Lê Chiều Giang: Sài Gòn. Sài Gòn.

“…Tôi đi. Không thấy phố 

Không thấy nhà 

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…”  

 Trần Dần 

Khi vừa đến tuổi mơ màng biết thích thơ văn, tôi đọc bài thơ xưa này, chỉ lan man hình dung ra những lá cờ đỏ bay bay trong mưa lạnh dịu dàng với gió chiều không còn thơ mộng nữa của Hà Nội. Hà Nội, thành phố mà tôi biết đến khi đọc và nhớ từng tên tác giả trong sách của Tự Lực Văn Đoàn. Xa hơn một chút, tôi có thể ngâm nga thêm khúc “Chinh phụ ngâm” đang được giảng qua giọng đọc trầm ấm, lãng mạn và đầy chất thi sĩ của vị Giáo sư dạy cổ văn. 

“Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng 

Hàng cờ bay trong bóng phất phơ” 

Cho đến năm 1975, hầu hết tuổi trẻ chúng tôi chưa hiểu chút gì về một chủ nghĩa kinh hoàng đầy hãi sợ: Cộng Sản. 

Sau những tháng đầu tiên thất điên bát đảo, chới với bàng hoàng với chế độ mới, chúng tôi vô cùng giận dữ nhận ra, nhìn thấy trùng trùng những điêu tàn cùng khổ đau đang làm quê hương tôi kiệt quệ, bởi không còn được sống dưới lá cờ tung bay trong ý nghĩa của một đất nước tự do. Tôi thầm ước, nếu như nền giáo dục của VNCH thay vì bắt học trò học quá nhiều giờ Công dân giáo dục, nhân nghĩa lễ trí tín, tam tòng tứ đức, mãi cúi đầu khoanh tay lễ phép chào Cụ, chào Ông…lẽ ra chúng tôi còn cần phải có những giờ học về một chủ nghĩa vô cùng ác độc từ lâu rồi đã và đang tàn phá quê hương. Chúng tôi phải được học trong sách của Học giả Hoàng Văn Chí, phải biết thêm về các diễn biến vô cùng dã man của một chế độ bất nhân qua cuộc cải cách ruộng đất. Những chi tiết và ý nghĩa tại sao hàng triệu người miền Bắc năm 1954 đã phải bỏ cửa bỏ nhà, chạy theo tiếng gọi của dân chủ tự do di cư vô Nam? 

Những sáng trước giờ học, chúng tôi chào cờ. Lá cờ khi phất phới tung bay, lúc im lìm không gió đã chẳng cho chúng tôi chút khái niệm nào về lòng YÊU NƯỚC. Phải chăng tuổi trẻ chúng tôi rất cần được cùng yêu nước với Đức Trần Hưng Đạo, với Vua Quang Trung, với Lý Thường Kiệt …? Bên cạnh những bài lịch sử dài lê thê, có những con số chính xác về bao nhiêu quân giặc đã tan thây, để trả giá cho sự xâm lăng của chúng, mà chúng tôi suốt bao năm dài đã phải ê a học thuộc lòng từng số trăm số ngàn. Thiển nghĩ Bộ giáo dục còn phải cho thêm giờ để dạy chúng tôi “Lòng yêu nước”. Bởi yêu nước, không thể đến một cách đương nhiên, dù tôi có đang đọc một tỷ lần về Vua Quang Trung đại 

phá quân Thanh. Ngoài những bài lịch sử, chúng tôi còn nghe hàng ngày giọng đọc hùng hồn trên radio về Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi với lời lẽ đầy nhân nghĩa, quân tử và khí khái. Vậy mà sao tôi vẫn cứ mơ mơ hồ hồ về lòng hy sinh, sự cao cả của những tấm gương oai hùng đó của tiền nhân? Có phải chúng tôi còn cần học thêm về thực tế của bao người lính kiêu hùng đang quyết tâm gìn giữ từng tấc đất ngoài biên cương, đã và đang hy sinh ngoài chiến địa? Cuộc chiến bao năm trong dầu sôi lửa bỏng mà sao chúng tôi chỉ lo mơ mộng, thích Cao Bá Quát ngang tàng ngạo mạn hơn là để lòng tri ân tới những Tướng lãnh anh hùng đang xả thân để bảo vệ quê hương. 

