Lê Học Lãnh Vân: Tổng thống Trump, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, Việt Nam

Hình: Wiki Commons, pixabay

ÔNG TRUMP TRONG VAI TRÒ TỔNG THỐNG HOA KỲ

Tổng thống Trump, trong những tuần cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ hai, cho tôi cảm nhận không khác gì cảm nhận về ông trong nhiệm kỳ trước!

Là một công dân toàn cầu nơi các chính sách ngoại giao, quân sự Mỹ có ảnh hưởng mạnh, tôi xin có ý kiến về ông Trump từ góc nhìn này. Thực đáng lo ngại khi Hoa Kỳ có một tổng thống tính khí bất thường, khó đoán, không tôn trọng trật tự và cách ứng xử được thế giới công nhận, thích quyết định đơn phương dùng sức mạnh…

Ông Trump từng tuyên bố chỉ trong một ngày sẽ đem lại hòa bình cho cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine. Thực không phải là lời nên nói của người tranh cử tổng thống siêu cường có ảnh hưởng nhất thế giới, lời nói ấy cho thấy nơi ông Trump, giá trị trung thực và trách nhiệm về lời nói của mình là con số không.

Những ngày qua thế giới nhìn cách ông Trump đối phó với hai quốc gia láng giềng là Canada, Mexico và một quốc gia Trung Mỹ là Panama. Một phần dư luận trầm trồ khen cách phản ứng của ông cùng hiệu quả ông đạt được trước sự nhượng bộ của các quốc gia kia. Nhưng, đó chỉ là hiệu quả của một doanh nhân giành giựt lợi nhuận trên bàn đàm phán làm ăn. Tổng thống của một siêu cường phải khác!

Người thất phu hung hãn có thể đứng dậy xô bàn giành chiếc bánh, nhưng người có kiến thức và thâm trầm thì bình tĩnh thảo luận và thuyết phục về quyền sở hữu chiếc bánh ấy. Vấn đề không phải là giành chiếc bánh bằng sức mạnh cơ bắp, mà là giải thích một cách thuyết phục khiến người khác đồng ý. Đó mới là lãnh đạo, và Hoa Kỳ, từ sau thế chiến thứ hai, được rất nhiều quốc gia xem là quốc gia lãnh đạo khối Tự do, bảo vệ các giá trị cốt lõi của nền dân chủ toàn cầu!

Cho nên, trong khi bảo vệ quyền lợi quốc gia, vị tổng thống Hoa Kỳ có nên nghĩ tới cố kết đồng minh thay vì làm rạn vỡ thêm các vết nứt từ bên trong? Có nên nghĩ tới sự hùng mạnh của toàn khối Tự do thay vì chỉ giành giựt quyền lợi cho riêng Hoa Kỳ?

Hoa Kỳ có thể giành được chiếc bánh, các quốc gia khác có thể vì yếu thế hơn nên nhượng bộ, nhưng sự nhượng bộ ấy chưa chắc tới từ tâm phục khẩu phục. Sự nhượng bô cũng chưa chắc do yếu hơn mà có thể do một tầm nhìn rộng và xa, vì đại cục, toàn thể và lâu dài. Canada là quốc gia yếu hơn Hoa Kỳ về sức mạnh tài chánh, quân sự, nhưng cũng là một đại cường kinh tế, khoa học, công nghệ, lại có sức mạnh mềm, được người dân nhiều quốc gia kính nể vì các giá trị cốt lõi của nền dân chủ và của tính nhân bản. Bốn chục triệu dân của một quốc gia như vậy bất mãn, đương nhiên không coi trọng tính cách và cách hành xử lấy sức mạnh đè người, e rằng lòng bất mãn và không kính trọng ấy sẽ tích tụ thành năng lượng phản ứng chống đối về sau…

Không chỉ Canada bất mãn. Cho dù ông Trump đã hoãn áp thuế một tháng với Canada và Mexico, lưỡi gươm đe dọa luôn nằm ở đó, sẵn sàng chém xuống bất kỳ lúc nào. Lời đe dọa áp thuế lên Tây Âu cũng đã được tung ra! Quan điểm và thái độ của phó tổng thống Hoa Kỳ Vance tại hội nghị an ninh Munich gây bất bình các cường quốc Tây Âu và Trung Âu. Lòng tin của các quốc gia dân chủ hùng mạnh từng là đồng minh chí cốt này của Mỹ còn lại bao nhiêu? Vị tổng thống Hoa Kỳ lựa chọn giá trị gì mà sẵn sàng để mất lòng những đồng minh đáng quý như vậy?

Bốn năm sau nhiệm kỳ của ông Trump, Hoa Kỳ có còn được nhìn như quốc gia lãnh đạo khối Tự do không? Có còn được xem như một đồng minh đáng tin cậy không?

