Phạm Vũ Thịnh: Tìm hiểu Công thức tính Quan-thuế Trump 2025

Chính quyền Trump công bố tăng quan-thuế nhập khẩu ngày 2 tháng 4, 2025, đối với từng quốc gia đối tác. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đứng ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, hớn hở tự hào giương cao một bảng quan-thuế to lớn liệt kê trên 200 quốc gia bị áp quan-thuế nhập khẩu “trả đũa – reciprocal” mới, mức tăng tối thiểu là 10% đối với các quốc gia bị thâm hụt mậu dịch so với Mỹ, và tăng cao hàng chục phần trăm đối với các quốc gia đã khiến cho Mỹ phải thâm hụt mậu dịch.
Cột số liệu đầu tiên trong bảng đó biểu thị mức quan-thuế mà Trump bảo là mỗi quốc gia khác đã đánh lên hàng xuất khẩu từ Mỹ đến nước họ, “kể cả các biện pháp rào cản mậu dịch và thao túng tiền tệ” gây thâm hụt mậu dịch cho nước Mỹ. Cột tiếp theo liệt kê các mức quan-thuế nhập khẩu trả đũa mới từ Mỹ.
Đưa ra ví dụ Liên minh châu Âu, Trump nói: “Họ lừa chúng ta. 39 phần trăm. Chúng ta sẽ tăng thuế trả đũa 20 phần trăm, như thế về cơ bản chúng ta chỉ tính thuế đáp trả họ khoảng một nửa thôi”.
(1) US Trade Representative (USTR) – Phòng Đại biểu Mậu dịch Mỹ đã công bố công thức tính “Reciprocal tariffs – Quan-thuế trả đũa” này. Và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã nói về công thức này trên đài CNBC, cho biết rằng: “Council of Economic Advisers – Hội đồng Cố vấn Kinh tế, cùng với Phòng Đại biểu Mậu dịch có đội ngũ khổng lồ gồm các nhà kinh tế học đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm”.
Dựa trên thông tin đã công bố ấy, có thể hiểu được như sau:
Đối với mỗi đối tác là Nước i, gọi:
x_i là kim ngạch xuất khẩu của Mỹ qua nước đó,
m_i là kim ngạch nhập khẩu từ nước đó vào Mỹ,
ε < 0 là độ co dãn về nhu cầu nhập khẩu do ảnh hưởng của phần tăng quan-thuế, cứ 1% tăng quan-thuế sẽ làm giảm đi ε% nhu cầu nhập khẩu,
φ > 0 là độ co dãn về giá hàng nhập khẩu do tăng quan-thuế, cứ 1% tăng quan-thuế sẽ làm tăng thêm φ% kim ngạch nhập khẩu,
∆τ_i là mức tăng quan-thuế cần thiết để trả đũa, tạo cân bằng mậu dịch.
Từ đó tính ra:
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Nước i hiện tại là (xuất khẩu) trừ (nhập khẩu): x_i – m_i
Mức giảm kim ngạch nhập khẩu của Mỹ nhờ tăng quan-thuế sẽ là (mức tăng quan thuế) nhân (độ giảm nhu cầu) nhân (độ tăng giá hàng nhập) nhân (kim ngạch nhập khẩu): ∆τ_i * ε * φ *m_i
Như thế, cân bằng mậu dịch xóa bỏ thâm hụt (theo kiểu Trump) là làm sao cho mức giảm kim ngạch nhập khẩu nhờ tăng quan-thuế phải cân bằng với thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Nước i, nghĩa là thực hiện phương trình [1] sau đây:
∆τ_i * ε * φ * m_i = x_i – m_i [1]
chỉ là một biểu-hiện tương đương rút ra từ công thức tính mức tăng quan-thuế cần thiết ∆τ_i đã được USTR – Phòng Đại biểu Mậu dịch Mỹ công bố trong hình ở đầu bài: ∆τ_i = (x_i – m_i) / (ε * φ * m_i)
Và các tham số trong công thức đã được họ thiết định như sau:
ε : Độ co dãn về nhu cầu nhập khẩu do ảnh hưởng của tăng quan-thuế được thiết định là -4
φ : Độ co dãn về giá hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của tăng quan-thuế được thiết định là 0,25
Lý do cần thiết định kiểu đó là vì họ muốn đơn giản hóa công thức tính, để 4 nhân với 0,25 bằng 1, hai tham số độ co dãn do tăng quan-thuế hóa giải triệt tiêu tác dụng của nhau, giúp cho công thức được rút gọn từ nguyên mẫu:
% tăng Quan-thuế nhập khẩu = (xuất khẩu – nhập khẩu) / (4 * 0,25 * nhập khẩu)
trở thành đơn giản chỉ là: ∆τ_i = (x_i – m_i) / m_i
% tăng Quan-thuế nhập khẩu = (xuất khẩu – nhập khẩu) / nhập khẩu
(2) Áp dụng vào trường hợp đối tác là China:
Theo Sở Thống kê – U.S. Census Bureau, năm 2024, Mỹ nhập khẩu 438,9 tỷ Mỹ kim hàng hóa từ China và xuất khẩu 143,5 tỷ Mỹ kim sang China. Tính ra theo công thức trên thì
% tăng Quan-thuế nhập khẩu = (143,5 – 438,9) / 438,9 = 0,673 (tức là 67,3%)
Nghĩa là, Mỹ cần tăng quan-thuế nhập khẩu lên hàng hóa China thêm 67,3% nữa, để “cân bằng” mậu dịch đối với China.
