Đinh Quang Anh Thái: The Game is Over, trích từ cuốn sách mới phát hành “Hoàng Đức Nhã: Khát Vọng Chưa Thành”

Nguyễn Mạnh Hùng: Cuối cùng người cần nói đã lên tiếng
Với cuốn sách Hoàng Đức Nhã: Khát Vọng Chưa Thành, người cần nói đã lên tiếng.
Hoàng Đức Nhã là cựu bí thư kiêm tham vụ báo chí của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và là cựu Tổng trưởng Dân Vận – Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa. Ký giả Fox Butterfield của báo The New York Times gọi anh là “người có nhiều uy quyền nhất nước, chỉ sau ông tổng thống.”
Ngoài tình gia đình, anh còn là cộng sự viên thân tín, đắc lực, và trung thành nhất của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và do đó có đủ tư cách hơn người để nói về hoàn cảnh và cách suy nghĩ của người lãnh đạo Đệ Nhị Cộng Hòa trong những lúc dầu sôi lửa bỏng của chế độ. Trong cuốn sách này, anh Nhã, lần đầu tiên, đã tiết lộ, giải thích, và làm sáng tỏ một số sự kiện quan trọng liên quan đến chính tình Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Cuốn sách này do sáng kiến của Đinh Quang Anh Thái, nhưng nó bắt nguồn từ rất lâu, từ cuốn sách No Peace, No Honor: Kissinger and Betrayal in Vietnam (2001) của Larry Berman, giáo sư Chính trị học, trường Đại Học California. Khi nghiên cứu tìm tài liệu để viết sách, Larry nhờ tôi giúp anh liên lạc với “Tổng thống Thiệu hay người phụ tá thân tín của ông là Hoàng Đức Nhã.” Sau khi hỏi ý kiến anh Nhã, tôi cho Larry số điện thoại sở làm của Nhã để Larry liên lạc và phỏng vấn.
Khoảng năm 2001, sau khi sách được phát hành, trong một bữa ăn giữa ba người – Larry, Nhã, và tôi – ở Dancing Crabs trên Washington DC, tôi khen Larry tương đối công bằng hơn với Việt Nam Cộng Hòa và đã cố tìm hiểu quan điểm của giới chức Việt Nam Cộng Hòa, chứ không như Stanley Karnow đã dựa rất nhiều trên tài liệu và quan điểm của Hà Nội, rồi mặc nhiên coi đó như đại diện cho quan điểm của “phía Việt Nam”. Nhã đột nhiên đề nghị “tại sao Hùng không dịch cuốn sách của Larry?” Lúc ấy, tôi đang là giáo sư Quan Hệ Quốc Tế và Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Dương của trường đại học George Mason nên không thích dịch và cũng không có thời giờ để dịch sách của người khác.
Tôi đồng ý dịch với điều kiện là anh Nhã sẽ liên lạc với cựu Tổng thống Thiệu để viết đầy đủ về quan điểm và tình huống của Việt Nam Cộng Hòa, vì chính mắt tôi đã chứng kiến sự thân tình giữa hai anh em Thiệu-Nhã, ngay cả sau 1975. Lời hứa ấy, bây giờ 23 năm sau, mới được thực hiện, một phần.
Larry là người đầu tiên được Nhã cung cấp dữ kiện để đưa ra quan điểm công bằng hơn đối với vai trò của Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến. Hai mươi năm sau, Nhã tiếp tục vai trò ấy với George J. Veith, thường được gọi là Jay Veith, tác giả cuốn Drawn Swords in A Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams (2021). Khác với đa số các tác giả khác, Jay thuộc thế hệ lớn lên sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Anh viết về chiến tranh Việt Nam, về những thất bại và thành công của Việt Nam Cộng Hòa với tư cách một học giả trẻ không bị ràng buộc bởi tiên kiến, thời thượng, tình cảm cá nhân, hay “gánh nặng của quá khứ”. Và Nhã đã giúp nhiều cho Jay hoàn tất tác phẩm của mình.
Đó là hai trường hợp mà Nhã là người đóng góp tài liệu và kinh nghiệm cá nhân. Với cuốn Hoàng Đức Nhã: Khát Vọng Chưa Thành của Đinh Quang Anh Thái, Nhã nói chuyện trực tiếp, thân mật, thành thật, không cường điệu, với độc giả về kinh nghiệm bản thân, về thân thế mình, về đóng góp chính trị, và về những thăng trầm trong cuộc sống.
Với cuốn sách này, Nhã có dịp bạch hóa một số tin giật gân, mà đến nay có người vẫn muốn coi là sự thật, về những vận động chính trị trong những ngày hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa.