***

ÔNG TRUMP VỚI MỤC ĐÍCH VÀ SỨ MẠNG LIÊN HIỆP QUỐC

Không chỉ tham muốn giành chiếc bánh, cách giành giựt cũng đặt vấn đề. Áp thuế cao với lập luận để chống lại những bất công trong thuế quan hay trong quan hệ kinh tế còn hiểu được. Nhưng áp thuế để trừng phạt các khác biệt về quan điểm chính trị hay cách ứng xử thì không được chính đáng. Dùng sức mạnh kinh tế trong trường hợp này, về căn bản, khác gì dùng sức mạnh quân sự vì chúng có cùng triết lý: dùng sức mạnh của siêu cường áp chế các quốc gia khác chứ không dùng lý lẽ.

Sau thế chiến thứ hai với cái giá gần trăm triệu nhân mạng, năm cường quốc của ba châu lục là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Hoa thỏa thuận cùng với một số các quốc gia khác lập ra Liên Hiệp Quốc với mục tiêu “duy trì an ninh và hòa bình thế giới, đạt sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia về kinh tế, xã hội và các vấn đề nhân đạo”. Ba văn bản nền tảng cùa Liên Hiệp Quốc là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (United Nations Charter, 1945), Quy Chế của Tòa Án Công Lý Quốc Tế (Statute of the International Court of Justice, 1945) và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights, 1948). Ba điểm chính của Hiến Chương là 1) duy trì an ninh và hòa bình thế giới, 2) phát triển sự bình đẳng và tự quyết dân tộc, và 3) tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người.

Năm cường quốc kể trên là năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền phủ quyết.

Bây giờ vai trò Liên Hiệp Quốc ngày càng mờ nhạt trong các vấn đề lớn của thế giới. Năm thành viên quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc không còn chung lý tưởng với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nữa. Thời Chiến tranh lạnh, khối Tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo Hoa Kỳ và khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, dù kình chống nhau kịch liệt, vẫn có thể bỏ phiếu ủng hộ một Nghị quyết xiển dương một giá trị cốt lõi của Liên Hiệp Quốc. Những năm gần đây, các lá phiếu chỉ là theo phe và người ta còn thậm chí không thèm nghe nhau nữa tại diễn đàn lớn nhất thế giới cho sự lắng nghe, thảo luận!

Từ khi ông Trump xuất hiện trên chính trường Hoa Kỳ, và do đó, chính trường thế giới, vai trò của Liên Hiệp Quốc vốn đã suy yếu nay còn có nguy cơ bị xóa bỏ. Trong năm quốc gia có vai trò lớn nhất, ba tiếng nói rất quan trọng là Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga không còn tôn trọng bất kỳ văn bản nền tảng nào của Liên Hiệp Quốc!

Hai quốc gia Nga và Trung Hoa đã cho nhiều thí dụ về sự không tôn trọng ấy, các hy vọng về sự giữ giềng mối quốc tế bởi Hoa Kỳ, Anh, Pháp bị lung lay theo những tuyên bố của ông Trump. Ý đồ của ông sáp nhập Canada, Greenland, quan điểm của ông về cuộc chiến Nga-Ukraine xé bỏ “nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”, nguyên tắc bao hàm rằng các quốc gia không được xâm phạm chủ quyền của nhau. Tuyên bố của ông về dải Gaza và chuyển gần hai triệu người Palestine đang ở đó sang nơi khác có vi phạm trầm trọng nhân quyền và các tự do căn bản?

Quốc gia Hoa Kỳ là cây cột cái dựng lên và bảo vệ Liên Hiệp Quốc, nhưng, nghịch lý thay, Tổng thống Trump đang có thái độ và hành vi có thể dẫn tới xóa sổ định chế quốc tế này! Liên Hiệp Quốc bị xóa sổ hay tồn tại mà đi ngược chiều với nguyên tắc và sứ mạng của Hiến Chương, nhân loại sẽ về đâu?

***

THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU

Ông Trump bắt đầu giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine bằng việc trước hết gặp riêng Nga, quốc gia tấn công tàn bạo Ukraine, một quốc gia có chủ quyền. Cuộc gặp không có Ukraine và châu Âu dù nó xảy ra trên lãnh thổ Ukraine và lãnh thổ châu Âu. Cuộc gặp ấy cùng với các phát biểu của ông Trump không phân biệt bên xâm lăng và bên bị xâm lăng, khiến thế giới tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc ngỡ ngàng, cảm thấy bị phản bội.

Dịp này, nhiều người Việt nhắc lại việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh năm xưa, khi Trung Cộng tấn công chiếm một phần Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.

Không ít lời cảm thán về THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU trong ván cờ của các siêu cường! Ý nói các quốc gia nhược tiểu bị bán đứng, bỏ rơi khi các siêu cường đổi chác quyền lợi!