Do đó bảng Quan-thuế – Tariffs của Trump đã ghi 67% trong cột số liệu đầu tiên mà giải thích là mức quan-thuế China đã đánh lên hàng xuất khẩu từ Mỹ, để dựa vào đó mà tính quan-thuế trả đũa.
Rồi cột kế tiếp ghi mức quan-thuế nhập khẩu “trả đũa” mới của Mỹ đối với China mà Trump gọi là “Discounted tariff”, bằng khoảng một nửa trị số ở cột trước, chỉ còn 34% (nhưng chẳng giải thích là đã tính toán ra theo cách nào hay trên cơ sở nào mà chỉ trả đũa có một nửa thôi!).
Phần trên đây giải thích công thức tính quan-thuế theo công bố chính thức. Tìm hiểu thêm thì thấy có những điểm sai lầm nghiêm trọng như sau:
(3) Sai lầm về 2 tham số độ dãn nhập khẩu do tăng quan-thuế:
Trước tiên, thử tìm hiểu về tác dụng của tham số φ:
φ : Độ co dãn về giá hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của tăng quan-thuế được thiết định là 0,25. Độ co dãn này đo lường mức tăng quan-thuế truyền qua giá hàng nhập khẩu. Luận văn của Cavallo et al. (2021) – “Tariff Pass-Through at the Border and at the Store: Evidence from US Trade Policy” đã được viện dẫn để biện minh cho trị số thiết định 0,25, rằng “Kinh nghiệm gần đây về quan-thuế của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã chứng minh rằng ảnh hưởng của quan-thuế tăng truyền qua giá bán lẻ là thấp“. Trị số 0,25 ngụ ý rằng tăng quan-thuế chỉ truyền qua giá hàng nhập khẩu một phần nhỏ thôi, chỉ làm tăng thêm 25% trên giá hàng nhập khẩu, chứ 75% còn lại thì được hấp thụ bởi các nhà xuất khẩu nước ngoài thông qua việc giảm giá, và bởi những chỗ khác nữa trong chuỗi cung ứng muốn kiềm chế mức tăng giá để bán được hàng hóa.
Thế nhưng, đem φ = 0,25 nhân với kim ngạch nhập khẩu φ * m_i chứng tỏ đội ngũ Trump đã hiểu sai về tác dụng của tham số φ. Bởi lẽ:
φ * m_i mà φ = 0,25 thì hóa ra giá hàng nhập khẩu lại giảm đi chỉ còn bằng 25% giá cũ, trong khi thực tế là giá hàng phải tăng lên vì quan-thuế tăng!
Đúng ra thì phải là: (1 + φ) * m_i
tức là 1,25 * kim ngạch nhập khẩu
mới tính ra đúng ảnh hưởng của quan-thuế tăng khiến giá hàng nhập khẩu tăng thêm 0,25 (tức 25%) so với giá hàng cũ.
Tương tự như vậy, họ cũng đã hiểu sai ý nghĩa của tham số ε:
ε : Độ co dãn về nhu cầu nhập khẩu do ảnh hưởng của tăng quan-thuế được thiết định là -4: Độ co dãn này đo lường mức tăng quan-thuế ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu. Luận văn của Broda & Weinstein (2006) – “Globalization and the Gains from Variety” đã được viện dẫn để biện minh cho trị số thiết định -4, rằng: “Bằng chứng gần đây cho thấy độ co dãn ε này gần bằng 2 trong dài hạn, nhưng các nghiên cứu thận trọng hơn tìm thấy trị số cao hơn, gần bằng 3-4“. Thật ra thì các nghiên cứu ấy ước tính trị số ε nằm trong khoảng từ 0,37 đến 51,8 tùy theo hàng nhập khẩu thuộc loại nhu cầu ít co dãn như xăng dầu hay thuốc men vốn là nhu yếu phẩm không mua không được thì độ co dãn thấp dưới 5; còn nếu thuộc loại co dãn nhiều như thời trang hay dụng cụ điện tử không cần mua ngay thì độ co dãn cao trên 10. Trị số được họ chọn là -4 ngụ ý rằng ảnh hưởng mức tăng quan-thuế trên nhu cầu nhập khẩu chỉ là giảm đi 4% mà thôi.