Ở Việt Nam trước kia, Nhã là một người trẻ đầy quyền lực. Có rất nhiều huyền thoại và tin đồn thêu dệt về nhân vật này. Cuốn sách này cho thấy một Hoàng Đức Nhã hoàn toàn khác.
Lột bỏ bề ngoài quyền lực, Nhã là một người trung thành với chế độ, thành thật với chính mình, tận tụy với vợ con, và chân tình với bạn bè. Xuất thân từ một gia cảnh khiêm tốn, nhờ bản tính thông minh, khả năng thích ứng, và ý chí phấn đấu, Nhã đã nắm được thời cơ để trở nên một người thành công trong nhiều lãnh vực, không những ở trong nước mà còn ở ngoài nước sau khi Sài Gòn thất thủ.
Nhã là một bằng chứng hùng hồn, một phản biện hữu hiệu chống lại định kiến sai lầm của phe phản chiến và những người viết sử ở Mỹ “vơ đũa cả nắm”, coi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ gồm những thành phần tham nhũng, thối nát, và bất lực.
Nguyễn Mạnh Hùng
Giáo sư Huân Công về Quan hệ Quốc tế
Trường Đại học George Mason



***
“The game is over”
Ngày 23 Tháng Tư 1975, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Trước đó bốn ngày, 19 Tháng Tư, ông Hoàng Đức Nhã, cựu bí thư của tổng thống và cũng là cựu tổng trưởng Dân Vận Chiêu Hồi, đi Singapore. Ông sang Sigapore gặp ai? Sứ mạng của ông là gì?
Những câu hỏi nêu trên được ông Hoàng Đức Nhã trả lời tác giả cuốn sách này trong cuộc phỏng vấn vào giữa Tháng Ba 2024 tại tư gia của ông ở Chicago – Illinois.
Buổi sáng hôm 19 Tháng Tư tôi nhận được một cú điện thoại của một “người bạn chung” giữa tôi và ông Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Ông Diệu gọi tôi là “my young friend”, bắt nguồn từ những chuyến tôi đi công tác tại Sinapore, lúc thì với tư cách bí thư của tổng thống, lúc là tổng trưởng. Ông Diệu để ý đến những việc tôi làm nên dần dà dành cảm tình đặc biệt cho tôi.
“Người bạn chung” là một nhà báo mà tôi không tiện nêu tên. Anh nói với tôi qua điện thoại: “Nha, our friend wants to see you NOW”. Nghĩa là ngay lập tức. Tôi hỏi anh bạn đó, có lý do gì đặc biệt không mà cần gặp gấp vậy. Câu trả lời của anh bạn là “cannot talk on the phone.” Người bạn tôi và tôi biết rất rõ mọi cuộc điện thoại của tôi đều bị Tòa Đại Sứ Mỹ nghe lén. Thành ra tôi nói “understood.”
Sau khi cúp máy với anh bạn đó, ngay lập tức tôi lái xe vào Dinh Độc Lập. Lúc đó tổng thống đang bận họp. Tôi đợi khoảng 20 phút, sau đó vào trình tổng thống về việc ông Lý Quang Diệu cần gặp tôi ngay. Ông Thiệu nói, “vậy Nhã phải đi ngay đi.”
Trong thời điểm đó, Tổng thống Gerald Ford cử sứ giả là Phó Tổng thống Nelson Rockefeller đại diện tổng thống đi Đài Loan dự tang lễ Tổng thống Tưởng Giới Thạch, và sau đó viếng thăm vài quốc gia Đông Nam Á để trấn an lãnh đạo các nước đồng minh về những biến chuyển trong tình hình Việt Nam. Và ông Rockfeller đã đến họp bàn với ông Lý Quang Diệu.
Ông Nelson Aldrich Rockefeller là phó tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, thời ông Gerald Ford làm tổng thống từ năm 1974 đến 1977.
Chiều hôm 19 có chuyến bay của Air Việt Nam bay sang Singapore, tôi lấy vé ngay và tối hôm đó tôi đã có mặt tại Chiêu Nam (tên gọi Singapore khi bị Nhật chiếm đóng từ 1942 đến 1945) với tư cách là bí thư của tổng thống. Đến phi trường, người của ông Diệu đã chờ sẵn để đón tôi và đưa tôi về thẳng văn phòng thủ tướng gặp ông Lý Quang Diệu.
Vừa bắt tay tôi, câu đầu tiên ông Diệu nói với tôi: “my young friend, the game is over” – “người bạn trẻ, ván bài xong rồi.”
