Trần Trung Đạo: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các áp lực trước Hiệp định Paris

(Bài thứ 2 trong loạt bài về “50 năm nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai”. Bài thứ nhất “Thân Phận Nhược Tiểu”* đăng trên Facebook và Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 16 tháng 2, 2025)

Những sự kiện được trình bày trong bài này:

– Tổng thống Nixon “Cắt Đầu ông ta [Thiệu] nếu cần”.

– Lập trường cứng rắn của Tổng thống Thiệu cho tới những ngày gần ký kết Hiệp Định Paris.

– Chiến dịch dội bom Linebacker II

– Lý do Tổng thống Thiệu phải ký hiệp định Paris

– Chuyện bên lề: Tổng thống Thiệu “thay chiếc ghế” ở Midway 1969.

Ngoài hàng trăm tác phẩm, hiện có bốn nơi lưu trữ các tài liệu quan trọng về chiến tranh Việt Nam gồm thư viện các tổng thống Lyndon Johnson, Gerald Ford và Richard Nixon và The Foreign Relations of the United States (FRUS).

FRUS là nguồn quan trọng nhất vì tổng hợp hết các tài liệu đã được chính các tổng thống Mỹ cho phép phổ biến công khai qua nhiều thời kỳ. Bất cứ bài viết nào về chiến tranh Việt Nam hay Biến Cố 1963, dù binh vực hay chống đối mà thiếu tham khảo FRUS bài viết đó không đủ tin cậy.

Trong kho tài liệu đó có ghi lại một đoạn nói chuyện của Tổng thống Nixon và Kissinger lúc 9:32 sáng ngày 20 tháng 1, 1973. Nhắc lại, mọi trao đổi qua đường dây riêng của chính phủ Mỹ đều được thu lại. Họ nói chuyện gì? Dĩ nhiên là chuyện chiến tranh Việt Nam, một vấn đề nhức nhối của Mỹ trong thời gian đó. Họ nói về ai? Về Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Người viết sẽ trở lại nội dung của đoạn nói chuyện trong phần cuối, trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến.

Bộ máy tuyên truyền Cộng sản thường dùng chữ “bù nhìn” hay “tay sai” để chỉ chính phủ của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng bốn kho tài liệu chính thức người viết nêu đều cho thấy Tổng thống Nixon rất vất vả để đạt sự đồng thuận của Tổng thống  Thiệu.

Về phía Tổng thống Thiệu, ông biết tổng thống Mỹ đang tìm một giải pháp để rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Khó tiên đoán một cách chính xác những gì sẽ xảy ra sau khi hiệp định được ký kết nên trong khi chưa ký Tổng thống Thiệu cố gắng mặc cả để có lợi cho VNCH.

Khác với chính phủ VNCH, cái gọi là “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) chỉ là cục đất sét do hai phù thủy Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nặn ra và hà hơi vào.

Không có một tài liệu nào cho thấy bà Nguyễn Thị Bình từng phát biểu một câu khác với những câu mà Lê Đức Thọ hay Xuân Thủy đã phát biểu. Không có tài liệu nào cho thấy quan điểm của CPCMLTCHMNVN khác với với quan điểm của đảng Cộng sản . Thế nhưng nhiều người nghĩ một cách ngây thơ biết đâu họ có điểm khác nhau.

Cục đất sét CPCMLTCHMNVN chỉ được nặn ra ngày 6 tháng 6 năm 1969 để làm đối trọng với chính phủ VNCH đã ra đời ngày 26 tháng 10 năm 1955. Nếu không vì nhu cầu đàm phán, cục đất sét CPCMLTCHMNVN chắc chắn đã không được đảng nặn ra.

Bài viết không bàn về các lãnh vực kinh tế và tình trạng xã hội miền Nam trong thời chiến, riêng về đối ngoại với Mỹ và Cộng sản, Tổng thống Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dù cô đơn và cô thế vẫn khôn ngoan và khí phách. Tổng thống Thiệu không phải “bù nhìn” hay “tay sai” mà là một nguyên thủ quốc gia có lập trường cứng rắn.

