Cao Vị Khanh: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, còn có bao giờ?

-Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết ca khúc “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” vào tháng 8/1996, thời điểm người Việt tha hương cùng nhau đóng góp, xây dựng Làng Việt Nam trên đất Philippines cho những đồng bào kém may mắn hơn, dù đã thoát khỏi Việt Nam đến Philippines nhưng không thể đi định cư tại quốc gia thứ ba-

21 năm sau cơn đột tử của quê hương kéo theo những hồi tuyệt vọng không thôi của riêng đời mình, năm 1996 từ một cõi dung thân nơi vùng đất khách, ông Trầm Tử Thiêng sáng tác bài nhạc CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG. Bài hát là tiếng reo vui của một kẻ nặng nỗi niềm thân phận đã tưởng chừng là không còn cơ cứu vãn. Ngày đó, tháng đó, năm đó, sau những chuyến đi tìm cái sống trong cái chết, giữa sùng sục biển dữ và lạt lẽo của lòng người thiên hạ, những thuyền nhân trễ tràng trong cuộc-bỏ-phiếu-bằng-chân trên những con thuyền mỏng mảnh như chính niềm hy vọng mong manh của họ, đã được chánh phủ Phi Luật Tân chấp nhận giữ lại mà không xô ngược trở ra biển dữ. Trong nỗi vui mừng gần như được tái sinh của đám người bất hạnh, sau khi đã trần thân vượt qua mọi hãi hùng của biển cả, của cướp bóc, cũng như của  thứ chính trị phi nhân tại quê nhà, cuối cùng đã tìm được đất sống, cho dẫu chỉ là một chòi lá, một lều vải trên một vùng đất còn bị bỏ hoang. Nỗi vui mừng được tái sinh của đám người cùng khổ đó, lọt thỏm giữa một vùng đất lạ lẫm, chìm khuất giữa muôn trùng nhốn nháo của thế sự, hẵn là không dễ gì vang vọng ra xa. 

Vậy mà ở xa, rất xa, ông Trầm Tử Thiêng đã nghe thấy. Và đã nhập lòng mình vào lòng của những kẻ mới vừa sống lại từ một cõi chết, để quyết đoán rằng

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Một vòng tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng bước càng xa
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Hai mươi năm tưởng đã vàng phai
Có em tôi nuốt từng giọt lệ
Ngậm oan khiên đợi mãi một ngày
Hãy nói cho mọi người cùng nghe
Người đã cứu người (*)

Ông Trầm Tử Thiêng đã nghe thấy vì hẳn nhiên ông và hằng triệu người Việt khác cũng đã từng trải qua khoảnh đời khắc nghiệt đó, đã hy vọng, đã thất vọng, kể cả tuyệt vọng. Và không ít người đã vô vọng bỏ thân trôi theo từng con nước ngược xuôi, xác tắp vào một nơi không bờ không bến. Đã có không ít những chuyến đi chẳng bao giờ tới bến. Những nấm mồ, lắm khi không có cả những nấm mồ, thân xác vùi lấp trên những bờ hoang, bãi lạ, chìm khuất đâu đó giữa mênh mông biển dữ. Còn nữa. Còn những xác người bỏ xó nơi bìa rừng góc núi, những đồng cỏ Miên ngút ngàn chưa từng có vết chân qua… Những cái chết tức tưởi bởi mọi thứ lý do nhưng gẫm lại cho cùng thì cũng chỉ vì một lý do duy nhất: trốn chạy một thể chế độc tài, bất nhân, thứ chính trị mà từ ngàn năm xưa ông Khổng Tử đã phán chắc như đinh đóng cột. Hà chính mãnh ư hổ. Chính trị khắc nghiệt như cọp dữ (ăn thịt người). Người dân miền Nam bỏ đi, lặng lẽ bỏ đi, gần như lũ lượt bỏ đi sau khi trần thân hứng chịu cuộc lường gạt gần như vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Từ đó, sống hay chết không còn là vấn nạn làm bận tâm người bỏ ra đi. Bằng bất cứ phương tiện nào, quyết định bỏ đi giữa trùng trùng nanh vuốt của kẻ cầm quyền vẫn là một lựa chọn rất sáng suốt. Gần như, một cách thầm lặng, họ đã mặc nhiên chấp nhận cuộc chơi bất công nhất, với tỷ lệ một sống chín chết. Đã có người thoát. Và hằng hằng người bỏ xác đâu đó, bãi bờ vô định. Cũng như hằng hằng người bó thân trong các trại giam… Cuộc bỏ-phiếu-bằng chân mà thiên hạ đã tán tụng quả là một chuyện buồn gần như không có chữ nào đủ nghĩa để kể lể… (**)

