Truyện ngắn Trần Doãn Nho: Người chú

(LTG: Đây là sáng tác đầu tiên của tác giả khi ra định cư ở hải ngoại, được đi trên Văn Học (California) số 99, phát hành tháng 7/1994. Dù dựa vào một số tình tiết có thật, truyện ngắn này hoàn toàn là sản phẩm của hư cấu).
Khi Phạm bước ra khỏi phòng họp, bí thư đảng ủy đi theo, vỗ vai, giọng thân mật:
– Thằng con anh độ này ra sao? Hắn đã chịu đem vợ con về ở với anh chưa?
Chàng quay lại:
– Về được vài tháng rồi, nhưng ngó bộ cũng tính nào tật đó, con vợ vẫn hỗn, còn hắn thì vẫn bênh vợ.
Bí thư cười:
– Thôi làm lơ đi anh ơi, mình cần bọn chúng, chứ bọn chúng đâu có cần mình nữa.
Sánh vai nhau bước xuống tầng cấp sở công an, bí thư đảng ủy trở lại vấn đề của buổi họp vừa xong:
– Thôi ráng nghe đồng chí Phạm. Tôi biết đồng chí cũng khó xử với vụ này lâu lắm rồi. Chỉ còn một hôm nay nữa thôi. Các anh trên cũng như tôi hoàn toàn tin ở đồng chí. Sự nghiệp chiến đấu bao nhiêu năm chẳng lẽ vì một chút tình cảm nhỏ mọn để bị ảnh hưởng.
Chàng đứng lại, nhìn thẳng vào mặt bí thư đảng ủy:
– Đồng chí khỏi động viên tôi. Đồng chí cứ yên tâm. Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Đồng chí về phòng đi. Tôi lên nhà lao sắp xếp mọi việc.
Phạm bước vội ra chiếc xe con đang chờ sẵn ngoài sân, hối tài xế chạy gấp về nhà lao, nơi chàng làm việc. Vừa xuống xe, chàng bước vội qua hai cánh cửa cổng, quên cả chào trả hai người bảo vệ đứng nghiêm chào. Vứt chiếc cặp xuống bàn, chàng mở ra, lấy bức điện khẩn có đề hai chữ “tối mật” bằng mực đỏ, đọc lại một lần nữa, rồi đặt vào tủ khóa lại. Như sợ còn chưa kỹ, chàng lấy băng keo dán thêm một lớp phía ngoài, ký tên vào. Chàng ngồi phịch xuống ghế, rút điếu thuốc Jet[1] châm hút, mắt nhìn chằm chằm lên trần nhà, cố hướng ý nghĩ chàng vào một việc khác, nhưng không được. Cuộc họp đảng ủy sáng nay về bức điện khẩn cứ như dính chặt trong đầu chàng, không cách gì dứt bỏ ra được, dù chỉ một chốc. Chàng xoay xoay người trên ghế, trằn lui trằn tới, xoay qua xoay lại, nhưng vẫn không có vị trí nào thoải mái. Cuối cùng, chàng phải đứng dậy. Ðiếu thuốc mới hút được một nửa, chàng vứt đi, rút thêm một điếu khác, châm lửa. Lòng chàng bứt rứt, bồn chồn như có con gì bò lui bò tới trong bụng.
Một hồi lâu, chàng lên tiếng gọi:
– Thuấn đâu?
Một công an chạy vào:
– Dạ thưa thủ trưởng, có em.
– Sáng nay, tổ chức thăm nuôi chu đáo chứ?
– Dạ, báo cáo thủ trưởng, chu đáo lắm.
– Bao nhiêu phạm nhân được thăm nuôi?
– Dạ, báo cáo, mười một.
– Thường phạm cả?
– Dạ chín thường phạm, hai cải tạo.
– Có ai ở phòng biệt giam không?
– Dạ có, một, tên Hoàng Ðình Cung.
Chàng giật thót người:
– Cung tử hình hả? Ai thăm vậy?
– Mẹ và em gái.
– Có khóc lóc, van vỉ gì không?
– Dạ không.
– Gửi đồ ăn gì?
– Dạ, một bịch cơm, thẩu thịt kho, hai gói thuốc, và một bình thuốc bổ.
– Khám kỹ chưa?
– Báo cáo, rồi.
– Chỉ đem đồ ăn vào cho hắn, các thứ khác thì giữ lại. Này, đưa tao gói thuốc.
Phạm đưa tay lấy gói thuốc tay công an đưa, bỏ túi, rồi đi vào bên trong. Qua khỏi hai lần cửa có lính canh, mới đến khoảng sân. Sân lát xi măng, khá rộng. Ðứng từ sân nhìn lên là một khoảng trời rộng mở. Bọc quanh nhà lao là những bức tường đá kiên cố cao hơn hẳn mái nhà, trên đầu tường lởm chởm vô số miểng thủy tinh nắng chiếu lấp lóa chen chúc giữa những cọc sắt to, nhọn chĩa lên trời đan xen trong những vòng thép gai rỉ sét. Không gian như chật lại, đông cứng với những chấn song im lặng nặng nề. Một vài tù nhân đang quét sân. Ở góc nhà bếp, hai tù nhân khác ngồi gọt vỏ sắn. Một công an đi vòng vòng, tay luôn đặt trên khẩu súng ngắn lủng lẳng bên hông. Trên góc tường cao phía bờ sông, một công an khác ngồi im lìm trong cái chòi đá nhỏ, mũi súng dài chĩa ra bên ngoài. Mấy cành phượng với một vài chùm bông đỏ ối vươn qua tường, rủ xuống bên trong, thỉnh thoảng gió đẩy vướng vào các khoanh thép gai.
