Đỗ Trường: Nguyễn Châu – Lời kết còn bỏ ngỏ
Tôi được tặng tập Truyện ngắn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Châu đã khá lâu, song lần lữa mãi chưa viết xong đôi ba lời cảm nhận. Bởi cái món này, dường như ít khi chiều theo ý của con người. Đôi khi đang viết cái này, bất chợt nảy ra ý tưởng cho bài viết khác, nên đành phải chuyển bút. Tôi đã biết, và đọc Nguyễn Châu đã khá lâu rải rác trên các trang mạng văn học, hay Tập san Ngôn ngữ, Quán văn…Cái đọng lại trong tôi là lời văn giản dị mộc mạc, cùng những câu chuyện với lời kết còn bỏ ngỏ của Nguyễn Châu. Cùng những đặc điểm này, do vậy khi đọc Nguyễn Châu làm tôi nhớ đến truyện ngắn của Khánh Trường. Tuy nhiên, giọng văn mỉa mai Khánh Trường hơi cay nghiệt, khác hẳn với sự nhẹ nhàng trữ tình của Nguyễn Châu. Song cả hai nhà văn này, đều cho người đọc sự hụt hẫng, tiếc nuối, bởi cái kết bất ngờ của câu chuyện. Với đặc tính này, dường như, nhà văn buộc mỗi người đọc phải viết tiếp lời kết theo suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình chăng?
Nhà văn Nguyễn Châu sinh năm 1950, người xứ Quảng, hiện đang sống và viết tại Saigon. Ông đến với thơ văn rất sớm, song viết không nhiều. Sau tập thơ đầu: Trên miền tóc xanh, xuất bản năm 1969, cho mãi đến năm 2001 Nguyễn Châu mới cho in hai tác phẩm văn xuôi: Nỗi niềm, và Dòng sông trơ đáy. Rồi hai chục năm sau nữa, ông thủng thẳng cho ra lò hai tập truyện ngắn: Đôi dòng (2018) và Giọt nắng trong sương (2022). Và với tập Truyện ngắn chọn lọc, hay tuyển tập này, như đã được thời gian sàng lọc, đánh dấu tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Châu trên Văn đàn Việt Nam vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ, dù ở cái tuổi xưa đã hiếm, nhưng đây vẫn chưa phải là tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Châu.
Tư tưởng nhà văn trước thực trạng xã hội.
Tôi chưa thể đọc và nghiên cứu hết về Nguyễn Châu, song có thể nói, văn xuôi của ông hầu như được viết sau 1975. Bởi đọc ông, ta nhận ra, cái tư tưởng, nhận thức về một chủ thuyết, con người thông qua lối viết khi thì bộc lộ, lúc ẩn dụ xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Châu: “Những con người hiền lương bị tiêm nhiễm chất độc vô hình, trở thành ác thú“. (Đ. Chót là tôi). Với nhận thức, tư tưởng như vậy, cho nên Nguyễn Châu luôn mượn những hình ảnh, cảnh vật thiên nhiên, để nói lên cái hiện thực, sự chán chường, buồn đau trước sự bần cùng hóa cuộc sống, xã hội và con người:
“Hùng “gấu” tìm về Saigon, căn nhà của gia đình Diễm đã sang tay người khác, khu vườn hoa xinh tươi ngày trước đã lụi tàn, thay vào đó những vồng khoai lang, rau dền, rau muống…Giàn bông giấy trước cổng chỉ còn trơ gốc xù xì, lưa thưa vài ba đọt non vừa nhú, đang cố vươn mình“ (Bèo dạt mây trôi)
Từ đó, Nguyễn Châu đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ngòi bút của ông đã bóc trần cái thực tại, những mĩ từ hòng nhằm che đậy cái thối tha bỉ ổi đó. Và “Đ. Chót là tôi“ là một truyện ngắn như vậy. Nó cũng là một trong những truyện ngắn hay, tiêu biểu cho đặc điểm, khía cạnh này của văn xuôi Nguyễn Châu. Với lời văn nhẹ nhàng, cùng lối so sánh, hình ảnh ẩn dụ, nhà văn gây cho người đọc tiếng cười mỉa mai sâu sắc mà kín đáo:
“Chỉ có cầu Hiền Lương chia cách hơi lâu, mấy chục năm thím hỉ? Mẹ tôi run run quệt vôi hồng hồng lên lá trầu xanh, nói bâng quơ: Non sông đã liền một dãy, nhưng dòng sông trong lòng người ngày càng sâu hiểm hơn phá Tam Giang! Chú thím tôi giờ quá ngon, mấy chục năm “thoát ly” không trầy vi tróc vẩy chút nào. Ngày đoàn viên chỉ mang về cái “xắc-cốt”, nhưng nay giàu có lên từng ngày.“ (Đ. Chót là tôi)