FRUS (The Foreign Relations of the United States ) tóm tắt quan điểm chính của Tổng thống Thiệu như sau: “Kể từ cuộc gặp cuối cùng của Kissinger với Bắc Việt tại Paris vào ngày 17 tháng 10 [1972], Tổng thống Nam Việt Nam [Nguyễn Văn] Thiệu đã ngăn chặn việc dàn xếp, bác bỏ thỏa thuận do Kissinger và Lê Đức Thọ đàm phán bất chấp nỗ lực thuyết phục của Kissinger trong chuyến thăm của ông (Kissinger) từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 10 [1972]. [Tổng thống] Thiệu đã có nhiều lời chỉ trích về thỏa thuận nhưng trọng tâm phản đối của ông là thỏa thuận không yêu cầu lực lượng Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam, ước tính khoảng 140.000–300.000, phải rút khỏi miền Nam.” (Nguồn: Breakdown of Negotiations, November 1972–December 1972, Paris, November 20, 1972, 10:45 a.m.–4:55 p.m., Foreign Relations, 1969–1976, Volume XLII, Vietnam: The Kissinger-Le Duc Tho Negotiations, State Department)

Tổng thống Thiệu đòi hỏi đúng. Ba trăm ngàn quân “miền Nam” nói giọng Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng v.v… phải rút ra khỏi miền Nam.

Chủ Trương “Vừa Đánh Vừa Đàm” Của Lê Duẩn Và Linebacker II Của Tổng thống  Nixon

Chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của Cộng sản Bắc Việt được Lê Duẩn giải thích tại Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 12, 1965: “Như tôi đã nói trước đây, về chiến lược chính trị, chúng ta đã xác định rằng cách mạng miền Nam Việt Nam phải trải qua thời kỳ chuyển tiếp trước khi tiến tới thống nhất đất nước và đưa toàn dân lên chủ nghĩa xã hội. Về mặt quân sự, chúng ta không chủ trương đánh cho đến khi tiêu diệt hết địch, đến người lính Mỹ cuối cùng ở miền Nam Việt Nam, và đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Ngược lại, chúng ta chủ trương đánh cho đến khi quân ngụy về cơ bản tan rã, tiêu diệt được một bộ phận quan trọng của quân Mỹ thì ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ sẽ bị đập tan và chúng buộc phải thừa nhận điều kiện của chúng ta.” (Nguồn: Merle Pribbenow, North Vietnam’s “Talk-Fight” Strategy and the 1968 Peace Negotiations with the United States, Wilson Center, April 16, 2012)

Bộ máy tuyên truyền của đảng ca ngợi Lê Đức Thọ chẳng khác gì một thiên tài đàm phán, nào là “cuộc đàm phán để đời”, “cuộc đấu trí”, “dấu ấn tài năng ngoại giao “ v.v. và v.v… Thật ra, ngay từ khi bắt đầu đàm phán Mỹ đã ở trong thế bị động. Giống như Hitler khai thác yếu điểm của Neville Chamberlain tại Hội Nghị Munich, Cộng sản Bắc Việt biết trước một cách chính xác yếu điểm của Tổng thống Lyndon Johnson và sau đó là Tổng thống Richard Nixon. Việc rút quân ra khỏi Việt Nam là mục đích chiến lược của cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa chứ không phải riêng của đảng nào.

Từ 1968, khi còn giữ ý định tranh cử, Tổng thống Lyndon Johnson, Dân Chủ, đã nghĩ việc rút quân ra khỏi Việt Nam là một chiến lược của các ứng cử viên nhằm thu hút cử trì khi phong trào phản chiến đang lên cao. Điểm khác giữa Lyndon Johnson, sau này là Hubert Humphrey và Richard Nixon, Cộng Hòa, là cách rút chứ không phải cách để chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cộng Sản Bắc Việt biết điều đó và khai thác tối đa ý định của Mỹ bằng cách trì hoãn cuộc đàm phán để có lợi theo chủ trương của Lê Duẩn. Chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã dẫn tới cái chết oan ức của hàng ngàn đồng bào miền Bắc trong chiến dịch Linebacker II.