– Chào cán bộ!
– Chào cán bộ!
Chàng gật đầu đáp lại lời chào của hai tù nhân, đi thẳng đến một tù nhân già lụm khụm đang cầm chổi quét:
– Anh Huy, khỏe chứ?
– Dạ thưa cán bộ, khỏe.
– Năm nay tôi có đề nghị giảm án cho anh.
Tù nhân hỏi:
– Hy vọng giảm được bao nhiêu cán bộ?
– Thì một, vài năm.
Tù nhân cười:
– Tôi từng này tuổi thì giảm vài năm e cũng vậy thôi. Chung thân cũng là chung thân.
– Năm nay anh bảy mốt hay bảy hai?
– Dạ, bảy hai.
– Rán cải tạo tốt đi rồi đề nghị giảm án tiếp, hy vọng cũng có ngày về sống với vợ con.
– Cám ơn cán bộ.
Phạm lại rảo bước quanh sân, đi ngang hội trường, xuống khu nhà bếp. Lặng lẽ. Thỉnh thoảng có tiếng chim hót đâu đó trên bờ tường hay tiếng một chiếc xe gắn máy chạy ngang qua, nghe xa xa đâu đó phía ngoài đường cái. Tự dưng, chàng nhớ đến những ngày tháng xa xưa, hồi chàng bị giam, cũng tại nhà lao này. Mới đó mà cũng đã ba mươi mấy năm. Khu nhà lao này trông vẫn cũng chẳng khác mấy với hồi đó. Chỉ có cái sân được lát gạch đàng hoàng hơn và khu hội trường lớn hơn. Nghe nói nhà lao được tu sửa lại thời Ngô Ðình Diệm. Chàng chợt bật cười khi nghĩ rằng mình đã từng là tù nhân ở đây. Chỉ khi về đây làm trưởng lao, chàng mới chợt nhớ đến những tháng ngày tù tội cũ. Hồi đó, chàng bị bắt đâu chỉ có gần hai tháng vì tình nghi tiếp tế cho Việt Minh, sau được một người bà con làm mật thám bảo lãnh cho ra sớm. Thực ra, chàng chẳng ưa gì cái nghề trông coi tù nhân này và nhiều lần, chàng định xin đổi đi ngành khác, nhưng nghĩ lại ở đâu quen đó, nên thôi. Vả lại, công việc ở đây càng ngày càng nhàn hạ, nhất là sau khi các nhóm và các ổ phản động địa phương lần lượt bị chính quyền cách mạng triệt phá. Có điều, lần này chính cái chức trưởng lao lại làm chàng bối rối.
Quay trở lại vào hành lang, chàng gọi:
– Bảo đâu?
Một công an từ phòng trong chạy ra, khẩu súng ngắn đeo bên hông lủng lẳng:
– Báo cáo thủ trưởng, em đây.
– Cho tao vào khu biệt giam.
Anh công an tuân lệnh, đi trước, tay đút túi quần, lấy ra chùm chìa khóa, lần lượt mở hết lớp cửa này đến lớp cửa khác. Chàng đi sau, đưa mắt quan sát các phòng. Phòng y tế, phòng mộc, khu tù hình sự, khu tù có án, khu tù cải tạo. Càng đi sâu vào, không khí càng lạnh lùng, vắng lặng. Qua khỏi phòng kỷ luật là đến khu biệt giam. Ðây là khu dành để nhốt những tù nhân nguy hiểm và những tù nhân có án tử hình đang đợi lệnh ân xá hay đang chờ ra pháp trường. Khu chia ra nhiều phòng. Nói phòng, chứ thực ra là những cái hộp đá kiên cố, phẳng phiu, một nửa nằm sâu dưới đất. Bên trên mỗi hộp có một ô vuông nhỏ rộng chỉ vừa đủ để đưa đồ ăn vào. Ở đây hầu như không có ánh sáng. Một bóng điện với thứ ánh sáng mờ đục treo ở cuối hành lang chỉ đủ để soi lối đi. Tới trước một cái “hộp”, chàng dừng lại:
– Mở khóa, đưa cái đèn pin cho tao.
Người công an mở khóa. Đẩy cánh cửa sắt nặng nề, chàng bước xuống mấy tầng cấp, đưa tay bịt mũi để tránh hít phải cái mùi hôi đặc biệt từ trong “hộp” tỏa ra. Trong ánh sáng nhờ nhờ, chàng nhìn thấy một tù nhân ngồi dựa vào tường, bất động. Chàng bấm đèn pin rọi khắp trên dưới, rồi chiếu vào tù nhân. Tù nhân cựa mình, ngẩng đầu nhìn lên, rồi như bị chói mắt, anh ta cúi xuống, dụi đầu vào vai. Chàng dọi đèn đi chỗ khác. Tù nhân ngước mắt, giọng yếu ớt:
– Chào… cán… bộ.
Chàng hỏi lớn:
– Tao đây, Cung, à… chú đây.
Ðôi mắt tù nhân như sáng lên:
– Trời, chú…
– Ừ, trong người có khỏe không?
– Dạ, cũng vậy. Chú ơi, đã có lệnh giảm án chưa chú?
Ông nhanh nhẩu:
– Chưa, nhưng cũng sắp.
– Có… có… hy vọng nhiều không chú?