Chúng tôi ít quan tâm đến những cuộc biểu tình phản chiến bị Việt Cộng giật giây, từ các sinh viên học sinh, như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi … có thể vì còn nhỏ, nhưng anh tôi, người đang học đại học cũng chẳng quan tâm gì đến những phát biểu của Ngô Công Đức, của Lý Quí Chung, cả những bài viết với tầm ảnh hưởng tệ hại sâu xa của họ trong giới trẻ…Nếu chúng tôi có biết chút gì về chiến tranh thì chỉ là phớt phớt, sương sương qua TV và báo chí. 

Nhưng cho đến sáng sớm ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi đi dọc theo đường Hai Bà Trưng, Hiền Vương đầy náo loạn, nước mắt tôi chan hòa. Tôi bặm môi nhìn rừng cờ sao vàng, nhìn băng đỏ quấn trên những cánh tay giơ cao của lũ trẻ phản quốc ngu ngơ, đang hò hét những lời cuồng điên sắt máu… Tôi muốn ngưng thở bởi trái tim tôi tưởng như sắp trào máu đỏ. Ngay lập tức tôi nhẩm đọc lại bài thơ của thi sĩ Trần Dần. Tôi khóc. 

Khi nước nhà tan hoang ngay trước mắt, tôi mới hiểu thế nào là tình yêu quê hương. YÊU NƯỚC. Tôi cứ tưởng là phải học thuộc lòng, phải nhập tâm, phải có đủ mọi thứ nhận thức cao siêu, hay lý luận xa vời…Thực ra tình yêu nước như không khí, không khí bàng bạc, chan hòa trong từng tấc đất trên quê hương của mỗi chúng ta. Hãy cứ thở đi và sẽ nhận ra, cứ thở đi để mà cảm thấy. 

“…Tôi yêu tiếng nước tôi 

Từ khi mới ra đời… “ 

[Phạm Duy] 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi biết yêu quê hương, yêu đất nước tôi, dù đã quá muộn màng. 

***

Phim “Xa Lộ Không Đèn”, có từ năm 1972. Dù chưa bao giờ xem, nhưng tối nay, tôi lại chợt nghĩ đến. 

Ánh đèn của những chiếc xe máy, vòng vèo lướt ngang, vội vã. Chút ánh sáng chớp tắt lập loè đã không đủ cho chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Nhưng sao tôi lại hình dung ra cuốn phim ngày trước, với những hình ảnh màu mè, những tấm quảng cáo đã được dán khắp nơi, ở mọi hè phố của Saigon. 

Sau 1975, cả nước sống vật vờ trong nhiều đêm không đèn, nên có lẽ chẳng ai cần phải ra tận xa lộ, mới thấy được cảnh phim đầy gây cấn, trong “Xa lộ không đèn” của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. 

Tối nay, anh chị Nguyễn Đình Toàn và chúng tôi, đang đứng ngay chân cầu xa lộ âm u. Sàigòn của chúng tôi, Sàigòn đã chợt phải sống với nhiều đêm tối tăm không đèn đóm… Anh Nghiêu Đề quăng tàn thuốc xuống lề đường đọng nước, tiếng nói Anh lúc nào cũng hiền hòa dù có đang buồn bã đến đâu. 

– Vụ Vũ Hạnh mời mình vô cái Hội Văn Nghệ, Văn Hóa gì gì đó, ông tính sao?  – Sáng nay tôi đã hỏi bọn chúng nó một câu trừ hao rồi: “Hội nào mấy ông mời, tụi tôi cũng vô hết, nhưng để cho chắc ăn, tôi muốn biết, nếu khi nào cần ra khỏi mấy cái Hội đó, thì mấy ông có để cho chúng tôi ra hay không?”. Nghĩa là, vô rồi thì có còn ra được nữa hay không? 

Chị Thu Hồng cười vang với lối nói cà khịa của Nguyễn Đình Toàn. Trước khi đạp xe về hướng Làng Báo Chí, anh Toàn để lại tiếng thở dài: – Thôi, thân thằng nào thằng nấy lo… 

Lời dặn vu vơ nhưng rất ngậm ngùi đó đã nhận chìm chúng tôi trong lo lắng, hoang mang trên đường đạp xe ngược về Cư Xá Thanh Đa. 