Biển Đông – thủy thủ đoàn của tàu chở hàng đổ bộ USS Durham (LKA-114) đưa người tị nạn Việt Nam từ một chiếc thuyền nhỏ lên tàu, tháng 4 năm 1975

Thử nghĩ lại coi, trên mặt biển mênh mông chẳng thấy đâu là chân trời, trên con thuyền có khi chỉ là những mảnh ván ghép lại để chạy trên sông, khá hơn chút chỉ để chạy trên sóng nước vùng ven biển… những con thuyền gỗ đóng vá sơ sài, mươi thước dài hai ba thước ngang, máy móc lắm khi chỉ là máy xay lúa kể cả loại máy-đuôi-tôm được dùng để chạy trên sông rạch được biến chế thành máy tàu đi biển, vài ba bao gạo, năm mười thùng nước sông, với một ít xăng dầu được chôn giấu đâu đó… Và vài chục mạng người, đàn ông đàn bà, con trẻ bị bịt miệng để giấu tiếng khóc bất chợt… chen chúc núp trốn dưới hầm ghe tối om, chia nhau hít thở từng hớp không khí tù hãm trong khoang tối bít bùng… để bỏ xứ ra đi. Bỏ xứ có nghĩa là bỏ nơi chôn nhau cắt rún. Bỏ nhà bỏ cửa. Lắm khi còn bỏ cha bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ con. Bỏ cả một vốn sống, từ vật chất đến tinh thần, đã được gầy dựng bằng máu và nước mắt suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của đời đời tổ tông… Bỏ xứ ra đi có nghĩa là để đến một nơi mà có lúc chỉ là những lời đồn đãi. Ra đi mà biển cả thì im ỉm như lòng người bí hiểm. Ra đi mà chực hờ súng đạn lên nòng của đám cường quyền trên bờ và hải tặc ngoài khơi. Ra đi mà bỏ tất cả những gì thân thiết và quí gíá nhất của chính mình… lại một chỗ mà chính mình đã phải… bỏ đi. Ra đi mà không rõ nơi sẽ đến. Ra đi mà không hẹn được ngày về.. 

Thử nghĩ đến… Thử nghĩ đến…

Tình cảnh những ngày tháng đó.

Thử nghĩ lại… đầu mối của mọi cuộc tang thương là hậu quả của một ngày. Ngày đó… tháng đó… năm đó… 

“… Lệnh đầu hàng từ Sài Gòn loan ra trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lời báo dữ như tiếng sấm trái mùa làm nổ tung giông bão đang giậm giựt giữa thinh không. Lòng người cũng giống thinh không buổi đó, ngầy ngật cơn nóng sốt thời cuộc, âm ỉ một niềm lo nghĩ không nguôi. Người ta chờ đợi một cái gì đó xảy ra, một cái gì mơ hồ không dám nghĩ tới vậy mà cứ lẩn quẩn trong đầu. Từ vài tháng gần đây, tin tức chiến sự và chính trị mỗi ngày mỗi tồi tệ. Mùa mưa sắp đến. Cộng quân chuẩn bị đánh lớn như mọi năm. Ở Sài Gòn thì năm phe bảy phái rình rập nhau tranh giành quyền hành. Rồi Cao Miên và Lào lần lượt thất thủ. Rồi miền Trung di tản. Cao nguyên bỏ ngỏ. Từ giữa tháng Ba, những chiếc bè mỏng manh chở người lánh giặc, đã bắt đầu tấp vào bờ biển Phan Thiết, Vũng Tàu. Người ta xầm xì bàn tán về một giải pháp liên hiệp, những cắt đất chia ranh, hoặc tệ hơn nữa, một đảo Phú Quốc như trạm tự do cuối cùng cho đám người cùng khổ. Người ta lo lắng, nghi ngại, hy vọng rồi thất vọng, rồi lại tiếp tục lo lắng, nghi ngại… Những người có tiền của, quyền thế thì chộn rộn sửa soạn cho một chuyến đi xa. Còn đa số tiếp tục sống trong nỗi hoang mang, trì trệ. Trường học vẫn còn mở cửa nhưng chỗ ngồi đã thưa trống dần. Sự chờ đợi kéo lê ngày tháng một cách mệt nhọc. 