Tổng thống Nixon, để buộc Cộng sản Bắc Việt trở lại bàn đàm phán, đã ra lịnh trên 200 Pháo đài bay B52 ném gần 20 ngàn tấm bom lên Hà Nội, Hải Phòng … trong chiến dịch Linebacker II.

Chiến dịch này “được bắt đầu vào ngày 18 tháng 12 năm 1972 và được Bộ Tham mưu Liên quân (JCS) chỉ đạo tiếp tục cho đến khi có thông báo mới. Mục tiêu chính của chiến dịch ném bom là buộc Bắc Việt phải tham gia vào các cuộc đàm phán có mục đích liên quan đến một thỏa thuận ngừng bắn. Chiến dịch sử dụng sức mạnh không quân với khả năng tối đa nhằm tiêu diệt tất cả các tổ hợp mục tiêu lớn như đài phát thanh, đường sắt, nhà máy điện và sân bay ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Không giống như các chiến dịch ném bom trước đây, Linebacker II đã cung cấp cho Lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ những mục tiêu cụ thể và loại bỏ nhiều hạn chế mà trước đây từng gây ra sự thất vọng trong Ngũ Giác Đài.” (Nguồn: 1972 – Operation Linebacker II, Air Forces Historical Support Division)

Các chỉ huy cao cấp của không lực Mỹ đồng ý với chủ trương của Tổng thống Nixon rằng Mỹ phải tận dụng sức mạnh trên không bằng một cuộc tấn công ồ ạt, không giới hạn thời gian bằng B-52 mới có thể buộc Cộng sản Bắc Việt ngồi xuống tiếp tục đàm phán như đã chứng minh trong Thế Chiến Thứ Hai khi đồng minh đổ bộ lên Tunisia và Pháp. Tiến sĩ Phan Quang Trọng trong một tiểu luận phân tích về chiến dịch Linebacker II đã tóm tắt: “Hầu hết các bài viết về Thế chiến II đều hoàn toàn đồng ý rằng việc sử dụng sức mạnh không quân chiến lược của Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược của đồng minh trong cuộc chiến.” (Nguồn: Trong Q. Phan, PhD, An Analysis of Linebacker II Air Campaign: The Exceptional Application of US Air Coercion Strategy, San Antonio, Texas, 01 March 02)

Sau 11 ngày đêm hứng chịu đạn bom, Cộng sản Bắc Việt phải chấp nhận trở lai bàn đàm phán. Đàm phán được tái diễn ngày 8 tháng Giêng, 1973. Theo nhà bình luận Jay Cocks viết trên tạp chí Time ngay trong ngày đó: “Bắc Việt đã đánh giá thấp những gì Richard Nixon sẽ làm. Tổng thống đã cảnh báo họ và khi biết rõ là họ đang lừa gạt chúng ta, tổng thống đã ra lệnh ném bom. Bây giờ Bắc Việt đã có thời gian để quan sát xung quanh và xem tổng thống Nixon có thể làm gì. Tổng thống hoàn toàn nhận thức được áp lực ngày càng tăng, nhưng ông ta vẫn đứng vững.” (Nguồn: Jay Cocks, THE WAR: Nixon’s Blitz Leads Back to the Table, Time, January 8, 1973 12:00 AM EST)

Cộng sản Bắc Việt không có thêm một điểm lợi nào. Tất cả chỉ tuyên truyền. Chẳng có “Điện Biên Phủ trên không” nào cả, chỉ có máu đồng bào miền Bắc đã đổ xuống. Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của 1,624 thường dân gồm 1,328 tại Hà Nội và 306 tại Hải Phòng? Không ai khác hơn là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