***

Thời đó, một số Văn nghệ sĩ từ miền Bắc hay tìm đến chơi với dân Văn nghệ Sài Gòn. Họ như muốn tìm hiểu thêm về những sinh hoạt, cách suy nghĩ của giới văn nghệ sĩ miền Nam. 

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc, em của nhà văn Bùi Quang Đoài trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, họa sĩ Lưu Công Nhân, nhà thơ nhà giáo Tuân Nguyễn, nhạc sĩ Trần Tiến hay Dương Thụ… Tôi nhớ mãi tiếng hát Trần Tiến lúc ngà ngà say, Anh có chút vẻ giang hồ là lạ, mang mang như cái nắng cái gió của Hà Nội… 

Đặc biệt, trong một buổi trà dư tửu hậu, căn chung cư nhỏ của chúng tôi không phải chỉ để Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ, Trần Quang Lộc hay Đào Trường Phúc len lén ôm đàn ngồi hát như thường khi. Tối nay tất cả chúng tôi ngồi quanh một thi sĩ vừa vào thăm Saigon. Thi sĩ Hoàng Hưng. 

Đêm đó Thanh Đa cúp điện, thơ Apollinaire như lãng mạn thêm với ánh đèn dầu không sáng, lại cũng chẳng thể tối hơn. Anh Hoàng Hưng đọc những vần thơ bàng bạc u sầu, trong tiếng gió êm đềm cùng vầng trăng sáng, bên dòng sông nhỏ trước hiên nhà. 

Tiếng Pháp tôi không hiểu hết, nhưng qua giọng đọc truyền cảm của anh, Thơ như đã dạt dào thêm, đã miên man lắng đọng hơn cùng với nhiều xúc cảm.

“…J’ai cueilli ce brin de bruyère 

L’automne est morte souviens-t’en 

Nous ne nous verrons plus sur terre…” 

 [Apollinaire] 

Khó mà ai có thể tưởng tượng, chỉ mấy năm sau, người Thi sĩ mà chúng tôi rất quí mến này đã bị giam tại Hỏa Lò tới 3 năm, chỉ vì cầm tập bản thảo “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. 

***

Đời sống càng lúc càng gay gắt, với lối cai trị vô cùng khắc nghiệt của chế độ mới. Cả nước ai cũng bàn tính chuyện tẩu thoát, ra đi, dù biết rằng rất nhiều phần sẽ chết, sẽ mất tăm mất tích ngoài biển khơi giá lạnh… Trong khi gia đình tôi đợi chờ mỏi mòn giấy tờ đi ODP, tôi theo anh chị họa sĩ Cù Nguyễn, mang hết tủ sách của anh Nghiêu Đề đã nhọc công giấ́u diếm công an ra bày, bán chữ nghĩa ngoài Chợ Sách trên đường Calmette, Ký Con. Tủ sách mà khi anh tôi hỏi lý do gì tôi lại cứ khăng khăng muốn lập gia đình với một người mà Cha Mẹ triệt để cấm đoán? Tôi ngây thơ trả lời: “Tại nhà anh Nghiêu Đề có nhiều sách lắm”, cái lý do để “đi lấy chồng” rất ngớ ngẩn đó đã làm anh tôi đập bàn, giận dữ: “Vậy thì phải đi mà lấy cái Ông Khai Trí hay Xuân Thu”. Từ kỷ niệm dễ thương này, chúng tôi đã coi đó như là “Tủ sách khởi đầu cho một nhân duyên”. Vậy đó mà chỉ vì những nhọc nhằn cơm áo, tôi đang phải mang đi, bán hết… 

Bán thì ít mà tôi mải mê đọc lại những cuốn sách quí đó thì nhiều. Tôi vui mừng nhận ra mọi niềm đau, những trớ trêu và mất mát của đất nước tôi với đầy ắp những ai oán, điêu linh đã như được Solzhenitsyn nói ra gần hết. Những nghiệt ngã tai ương, với tâm tình đầy u ẩn khi ông phải sống chung cùng nỗi chết dưới thời Stalin, đã được ông phơi bầy ra ánh sáng cho toàn thế giới… Tôi xót xa, tiếc rẻ khi phải bán đi sách của Arthur Koestler, Dostoevsky, Hermann Hesse hay Solzhenitsyn…. 