Nghe ông nói, tôi lặng đi một lúc, sau đó ngồi xuống ghế để lắng nghe ông giải thích. Ông thuật lại cuộc nói chuyện giữa ông và ông Nelson Rockefeller. Phó tổng thống Mỹ nói rất rõ với ông Lý Quang Diệu rằng, “người Mỹ chúng tôi đã giàn xếp, chúng tôi cho ông Thiệu vài ngày, nếu ông ta không từ chức thì sẽ có những biến chuyển. Nhưng quý vị lãnh đạo các nước như ông, như Tổng thống Ferdinand Marcos ở Phillipine, ông Kukrit Pramoj, Thủ tướng Thái Lan…đừng bận tâm, sẽ không có gì xẩy ra cho nước của các ông.”
Cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Diệu kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, xoay quanh những diễn biến trong tình hình chính trị và quân sự tại Việt Nam. Tôi kiếu từ ông và nhờ xe của phủ thủ tướng để vội vã đến tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Singapore và yêu cầu phòng mật mã sắp xếp ngay để tôi nói chuyện trực tiếp với ông Thiệu.
Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại tất cả các nước đều có phòng mật mã dùng để liên lạc với tổng thống, với Bộ Ngoại Giao mà người ngoài không thể biết được nội dung các cuộc điện đàm vì mọi lời trao đổi đều được chuyển thành mật mã.
Tôi gọi cho Tổng thống Thiệu và trình với ông lời ông Lý Quang Diệu “the game is over” cùng lời của ông Nelson Rockefeller “chúng tôi cho ông Thiệu vài ngày, nếu ông ta không từ chức thì sẽ có những biến chuyển.” Sau khi nghe tôi báo cáo, ông Thiệu hỏi “theo Nhã, nếu tôi không từ chức thì điều gì sẽ xẩy ra?” Tôi nói, “thưa tổng thống, khi người Mỹ nói như vậy thì chỉ có thể là lật đổ chính quyền và hậu quả là tổng thống sẽ phải đi khỏi nước hay bị giết chết.”
Tôi nói nguyên văn như thế với Tổng Thống Thiệu và nhấn mạnh rằng, người Mỹ sẽ dùng người trong nội bộ của mình lật đổ mình bằng đảo chánh rồi để mình đi lưu vong hay là giết mình. Tuy nhiên tôi nói với ông Thiệu rằng tôi không nghĩ Mỹ sẽ cho người ám sát ông. Nghe xong, ông Thiệu bảo để ông suy nghĩ.
Những đe dọa của người Mỹ “nếu ông Thiệu không từ chức thì sẽ có những biến chuyển” mà như ông nói với ông Thiệu “sẽ là đảo chánh” có liên quan gì đến việc Phụ tá Tổng thống Đặc trách Liên lạc Quốc Hội là ông Nguyễn Văn Ngân bị bắt vào những ngày gần cuối Tháng Tư không ạ?
Tình hình những ngày cuối Tháng Tư vô cùng phức tạp. Phía Cộng Sản Bắc Việt thì tung đủ mọi thứ tin nhằm gây hoang mang hỗn loạn trong chính trường và trong dân chúng Miền Nam. Phía người Mỹ, họ đưa ra những tín hiệu để một số người tin rằng “vận hội” của họ đã đến nếu họ mưu tính điều gì đó. Trong số những người này có ông Nguyễn Văn Ngân và vài ba ông nghị sĩ, vài ba ông dân biểu họp lại với nhau tính toán việc lật đổ nội các của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.
Chứ không phải họ muốn lật đổ Tổng thống Thiệu?
Những người tham gia toan tính đó không nhắm lật đổ ông Thiệu mà là muốn lật đổ ông Khiêm, để họ đặt người làm thủ tướng, làm tổng trưởng. Hành động của những người đó rõ ràng là phá rối trị an, vi phạm an ninh quốc gia nên họ bị bắt.
Vai trò của ông Nguyễn Văn Ngân trong chính phủ là gì ạ?
Ông Ngân là Phụ tá Tổng thống Đặc trách Liên lạc Quốc Hội. Công việc của ông ta là gặp gỡ, thảo luận với các nghị sĩ, dân biểu về các dự luật mà tổng thống muốn Quốc Hội thông qua. Ông Ngân không có quyền gì để nhân danh ông Thiệu. Thuật ngữ chính trị Mỹ gọi những người như ông Ngân là “lobbyist” – giới vận động hành lang.
Xưa nay, nói tới đảo chánh là nói tới vai trò quân đội. Vậy không biết ông Ngân và các nghị sĩ, dân biểu đồng mưu với ông Ngân có “quân đội trong tay” không mà mưu tính lật đổ nội các của ông Khiêm?