– Sao lại không hy vọng. Tội như trời mà chủ tịch nước còn giảm án, huống hồ trường hợp mày, à… trường hợp cháu. Này Bảo, mở cái cùm tay phải cho hắn đi.
Người công an tra chìa khóa mở cái cùm sắt tay phải, rồi lùi ra, tay đặt lên khẩu súng.
– Nới luôn cùm chân một chút đi.
Người công an lại đến mở cùm chân, nới rộng ra, rồi lùi ra, rút súng hẳn khỏi bao, cầm tay đề phòng bất trắc. Cung co duỗi tay chân thoải mái. Phạm rút gói thuốc Tam Đảo, lấy một điếu châm lửa, rồi đưa cho Cung.
– Hút đi cháu.
Cung đặt điếu thuốc trên môi, hít một hơi dài, sảng khoái.
– Trời, đã quá chú ơi!
– Mạ cháu với con Liên có tới thăm nuôi sáng nay. Chốc nữa, tụi hắn đem đồ ăn vào. Chiều nay, hớt tóc, đi tắm. Không có gì phải lo lắng. Năm nay, án tử hình khá nhiều, nên chủ tịch nước xét dần. Cháu còn đến hai tháng nữa mới hết hạn. Chú nghĩ là lệnh giảm án cháu sẽ ký trước lễ quốc khánh.
Cung hút hết điếu thuốc, xin thêm một điếu nữa.
– Còn mấy đứa khác? Con Bé-em đã đi học chưa?
– Thường cả. Bé-em đi mẫu giáo. Mà thôi, cháu lo gì chuyện bên ngoài. Ráng giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt để được giảm án lần lần.
Cung cười đau đớn:
– Cháu bị cùm đêm, cùm ngày thế này thì giữ gìn sức khỏe với cải tạo tốt thế nào được chú.
Chàng cười chống chế:
– Thì chú nói tương lai kìa. Bây giờ theo chính sách, cháu phải tạm chịu như thế này cho đến khi có lệnh giảm án xuống chung thân. Lúc đó, cháu sẽ được chuyển về các phòng khác hoặc ra lao động bên ngoài.
Giọng Cung chán nản:
– Cứ thế này, cháu muốn họ đem cháu ra bắn quách cho được việc.
Chàng mắng yêu:
– Nói tầm bậy, tầm bạ không hà!
Chàng đứng dậy, đưa tay vuốt tóc đứa cháu, dịu dàng:
– Thôi, chú ra. Ðừng lo gì hết.
Cung nhìn lên:
– Chú… đi rồi sao?
– Ừ, chú phải đi họp bây giờ.
– Giờ là sáng hay tối vậy chú?
– Trưa.
Chàng định bước ra thì Cung gọi giật lại:
– Chú ơi!
Chàng quay lại. Cung nói:
– Có cách gì chú cho cháu gặp ba mạ cháu một lần nữa được không? Cháu lạy chú, giúp cháu với.
– Thì mai mốt được giảm án, rồi muốn gặp mấy chẳng được.
– Tự nhiên… cháu có linh tính… cháu cảm thấy như chẳng bao giờ gặp lại ba mạ cháu nữa.
Chàng nạt yêu:
– Cứ nói tầm bậy không hà!
Giọng Cung tha thiết:
– Thiệt chú à, chú giúp cháu đi.
– Thôi được, để chú hỏi lại trên Ty xem sao.
Cung im lặng, buồn bã đưa tay, chân cho tay công an cùm lại. Chàng bước ra ngoài, không quay nhìn lại. Chàng đi một mạch thẳng tới văn phòng như muốn thoát cho mau khỏi cái nặng nề, u ám của khu biệt giam. Ðúng hơn, chàng muốn trốn khỏi đứa cháu. Ðã hơn một năm nay, chàng mất ăn mất ngủ vì nó. Trong suốt cuộc đời phục vụ của chàng trong ngành công an, chưa bao giờ chàng phải đối phó với một hoàn cảnh éo le như thế này.
Cung gọi chàng bằng chú ruột, bị kết án tử hình vì tội cướp giựt và bắn trả lại công an khi bị truy đuổi. Khi Cung mới bị bắt, chàng cho rằng cùng lắm hắn chỉ bị kết án mươi, mười lăm năm tù. Cho nên, mặc cho anh ruột chàng lui tới năn nỉ, ỉ ôi, bà con dòng họ dùng tình cảm làm áp lực, chàng vẫn làm ngơ vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ngày tòa xử, chàng xin đi Hà Nội công tác để tránh mặt. Chẳng ngờ, do tình hình trật tự trị an tại địa phương thời gian đó xấu đi do quá nhiều vụ việc phản động, cướp giựt, nên tỉnh ủy chỉ thị cho tòa án kết án tử hình một vài người để làm gương, trong đó có Cung. Bản án bất ngờ làm chàng choáng váng. Thế rồi, do bà con đến làm dữ, chàng miễn cưỡng chạy quanh thăm dò. Ðảng ủy cơ quan động viên chàng không nên hốt hoảng, giải thích rằng đây là một bản án “làm gương” thôi, sau này, chủ tịch nước và quốc hội sẽ giảm án. Có người bắn tiếng là muốn mọi chuyện êm xuôi tại địa phương thì “lo” bốn cây vàng. Chàng làm lơ, vì chuyện chạy chọt, đút lót chàng không rành, hơn nữa, chàng sợ ảnh hưởng. Vả lại, số tiền quá lớn, anh chị chàng không cách gì lo nổi. Bán hết cả nhà đất, tài sản cũng chưa được một cây. Bởi vậy, chàng động viên anh chị chàng và bà con yên tâm chờ đợi lệnh giảm án của trung ương. Thế nhưng, sáng nay, đảng ủy triệu chàng về họp, cho hay đơn xin ân xá của Hoàng Ðình Cung, cháu chàng, đã bị trung ương bác. Tội nhân Hoàng Đình Cung phải ra pháp trường ngay sáng sớm ngày mai!