Vậy mà sau đó đội ngũ Trump lại đem ε = -4 nhân với kim ngạch nhập khẩu ε * m_i chứng tỏ họ đã hiểu sai về tác dụng của tham số ε. Bởi lẽ:
ε * m_i mà trị tuyệt đối của ε là 4 thì hóa ra nhu cầu nhập khẩu lại tăng lên gấp 4 lần lượng nhập khẩu cũ! Là chuyện ngược đời không thể nào xảy ra được, bởi thực ra là nhu cầu phải giảm xuống chỉ còn 96% lượng nhập khẩu cũ, vì quan-thuế tăng!
Đúng ra thì phải là: (1 + ε) * m_i
tức là (1 – 4% = 0,96) * kim ngạch nhập khẩu
mới tính ra đúng ảnh hưởng của tăng quan-thuế khiến nhu cầu nhập khẩu phải giảm xuống 4% chỉ còn 96% so với mức nhu cầu cũ.
Như đã nêu trên đây, lý do đội ngũ Trump thiết định φ = 0,25 và ε = -4 hẳn là vì họ không tự tín vào khả năng có thể hiểu cho đúng tác dụng của hai tham số về độ co dãn ấy đối với kim ngạch nhập khẩu, nên đã phải chọn 2 trị số của φ và ε một cách khiên cưỡng tùy tiện từ trong phạm vi rất rộng các trị số lý thuyết của cả hai tham số đó như đã được đề cập trong các luận văn mà họ viện dẫn, cố làm sao cho hai tham số ấy nhân với nhau φ * ε thì thành 1, hóa giải / triệt tiêu tác dụng của nhau, để khỏi phải cân nhắc hai tham số ấy nữa.
Với thiết định kiểu đó, họ nghĩ là có thể đơn giản hóa phương trình [1], nhờ 4 nhân với 0,25 bằng 1, giúp cho công thức được rút gọn khỏi tác dụng của 2 tham số độ co dãn ấy. Thế nhưng, ε * φ không thể là 4 nhân với 0,25 bằng 1 được, bởi sự thật thì ε = -4% và φ = 25%, do đó:
ε * φ = 0,04 * 0,25 = 0,01
chứ chẳng thể nào bằng 1 như họ muốn!
Lại nữa, cho dù chấp nhận hai trị số thiết định φ = 0,25 và ε = -4 đi nữa, áp dụng vào trường hợp trả đũa China thì đúng ra vẫn phải tính là:
% tăng Quan-thuế nhập khẩu = (143,5 – 438,9) / (1 – 0,04) (1 + 0,25) * 438,9
hay đơn giản hơn:
% tăng Quan-thuế nhập khẩu = (143,5 – 438,9) / (0,96) * (1,25) * 438,9 = 0.56 (tức là 56%)
Kết quả đã phải là 56% chứ không phải 67% như họ đã tính sai mà đắc ý công bố trên bảng quan-thuế trả đũa. Tất cả các quốc gia bị trả đũa trên bảng quan-thuế đó đều bị tính sai mức tăng quan-thuế giống như trường hợp China.
(4) Ảnh hưởng toàn cầu:
Quốc gia nào cũng muốn thặng dư mậu dịch, nghĩa là đạt được tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tổng kim ngạch nhập khẩu, và chẳng ai muốn thâm hụt mậu dịch. Theo thường thức, muốn cán cân mậu dịch nghiêng về phía thặng dư thì cần cân nhắc và nỗ lực trên quy mô tổng kim ngạch bao trùm tất cả quan hệ mậu dịch với mọi quốc gia khác. Chứ cân bằng mậu dịch đối với từng quốc gia đối tác theo kiểu Trump 2025 là chuyện kỳ lạ hiếm có ai làm. Đáng lẽ nước Mỹ cần tăng mức xuất khẩu và giảm nhập khẩu đối với toàn bộ tất cả các nước, bằng cách nâng cao phẩm chất cùng số lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đồng thời giảm mua hàng ngoại, để tạo cân bằng theo thường thức, thì họ lại chỉ đơn thuần đơn phương tăng thêm mức quan-thuế nhập khẩu. Nghĩa là ép buộc mỗi đối tác đã làm cho Mỹ thâm hụt mậu dịch phải nộp thêm phần quan-thuế tăng sao cho “cân bằng mậu dịch” với Mỹ, bất kể đối tác ấy bán cho Mỹ bao nhiêu thứ hàng gì và mua lại từ Mỹ bao nhiêu loại hàng nào. Đó chỉ có thể là điều không tưởng do trí tưởng tượng ngang ngược của bạo chúa.