Phe ông Ngân không có sự ủng hộ của quân đội. Cách của ông ta là dùng các nghị sĩ, dân biểu thân chính quyền để bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Khiêm. Tôi dùng chữ “lật đổ, đảo chánh” hàm ý là “bất tín nhiệm”, sau đó họ sẽ yêu cầu tổng thống cải tổ nội các, thay thủ tướng khác.
Nếu tôi nhớ không lầm, vào thời điểm đó, ông Ngân có đi ngoại quốc một thời gian ngắn, sau đó quay về mới bị bắt, có đúng như vậy không, thưa ông?
Đúng như thế! Tháng 12 năm 1974, ông Ngân được đưa đi Mỹ tham gia một khóa huấn luyện tại đại học Mỹ.
Một số báo chí Mỹ phát hành vào cuối tháng Năm 1974 viết rằng, theo một nguồn tin có thẩm quyền của Việt Nam Cộng Hòa, ông Nguyễn Văn Ngân có thể bị bắt vì bị tình nghi có liên lạc với Việt Cộng. Một tờ báo còn nói rằng, trong những người thân cận quanh ông Thiệu thì ông Ngân có đối đầu với người em ông Thiệu là Hoàng Đức Nhã? Báo Mỹ nói thế có đúng không ạ, thưa ông?
Có thể nói, tôi là “người giữ cửa” bảo vệ ông tổng thống. Ông Ngân trước kia làm cho ông Nguyễn Cao Thăng. Khi ông Thăng chết, ông Thiệu hỏi các cộng sự viên thân cận nhất với ông – trong đó có tôi – là bây giờ tính làm sao? Ông Thiệu cần một người tín cẩn để giao nhiệm vụ liên lạc với các dân biểu, nghị sĩ thân chính quyền. Ý kiến của tôi là trong văn phòng của ông Nguyễn Cao Thăng có ông Ngân, là phụ tá của ông Thăng, thì bây giờ đưa ông ta lên thay ông Thăng vì mình không còn thì giờ đi tìm người mới đáng tin cẩn. Ông Thiệu đồng ý.
Khi tôi thấy ông Ngân bắt đầu lạm quyền và nghĩ về mình nhiều hơn là nghĩ về người “boss” của mình, và nhất là tôi thấy cách ông Ngân sử dụng các nghị sĩ, dân biểu thân chính quyền để làm mất mặt ông Thiệu bằng cách bất tín nhiệm nội các của ông Khiêm, thì đó là hành động không tôn trọng ông tổng thống. Tôi không chấp nhận được. Cho nên tôi đích thân gặp ông Ngân. Tôi nói: “Ngân, anh lớn hơn tôi mấy tuổi, anh có chức vụ này là nhờ ông tổng thống nhưng nay anh làm như vậy. Hành động của anh khiến tổng thống rất không hài lòng, nhưng ông tổng thống là người có trước có sau, ông nghĩ anh cũng đã làm được nhiều việc, cho nên, thôi, bây giờ ông để anh ra đi. Anh sang Mỹ học thêm về cách quản trị công việc…Anh đi, chị và các cháu ở nhà, anh đừng có lo.”
Ông Ngân nói, cho ông một tuần lễ suy nghĩ rồi trả lời. Tôi nói, “không, anh có con đường để chọn lựa và anh phải trả lời ngay: một là anh đi Mỹ tu nghiệp; hai là anh bị bắt ngay”.
Rốt cuộc ông Ngân chọn đi Mỹ, nhưng có lẽ vì “nhóm anh em” của ông ta tại Việt Nam liên lạc sao đó, ông ta về trước khi khóa huấn luyện chưa chấm dứt. Về lại Sài Gòn, ông ta lại “ngọ ngoạy” nên mới bị bắt cùng với một số dân biểu, nghị sĩ đồng mưu trong vụ toan tính bất tín nhiệm ông Khiêm.
Ông Ngân sau đó được thả và di tản sang Mỹ?
Ông Ngân và nhóm các dân biểu, nghị sĩ đồng mưu được thả ra chiều ngày 28 Tháng Tư 1975, một ngày sau họ di tản sang Mỹ.
Lúc đó ông Thiệu đã đi khỏi Việt Nam được sáu ngày, có đúng không ạ?
Ông Thiệu đi rồi.
Ông Khiêm cũng đi rồi. Như vậy ai quyết định thả nhóm ông Ngân, thưa ông?