Ðến phòng làm việc, chàng đóng cửa lại, ngồi thừ người ra. Chàng cố xua đuổi hình ảnh thê thảm của đứa cháu trong phòng biệt giam ra khỏi đầu óc. Nhưng hình như càng xua đuổi, khuôn mặt nhợt nhạt của nó như hiện rõ mồn một trước mắt chàng. Chàng không thương nó lắm, mà cũng chẳng giận nó nhiều. “Hắn làm hắn chịu”, chàng nghĩ. Mặc dầu là chú ruột, sự nghiệp nhiều năm của chàng cũng chẳng chịu ảnh hưởng nhiều lắm vì tội lỗi của nó. Nhưng điều phiền hà là ăn làm sao nói làm sao với anh chàng, với bà con tông tộc đây. Một người làm quan, cả họ được nhờ. Huống chi, chàng lại là một thiếu tá công an. Ở thời buổi mà việc gì cũng phải có chữ ký của công an, làm sao bà con họ hàng chàng không tới nhờ vả, kêu réo.
Nhưng rồi, Phạm bình tĩnh trở lại. Chức năng nghề nghiệp không cho phép chàng bối rối. Không thể để cho thứ tình cảm tiểu tư sản đó ảnh hưởng vào công việc. Trong cái nghề của chàng, luôn luôn giữ một trái tim lạnh lùng là yếu tố hàng đầu. Kinh nghiệm của mấy chục năm làm công an cho thấy, mọi sơ hở thường bắt nguồn từ sự thương xót hoặc cảm thông không đúng chỗ. Chàng còn nhớ như in lần đầu tiên chàng thi hành công tác, chỉ hai ngày sau khi chàng được tuyển vào ban ám sát bí mật của công an xã. Hồi đó, các anh trên giao cho chàng đi ám sát một người đàn bà tình nghi làm tề điệp cho Pháp. Dù chị này là bà cô trong họ của chàng, nhưng chàng vẫn hăng hái nhận lời, vì cách mạng đã dạy lợi ích của cách mạng là trên hết. Ấy vậy mà khi tiếp cận được với đối tượng, tự dưng chàng cảm thấy tội nghiệp và chợt nghĩ đến tình máu mủ. Vì thế, chàng có phần lơi tay khi phang chiếc rựa ngang đầu người đàn bà, khiến chị ta còn kịp la một tiếng. Chiếc đầu cũng chưa đứt hẳn. Chàng hốt hoảng chạy trối chết. Về sau, trong những lần công tác khác, khi thì bắn, khi thì đâm, khi thì đập cuốc trên đầu, chàng gạt bỏ mọi tình cảm cá nhân ra ngoài, bình tĩnh thi hành công tác. Có lệnh là làm, làm một cách lạnh lùng, không thương không xót, không thắc mắc, không do dự, trù trừ. Cái chết của bản thân phải xem thường. Cái chết của người khác còn phải xem thường hơn. Nhất là sau này, khi được biên chế về quản lý tù nhân, có nhiều trường hợp đánh động vào vấn đề tình cảm, nhưng sự dửng dưng đã trở thành bản tánh của chàng. Vì không phải ai cũng đều thật sự có tội. Ðã thế, không có một biên giới rõ ràng nào giữa có tội và vô tội. Cho nên, dù biết oan khuất lúc nào cũng chập chùng trong nhà lao, nhưng chàng xem đó là chuyện rất bình thường.
Ðể quản lý cho tốt những kẻ bị bắt, chàng phải biết thật rõ hoàn cảnh, tâm tình của từng cá nhân và phản ứng quen thuộc của mỗi người. Ðặc biệt là đối với những kẻ bị án tử hình. Hồi còn ở trong rừng thì mọi chuyện khá đơn giản, vì tội nhân chẳng cần phải tuyên án. Thấy cần, thì dẫn ra một nơi vắng vẻ nào đó bắn bỏ, không báo trước. Sau này, khi về thành rồi, phần nào cũng phải có luật, có lệ, nên tù nhân nào cũng biết được bản án dành cho mình. Hao tâm tổn sức nhất là quản lý các tù nhân bị án tử hình. Thường thường, khi bị kết án tử hình, tù nhân trở nên một người khác. Tâm lý hoàn toàn không ổn định. Do thế, biện pháp tốt nhất là hứa hẹn, hứa hẹn cho đến phút cuối cùng, trước khi dẫn ra pháp trường. Tóm lại, không bao giờ để cho tù nhân tuyệt vọng. Chàng chẳng ngờ biện pháp đó bây giờ chàng lại áp dụng đối với cháu chàng. Chàng đã chịu đựng bao lâu nay rồi. Chỉ cần thêm một buổi chiều và một buổi tối nữa thôi. Ðứa cháu ấy, chàng đã từng ẵm bồng hồi còn nhỏ. Dù gì đi nữa, nó cũng là cháu chàng. Nhưng dù gì đi nữa, chàng cũng không thể làm khác hơn. Pháp bất vị thân mà, chàng tự an ủi.