Tác giả bài viết này chưa bao giờ nghĩ Việt Nam là nhược tiểu!

Tác giả từng biết một quốc gia Việt chưa hùng mạnh lắm nhưng ấm no, đó là quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, chính là Miền Nam những năm đầu thập niên 1960. Lúc đó, Miền Nam có thể chể dân chủ và bộ máy hành chánh công hữu hiệu nổi bật ở châu Á, có GDP đầu người bằng 220% so với Thái Lan, bằng 144% so với Hàn Quốc. Khi tác giả bước vào trung học đệ nhất cấp, Miền Nam phải oằn lưng vì cuộc chiến Bắc – Nam, nền kinh tế bị tàn phá nhanh chóng. Nhưng, lòng tự tín dân tộc và hào khí người Việt vẫn còn đó. Những người học sinh tới tuổi du học đều hẹn nhau quay về xây dựng quê hương. Hòa bình rồi chắc chắn đất nước sẽ nhanh chóng phú cường!

Hòa bình trở lại chứng kiến giới tinh hoa Miền Nam bị đưa vào trại học tập cải tạo, xã hội Miền Nam tan hoang, hàng hàng lớp lớp người Việt lao mình ra biển cả, liều chết làm thuyền nhân bỏ tổ quốc! Việt Nam lúc đó còn khốn đốn hơn thời phân chia. Nhiều người Việt đau lòng, nhìn vào mắt nhau mà tự hỏi, có phải đó là hậu quả của cuộc nội chiến thời bình tiếp theo thời chiến hay không?

Và người Việt nhớ lại rằng Việt Nam là đất nước được trui rèn trong chống ngoại xâm, và, đáng buồn thay, cả trong nội chiến! Lịch sử Việt Nam là lịch sử của nội chiến và phân chia. Một số cuộc xâm lăng hay can thiệp của nước ngoài cũng do nội chiến rước vào! Nhiều bất hạnh của Tổ quốc cũng do nội chiến mà ra. Cuộc chiến Bắc – Nam khốc liệt từng ngày tàn phá sinh lực khiến tổ quốc không còn đủ sức bảo vệ Hoàng Sa khi Trung Quốc tấn công xâm lược.

Trái với dự đoán của thế giới trong thập niên 1990 rằng Việt Nam sẽ cất cánh theo hướng rồng bay, quốc gia ngày càng tụt hậu và chịu nguy cơ vướng trong bẫy thu nhập trung bình. Năm chục năm hòa bình mà đất nước tiến bộ quá chậm khiến nhiều người Việt cho rằng căn tính của người Việt là hung dữ, không hợp tác, không học hỏi điều cao sâu mà vừa lòng với những thành quả cạn trước mắt… Tôi cho rằng nhận xét đó nghiêng về cảm tính, bi quan vì chưa thấy lối thoát cho quốc gia.

Hoàn cảnh thế giới, thái độ và cách hành xử của Hoa Kỳ trong một tháng cầm quyền tổng thống Trump khiến châu Âu giàu có bừng tỉnh, hiểu rằng thịnh vượng phải đi đôi với hùng cường. Châu Âu đã tỏ thái độ, đang chuẩn bị mạnh mẽ hơn về quân sự để có thể tự vệ khỏi sự tấn công của Nga Putin. Châu Âu đang tỏ quyết tâm đoàn kết vươn lên thành một cực của thế giới vì Hoa Kỳ không còn là bạn đồng hành tin cậy nữa.

Hoàn cảnh này có đủ sức lay động, làm bừng tỉnh ý chí tự phú tự cường của Việt Nam không? Muốn tự phú tự cường, Việt Nam phải thuyết phục được người dân tin rằng mỗi người họ bình đẳng với bất cứ người nào khác. Bình đẳng trong cơ hội giáo dục, trong cơ hội làm giàu, trong cơ hội làm việc, kể cả làm việc trong bộ máy hành chánh công! Phải bỏ “truyền thống nội chiến” từ gốc rễ, nghĩa là phải tổ chức sao để không một thành phần dân tộc, quốc gia nào có đặc quyền trên thành phần khác. Không một thành phần nào được đứng trên quốc gia. Trong nội dung của mơ ước “kỷ nguyên mới” mà Việt Nam đang phấn đấu tiến vào, bình đẳng nên là nội dung chính bởi vì đó là điều kiện của các điều kiện. Có điều kiện bình đẳng rồi thì các mục tiêu phát triển quốc gia khác nằm trong tầm với của Việt Nam. Một trăm triệu dân giàu mạnh rất dễ giữ hoà bình, rất dễ tự chủ mà không một thế lực nào đủ sức “bán đứng”!

Điều này phải được tiến hành nhanh chóng vì thế giới bất ổn hiện nay không khoan thứ cho sự chần chờ…

Lê Học Lãnh Vân.

Ngày 20 tháng 2 năm 2025