Trong tình hình đó, người đứng đầu ngành an ninh quốc gia thấy rằng nhóm ông Ngân cũng là người Quốc Gia, chỉ manh động thôi, nên ra lệnh thả họ ra, chứ tiếp tục giam giữ, công sản vào thì sẽ nguy hiểm cho họ.
Ông đi Singapore gặp ông Lý Quang Diệu ngày 19 Tháng Tư, ông trở lại Sài Gòn ngày nào ạ?
Tôi ở Singapore có hai ngày thôi và về Sài Gòn ngày 21. Tôi tới Singapore chiều 19, sau khi gặp ông Diệu và sau khi nói chuyện bằng hệ thống mật mã với ông Thiệu, tôi tản bộ ra khu bán thức ăn sầm uất Newton Circle gần khách sạn – như khu Ngã Sáu Sài Gòn – để ăn tối. Đang ăn thì bí thư của ông Diệu xuất hiện và nói thủ tướng muốn gặp tôi lần nữa. Tôi phải phục hệ thống tình báo của ông Lý Quang Diệu vì đâu có ai biết tôi đi ăn ở đâu, ngoaị trừ có công an chìm theo dõi tôi!
Tôi vội vàng trở lại phủ thủ tướng để gặp ông Diệu. Ông Diệu nói ngay “tôi thấy anh về sẽ nguy hiểm cho anh. Ở lại đây đi. Ngày mai tôi cho máy bay riêng của tôi đi Sài Gòn chở gia đinh anh qua đây.”
Tôi nghĩ, ông sợ Mỹ sẽ thanh toán tôi. Tôi trả lời ông: “Không! Cám ơn thủ tướng.”
(Ông Nhã rươm rướm nước mắt khi thuật lại với tôi khoảnh khắc buổi tối tại văn phòng ông Lý Quang Diệu) và kể tiếp:
Tôi nói với ông Lý Quang Diệu: “Tôi còn mẹ già, còn vợ, ba đứa con. Tôi phải về và tôi sẽ có cách để ra đi.” Thấy tôi cương quyết, ông Diệu đưa cho tôi số điện thoại của người đại diện của ông ở Sài Gòn và dặn “nhớ nhé, cần gì thì cứ gọi cho người này.”
Tôi đinh ninh khi ông Diệu dặn dò như vậy là xong rồi, ai dè, thật bất ngờ, sáng hôm sau, tức ngày 20 Tháng Tư, ông lại cho người đến khách sạn nơi tôi ở đưa tôi vào gặp ông. Ông nói “càng nghĩ tôi càng thấy người Mỹ sẽ hành động. Vì khi ông Nelson Rockefeller nói với tôi ‘the game is over’, khuôn mặt ông ta đanh lại.”
Ông Diệu còn hỏi tôi đã trình nội dung cuộc gặp hôm qua giữa ông và tôi với Tổng thống Thiệu chưa, và nếu rồi thì ông Thiệu quyết định ra sao. Tôi nói, tôi không biết ông tổng thống quyết định làm sao, ông chỉ nói cám ơn tôi và nhờ tôi chuyến lời cám ơn thủ tướng đã cho biết mọi việc.
Sáng 20, khi tôi rời phủ thủ tướng, chuyến bay duy nhất Singapore – Sài Gòn đã cất cánh. Tôi đành phải lấy chuyến bay đi Thái Lan, ngủ lại một đêm ở Bangkok để sáng 21 về Sài Gòn.
Ngoài tình cảm của ông Lý Quang Diệu dành cho ông Thiệu và cá nhân ông, phải chăng ông Diệu nhận lời Phó Tổng thống Mỹ Nelson Rockefeller “bắn tin” cho ông Thiệu qua trung gian của ông?
Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, hành động của Lý Quang Diệu phát xuất từ tình cảm ông dành cho tôi. Chứ nếu người Mỹ muốn chuyển thông điệp “nếu ông Thiệu không từ chức thì sẽ có những biến chuyển” thì họ có nhiều cách, nhiều người làm trung gian, hoặc nói thẳng, chứ đâu cần nhờ tới ông thủ tướng Singapore. Vì sao tôi nghĩ vậy? Vì trước đó Đại sứ Mỹ Graham Martin đã từng vào tận Dinh Độc Lập nêu vấn đề với ông Thiệu là ông Thiệu nên ra đi.
Tình báo Mỹ có biết về chuyến đi ngày 19 của ông không?