Cho đến buổi trưa ngày 30, trời đất bỗng như tan tành trong một giây một phút. Lệnh buông súng xắn xả như viên đạn bắn trúng ngay tim. Trong một chốc, cả miền Nam như ngừng thở. Người ta sửng sốt, bàng hoàng, ngây dại như tỉnh như mê. Người ta thử nghe đi nghe lại như cố nghĩ mình nghe lầm, như có một cái gì đó không thật. Mọi người chết điếng nhìn nhau, lẳng lặng, thất thần. Rồi bỗng như một cơn đau kích xúc mãnh liệt ùa tới, mọi người chợt hiểu. Cái không dám nghĩ tới đã tới. Tới thật. Đến lúc đó, nỗi sợ hãi như một cơn gió lạ thổi rút vào người, luồn theo mạch máu làm tê liệt châu thân, căng thẳng đầu óc, cổ khô, miệng đắng, chân tay rời rã. Người ta biết mình không mơ, người ta biết mình đang ở giữa một sự thật, cái sự thật mạnh hơn cả đạn trái phá, nổ tung hết cả ước mơ của một đời người, giựt sập hết mọi niềm tin của bao thế hệ. Người ta cảm thấy chới với, hụt hẫng, ngơ ngác, bối rối … Người ta đổ túa ra đường, chạy vội về nhà, nhốn nháo một cách vô ích như chỉ để có một cái gì đó để làm, như chỉ để lấp đầy cái khoảng trống khủng khiếp vừa hiện ra giữa đời sống, trong lòng người. 

Miền Nam chống giặc từ 30 năm không phân thắng bại, vậy mà tự dưng sụp đổ trong vòng 55 ngày. Dân theo quân kéo nhau chạy chết, dẫm đạp lên nhau, trong khi đạn thù xối xả đuổi sau lưng, xác bỏ sình thối bên vệ đường mù bụi hay tấp theo sóng biển vật vờ.

Địa ngục ở một chỗ rất gần và rất thật!

Anh nghĩ gì, hỡi người lính trẻ, khi anh kê súng tự bắn vào đầu, buổi sáng ngày 30 bên chân cầu xa lộ. Có phải cái hình ảnh cuộc tháo chạy thảm hại của cả một chế độ đã làm anh hổ thẹn? Hay cái cao ngạo sừng sững của hồn thiêng sông núi đã không cho anh khuất nhục? Cái chết của anh có phải là lời cảnh cáo hay chỉ là lời nhận lỗi của cả một thế hệ bị hy sinh?

Có ai còn nhớ không anh?

Vậy đó mà miền Nam mất.

Vậy đó mà dâu bể tang thương. (**)

Vậy rồi sau cái ngày định mệnh đó, mọi sự diễn ra thản nhiên và tuần tự như đã xảy ra sau bất cứ một cuộc chiếm đoạt quyền lực nào của thứ chủ nghĩa gọi là cộng sản. Từ Nga Sô, Trung Hoa Lục Địa… Những ngụy trá bôi son trét phấn như hát bội. Những xảo ngôn ra rả như phường tuồng. Những tị hiềm nhỏ nhặt tới chui lọt cả lỗ kim may. Những trại tù không có rào chắn giữa phố xá làng mạc và những trại tù với hàng rào kẽm gai và vọng gác, biệt mù giữa bốn bên rừng núi mịt mùng… Cả miền Nam bỗng chốc trở thành một thứ chợ chiều mặc tình cho bên-thắng-cuộc thẳng tay bốc hốt. Mọi thứ cương lĩnh, tuyên ngôn… trơ ra mớ chữ vô hồn. Sau hai mươi năm chảy máu, đất nước còn trơ ra đó bộ xương khô mặc tình cho đám quạ diều rúc rỉa… Người miền Nam chiến bại một lần, không lẽ bó tay chịu chết chùm. Còn lại ngõ sống duy nhất, vượt biên. Tại vậy mà… những chuyến đi. Những chuyến đi tìm cái sống trong cái chết. 

Vâng, từ đó lối thoát duy nhất còn lại là con đường mấp mé hai bờ sinh tử, với giá biểu đánh đổi bằng vàng ròng. Và giá chót là mạng sống.