Chàng mở tủ, lấy hồ sơ Hoàng Ðình Cung và cẩn thận kẹp thêm cái lệnh khẩn vào, rồi cất kỹ. Chàng gọi nhân viên, phân phối công việc như thường lệ. Ðồng thời kín đáo chuẩn bị mọi việc cho buổi hành hình sáng mai. Việc hành hình là tối mật, phải được giữ kín cho đến giờ phút cuối. Chàng gọi điện xuống Ty, xem thử có gì thay đổi không. Và trước khi ra về, chàng lặng lẽ vào phòng biệt giam, rọi đèn nhìn cháu chàng một lần nữa.
Chàng bước lên xe về nhà, dặn vói với anh bảo vệ:
– Nhớ nhắc đồng chí thủ phó là có gì bất thường, điện cho tôi ngay. Tối này tôi ở nhà một bữa. Sáng mai tôi đến sớm.
*
Vừa bước vào nhà, chàng giựt mình vì thấy người anh và người chị dâu đang ngồi đợi.
– Chào anh chị.
– Chú đi làm về.
Chàng ngồi xuống cạnh giường, vào đề ngay:
– Có chuyện gì không anh chị?
Bà chị dâu lên tiếng:
– Thì chú thay áo quần đi đã, làm gì mà vội thế.
Chàng nói dối:
– Thú thật, em kiếm vài ba miếng gì ăn, rồi tranh thủ đi công tác ngay.
Người anh hỏi:
– Thế nào chú? Ðã có tin chi về lệnh giảm án cho cháu chưa?
– Chưa, anh à.
– Có hy vọng gì không chú? Chú có cách gì vận động giùm cho cháu. Anh chị chỉ có một mình nó là con trai. Không lẽ như chú mà…
– Thì em đã thưa với anh chị rồi, trước sau gì cũng có lệnh giảm án thôi. Anh chị cứ lo vớ vẩn.
Không để ý gì đến lời trấn an đó, người anh vẫn than van:
– Tức thiệt là tức! Nếu là có giết người gì cho cam. Ðằng này chỉ cầm súng bắn bừa. Một vết xước cũng không có. Thế mà chết mới oan. Sao mà dễ tử hình thế.
Chàng im lặng. Những lời than van như vậy, chàng nghe tràn tai. Chàng đã giải thích nhiều lần, hứa hẹn nhiều lần rồi, nhưng anh chị chàng đâu chịu nghe. Anh chị chàng vẫn cho rằng, mọi chuyện xảy ra là vì chàng không thương đứa cháu. Nhiều lúc, quá bực mình, chàng định nói thẳng với người anh rằng một con người như thằng Cung là không đáng sống vì chẳng có ích gì cho xã hội hết. Hắn đã bị bắt vào tù từ hồi còn chế độ cũ, đến khi cách mạng lên, lại bị bắt thêm vài lần nữa, nhưng chứng nào vẫn tật đó, không hề thay đổi. Ðó là một loại người “không thể cải tạo” được, theo chàng. Nhưng chàng không dám nói. Chàng sợ há miệng mắc quai. Lâu nay, bà con dòng họ chàng vẫn bêu riếu là chàng đi theo cách mạng bao nhiêu năm, chẳng lo gì đến mồ mả tổ tiên, giỗ chạp, cúng kỵ. Lúc đầu chàng phản ứng giận dữ. Nhưng rồi, thấy bà con dần dần im lặng xa lánh chàng, chàng mới chợt nhận ra rằng mình sẽ bị cô lập hoàn toàn, nếu cứ tiếp tục thái độ cứng rắn như vậy. Chàng xuống nước dần và cuối cùng, chịu khuất phục. Mỗi lần về làng hay gặp bà con trong họ, chàng không dám xổ ra cái giọng “cách mạng” như trước nữa. Càng lớn tuổi, chàng càng cảm thấy mình cần đến bà con tông tộc, đến mồ mả, giỗ chạp, làng nước.
Người chị dâu thổn thức:
– Chú nỡ lòng nào nhìn đứa cháu chết thảm. Chú có còn nhớ, chú đã từng bồng ẵm hắn trên tay. Hồi chú bị Tây bắt, tui cũng đã từng bồng cháu lên thăm chú, chú nhớ không? Vợ chồng tui có đòi hỏi gì chú nhiều đâu. Tội của nó đâu có đến nỗi phải tử hình. Tui không hiểu cái tội gì gọi là tội “không thể cải tạo” được. Cách mạng nói “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, mà cái thằng Cung tui, cách mạng lại thua đến nỗi chỉ có cách là giết nó đi. Sao lạ lùng thế!
Phạm im lặng. Chàng lặng lẽ châm hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, chịu trận ngồi nghe. Than van một hồi, cuối cùng, người chị dâu lấy khăn chặm nước mắt, nói:
– Sáng nay tui có vô thăm nuôi. Chú có ghé thăm hắn không?
– Có, em mới ghé chiều nay. Cháu vẫn khỏe.
– Cháu có ốm lắm không?
– Thường thường vậy thôi. Em vẫn dặn tụi nó lo cho cháu đầy đủ.
Người anh nói:
– Ðầy đủ thì cũng là cơm tù.
Người chị dâu cười:
– Không cơm tù thì ăn cơm gì bây giờ. Nói cho vui, chứ có chú lo vẫn đỡ hơn.