Tôi tin rằng tình báo Mỹ biết. Thứ nhất, sau khi tôi ra khỏi Nội Các họ cũng chú ý tôi làm gì vì biết tôi ra vào Phủ Tổng Thống thường xuyên. Thứ hai, thế nào họ cũng nghe lén được đàm thoại giữa tôi và Tổng thống Thiệu – ai cũng biết tình báo Hoa Kỳ chuyên về việc phá mật mã (break the code) mà các quốc gia đồng minh hay thù nghịch dùng.
Về tới Sài Gòn ngày 21, ông có gặp ông Thiệu không ạ?
Vừa về tới Tân Sơn Nhất, tôi vào ngay Phủ Tổng Thống để trực tiếp báo cáo cho ông Thiệu về chuyến đi. Lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết là chiều hôm đó ông Thiệu sẽ loan báo từ chức. Tôi thấy ông đăm chiêu suy nghĩ, cặm cụi viết gì đó xuống tờ giấy.
Xin phép ngắt lời ông, như vậy chính ông cũng không biết ông Thiệu sẽ tuyên bố từ chức ngày 21?
Không! Tôi không được biết.
Theo ông, có phải lời của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu “the game is over” là “giọt nước cuối cùng tràn ly” khiến Tổng thống Thiệu từ chức?
Có thể! Sau này tôi mới biết rằng mấy ngày trước đó, Mỹ liên tục áp lực ông Thiệu phải từ chức và buổi sáng 21, Đại sứ Martin còn vào dinh gặp ông Thiệu. Tôi nghĩ, ông Thiệu xem lời của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu “the game is over” là một “tiếng chuông cảnh báo khác”, qua tôi.
Trong bối cảnh đầu Tháng Tư 75, tôi còn nhớ báo chí xuất bản ở Sài Gòn loan tin Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đi Saudi Arabia xin việc trợ; Tổng trưởng Kế Hoạch Nguyển Tiến Hưng đi Mỹ cũng nhằm xin viện trợ; và ông đi Singapore. Ông Bắc và ông Hưng đi cầu viện có kết quả gì không và họ trở lại Sài Gòn lúc nào ạ?
Không! Hai ông ấy không quay về. Cần nhìn lại lịch sử cho thật rõ. Đầu tháng Tư 75, một phái đoàn Mỹ do ông Tướng Frederick Weyand cầm đầu, trong đó có nhiều thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ và CIA đến Sài Gòn. Mục đích chuyến đi của họ là để gặp Tổng thống Thiệu nhằm tìm hiểu thêm tình hình xem có gì mới mà họ cần phải trình cho Tổng thống Gerald Ford và để có thể xin Quốc Hội tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa.
Trong bối cảnh đó, tôi có gặp một trong hai người cao cấp nhất của Chính Phủ Ford. Người đó đến nhà tôi nhằm trấn an tôi rằng, họ sẽ tiếp tục nỗ lực xin Quốc Hội viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ông đó nói với tôi: “như anh Nhã biết, cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện đều do phía Dân Chủ nắm đa số và họ nhất quyết không muốn giúp gì thêm cho Việt Nam nữa, thành ra phía Hành Pháp của Tổng thống Ford (Cộng Hòa) đành bị bó tay, không làm gì được.”
Trước tình thế đó, Tổng thống Thiệu giao cho ông Vương Văn Bắc đi Saudi Arabia xin cầu viện, và ông Nguyễn Tiến Hưng cùng với ông Nguyễn Ngọc Bích đi Mỹ để trình bầy với các dân biểu, nghị sĩ và với báo chí là Việt Nam rất cần viện trợ.
Như ông nói, ông Bắc và ông Hưng ở lại, không về. Ông Nguyễn Ngọc Bích là tổng giám đốc Việt Tấn Xã, thế ông Bích cũng ở lại ạ?
Ông Bắc và ông Hưng không về. Còn ông Bích về. Ông Bích là một người gương mẫu. Chính tổng thống chỉ định ông Bích đi theo ông Hưng để giúp ông Hưng tiếp xúc với báo chí. Nhưng sau khi thấy “the game is over”, ông Bích trở về Sài Gòn.
Ông Bích trước kia làm việc dưới quyền tôi trong chức vụ cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại trực thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Tôi thấy việc ông Bích trở về Sài Gòn vào những ngày cuối Tháng Tư đúng là hành động của một cán bộ gương mẫu. Vì thực tế, lúc đó “ván bài” coi như đã xong rồi, nhưng ông Bích vẫn về trình thượng cấp, dù thượng cấp lúc đó đã ra đi.
Tôi còn nhớ, tôi từ Singapore về lại Sài Gòn ngày 21 thì ngày 22, tôi nhận được cú điện thoại của ông Bích, tôi ngạc nhiên hỏi, “ủa! Bích còn ở đây hả, tưởng Bích đi Mỹ rồi ở lại luôn?” Ông Bích trả lời, “không! Tôi về chứ. Tôi còn công việc và gia đình mà!” Tôi rất cảm phục ông Bích.