Từ đó phát sinh hai chữ “boat people-thuyền nhân”. Từ đó hằng triệu bước chân Việt Nam bỏ xứ lang thang trên khắp miền đất lạ. Và cũng từ đó, rơi rớt lại bao nhiêu người lỡ bước, gói mộng vùi thân giữa đường-đi-không-đến (***)… Thử nghĩ coi đã phải có bao nhiêu thảm cảnh trên biển cả, giữa rừng sâu để lay động được lòng người thế giới… 

… Từ đó, bị dồn vào đường cùng, người Việt miền Nam bắt đầu tìm lối bỏ nước ra đi, bằng đường bộ hay bằng đường biển thì cũng chỉ là tuyệt vọng hóa liều, một kiểu đi tìm cái sống trong cái chết. Đi mà không biết chừng nào đi. Đi được rồi không biết chừng nào tới. Nếu tới cũng không biết tới đâu. Chưa kể những bẫy gài, những gạt gẫm, những mìn chôn ở bìa rừng, những đồn bót hiểm hóc, những dãy đá ngầm khôn dò, những mùa chướng không chừng đổi, đám hải tặc chực chờ và sau hết biển cả như một người tình phản trắc. Ở lại để chết dần mòn hay bỏ đi để chết dấp dúi ở một bờ bãi nào đó, người ta chọn cách thứ hai với chút hy vọng mỏng manh còn hơn sợi chỉ mành treo chuông. Vậy mà người ta vẫn tìm đủ cách để ra đi, bỏ nhà bỏ cửa, trốn chui trốn nhủi, nhịn đói nhịn khát để ra đi. Những người Việt mà nếp sống ngàn đời dính liền với ngọn rau tấc đất, với mồ mả ông bà, những người Việt mà đạn bom mấy chục năm không tách rời họ ra được khỏi làng xóm, mà thiên tai bão lụt chỉ làm họ nặng lòng hơn nữa với quê hương, đến cùng cũng dứt bỏ ra đi. Lịch sử nhân loại còn đầy vết ố đen với những trại khổ sai vùng Tây Bá Lợi Á sau cuộc cách-mạng-tháng-10 ở Liên Bang Sô-Viết, với những cuộc thanh trừng đẫm máu của Mao Trạch Đông ở Trung Hoa Lục Địa từ năm 1949, với chuyện đấu tố, cải cách ruộng đất cũng như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm sau năm 1954 ở miền Bắc mà dấu tích còn sờ sờ ra đó. Đến cuối thế kỷ 20 người ta vẫn không sợ gì hơn sợ thứ chính trị cực kỳ hà khắc đến bất nhân vô đạo. Người dân Việt vốn quen cực khổ như đã ngàn năm cực khổ với quê mẹ nghèo nàn, vẫn bám vào mảnh đất cằn cỗi như gốc tre già bấu rễ trong lòng đất, có nghiêng ngả theo gió bão nhưng vẫn đời đời thủy chung, dẻo dai, bền bỉ, an nhiên tự tại. Có ai bỏ đi đâu, đời này sang đời khác, dính liền như núm ruột. Vậy mà lần này bỏ đi thiệt, cắt ruột mà đi. 

Tôi đã thấy những cơn đau cắt ruột đó. Có thật trong mắt bà mẹ dặn dò gởi gắm đứa con trai 10 tuổi cho người quen dắt trốn. Có thật trong cái siết vai vội vàng của người chồng chia dẫn hai con đi trước để lại hai đứa cho vợ đợi chuyến sau. Có thật trong cái lạy từ biệt cha mẹ già. Có thật trong cái vuốt mắt cho đứa em kiệt sức giữa đường. Có thật trên xác thân trần truồng của em gái bị luân phiên hãm hiếp ở đảo Ko-Kra. Có thật … Mà đúng ra làm sao tôi thấy hết được hằng hà cơn đau cắt ruột đó? Hơn 10 năm, bao nhiêu người ra đi, bao nhiêu người tới được một bãi bờ nào đó, còn bao nhiêu người đi mà không tới, hay tới mà không kịp lên bờ vì thuyền bị đục lổ để lật chìm ngay trước bãi đến!

Ở đảo Bidong, trên một góc đồi ngó cheo leo ra biển cả có một nghĩa trang sơ sài và những nấm mộ không tên. Ở đó ngày đêm gió heo hút thổi, cây cỏ lần lữa vàng. 

