Song Thao: Đọc “Tưởng Niệm Khánh Trường”

Tuần này tôi đi tiễn một anh bạn đồng tuế vừa nằm xuống. Gọi là đồng tuế nhưng anh nhỉnh hơn tôi một tuổi. Thấy anh nằm thảnh thơi, bạn bè mừng cho anh. Mừng vì anh chỉ bị cảm có một tuần rồi nhẹ nhàng ra đi. Đi như vậy là phúc. Mấy ông bạn già ai cũng khen vậy. Cái chết hình như thân cận với những người đã quá luống tuổi. Họ đã nhờn với anh thần chết. Nhớ: Nguyễn Xuân Hoàng những ngày cuối của căn bệnh ung thư cột sống đã nhắn tin cho tôi: “Tao không sợ chết, chỉ sợ đau”.
Căn phòng đông đảo người đưa tiễn. Bạn học, bạn chơi, bạn tù, bạn văn gọi nhau ơi ới. Ông thì tì người vào cây gậy, ông chập chững trong chiếc walker, ông lết lết trên thảm ngả nghiêng như người đang trượt patin. Chuyện trò rôm rả quên hẳn ông bạn đang nằm trong sáu tấm ván thiên. Lâu rồi không gặp nhau, chỉ rình khi có một ông “hy sinh” mới cất công ra khỏi nhà. Chúng tôi tới tuổi chỉ còn gặp nhau tại nhà quàn. Để tiễn người vượt cõi.
Từ nhà quàn về, tôi nhận được cuốn Ngôn Ngữ Đặc Biệt “Tưởng Niệm Họa Sĩ, Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Báo Khánh Trường”. Cầm trên tay cuốn báo dày gần 300 trang thấy hụt hẫng. Vậy là bạn ta đã ra đi được ba tháng.

Nhớ những e-mail tán hươu tán vượn của gần 100 ngày trước. Thường mỗi sáng, mở iPad là thấy tin nhắn của chàng. Vui ít, chán nhiều. Bạn ta đã thách thức thần chết từ nhiều năm nhưng vẫn phải sống nhăn răng để càm ràm. Nay mới tới giờ anh cầm lưỡi hái làm việc. Anh chàng phải mất ba tuần vất vả mới hái được con người coi trời bằng vung, bệnh rề rề cũng coi như pha. Nhưng những người thân đã không có được cái dũng của anh bạn. Trong bài “Cha Tôi”, cô con gái út Annie Nguyễn Trường An đã viết: “Những năm tháng cuối tuổi thơ của tôi là một khoảng thời gian mơ hồ. Một sự pha trộn giữa tuổi dậy thì, sự tách biệt của tuổi mới lớn và Mẹ cố gắng hết sức để che chắn, bảo vệ tôi khỏi những điều tồi tệ nhất mà hóa trị gây ra cho Ba. Ban đêm, tôi có thể nghe thấy tiếng Ba nôn mửa và tiếng Mẹ lục đục đóng cửa phòng ngủ để tôi không nghe thấy. Ban ngày, tôi không muốn ở nhà. Tôi thường xuyên đi xa, trốn tránh nỗi buồn của mình và sự đau đớn ẩn sau cánh cửa phòng ngủ đóng kín của Ba Mẹ. Xe cứu thương và xe cứu hỏa ghé đến là chuyện thường xảy ra ở nhà chúng tôi. Những ký ức còn lại của tôi từ thời điểm đó dường như đã bị chặn lại. Tôi không biết nên cảm thấy xấu hổ hay biết ơn. Dần dần, từng ngày, tôi cảm thấy Ba đang dần rời xa tôi, và tôi cũng dần rời xa Ông. Ba càng trở nên khép kín, tôi càng dần dần trở nên chấp nhận sự suy yếu của Ông. Ba càng tránh xa, Ba càng chuẩn bị tốt hơn cho tôi để tạm biệt”.

Người vòng trong, ngày ngày thấy thân xác người thân nhão nhoẹt nên bi lụy. Người vòng ngoài, bạn bè ít tiếp cận với xâu xé của bệnh tật, tếu táo hơn. Nhà thơ Ngu Yên bá vai bá cổ người ra đi với bài thơ tự do “Ê, Khánh Trường, Thượng Lộ Bình An”.
Chúng mình già rồi, nhìn rượu đủ choáng váng.