Ngày 23 Tháng Tư, trước giờ phút Tổng thống Thiệu bắt đầu đọc bài diễn văn từ chức, nửa tiếng trước đó, một tiếng trước đó, nửa ngày trước đó, một ngày trước đó, ông có biết không?
Ông Thiệu không hề báo với tôi là ông sẽ từ chức. Tôi nghĩ là Tổng thống có nói với Phó Tổng thống Hương, Thủ tướng Khiêm và Đại tướng Viên. Tôi và ông Đại tá Cầm, chánh văn phòng của ông Thiệu, có “đánh hơi” thấy nhưng không dám hỏi và chỉ biết khi ông loan báo từ chức. Chúng tôi chỉ cảm nhận có thể sắp xẩy ra chuyện trọng đại khi biết Phủ Tổng Thống ra lịnh cho Cục trưởng Cục Truyền thanh và Truyền hình đem chiếc xe phát hình cùng với đạo diễn, chuyên viên kỹ thuật, thâu hình, vào Phủ Tổng Thống buổi chiều ngày 23.
Nên nhớ là bài diễn văn đó ông Thiệu tự tay viết để lên nói, khác với mọi khi, vì hầu hết các bài nói chuyện của ông Thiệu thường là do tôi viết thảo trước.
Trong những lúc “dầu sôi-lửa bỏng” của Miền Nam, có ai thân cận với ông Thiệu nói với ông Thiệu rằng “người Mỹ đã bỏ chúng ta” không?
Đã nhiều lần tôi nói điều đó với ông Thiệu nhưng chung quanh ông Thiệu còn nhiều người khác nữa và tôi biết chắc chắn có ít nhất hai ông tổng trưởng tạo cho ông Thiệu cảm tưởng rằng người Mỹ đã hy sinh xương máu binh lính của họ, đổ biết bao tiền của vào thì không thể nào họ bỏ rơi đồng minh được.
Bài diễn văn do chính ông Thiệu viết, trong đó có câu “người Mỹ cho 700 triệu, chúng ta đánh theo 700 triệu; người Mỹ cho 300 triệu, chúng ta đánh theo 300 triệu”, theo tôi, ông Thiệu nói như vậy là vô tình cho Cộng Sản Hà Nội một cái cớ để hô hoán lên rằng, ông Thiệu và quân dân Miền Nam là “tay sai của Mỹ.” Ông từng là tổng trưởng của chính phủ, khi nghe ông Thiệu nói như thế, cảm tưởng của ông ra sao, thưa ông?
Tùy theo cách người ta diễn giải câu nói đó. Cộng Sản xưa nay chuyên bóp méo sự thật. Tôi là người rất quen thuộc và rất hiểu cách hành văn của ông Thiệu. Ý ông Thiệu là quân lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ có được 300 triệu viện trợ thôi, và số tiền 300 triệu đó được quy ra thành mấy ngàn khẩu súng, bao nhiêu viên đạn thì chúng ta phải dùng số lượng võ khí đó để đánh. Còn nếu được 700 triệu thì số súng đạn sẽ thêm lên.
Tôi còn nhớ thời bị tù ở trại giam T30 Chí Hòa năm 1978, một anh bạn cùng phòng tên Mai, hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến, anh ta nói với tôi rằng, ông Thiệu nói ông từ chức thì quân đội có thêm một tay súng; ông Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố ở lại chiến đấu; chính vì nghe hai ông lãnh đạo nói như thế nên anh Mai mới ở lại và tham gia tổ chức phục quốc rồi bị bắt.
Ông Thiệu tuyên bố như thế ngày 21, bốn ngày sau, ông Thiệu cùng toàn bộ gia đình rời Sài Gòn đi Đài Loan, sau đó sống tại Anh và ở Mỹ cho tới khi qua đời. Có lần nào ông Thiệu giải thích với ông là tại sao ông không ở lại để “quân đội có thêm một tay súng” mà lại bỏ nước ra đi như thế, để lại chiến hữu, để lại đồng bào bị đầy đọa trong tay đoàn quân vào chiếm Sài Gòn?