Ở đó, trại đã đóng cửa, người ta đã bỏ đi hết, những núm đất chắc đã lặn mất, những mộng đời bỏ dở, giữa đường …

Tôi cũng bỏ xứ ra đi năm 80. Thuyền tách bến khoảng 3giờ sáng. Đêm mịt mù như tấm lòng bỏ lại. Tiếng máy chạy rì rầm không át được tiếng sóng vỗ ngược rập rền. Khi thuyền chui ngang Cầu Đúc để ra biển, sao bỗng nhiên tôi nghe tim nhói đau. Có phải không, tôi đang chạy trốn lần nữa cái trách nhiệm của mình. 5 năm ở đó, dò la nghe ngóng, hy vọng rồi thất vọng, tôi chẳng làm được gì ngoài cái việc tự cứu mình. Đất nước của tôi, đất nước của em, chúng ta bỏ lại mặc dầu có ai không tiếc thương. Xứ sở bị kềm kẹp nghẹt thở, bên kia biển là tự do hy vọng. Mọi người bỏ đi là lối thoát cho mình. Nhưng còn đó nguyên vẹn một cơn đau, còn đó đầy ứ những uất nghẹn. Ai sẽ cởi ách giùm ta nếu không phải là ta! Một vài nhen nhúm phản kháng bị dập tắt trong trứng nước. Rồi thôi, coi như chuyện đã rồi, mọi sự đã an bày, mọi người đều yên phận. Gục đầu ở lại hay cúi đầu bỏ đi cũng chỉ là chấp nhận một tình trạng không chấp nhận được. Chắc tại ta bất tài thiếu đức. Hay tại ta không đủ niềm tin. Hay vì cuộc chiến đã kéo dài quá mức, dài hơn cả độ dài của những tấm lòng trung kiên nhất, đến lúc kể cả những cánh tay rắn chắc và dẻo dai nhất cũng đành bỏ mặc buông xuôi … Nước mất, chúng ta đành làm kẻ thất phu bỏ trốn. Chúng ta lần lượt bỏ đi, kẻ trước người sau, bất kể hiểm nguy kề cận từng bước. Cả thế giới khâm phục nỗi nhục nhằn mà người ra đi đã gánh chịu. Tuy nhiên đi mà em thơ còn thiếu bầu sữa ngọt, đi mà cha mẹ già còn bữa cháo bữa rau, đi mà cả nước vẫn tiếp tục chìm đắm trong cảnh ngu dốt nghèo đói, vẫn tiếp tục sống trong sự đối đãi bất nhân… thì quả thật có phải là đầu hàng thêm một lần thứ hai nữa? Sao ngày trước có Việt Câu Tiễn nằm gai để đừng quên nỗi nhục mà nay kẻ sĩ ít người còn chịu nếm mật để nhớ hận xưa. Có phải tại phần số dân ta không? Hay chính vì tại chúng ta là một dân tộc quá mau quên, lại còn nhẹ dạ!

Tôi cũng vậy, tôi đang bỏ đi xa đây, hỡi quê hương khốn khổ!