Với thủ pháp giễu nhại, từ tên người, cái tựa cho đến từng chi tiết câu chuyện, Nguyễn Châu đã chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Và cười hay khóc đều chứa đựng cái trớ trêu, bi hài. Tuy nhiên, nếu ta đã đọc Thảo Trường, Trần Kỳ Trung, hay Khánh Trường sự giễu nhại, hài hước được thông qua lời thoại mang tính sân khấu, kịch trường từ đó bật ra những tiếng cười chua xót, thì văn xuôi, truyện ngắn Nguyễn Châu chỉ là những lời kể, sự trần thuật. Song đọc nó, ta vẫn thấy sự sinh động, bởi khả năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh của Nguyễn Châu:
“Ngày sinh tiền, cha với chú không gặp nhau thì thôi, chớ gặp nhau là bất đồng mọi sự. Chú nói cha cố chấp, cha nói, chú bị “nhồi sọ”. Bà nội may mà điếc nặng, mắt đã lòa nên chỉ ngồi bó gối nhìn ra khoảng trời xanh bao la, không ai biết nội nghĩ gì… Riêng tôi, sinh vào buổi sáng 30.4.1975. Bây giờ hơn nửa đời người, cha tôi đã mất, đôi lần tôi định hỏi mẹ về chữ lót Đ. của tôi, nhưng mẹ móm mém cười bí hiểm như nàng Mona Lisa… Cũng vì cái tên Đ. Chót mà đời tôi lên bờ xuống ruộng, một lũ ngu si xuyên tạc và “chụp mũ” lên tên cúng cơm của tôi. Chúng nó nghĩ ra nhiều điều oái ăm và tàn bạo mà người lương thiện không bao giờ dám nghĩ. Tôi đâu có đặt tên mình, tôi còn không biết ý nghĩa vậy mà chúng truy ngược mấy đời nhà tôi…“ (Đ. Chót là tôi)
Long Mã Tà, tuy không nằm trong top những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Châu, nhưng cho tôi nhiều cảm xúc, và sự đồng cảm trước nỗi bất hạnh của con người. Và với một xã hội tàn bạo, vô pháp như vậy, song ở đó ta vẫn tìm được cái tình người còn sót lại, mà ở đây là giữa người bác sĩ (quản tù) với người tù cải tạo. Đọc nó, làm cho tôi nhớ đến truyện ngắn: Ở cuối hai con đường của Phạm Tín An Ninh. Thật ra, sự tịch thu tài sản, áp chế đi kinh tế mới, không chỉ xảy ra ở miền Nam sau tháng 4-1975, mà ở cả miền Bắc cái chỉ thị Z30 quái đản đã cướp bóc, tàn phá, giết chết tâm hồn, lẫn thể xác không biết bao con người và gia đình, dẫn đến luân lý, đạo đức xã hội đảo lộn tùng phèo. Cảm ơn Nguyễn Châu và truyện ngắn Long Mã Tà cho người đọc hồi ức về một thời khủng khiếp đó:
“Bà Khởi, bà Kỳ bàng hoàng, chỉ nhận biết những gì xảy ra khi cửa mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài sản”. Nhà cửa bị niêm phong. Hai gia đình có bảy ngày chuẩn bị đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Long không còn được lưu dung. Mảnh bằng đại học sư phạm, chỉ được chọn nghề cu-li hay về nông thôn tham gia sản xuất…Cây thánh giá cùng tượng Chúa bùi ngùi xót thương con chiên ngoan đạo, chỉ một sớm một chiều mất đi tất cả: Chồng, nhà cửa và gia tài một đời ki cóp. Bà khuyên anh: Chớ nhận họ hàng“ (Long Mã Tà).
Tuy nhiên, với truyện ngắn Long Mã Tà có lẽ Nguyễn Châu chưa nghiên cứu kỹ, hoặc lầm lẫn, nên đã viết: “Xong trung học, Phượng thi vào trường Đại học an ninh“. Thật ra, trước khi di cư vào Nam năm 1954, Long đã đi học cùng Phượng. Do vậy, Phương xong trung học khoảng năm 1965- 1966. Ở miền Bắc thập niên sáu mươi cho đến đầu thập niên bảy mươi chưa có trường đại học an ninh, hay cảnh sát, mà chỉ có các trường sơ, trung nghiệp vụ. Biết rằng, là truyện ngắn nhà văn có thể hư cấu, song truyện mang tính thời sự xã hội dứt khoát phải đưa đến người đọc sự chân thực nhất.