“Tối Hậu Thư” Của Tổng thống Nixon Gởi Tổng thống Thiệu

Sau đó, hai bên đều thỏa thuận với văn bản do Kissinger và Lê Đức Thọ soạn. Chỉ có Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu là người vẫn chưa đồng ý. Tổng thống Nixon gởi Tổng thống Thiệu nhiều thư. Trong lá thư cuối cùng gởi Tổng thống Thiệu đầu năm 1973, Tổng thống Nixon dứt khoát: “Tôi tin rằng việc tổng thống từ chối tham gia cùng chúng tôi sẽ là lối dẫn đến thảm họa – đánh mất tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau chiến đấu trong hơn thập niên qua. Trên hết, điều đó là không thể tha thứ được vì chúng ta sẽ mất đi một giải pháp thay thế công bằng và danh dự.” (Nguồn: Letter from President Nixon to President Thieu Washington, January 5, 1973, Office of Historian, State Department)

Lá thư đó gần như là một “tối hậu thư” vì nếu không ký quốc hội sẽ cắt viện trợ mà không đem lại được điều gì tốt hơn cho VNCH.

Tổng thống Nixon viết: “Tôi chỉ có thể nhắc lại điều tôi đã thường nói: sự bảo đảm tốt nhất cho sự tồn tại của miền Nam Việt Nam là sự thống nhất lập trường giữa hai nước chúng ta, điều này sẽ bị nguy hiểm nghiêm trọng nếu tổng thống cứ tiếp tục theo đường lối hiện tại của mình. Những hành động của Quốc hội Mỹ kể từ khi trở lại rõ ràng đã chứng minh được nhiều cảnh báo mà chúng tôi đã đưa ra. (Nguồn: Letter from President Nixon to President Thieu Washington, January 5, 1973, Office of Historian, State Department)

Trước đó, vào ngày 14 tháng 11 năm 1972, Tổng thống Nixon đã viết cho Tổng thống  Thiệu rằng “Tôi nhắc lại sự đảm bảo cá nhân của tôi với ngài rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng rất mạnh mẽ và nhanh chóng trước bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận nào”. Cả hai bên đều hiểu điều này có nghĩa là “tái cam kết sử dụng B-52 tham chiến.” Nhưng lời hứa đó không bao giờ được thực hiện vì nhiều lý do trong đó có vụ Watergate. (Nguồn: Ending the Vietnam War, 1969–1973, Office of Historian, State Department)

Suy nghĩ về nội dung lá thư đầy áp lực và đe dọa đó, Tổng thống Thiệu không còn chọn lựa nào khác hơn là đồng ý ký. Tổng thống Thiệu ký để VNCH hy vọng còn tiếp tục nhận viện trợ quân sự chống lại Cộng sản.

“Cắt Đầu Ông Ta [Tổng thống Thiệu] Nếu Cần” “Cut Off His [Thieu’s] Head If Necessary”

Mục đích của Tổng thống Nixon là tái đắc cử tổng thống và rút Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam “trong danh dự”. Chướng ngại duy nhất trên lộ trình này là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng thống Nixon rất giận. Tổng thống Nixon giận đến nỗi trong một tài liệu còn lưu trữ tại Miller Center thuộc Đại Học Virginia ghi lại buổi trao đổi giữa Tổng thống Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger như sau: “Thư viện Nixon ngày 23 tháng 6 năm 2009 phát hành 150 giờ băng ghi âm của Nixon từ tháng 1 năm 1973 đã làm sáng tỏ một chương ít được biết đến trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Tháng đó, Nixon cố gắng hết sức để có được sự đồng ý của Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu đối với một giải pháp mà Cố vấn An ninh Quốc gia Henry A. Kissinger đã đàm phán với Bắc Việt. [Tổng thống] Thiệu nghĩ rằng các điều khoản giải quyết của Nixon sẽ dẫn đến một chiến thắng quân sự của Cộng sản, một đánh giá mà Nixon và Kissinger đã chia sẻ riêng.

