũng vác. Chữ NO không có trong tự điển của giáo sư Bích. Mấy năm trước, một nhóm anh em muốn giúp một nữ sinh trong nước, nổi tiếng vì bị nhà nước đày đọa chỉ vì có lòng với đất nước. Chuyện đầu tiên là giúp cô học Anh ngữ qua điện thoại. Ai lo được chuyện đó? Tiện nhất là trao cho một ông đã bận bù đầu là ông Bích. Anh và chị vui vẻ nhận, lo chu đáo, thỉnh thoảng báo cáo anh em về kết quả của việc làm.

Anh Bích là một người ôm đồm nhiều chuyện, vì anh thiện chí cùng mình, nhưng cũng vì anh có nhiều tài. Anh là trí thức, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu và học giả.  Nhà báo, anh là Tổng Giám Đốc cuối cùng của Việt Nam Thông Tấn Xã của Việt Nam Cộng Hoà, cựu Giám đốc chương trình Việt ngữ của đài RFA ở Hoa Kỳ. Nhà giáo, anh đã cùng chị Hợi, người bạn đời của anh, về Việt Nam mở Viện Đại học Cửu Long (1972). Trí thức, anh tốt nghiệp Princeton, thông thạo Pháp ngữ (học trường Pháp Chasseloup Laubat), Anh ngữ; biết nói tiếng Nhật. Một lần, đi gặp dân biểu Đức ở Berlin để vận động cho dân quyền ở Việt Nam, Anh đứng dậy phát biểu. Tôi nghĩ anh sẽ nói tiếng Anh, hay tiếng Việt để anh em địa phương dịch, nhưng anh nói tiếng Đức. Anh có trình độ cao về chữ Hán chữ Nôm. Anh học tiếng Tây ban Nha ở Madrid, học tiếng Nga, tiếng Tầu. Ngôn ngữ nào anh cũng thông thạo. Nhất là ngôn ngữ, văn hoá Việt. Đó không phải là chuyện đương nhiên, vì có nhiều vị thông thạo văn hoá Tây, Tầu nhưng văn hoá dân tộc thì mù tịt. Thỉnh thoảng nhận được cái mails của anh, nói câu thơ đó cậu chép sai, chữ đó phải viết g, không phải d, y thay vì i…Anh là một cuốn tự điển biết đi, cái gì cũng biết. Và biết tới nơi tới chốn. Théc méc chuyện gì, chỉ việc tra tự điển sống là ông Bích. Ngạn ngữ Phi Châu: “mỗi lần một người già từ trần là một thư viện bị cháy”. Trên chuyến máy bay TK086 Washington DC-Manila, hai ba cái thư viện, trong 15 phút, trở thành tro bụi.

Một chiến sĩ văn hóa

Là học giả, anh đã nghiên cứu, viết báo, viết sách, thuyết trình về đủ mọi đề tài. Anh là học giả thứ thiệt, cuả lạ ở Việt Nam, bên cạnh những học giả giả, trí thức cà chớn, nhan nhản trong xã hội Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Với người Việt, trở thành học giả dễ hơn trở thành thợ hớt tóc, hay đầu bếp biết nấu sườn xào chua ngọt. Chỉ cần thuổng vài trang nơi này, cầm nhầm vài đoạn nơi kia, in một cuốn sách tào lao, vô thưởng vô phạt là một sớm một chiều vỗ ngực trở thành học giả.