Thân phận con người dưới ngòi bút nhân bản.
Đi sâu vào nghiên cứu ta thấy, không chỉ từ ngữ mộc mạc, mà hình ảnh, sự liên tưởng của Nguyễn Châu cũng rất dân dã, gần gũi và sâu sắc. Do vậy, đọc: Đi tìm hành trình của cha tôi, sự liên tưởng, so sánh thân phận con người, đất nước, Nguyễn Châu làm cho ta phải rưng rưng ngấn lệ. Và hơn thế nữa, hồn vía, tư tưởng Nguyễn Châu gắn liền với đời sống xã hội rất bình dị, chân thực: “Người dân quê tôi như kiến bò quanh lòng chảo, không biết bị lửa đốt nóng lúc nào. Đất nước ngả nghiêng, trầm mình mang thân phận nhược tiểu đớn đau”.
Vì vậy, tôi là ai, dân tộc tôi đi về đâu? Câu hỏi quay vòng buộc ngòi bút Nguyễn Châu phải đi tìm. Nhưng chân lý, và cuộc sống không thuộc về chính nhà văn, và cả những con dân trên mảnh đất khổ đau này. Thật vậy! Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, rồi cả thế hệ ông buộc phải cầm súng. Để rồi thời thế đổi thay: lưu manh và đại loạn. Vì vậy, kiếp cu li với tù đày là nơi họ phải đến. Và: Đi tìm hành trình của cha tôi, đọc nó, tôi không nghĩ đó là truyện ngắn, mà như một lời tự sự, tâm bút rút ra từ cõi lòng của nhà văn Nguyễn Châu vậy:
“Tôi là ai? Lịch sử đất nước tôi bị quay vòng trở lại như ngày cha tôi bị cưỡng bức lên tàu sang Pháp làm cu-li cho mẫu quốc hay bỏ xác nơi hoang địa xứ người. Hai mươi năm tương tàn, cũng đủ cho thế hệ chúng tôi trở về nơi xuất phát của cha tôi“
Sau chiến tranh những người lính VNCH như Hùng, Hiền, Hưng hết tù nhỏ, rồi trở về nhà tù lớn. Và xích lô, bagac cùng những vòng quay cuộc đời của họ, đã được Nguyễn Châu khắc họa rất chân thực và sinh động ở truyện: Bèo dạt mây trôi. Và ở đó, ta không chỉ thấy được tình yêu, mà còn thấy được tấm lòng cao cả của người lính: “Tôi thật lòng và cũng đầy mâu thuẫn khi muốn Hùng được gặp lại người xưa…đồng thời mong cho Diễm có cuộc sống tốt đẹp hơn những ngày tôi còn ở bên nàng. Không lâu… nàng lặn lội lên Đắk Lắk, vào tận lâm trường tìm tôi. Nhưng tôi lánh mặt. Ngồi nhìn dòng nước róc rách len theo khe đá nhỏ sau cơn mưa, lòng tôi cuộn lên đau đớn. Nàng có hiểu được lòng tôi?”
Và Tám Dô, một câu chuyện gây cho người đọc nhiều cảm xúc. Bởi, cái thân phận rẻ mạt của người dân bị ngoại bang hè nhau giật dây, và hãm hiếp. Sự trớ trêu ấy, tưởng chừng là những chuyện bù khú, bông phèng, song lắng lại một giây thôi, thì dường như Nguyễn Châu cô lại cho ta một nỗi đau không thể gọi thành tên. Thật vậy, Tám Dô trước đi bộ đội, bị Quân đội VNCH bắt tù hai năm. Sau đi lính Việt Nam Cộng Hòa, lại bị bộ đội bắt tù, và gán cho cái tội chiêu hồi. Vâng! Đó là một bi kịch. Và bi kịch của Tám Dô cũng là bi kịch chung cho cả một dân tộc nhược tiểu này. Đây là một trong những truyện ngắn hay, và tiêu biểu về thân phận con người ở văn xuôi, truyện ngắn Nguyễn Châu. Đọc nó, chợt làm tôi nhớ đến truyện ngắn: Cũng một kiếp người của tôi (Đỗ Trường) viết cách nay đã khá lâu, có cùng một số phận.