Bắc Việt chấp nhận các điều khoản của Nixon vào tháng 10 năm 1972, nhưng miền Nam Việt Nam phản đối cho đến tháng 1 năm 1973. Khi đó điều gì đã tạo nên sự khác biệt? Lời đe dọa cắt viện trợ cho miền Nam Việt Nam do những người ủng hộ Quốc hội bảo thủ của Nixon dẫn đầu.

Trong khi “telcons” [bản ghi các cuộc điện thoại giữa Kissinger và Tổng thống  Nixon] trước đây cho thấy cách Nixon dàn dựng mối đe dọa thông qua hai trong số những người ủng hộ chiến tranh nổi bật ở Thượng viện của ông, Barry M. Goldwater, R-Arizona, và John C. Stennis, D-Mississippi.

Các công ty viễn thông đã bỏ qua một số tuyên bố tiết lộ, chẳng hạn như câu này Nixon đã nói với Kissinger vào ngày nhậm chức năm 1973: “Tôi không biết liệu mối đe dọa cắt viện trợ có đi quá xa hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì tệ hại nhất, nghĩa là, hoặc cắt đầu ông ta [Tổng thống Thiệu] nếu cần.” (I don’t know whether the threat goes too far or not, but I’d do any damn thing, that is, or to cut off his [Thieu’s] head if necessary.)

Ngày: 20 tháng 1 năm 1973

Thời gian: 09:32

Người tham gia: Richard Nixon, Henry Kissinger

Số đàm thoại: 036-021”

(Trung Tâm Quân Sự Viện Đại Học Virginia, mục 50 năm 1975-2025 UVA Miller Center ghi lại từ Nixon Library)”

“Cắt đầu” không có nghĩa đem ra pháp trường cắt đầu hay ám sát nhưng là một thành ngữ để chỉ một hành động bãi nhiệm, thay thế một chủ tịch chấp hành (CEO) của một công ty hay lãnh đạo quốc gia. Dù sao cách dùng tiếng lóng “damn thing” và thành ngữ “cut off his head” của Tổng thống Nixon là một xúc phạm nặng để nhắm vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, lãnh đạo quốc gia của một nước, nhất là nước đồng minh.

Thành thật mà nói Tổng thống Thiệu luôn mang trong người ít nhiều mặc cảm, tự ti của nước nhỏ nên mọi hành động của Mỹ dù cố tình hay vô tình ông đều không bỏ qua.

Chuyện Bên Lề: Chiếc Ghế Ở Midway

Tuyên bố chung của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Hoa Kỳ Richard M. Nixon tại Đảo Midway, 1969.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng kể lại chuyện Tổng thống Thiệu thay chiếc ghế trong lần gặp gỡ giữa ông và Tổng thống Nixon tại Midway 1969 như sau: “Có lần ông Thiệu kể lại một chuyện buồn cười. Sau khi làm đủ trò để giúp Nixon thắng cử tháng 11 năm 1968, Kissinger đi họp với tân Tổng Thống lần đầu tiên ở Đảo Midway vào tháng Sáu 1969. Lúc đầu, ông Thiệu được thông báo rằng vì là chủ nhà nên Nixon sẽ tới trước để tiễn ông tại phi trường. Nhưng khi ông tới nơi, máy bay Nixon còn cách xa Midway tới 15 phút. Lúc ông bước vào phòng họp thì thấy bốn cái ghế đã được xếp sẵn cho hai Tổng Thống và hai phụ tá (Henry Kissinger và Nguyễn Phú Đức). Cái ghế thứ tư cao hơn và chỗ dựa lưng lớn hơn, dành cho Nixon. Ông Thiệu vừa buồn cười vừa tức. Không nói gì, ông lẳng lặng đi sang phòng ăn bên cạnh, xách một cái ghế cùng chiều cao, bê xuống rồi ngồi đối diện với Nixon.” (Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, 2005)