Bốn ngày sau, thuyền tới đảo Bidong. Con thuyền nhỏ và mỏng như chiếc lá khô đổ lên bãi 90 người mất hồn, mệt lả. Chân lảo đảo vì say sóng, đầu còn lao đao giữa mộng và thực, bỗng nhiên tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy lá cờ cũ bay phần phật trên cổng trại giữa một ngày gió lớn. Màu vàng lợt lạt, vải tưa sút sổ như đã treo ở đó từ lâu lắm, chắc đâu từ ngày người tỵ nạn đầu tiên đặt chân lên đảo. Chỉ có ba lằn gạch đỏ là còn đậm nét, cuốn bay ngoằn ngoèo, vùng vằng như thể vẫn còn giận dữ. Cái màu vàng đã phai, mấy lằn gạch đỏ còn đậm sao bỗng làm tôi khóc. Có phải tại tôi nhìn thấy màu vàng xơ xác đó trên màu da của tôi, của những người bạn đồng thuyền đang bỡ ngỡ dắt dìu nhau lê lết lên bãi, của những người đồng cảnh đến trước đang nhốn nháo kéo đến hỏi han tìm kiếm, của hàng trăm ngàn người đồng tình đang lưu lạc lang thang trong các trại tỵ nạn, và của hàng triệu triệu đồng bào tôi còn đang oằn oại ở xứ ngục tù. Có phải tại tôi nhìn thấy mấy lằn đỏ đó như mấy vệt máu tươi trên xác anh xác chị nằm chết la liệt vì miểng đạn pháo dọc Đại lộ kinh hoàng, vì viên đạn bắn sẻ lẻ loi từ một gốc cao su bên đường 13, vì trái mìn bẫy hèn hạ và mù lòa nổ tung một chiếc xe đò chở dân đi chợ sớm. Có phải tại tôi thấy màu đỏ đó giống như màu máu đang chảy mệt nhọc trong huyết quản tôi, cũng giống y như màu máu đã chảy lênh láng trên đất nước tôi suốt ba mươi năm nay một cách vô lý và vô ích. Có phải không chính màu cờ đó mà anh đã tập chào kính ngay từ tuổi mới đến trường, ̣đã theo anh suốt những năm tháng dài đi giữ nước, đã gói ghém thi hài anh buổi đưa anh vào lòng đất, bây giờ đây lá cờ đó đang bay vật vờ trên một đảo hoang ở giữa chừng biển lạ. Sao tôi thấy có một cái gì thảm thiết lắm. Sao tôi thấy chừng như mình quá đỗi bội bạc. Những người đã chết không còn vui hay buồn. Nhưng những kẻ còn sống làm sao vui được! (**)

Lời lời đó hẳn không của riêng ai. Có người nói ra. Có người nín lặng. Những chuyện kinh hoàng rắn rết rúc rỉa của đám Khmer Đỏ trong những cánh rừng già xuyên qua xứ Miên, những cướp bóc giết chóc người cô thế, những trinh tiết bị vùi dập trên sóng gió vùng vịnh biển Thái Lan, những đối xử bất nhân vô đạo trong các trại giam ngay trên chính quê hương khi chuyến đi bị “bể”… làm sao kể hết. Mà dẫu có kể hết cũng chỉ là những con số vô hồn. Trăm nghìn?  Vài trăm nghìn? Mỗi con số là một phận người. Mỗi con số là một oan khiên. Nước mắt có đong đầy cũng không đủ mặn để khóc cho nỗi uất nghẹn của số người đã bỏ thây mất xác trên con đường khổ nạn vì lý tưởng tự do. Những thảm trạng đã xảy ra trong suốt những dặm dài thiên lý đi tìm lẽ sống của người Việt sau tháng 4 năm 1975 còn nguyên đó. Những chứng tích máu và nước mắt gần năm mươi năm sau có dễ gì phai. Dẫu có lành trên vết cắt rách da nhưng không chút nhòa trong nỗi đau thân thế. Tại vậy mà sau mươi năm thân thoát ngục tù, người nhạc sĩ đã reo vui như chính ông vừa nhận được tin vui cho chính mình khi đồng bào ông được chấp nhận cho tạm cư trên đất người mà không bị xô trở ra biển dữ:

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan
Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn trên người vẫn thương người (*)

Tác phẩm của ông Trầm Tử Thiêng ngoài một ít nhạc tình, còn lại đa số đều xuất phát từ những thao thức về trùng trùng oan khiên của dân tộc nên thường nghe buồn lắm. Những nốt nhạc dẫu có lên bổng xuống trầm, mặc, vẫn tự thân ẩn chứa những thắt thẻo từ mỗi khổ nạn của quê hương. Nốt cao nốt thấp bất kể, khúc đoạn nào rồi cũng nghe ra trầm thống một nỗi buồn. Khi thê thiết. Lúc nghẹn uất. Người nhạc sĩ gần như hết một đời hiến thân cho nhạc buồn cho tới khi được biết tin vui đó mới vui trở lại. Âm điệu đơn giản với lời lẽ chân tình. Nghe nhạc mà rộn ràng theo. Như chuyện vừa mới xảy ra trước mắt. Ba cái nốt do ré mi lắp ghép với nhau theo cơn xúc động riêng tư của tác giả mà âm hưởng đủ gọi dậy cả một lòng hân hoan, dựng lại niềm tin cho cả một đám đông. Như gieo xuống một niềm hy vọng. Như dựng dậy một nỗi hân hoan. Nghe nhạc mà tưởng chừng tiếng mưa rơi trên đồng cỏ cháy vàng. Nước ngọt sẽ gieo mầm xanh trở lại. 