Đi sâu vào đọc, ta thấy dường như Nguyễn Châu ít đi vào phân tích, miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, mà nặng phần kể, và trần thuật. Kể cả đề tài về trí thức và thân phân của họ, khi Nguyễn Châu đi sâu vào khai thác. Giáo Ba là một truyện ngắn điển hình như vậy của ông. Mười năm tù cho một tội danh không có thực, song Giáo Ba vẫn giữ được khí tiết của kẻ sĩ. Có thể nói, Giáo Ba là hình ảnh tiêu biểu cho trí thức miền Nam sau 1975, có tấm lòng nhân bản, làm việc, và hành động theo tư tưởng tự do, dù có người cha là đại quan của chế độ mới. Trích đoạn dưới đây, không chỉ cho ta thấy nỗi đau của người trí thức, mà còn cho thấy pháp luật là cái sân khấu hề chèo:
“Sau ba năm trên đất nước bạch dương, Giáo Ba khăn gói hồi hương…Các trường đại học mời anh giảng dạy, nhưng anh yêu cầu chỉ dạy chuyên môn và từ chối bất cứ sinh hoạt nào khác. Thời gian sau người ta cho anh nghỉ dạy… nhân vật chính phản động được chuyển giao cho Giáo Ba. Mười năm tù đã thành án…Ngày ra tù anh như ông lão, gầy quắt, râu ria như ông đạo núi Tà Lơn. Dân làng đón anh về trong vòng tay trìu mến, thương xót… Rồi anh lại lọc cọc đạp xe đi dạy kèm, luyện thi đại học.“ (Giáo Ba)
Ngòi bút Nguyễn Châu luôn đứng về lẽ phải, và những người bần cùng khốn khó. Lòng nhân bản, sự cảm thông đủ để cho ông viết nên: Mây Trắng. Một truyện ngắn xoay quanh thân phận cô gái làm nghề massage nhạy cảm. Nghề mà bấy lâu đã bị xã hội chà đạp, định kiến: “Xã hội thừa nhận một nhu cầu có thật hiển nhiên, một nghề đã được tồn tại từ ngàn xưa đã bị bọn đạo đức “giả cầy” liệt vào hạng không ra gì!“ (Mây Trắng). Vì vậy, với truyện ngắn này, dường như nhà văn muốn trả lại sự trong sáng,lành mạnh với giá trị ban đầu của cái nghề bị thành kiến bấy lâu. Thật vậy, Bạch Vân hay Mây Trắng tên nhân vật, cũng là tên của truyện ngắn này, như hàm chứa ý đồ của tác giả vậy:
“Thời gian nghiệt ngã và sự đào thải là quy luật bất biến, phấn son không thể che lấp vết hằn năm tháng ở tuổi hơn ba mươi như nàng. Nơi này, những đóa hồng mơn mởn tươi mát, trang phục khiêu gợi tăng thêm vẻ kiều diễm, rực rỡ dưới ánh đèn ma quái và hơi nồng men rượu của những vị khách phè phỡn, lắm của nhiều tiền. Đôi lúc nàng phản đối và phẫn nộ vì những hành vi nham nhở của những người đàn ông mang tâm hồn dã thú.” (Mây Trắng)
Nếu nói: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo đã làm nên tác phẩm văn học, thì tôi nghĩ, truyện ngắn, văn xuôi Nguyễn Châu đã làm được điều đó. Mỗi truyện ngắn là những câu chuyện ngoài xã hội, hay những trải nghiệm của chính tác giả. Sự chiêm nghiệm, lòng nhân bản ấy đã làm nên hồn vía thơ văn Nguyễn Châu.
Tình yêu và nỗi đau của quê hương, đất nước.