Nhích lại gần chàng, người chị dâu hạ giọng:
– Vợ chồng tui định nhờ chú một việc. Việc này theo tui, nếu chú thực tình thương cháu, thương vợ chồng tui thì không có gì khó. Liệu chú có giúp không?
– Việc gì anh chị cứ nói.
Người chị dâu đưa mắt nhìn chồng. Ngần ngừ một lát, người anh nghẹn ngào nói:
– Không giấu gì chú, mấy tháng trước đây, thằng Cung có nhắn về với vợ chồng tôi là tìm cách gửi cho nó một sợi dây đàn… hoặc ít viên thuốc độc. Vợ chồng tôi cho là nó quẫn trí nghĩ bậy. Nhưng gần đây, nó lại nhắn là nếu… thương nó thì tìm mọi cách gửi vô. Vợ chồng tôi… cắn đắn nhau mãi về chuyện này, vì dù sao vẫn còn hy vọng là cháu sẽ được giảm án thành chung thân. Hơn nữa, ai lại gửi thuốc độc vô…cho con bao giờ. Chẳng lẽ mình lại đi đầu độc…nó. Trời ơi! Có ai gặp phải trường hợp như tôi không? Nhưng nghiệm đi nghiệm lại, thấy cháu cũng có lý. Tôi chẳng thấy mấy ai bị tử hình mà được giảm án bao giờ. Nhà nước ta thì bao giờ cũng hứa, hứa cho qua chuyện. Thôi thì thà để cho cháu tự xử lấy còn đỡ khổ hơn là đợi người ta đem đi bắn. Thế là… mấy lần… thăm nuôi rồi, tôi…tôi…tôi tìm cách giấu đút gửi vô cho cháu mấy thứ … mấy thứ…nó cần, nhưng…nhưng….nhưng mấy người bảo vệ lục soát quá, nên đành chịu…
Nói đến đó, giọng người anh nấc lên. Bà chị dâu khóc theo.
Thấy anh chị khóc, chàng cũng bùi ngùi. Nhưng những tiết lộ của người anh khiến chàng giựt nẩy mình. Thế là chàng quá sơ sót trong việc quản lý tù nhân. Một chuyện tày trời như thế này mà đến bây giờ chàng mới biết, mà cũng là biết do người anh nói ra. Chàng hoàn hồn. May thật! May cho cả sự nghiệp của chàng. Chàng cảm thấy bối rối, nhưng vội vàng trấn tĩnh. Người anh lau nước mắt, bình tĩnh nhìn thẳng mắt người em, nói tiếp:
– Tôi biết trách nhiệm chú lớn, chú không muốn có việc gì ảnh hưởng đến sự nghiệp của chú. Nhưng theo tôi, nếu chú thương cháu, chú vẫn tìm cách này hay cách khác gửi giúp vào. Giả dụ như ngày thăm nuôi, chú nói mấy đứa bảo vệ dễ dãi, rồi chú lánh mặt đi, giả đò đi công tác chẳng hạn…
Chàng ngắt ngang:
– Sao anh chị lại nghĩ quẩn vậy. Nó còn đến hai tháng nữa mới hết hạn lệnh giảm án. Mà em chắc chắn là nó sẽ được giảm án.
– Nhà nước cách mạng làm nhiều cái bất ngờ lắm, không ai hiểu nổi đâu. Nói có mà không, rồi nói không mà có. Chắc chú hiểu quá rõ, vì chú từ trong lò cách mạng ra. Tôi chỉ mong chú thương cháu, thương vợ chồng tôi.
Chàng cười:
– Ai lại thương con, thương cháu mà đưa thuốc độc để nó tự tử bao giờ.
Ngừng một lát, chàng tiếp:
– Còn nói chuyện đưa thuốc vào. Cái này, đối với em không có gì khó. Có điều, em giả sử, sau khi thằng Cung tự tử và chết đi, pháp y lên khám nghiệm, họ sẽ tìm ngay ra nguyên nhân. Lúc đó thì em là người đầu tiên lãnh đủ. Và kế đó là anh chị. Luật pháp không dung thứ chuyện để cho một người bị tử hình lại chết trước khi ra pháp trường. Chưa chừng, người tiếp tay sẽ lãnh án thế tử tội nữa đó. Em nói đây chẳng phải chỉ riêng cho luật pháp cách mạng mà thôi đâu. Luật pháp nước nào cũng vậy hết. Anh chị cứ suy nghĩ kỹ mà xem.
Người anh định nói thêm, nhưng cảm thấy sao đó, lại im lặng, ngồi nhìn xuống đất. Người chị dâu tức tưởi:
– Cái gì nói với chú cũng đâm ra thành khó khăn. Khổ ơi là khổ, muốn con sống không được, giờ muốn con…chết cũng không xong.
Nhìn sang chồng, bà đay nghiến:
– Tui đã nói rồi, mắc mớ chi mà phải nói với chú. Ðã không giúp, lại còn dọa nữa. Chú ấy là công an, chú ấy chỉ biết có đảng, làm gì biết đến bà con, dòng họ.
Chàng cố trấn tĩnh, ôn tồn nói:
– Chị đừng nói vậy. Cái gì em làm được là em làm liền. Anh chị đừng đẩy em vào chỗ khó xử.
Người chị dâu đứng dậy:
– Tụi tui làm gì mà dám “đẩy” chú. Tụi tui đến xin, đến năn nỉ chú, chứ có dám làm gì đâu.