Các nhà kinh tế và chuyên gia về mậu dịch đã chỉ trích rằng cách tăng quan-thuế gọi là “reciprocal – trả đũa” này trừng phạt không cân xứng các quốc gia có thặng dư mậu dịch đối với Hoa Kỳ, đặc biệt tai hại cho các quốc gia đang phát triển, không đủ khả năng mua sản phẩm của Mỹ ở mức cao hơn.
Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng cách tiếp cận này thiếu cơ sở kinh tế hợp lý. Họ nêu lên rằng: không có lý do thực tiễn nào khiến mậu dịch lại phải cân bằng theo ý Trump là kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu phải bằng nhau giữa mỗi cặp quốc gia. Một quốc gia có thể nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu vì nhiều lý do, không nhất thiết liên quan đến mậu dịch không công bằng — chẳng hạn như quốc gia đối tác có thể trồng thực phẩm rẻ hơn nhiều do khí hậu của quốc gia đó, hoặc như trường hợp Lesotho, người dân nghèo quá không mua được nhiều hàng Mỹ trong khi chính phủ bán qua Mỹ kim cương.
Thế mà, chính phủ Mỹ lập luận rằng thâm hụt mậu dịch là bất công đối với Mỹ, và việc tăng quan-thuế sẽ giúp cân bằng mậu dịch. Trump đã phát biểu tại Vườn Hồng trước lá cờ Mỹ, rằng biện pháp tăng quan-thuế này là cần thiết bởi vì các quốc gia khác đang “lợi dụng” nước Mỹ bằng cách áp đặt quan-thuế cao và các rào cản mậu dịch khác đối với hàng hóa của Mỹ. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Trump bảo rằng “trong hơn 5 thập niên nay, nước Mỹ đã bị cướp giật, trấn lột, hãm hiếp và cưỡng đoạt bởi các quốc gia cả gần lẫn xa, cả bạn lẫn thù” (“the US had for more than five decades been looted, pillaged, raped and plundered by nations near and far, both friend and foe alike“). “Đây là tuyên bố độc lập kinh tế của chúng tôi.“; “Hôm nay, chúng ta đang đứng lên vì người lao động Mỹ và cuối cùng chúng ta đã đặt nước Mỹ lên hàng đầu“, “Hôm nay là một trong những ngày quan trọng nhất, theo tôi, trong lịch sử nước Mỹ“.
Tuyên bố này đã khiến nhiều nhà phân tích sửng sốt.
“Ông ta vừa thả một quả bom hạch-nhân vào hệ thống mậu dịch toàn cầu“, Ken Rogoff, cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói với BBC.
Cristián Bravo, giáo sư Trưởng khoa Nghiên cứu Phân tích về Ngân hàng và Bảo hiểm tại Đại học Western ở London, Ontario, nói với CBC News: “thật đáng ngạc nhiên” khi công thức này lại đơn giản đến vậy khi xét đến việc quan-thuế sẽ làm đảo lộn mậu dịch toàn cầu. “Thực tế là công thức được sử dụng để tính các mức quan-thuế này không dựa trên bất kỳ kiến thức kinh tế nào, mà thực sự cho biết đã đặt niềm tin sâu đậm vào quan-thuế như một công cụ, hơn là một kế hoạch kinh tế rõ ràng dựa trên những gì chúng ta biết về kinh tế“.
Cũng theo CBC News, Dmitry Grozoubinski, một cố vấn mậu dịch có trụ sở tại Geneva và là tác giả của cuốn sách “Tại sao các chính trị gia nói dối về mậu dịch, và những điều bạn cần biết” cho rằng “Công thức này thật điên rồ. Về cơ bản, họ muốn nói rằng ai bán cho Hoa Kỳ nhiều hơn so với mua từ Hoa Kỳ, thì chắc chắn đã làm điều gì đó không công bằng”.