Quả là CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG! Thêm lần nữa, người nghệ sĩ có con tim rộng chừng vô hạn đã mở rộng lòng mình reo vui cùng lòng thiên hạ. Y như đã bao lần rủ lòng mình buồn miết với thế nhân. Hẳn nhiên hơn ai hết, với kinh nghiệm của một thuyền nhân đã lắm lần lỡ dở, ông cảm được cái vui cái buồn cái lo của chuyến đi tìm cái sống trong cái chết. Để từ đó, mỗi một nốt nhạc, một lời ca, một nhịp phách là nhịp đập của chính trái tim ông, sau từng ấy truân chuyên, cuối cùng đã đến được nơi… phải đến. Từ cái lo lắng khi thuyền bỏ bến, cái bẽ bàng khi chuyến đi bại lộ, cái cay đắng giữa vòng rào kẽm gai, cái lạc loài giữa vòng rào trại tị nạn… Và bây giờ cái hân hoan, rạng rỡ khi sau cùng rồi tìm được đất sống. Đã tạm yên thân, ông vẫn sống chết cùng với cái sống chết của kẻ cùng đường, những thuyền nhân vừa được phép ở lại một nơi đã đến, bất ngờ y như một phép lạ. Mỗi một nốt nhạc, một lời ca là một nỗi hân hoan tái sinh từ những rã rời tuyệt vọng. Từng câu hát là từng tiếng reo vui cùng với hàng ngàn trái tim đã héo mỏi vì những bất trắc còn đeo đuổi mãi cho tới tận cuối bước đường cùng.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan
Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn trên người vẫn thương người (*)

Chẳng những vậy ông còn muốn gởi tiếng kêu vọng ra bốn phương như một lời nhắc nhở về lòng nhân ái, khi mà trên mặt biển mênh mông, giữa rừng sâu hiểm hóc, vẫn còn đó những bước chân lặn lội đi tìm cõi sống giữa trùng trùng cõi chế́t… 

Hãy nói cho mọi người cùng nghe
Người đã cứu người (*)

Đã có không biết bao nhiêu lần người ta cùng hợp tiếng ca để reo mừng thứ hạnh phúc khôn lường đó. Để san sẻ tình thương. Để chung chạ nỗi mừng. 

Từ đó đến nay, ngày giờ này, tháng tư năm 2025, bài hát kể ra đã già thêm 29 tuổi. Người bỏ xứ thuở đó, đến giờ đã biệt xứ 29 năm. Chuyện đâm ra rồi cũng sẽ thành cổ tích. Nỗi buồn lo hẳn cũng đã phôi pha. Chuyện như một giai thoại lịch sử, có vui có buồn. Những thuyền nhân ngày đó giờ hẳn cũng đã yên ấm phận bày. Đám trẻ thơ dại ngày đó hẳn đã thành nhân. Còn gì hơn nữa!

Có điều…

… sao như có gì lấn cấn…

Rồi đâm ra buồn khan. Không. Không phải buồn khan. Buồn có gốc có rễ. Chuyện tháng 4 năm 1975! Đầu mối của mọi chuyện buồn, từ khi.

Chuyện tháng 4 năm1975! Mươi ngày nữa đã là đúng 50 năm sau cơn nổ hồng hoang đã làm sụp đổ mọi thứ giá trị nhân bản mà dòng giống Việt tộc đã dày công gầy dựng, tích tụ và giữ gìn từ hơn ngàn năm trước… bằng máu xương và nước mắt. 

50 năm dâu bể. Ở đó, hẳn đủ lâu để xóa nhòa bao nhiêu thánh tích nhân văn và dựng nghễu nghện mớ tượng đài vô đạo. Đủ để hai thế hệ trưởng thành trong sự nhồi nhét, o ép, đúc khuôn…

Vậy mà 50 năm sau, lịch sử lại gần như thiếp ngủ. Ở tận cùng hai bên biển Thái Bình, bên này cũng như bên kia, mọi sự coi như đã an bày mặc kệ những dối trá, lừa đảo… bày tuồng từng giờ từng phút ngay trước mắt cả và thiên hạ.

………………………

……………..

Vậy rồi đến bao giờ…

Còn có khi nào… 

Những tôi, những anh, những chị… Những ông bà cô bác… Những người Việt ở khắp cùng trái đất ngoại trừ nơi xó đất quê mình, sao vẫn còn chờ hoài một tiếng reo vui. Sẽ có bao giờ thêm một tiếng reo vui cho cái đám đang dầm thân đất khách. 