Tình yêu trong nỗi đau của quê hương, đất nước là một trong những đặc điểm quan trọng làm nên sự nghiệp thơ văn Nguyễn Châu. Vì vậy, có thể nói những trang viết về đề tài này của Nguyễn Châu có lời văn rất đẹp, đưa đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Mỗi truyện ngắn của ông như trang nhật ký, lời tự sự buồn về cuộc sống, cùng nỗi u hoài về quá khứ. Và dường như, càng lớn tuổi con người càng muốn trở về tuổi thơ, với những dấu chân xưa. Nhưng con đò, và dấu chân xưa đã bị xóa nhòa, chìm sâu vào dĩ vãng để lại nỗi đau trong lòng người. Đọc đoản văn ở truyện: Đôi mắt của Nguyễn Châu chợt làm tôi nhớ đến tâm trạng và nỗi buồn cũng của nhà thơ xứ Quảng Nguyễn Văn Gia: “Chẳng còn đâu bóng tre xanh/ Quê nhà giờ đã trở thành cố hương/ Ngậm ngùi ta giữa phố phường/ Mơ mùa trăng cũ ruộng vườn tiếng chim“. Vâng, có lẽ đó không phải nỗi buồn đau riêng của Nguyễn Văn Gia, hay của Nguyễn Châu:
“Nét phồn hoa đô thị đã xóa mất dấu chân tôi, tôi lạc lõng giữa bao người son trẻ. Tôi đứng nhìn dòng sông lững lờ trôi, nhưng không còn xanh mát thuở nào. Những con đò ngang xuôi ngược, đưa tôi về bãi dâu xanh ngút ngàn Gò Nổi đã chìm sâu vào lòng tôi thăm thẳm. Tơ lụa Duy Xuyên óng ánh nắng chiều phai, mênh mông tình người đã bay theo gió bụi.“ (Đôi mắt)
Có thể nói: Tình tôi bên dòng kênh Nhiêu Lộc là áng văn cho tôi nhiều cảm xúc nhất viết về mảng tình yêu của Nguyễn Châu. Đọc nó, ngoài tình yêu trong sáng, hồn nhiên, nó còn để lại trong lòng người một sự tiếc nuối khôn nguôi. Cái thuở ban đầu này, dường như nhà văn nào bắt đầu cầm bút cũng đã phải trải qua. Nhưng còn đọng lại trong lòng người đọc như Nguyễn Châu, không phải ai cũng viết được:
“Chỉ còn hơn mười ngày nữa đến Tết Nguyên đán, tôi sẽ trở về miền Trung yêu dấu của tôi, bên cha mẹ, họ hàng nhưng tôi không nỡ xa nàng. Nàng trả tôi cuốn sách, tôi lật vội tìm thư hồi âm, thư tôi vẫn y nguyên nếp gấp, nàng chưa hề đọc một dòng, bởi nàng không biết chữ. Dù nàng là ai, chữ nghĩa đối với tôi bây giờ là vô nghĩa.
Thế rồi sau bao nhiêu năm lưu lạc tôi tìm về xóm cũ…Ngôi nhà của chú T. và nàng bên dòng kênh Nhiêu lộc đã thay ngôi đổi chủ. Nhưng nét hồn nhiên của nàng vương vấn mãi trong tôi“ (Tình tôi bên dòng kênh Nhiêu Lộc)
Nếu được phép tuyển chọn, với tôi: Khu vườn không có ánh trăng, là một trong những truyện ngắn hay, toàn bích nhất của Nguyễn Châu. Từ chiến tranh chết chóc, cho đến hòa bình với chuyện tình của những cặp vợ chồng Kinh – Thượng xuyên suốt truyện ngắn này. Thị thành, mưu sinh không thể tách họ (những người như Ka Mang, hay K’Riêng) ra khỏi cội nguồn. Và cái văn hóa, buôn làng ấy không thể hòa tan ở miền đất mới. Do vậy, họ luôn muốn tìm về nơi cội nguồn. Ở đó mới thực sự cho họ bình yên. Đọc Khu vườn không có ánh trăng, không chỉ thấy tình yêu cao thượng của những Ka Mang, K’Riêng, hoặc của Song, của Ngân, mà còn cho ta lời cảnh báo, hay thỉnh cầu: Đừng tàn phá, cũng như đừng tách con người ra khỏi môi trường thiên nhiên và văn hóa vậy:
“Gà đã gáy nhưng trời chưa đủ sáng. Ánh trăng thượng tuần vắt chơi vơi trên nền trời xanh thẳm, Song bật dậy nhìn quanh, Ka Mang không ở bên mình. Ngân ngạc nhiên khi không nghe tiếng tia nước rơi rạt rào trên lá, trên cây của K’Riêng. Hai anh em đã về nơi họ đã ra đi, trở về buôn làng của họ: Bộ tộc Mạ hiền hòa trong rừng sâu đại ngàn với tiếng chim hót bình yên và dòng suối trong veo thơ mộng muôn đời.”
Xuất phát từ tình yêu, và nỗi đau ấy, cho nên Nguyễn Châu đã mượn lịch sử để chọc vào cái ung nhọt, bán mua chức quyền của những kẻ bất lương, hèn nhát ngày nay. Và Dĩ vãng là một truyện ngắn tiêu biểu như vậy của ông. Tuy nhiên, lời văn mang tính thế sự này của Nguyễn Châu vẫn nhẹ nhàng. Không đao to búa lớn, không một lời luân tội, song ta thấy được bút lực của nhà văn.
Do vậy, có thể nói, truyện ngắn Nguyễn Châu đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, song bố cục, tình tiết đơn giản, ít mâu thuẫn, xung đột chồng chéo, đan xen với nút thắt mở. Từ đó, nó cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, và đến gần hơn tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, với những đặc điểm này, truyện ngắn của ông ít có được những tình tiết, hành động gây bất ngờ cho người đọc.
Leipzig ngày 19-2-2024
Đỗ Trường