Còn đàn bà xin dâng thư viện quốc gia.
Nghe tao kể hết những lần say cõng nhau nhẹ hơn nghệ thuật.
Đứa trên ghế bố, đứa dưới sàn nhà, hai tay buông thõng, ước vọng rơi.
Không có nghệ sĩ chân chính nào không có ước ao bất tử. Tiếc thay, tao cũng như mày.
Lâu quá không uống, nâng lên, ngửi một ly đỡ khát.
Ê, Khánh Trường, mày đi đâu vậy?
Kể chuyện cũ sao mày không nghe?
Mới đây, biến đâu mất?
Sao bỏ lại đôi giầy?
Đôi giầy bỏ lại, đôi chân trần đã cất bước đi thật xa. Người đi xa nhưng bóng còn vướng lại. Nơi bạn bè. Cỡ tuổi Khánh Trường và bè bạn đồng trang lứa, chuyện đi xa chẳng lấy được một cái nhướng mắt ngạc nhiên. Đó là chuyện tất nhiên, như thở.
nghe bạn dai sức thần tiên
rút ống thở vẫn hồn nhiên mấy ngày
nỗi mừng ta bị thổi bay
chợt buồn như chính ta đây qua đời
(Luân Hoán)
Khánh Trường tỉnh bơ khi bệnh, dùng dằng khi mê man. Anh là một địa chỉ oanh kích tự do của bệnh tật. Thường thì con người buông tay trước sức công phá của những thứ nhỏ nhít như vi trùng vi khuẩn nhưng Khánh Trường vẫn bướng bỉnh “nhảy dù cố gắng”. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái kể: “Mười ba năm ngồi xe lăn, mỗi tuần ba lần đi lọc thận, cổ họng bị ung thư đục ruỗng, vậy mà cho tới tuần lễ cuối cùng phải vào bệnh viện và chìm trong hôn mê trước khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi lần cùng vài bằng hữu thật thân đến thăm anh, anh luôn chỉ cho xem những bức tranh anh vừa vẽ xong. Anh còn hẹn sang năm 2025 sẽ triển lãm tranh và ra mắt thơ văn của anh. Bây giờ thì hết rồi”.

Anh mới ra đi nhưng hình như anh sống giữa đời như người đã ra đi từ lâu lắm. Anh chết từng ngày, biết mình chết nhưng vẫn ngang nhiên và sôi nổi sống. Có những lúc anh đã chán nản, than thở với tôi từ xa qua những con chữ nhắn vội, nhưng hình như qua cơn, anh lại lao vào viết vẽ. Lúc buông tay anh vẫn còn những trang chữ viết dở, những bức tranh chưa hoàn tất. Sự ra đi sau ba tuần hôn mê tựa như vội vã nhưng là cái kết ai cũng biết từ trước. Nhà văn Đỗ Khiêm kể: “Khánh Trường bắt đầu bạo bệnh từ 20 năm nay rồi chứ không phải mới. Có lúc nghĩ là anh sắp đi và bàn giao Hợp Lưu sang cho Phùng Nguyễn. Anh Phùng thì ở xa, đâu đó tuốt phía sa mạc và hôm đó tôi hẹn anh đến bệnh viện thăm Khánh Trường. Phùng Nguyễn còn mang theo trong xe ba cái máy vi tính tôi nhớ là IBM Thinkpad. Khi tôi hỏi thì anh nói là máy mới dọn dẹp sạch sẽ, mang đi bán để giúp Khánh Trường lúc bệnh hoạn. Khánh Trường ở trong phòng nằm buồn xo, dưới gối có cuốn Hợp Lưu chót lấy ra cầm lật lật. Nằm viện thì ai vui, tôi biết nói gì, tôi nói “Nhảy Dù, cố gắng!” và Khánh Trường cười buồn. Cái khoan thai trong dáng của Khánh Trường cũng là ở trước cái chết. Anh ra đi từ từ trong 20 năm qua và Phùng Nguyễn lại còn đi trước anh. Giờ này anh vẫn còn đu đưa và vật lộn. Tôi nghĩ anh ở lại vì đời này còn súc vật làm anh giận chứ qua sông Mê thì chỉ còn con người và chuyện đó dễ rồi. Tôi lại nói “Nhảy Dù cố gắng!”’.