Anh là tác giả nhiều cuốn sách bằng Anh ngữ, Việt ngữ. Anh, chị chủ trương nhà xuất bản miền Đông Hoa kỳ cùng với chị Trương Anh Thụy, in sách của tác giả trong cũng như ngoài nước. Anh dịch thơ Việt Nam (thí dụ thơ Nguyễn Chí Thiện) ra Anh ngữ, dịch thơ ngoại quốc, kể cả một kho tàng văn hoá xa lạ với người Việt Nam là thơ Iran sang Việt Ngữ. Anh là cái cầu bắc giữa những dòng văn hoá. Anh viết North Vietnam: Backtracking on socialism (1975) để  người ngoại quốc hiểu thực chất chiến tranh Việt Nam. Anh viết A Thousand years of Vietnamese Poetry (Knopf.NY 1975), xuất bản War and Exil : A Vietnamese Anthology (1969), in sách về văn hoá Việt, kiến trúc Việt, hội hoạ Thái Tuấn, nghệ thuật chụp hình Trần Cao Lĩnh, về chữ Nôm, để người ngoại quốc và giới trẻ Việt sinh ở hải ngoại thấy Việt Nam không phải chỉ là một bãi chiến trường. Việt Nam không phải chỉ là phở và chả giò. Anh dịch sách báo ngoại quốc, muốn người Việt mở mang kiến thức, đón nhận tinh hoa văn hoá của thế giới. Vì ý thức rằng muốn xây dựng đất nước, phải nâng cao dân trí. Phát triển văn hoá là bám vào rễ để vươn ra.

Anh Bích là một người hoạt động chính trị, vì đó là bổn phận một người dân trong một giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước, nhưng ý thức được vai trò vô cùng quan trọng của văn hoá. Một người như vậy cực hiếm, và rất cần cho Việt Nam. Vì thường thường, những người hoạt động ít có ý thức văn hoá, những người làm văn hoá có thói quen ngồi trong tháp ngà, nhiều khi vì lười, hay vì nhát. André Malraux nói ông ta đã gặp nhiều lãnh tụ, nhưng hai người ông ta nể nhất là Chu Ân Lai và Nerhu, vì họ là những nhà chính trị nhưng có văn hoá. Nói chuyện chính trị với họ khác hẳn nói với những người khác. Khác với những người chỉ hùng hổ chống Cộng bằng miệng, quá khích, thiển cận (những người càng chống, Cộng Sản càng mạnh) hay những người chỉ lo chuyện xa vời, nhắm mắt trước thực tế, anh Bích hoạt động tích cực, tả xung hữu đột, nhiều khi đơn thương độc mã, nhưng luôn luôn đóng góp vào việc xây dựng nền móng cho một xã hội lành mạnh, bởi vì không thể nào có một đất nước phú cường nếu không có một văn hoá tốt đẹp. Anh tổ chức hội nghi về biển Đông với nhóm Voice và Họp mặt Dân Chủ, gõ cửa báo chí và chính trị gia Hoa kỳ, báo động về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, tiếp tay với nhóm Lao Động Việt, để giúp nhân công Việt Nam bị bán ra ngoài hay bị đàn áp ở Việt Nam. Ai cần tiếp tay, ới một tiếng, có ông Bích.

Anh muốn bắc cầu, lấp hố. Giữa người Việt và người ngoại quốc là những cái hố, không ai hiểu ai. Giữa người Việt Nam với nhau, cái hố còn sâu hơn nữa, giữa người già người trẻ, người Cộng sản người quốc gia, người Nam người Bắc. Anh sẵn sàng cộng tác với bất cứ ai, già trẻ, Nam Bắc, Công giáo, Phật Giáo. Gặp anh năm phút, có cảm tưởng như đã quen anh từ lâu. Anh gia nhập Hội Nhà Báo Độc Lập để bắc cầu với anh em trong nước. Những người tranh đấu cho dân chủ từ trong nước ra, từ các nơi về Mỹ, ai cũng được anh tiếp đón tận tình. Một người bạn nói anh Bích có tâm Phật. Anh không biết đố kỵ, ghen ghét, hận thù, ai cũng là bạn. Anh bất đồng ý kiến với nhiều người, nhưng không nói xấu ai, không đả kích người khác. Năm ngoái, ngồi nói chuyện với vài anh em tới dự cuộc họp mặt về biển Đông lần đầu ở Manila, Phi Luật Tân,  tôi  nói đùa: “Chỉ cần nhìn anh Bích cũng biết tại sao Cộng Sản nó thắng, mình thua dài dài”. Anh hỏi tại sao?  “Bởi vì Cộng sản nó gian ác, mà anh thì hiền lành quá, ai cũng tin, ai cũng cho là người tốt. Thua là phải”. Anh cười xòa, vui vẻ. Quả thực, anh chỉ thấy cái tốt ở những người khác. Chỉ thấy cái khía cạnh tích cực, lạc quan của người và việc. Không có vấn đề, chỉ có giải pháp. Anh không thù oán ai. Kể cả những người đã xuyên tạc, đả kích anh trên Internet. Một người bạn than phiền vì bị thiên hạ đánh, bịa chuyện bôi xấu, tôi nói: “Để ý làm gì ba cái vặt ấy, đến như ông Bích mà người ta cũng không tha”. Nếu không, nước mình đã khá từ lâu rồi. Tôi tiếc đã không nói với anh Bích một điều mà tôi nghĩ, từ lâu: “Cái nước Việt Nam nó lận đận, thê thảm như vậy, bởi vì những người như anh, ít quá”…