Tôi cảm ơn hết những dịch giả miền Nam đã mang văn chương thế giới trải dài cho nền văn học Việt, như chiếu thêm trăm ngàn ánh đèn rực rỡ sáng. Đã mang những minh triết, tinh hoa từ muôn phương, giúp tuổi trẻ chúng tôi được thưởng lãm và học hỏi qua những quyển sách vô cùng giá trị, để chúng tôi thẩm thấu được phần nào những đẹp ngời, nhằm tạo thêm sự thăng hoa cho đời sống, kể luôn cả những phần gay gắt dập vùi, những thảm kịch đầy bi ai của kiếp người… 

Bên cạnh những tác phẩm từ nhiều dịch giả, còn có cả một rừng sách của rất nhiều Văn nhân thi sĩ miền Nam…Những tác giả đã góp phần rất lớn cho nền văn học phong phú và đa dạng dưới thời Việt Nam Cộng Hoà. Những tác phẩm đó giờ không còn được trưng bày trang trọng trong tủ sách của nhiều gia đình, chúng đang được tôi rải dọc rải ngang, nằm tung nằm toé dưới nền đất như những trang giấy vô tri. Dưới chút nắng chiều sắp tắt, tôi ngậm ngùi nhìn những cuốn sách nằm đó chơ vơ, buồn bã như để tang cho một nền Văn học đang bị thảm sát dưới bàn tay sắt lạnh của một chế độ hung tàn.. 

Chưa kể đến rất nhiều nhà văn nhà thơ đang bị giam cầm, một số vị đã chết trong ngục tù cộng sản, hay đã liều mình bỏ nước ra đi. 

Khi gom góp những cuốn thơ của anh Nguyễn Đức Sơn, tôi bồi hồi nhớ lại một thời của anh: 

“… Vì sao ta đến đây hò hét 

Học trò bẻ bút, tập mang gươm 

Tập uống máu người thay nước lã 

Múa may theo 

Lịch sử điên cuồng…” 

(NguyễnĐứcSơn

Từ năm 1979, Nguyễn Đức Sơn mang hết gia đình anh lên Bảo Lộc, Phương Bối. Nơi đây anh sống hoàn toàn biệt lập, bất hợp tác với xã hội dưới mọi hình thức. Gia đình anh sống tự túc với đèn dầu tăm tối, ăn uống từ suối nước không trong, và cả với khoai sắn, nấm và rau trái do mình trồng ra… Một hình thức chống lại chế độ vô cùng quyết liệt, đầy can đảm và tuyệt đối của anh. Và cho dù có vì thế mà trong rất nhiều năm, gia đình anh đã phải sống trong vất vả, mất mát, cực khổ và lam lũ… 

Quyết định bỏ Sàigon lên sống nơi rừng thông Phương Bối, gian nan, thiếu thốn, và rất khó khăn của Nguyễn Đức Sơn. Phần nào cho tôi nghĩ đến Bá Di, Thúc Tề: Quyết không theo nhà Chu, không ăn thóc nhà Chu. Bỏ lên núi Thú Dương, và chỉ ăn rau Vi, cho đến chết. 

“Lên núi Tây chừ hái rau Vi 

Lấy bạo đổi bạo 

Chừ 

Có hay chi? 

Thần Nông, Ngu, Hạ…Chìm cả rồi 

Ta

Biết nơi nào đi? 

[Bá Di,Thúc Tề] 

***

Sau 50 năm không còn quê hương nữa để yêu thương, tôi vẫn cố vớt vát hết những hình ảnh đẹp như tranh như tượng, để ấm lòng mỗi khi nghe lại, nhớ về một cố hương u hoài xa khuất. 

“Tôi yêu bác nông phu 

  Đội sương gió trên bờ ruộng xanh 

Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo 

 Mình đồng da sắt không phai mầu…” 

[Phạm Duy] 

Và có phải ẩn trong tôi vẫn là những ước mong cho một ngày trở lại? Tôi sẽ mơ màng nằm trên thảm cỏ mướt xanh, nghe trong gió lời nhạc mênh mang bay xa, bay xa mãi tới tận cuối chân trời. 

“…Những bước chân trong hòa bình 

Mang những lời yêu trong gió xanh 

Bước hiển minh 

Đi nối liền hai cõi tử sinh 

Bàn chân êm trên đường quen 

Từ sông mê 

Qua bụi quên…” 

[Phạm Duy] 

Lê Chiều Giang