Khánh Trường như chẳng sống trong cõi u trọc này từ lâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn văn Sâm, từ khi dọn nhà về Cali đã thường hay ghé thăm Khánh Trường. Tới thăm anh thường có chút quà mọn. “Tôi để gói quà nhỏ đâu đó trên bàn bếp, Khánh Trường không nhìn tới cũng như không cám ơn, anh coi đây là chuyện bình thường và đẩy xe lăn ra phòng khách cho dễ nói chuyện… Khánh Trường vẽ cho tôi hai ba bìa sách… Những lần nhờ đó, người nhờ chỉ cám ơn suông! Có lần thấy Khánh Trường ở nhà một mình, cô đơn tuyệt cùng, tôi đưa Khánh Trường tờ trăm đô, anh không cầm mà chỉ nói: “Thôi ông giữ đi!”, trong cái khoát tay, “Giờ tôi không biết làm gì với tờ giấy đó, cũng không biết để đâu và quên giá trị của nó rồi”.
Chuyện đi hay ở, bám hay buông, cũng chẳng làm anh bận tâm. Bạn bè cũng đều rõ như vậy. Nhà thơ Phan Tấn Hải nhắn với theo người đi. “Bạn hãy giữ lòng cho thật vui để ra đi. Trang sách cuối của Hợp Lưu bây giờ đã khép lại. Tay của bạn đã thả rơi ngòi bút và cọ màu. Bạn đã nằm xuống sau một đời lặn lội. Hãy gối đầu lên những kệ sách ký ức. Đã tới lúc bạn hãy buông xả hết, để tự thấy đời mình trôi theo dòng sông chữ nghĩa, nơi đã chép xuống những gì đẹp nhất của thế hệ chúng ta”.
Nhà thơ Thận Nhiên “gởi theo Khánh Trường”:
giờ thì hết nhậu
hết chửi thề
hết bạt mạng
hết bù khú
hết yêu đương
hết vẽ
hết thơ hết văn chương
hết hết
Sinh thời Khánh Trường là người quảng giao. Bạn bè anh chẳng chỉ những người cùng thế hệ mà cả những người ra đời sau anh một hai thập niên. Tuổi tác nhiều ít, anh cân tuốt. Và dù già trẻ cách biệt, anh chẳng care. Nhà thơ, nhà vẽ tương đối trẻ Đinh Trường Chinh gửi theo Khánh Trường mấy câu:
chết đi. Sống lại
sống lại rồi chết đi
sống tận với hệ lụy
để bài tiết
thành chữ / sắc / màu.
người họa sĩ tự phục sinh
đến chung cuộc
rũ sạch
chỉ treo lại một hơi thở ngoài kia.
Cô cháu thân thiết Nina Hòa Bình, người mang niềm vui tới cho Khánh Trường bằng cách đứng ra tổ chức buổi ra mắt tập “Thơ Khánh Trường” rất thành công tại nhà sách Tự Lực vào ngày 30/6/2024, chỉ 6 tháng trước khi anh mất. Đây đúng là một dịp để Khánh Trường cảm nhận được cái tình mà nhiều người dành cho anh. “’Cái tình’, có lẽ đây là thứ duy nhất còn đọng lại sau bao nhiêu tai biến, được thua, mất mát. Cái tình của thế gian, của gia đình, của bạn bè văn hữu, cái tình của người đọc, người thưởng ngoạn, cái tình thủy chung son sắt của người bạn đời luôn luôn bên cạnh, là lượng máu bơm đầy trái tim, giữ cho chiếc rương châu báu trong tâm hồn người thơ vẫn tràn đầy, cho vạt nắng vẫn trong, để Khánh Trường – nhà thơ của chúng ta cuối cùng vẫn y bản Khánh Trường, bằng cách nào đó, vẫn ngông”.