Còn có bao giờ… được vỗ tay làm nhịp hòa ca thêm lần nữa bài hát của ông Trầm Tử Thiêng, dẫu có lúc đã hoài nghi “năm”-mươi-năm-tưởng-đá-vàng-phai… nhưng rồi rốt ráo cũng được reo vang CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG khi đất nước hồi sinh với trọn vẹn tinh thần NHÂN BẢN-DÂN TỘC-KHAI PHÓNG như lý tưởng của thế hệ người Việt miền Nam 50 năm về trước. 

Có còn nữa không những-tin-vui-giữa-giờ-tuyệt-vọng!?

Có còn không?

Còn không?

Cứ ngẫm nghĩ rồi muốn chấm hết mà lòng riêng sao chùng xuống như đàn đứt giây… Lặng tiếng.

Ờ mà sao chưa chi rồi tuyệt vọng cho uổng cái đời… lưu lạc. Đã lang bang thì lan man cho trót. Đã nghĩ quanh nghĩ quẩn sao không nghĩ tới nghĩ lui cho đủ bộ. 

Ờ mà sao lại không! Tự hỏi rồi không biết do đâu xúi quẩy quay lui nhìn lại lịch sử hiện đại để thấy… ờ mà nhân loại đã lắm lần reo vui sau khi cũng đã tuyệt vọng đến kỳ cùng! Chuyện kể rất dài dòng. Thôi biết sơ qua cái kết cho nhẹ lòng nhau chút đỉnh:

– Ngày 25 tháng 12 năm 1991: cả một bức-tường-sắt dầy cộm và kín mít gấp ngàn lần hơn vạn lý trường thành của Tần Thủy Hoàng rồi sụp tan hoang sau khi bắt đầu lung lay từ năm 1989. Cả một Liên bang Sô-viết ngập ngụa máu và nước mắt với những dãy quần đảo Goulag dầy đặc tới đếm không xuể bỗng chốc rồi vỡ nát ra từng mảng, tung tóe.

– Trước đó, ngày 9 tháng 11 năm 1989: bức tường Bá Linh bị đạp đổ. Thiên hạ hai bên đông, tây tràn qua ôm nhau khóc nức nở, cười toe toét. 

– Rồi cũng nội trong năm đó,1989, lần lượt bầy đàn thi nhau rã đám. Hết Hung Gia Lợi (Hungarie), tới Bảo Gia Lợi (Bulgarie), rồi ngày 17 tháng 11 tới phiên cách-mạng-nhung ở Tiệp Khắc (Tchèque), cho tới lúc năm tàn tháng tận rồi còn ráng vật cho sập thêm Roumanie quen gọi là (Lỗ Ma Ní)… 

– Danh sách còn dài… Mà thôi kể lể quá thiên hạ biểu mình… thù vặt. Sơ vậy cũng đủ hiểu. 

Y như một vở tuồng có hậu, rồi thì cái thiện phải thắng cái ác, cho dẫu có chận đầu chận ngõ, có bịt miệng tới ngộp thở, có chôn kín tới mấy tầng địa ngục. Một ngày nào đó, rồi sẽ có TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG, dẫu còn có mặt hay không vẫn là TIN VUI.

Ôi đất nước có còn vui kịp

Một đời tôi héo úa từng giờ

Cao Vị Khanh

——————

 (*) CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG-TRẦM TỬ THIÊNG

(**) trích LỜI TRẦN TÌNH CỦA NGƯỜI THẦY CŨ-cvk

(***) Selon les statistiques du HCR, qui ne comptent pas tous ceux qui périrent en mer, on peut évaluer à près de 250 000 personnes le nombre de réfugiés vietnamiens en 1979. Ni le coût exorbitant de la fuite, ni le risque de prison, ni le spectre de la mort en mer ne peuvent décourager ces milliers de Vietnamiens…

Tạm dịch:

Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, dẫu không thể đếm đủ số người chết trên biển, người ta có thể ước lượng có khoảng hai trăm năm mươi ngàn (250.000) người Việt Nam đã chết mất xác trên biển. Dẫu vậy, bất kể giá đắt, ngục tù, viễn tượng chết chóc trên biển cũng không làm sờn lòng người Việt bỏ nước ra đi…