– Chị đừng chua chát với em mà tội. Anh chị cứ yên tâm, em chắc chắn chỉ trong tháng này là có lệnh giảm án cho cháu thôi. Anh chị biết là sắp đến lễ Quốc khánh rồi mà. Khi án giảm thành chung thân, em sẽ tìm cách gỡ dần cho nó.
Người anh cũng đứng dậy, thở dài:
– Lúc nào cũng nghe chú nói sẽ, sẽ, sẽ… thà chú nói thẳng chú không giúp, chú không làm, chú sợ mất chức. Từ ngày cách mạng về, tôi cứ nghe mãi chú sẽ, chú sẽ, sẽ… Thôi, tụi tôi về.
Hai vợ chồng giận dỗi đi ra. Chàng im lặng tiễn anh chị chàng ra cửa. Chàng nói:
– Anh chị không hiểu nỗi khổ tâm của em, anh chị nói thế. Mà thôi, phận làm em, anh chị nói sao, em chịu vậy.
Ngừng một lát, chàng nhắc lại một câu động viên thường lệ:
– Anh chị cứ yên tâm. Cháu sẽ có lệnh giảm án nay mai thôi.
*
Hai vợ chồng người anh ra rồi, chàng vào nhà rửa ráy mặt mày sơ sài, gọi điện bảo tài xế chở chàng trở lại nhà lao. Chàng giở sổ thăm nuôi ra, rà soát lại mấy chục lần thăm nuôi trước của gia đình cháu chàng, các loại thức ăn, thuốc men, áo quần mang vào mang ra, tên các nhân viên dưới quyền chàng phụ trách kiểm tra thăm nuôi. Chàng viết lệnh triệu tập buổi họp khẩn cấp toàn thể cán bộ phục vụ tại nhà lao vào chiều mai. Lời tiết lộ của vợ chồng người anh khiến chàng toát mồ hôi hột. Chàng muốn tìm xem chàng đã sơ suất trong khâu nào khiến cho cháu chàng có thể thông tin ra ngoài được với anh chị chàng. Chàng ra lệnh bố trí an ninh đêm nay chặt chẽ, cử một người trực gác thường xuyên trước phòng cháu chàng, giữ lại toàn bộ đồ thăm nuôi buổi sáng.
Xong đâu vào đó, chàng vào phòng, đóng cửa lại, rút điếu Jet châm hút, lẩm bẩm:
– Tổ mẹ, ưng ngủ một đêm ở nhà mà cũng không được.
Dù chẳng có gì phải lo lắng, nhưng chàng cũng ngủ không yên giấc. Chàng trằn trọc mãi. Ðến khi chợp mắt được một lúc, chàng lại mơ thấy mình về làng ăn giỗ. Có lúc chàng mơ thấy chàng bồng Cung, dẫn Cung đi chơi. Ba giờ sáng, chàng thức dậy, chế trà uống. Chàng xuống phòng biệt giam, vừa kiểm tra, vừa thăm lại đứa cháu lần cuối. Cung còn ngủ, đầu ngả sang một bên. Chàng cảm thấy loáng thoáng trong lòng đôi chút xót xa khi nghĩ rằng chỉ còn vài tiếng nữa là đứa cháu chàng không còn trên cõi đời này.
Bốn giờ sáng, xe ở Ty lên. Nhận lệnh, ký xong, cắt đặt mọi việc cho đồng chí trợ lý và các cán bộ phụ trách, chàng trở vào phòng, đóng cửa lại, châm thuốc hút, đi lui đi tới, nghe ngóng. Một lát, từ trong phòng biệt giam vang lên tiếng bước chân rầm rập, tiếng lách cách của ổ khóa, tiếng lên đạn. Rồi sau đó là tiếng gào mỗi lúc mỗi lớn của Cung:
– Chú ơi là chú, họ đem cháu đi bắn rồi chú ơi. Chú ơi, cứu cháu với. Chú hứa với cháu là sắp có lệnh ân xá, sao giờ họ dẫn cháu đi bắn, chú ơi. Ba ơi, mạ ơi, con sắp chết rồi. Chú ơi là chú ơi, Liên ơi, trời đất ơi, cách mạng ơi.
Tiếng gào yếu dần đi, vì vừa như có bàn tay ai bịt miệng lại, vừa như không còn hơi sức. Khi dẫn đi ngang phòng chàng, chàng chỉ nghe tiếng ú ớ, tiếng rên rỉ nho nhỏ, rồi lịm dần đi. Chàng bịt tai lại, cắn môi. Tự dưng, chàng rơm rớm nước mắt. Kể ra thì chàng đã quá quen thuộc với cái cảnh này, với tiếng gào của người tử tội. Thông thường thì tội nhân chỉ đủ sức gào lên một câu ngắn rồi ngất đi khi nhận rõ rằng mình sắp chết. Thằng cháu chàng lại gào được lâu hơn, khiến chàng thấy lòng xốn xang.
– Cái thằng cũng mạnh thiệt! Chàng lẩm bẩm.
Ðợi chiếc xe chở tử tội và những người áp tải đi, chàng mới lên xe. Khác với những lần trước, lần này chàng cố tình đi chậm lại. Chàng chỉ đến để chứng kiến, còn mọi thủ tục khác chàng đã giao cho người phụ tá của chàng lo.