Orchid Lâm Quỳnh, con gái nhà thơ Du Tử Lê, có sự thân thiết với các chú các bác, bạn của bố. Tuổi chưa bao nhiêu đã ra vào nhà thương thăm Mai Thảo, Bùi Bảo Trúc, ông Cảnh phở Nguyễn Huệ khi bệnh tật thăm hỏi. Nay tới chú Khánh Trường. “Trong miền thơ ấu của tôi, chú Khánh Trường ngang tàng, hào sảng. Vậy mà có một ngày, bệnh ập đến với chú. Những người thân xung quanh tôi, có lẽ chú là người đón nhận bệnh tật đầu tiên. Và dù có bao lần dỗ bệnh, nó cứ ập tới với chú một cách thô bạo, nó giày vò thể xác chú. Tuy vậy, bạo bệnh không làm giảm đi sự nồng nhiệt với đời, nồng nàn với văn chương, hội họa. Chú vẫn sừng sững như cây tùng, cây bách, chú ngạo nghễ với đời. Nhưng căn bệnh không cướp đi của chú sự ngang tàng. Chúng lại càng không cướp đi được tiếng cười giòn tan…Suốt một tuần lễ, dù có bận rộn với những ngày cuối năm, lòng tôi, trí tôi vẫn quay về nơi chốn quen thuộc – nhà thương. Tôi không còn sợ nhà thương., tôi gọi đó là nhà thương. Những năm sau này tôi gọi đó là nhà thương, chứ không gọi là bệnh viện, vì nơi đây, đã đem đến cho tôi những vết thương, rất cần thiết trong đời sống. Tôi vào nhà thương để tìm lại tiếng cười của chú. Tiếng cười với những người của muôn năm cũ. Nhưng cả tuần qua, nơi đây chỉ có sự tĩnh lặng, tàn nhẫn”.

Người thơ trẻ chưa bao giờ gặp mặt Khánh Trường nhưng lại thân thiết với Khánh Trường hơn ai hết. Đó là nhà thơ Phạm Hiền Mây, hiện vẫn sống ở Sài Gòn. Khánh Trường đã in cho cô nàng sáu tập thơ và tên các tiểu thuyết của Khánh Trường được lấy ra từ thơ của Mây. Khi nghe tin Khánh Trường đã ra đi, Mây viết: “Dù biết sự ra đi của anh ấy, trước sau, sớm muộn gì cũng sẽ đến, và đó là lẽ đương nhiên, nhưng với những người mình thương quý, sao vẫn nghe nhói nơi tim. Đau lòng quá. Anh ước sẽ về nước trời, nơi cực lạc, nơi không còn nỗi thống khổ, hay anh mong sẽ tái sinh vào kiếp sau, tiếp tục làm thân người, hả anh Khánh Trường? Nếu làm thân người, mong anh thôi không còn sinh ra ở một đất nước: triền miên chia ly, nước mắt; triền miên chiến tranh, bom đạn, hận thù; triền miên đói khổ, buồn lo. Nếu làm thân người, chúc anh lại một lần nữa cầm cọ, cầm viết, nhưng thôi, không bệnh tật, nhưng thôi, không viễn xứ. Kiếp sau, đời thiệt vui, anh nhé. Anh đi thong thả. Thong thả như vừa hoàn tất một cuộc rong chơi, cuộc rong chơi kéo dài bảy mươi bảy năm. Chiều tàn rồi, hoàng hôn tắt rồi, chân mỏi rồi, về nhà, nghỉ ngơi thôi. Mười năm làm bạn văn với anh, Mây chẳng gì hối tiếc. Thương quý và nhớ về anh mãi mãi, anh Khánh Trường ơi!”.
Vậy là Khánh Trường đã dấn bước. Anh làm chuyện mà anh trù trừ mãi, từ khi bệnh tật bắt đầu thăm hỏi anh. Anh sống dềnh dàng. Kích thước của anh không hợp với cuộc sống quanh anh. Bởi vậy anh phá phách. Trong báo chí, hội họa, văn chương, chữ nghĩa. Từ bao nhiêu năm nay. Hình như anh thấy đã đủ nên bỏ đi. Đi cho người ta còn tiếc nuối anh. Từ nay, sáng sáng, mở tin nhắn trên điện thoại, tôi sẽ không còn thấy những dòng chữ bắt đầu bằng “bạn dzàng”, khi chán chường, khi sôi nổi, khi tếu táo, khi chửi thề, khi văng tục, khi trải lòng cho một cuộc sống từng ngang dọc nay bó rọ trong chiếc xe lăn. Và tôi hụt hẫng. Tôi thẫn thờ đóng lại cuốn “Tưởng Niệm Khánh Trường”. Như đóng lại một thời gian dài tôi từng có một “bạn dzàng”.
Song Thao
Website: www.songthao.com