Người viết cũng thắc mắc chuyện chiếc ghế nên xem lại vài lần hình ảnh, video cũng như đọc biên bản dài 8 trang ghi lại buổi gặp gỡ Midway ngày 8 tháng 6, 1969 nhưng không thấy hình cái ghế hay đọc chuyện cái ghế. Vì Tổng thống Nixon muốn gặp gỡ riêng tư nên ngoài phần gặp gỡ xã giao sau khi vừa đến, toàn bộ buổi thảo luận, ngoại trừ khi ăn trưa, đều chỉ diễn ra trong một phòng riêng, không thấy có hình ảnh nào chụp bốn người.

Trong biên bản, ngày đó là tài liệu “tuyệt mật”, hầu hết là đối đáp giữa Tổng thống  Thiệu và Tổng thống Nixon. Hai ông phụ tá Kissinger và Nguyễn Phú Đức chỉ góp phần giải thích một câu nói của Tổng thống Nixon hay của Tổng thống Thiệu khi được yêu cầu chứ không trình bày quan điểm riêng của họ. Như Tổng thống Nixon thừa nhận sau đó, Tổng thống Thiệu phát biểu rất “thẳng thắn” về mọi lãnh vực kể cả việc chấp nhận một cuộc bầu cửa tự do có thể xảy ra dưới sự giám sát quốc tế giữa VNCH và CPCMLTCHMNVN. Theo Tổng thống Thiệu, dĩ nhiên điều đó chỉ xảy ra với điều kiện Cộng sản Bắc Việt rút quân hết về miền Bắc. (Nguồn: President Nixon and President Thieu Meet at Midway Island, June 8, 1969, Nixon Library)

Vì không có hay tìm chưa ra hình ảnh hay video nào ghi lại buổi họp riêng tư nên không thể kiểm nhận chuyện Tổng thống Thiệu thay chiếc ghế. Nhưng vì buổi gặp gỡ diễn ra tại chỗ ở của sĩ quan chỉ huy căn cứ Miday chứ không diễn ra ở White House hay một dinh thự nào, chuyện sắp ghế cao ghế thấp có thể đã xảy ra. Trong trường hợp đó, tự ái dân tộc đã giúp Tổng thống Thiệu có phản ứng đúng. Chuyện ghế cao ghế thấp là một chuyện cười chính trị. Nhiều người cười khi nghe kể nhưng Tổng thống Thiệu lúc đó chắc không cười. Đối với ông đó là thể diện quốc gia. Nếu Tổng thống Thiệu không tìm thay chiếc ghế khác và các phóng viên được phép chụp hình trước khi buổi thảo luận bắt đầu hay chấm dứt, quả thật là một điều khó giải thích về vị trí ngồi của hai tổng thống.

Thời gian như cơn gió thổi bay đi bao cát bụi đóng trên khuôn mặt lịch sử. Một ngày, những nhà viết sử Việt Nam có cơ hội ngồi xuống dưới một mái nhà tự do, dân chủ. Họ sẽ bình tỉnh đọc từng trang lịch sử, sẽ lắng lòng nhìn lại mỗi chặng đường bi tráng mà dân tộc Việt Nam đã trải qua để từ đó có một cái nhìn khách quan và thông cảm với với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một lãnh đạo đã đến và đi trong giai đoạn vô cùng khó khăn của lịch sử dân tộc.

Trần Trung Đạo

(Từ trái sang phải) Phó Tổng thống Spiro T. Agnew, Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện (sau này là Tổng thống) Gerald R. Ford, Tổng Thiệu, Đại sứ tại Nam Việt Nam Graham Martin và Chủ tịch Hạ viện Carl Albert chụp ảnh chung vào ngày 5 tháng 4 năm 1973)

 

*Trần Trung Đạo: Thân phận nhược tiểu, Diễn Đàn Thế Kỷ