Theo tôi hiểu, khi ông Thiệu nói ông từ chức “quân đội có thêm một tay súng” là ông muốn cho dân chúng biết, quyết định đó dù do bất cứ lý do gì, do áp lực của Mỹ hay do điều gì khác, thì ông từ chức là giúp đất nước có một giải pháp nhưng không phải vì vậy mà ông không còn tiếp tục tham gia vào cuộc chiến đấu chống Cộng Sản. Nên nhớ từ ngày ông Thiệu từ chức tới ngày ông ra đi, rất nhiều biến chuyển xẩy ra: ông Hương nói “ông Thiệu ở lại, dù thêm một tay súng hay thêm một tiếng nói thì cũng phiền lắm.” Trước tình thế đó, ông Thiệu đành ra đi, để lại công việc cho người khác.
Có phải ông muốn nói, ông Trần Văn Hương lên thay ông Thiệu, và ông Dương Văn Minh lên thay ông Hương, cả hai đều muốn ông Thiệu đi khỏi nước để họ tìm giải pháp cho cục diện lúc đó?
Đúng vậy! Vì ông Hương và ông Minh ngại rằng, ông Thiệu còn ở lại thì những người ủng hộ ông Thiệu sẽ có thể làm thay đổi kế hoạch của hai ông. Và chính người Mỹ cũng sợ như thế nên muốn ông Thiệu ra đi.
Theo ông biết, ông Thiệu có viết hồi ký không, để “một lần nói thật rõ” về những quyết định quan trọng của ông Thiệu trong những tình huống sinh tử của đất nước?
Tôi có hỏi ông Thiệu trong một lần thăm ông ở Boston rằng, ông có ý định viết sách không, ông hỏi lại tôi, thế bao giờ tôi rảnh vì tôi là người sát cánh với ông và có mặt trong suốt thời gian thương thuyết với Mỹ về Bản Hiệp Định Paris. Tôi biết ý ông Thiệu muốn nhờ tôi giúp ông viết, tôi trả lời, hiện nay “em đang tập trung vào việc lo cho vợ con, em đang thành công trong công việc nên không thể làm gì được.”
Đối với tôi việc gì xong rồi là xong rồi. Tôi cũng không tham gia các lần ông Thiệu xuất hiện và nói chuyện ở một vài nơi. Tôi có nói với ông Thiệu, dù không tham gia nhưng tôi sẵn sàng nói với các cộng sự viên cũ của tôi ở các nơi tiếp tay để tổ chức các buổi nói chuyện đó của ông.
Và đó là lần cuối cùng tôi gặp ông Thiệu. Sáu tháng sau thì ông mất.
Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội đầu hàng vào trưa ngày 30 Tháng Tư 1975, tính đến nay (2024) đã là 49 năm, vậy mà vẫn còn người bênh, người chống quyết định của ông Minh. Những người bênh thì tỏ lòng biết ơn ông Mình vì ông Minh đã cứu Sài Gòn, bởi vì nếu ông không tuyên bố đầu hàng, thì các sư đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt lúc đó đang tiến vào sẽ biến Sài Gòn thành “núi xương-sông máu”. Những người bênh còn ca ngợi ông Minh đã can đảm hy sinh thanh danh cá nhân để cứu dân. Những người chỉ trích thì mạt sát ông Minh là kẻ tội đồ, hèn, là hàng tướng, thậm chí có người đăng trên Facebook của họ là “muốn tìm mộ ông Minh để đái trên đó.” Cá nhân ông Nhã, ông nghĩ gì về quyết định của ông Minh?
Theo tôi, lúc đó ông Minh có thể bị ru ngủ rằng, ông lên làm tổng thống thì Cộng Sản Bắc Việt sẽ đồng ý hòa giải, hòa hợp dân tộc và sẽ uyển chuyển thi hành bản Hiệp Định Paris 1973, nghĩa là không chiếm hoàn toàn Miền Nam mà có thể dừng quân lại ở vĩ tuyến 13 chẳng hạn… Với tôi, ông Minh là một quân nhân, một cựu đại tướng, ông chỉ có hai chọn lựa: một là làm “anh hùng rơm” tiếp tục đánh, mà như Thái nói, quân Cộng Sản Bắc Việt đang tiến vào Sài Gòn thì chỉ thêm người chết thôi; chọn lựa thứ hai là đầu hàng, mà đầu hàng là gánh lấy nhục nhã.
Trước hai lựa chọn đánh hay đầu hàng, tôi thấy ít nhất ông Minh đã nghĩ tới sinh mạng của binh sĩ và người dân và tránh cho Sài Gòn bị tàn phá. Nếu không, mai sau lịch sử sẽ phán xét ông Minh là người đã khiến cho thêm nhiều chục ngàn quân dân Miền Nam bị tàn sát vào Tháng Tư 75.
Đinh Quang Anh Thái




Ảnh tác giả cung cấp.