Sayonara

Người Pháp nói, chua chat: C’est toujours les meilleurs qui partent en premier. Bao giờ những người tốt vẫn ra đi trước thiên hạ. Anh ra đi, trong khi nhiều tên ăn hại, bán nước vẫn sống nhăn, làm khổ dân, làm tiêu tan đất nước. Anh ra đi, bỏ lại ngổn ngang bao nhiêu dự án, chắc sẽ không có ai cáng đáng. Ít có ai làm việc nước full time, ít có người trước những vấn đề mênh mông mà không có lúc nản lòng. Người như vậy hiếm quá, anh Bích ạ. Bây giờ, anh đi rồi mới thấy rõ điều đó.

Adieu, anh Bích. Chào anh vĩnh biệt. Hay đúng ra Sayonara, chỉ là một lời tạm biệt. Tạm biệt, bởi vì nơi anh đến, sớm muộn gì anh em cũng gặp lại. Ở đó, chắc anh đã gặp lại những người bạn đồng hành đã cùng anh vác ngà voi, những Nguyễn Tự Cường, Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Xuân Phước…những người bạn tốt, những công dân mà nước Việt có thể hãnh diện, đã ra đi trước anh. Tạm biệt, bởi vì anh vẫn sống mãi trong lòng những người ở lại. Không ai quên mái tóc bạc, nụ cười thường trực, những cái vỗ vai thân thiện, tiếng hát và gịọng ngâm thơ sang sảng của anh, những buổi tranh luận sôi nổi nhưng thân thiện, những cuộc trao đổi với anh sau đó người ta thấy mình thông minh hơn. Sayonara, anh Bích.  

Từ Thức  (Paris, tháng 3/2016)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua ống kính của nhà văn Trương Anh Thụy.

***

Tiểu sử Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích: 

Sinh năm 1937 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, năm 1954 ông Nguyễn Ngọc Bích sang Mỹ du học theo chương trình học bổng Fulbright, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Princeton University năm 1958.

Sau biến cố 30/4/1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ, và định cư tại tiểu bang Virginia.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng có thời gian giảng dạy tại các đại học George Mason (1979-89), Trinity College (1979-81) và Georgetown University (1980-86). Ông được Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (Bush cha) chỉ định vào chức Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc (1991-93).

Ông là Giám đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do RFA từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu năm 2003.

Ngoài dạy học và làm truyền thông, ông Bích cũng còn là một nhà biên khảo và dịch giả có uy tín về văn thơ Việt Nam. Trong những sách nổi tiếng của ông phải kể: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975), A Mother’s Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thuỵ, Cành Nam, 1989), War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển tập văn học hiện đại của VN,” Văn bút Miền Đông, 1989), dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songs, VICANA, 1982; Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry, cả hai do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ xb, 1996), và Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque, dịch thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2006).

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã có công trong việc việc hiệu đính thơ Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000), ông cũng đã dịch hai cuốn sách về mỹ thuật Việt Nam, Vietnamese Architecture (Sứ quán VNCH tại Mỹ, 1972) và An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Smithsonian, 1995) cũng như giới-thiệu thơ Ba-tư trong cuốn Omar Khayyam: Thơ và Đời (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2002).

Theo RFA