Chuyên gia mậu dịch Grozoubinski nói: “Nhìn vào công thức, về cơ bản đó chỉ là một biến số chia cho một biến số khác, rồi nhân với 0,5. Có thể viết toàn bộ điều này vào mặt sau một vỏ bao bánh quy… Có vẻ như họ chỉ đang cố gắng che giấu sự thật rằng họ đã làm theo cách giản lược và lười biếng nhất có thể tưởng tượng được. Điều này được thực hiện một cách thô thiển và nghiệp dư đến mức tôi không tin tưởng được bao nhiêu rằng những người lãnh đạo nền kinh tế Mỹ đang thi hành công tác quản lý kinh tế một cách nghiêm túc xứng đáng với tầm vóc của vấn đề, vốn có những hàm ý gây ảnh hưởng lên tới hàng trăm tỷ đô la.”
Thông tấn quốc gia Úc ABC nhận xét: “Một đứa con nít cũng có thể tính toán được theo cách chính quyền Trump sử dụng để tạo ra mức quan-thuế trả đũa khổng lồ áp đặt lên các đối tác mậu dịch của mình.“
Quả vậy, đội ngũ Trump gọi đấy là quan-thuế “reciprocal – đối đáp, đối ứng, trả đũa” nhưng thật ra là đã chẳng kể gì đến mức quan-thuế mà đối tác đánh lên hàng nhập khẩu từ Mỹ cả. Chỉ là chuyện tăng quan-thuế đơn phương độc đoán dựa trên một cách tính thô thiển, cực kỳ đơn thuần chỉ nhắm vào thâm hụt mậu dịch, lại còn cố làm ra vẻ nghiêm túc khoa học, thậm chí làm bộ hàn lâm! Thực tế là họ đã tỏ thái độ cẩu thả khi tùy tiện thiết định các tham số để đơn giản hóa công thức; có thể nói là thiếu nghiêm túc, thậm chí dối trá. Các chuyên gia mậu dịch đánh giá về cách tính quan-thuế này là “insane – điên rồ“; “simplistic – thô thiển“; “Đội ngũ Trump đã tính quan-thuế trả đũa này bằng một cách tính quái đản – bizarre way“; “‘Thuế suất giả’ và toán học kém cỏi – ‘Fake tariff rates’ and shoddy math“; “Quan-thuế ngốc nghếch và rất có thể là bất hợp pháp của Trump không làm được gì ngoài việc phá hỏng thỏa thuận mậu dịch tốt nhất có thể – Trump’s idiotic and most likely illegal tariffs did nothing but screw up the best trade deal possible”.
Lại nữa, như đã đề cập và giải thích trên đây, đội ngũ Trump đã hiểu sai ý nghĩa và tác dụng của 2 tham số quan trọng trong công thức tính của họ, do đó đã tính sai tất cả các trị số quan-thuế mà Trump hân hoan tự hào công bố. Sai lầm lại rất là sơ đẳng về trị số -4% tức là -0,04, và tác dụng là (1 – 0,04) tức giảm xuống còn 0.96 chứ chẳng phải tăng gấp 4,…
Khổ nỗi kết quả tính toán sai lầm ấy của họ có thể gây ra tai hại lớn trên khắp thế giới, cho cả chính nước Mỹ và người dân Mỹ. Trên quy mô mà Trump đã khoe là sẽ thu được đến hàng ngàn tỷ – trillions Mỹ kim!
Hiện nay quan-thuế mới này còn bị bảo lưu trong vòng 90 ngày chờ xem có được thực thi toàn bộ, một phần hay thay đổi gì không. Báo chí nhiều nước liên tục cho tin về quan tâm và lo lắng ở khắp nơi trên thế giới về tai hại từ quan-thuế trả đũa này.
Nhật báo Sydney Morning Herald đã đăng ước lượng 15 tỷ Úc kim thiệt hại cho nước Úc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF ước lượng nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% vào năm 2025, giảm 0,5% so với Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) trước đó được công bố vào tháng 1. Tăng trưởng vào năm 2026 được dự báo sẽ đạt 3,0%, thấp hơn 0,3% so với dự báo trước đó.
Và kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ còn 1,8% vào năm 2025, giảm 0,9% so với dự báo hồi tháng 1. Tăng trưởng cho năm 2026 dự kiến sẽ giảm xuống mức 1,7%.
Tax Foundation ước tính rằng quan-thuế mới này sẽ làm mức thu nhập sau thuế – after tax income của người Mỹ, trung bình giảm mất 1,2% và khiến cho mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi trả thêm tương đương với thuế tiêu thụ tăng thêm 1.243 Mỹ kim, trong năm 2025.
Tìm hiểu về lý do, ý nghĩa và cơ sở của các mức quan-thuế trả đũa này vẫn còn cần thiết.
Phạm Vũ Thịnh
Sydney 09/05/2025
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.