Pháp trường là một triền núi vắng vẻ, ở khá xa thành phố. Nói là pháp trường, chứ thực ra chỉ là một bãi đất trống, với một cái cọc để trói tử tội, và một cái hố vừa đào chiều hôm trước. Chỗ bắn thay đổi luôn, mỗi nơi thường chỉ dùng cho một vụ xử. Trừ những vụ phạm tội lớn, đặc biệt là những vụ án phản động hoặc cướp của giết người làm chấn động dư luận, thì pháp trường mới được bố trí ở thành phố, thị trấn để cho nhân dân tự do tới xem, còn những vụ bình thường, ít hay không có ý nghĩa chính trị thì đều được tổ chức bí mật, đơn giản và nhanh chóng.
Ðến nơi, chàng xuống xe, đứng chung với đội hành quyết. Trời chưa sáng. Cây cỏ như còn ngái ngủ. Sương sớm lờ mờ. Lặng lẽ. Ngoài bãi bắn, cháu chàng đã xuống xe, được mở trói và có lẽ đang được phép viết ít dòng từ giã cha mẹ, anh em. Bên cạnh đó là người thủ phó của chàng, đội trưởng đội hành quyết, đại diện tòa án và hai người công an bảo vệ.
Chàng hỏi một người trẻ nhất trong đội hành quyết:
– Chú thi hành công tác này lần đầu?
– Báo cáo thủ trưởng, đúng.
– Cảm giác thế nào?
– Dạ, thấy rờn rợn.
Chàng cười:
– À, thì lúc đầu ai chẳng vậy. Lúc này, tụi bây còn sướng hơn tao hồi trước. Bắn, đỡ run tay. Hồi trước, bọn tao chỉ có chặt, đâm, hay đập bể sọ. Tụi bây có biết vì sao không? Ðể giữ bí mật cũng có, mà để tiết kiệm đạn cũng có. Lúc đầu, ngán ngán, rồi lâu dần cũng quen. Mình cứ tưởng tượng như đập một con gà, con chó gì đó thôi. Người có tội thì chết cũng như con vật, có gì mà phải băn khoăn. À, mà tụi bây có thấy tội nhân vùng vẫy, la hét gì trên xe không? Có ăn hết phần ăn không?
Một người khác trong đội hành quyết trả lời:
– Thằng này cũng lì. Lúc từ nhà lao ra, hắn còn la. Chặp sau, hắn ngồi dậy, ăn uống tỉnh bơ, còn nói đùa nữa chứ. Em nhìn thấy hắn tỉnh quá, mà rờn rợn. Thủ trưởng biết không, hắn còn hỏi em “Anh thích bắn chỗ nào, đầu hay tim?” Lạ! Sao hắn lại tỉnh queo thế, thủ trưởng?
Chàng gật đầu:
– Ðúng là lạ thật! Ðứa nào khi mới nghe dẫn đi bắn, cũng gào lên. Nhưng khi biết chắc không thể thoát chết được, đứa nào cũng bình tĩnh. Ðại đa số lại còn không chịu cho bịt mắt nữa. Tao nghĩ chắc cái chết cũng nhẹ nhàng thôi, phải không tụi bây?
Chàng cố gượng vui, chứ thực tình, lòng chàng cũng có phần xao xuyến. Chàng định ở đây luôn cho đến khi vụ xử bắn kết thúc, nhưng một anh bảo vệ chạy vội ra:
– Báo cáo thủ trưởng, tội nhân xin được gặp chú.
Chàng miễn cưỡng bước đi. Trời mờ mờ sáng. Cung đã được trói chặt vào cột, đầu gối quỳ xuống đất, hai tay quặt ngược ra phía sau. Mặt mày tái nhợt, nhưng trông Cung rất bình tĩnh. Thấy chàng, Cung nhếch mép:
– Vĩnh biệt chú. Cháu không có gì trách chú hết. Cho cháu điếu thuốc.
Chàng lấy điếu Jet, mồi lửa, nhét vào môi đứa cháu. Ðôi môi run rẩy, lặp bặp ngậm điếu thuốc. Cung hít một hơi dài, nhắm mắt lại. Ðiếu thuốc động đậy, rớt xuống đất. Chàng lấy một điếu khác, châm, rồi gắn vào môi Cung. Chàng nói, mắt nhìn tránh đi chỗ khác:
– Thuốc của mạ cháu bới vào hôm qua đó.
Cung cố hít lấy hít để khói thuốc trước khi điếu thuốc lại rớt xuống đất. Anh ta ngẩng đầu nhìn người chú, giọng có hơi lạc đi:
– Nói họ đừng bịt mắt cháu nữa. Cháu không sợ.
Chàng gật đầu, nhưng không làm gì cả. Chàng vội bước lui, đi thẳng, không ngoái đầu lại. Ðến một nơi cách chỗ bắn khá xa, chàng dừng lại, nhìn mông lung về phía chân trời đang hửng sáng.
Một lát sau, một loạt đạn nổ rền vang. Chàng giựt nẩy mình, nhưng vẫn đứng yên, mắt nhìn đâu đó trong khoảng không gian mờ mờ trước mặt. Ðợi cho phát súng ân huệ cuối cùng vang lên, chàng mới quay lui. Từ xa, chàng nhìn thấy đầu đứa cháu ngoẹo sang một bên. Chàng cúi đầu, cắn môi, vội vã bước ra xe, bảo tài xế lái về nhà.
– Về thắp cho hắn mấy nén nhang, Phạm lẩm bẩm.
Trời đã sáng hẳn.
Trần Doãn Nho
(4/1994-nhuận sắc 4/2025)
[1] Jet, một loại thuốc lá có đầu lọc đắc tiền, được nhập lậu vào Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1980, rất được các quan chức nhà nước cộng sản ưa thích.